Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 19/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Nghĩa tình Salavan và Champasak

Tỉnh Salavan và tỉnh Champasak được nhiều người Việt Nam biết đến bởi đây là một vùng đất thuộc Nam Lào thanh bình, xinh đẹp. Địa danh này gắn liền với tuyến đường Hồ Chí Minh lịch sử và hôm nay là hành lang kinh tế Đông Tây trong công cuộc đổi mới, hợp tác và xây dựng giữa hai nước Việt Nam - Lào.

Vào những ngày cuối tháng 10 năm 2018, tôi có dịp theo đoàn công tác của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Trị sang thăm và làm việc tại tỉnh Salavan và tỉnh Champasak. Xe qua khỏi cửa khẩu Quốc tế La Lay, lăn bánh trên đất nước Lào thanh bình mến khách, một ước muốn trong tôi là được đến thật nhiều nơi và trải nghiệm. Theo con đường Quốc lộ 15 hướng về thị xã Salavan, xe chúng tôi lao vun vút qua các bản làng biên giới. Nhìn hai bên đường là những ngôi nhà sàn đơn sơ, hình ảnh những em bé chân trần cắm cúi bước đi với những gùi mây trên lưng theo mẹ lên rẫy. Đi sâu khoảng vài chục cây số, trước mắt tôi hiện ra cao nguyên trập trùng với những cánh đồng bao la phủ một màu xanh cao su bạt ngàn, thẳng tắp. 

Sau hơn 4 tiếng đồng hồ, đoàn chúng tôi đã có mặt ở thị xã Salavan, thủ phủ của tỉnh Salavan. Trưởng ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Salavan Sỉ-hiêng-hỏm Xỏm-băt đã chờ sẵn trước khách sạn Seng-tha-vi-xay để đón tiếp chúng tôi. Các thành viên trong đoàn ai cũng phấn khích trước sự đón tiếp nồng hậu của những người anh em. Tối hôm đó, những người bạn Lào tiếp chúng tôi bằng bữa cơm thân mật, bằng lời ca tiếng hát, bằng tấm lòng chân tình, hữu nghị như đón người thân lâu ngày trở về.

Chuyến thăm và làm việc của đoàn Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Trị với Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy và Sở Giáo dục - Thể thao tỉnh Salavan và tỉnh Champasak được đánh dấu bằng các biên bản ghi nhớ, các thỏa thuận hợp tác và những kỷ niệm sâu sắc trong các buổi đi tham quan một số điểm di tích văn hóa để hiểu thêm về đất nước Lào. Ấn tượng nhất là đoàn chúng tôi đến viếng ngôi đền Wat Phou, còn gọi là “chùa Núi”. Được xây dựng từ thế kỷ thứ IX đến XIII, Wat Phou là một trong những đền thiêng liêng nhất của các vương triều Khmer, trước khi người Khmer di chuyển về phía Nam để xây dựng khu đền đài Angkor Wat ở Siêm Riệp, Campuchia. Wat Phou là đền thờ xưa nhất ở Lào, năm 2001 được UNESCO công nhận là Di sản thế giới.

Không quản mệt nhọc để khám phá, chúng tôi leo 77 bậc cấp đá sa thạch xếp chồng lên nhau để lên đền thượng, tọa lạc ở lưng chừng ngọn núi thiêng Phou Kao (Núi Voi). Hai bên đường là những cây hoa Chăm pa cổ thụ khoảng một nghìn năm tuổi. Ở đây, cứ mỗi mùa xuân đến, vào dịp lễ hiến tế Wat Phou hoa Chăm pa nở trắng rừng, sực nức hương thơm. Truyền thuyết kể rằng, con gái lãnh chúa Mương Champa Nakhon là nàng Phăn trở thành Nữ hoàng đầu tiên của xứ sở này bị một chàng trai quyến rũ rồi bỏ đi không trở lại, nàng Phăn hận đời mà có một lời nguyền: Người con gái nào bị con trai quyến rũ mà chửa hoang như nàng thì phải cúng Thần một con trâu để giải tội. Nếu không thì lúa trên rẫy sẽ chết khi thành bông, lúa trên đồng sẽ khô héo, tàn lụi. Vậy nhưng tội lỗi vẫn không bao giờ hết, ở đâu cũng có những cô gái “lầm lỡ”. Vì vậy hàng năm vẫn diễn ra lễ hiến tế chùa Núi. Ngày nay lễ Wat Phou là lễ hội Phật giáo của cả vùng Nam Lào, một trong những lễ hội lớn nhất ở Lào, được tổ chức liên tục trong ba ngày vào dịp rằm tháng 3 âm lịch.

Tư tưởng Phật giáo ăn sâu vào tiềm thức mỗi người dân Lào, chi phối mạnh mẽ đến toàn bộ đời sống tinh thần, văn hóa của người dân tạo nên một nền văn hóa Lào rất riêng. Người Lào luôn tuân theo lời dạy của đức Phật là sống hướng thiện, sống chan hòa với tâm niệm từ bi hỷ xả. Cũng vì thế mà người Lào có bản tính hiền lành, thật thà, chất phác, dễ mến và trọng danh dự. Tính cách ấy biểu hiện rõ trong ánh mắt, nụ cười, cử chỉ và dáng điệu của mỗi con người. Trong gặp gỡ, giao lưu và làm việc với các bạn Lào, chúng tôi cảm nhận được sự ấm áp, gần gũi, thân thiện từ cử chỉ cúi đầu, chắp tay chào kèm theo lời chào “Xa-bai-đi” thể hiện lòng kính trọng và sự khiêm nhường. Rất nhiều người bạn Lào nói được tiếng Việt đã giúp cho quá trình giao lưu, trao đổi kinh nghiệm công tác được thuận lợi hơn.

Điều ấn tượng nhất đối với tôi là văn hoá giao thông và văn hoá giao tiếp của người Lào. Họ nhường nhau trong tham gia giao thông, xe ô tô không lấn làn, ít dùng còi xe; họ chân thành, chất phác và đôn hậu trong ứng xử với nhau. Đức tính quý của người Lào là trung thực, thật thà, khiêm nhường. Trong văn hóa ứng xử, người Lào biết nhường nhịn, không lớn tiếng cãi cọ nhau, điều này thể hiện ngay cả trong buôn bán. Chúng tôi vào chợ Pakse - một khu chợ sầm uất nằm giáp biên giới với Thái Lan và Việt Nam, cảm nhận ở đây một nhịp sống bình yên, sự thân thiện và mến khách. Tuy chợ đông đúc, nhộn nhịp, nhưng người mua, người bán không ồn ào, không có chèo kéo, nói thách trong mua bán. Chợ Pakse mới, người dân ở đây quen gọi là chợ Đào Hương (tên một doanh nhân Việt kiều) phục vụ nhu cầu buôn bán chủ yếu cho bà con người Việt và người dân địa phương, nên ở đây đa số tiểu thương là người Việt Nam sang làm ăn, hoặc người Lào gốc Việt. Dù là người Việt hay người Lào ở trên vùng đất này đều thuận hòa, giúp đỡ nhau cùng buôn bán, mưu sinh.

Người ta thường nói, bạn sẽ không thể hiểu được văn hóa của một đất nước nếu bạn chưa thưởng thức món ăn đặc trưng của vùng đất đó. Lào cũng như các quốc gia trong khu vực có nền ẩm thực đa dạng, tất cả đều mang hương vị vừa quen lại vừa lạ, quen vì các nguyên liệu không quá khó tìm, nhưng lạ ở cách chế biến tinh tế, công phu. Chúng tôi may mắn đã được thưởng thức những món ăn bình dị truyền thống của vùng đất này qua những lần bạn Lào thiết đãi. Ấn tượng nhất là buổi chia tay, bạn mời chúng tôi đến một nhà hàng trên sông Mê Kông, đó là nhà hàng nổi Hưu-phe ở Pakse. Chúng tôi ngồi bên nhau ngắm nhìn hoàng hôn buông xuống phía Tây, nhâm nhi bia Lào và thưởng thức các món ăn đặc sản của dòng Mê Kông trù phú. Phía trên sân khấu, các bạn Lào hát vang ca khúc “Tình Việt - Lào anh em”, “Cô gái Sầm Nưa”, “Thắm tình hữu nghị Việt-Lào”... bằng hai thứ tiếng Việt, Lào, rộn ràng cùng điệu múa lăm vông mượt mà, uyển chuyển.

Càng đến giờ phút chia tay, chúng tôi càng cảm nhận sâu sắc tình cảm nồng ấm, đầy lưu luyến của cán bộ và nhân dân Lào dành cho những người anh em Việt Nam. Tôi còn nhớ mãi lời tâm sự của đồng chí Phó Bí thư, Phó Tỉnh trưởng tỉnh Salavan Bua-thong Khun-nhọt-păn-nha trong buổi đoàn đến tiếp kiến: “Lào và Việt Nam tuy tiếng nói khác nhau, văn hóa có nét khác nhau, nhưng tấm lòng thì giống nhau, thân thiết, gần gũi như cùng trong một nhà” và lời chúc của đồng chí Sỉ-hiêng-hỏm Xỏm-băt, Trưởng ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Salavan trong buổi lễ buộc chỉ cổ tay dành cho đoàn ngày mới đến: “Chúc cho tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào mãi mãi xanh tươi. Chúng ta nguyện tiếp tục cùng nhau làm hết sức mình để giữ gìn, thắt chặt hơn nữa mối tình đoàn kết, hữu nghị và quan hệ hợp tác giữa hai tỉnh; tăng cường sự phối hợp và hợp tác sâu hơn nữa giữa hai Ban Tuyên giáo và đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục cho thế hệ kế cận hiểu và giữ gìn mối tình đoàn kết Việt - Lào”.

Trong bốn ngày lưu lại trên mảnh đất Salavan và Champasak, tình đất, tình người của xứ sở hoa Chăm pa đã để lại cho chúng tôi những ấn tượng tốt đẹp về tình đoàn kết hữu nghị, thủy chung, son sắt. Điều đó càng minh chứng cho câu nói của đồng chí Lãnh sự quán Việt Nam tại tỉnh Savannakhet mà mấy năm trước tôi có dịp theo đoàn Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Trị sang thăm và làm việc: “Các đồng chí ạ, đến Lào để thấy tình anh em!”.

T.Q.H

 

 

TỪ QUANG HOÁ
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 293 tháng 02/2019

Mới nhất

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Viếng Nghĩa Trủng Đàn đầu năm Giáp Thìn

08/04/2024 lúc 22:34

Mười năm rồi lại trăm nămĐàn Nghĩa Trủng mãi ơn Hoàng Bích KhêTử sĩ Tây Sơn

Giêng hai gieo những ngọt ngào; Ký gửi

08/04/2024 lúc 22:33

Giêng hai gieo những ngọt ngàoGiêng hai lúa đã xanh đồngGiêng hai cải đã trổ

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

20/04

25° - 27°

Mưa

21/04

24° - 26°

Mưa

22/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground