Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 30/03/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Người đời không còn khóc

Ô

ng Sanh mới ngoài bốn mươi tuổi. Ở tuổi ấy, người ở quê thường chỉ gọi chú Sanh hoặc bác Sanh mà thôi, nhưng riêng ông Sanh người ta cho lên lão rất sớm, gọi bằng ông ngon ơ. Có lẽ tại vẻ bên ngoài của ông già cứng cựa như người lục tuần, tóc sợi đen chen sợi bạc. Khuôn mặt đăm đăm khó gần, nước da rám nắng và xương cơ mặt nổi bần bật, kiểu một gã khắc khổ. Trông thấy già là phải.

Ngôi nhà rường gỗ ba gian cổ kính nằm khuất giữa vườn xanh, cây bóng mát mọc cao, cây bon sai nằm thấp đan xen giữa vườn tạo thành các lối đi. Đó là ngôi nhà từ đời ông nội để lại cho cha, rồi cha để lại cho ông Sanh. Qua thời gian, các cột trụ gỗ lim đen bóng lên, rui mè trên mái nhà bằng loại gỗ gõ cứng cáp. Tất cả thứ gỗ trong ngôi nhà đều có từ thời ông nội ngược nguồn kiếm cây về dựng và đến nay chưa hề thay một rui mè nào. Chỉ có ngói lợp ở trên là thay từ cách đây hai chục năm.

Bên ngoài khuôn viên có hàng rào ngăn cách với đường thôn, cổng có hai cánh cửa song gỗ để khép mở. Ở làng, không nhà ai làm kiểu đó cả, cùng lắm có nhà trồng giậu mùng tơi thay hàng rào, cổng thì trồng hai bụi chè tàu thôi. Chính cái sự kín cổng cao tường ấy mà nhà ông ít có người sang thăm chơi, họa hoằn đôi ba ngày tết thì có vài lượt người. Dân quê ít tới ông còn vì một nhẽ, họ sợ con khỉ ở nhà ông. Hễ có ai vào là nó chạy đến nhe răng rống lên, rồi ngồi xổm, hai chi trước đưa lên cào cào, có khi nó túm lấy áo người ta mà kéo. Trẻ con thì chẳng bao giờ dám bén mảng đến gần cổng nhà ông Sanh, đề phòng nó nhảy xổm ra cào cấu. Con khỉ giống cái. Ông Sanh nuôi nó vừa để bầu bạn, lại để cân bằng âm dương trong ngôi nhà cổ kính. Mỗi tháng giữa hai chi sau của nó chảy ra một thứ nước đỏ như máu. Người làng nói tởm, khỉ cái như đàn bà, cũng có kinh nguyệt. Nhưng ông Sanh không hề thấy bẩn, ông ôm con khỉ lên, dùng khăn sạch lau chùi cho nó. Từ đó người làng càng ghê với ông hơn, bảo ông là đực rựa không đều.

Hằng ngày, người ta vẫn thấy ông Sanh mỗi sáng sớm hay chiều muộn đều ra ngồi uống trà một mình giữa vườn cây. Cuối tuần thì hầu như ông ngồi suốt ở đó để đọc một cuốn sách dày cồm cộp. Được cái vườn ông râm mát, mùa nắng trời hanh ông vẫn ngồi rất an nhiên. Mùa mưa ông ngồi trong mái hiên, đọc sách uống trà, không bỏ thói quen. Có người chửi sau lưng ông là thằng cha trưởng giả. Dân quê lam lũ quanh năm suốt tháng, mùa vụ cứ lo ngay ngáy ông trời mà hắn thong thả như người trên trời bay xuống.

Ông bà nội của ông Sanh là người dân Bắc vào đây, mua lại phần đất của một người nghèo trong làng, dựng lên ngôi nhà này, đẻ ra bố ông Sanh. Bố ông Sanh lại lấy một người đàn bà quê Nga Sơn xứ Thanh vào bán chiếu, đẻ ra ông Sanh. Thành ra ông Sanh không họ hàng thân thích với ai ở vùng này cả. Tiếng nói của ông là thứ giọng pha, nửa Bắc nửa Quảng. Dân Bắc vốn chịu khó làm lụng và chắt chiu dành dụm, ngôi nhà rường gỗ ba gian này hồi ông nội mới gầy nên đã từng khiến cả vùng choáng váng. Cách đây ba năm, có một người buôn gỗ vào đặt ý với ông Sanh đòi mua riêng phần gỗ của căn nhà với giá nửa tỷ bạc. Nhưng ông Sanh cười khinh khỉnh, bảo tiền để làm gì?...

***

Cả cái làng này xưa nay chẳng ai học hành gì nhiều, họ bảo người ta vay gạo vay tiền chứ ai vay chữ mà học, chỉ tổ đau đầu. Riêng Sanh được ông bố lo cho học hành đến nơi đến chốn. Cấp ba, Sanh có cái xe đạp Phượng Hoàng bon bon mười cây số lên tỉnh học. Rồi Sanh thi đỗ vào trường Nông lâm ở cố đô Huế, ngành sinh vật học. Cả làng, nửa lác mắt khen ren dân Bắc học giỏi, nửa còn lại chê cái nhà ấy phí của phí công, chi bằng cho nó ở nhà làm ruộng, nhất nông nhì cũng nông, không có gì hơn thóc lúa đầy bồ. Cô nhân viên bưu điện mỗi lần ông cụ đến gửi tiền vào Huế cho Sanh đều ngẩn ngơ, quy tiền ra thóc mà tiếc đứt ruột.

Sanh tốt nghiệp ra trường hạng ưu. Đem hồ sơ lên tỉnh nộp. Người ta xét lý lịch, thấy dân Bắc nhập cư, ngại ngại, đánh cho Sanh rớt chổng đựng. Ông bố Sanh không nhiều chữ nhưng lắm lý lẽ, lên tận tỉnh hỏi cho ra nhẽ. Cuối cùng người ta buộc phải vớt vát cho Sanh vào làm ở sở Nông nghiệp, biên chế ăn lương nhà nước hẳn hoi. Tưởng thế là mừng. Nhưng biên chế vào rồi phải chịu phân công của sở, họ giao Sanh phụ trách văn thư kiêm tạp vụ, với ý định dìm hũ nút cho nó chết, ai bảo kiện cáo.

Ba năm công tác ở sở, Sanh làm văn thư ít mà tạp vụ thì nhiều, từ việc bưng nước pha trà cho các sếp đến chùi sàn nhà, quét hố xí. Sanh cam chịu làm, vì sĩ diện của bố. Hằng ngày anh áo bỏ vào quần đạp xe lên sở, tối cũng ngay ngắn áo quần đạp xe về nhà, nhưng quãng thời gian ở sở áo quần anh phải xộc xệch vì bận cầm xô cầm chổi. Ba năm như thế, ông bố anh vẫn đinh ninh con mình làm cán bộ trên tỉnh, oai lắm, hãnh diện ra mặt với xóm làng. Đến khi bố mất, Sanh mới dám bỏ việc ở sở.

Sanh ở nhà làm vườn, trồng hoa màu quanh nương, chơi thêm cây kiểng trong vườn. Anh đấu ruộng hợp tác ba sào trồng lúa, thế là có gạo ăn quanh năm. Đến thời người ta mê cây kiểng thì vườn của Sanh có giá. Anh đạp xe về biển kiếm đá làm hòn non bộ, cho đá gối đầu dưới cây, tạo thế mộc ôm thổ, bán rất được.

Bà mẹ Sanh mất vì hen suyển. Sanh còn lại một mình.

Sanh học lóm rất tài và biết nắm thời thế. Anh biết các nhà giàu ở trên thị xã rất chuộng cây cảnh bon sai. Giàu thường đi kèm mê tín. Dân phố quan niệm cây cảnh là sinh lộc, đua nhau chơi bon sai. Sanh có thêm nghề đi tạo hòn non bộ. Tiền bán cây cảnh anh sắm được chiếc xe honda. Hằng ngày anh chạy xe lên phố với túi đồ nghề là mấy cái bay kép, kéo sắt. Làm được dăm nhà thì người ta biết tiếng Sanh. Anh ăn nên làm ra. Có nhà dành nửa khuôn viên để xây hòn non bộ, Sanh phải mất cả tháng trời mới sắp đá xong, lại còn ghép cây vào đá và tạo thế. Có nhà khoán anh tiền làm trọn gói, có nhà kêu công, anh lấy tiền công bằng giá gấp rưỡi cánh thợ nề. Tất nhiên, vì nghề làm cây kiểng dính dáng đến nghệ thuật, không thể lấy công ngang ngửa với cánh thợ đụng, tức đụng đâu làm đó. Có lần anh vào đắp đá non bộ cho nhà một ông làm to ở tỉnh, ông to thì cái nhà ông cũng to. Vợ ông chỉ ở nhà nội trợ và đếm tiền. Làm nửa chừng thì bà vợ ra trò mặc cả tiền công cán với Sanh, anh dẹp luôn, bỏ về giữa chừng. Ra cổng, anh ngoái lui nói, tưởng bọn làm ra tiền dễ dàng thì coi tiền đơn giản, hóa ra không. Rồi anh bước đi, nghĩ, chúng nó giàu cũng là nhờ vơ vét tiền của dân chứ đếch gì. Loại ấy không đáng để chơi cây cảnh.

*

Năm bốn mươi tuổi, tay nghề của ông Sanh đã “cứng”, tiếng tăm vang khắp một vùng ba huyện và một thị xã. Nhưng dù được rất nhiều người mời về nhà tạo bon sai, ông Sanh vẫn phải dành hai ngày cuối tuần, thứ bảy và chủ nhật, để ở nhà nghỉ ngơi và đọc sách.

Cả tuần đi làm miết năm ngày, cuối tuần ông lại chăm chú vào sách, thành ra quan hệ của ông với xóm làng cũng lỏng lẻo. Rất ít khách đến chơi. Nhưng hình như ông không buồn, không tỏ ra cô đơn. Nếu cô đơn chắc ông đã lấy vợ. Chuyện vợ con, lẽ ra ông đã có. Một mối tình thắm thiết hồi ông ba mươi tuổi. Bố mẹ đã mang cau trầu đi hỏi người ấy cho ông. Nhưng rồi chẳng biết vì lý do gì mà nhà gái đem trả lễ. Nghe nói là chê ông Sanh không có chí tiến thủ, đang làm cán bộ lại bỏ ngang về làm thằng dân quèn. Chẳng ai biết cái chuyện sở đã đối xử bạc như nước lũ với ông. Từ đó ông Sanh không dính líu đến phụ nữ.

Hơn bốn mươi tuổi, tóc bạc da ngăm, sống một mình với căn nhà cổ, đời ông có vẻ như cũng cổ kính đóng khung. Song, ông còn có con khỉ, nuôi từ hồi ông bỏ sở Nông nghiệp. Hằng ngày đi làm cây cho nhà người ta thì ông khóa con khỉ bằng một sợi xích sắt, móc vào cây cột hiên vì sợ mấy đứa nhỏ ở ngoài trêu chọc, thể nào chú khỉ cũng chạy ra đường. Ông sợ mất nó, mất một người bạn đã gắn bó với ông mười lăm năm nay. Chỉ những ngày ở nhà, con khỉ mới được tự do leo nhảy. Nó trèo lên vai ông, hót cổ ông như một đứa cháu nội. Có khi nó cào tay lên đầu bắt chấy cho ông như một bà vợ. Tuy chẳng có con chấy nào nhưng nó cũng giả vờ đưa tay vào mồm cắn.

Khỉ thích ăn chuối và nhai mía. Ông Sanh trồng một hàng chuối và bụi mía sau nương. Đến lúc chuối chín, ông chặt buồng đem vào, phát dần cho khỉ ăn. Lúc nào con khỉ thèm chuối, nó đứng trước mặt ông, ôm hai nắm tay xoay xoay xin phép. Ông Sanh ngừng đọc sách, cười, gật đầu. Khỉ nhanh nhẹn nhảy vào nhà bẻ một trái chuối, đem ra, chìa tay cho ông biết rằng nó không tham lam. Rồi nó nhai rất ngon lành như một đứa trẻ ăn quà.

*

Nhà tôi đối diện với nhà ông Sanh, nhưng bố mẹ không thích cho chúng tôi sang nhà ông chơi. Thế là từ nhỏ tôi đã có ý thức kỳ thị ông Sanh. Nhưng những chuyện về ông Sanh thì tôi biết rõ. Thỉnh thoảng ông vắng nhà, bọn trẻ chúng tôi lại leo tường vào lấy trộm chuối của con khỉ, hoặc bẻ vài cây mía. Chúng tôi đứng nhai nhồm nhoàm chọc thèm trước mặt con khỉ đang bị xích.

Tôi được đi học như bạn bè cùng trang lứa, xong cấp ba cũng đăng ký thi đại học vào trường Tổng hợp, ngành Vật lý. Năm ấy cả làng chỉ có tôi đỗ, mừng lắm, nghĩ thể nào sau này cũng được ăn lương nhà nước. Bạn bè bảo tại tôi ở trước nhà ông Sanh nên lây cái giỏi của ông ấy. Tôi không ghét ông Sanh, nhưng tôi chẳng thích cách so bì của chúng nó.

Tốt nghiệp ra trường, ngành vật lý ở tỉnh rất khó xin việc, trừ đi dạy. Nhưng oái oăm thay, lại đúng cái lúc cơ chế không nhận dân tổng hợp vào ngành giáo dục. Tôi cầm bằng tổng hợp đi xin vào sở khoa học. Biên chế ở sở đã kín. Mà nếu có biên chế đi nữa, thì vẫn phải có thân thế, có tiền mới “chạy” được vào. Tôi ở nhà một thời gian, chạy đó đây xin việc rồi lại trở về trong chán chường tuyệt vọng. Bố mẹ trách tôi chọn ngành kém, rồi lại dằn tôi ra chửi là do học dốt. Đến lúc đó tôi muốn tìm một người để chia sẻ, và tôi nghĩ ngay đến ông Sanh.

Thứ bảy, ông Sanh có nhà. Tôi đẩy cửa cổng bước vào. Con khỉ xòn xòn nhảy ra gầm gừ như một con chó dữ. Có lẽ nó còn hận tôi chuyện hồi nhỏ trộm chuối của nó. Ông Sanh hú xuầy một tiếng, con khỉ cong lưng nhảy leo lên cành bưởi. Tôi đi vào. Ông gấp sách, cất gọng kính, rót trà mời.

Tôi hay sang nhà ông chơi hơn. Giữa tôi và ông bắt đầu có một mối quen thân kiểu bạn vong niên. Ông dẫn tôi vào một căn phòng phía sau gian nhà chính. Một tủ sách rất to với những gáy sách dày dặn. Có riêng một ngăn dài ông để sách triết học, thứ mà tôi rất chán và luôn bị thi lại hồi ở trường đại học.  

Ông nói triết học nó là đạo đức học, nhưng cũng là thứ khôn vặt khôn vãnh. Tùy người đọc. Vẫn một triết thuyết nhưng người này bảo chân lý, người kia bảo hão huyền. Cái chính của triết học là an ủi được người ta trong những khoảng trống của sự thiếu hụt. Ông giảng cho tôi nghe như thế, và tôi cũng tù mù chưa hiểu lắm. Hình như đại ý ông muốn tôi đọc về triết học, ít ra nó sẽ an ủi tôi trong cái thời gian thất nghiệp này chăng.

Con khỉ tỏ vẻ khó chịu mỗi lần tôi sang uống trà cùng ông. Nó đứng sau lưng ông và trợn mắt lên nhìn tôi. Tôi bảo ông xích nó lại đi, khiếp quá. Nhưng ông cười, nói khỉ không đáng sợ, người mới đáng sợ. Khỉ nó phân biệt bạn thù rất rõ chứ chẳng như con người ta, bạn đấy rồi thù ngay đấy. Thù mà có lợi cho ta thì thành ra bạn. Bạn mà chẳng được gì cho ta lại hóa người dưng. Anh cứ ngẫm mà xem tôi nói đúng không? Chờ một lát cho tôi ngẫm nghĩ. Tôi đánh liều gật đầu, cũng có lý. Ông bảo thế là triết học đấy. Rất đời.

Có lần sang chơi, ông mời tôi uống rượu. Khi đã ngấm men, tôi tò mò hỏi ông vì sao không lấy vợ. Ông núc ly rượu rồi bảo, sợ sinh con. Tôi trố mắt tỏ vẻ không hiểu. Ông nói giữa thời đại này làm người khổ lắm, sinh ra thêm con cái chi để nó oán hận mình.

Tôi trộm nghĩ, hình như vì cách nói của ông mà người làng lánh ông, không thích gần gũi với ông. Họ bảo ông làm cán bộ không xong, bị sở Nông nghiệp đuổi việc, giờ còn bày đặt dạy khôn.

Chơi với ông, tôi thấy ông gần gũi. Thích nghe ông nói chuyện triết. Cứ mỗi lần nghe xong tôi lại tiếc, giá như ông dạy triết ở trường tôi, thì chắc tôi sẽ chẳng phải ì ạch môn này. Về nhà, tôi kể lại chuyện ông nói cho bố. Bố tôi bảo mày đừng có nghe, tay ấy ngang như cua, Bắc kỳ lý sự.

Lần khác tôi sang. Như đoán biết tôi ngại với thứ triết học thẳng thắn của ông giảng, thế là ông chuyển sang đề tài cây kiểng bon sai. Ông nói về phong thủy trong việc sắp đá, tạo khe suối. Quy luật của các trực trong việc tạo nhánh cây. Rồi cả kỹ thuật trồng cây cảnh thế nào để chỉ một nhúm đất nhỏ mà chúng nó sống được, cách mồi rễ cho cây sanh bám vào đá. Ông nói rất bài bản, có nghề. Cứ như kiến thức sinh vật học từ hồi ở trường Nông lâm ông vẫn còn nhớ hết thảy.

Từ chuyện sinh vật học, ông nối tiếp và liên hệ qua chuyện triết học. Khi tôi đưa tay xô con khỉ ra và tỏ vẻ ái ngại với nó. Ông nói, con người tiến hóa từ loài khỉ qua nhiều giai đoạn. Nhưng càng tiến hóa, con người càng lưu manh, giả trá, lừa lọc và phụ bạc nhau. Đấy là “thuyết tiến hóa loài người” của riêng tôi, anh nghe được không? Rồi ông ôm ngang bụng con khỉ, hôn một cái vào má nó. Ngẩng đầu lên, ông tiếp, chẳng được như khỉ. Anh cứ thử chơi với nó, yêu nó, sẽ biết thôi.

Tôi rất thú vị với chuyện của ông. Nhưng vì đã khá thân tình nên tôi cũng nói cho ông biết rằng người làng không ưa ông, có lẽ vì cách nói chuyện. Nghĩ như ông thì đúng thì hay nhưng mà khó sống. Ông nói, kệ họ. Muốn dễ sống thì hãy xem đời là cứt! Mình là con chó, ngửi được mùi đời tất. Ai không chấp nhận mình là chó mới chẳng chịu thấu đời. Càng ưa vượt lên càng thấy khổ. Nói xong ông đi ra vườn tỉa cây, nhàn nhã thư thái.

Cái cách nhận xét của ông, đời là cứt, nghe tục tĩu, nhưng lại cho tôi một bài học. Tôi xách hành lý vào Sài Gòn và cứ nghĩ về câu nói của ông để lăn xả. Tôi chấp nhận làm tất cả mọi việc dù đó là việc rất tầm thường, chẳng cần chữ nghĩa lẫn bằng cấp. Ông đã nói với tôi rằng làm gì cũng được, miễn lương thiện và có tiền. Cuộc sống ở chốn đô hội căng thẳng, bon chen, có nhiều đêm tôi mệt mỏi đến mức buộc lòng phải nghĩ đời là cứt, mình là chó, cố gắng ngửi. Thế là sáng mai lại đi làm tiếp một cách phấn khởi.

*

Gần tết ông Sanh mất. Do đột quỵ. Ông gục đầu trên cuốn sách Đạo đức học và đi nhẹ nhàng. Tôi ra quê ăn tết, bắt xe ôm từ phố về làng đã thấy quan tài của ông đưa ra ngõ. Thôn đứng ra tổ chức đám cho ông, nghĩa tử là nghĩa tận. Không ai đeo khăn tang và cũng không ai khóc. Chỉ có con khỉ đứng lu thu nơi góc vườn rơm rớm nước mắt. Bất chợt tôi nghĩ đến cái “thuyết tiến hóa loài người” mà ông từng nói, và tự hỏi: Lẽ nào rồi ngàn năm sau người đời không còn khóc?

H.C.D 

 

Hoàng Công Danh
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 224 tháng 05/2013

Mới nhất

Bộ từ điển bỏ lại giữa rừng sâu

8 Giờ trước

Sau hiệp định Pari, 27/1/1973, chiến tranh tạm dừng, đại đội tôi đóng quân giữa bãi cát Lệ Xuyên, huyện

Đi tìm cỏ

8 Giờ trước

Nhiều lúc ngồi thẫn thờ nhìn đàn trâu bò gặm cỏ dọc triền đê chợt giật mình: Cỏ quê

Chị ấy…

8 Giờ trước

Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Huế tổ chức một chuyến đi thực tế dài ngày tại Tổng Công

Pa Ling mùa mưa

8 Giờ trước

Tháng 11, dưới cơn mưa rừng tầm tã, chúng tôi tìm về thôn Pa Ling, xã A Vao, huyện Đakrông,

Chiều không tắt nắng

27/03/2024 lúc 16:33

Truyện ngắn của THỦY VI

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

31/03

25° - 27°

Mưa

01/04

24° - 26°

Mưa

02/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground