Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 27/12/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Ngọn cờ Hiền Lương ngày ấy

        Tôi đứng bên đầu cầu Hiền Lương sớm xuân nay. Bầy cò trắng rỡn nhau trên đồng lúa đang phơi mao. Những khung lưới rộng phơi trên mặt nước. Và cây cầu mới lực lưỡng, cong như vành trăng non đang quét lớp sơn cuối cùng chuẩn bị cho dăm ngày nữa thông cầu. Cùng sắc trời "xanh màu xanh Quảng Trị" kia, thật bình yên biết bao. Dưới chân tôi sóng cứ vỗ từng nhịp rì rào, tôi chợt như nghe đâu đây văng vẳng: "Nhờ các anh ra nói với bà con Vĩnh Linh rằng một ngày nào còn ngọn cờ đỏ sao vàng bên đầu cầu Hiền Lương là ngày đó bà con chúng tôi bên bờ Nam này còn thấy Bác Hồ, còn thấy miền Bắc đứng bên cạnh chúng tôi". Đó là lời thì thầm của bà mẹ Gio Linh trong đêm nhờ chiến sĩ biệt động mang ra bờ Bắc. Câu nói ấy đã cách đây trên 40 năm mà tưởng đâu mới ngày hôm qua, hôm kia gì đó, da diết lắm, nghe lòng rưng rưng. Bỗng chốc những kỷ niệm thức dậy, xôn xao như những cánh cò vô tư kia.
 

Tôi như sống lại thời mặc áo lính. Gia tài và khẩu súng trong tay và một trái tim trẻ trung tinh khôi đầy mơ mộng. Trước mắt tôi hiện ra cây cầu xưa 998 tấm ván lát mặt cầu chia đôi, mỗi bên 89 mét. Mỗi bên sơn một màu khác nhau. Bên phải tôi là nhà liên hiệp, và bên trái tôi là cột cờ. Theo hiệp định Giơ-ne-vơ tất cả các đồn Công an ở giới tuyến còn có cờ treo lên hàng ngày. Ngày 10.8.1954, cột cờ đầu tiên được dựng lên bên đầu cầu Hiền Lương. Cột làm bằng gỗ cao 16 mét. Cờ bằng sa tanh, đỏ, rộng 24 mét. Đồng bào miền Nam muốn rằng lá cờ của mình phải cao hơn lá cờ của ngụy quyền ở miền Nam. Nó phải lồng lộng giữa trời xanh. Để tỉnh dậy sớm mai, việc đầu tiên của người miền Nam là ngước lên nhìn lá cờ Bắc. Chiểu theo nguyện vọng ấy, tháng 4.1956, ta xây cột cờ kiên cố bằng ống thép 34 mét. Trên đỉnh gắn một ngôi sao bằng đồng đường kính 1,2 mét. Năm đỉnh cánh sao gắn 15 bóng điện loại 500W. Cứ 6 giờ 30 phút sáng lá cờ 134 mét vuông đã tung bay trong nắng bình minh, như cánh chim đại bàng khổng lồ vỗ cánh. Cờ bạc màu được thay ngay bằng cờ mới. Chỉ một năm rưỡi thôi, 264 lá cờ Tổ quốc loại 134 mét vuông phấp phới rực rỡ một khung trời.

Lá cờ - biểu tượng oai hùng bất khuất ấy của dân tộc, làm kẻ thù nhức mắt. Lá cờ - chỗ dựa tinh thần, là mạch nối thống nhất không gì cắt đứt được của đồng bào miền Nam làm kẻ thù căm tức. Để triệt phá biểu tượng ấy, niềm tin ấy, cậy sẵn bom đạn, chúng dội bom xuống lá cờ. Để lá cờ không còn chỗ đứng chân, Mỹ ngụy trút bom hòng xóa sổ Vĩnh Linh.

Ngày 8.2.1965, những quả bom đầu tiên nhằm Vĩnh Linh lao xuống. Từ ngày đó không ngày nào đất Vĩnh Linh không bị rung lên vì bom đạn. Bom từ trên trời rơi xuống. Đạn pháo từ hàng chục căn cứ pháo binh bờ Nam bắn qua. Đạn lớn từ tàu Niu-giơ-di ngoài biển bắn vào. Trời Vĩnh Linh không lúc nào không có khói đen. Không khí Vĩnh Linh sặc mùi thuốc đạn.

Hòng biến Vĩnh Linh thành một vùng đất chết, Mỹ đã tiến hành ở Vĩnh Linh một cuộc hủy diệt dã man và nguy hiểm chưa từng thấy trong lịch sử chiến tranh thế giới. Sáu vạn lần chiếc máy bay, trong đó có bốn nghìn lần máy bay B52 đã dội xuống Vĩnh Linh 560.000 tấn bom. Tính đổ đồng, mỗi người Vĩnh Linh chịu 7 tấn bom và 80 quả đại bác. Màu xanh Vĩnh Linh hầu như bị phá trụi. Tất cả mọi nóc nhà đều bị quét khỏi mặt đất. Lấy gỗ làm nhà hầm. Hàng nghìn cây số hào giao thông được mở dưới đất để đi lại. Ông bà già, con nít đưa ra Nghệ An, Thanh Hóa và các tỉnh ngoài Bắc tá túc, chỉ có dân quân chiến đấu ở lại. Mọi sinh hoạt đều trong hầm, trong địa đạo. Đất Vĩnh Linh một màu đỏ quạch. Hố bom chồng hố bom.

Cầu Hiền Lương và cột cờ là một trong những mục tiêu số một của bom đạn. Để bảo vệ cầu và cột cờ, nhân dân Vĩnh Linh đào quanh đó 18 cây số đường hào, xây 48 ụ súng phòng không. Bộ đội, công an, nhân dân Hiền Lương đã đánh 300 trận lớn nhỏ, ba lần bắt biệt kích, thám báo địch vượt sông định đặt mìn phá cột cờ.

Bom cứ nổ và ngọn cờ đầu cầu Hiền Lương cứ bay. Cờ cỡ lớn quá, trọng lượng cờ tùy loại vải, nhẹ cũng 15 cân, nặng thì hai chục cân. Kéo cờ lên bằng dây tời quay tay. Song để kéo cờ lên dễ dàng, cờ được xếp và buộc rất khoa học, khi bọc cờ kéo lên đỉnh cột, chiến sĩ kéo cờ lên tháp mở dây, cờ mới bung ra, cuộn sóng trong gió.

Thông thường trải một tháng nắng gió, phải thay cờ một lần. Những tháng gió Lào, phải một tháng thay hai lần. Nguyễn Đức Lãng, chiến sĩ phòng hậu cần công an Vĩnh Linh được giao nhiệm vụ đặc trách trông coi lá cờ. Thời kỳ này, hàng tháng Nguyễn Đức Lãng ra Hà Nội, đến kho 101 Cục tham mưu Bộ Tư lệnh nhận cờ, mang về. Khi bom đạn ác liệt, đường giao thông bị hư hại nặng, Nguyễn Đức Lãng phải gùi cờ trên lưng đưa về Hiền Lương. Đi lại ngày càng khó khăn, trước khi đi bộ đội, Nguyễn Đức Lãng vốn là thợ may, anh đề xuất với đơn vị cho được tự may cờ tại chỗ. Đơn vị cấp cho Nguyễn Đức Lãng một máy may của Liên Xô hiệu UNIONG để may cờ. Hai ngày rưỡi anh may xong một lá cờ 96 mét vuông. Mỗi đường may phải đi ba bốn đường chỉ cờ mới chịu được gió. Không những may cờ cho Hiền Lương, Nguyễn Đức Lãng còn may cờ nhỏ hơn, cỡ 4 mét x 6 mét cung cấp cho đồn Mũi Si, Cửa Tùng, Huỳnh Thượng, Phát Lát, Cù Bai… Lúc rảnh rỗi, anh còn may vá giúp đồng đội, nên anh được chiến hữu rất yêu mến.

Bàn may của Nguyễn Đức Lãng đặt ở Hồ Xá. Hồ Xá bị bom. Anh chuyển máy lên Vĩnh Nam. Cả làng xóm bị bom. Anh đưa máy xuống may dưới hầm. Đã đến lúc cả vải diềm bâu cũng không cung cấp kịp để may cờ, Nguyễn Đức Lãng chọn trong những lá cờ cũ, lọc ra những vuông vải còn tốt, ghép lại, may thành những lá cờ mới, và vá những lá cờ còn dùng được. Cờ may liên tục vẫn không kịp yêu cầu của cột cờ sông Hiền Lương. Có ngày khói bom đen kịt, không nhìn thấy một mảnh trời xanh.

Nói về bom đạn ở Vĩnh Linh, trong "Ký sự miền đất lửa" có đoạn nhà văn Nguyễn Sinh viết: "Bom, lại bom. Hàng loạt tiếng nổ dậy lên sau những ánh chớp giần giật. Một chùm rốc két đỏ lừ như những khối than hồng từ trời cao phóng vào ánh lửa. Bom bi nổ từng chuỗi dài, nghe đến nóng ruột… Trong gần một tiếng đồng hồ, ba mươi bảy B52 đã ném xuống xã Vĩnh Thủy 700 tấn bom. Một sự tàn phá chỉ còn kém có bom nguyên tử. Khói và bụi bốc lên chỉ một lúc sau che kín cả mười bảy xã vùng đất đỏ. Trong khoảng thời gian độ mười lăm phút, trời đất tối sầm lại, nhìn qua cửa hầm lờ mờ như nhìn qua sương mù".

Dân Vĩnh Linh lần lượt được đưa ra khỏi vùng chiến sự. Mỗi ngày một ác liệt hơn. Sau hai năm kiên cường, năm 1967, cầu gãy rồi cột cờ gãy, song đồng bào miền Nam cứ sáng sáng nhìn về phía Bắc sông Hiền Lương tìm bóng cờ. Trước tình hình ấy Khu ủy Vĩnh Linh quyết định: Dù trong tình huống nào cũng không được thiếu bóng cờ đỏ sao vàng trên đầu cầu phía Bắc của Hiền Lương.

Niềm tin của đồng bào phía Nam thành quyết tâm. Bom đạn ngút trời, nhưng lá cờ đỏ sao vàng vẫn bay phần phật. Cột cờ gãy thì thay bằng cột khác. Không có cột sắt thì thay bằng cột gỗ. Các xã của Vĩnh Linh chọn những cây dương cao nhất còn lại hạ xuống rồi chuyển về cầu Hiền Lương. Cây cột này gãy thì thay ngay bằng cột khác. Không có cột cao thì nỗi những cột ngắn lại với nhau. Cờ to không thích hợp với chiến tranh nữa thì dùng cờ nhỏ. Cờ nhỏ không kịp chuyển tới thì vá lại mà dùng.

Bà mẹ Nguyễn Thị Diệm 47 tuổi, ở tuổi phải đưa ra khỏi vùng chiến sự, nhưng bà xin ở lại:

- Con gái tôi đang là dân quân giới tuyến. Con trai tôi đang học ngoài Bắc. Hãy cho tôi ở lại. Làm gì cũng được, miễn là giúp được cho con em đánh giặc.

Không nỡ từ chối một tấm lòng kiên trung. Các anh công an đầu cầu Hiền Lương đồng ý để mẹ ở lại, không chỉ vì bà, mà vì chồng của bà nữa. Ông tham gia kháng chiến đánh Pháp. Năm 1949, ông hy sinh, để lại cho bà một mụn con gái hai tuổi và một đứa con còn đang trong bụng. Bà sinh người con thứ hai và ở vậy nuôi con. Với cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ này, bà muốn tiếp bước người chồng thân yêu.

Làng Hiền Lương ngay đầu cầu của bà mẹ Nguyễn Thị Diệm có ba xóm, cả ba xóm xuống hầm. Mỗi hầm là một ụ súng trực chiến. Mẹ Diệm ở ụ súng đầu cầu. Đầu tiên công việc chính của mẹ là ngày ba bữa nấu ăn cho tổ dân quân trong xóm và các anh công an trạm đầu cầu. Ngoài chiến đấu, nhiệm vụ số một của trạm công an là treo cờ lên cột, và hạ cờ xuống. Không có cột thì đi tìm cột về mà dựng. Có ngày trong bão đạn mưa bom, các anh xắn quần đến gối. Vai khoác súng trùm vải ngụy trang ra ngoài, hì hục khiêng cột mang về.

Mỗi lần từng bầy máy bay kéo tới, hàng chục con mắt đăm đăm nhìn vào lá cờ, khói bom phủ kín, không trông thấy màu cờ thì bò đến gần nhìn cho rõ. Đau thắt tim mỗi khi trong làn khói bom đang tan ra các anh nhìn thấy lá cờ đỏ sao vàng của mình vừa nguyên vẹn đó, bây giờ rách tua ra. Song ánh sao vàng vẫn tung bay phần phật.

Đợi khi dứt tiếng bom, đợi khi đêm xuống các anh tháo cờ xuống, đưa về hầm. Như một sự ngẫu nhiên, lá cờ được đặt vào tay mẹ Diệm. Như một bản năng người mẹ chăm sóc đứa con, mẹ Diệm ân cần, thận trọng và yêu thương đưa những mũi kim vá cờ. Việc vá cờ mãi miết hết lá này đến lá khác, hết đêm này đến đem khác. Trong hầm tránh bom, dưới ngọn đèn dầu leo lét, không biết mệt, chỉ lo sao trong đêm vá cho xong lá cờ, để sáng hôm sau các anh công an lại kéo cờ lên như thường kỳ. Cây cối bị triệt hạ tận cùng. Chỉ có một thứ ngày ngày vẫn cứ mọc lên ở vùng bom cày đạn xới này là ngọn cờ. Để đến khi mặt trời mọc, bà con ở phía Nam sông Hiền Lương vẫn nhận ra lá cờ đỏ sao vàng để nuôi ý chí, nuôi niềm tin của mình.

Lai lịch của lá Cờ Đen khá ngộ nghĩnh. Trong cuộc ra quân, quân sĩ nói với chủ tướng rằng, để danh chính ngôn thuận, quân ta cần có một lá cờ. Đang bí, chủ tướng cắt vạt áo dài đen của mình phất lên làm cờ, và thế là quân Cờ Đen ra đời.

Sự tích lá Cờ Đen đã lạ. Song một lá cờ được vá đi vá lại, và cột cờ lại treo một lá cờ vá, chắc chắn trên thế giới này chưa có lịch sử một lá cờ nào như thế. Và chính lá cờ vá ấy lại làm nên chiến công. ''Bà mẹ vá cờ'' trở thành một danh từ và được tôn vinh như một người anh hùng. Không ai nhắc tới Vĩnh Linh mà lại không nhắc tới người mẹ vá cờ. Hình ảnh vá cờ giống như một góc linh hồn của đất đai này. Giá tôi là một họa sĩ tạo hình, chắc chắn tôi sẽ lấy đá tạc một bức tượng tặng cho Vĩnh Linh anh hùng. Đó chẳng phải là một biểu tượng cả nước Việt Nam này chỉ có ở Vĩnh Linh đó sao? Bức tượng ấy tôi sẽ đặt trên đỉnh căn hầm xưa mẹ Diệm ngồi vá cờ gần ngay bên cột cờ Hiền Lương anh hùng ấy. Chắc chắn đó sẽ là nơi khách viễn du tới thắp hương ngưỡng mộ từng ngày. Người may cờ đã đưa máy đi sơ tán tận Vĩnh Nam. Còn mẹ Diệm thì ở lại vá cờ đúng tọa độ bom hủy diệt suốt hai năm trời.

Tình cờ một lần đi qua Hiền Lương, tôi ghé vào thăm mẹ Diệm. Rất tiếc không còn được gặp mẹ nữa. Mẹ mới mất hơn một tháng trước đó. Bấy giờ là năm 1992. Chúng tôi ra thăm mộ mẹ. Mộ mẹ Diệm chôn ngay bên bờ sông Hiền Lương, cách đầu cầu chỉ vài trăm mét. Mẹ ao ước được nằm đó để được thấy Hiền Lương thay đổi từng ngày. Mẹ nằm đó, một mộ đất đơn sơ, giống như mấy chục ngôi mộ xung quanh. Mẹ đã ra đi thanh thản như người nông dân vừa cày xong thửa ruộng.

Con gái mẹ, chị Lê Thị Nguyệt, hiện đang dạy học ở trường cấp một Gio Linh, chồng chị, anh Tính là Phó giám đốc Công ty cao su Quảng Trị. Con trai chị Nguyệt đang học đại học kiến trúc trong Sài Gòn. Anh Lê Văn Sài, em trai chị, cái bào thai khi chồng mất của mẹ Diệm, anh học qua đại học tài chính, hiện đang là sĩ quan hậu cần trong quân đội.

Chỉ qua hai thế hệ, gia đình mẹ Diệm đã khác rất nhiều. Mẹ có nghĩ tới điều ấy khi mẹ cầm kim vá cờ?

Hầm xưa mẹ vá cờ đã bị lấp. Nhà liên hiệp bị bom tan tành. Cột cờ bị gãy từ thời ấy. Cây cầu bắc năm 1974 đang còn đó. Và cạnh bên là cây cầu hoành tráng vừa bắc xong. Những sự kiện cũ gắn bó một thời với hạt gạo cắn làm đôi, một nửa đưa ra tuyền tuyến, một nửa để lại xây dựng hậu phương. Thời ấy vang lên chân lý: ''Miền Nam là máu của máu Việt Nam, là thịt của thịt Việt Nam. Sông có thể cạn núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi''. Dòng Hiền Lương là minh chứng anh hùng của quyết tâm ấy. Ta sẽ làm những gì cho Hiền Lương để con cháu mai sau vẫn nhận diện ra thế hệ chúng ta đã ghi dấu vào Hiền Lương này như thế nào?

 

Tôi bâng khuâng đứng đúng nơi chân cột cờ cao 34 mét xưa, không biết mình đang nghĩ gì. Đàn cò trên đồng lúa xanh bình yên quá! Lưới phơi trên mặt sông bình yên quá! Nắng xuân mênh mông ấm áp lạ thường. Cờ, mười năm nữa, hai mươi năm nữa, ba mươi năm nữa… một thế hệ con cháu chúng ta sẽ ra đời, liệu chúng sẽ hiểu được những gì nơi tôi đang đứng đây?

                                                                              N.Q.H

Nguyễn Quang Hà
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 57 tháng 06/1999

Mới nhất

Quãng vắng quạnh quẽ

1 Giờ trước

Thêm áo quần đủ ấm, vợ lặng lẽ theo chồng ra chòi. Anh rắn rỏi, phong phanh, lảo đảo bước xuống chiếc xuồng. Đêm gần bờ sông trang gió, lạnh ùa tới quất từng cơn. Cái lạnh của miền Trung cứ ươn ướt, não nề.

Đồng cảm “Bốn mùa thương nhớ”

23/12/2024 lúc 17:07

Trong cuộc sống của con người thì sự ăn quan trọng vào bậc nhất. Cổ nhân có câu, dịch nghĩa ý rằng: Nước lấy dân làm trời, dân lấy ăn làm trời. Ăn không chỉ để sống, để tồn tại, để lao động, cống hiến mà còn là để khoái khẩu, để thưởng thức, suy ngẫm và trải nghiệm, đó là quan trọng như trải nghiệm ăn uống. Sự ăn không chỉ thỏa mãn đời sống vật dục tất yếu, bình thường và lành mạnh mà còn là văn hóa, hồn vía, là tâm tình, kỷ niệm, là da diết muôn vàn, đến nỗi một người Quảng Trị xa xứ như ký giả Nguyễn Linh Giang dường như cứ luôn mang mang tâm trạng hồi cố, hoài niệm theo Bốn mùa thương nhớ (tập tản văn, NXB Thanh Niên, 2024).

Ký ức chiến tranh trong truyện ngắn Văn Xương

23/12/2024 lúc 17:04

Văn Xương (tên thật Nguyễn Văn Bốn) không phải là một tác giả xuất hiện sớm và có thành tựu sáng tác nổi bật ở Việt Nam. Anh sinh năm 1959 và thuộc lớp những người cầm bút của thời kỳ đổi mới. Những truyện ngắn đầu tiên của anh được giới thiệu trên một số tạp chí, báo địa phương và trung ương khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta đã lùi xa.

Theo những bước quân hành

23/12/2024 lúc 17:00

Chủ đề người lính là một đề tài lớn, xuyên suốt trong dòng chảy văn học cách mạng Việt Nam và kéo dài đến hôm nay. Đó là một hiện thực khách quan bởi lịch sử đất nước gắn với trường kỳ kháng chiến; và khi xây dựng cuộc sống mới, thì người lính luôn là lực lượng xung kích đi đầu, đồng hành cùng nhân dân. Có thể hình dung sự vẻ vang ấy qua những tác phẩm trong tập sách Vang mãi khúc quân hành (Nhà xuất bản Thuận Hóa, 2024).

Nắng trên thành cổ; Người lính hát

23/12/2024 lúc 16:56

Nắng trên thành cổ Một rêu phong trên tường thành muôn năm cũMột nguyện cầu dài trong chấp chới tiếng chuông xaMột thanh xuân giữa ầm

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

28/12

25° - 27°

Mưa

29/12

24° - 26°

Mưa

30/12

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground