Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 04/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Người Bích La

V

ề làng Bích La Triệu Đông – Triệu Phong bây giờ ngoài con đường từ Thành Cổ Quảng Trị của Tám mươi mốt ngày đêm lịch sử còn có thể rẽ từ Quốc lộ 1, thị trấn Ái Tử, nơi một thời là Dinh Cát của Nguyễn Hoàng, qua cầu An Mô, ngược theo kênh Nam Thạch Hãn, rồi băng qua cánh đồng chừng ba cây số là về tới đầu làng. Địa danh Bích La gồm ba thôn: Bích La Đông, Bích La Trung, Bích La Nam, cùng với thôn Nại Cửu hợp thành xã Triệu Đông. Đây là ngôi làng hình thành cách đây gần 500 năm, là một trong những làng có lịch sử hình thành sớm so với các làng ở Đàng Trong từ những đợt di cư người phía Bắc vào các vùng phía Nam Đèo Ngang.

Mười năm trước tôi về Bích La dự một cuộc triểu lãm tranh độc đáo của Lê Bá Đảng, một danh họa người làng ở Pháp, có nhiều tác phẩm hội họa nổi tiếng thế giới đã đưa tác phẩm về bày cho dân “quê miềng” coi chơi. Tranh được trưng bày tại đình làng Bích La nhưng người khắp nơi trong nước, kể cả khách nước ngoài nườm nượp đổ về xem. Bây giờ về Bích La tôi cũng chọn nơi này để lần tìm.

Nhiều Nhà nghiên cứu nói rằng Bích La là vùng đất địa linh nhân kiệt, nơi nổi tiếng “Lò sinh quan, nôi sinh sỉ tử”. Tôi đem điều này hỏi cụ Lê Cảnh Đốc, một lão làng trên tám mươi tuổi, cụ khiêm tốn nói rằng chữ nghĩa của cụ không được bao nhiêu, phần vì tuổi tác quên dần. Nói vậy nhưng cụ vẫn nhiệt tình đưa tôi ra khu miếu thờ nằm bên phải đình làng và đọc cho tôi nghe câu đối trên cổng chính của khu miếu thờ:

“Địa chung linh khí truyền thiên cổ

Thế xuất anh tài diễn ức niên”

Tạm dịch là

(Đất hun đúc khí thiêng toàn vẹn từ nghìn xưa

Đời sinh hào kiệt khi nào cũng có).

Theo dẫn dắt của cụ, tôi vào trong khu miếu thờ. Chính diện cổng miếu là miếu thờ Thân trông coi núi sông của đất nước, trên bia có ghi dòng chữ “Cao các quảng độ đại vương chưởng quản sơn xuyên tôn thần”. Các miếu bên tả thờ các Thần: Thần Hoàng, Thần Sấm Sét, Thần Nông. Bên hữu có các miếu thờ Thần Dân an vật lợi; thời bà Chúa nhà Trời giúp quân ta đánh thắng Chiêm Thành. Đặc biệt phía trước có miếu thờ Phó tướng Doãn Lộc Hầu, có ghi dòng chữ: “Bổn thổ khai khẩn Cai trị Phó tướng Doãn Lộc Hầu linh tế Dục Bảo Trung Hưng Linh Phó tôn thần”. Theo gia phả các tộc họ trong làng thì ông là người Hoa Duệ ở Hoan Châu (Hà Tĩnh), vốn tính trung hậu lại thông binh pháp. Vào năm Thống Nguyên đời Lê (1522 – 1527) làm quan Chính Chưởng trung tể, nhân lúc Mạc Đăng Dung tiếm quyền, vốn lại lĩnh mạng Triều Lê làm Cai trị xứ Tân Bình, Thuận Hóa ngăn chặn giặc Chiêm Thành, chiêu mộ dân khẩn hoang ruộng đất, lập chung một xã gọi là Hoa An. Thời Tây Sơn đổi là xã Hoa La, thời nhà Nguyễn đổi là Bích La chia làm bốn giáp: Đông, Trung, Nam, Hậu…

Tôi hỏi các cụ lão:

- Như vậy làng Bích La có trước khi Nguyễn Hoàng vào đóng đô ở Dinh Cát Ái Tử (1558)

- Đúng thế: Cụ Lê Cảnh Đồng nãy giờ biết tôi tìm hiểu về cội nguồn của làng liền đến tiếp ứng cho tôi đọc các câu đối. Làng Bích La có trước khoảng ba mươi năm. Do thay đổi địa giới hành chính qua các thời nên làng Bích La bây giờ hẹp hơn Bích La xã ngày xưa.

Nhận định của cụ là có cơ sở bởi hôm trước khi về đây, tìm đọc gia phả của tộc họ Lê Văn của đồng chí Cố Tổng Bí thư Lê Duẩn, tôi cũng thấy ghi rõ tính đến nay tộc họ đã trải qua 15 đời con cháu. Đồng chí Lê Duẩn thuộc đời thứ 12 của phả hệ chi phái một tộc họ Lê Văn.

Ngày nay người Bích La có thể tự hào bởi qua bao biến thiên của lịch sử với gần năm thế kỷ lập làng, vừa chống chọi với thiên tai, vừa phải đấu tranh chống dịch họa, đã hình thành nên một về dày truyền thống tốt đẹp. Trước hết, đó là truyền thống làng có nhiều người đỗ đạt khoa bảng. Ngay tại khu miếu thờ của làng có thờ hai vị tiến sĩ. Tiến sĩ Lê Cảnh Diệu và Tiến sĩ Lê Cảnh Phiếm. Còn theo gia phả các tộc họ trong làng thi làng có nhiều người đỗ đạt từ Tiến sĩ trở lên dưới Triều Nguyễn như Tiến sĩ Lê Mậu Cúc, Lê Thụy, Lê Hữu Thường… Chỉ tính riêng tộc họ Lể Văn của đồng chí Lê Duẩn thời đó đã có năm vị: Tiến sĩ Lê Văn Nhượng đỗ khoa Đinh Dậu (1837); Tiến sĩ Lê Văn Chân đỗ khoa Tân Sửu (1841); Tiến sĩ Lê Văn Nhiếp đổ khoa Mậu Tý (Đồng Khánh III). Khoa cuối cùng của Triều Nguyễn có ông Lê Văn Tặng, bác ruột của đồng chí Lê Duẩn đỗ Phó bảng và ông Lê Văn Lương đỗ Tiến sĩ. Đó là chưa kể đến nhiều người đỗ cử nhân, tú tài… làm nên bảng vàng truyền thống khoa bảng của các tộc họ trong làng, nêu gương muôn đời cho hậu thế. Sau này nhiều con em của xã hội chủ nghĩa từ Tiến sĩ toán học Lê Bá Long; Tiến sĩ sinh học Lê Thị Diệu Muội (Con gái của đồng chí Lê Duẩn) ở Hà Nội; Tiến sĩ hóa học Nguyễn Tử ở Huế… Cũng nhờ truyền thống khoa bảng đó mà ngày nay con em trong làng luôn học giỏi, hàng năm làng có từ 12 – 15 học sinh thi đỗ vào các trường đại học. Hiện tại có hơn năm mươi con em của làng đang học ở các trường Đại học. Nhiều con em của làng đang giữ nhiều cương vị quan trọng trong các lĩnh vực khoa học khác nhau ở trong nước.

Bích La còn là đất sinh ra nhiều danh nhân, có truyền thống phò nước giúp dân như ông Lê Đăng Doanh, tự là Lê Văn Doanh. Làm quan dưới Triều Nguyễn, ông là người văn võ song toàn, từng làm Chánh chủ khảo nhiều kỳ thi Hương, từng cầm quân đánh dẹp quân Xiêm ở Nam Kỳ. Khi về giữ chức Bố Chính sứ Quảng Trị thấy dân tình đói kém ông đã dâng sớ xin Vua miễn thuế cho dân và được Vua chập nhận (năm thứ 17 triều Minh Mạng). Ông đã từng được thăng Hiệp Biện Đại học sĩ dưới triều Thiệu Trị thứ nhất (1841), có công dạy dỗ bốn đời Vua nên khi mất được Vua ban tặng nghi lễ cao nhất: “Nhất lão nghi hình thiên hạ tắc/ Tứ triều thạc phụ đế vương tôn”. Cũng từ làng Bích La sau này có nhiều người tham gia phong trào Cần Vương và các phong trào chống Pháp như ông Lê Mậu Hiến đứng đầu phong trào đòi dân sinh dân chủ, giảm sưu thuế cho dân. Năm 1882, nhiều người làng tham gia xây dựng Sơn Phòng ở vùng Cùa. Cam Lộ theo chủ trương của Tôn Thất Thuyết để chuẩn bị chống Pháp. Điển hình trong phong trào chống Pháp có cụ Chánh Vệ úy Lê Văn Thống (ông nội của đồng chí Lê Duẩn), cụ Đề đốc Lê Văn Tặng (bác ruột của đồng chí Lê Duẩn) cùng với Suất đội Phan Cư, người làng Nại Cửu Triệu Đông đem quân đánh chiếm thành Quảng Trị.

Sinh ra và lớn lên trên một mảnh đất có bề dày truyền thống yêu nước như vậy nên ngay từ nhỏ, cậu học trò Lê Văn Nhuận (tên khai sinh của đồng chí Lê Duẩn) đã sớm nảy sinh lòng yêu nước thương dân. Từ học trường làng, rồi trường Phủ, vốn có tư chất thông minh, học giỏi, lại được tiếp xúc với nhiều con người yêu nước trong làng, đồng chí Lê Duẩn đã sớm giác ngộ lý tưởng giải phóng dân tộc, đi vào hoạt động cách mạng. Thời gian cùng bố lên sống, hoạt động cách mạng ở Hậu Kiên – Triệu Thành – Triệu Phong, đồng chí bị kẻ thù xép vào thành phần nhân vật quan trọng nên đã ra sức lùng sục, bắt bớ nhưng nhờ sự chở che bảo vệ của dân làng nên đồng chí đã qua mắt được sự truy lùng gắt gao của kẻ thù, để rồi sau này đi ra, trải qua bao tù tội ở các nhà lao: Hà Nội, Sơn La, Côn Đảo, rèn luyện trong thực tiễn đấu tranh cách mạng, trở thành người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Bích La trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ còn là cơ sở vững chắc của cách mạng. Đây là cứ điểm quan trọng diễn ra nhiều cuộc đánh phá của kẻ thù và cũng là nơi quân ta chốt chặn làm bàn đạp để đánh vào Thành Cổ Quảng Trị năm 1972. Nhiều con em của làng đã tích cực lên đường tham gia quân đội, trở thành sĩ quan cao cấp trong Quân dội nhân dân Việt Nam và ngày nay là địa phương có nhiều gia đình thân nhân liệt sĩ và gia đình có công với cách mạng.

Nhưng một vùng đất cũng như một đời người, anh sẽ chẳng là gì cả nếu chỉ sống với quá vãng vàng son mà ngủ quên trên hiện tại. Sau ngày quê hương được giải phóng, cũng như bao làng quê Quảng Trị tiêu điều xơ xác bởi chiến tranh, người Bích La đã chung tay đoàn kết xây dựng lại quê hương. Từ đồng khô cỏ cháy của quê nghèo, dưới bàn tay làm lụng chăm chỉ của người dân, cuộc sống đã dần dần ổn định. HTX Bích La vươn lên trở thành ngọn cờ đầu trong sản xuất nông nghiệp nhờ năng suất lúa và quy hoạch kiến thiết đồng ruộng, được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hàng Ba vào những năm tám mươi của thế kỷ hai mười.

Anh Lê Cảnh Thặng, người đã từng có hai mươi năm lãnh đạo HTX nông nghiệp Bích La, nay là Phó chủ tỉch UBND xã Triệu Đông cho biết.

“Từ trước đến nay, trải qua bao nhiêu thế hệ nối tiếp lãnh đạo địa phương và HTX Bích La đều biết lo cho dân, thực hiện lời căn dặn của đồng chí Lê Duẩn lần về thăm quê: “Bây giờ tất cả đều làm chủ chế độ mới, xây dựng nền kinh tế mới. phải đảm bảo đời sống của mọi người no đủ…” Tuy chưa phải là giàu có nhưng đời sống của nhân dân được nâng lên đều. Các phong trào vẫn được giữ vững, cán bộ có trách nhiệm với dân, được nhân dân tin tưởng. Là xã thuần nông, đất đai có hạn, chỉ có 422 ha đất canh tác trên 5934 nhân khẩu nhưng Triệu Đông đã tích cực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào đồng ruộng, hàng năm đạt sản lượng bình quân 3300 tấn lương thực, đưa bình quân lương thực lên 600kg/ người/ năm. Bích La Đông, Bích La Trung, Bích La Nam đều đã xây dựng làng văn hóa và Bích La Đông được công nhận làng văn hóa lần hai”.

Điều đáng ghi nhận ở Bích La là các giá trị truyền thống của làng luôn được trân trọng, giữ gìn. Có thể nói đình làng Bích La là một biểu tượng văn hóa của làng. Không khác gì mấy so với những ngôi đình làng của miền Trung, đình làng tọa lạc trên một triền đất thoải đầu làng, trang trí đơn giản, mặt tiền và hậu đều để thoáng. Gian giữa đình có con hói chạy bao quanh. Nét độc đáo là đình này được xây cất không phải chỉ để thờ tự mà còn là nơi nhóm họp dân làng, nơi diễn ra mọi sinh hoạt văn hóa của làng từ xưa đến nay.

Men theo các địa danh, tìm hiểu lịch sử của làng do các cụ lão dẫn dắt tôi cảm thấy vừa t hú vị vừa xấu hổ khi các cụ Nho học trường làng lại đọc, diễn giãi nghĩa của các văn tự cổ cho cái anh cử nhân ngữ văn thời này. Mà cũng đúng thôi, sự học của các cụ ngày trước thật thâm hậu. Trở lại những giá trị truyền thống của phiên chợ đình làng ngày Tết, tôi hỏi cụ Lê Cảnh Đốc.

- Thưa Cụ, nghe nói có một giai thoại về phiên chợ đình đầu xuân?

Chỉ cho tôi một cánh cửa bên hông đình làng, cụ ôn tồn giải thích:

- Anh thấy chưa, bên hông tả của đình này có một lối đi vào. Theo như giai thoại dân gian truyền lại, đình Bích La năm trên lưng một con cù. Con cù là con gì thi không ai giải thích được. Có người thì bảo con cù chính là con rùa nhưng nhiều người thì bảo là không phải. Tương truyền mỗi năm con cù thức dậy một lần. Nhưng có một năm từ xa xưa cù không nổi lên. Năm đó dân làng làm ăn thất bát. Năm sau đó dân làng nghĩ ra kế cứ vào ngày mồng ba đầu năm, từ sáng sớm làng tập trung khua chiêng gõ mỏ để thức con cù dậy, cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi. Từ đó hàng năm đến ngày mồng ba Tết người làng tập trung ở đây để nhóm họp chợ, cũng là dịp để cầu may. Cái cửa bên hông đình này làm lối đi vào và với ý nghĩa khi có đông người đi vào sẽ làm cho con cù tỉnh giấc. Chuyện là thế, không biết có từ bao giờ nhưng phiên chợ này thị không có năm nào không có.

Từng thăm nhiều phiên chợ nổi tiếng trong cả nước nhưng tôi thấy ít có nơi nào có một phiên chợ độc đáo như phiên chợ đầu năm ở đình làng Bích La. Chợ chỉ đông từ năm giờ đến bảy, tám giờ sáng là tan. Người ta chỉ mua và bán trong mấy tiếng đồng hồ. Hàng hóa là cây nhà lá vườn, chủ yếu là rau quả, hoa tươi, trầu cau, cá thịt các loại… Mấy năm gần đây chợ diễn ra ngày càng đông, có hàng ngàn người tham gia. Người đi chợ, người bán không chỉ là người trong làng mà còn có rất nhiều người ở các làng bên cạnh, có cả những người từ thị xã Đông Hà, thị xã Quảng Trị cũng tìm về đây làm cho phiên chợ rất nhộn nhịp. người ta đi chợ chủ yếu là đi cầu may, gặp nhau đầu xuân, chuẩn bị vài ba thứ cho lễ cũng tiễn đưa ông bà, rồi ngày mai ai nấy kịp xuống đồng tiếp tục công việc của một mùa vụ đang chờ. Người xa xứ về thăm quê, ăn Tết thì kịp trở lại nơi làm việc. Những năm gần đây làng còn bổ sung thêm một số trò chơi dân gian như trò chơi kéo co, chọi gà… Đây là một nét đẹp văn hóa của làng đang được giữ gìn và phát huy.

Về Bích La, lân la hỏi chuyện từ đầu làng đến cuối xóm, tôi được nghe bao điều hay, thấy được bao nét đẹp, nhưng không hiểu sao câu chuyện lần đồng chí Lê Duẩn về thăm, thân tình đi thăm hỏi từng nhà, tìm lại từng người quen biết vũ vẫn neo lại trong tôi. Được biết sau này đồng chí còn tìm về tận Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh thắp nén hương lòng tìm lại cội nguồn gia phả của tổ tông. Mới hay con người đâu chỉ có một Tổ quốc để cồng hiến, hy sinh mà con có một quê hương để hướng về, để tưởng nhớ, bởi dù  có đi nơi đâu, làm bất cứ việc gì thì quê hương, nới “chôn rau cắt rốn” mãi mãi là cõi đi về trong tâm thức của một đời người

M.T

Minh Tứ
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 103 tháng 04/2003

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

05/05

25° - 27°

Mưa

06/05

24° - 26°

Mưa

07/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground