Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 04/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Người đặt tên tôi

Đ

ại hội của những người làm báo quê hương khai mạc trọng thể và ấm áp. Lòng tôi vui như có sóng cồn của cơn bão mùa xuân, nhưng có những giây phút xao động. Bởi thiếu vắng một gương mặt thân quen, một người làm Báo Cách mạng thời chống Mỹ cứu nước.

Trong hai tập sách “Chân dung các nhà báo liệt sĩ” do Hội Nhà báo Việt Nam xuất bản năm 1996 và 1998 không có tên anh. Năm ngoái, nhân ngày Báo chí Việt Nam 21.6.2004, Hội Nhà báo Việt Nam truy tặng huy chương “Vì sự nghiệp báo chí Việt Nam” cho anh. Hội nhà báo Lâm Đồng được ủy quyền trao huy chương và các bức ảnh mới tìm thấy đến người em trai của anh là một bác sĩ ở Bệnh viện Đà Lạt. Anh mới được Nhà nước suy tôn liệt sĩ, nhưng ngày suy tôn là 29 - 5 - 1972, cách đây 33 năm.

Tên anh là Đặng Bá Sô, nguyên phóng viên Thông tấn xã Giải phóng, phóng viên báo Quyết Thắng khu Trị Thiên - Huế, rồi phóng viên báo Cứu Nước (Quảng Trị) trước khi hy sinh.

Đặng Bá Sô quê ở làng Cu Hoan, xã Hải Thiện, huyện Hải Lăng. Cậu học trò xuất sắc trường trung học Nguyễn Hoàng những năm 60 này vừa lo kiếm ăn, vừa lo nuôi hai em trai ăn học vì cha mẹ mất sớm. Nhưng rồi đã đến cái tuổi phải chọn lựa trước “đôi dòng nước”. Đất trời quê hương bấy giờ đang rộn rã vào Xuân và đâu đó dội lại âm hưởng trầm hùng của mùa xuân Mậu Thân 1968. Đặng Bá Sô dứt khoát ra đi, chỉ dặn các em có một câu (anh kể lại khi chúng tôi quen nhau): “Nếu không học được nữa thì đi theo con đường của anh”.

 

... Một đêm rét buốt năm 1971, đồng chí Nguyễn Văn Lương, Trưởng Ban tuyên huấn Tỉnh uỷ Quảng Trị dẫn tôi vào hầm lán báo Cứu Nước ở Tà Rụt (Đakrông), là một bộ phận của Ban tuyên huấn. Trong số anh chị ngồi nướng sắn bên bếp lửa rừng rực, một người đứng dậy chìa cho tôi củ sắn nướng thơm lừng và nói giọng đặc sệt vùng trũng Diên Sanh:

“ Chú em là học sinh Nguyễn Hoàng hả? Ăn sắn đi. Đêm nay ngủ võng anh ...”

 Nhưng một giọng Bắc trong trẻo cắt ngang:

“Để em nó thay áo, hơ lửa cho ấm. Chú mày đưa con gà cho tớ”.

 Con gà của một trạm giao liên tặng đoàn chúng tôi từ đồng bằng lên. Đêm đó, tôi Đặng Bá Sô và Vũ Thế Súy được ăn cháo gà, tâm tình đến sáng.

Đặng Bá Sô hỏi tôi sao lại có thêm cái tên Bình Phương, đã vào làng báo thì cứ cái tên quai nôi mà ký dưới bài viết. Tôi kể:

- Hồi bé, tôi được mẹ đặt tên là Chó. Xóm làng gọi như thế thành quen. Nhóm trẻ làng tôi nhiều đứa có tên khó viết thành văn. Nhưng một đêm trong tiếng chó sủa râm ran cả  xóm, mẹ tôi bảo: “Bọn địch đi lùng ba con đó. Đói rách quá, mẹ quên đổi tên cho con. Thôi, nay mai vào lớp năm (lớp 1), xin cô giáo một cái tên, khỏi phải dò tìm gia phả gì nữa”. Nhóm bạn thân chúng tôi được cô giáo đặt tên: Lê Văn Cần, Phan Thanh Đình, Phan Thanh Long, Lê Thị Quý, Lê Thị Thu ...

Nhưng đổi tên không làm tuổi thơ chúng tôi bớt đói rách và dữ dội. Hạt lúa củ khoai, cái chữ và nước mắt trộn chung một nồi mà lửa lúc cháy, lúc tắt. Vào tuổi dậy thì, đầu tháng 3 năm 1971, Thu gọi cả nhóm đến nhà lúc nửa đêm, xuống hầm thắp hai bó đuốc, nó bưng cho ăn một rổ nưa rồi trịnh trọng đọc một lèo: “Hôm nay, Hồng Nhung, Bí thư chi đoàn làng Thượng Xá tuyên bố công nhận hai bạn Thanh Bình và Bình Phương là đối tượng Đoàn Thanh niên nhân dân Cách mạng miền Nam Việt Nam ...”. Tưởng nó đùa, nhưng khi Thu chỉ hình Bác Hồ dệt bằng vải treo ở góc hầm, rồi nó mô tả sự hy sinh anh dũng của chị Phan Thị  Thu Hồng và sự dã man của bọn giặc đối với thi thể của chị, đặc  biệt là nghe xưng hô “mình” “bạn” chứ không “con”, “thằng” như trước, lòng tôi như có sóng cồn cuồn cuộn. Tôi đâu ngờ, Thu hát và đọc thơ xúc động đến thế:

“Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ

Mặt trời chân lý chói qua tim...”

Một chiều anh bước đi em tiễn đưa ra (cho) tận cuối đồi. Rằng kháng chiến (vẫn) còn trường kỳ và còn gian khổ (anh ơi)...Thu hét to từ “anh ơi” về phía Đình”, hình như nó thương rồi...

   Tôi chưa hiểu hết các ca từ lúc đó. Khi Thu mở Đài phát thanh Giải phóng, đúng lúc vang lên lời bài hát: “Bão nổi lên rồi, từ miền Nam quê hương thân yêu...”  Thì tôi hỏi vặn:

- Bây giờ đang mùa xuân sao bão lại nổi lên?

- Thế cô Hồng Nhung đó trả lời sao?   Đặng Bá Sô cắt ngang lời kể.

- Dạ . Nó trợn mắt quát tôi: Bão ở đây là bão táp cách mạng, không phải bão lụt làm làng ta khốn đốn. Đi theo các chú, các anh, hai bạn sẽ hiểu...

- Thế còn cái tên Bình Phương ?

- Thu không nói rõ. Tôi và Đình cùng mang cái tên chung, theo Thu vượt qua núi đồi ngào ngạt hương hoa sim, hoa mua. Lúc bấy giờ quân địch thất trận Đường 9 _ Nam Lào về đóng chốt cả hành lang giáp ranh huyện Hải Lăng. Thu luồn lách khôn khéo để che mắt địch. Khi bàn giao chúng tôi  cho anh Thắng, Bí thư xã Hải Lâm, nó khóc nấc nghẹn và nói: “Mong hai bạn sớm vào Đoàn. Bắt thăm mà chọn lấy một cái tên và từ hôm nay liên lạc với nhau bằng cái tên mới. Đó là ngày 22/4/1971, một ngày nắng chói chang cuối xuân chớm hè. Là mùa hái sim, hái củi, tát cá, bẫy chim, mùa xoá đói của dân làng.

Anh Thắng, anh Tân, chị Thanh, chị Thuỷ xã Hải Lâm đùm bọc chúng tôi trong một căn hầm đầu nguồn sông Nhùng, chờ ngày địch rút đi để đưa sang bàn giao cho xã Hải Thượng cũng trong căn hầm chữ A gần xã Hải Phú. Chỉ có mấy cây số mà mất gần cả tháng trời. Nhưng trong thời gian ấy, chúng tôi được học những bài học đầu đời về lẽ sống, lý tưởng khi chứng kiến gương hi sinh của các anh chị thoát ly gia đình đi theo Đảng trên vùng giáp ranh mặt trận 7...

... Anh Sô gắt như hỏi cung:

- Khoan kể đoạn đó. Chị Thu Hồng là ai, có đẹp không?

Tôi đượm buồn. Sao nhà báo mà hỏi khô khan thế? Nhưng vẫn kể, vì sợ anh, cái sợ của tuổi trăng tròn đi tìm chân lý.

_ Dạ thưa...đẹp một cách cứng cỏi như một bông hoa và mượt mà như cánh hoa xương rồng mọc từ cát trắng làng tôi. Chị hơn tôi ba tuổi, dũng sĩ diệt Mỹ khi vào tuổi trăng tròn, xã đội phó xã đội Hải Thượng huyện Hải Lăng, chết khi tròn 18. Cái chết của chị trở thành huyền thoại của làng cát Thượng Xá. Mỗi người kể lại theo cách nhìn nhận của  mình. Đối với tuổi thơ chúng tôi, cái chết ấy là một hình tượng bất tử khó phai mờ trong tim óc.

Tôi kể cho Đặng Bá Sô nghe về cuộc đụng đầu lịch sử giữa một bông hồng trên cát làng tôi với kẻ thù lúc nhúc vũ trang tận chân răng năm 1969 - năm đó làng đói do lửa đạn và mất mùa. Nhiều người đã kể về chị, nhưng tôi tin lời kể của Hồng Nhung ở mấy chi tiết: Chị và anh Đào Xuân Mai bật nắp hầm bí mật cùng lúc với việc tung lên hai quả M26 của Mỹ tiêu diệt kẻ thù vây quanh hầm. Trong khói mù của lựu đạn vừa nổ, hai thiên thần một trai, một gái từ lòng đất mẹ Thượng Xá bay lên xông ra hai phía như hai mũi tên rời khỏi cánh cung. Một thiên thần ngã xuống. Trên vòm trời làng quê hình thành một đám mây màu cánh vạc. Chị Hồng bị thương ở chân, vác khẩu AK  47 báng gấp trên vai nhưng ngược nòng ra sau, cố chạy. Giặc đuổi theo để bắt sống. Chờ chúng nó đuổi gần kịp thì dừng lại, điểm xạ từ 3 - 5 viên đạn. Lại cố chạy, lại dừng điểm xạ... Nhưng băng đạn AK chỉ có 30 viên thôi... Chỉ có ... , như Hồng Nhung nói với chúng tôi, lòng căm thù giặc và nỗi lòng với làng quê, với dân tộc của người Thượng Xá thì không đếm được.

Lúc ngồi dưới hầm để công nhận chúng tôi là đối tượng Đoàn, Thu vừa khóc, vừa nói: “Hai bạn hãy giữ cho mình một viên đạn và một quả lựu đạn cuối cùng”.

***

Kể đến đây, Đặng Bá Sô đứng dậy, vẻ mặt buồn buồn, bỏ ra rừng.

... Thế rồi xuống núi, đi chiến trường. Lên núi gùi gạo, làm rẫy, đào hầm, đi in báo, ghi tin đọc chậm, chấm mo- rát... Cho đến một sớm mai, bỗng nhận ra Xuân sắp về trong từng chồi non, nụ hoa lan rừng. Hai bộ phận Báo Cứu NướcPhân xã thông tấn xã Giải phóng được lệnh ăn tết sớm, Tết Nhâm Tý 1972. Đêm ấy Trường Sơn rét buốt, nhưng trong nỗi mừng vui trước giờ ra trận, những anh chị làm báo ở chiến khu Quảng Trị hát ca, nhảy múa, đọc thơ, ra vế đối. Lần đầu tiên tôi thấy Đặng Bá Sô khóc. Anh nói: “Khóc vì chia tay mỗi người mỗi hướng. Khóc vì sẽ rời xa núi rừng, xa đồng bào Vân Kiều, Pa Cô thân yêu. Khóc vì được trở về quê mẹ... Tôi buồn vì không được lên đường đợt đầu tiên này. Có ai hình dung được rằng, ngày  giải phóng quê hương tới đây, trong chúng tôi đang quây quần đêm nay, ai còn, ai mất ?

Gần sáng, Đặng Bá Sô thức tôi dậy. Anh đang viết gì đó, muốn nghe tiếp câu chuyện của tôi và thỉnh thoảng chêm một câu. “Kể chính xác từng chi tiết”. Tôi ríu mắt nhưng thương anh đang sốt mà vẫn viết:

- Tôi được kết nạp Đoàn sau Đình vì sốt rét mất hai tháng. Khi chia tay, nó khóc và nói: “Cần học toán giỏi, thôi lấy cái tên Bình Phương mà vững bước ra đi. Hoà bình rồi chúng mình lại gặp nhau để đi bẫy chim, tát cá... Mong bạn ra Bắc học giỏi để về bày lại bọn mình”. Và nó hứa sẽ chắc tay súng trước kẻ thù. Tôi đưa mấy lá thư ký tên Thanh Bình gửi Bình Phương để anh Sô xem. Tôi đang làm báo, đang sốt rét ở Tà Rụt mà Đình tưởng hòm thư này ở tận ngoài Bắc. Nó hỏi tôi đã gặp cha chưa, học hành thế nào...? Anh Sô rớm nước mắt, hỏi nhỏ nhẹ:

- “Quả lựu đạn cuối cùng” là thế nào?

- Dạ, thưa anh. Chị Thu Hồng bắn hết băng đạn về phía sau, diệt khá nhiều địch, rồi thả súng xuống đất, đưa hai tay về phía trước...

- Đầu hàng ?

- Hồng Nhung nói rằng: Thiên thần thì có mắt ở tứ phía. Nên bắn ngược ra sau mà vẩn trúng đích! Chị Hồng dang hai tay như muốn ôm lấy đất trời quê hương vào lòng và thầm thì điều gì đó với cha mẹ, các em, bạn bè, bà con, cô bác làng Thượng trước lúc bay về trời. Chị báo cáo với Bác Hồ, với miền Bắc những gì chị đã và đang làm. Vì chị đang nhìn về phương Bắc. Nhưng địch tưởng chị đầu hàng. Và rồi chị cúi xuống như để hôn lên mảnh đất nơi chị ra đời và nuôi chị khôn lớn. Rồi chị cởi dép cao su để mang ngược lại. Hoặc là chị rút chốt quả lựu đạn cuối cùng kẹp vào ngón chân (nếu là lựu đạn M26 của Mỹ) hay mở nắp lôi dây giật nụ xoè ra (nếu là lựu đạn chày của Trung Quốc) và đứng thẳng lên chờ địch đến. Một dáng đứng lồng lộng giữa cát trắng hoen máu  đỏ và trời xanh trong có những đám mây hình cánh vạc.

Nếu chị Hồng cởi dép cao su thì đó là một phản xa, vì người làng tôi khi đưa đón những đoàn quân giải phóng qua đồi cát, thường phải xoá dấu chân hoặc trải chiếu, mền, ni lông cho quân đi. Nhưng vẫn không qua được mắt giặc và khó thực hiện trong một đêm đối với số quân lớn. Chỉ còn cách là cả đoàn quân mang ngược dép cao su để đánh lạc hướng. Với sáng kiến đó, cả tiểu đoàn quân giải phóng ém ở đồng bằng an toàn trong khi địch tập trung càn quét vùng giáp ranh vì tưởng “Việt cộng” đã rút lên rừng đêm qua rồi.

Nhưng, như Hồng Nhung mô tả, khi đứng thẳng lên, trong tay chị Hồng có nắm đất làng cát nơi chị đang đứng. Nó còn nói là chị ưỡn người ra, ấp nắm đất vào bộ ngực căng tròn và ... một tiếng nổ như tiếng sét, rền vang, tiếng nổ kèm theo tiếng rú, tiếng rên la của cả đại đội địch vây quanh chị ... Kể như là được nhìn thấy vậy. Và tôi tin nó, vì lời kể được lọc qua nước mắt của tuổi thơ dại những tháng ngày đói khát triền miên và thừa mứa bom đạn, chết chóc hằn thù. Có một điều chính xác là tiếng nổ ấy tạo ra từng cơn sóng cuộn trong tâm hồn tuổi thơ chúng tôi, mà âm vang của nó còn vọng mãi suốt đời mỗi người con Thượng Xá.

***

Đã 8 giờ sáng mà Trường Sơn vẫn tối mù. Tôi phải ghi các bản tin chiến sự của Đài phát thanh Giải phóng để trình lên Ban biên tập. Chờ anh Sô, anh Suý thức dậy, tôi hỏi:

- Sao giữa các bản tin đọc chậm, lời hát “Bão nổi lên rồi” càng lúc càng dồn dập hơn ?

- Sắp đánh to ! Có thể giải phóng một vùng rộng lớn gần như Xuân Mậu Thân. Chú em chuẩn bị tư tưởng mà ghi tin tức chính xác từ dấu phết. Như bạn Hồng Nhung chú em nói, trong lịch sử dân tộc ta, những sự kiện tạo bước ngoặt đều như một cơn bão diễn ra hoặc hình thành vào mùa xuân. Cha Lạc Long Quân và mẹ Âu Cơ chia tay vào mùa xuân; mười tám đời vua Hùng truyền ngôi cho nhau: mùa xuân; cờ nghĩa Hai Bà Trưng: mùa xuân; Nguyễn Huệ đại phá giặc Thanh: mùa xuân; Trong 1117 năm đêm dài nô lệ, dân tộc ta đã từng có tên hiệu Vạn Xuân. Ngày Đảng ta ra đời: mùa xuân; tấn công nổi dậy:mùa xuân.  Ở quê mình, năm ngoái tiêu diệt cái gọi là Lam sơn 719 của địch: mùa xuân; bây giờ là mùa xuân 1972. Ngày thống nhất đất nước cũng sẽ mùa xuân cho mà coi...

Trước khi lên đường, Đặng Bá Sô và Vũ Thế Suý gọi tôi ra đầu nguồn suối, thịt một con gà rừng, anh Suý bẫy được trong đêm. Các anh nhất trí để tôi ký tên Bình Phương nếu có tin bài nào được đăng báo. Và dặn thêm: Đó không phải bí danh, bút danh gì cả, đó là một cái tên thứ ba mà cách mạng đặt cho mình. Đặng Bá Sô trìu mến xoa đầu tôi: “ Nếu mà em xứng đáng, và còn sống đến ngày hoà bình hãy đặt cái tên này cho đứa con đầu lòng dù trai hay gái. Còn em, hãy trở lại cái tên thuở còn thơ dại để nhắc mình đừng quên hương đất tình người làng cát của em !

***

...Tôi về đến làng Hà Thượng xã Gio Lễ, huyện Gio Linh đầu tháng 7-1972, Toà soạn Báo Cứu Nước đang chuẩn bị Số 1 báoQuảng Trị Giải phóng”, bộ phận Thông tấn xã Giải phóng suốt ngày đêm chuyển tin tức ra Hà Nội. Trong số nhiều người không trở về có hai phóng viên Vũ Cường Thông tấn xã Gải phóng và Đặng Bá Sô Báo Cứu Nước, đều công tác ở mặt trận 7 (huyện Hải Lăng). Cũng từ mặt trận này, Vũ Thế Súy sau những đêm chiến đấu, moi hầm cứu dân, đã cùng đồng đội đưa bà con xã Hải Vĩnh vượt qua đạn bom ra đến nơi sơ tán ... Gặp lại, chúng tôi lặng lẽ nhìn nhau, hy vọng, ngóng trông. Báo Quảng Trị Giải phóng tiếp tục xuất bản số 2, 3, ...10, 11 trong gầm rú bom đạn. Từ nhà in báo ở bàu Thủy Ứ, Vĩnh Tú, Vĩnh Linh, tâm trí chúng tôi hướng về phía Nam - nơi đó Thành Cổ Quảng Trị đang bước vào trận đụng đầu lịch sử giữa ta và kẻ thù, giữa chính nghĩa và phi nghĩa. Lúc ấy tôi vào tuổi 17, chưa thấu hết lẽ đời, chưa nghĩ sâu xa về sự nghiệp, chỉ đau đáu mong Đặng Bá Sô - một người anh, một đồng chí, đồng nghiệp hãy trở về; như có lần anh đi chiến dịch Đường 9 hết hạn đã lâu, tưởng đi mãi nhưng tháng sau thấy anh xuất hiện. Tôi lục hết các công văn, thư từ gửi về Toà soạn mong tìm một tin bài ảnh của anh... Tôi đã mất Thanh Bình thật rồi. Khi vừa nhận được hai gói thuốc lá Battos nó gửi, kèm mấy chữ: “Sắp giải phóng quê hương. Mình sẽ chiến đấu trở thành dũng sĩ. Hẹn gặp ở ...”. Cùng lúc với cái tin sét đánh: Đình đã hy sinh! Tôi chạy về Thạch Đâu, Bích Giang (Cam Lộ) nơi xã Hải Thượng sơ tán:

“Chú Quang, anh Hưng, anh Tuấn, anh Phức, anh Đức, chị Biền...ơi, bạn tôi đâu, sao không ra sơ tán?”. Các chú, các anh an ủi, động viên:

- Đình chiến đấu dũng cảm, một mình cản địch tái chiếm làng quê để đồng đội rút quân an toàn. Trước khi mai táng, các chú, các anh mới có chút thời gian giữa các trận đánh đọc quyết định kết nạp Đảng và đề bạt xã đội phó cho bạn. Tôi khóc: “Chết rồi thì kết nạp, phong chức làm gì nữa!” Chú Lê Văn Quang, Bí thư xã Hải Thượng trừng mắt nhìn làm tôi biết mình nói dại... Chị Thu Hồng, xã đội phó, đảng viên Cộng sản hy sinh vào tuổi 18 như tuổi Đình bây giờ. Tôi ghi vào nhật ký mấy dòng nước mắt: “Thanh Bình ơi, mong bạn tha thứ cho mình, nói với chị Hồng tha thứ cho đứa em non dại...”

... Mới đây, trong khi sưu tầm tài liệu viết “Lịch sử báo chí Quảng Trị”, chúng tôi nhận ra một số hình ảnh của Đặng Bá Sô lúc còn là phóng viên báo Quyết Thắng, báo Cứu Nước. Tôi chạy sang nhà anh Suý. Sau 33 năm xa vắng, ba anh em phóng viên trẻ chúng tôi một người ở miền Bắc, hai người ở miền Nam, hai còn sống, một đã chết, lại có dịp gặp nhau, nhớ một thời đáng nhớ...

Cuộc chiến đấu ngoan cường, khốc liệt để giải phóng quê hương đất nước kết thúc thắng lợi và đã đi qua gần nửa đời người rồi. Đặng Bá Sô, một phóng viên chiến trường Quảng Trị đã hy sinh sau một ngày cùng đồng đội xác định hướng phản kích “tái chiếm” của quân thù vào phía đông nam thị trấn Diên Sanh, Hải Lăng. Anh hy sinh lặng lẽ, không để lại gì ngoài khẩu AK bị mảnh đạn cứa đứt báng súng. Như chúng ta đã biết,  trong chiến tranh, dù anh là cán bộ, phóng viên cơ quan báo chí nào, khi đến công tác ở đâu thì anh là quân số của nơi đó, chấp hành mệnh lệnh của nơi đó. Phóng viên báo Cứu Nước Ngô Huy Hoàng, khi về công tác ở Hải Lăng năm 1970, được bầu làm Phó bí thư Huyện ủy, lúc hy sinh, ít ai nhớ là phóng viên báo. Vũ Thế Súy khi công tác ở xã Hải Vĩnh, được coi như xã đội phó, Súy còn sống và trở về Toà soạn. Đặng Bá Sô công tác, chiến đấu ở quê nhà Hải Thiện trong cương vị một chiến sĩ tăng cường cho xã đội.

Vì thế, việc xác nhận, lập hồ sơ suy tôn anh phải kéo dài. Đó là lẽ thường của chiến tranh. Ở cõi vô cùng giờ đây chắc anh yên lòng trước sự đổi mới của làng cát quê mẹ. Không còn được kể anh nghe những bài học đầu đời. Em xin hứa thức hiện những gì anh dặn dò. Xin thắp nén hương lòng của đứa em, của đồng chí, đồng nghiệp tưởng nhớ anh trong những ngày vang vọng âm hưởng hào hùng này. Ngày hội của đội ngũ báo chí quê hương hôm nay vừa hào sảng, vừa sâu lắng, giao thoa giữa quá khứ - hiện tại - tương lai... Mai em về làng, dự buổi gặp mặt cán bộ du kích năm 1971-1972. Em và Hồng Nhung lên thăm anh trên đồi cát giờ đã toả bóng xanh lên làng xóm, nghe hát câu ca “Đừng than phận khó ai ơi. Còn da lông mọc, còn chồi nảy cây...”, thăm Thanh Bình, hái hoa xương rồng dâng tặng các anh, các chị, bạn bè đã ngã xuống vì độc lập tự do cho quê hương, đất nước. Rồi để nghe bạn khóc lóc, kể lể, hát hò, điệu hò tát nước đêm trăng, điệu hò đập bắp làng Thượng Xá. Và nó sẽ kể tiếp chuyện người con gái anh hùng, rồi đọc thơ, thế nào cũng có hai câu:

“Sống trong cát, chết vùi trong cát

Những trái tim như ngọc sáng ngời.”

 

 L.V.C

Lê Văn Cần
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 128 tháng 05/2005

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

05/05

25° - 27°

Mưa

06/05

24° - 26°

Mưa

07/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground