Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 30/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Nghiệp biển

T

rước lúc vào nghiệp văn có thời tôi sống bằng nghề biển. Cũng may cho tôi là mới dính với nghề biển chứ chưa mang cái “nghiệp biển” vào thân bởi lẽ tôi không có năng khiếu nghề biển. Tôi không sinh ra ở bên cọc chèo, nhúm rau thai của tôi không ném xuống biển nhưng lại được chôn xuống cát như một đoạn dây neo loằng ngoằng, biến thành con giun đất bò qua những nấm mộ của những người chết biển trong dòng họ tôi. Không biết những vong linh thiêng liêng ấy có ám ảnh tôi không mà cho đến bây giờ tôi vẫn chưa trả hết nợ biển, ít nhất là trên những trang viết.

Ở cạnh nhà tôi có một ông thợ mộc có cái nghề “cha truyền, con nối” là đóng quan tài! Nhưng chỉ đến đời ông thôi. Còn đám con cháu “chuyển kênh” từ lâu. Nói thật, nhiều lúc tôi cứ sợ cái tiếng búa chan chát, tiếng lưỡi cưa xoèn xoẹt, tưởng như cưa xương, rút tuỷ mình. Gặp đám thanh niên trai tráng bắp thịt nổi gân cuồn cuộn đến chơi, ông cụ bưng một vò rượu ra cho đám ngư dân ấy uống và cứ nheo nheo ngồi ngắm từng người một. Thấy lạ tôi hỏi: “Này ông, sao ông cứ nhìn như muốn mổ xẻ họ ra vậy?”. Ông cụ thủng thẳng nói làm tôi rụng thót tim: Tao đang “đo áo” cho họ đó. Bề ngang thì gần bằng nhau nhưng có thằng cao, thằng thấp, phải ước lượng mà đóng chứ không thì có mà “lỗ ván”. Ông cụ ấy có một trí nhớ tuyệt vời về những ngày giỗ của những người chết biển trong làng. Có ngày mấy chục nhà làm giỗ. Những cơn bão bất ngờ dân quê tôi quen gọi là “lốc” mà có khi nhà khí tượng báo không kịp, không chính xác. Thường, cánh đàn ông hay đến hỏi ông: “Tháng này có giỗ nhà ai?” Nhiều lúc tôi thấy ông ngồi lẩm nhẩm tính toán mua thêm ván mà không khỏi giật mình. Những ngày đó ông làm việc thâu đêm, đóng quan tài xếp chật nhà. Quả nhiên, tháng đó có bão to và bất ngờ thật. Bão đi qua không đáng sợ bằng lúc gió trở chiều quay lại. Lúc đó dân biển thường chủ quan. Con quái vật này giấu mình thật khéo sau cái lặng ngắt để tung cái vòi bạch tuộc ra nhặt lấy từng mạng người như nhặt từng hòn sỏi vậy. Cơn bão năm 1996 đã làm cho hàng trăm bè mảng dân Thanh Hoá trôi la liệt vào cửa Lạch làng tôi. Tất cả những người chết biển tội nghiệp ấy đều lấy dây trói chân, trói tay mình vào nhau, cho khỏi mất xác. Dân làng tôi vớt lên, ông cụ vừa đóng quan tài vừa khóc cũng không kịp, có người phải bó chiếu. Mà cái quan tài của ông đóng cũng lạ, bao giờ cũng rộng hơn người thường vì người chết dầm trong nước cứ trương phình to lên. “Nghĩa tử là nghĩa tận”, dân biển vớt được người chết làm ma chay chu đáo lắm. Những thuyền ấy sau này thường gặp được nhiều “lộc” trong làm ăn. Gặp ông cụ tôi không dám hỏi: “Dạo này, bác làm ăn có khá không ạ?” Như câu chào cửa miệng với người khác. Và cái nghề của ông cũng dính với “nghiệp biển” của dân làng tôi, chỉ có ở đây ông mới “ăn nên, làm ra”. Còn tôi, tôi cứ mong sao cho ông “thất nghiệp”.

Cái làng biển quê tôi vốn là đất bồi lập vào đầu thế kỷ thứ XVII thành làng xóm gọi là “Trang” (Ngọc Tích Trang). Nhưng xét theo các yếu tố huyền sử để lại thì vùng Trang Sót này đã xuất hiện đồng thời với lịch sử nước ta với truyền thuyết Chử Đồng Tử an tiên ở Quỳnh Viên (núi Nam Giới) hay vua Hùng thứ 13 đến Rú Bầng (truyện Trầu cau). Dân làng tôi giỏi đặt vè. Đến nay họ còn lưu truyền cho nhau một nhân vật có thật sống đầu thế kỷ XX là cố Xinh Phàn. Những bài vè phản ánh cuộc sống khắc nghiệt của người đi biển của cố thường được mọi người trong làng thuộc lòng kể cả những người không biết chữ. Đại loại như: “Trong nôốc (thuyền) thì ngài (người) Ngoài nôốc thì ma/ Đi thì chết một mình cha/ Không đi thì chết cả bà liền con” Nghe thật ai oán đến thắt ruột. Thật lạ là tạo hoá dường như cũng hợp với lòng người mà sinh ra cái Eo Lói tránh bão. Thường thường thuyền đi biển gặp bão hay bị lật ở cửa lạch nơi giao lưu dòng chảy từ biển vào, sông ra tạo thành những vực xoáy, những ngọn sóng thần. Vì thế ngay ở đầu cửa Lạch, núi Nam Giới bị chẻ ra thành cái hẻm Eo Lói sát ngay cửa tử, thuyền vào đến đây cầm chắc cái sống. Dọc theo chân núi có muôn hòn đá đủ các loại hình dáng mà dân làng tôi đã đặt tên: Đá Hến (giống miệng con hến), đá Giường (giống cái giường), đá ổ Trứng Gà (giống ổ trứng gà), đá Rùa (như con rùa) hay gành Trôốc Nem (giống đầu con cá nem).

Ngày tôi còn bé, ông tôi đi biển về nhảy lên bờ sau khi bưng cả hũ rượu của bà tôi tu một hơi, khà một tiếng lúc đó mới thủng thẳng lấy trong túi áo rộng thùng thình ra một gói mực xôi bọc trong vải buồm màu gụ đã bạc phếch. Những con mực to nần nẫn, dài vài ngang tay được nướng tươi ngoài biển. Ông xé cho tôi từng khúc như khúc giò lụa chợ tỉnh. Những sợ giây mực trắng nõn như sợ bún càng nhai, càng ngọt. Bây giờ loại mực này là đặc sản cao cấp, mỗi khúc giò mực ấy giá mấy ngàn đồng. Chuyến đi biển nào về ông cũng nướng cho tôi những con cá ngon nhất tuỳ theo mùa “nhất chim, nhì thu, tam bù, tứ ngứa”, đó là bốn loại cá béo nhất mà dân biển đã xếp hạng. Ông bế tôi lên vai rồi nghiêng ngả đi xuống thuyền đặt tôi lên chiếc rương gỗ hình vuông được đóng bằng một loại gỗ quý hiếm vừa nhẹ lại không mối mọt lại chịu được cả nước biển. Ông nói với tôi: “Cố học đi vài chữ cháu ạ, nghề biển nó phụ lắm. Biển “giả” mà. Ông đưa đôi bàn tay xù xì sứt sẹo vì dây cước ăn hằn vào thịt vỗ nhẹ vào chiếc rương gỗ nói: “Gia tài của ông đó!”. Tôi tò mò lật nắp cái gia tài của ông lên, trong đó được chia ra nhiều ngăn ô. Ô chứa lưỡi câu, mỗi loại cá có lưỡi câu riêng, ô chứa đủ các loại thứ cước xếp hạng kích thước từ một đến mười. Ô chứa rường, chứa phao gỗ, chứa đủ các loại chì nặng, nhẹ khác nhau. Cứ thế ông thao thao kể cho tôi nghe về chuyến “Tháo gió” vừa rồi. Ngày ấy đài còn hiếm lắm máy đẩy chưa có, chủ yếu dùng sức chèo và lựa thế căng buồm, đón gió. Ông dạng chân kẹp điều khiển bánh lái, hai tay cầm múi dây buồm, dây lèo khi nới, khi căng. Cả con người ông uyển chuyển như nhập vào hồn thuyền vậy. Ông cười khà khà: “Cái nạm gió chìa vôi hắn cũng gớm thật!” - Tôi không hiểu cái “nạm gió chìa vôi” hình thù như thế nào, chỉ biết sau hồi nhà tôi có cây xoan bầy chìa vôi hay bay về “chích, chích”. Con chim chìa vôi nhỏ hơn cả cái bình đựng vôi ăn trầu của bà tôi, thì ra ông coi thường cả bão tố. Nay thì ông tôi đã mang theo cái “nghiệp biển” ấy xuống ba thước đất sâu từ lâu rồi.

Trận lốc bất ngờ ấy, thuyền bị lật. Ông đã bơi vào được chân núi nhưng không đành lòng, lại bơi ra cứu người bị nạn và chịu chung số phận với họ. Người chết đuối gặp được vật gì là giữ chặt không buông ra. Khi vớt được xác ông lên còn có mấy đứa trẻ con níu chặt lấy áo, lấy tóc ông. Không biết cái gia tài rương gỗ của ông tôi đã trôi đến đâu.

Tết năm nay trở lại quê thấy cái làng biển vơi hẳn đi, ít bóng dáng thanh niên trai tráng, tôi giật mình “không lẽ biển đã…”. Tôi tìm đến anh Phạm Minh Thống – Chủ tịch xã vừa thay bác chủ tịch cũ họ Vương. Bác này có một cái nghề đặc biệt là sinh ra để làm cán bộ xã suốt đời. Nhắm mắt lại tôi cũng hình dung ra con người ấy: dáng thâm thấp, bước đi chằn chặn có hai chữ “báo cáo” thường trực khi bắt chuyện với ai. Ví như “báo cáo anh, con bé nhà tôi vừa gửi thư về khoe…” hay “báo cáo với các chú là chiều nay đội bóng xã tập…”. Cái xắc cốt luôn mang bên người kể cả khi ăn khi ngủ. Đám ma, đám cưới ông đều có mặt. Và hình như trình độ học vấn của ông cũng chỉ đủ để ký tên đóng dấu và viết nhận xét vào lý lịch. Bù lại, ông có một trí nhớ tuyệt vời, nắm rất chắc lý lịch ba đời của những người bắt đầu có quyền công dân. Ông có cả một danh sách mật về những đứa con ngoài giá thú. Thật lạ những đứa bé này học hành thông minh lắm. Đôi khi ông cũng vén bức màn bí mật rỉ tai từng đứa về bố, mẹ của nó đang sống ngay trong xã. Và cứ thế đã có những người nhận con qua “môi giới” của ông. Có một đặc điểm dễ nhận thấy là những chàng trai con hoang này rất giỏi nghề biển. Hình như biển thấm vào máu, vào đường gân, thớ thịt họ. Ta cũng biết ngay tác giả của những nhân vật ấy là ai, nếu không phải là những ngư dân, những con “sói biển” kỳ cựu trong làng. Ông chủ tịch họ Vương là một pho từ điển sống của làng tôi. Nhưng lạ thay tôi chưa giờ thấy ông bước chân xuống thuyền vì mang chứng bệnh say sóng. Say sóng biển còn đỡ, say sóng đất mệt hơn. Lên bờ rồi mà người cứ như mất trọng lượng, chân nọ đá chân kia.

Lại nhớ cái lần ông Giám đốc Sở Hải sản quyết định tổng kết nghề cá của tỉnh không phải ở đất liền mà ra ngoài hòn đảo xa bờ gần chục cây số. Thế là có hơn chục vị chuyên theo dõi đánh bắt phải ở lại bờ trong đó có vị chủ tịch làng tôi vì không trụ được: “gió tây nam cấp hai, cấp ba, tầm nhìn xa trên 10 km”. Mặt biển chỉ gợn sóng như cái ao nhà. Có người hăng hái theo ra xem như một chuyến du lịch, bất thần biển nổi cơn giông, mật xanh, mật vàng đều ứa ra cả. Vũ trụ lúc đó chỉ thu hẹp lại trong một cái chậu nhôm nhỏ, Chủ tịch mới Phạm Minh Thống còn rất trẻ. Anh được tự đào tạo khá cơ bản về nghề biển. Là con nhà nòi bao đời nay chỉ có một nghề đắnh bắt cá duy nhất, nghề này không có trường lớp nào cả mà chủ yếu là kinh nghiệm dân gian. Anh học hỏi bố mình - ông Tám Thành- người có cây “rạo vàng” nổi tiếng, cứ một cây tre cắm xuống thu về một cây vàng. Người kỹ thuật trưởng đánh bắt trẻ trung ấy đột nhiên xin đi học lớp sửa chữa máy nổ ngắn ngày trở thành một trong những máy trưởng nổi tiếng ở cửa Lạch này. Anh Thống thuộc lòng ngư trường quê tôi như lòng bàn tay mình. Có khi cao hứng anh nhảy xuống một thuyền vó, tự mình nổ máy, cầm lái ra khơi, “cho đỡ nhớ biển”. Đêm đó ở nhà anh Thống tôi ngạc nhiên thấy rất nhiều anh chị nam thanh nữ tú thập thò ngoài cửa xin chữ ký đóng dấu. Tôi hỏi:

- Xã mình dạo này lắm đám cưới thế anh?

Anh Thống nói giọng buồn buồn:

- Đâu phải. Tiền chạy ăn từng bữa chưa có lấy gì mà cưới xin.

Thì ra, đám thanh niên ấy đến lấy chứng thực của Uỷ ban xã để vào Nam xin việc. Con trai thì vào tận Phan Rang, Phan Thiết để làm thuê. Vẫn với cái nghề đánh cá muôn thuở vì ngoài nghề đó ra họ có còn nghề gì khác nữa đâu. Con gái vào Sài Gòn xin học nghề may xuất khẩu. Không biết những ngón tay to bè quen quạt than, nướng cá ấy có khéo léo để “xe chỉ, luồn kim” được không. Chỉ biết họ sớm “xe duyên” với một người đàn ông đứng tuổi nào đó để được “bảo đảm bằng vàng”. Anh Thống cho tôi biết một con số thật đau lòng. Từ tết đến giờ đã có hơn 600 thanh niên xin đi. Những con người khoẻ mạnh có học, tự cứu lấy mình vì biển không còn cứu nổi họ. Xã hạn chế kìm lại cũng không được bởi một lý do: Biển quê tôi đã sạch cá!.

Buổi chiều, tôi lững thững đi dọc con đường làng bây giờ đã được rải nhựa, nâng cấp. Nhà cửa hai bên san sát nhưng vắng teo người. Mấy bà bán quán phe phẩy chiếc quạt nan và ngủ gật. Những cửa hiệu may thêu, uốn tóc, hát karaôkê một thời đông vui nay im ỉm khoá. Trên bãi đất rộng gần trụ sở uỷ ban có gần chục chiếc xe tải đậu mang biển số các tỉnh ở miền Nam 54, 72 .v.v.. Có lẽ đây là điểm đông người nhất. Những chiếc xe Min-Khơ xếp đầy cá chồng lái, vợ ngồi sau chuẩn bị lên đường. Thùng xe tải nào cũng đầy ắp cá. Những khay cá được ướp đá xếp chồng lên nhau. Các anh Hai tài xế ngồi bên những chai bia lạnh cốc nào cũng sủi bọt ngập đá. Làng biển quê tôi đã trở thành đại lý tiêu thụ cá. Câu nói cửa miệng của mọi người bây giờ là “cá xe đè cá vó”. “Cá xe” được nướng khô queo, còn đâu thân hình mỡ màng của những con cá nục nần nẫn. Chúng bị ép rút hết nước lép kẹp, miệng nhai cá cứ như là khoai ngô. Lại có người đồn rằng, đá cây vẫn chưa giữ được cá tươi lâu họ còn rải thêm vào cá một hoá chất nào đó gần như là một thứ phân đạm để cho cá khỏi ươn. Không biết các “Thượng đế” đi chợ có bị ngộ độc thức ăn. Một thứ “chất độc màu da trắng” âm ỉ huỷ hoại ăn mòn từng tế bào con người? Gặp anh Vân ở Ban ngân sách xã tôi mới biết, nguồn thu thuế chính bây giờ là ở các đầu xe đậu nhờ này. Tôi lân la bắt chuyện với một anh tài Nam bộ chính cống.

- Sao không bán cá trong kia mà phải chở ra ngoài này? Lãi có nhiều không anh?

Anh Hai chạm cốc “dô trăm phần trăm”:

- Có đấy! Cá ngoài này đắt – Trừ chi phí xăng xe đá ướp mỗi chuyến còn có cả cục tiền giắt lưng để bia bọt lai rai chứ chú em. Trong kia chỉ chờ ngoài này “phôn” vào thế là “xe ta băng băng trên đường” tiến ra Hà Tĩnh.

Hỏi kỹ tôi mới biết thứ “cá xe” này lại được đánh ở hải phận của vùng biển Thái Lan- một kiểu đánh du kích. Tàu đánh cá của ta lởn vởn giáp đường biên hải phận với họ, chỉ chờ đài báo bão, tàu họ quay về mình thọc sâu chớp nhoáng không thì bị phạt thuế rất nặng. Miếng ăn treo lơ lửng với cái chết như vậy đó. Thì ra luật biển đánh bắt ở các nước đó rất nghiêm. Họ vẫn bảo vệ được môi trường cho biển của mình. Ra đường tôi thấy một đám người ồn ào đưa đến thông tin rất giật gân, mới mẻ tưởng không tin được. Thuyền lưới 10 của anh Thiện vừa đánh một mẻ lưới thu gần hai tấn cá, nhưng trời ơi đó lại là…cá nóc một loại cá dân biển rất ghét, chuyên sống ở tận đáy biển chỉ chờ dây câu buông xuống là chúng cắn ngang, mất chì như chơi. Hình thù loại cá này khi phình bụng ra giống hệt chiếc máy bay trực thăng. Gan cá gây nhiễm độc chết người. Vì thế dân làng tôi mới có câu “Cá nóc…cóc ăn!”. Vớ được nó các ngư dân giang tay ném mạnh xuống mặt ván thuyền. Ngay ở cạnh nhà tôi cũng có người tự sát bằng gan cá Nóc. Ăn vào, tiếng đồng hồ sau mặt mũi đỏ tía lên, chân tay co giật và hôn mê, nôn mửa không làm sao cứu nổi. Nay thì “cá Nóc…móc ăn”. Cá Nóc lại có giá lên ngôi hoàng đế với chiếc vương miện có một cục sạn to tướng trên đầu mà những lúc trái gió, trở trời nó cứ nghiến răng kèn kẹt. Dân biển móc ruột cá Nóc, xẻ thịt nấu ăn. Có khi còn phơi khô làm món nhắm. Loại cá Nóc này có sức đề kháng mạnh, chúng sinh ra là để ăn các loại xác chết. Nhưng bòn đâu ra mồi cá họ hàng nhà Nóc vội rời bỏ ngôi nhà dưới đáy thuỷ cung rủ nhau bơi lên gần mặt nước và bị quây gọn trong lưới 10- loại lưới có mắt rất nhỏ chuyên đánh bắt cá cơm, cá lẹp…

Tôi có anh bạn học từ nhỏ. Anh học giỏi nhất là môn sinh vật. Chúng tôi gọi anh là “chuyên gia cá”. Anh chứng minh cho chúng tôi biết những loại hải sản sống ở đáy biển thường có vỏ bọc rất cứng và màu sắc dễ lẫn vào cát như: Các loại ốc biển, những đôi sam biển, những cặp cua, ghẹ mới chịu được áp lực của nước và dễ dấu mình tự vệ khi bị tấn công. Tôi cứ ngỡ nhà sinh vật tương lai ấy theo đuổi sở thích của mình. Không ngờ anh lại quanh về với “nghiệp biển” bởi một lý do khá đơn giản: ở đó anh được phát huy cái năng khiếu tối đa của mình. Cha anh là một “con cá kình” đã từng đối đầu với cá mập để lại trong ngầu ngầu bọt sóng một nửa cánh tay. Mấy anh em nhà anh đều là kỹ thuật trưởng các đội vó. Đi biển với anh, tôi thấy ở con người này có một giác quan thứ sáu rất nhạy với biển cả. Đang lơ mơ ngủ, đột nhiên anh đánh thức mọi người dậy câu mực. Cả thuyền rào rào mực câu đổ tràn ra cả be thuyền, đúng thời điểm mực ăn câu. Mũi anh thính lăm “ngửi” được cả bầy cá đang áp lộng mặc dầu không có dấu hiệu gì trên mặt nước. Mẹ anh đẻ rớt anh bên bánh lái con thuyền câu nhỏ. Mới mấy tuổi đầu con người cá này đã nhảy xuống biển bơi thi với cá heo. Anh cũng có thử sức các cô gái làng, miệng nói lúng búng như nhai kẹo cao su. Chỉ khi nhảy xuống thuyền anh trở thành con người khác hẳn. Nhanh nhẹn hơn cả con rái cá. Nghe nói anh bây giờ là thuyền trưỏng một con tàu có giá trị trên 1 tỷ đồng trang bị khá hiện đại có máy dò cá, máy bộ đàm. Tôi đến thăm anh. Vị Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn này đãi tôi cả một rổ ghẹ. Tối trăng, ghẹ chắc lắm. Có càng ghẹ đập vỡ ra to gần bằng cái đùi gà thịt trắng bóc, ăn đến đâu thấm đường gân thớt thịt đến đó. Thì ra, loại ghẹ này do tàu anh mới vớt được tối qua. “Vớt ghẹ!”.- tôi ngạc nhiên kêu lên bởi vì loại cua biển này chỉ sống tận đáy biển trong các hang đá san hô. - Đúng thế, anh khẳng định. Đêm qua tàu Nghĩa Bình nó sang gần rào mình bật đèn cao áp (trị giá mỗi bóng 1,2 triệu) sáng xanh xuống tận đáy. Ghẹ nổi lên từng vạt trên mặt nước thế thì cá chịu làm sao nổi. Mắt cá cũng như mắt người, chói chang thế thì chỉ có nổ tung ra . Đèn cao áp dùng trong đánh bắt đã tiêu diệt môi trường cá như vậy đó.

Thế là tôi được biết thêm một trong những nguyên nhân gây ra nạn hiếm cá như hiện nay. Nổ mìn diệt cá thì đã đành. Thế nhưng cái ánh sáng êm dịu chết người như những tia hồ quang này mấy ai ngờ tới. Đó là ngoài khơi xa, nước sâu. Còn trong bờ đã có lưới rùng quây trọn những chú cá con nhỏ như chiếc tăm: Những chiếc tăm cá này ít tháng sau đã là “chim , thu, bù, ngứa” những hải sản cao cấp xuất khẩu! Biển đang chảy máu trắng, cái chết trắng vẫn đang treo lơ lửng trước mặt người. “Người khôn, của khó” nhưng “cái khó ló cái khôn” dân làng biển quê tôi ngoài đánh bắt cá ra mở thêm nhiều nghành nghề khác như: rê mực, lưới bắt ốc, thả giàn câu cá đặc sản, rồi “dự án tàu giạ” đang được phê chuẩn. Con tàu anh bạn tôi đang dự tính mua lưới vây rút chì đánh cá ù. Loại lưới này có chu vi rộng hơn loại đánh bắt cá nhỏ nhưng bề rộng hẹp hơn, mắt lưới to hơn, tốc độ vây cá nhanh hơn vì trọng lượng của lưới nhẹ hơn. Có thế mới tóm gọn được những bầy cá ù chạy như tên lưả. Nhưng bao cái “hơn” đó lại gặp phải một cái thác “Vũ Môn” mà cá chép muốn nhảy qua cần phải có đó là: Vốn! Anh cho tôi biết, muốn có vàng lưới này phải cần ít nhất là 80 triệu đồng. Đầu năm này dùng lưới cũ tàu anh đánh một mẻ cá ù trị giá 23 triệu đồng. Giá như có loại lưới này chắc chắn hiệu quả sẽ cao hơn. Tôi lại nhớ đến ông cụ đóng quan tài nay đã “thất nghiệp” thật sự vì hàng chục chiếc thuyền vó đã nằm cạn trên bờ nứt nẻ từ lâu. Đi thì “lỗ dầu”. Trên bờ không tìm ra được nghề gì khác ngoài nghề biển. Từ cái thế “độc canh” dân làng tôi đã quên mất từ lâu nghề chế biến hải sản trên bờ. Hàng trăm chiếc thùng xi măng đựng nước mắm nằm nghiêng ngả quây lại thành hàng rào. Chia tay ông cụ, tôi cứ nắm mãi bàn tay tài hoa từng đo may bao nhiêu chiếc áo gỗ này đã run run. Ông ơi! Làm sao mà xoá được cái nghịch lý này: Tôi vừa mong ông “thất nghiệp” mà lại mong cho dân làng biển quê tôi khỏi “thất nghiệp” khi họ đã “trót mang nghiệp biển vào thân…”.

N.N.P

Nguyễn Ngọc Phú
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 71 tháng 08/2000

Mới nhất

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Những người đàn bà tháng Tư năm Bảy lăm

28/04/2024 lúc 16:28

Gần nửa thế kỉ nay, nhiều người viết về lứa trẻ sinh ra dịp 30 tháng 4 năm 1975,

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

01/05

25° - 27°

Mưa

02/05

24° - 26°

Mưa

03/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground