Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 19/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Người giao bưu của xứ ủy Trung Kỳ

            

T

heo lời giới thiệu của bác Hoàng Phùng, Trưởng ban liên lạc tù chính trị yêu nước tỉnh Quảng Trị, tôi tìm đến nhà ông ở khu phố 3, phường 1, thị xã Đông Hà – Con người đã một thời làm liên lạc đặc biệt của đồng chí Lê Duẩn đã từng bị địch bắt bỏ tù đày đánh đập dã man, chúng đày ông từ nhà lao này đến nhà lao khác suốt dọc miền Trung, dùng mọi thủ đoạn man rợ để khai thác ông vẫn một mực kiên trì bất khuất quyết không khai ra đường dây cách mạng Xứ ủy Trung kỳ - người đó chính là ông Nguyễn Mậu Dung năm nay vừa tròn 83 tuổi, 64 tuổi Đảng. Một cuộc đời cách mạng vinh quang và gian khổ. Ông đã yếu vì tuổi tác, vì hậu quả đòn roi tra tấn của kẻ thù nhưng đầu óc còn minh mẫn lắm. Tôi như đứa cháu nội ngồi nghe ông kể chuyện cổ tích trên con đường Cách mạng máu và hoa ông đã đi qua. Nhà ông ở cạnh đường tàu thống nhất, đang dở câu chuyện ông dừng lại nghe tiếng hú còi tàu kéo vào trung tâm thị xã. Ông cười một cách hồn nhiên:

            - Cậu có nghe tiếng còi tàu rộn rã không? Nó làm mình nhớ thời trai trẻ da diết. Cái thời mình nhảy tàu đi liên lạc cho cụ Lê Duẩn, mới đó đã hơn 60 năm rồi. Đêm nào mình cũng nằm nghe tiếng tàu xình xịch như thế. Nhớ lắm cậu ạ!

            Tôi lắng nghe từng lời, tiếng ông đều đặn chậm rãi. Câu chuyện hình như mới hôm qua đây thôi thế mà đầu ông đã bạc trắng…

            Ông Nguyễn Mậu Dung sinh năm 1917, quê ở xã Cam Thành, huyện Cam Lộ. Năm 1931, lúc vừa tròn 14 tuổi ông được Chi bộ Đảng Tân Tường, một trong những Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở Quảng Trị tin tưởng giao nhiệm vụ liên lạc đưa thư từ, tài liệu đến những cơ sở bí mật trong vùng. Thời bấy giờ, sau phong trào Xô Viết – Nghệ Tĩnh, thực dân Pháp ra tay khủng bố phong trào Cách mạng diện rộng trên toàn quốc. Cam Lộ quê hương ông cũng nằm chung trong bối cảnh đó. Cảnh những người Cộng sản bị bắt bớ tù đày, chém giết, người thân bị chúng đánh đập theo dõi bám sát diễn ra hàng ngày. Cuộc sống thêm thần bức bách ngột ngạt. Nhưng từ trong đau thương mất mát, đêm đêm dưới những mái nhà tranh, người dân Cam Lộ vẫn thao thức đợi chờ ánh sáng của Đảng rọi tới, thổi bùng lên ngọn lửa yêu nước. Là một thiếu niên quả cảm, ông thường giấu tài liệu trong cần câu cá, đũng quần, mũ rách…đưa đến cơ sở an toàn, bí mật.

            Từ một cậu bé thiếu niên tham gia phong trào, sau 4 năm được thử thách rèn luyện, trưởng thành, đủ sức chịu đựng mọi gian khổ, đến năm 1934, ông Dung được cấp trên cử vào vùng Cùa để móc nối gây dựng cơ sở. Vùng Cùa xưa là chốn rừng thiêng nước độc, đường sá đi lại khó khăn, dân cư thưa thớt nhưng người thanh niên ấy không hề sợ gian khổ hy sinh, hăng say lao vào nhiệm vụ. Từ vùng Cùa bắt liên lạc lên Hướng Cát, vùng bản Vân Kiều thuộc huyện Hướng Hóa, một ngày đi hàng chục cây số đường rừng đá tai mèo lởm chởm, chân rươm rướm máu, ông lấy áo buộc chân đi tiếp giữa mênh mông heo hút, thú dữ luôn rình rập, ông vẫn không sợ. Các chỉ thị cấp trên đều được ông đưa đến nơi an toàn. Cũng từ ấy, đường dây Cách mạng dần dần được nối  lại giữa hai huyện Hướng Hóa và Cam Lộ. Thực dân Pháp tăng cường ngày đêm rình rập vẫn không sao phát hiện ra được.

            Năm 1936, khi mặt trận bình dân Pháp ra đời, phong trào Cách mạng ở nước ta phát triển sang một giai đoạn mới. Phong trào công nhân nổ ra khắp nơi đòi tự do dân chủ. Các chi bộ Đảng nhanh chóng được kiện toàn công khai hoạt động. Tháng 5 – 1937 Tỉnh Đảng Bộ Quảng Trị quyết định thành lập Huyện bộ lâm thời Cam Lộ. Ông Nguyễn Mậu Dung vinh dự được kết nạp vào Đảng và đứng trong hàng ngũ Ban chấp hành huyện Đảng bộ, được bầu là đại biểu đi dự đại hội Đảng bộ tỉnh. Tại đây, sau khi Đại Hội kết thúc, được đồng chí Hồ Xuân Lưu – Bí thư huyện ủy Cam Lộ giới thiệu, ông Dung được gặp riêng đồng chí Lê Duẩn (thời gian này đồng chí Lê Duẩn mới từ nhà tù Côn Đảo trở về cùng với các đồng chí Hoàng Hữu Chấp, Trần Mạnh Quỳ, Hoàng Thị Ái móc nối các cơ sở cách mạng, xây dựng lại Đảng bộ Quảng Trị) và được đồng chí Lê Duẩn giao nhiệm vụ “đặc biệt”. Sau đó ông cùng Huyện ủy Cam Lộ lặn lộn xây dựng phong trào cách mạng, đồng thời hoàn thành mọi nhiệm vụ do đồng chí Lê Duẩn giao phó.

            Mùa xuân năm 1938, do yêu cầu công tác, ông Nguyễn Mậu Dung đành phải tạm biệt người vợ chưa cưới rất đỗi yêu thương của mình để cùng với đồng chí Lê Duẩn vào sống và hoạt động tại Huế dưới cái tên là Tân. Chàng thanh niên đồng đất Cam Lộ đã hòa nhập vào thành phố xa lạ, dày đặc bọn mật thám Pháp. Ban ngày ông được bố trí làm công nhân xếp báo và đưa báo của tờ báo Dân, trong đường dây liên lạc này ông tổ chức móc nối triệu tập những cuộc họp bí mật do đồng chí Lê Duẩn chủ trì. Tờ báo Dân – Tiếng nói của Xứ ủy Trung kỳ  ra đời được ba tháng thì bị thực dân Pháp đóng cửa, đồng chí Lê Duẩn với cương vị Bí thư xứ ủy đến các hòm thư bí mật để vận động thanh niên, tri thức thăm cụ Phan Bội Châu lúc bấy giờ đang bị Pháp quản thúc tại Bến Ngự. Kính phục trước tấm gương yêu nước thương nòi của vị cách mạng tiền bối, Tân hăng say lao vào công tác không hề mảy may run sợ. Tân nghĩ nếu mình bị bắt, chết cũng xứng đáng, kiên quyết bảo vệ bí mật cách mạng, bảo vệ đồng chí, đặc biệt là đối với đồng chí Lê Duẩn luôn nhắc nhở phải cẩn thận, bí mật tối đa, không được sơ suất một việc gì nhỏ nhất, trong giao tiếp chỉ cần biết mật hiệu, không hỏi han gì thêm! Vì thế ngay cả đồng chí Bùi San (sau này là Bí thư tỉnh ủy Bình Trị Thiên) cùng ở một  số nhà 15 – An Cựu – Huế, Tân và San chẳng biết nhau làm việc gì. Rồi cô Sang chủ nhà, khoảng 17 – 18 tuổi xinh đẹp và dịu hiền chỉ nhìn Tân mỉm cười, luôn chờ Tân mỗi tối về ăn cơm. Cơm cô Sang nấu rất ngon, đặc biệt là món canh chua và cá kho đường. Nhà cô Sang nghèo nhiều bữa cơm chỉ ăn với muối dậu phụng nhưng Tân ăn ngon miệng lắm. Hai người đặc biệt không nói gì đến nhiệm vụ của mình, ngoài thông tin về những vụ mật thám bắt bớ đàn áp nhân dân Huế.

            Mỗi ngày Tân đi bộ đến hàng chục cơ sở, bằng mật hiệu nhận ra nhau, ánh mắt rực lên niềm tin rạng rỡ Tân chỉ lẳng lặng đưa thư, chỉ thị của Xứ ủy được giấu trong những ổ mì, những tờ báo rồi ra về, ngay một cái tên cũng không hỏi. Tân chỉ biết đó là đồng chí của mình, là những người Cộng sản kiên trung, chỉ thế thôi lòng anh đã ấm lại. Những góc chợ, ngõ hẻm, quầy sách, quán hến, rồi những người xích lô, anh bán báo dạo…Tất cả đối với Tân ngày càng trở nên gắn bó, đặc biệt anh biết đó là hàng rào che chắn cho mình trước những đôi mắt “cú vọ” của bọn mật thám chỉ điểm của Pháp rất dày đặc. Từ địa bàn  Thừa Thiên Huế, theo lệnh của đồng chí Lê Duẩn, Tân thường đưa công văn, thư từ vào Quảng Nam, Đà Nẵng ra Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An. Những chuyến đi như vậy đầy nguy hiểm, chúng có thể khai thác được cả một đường dây cách mạng đầu não ở miền Trung nếu Tân giấu giấy tờ công văn không kỹ. Để đảm bảo an toàn, anh thường đóng vai nhà buôn hoặc một  thanh niên tri thức để đi bằng tàu hỏa. Tại các sân ga đã có những người xe thồ chờ đợi đưa anh đi một cách nhanh chóng đến điểm hẹn. Phải  nói thời kỳ này đường dây liên lạc ở Xứ ủy Trung kỳ tổ chức rất an toàn, bí mật chưa hề để lộ ra một mắt xích nào. Có lần, đồng chí Lê Duẩn đưa cho anh một bức thư và dặn : “Đây là công văn rất gấp, đồng chí ra Nghệ An gặp cơ sở để nắm tình hình báo cho Xứ ủy biết. Trong này đang chuẩn bị cuộc họp cần sự có mặt của đồng chí!” Tân nhận nhiệm lệnh lên đường, suốt ngày nằm trên tàu người mệt và căng thẳng đến Nghệ An thì trời đã tối, anh lần mò mãi mới tìm được điểm hẹn, không ngờ đến nơi không gặp được một ai. Anh lặng lẽ rút lui cũng vừa lúc đó bọn Pháp ập đến vây bủa ngôi nhà. Tân cấp tốc vừa chạy, vừa nuốt tài liệu vào bụng. Khi biết mình thoát, anh cấp tốc trở lại Huế trong đêm, người như có lửa đốt. Anh nghĩ chắc chuyến này đường dây sẽ bị lộ, tính mạng đồng chí Lê Duẩn khó an toàn. Vừa trông thấy Tân Xuất hiện, đồng chí Lê Duẩn đã vui vẻ: “Đồng chí về được là tốt rồi! Tôi lo cho đồng chí quá, chúng tôi đã chuẩn bị mọi phương án nếu tài liệu bị lộ. Người của ta ở Nghệ An đã kịp vào báo cáo tình hình, mặc dù chúng biết trước nhưng không bắt được một ai cả. Thế tài liệu đồng chí để đâu rồi”. Tân chỉ vào bụng mình, đồng chí Lê Duẩn ôm choàng lấy anh, nghẹn ngào.

            Một lần khác, Tân ngược vào Đà Nẵng tìm hiệu sách Hương Giang. Theo mật hiệu, anh cần phải hỏi một cuốn sách không có bày bán ở đây. Trong lúc khách đông, mặt khác nhìn người bán sách đang bận nói chuyện với mọi người, Tân định quay lui thì bắt gặp nhiều ánh mắt để ý. Lập tức người chủ quán nhanh nhẹn hỏi:

            - Này anh bạn, thường ngày anh hay mua sách, hôm nay hết tiền rồi hả?

            Tân mạnh dạn quay lại:

            - Nhìn mãi cả quầy không có cuốn sách tôi cần!

            - Cuốn nào?

            Tân nở nụ cười và nói tên sách. Chủ quán đáp lại đúng mật hiệu. Bụng Tân mừng khôn xiết. Chủ quán bảo sách bỏ trong nhà và hai người vào trao đổi giấy tờ bí mật, sau đó làm một bữa nhậu cực kỳ ngon. Lúc này chủ quán mới tiết lộ: “Thú thực nếu lúc đó tôi hỏi anh không bình tĩnh sẽ lộ mất, có thằng mật thám đang đứng rình ở đó. Nếu anh có thái độ gì nó sẽ nghi ngay”. Tân nghĩ, đồng chí Lê Duẩn bố trí cơ sở rất an toàn (mãi sau này anh mới biết, đây là đường dây của hai tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng liên lạc với miền Trung, là cơ sở rất bí mật của đồng chí Võ Chí Công). Ngay như nở nhà ga Quảng Trị chẳng hạn, mỗi lần anh xuống tàu đã có hai người xích lô chờ đón sẵn theo mật hiệu, đôi lúc đi suốt ngày mà không lấy tiền. Tân rất ái ngại, nhiều lần định hỏi đồng chí Lê Duẩn nhưng nghĩ thế nào anh lại thôi!

            Những chuyến tàu miền Trung cứ thế quen dần, anh quen với từng chiếc ghế ngồi, từng khuôn mặt phờ phạc của những chị hàng buôn lo toan cuộc sống, những người ăn xin rách rưới, bẩn thỉu nằm vất vưởng dưới gầm tàu những đêm giá lạnh, những sân ga nồng nặc mùi xú uế. Nhiều đêm anh cũng như họ, nằm ngủ vỉa hè đợi sáng nghe bụng cồn cào vì đói khát. Cũng từ những chuyến đi ấy, càng ngày anh càng nắm nhiều cơ sở quan trọng. Thường khi nào đồng chí Lê Duẩn chuẩn bị một cuộc họp ở đâu, dù Đà Nẵng hay Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh đều do Tân đi trước triệu tập, nắm tình hình. Những thư từ công văn do anh chuyển đến đều đảm bảo an toàn, bí mật, góp phần quan trọng trong việc tổ chức lực lượng, đặc biệt là truyền đạt các chủ trương, các chỉ thị Xứ ủy Trung Kỳ đến tận cơ sở phát động các cuộc đấu tranh chống sưu cao thuế nặng đòi tự do dân chủ khắp các tỉnh miền Trung.

            Vào năm 1939 tình hình cách mạng có nhiều thay đổi, thực dân Pháp ra sức khủng bố các phong trào đấu tranh của ta, ráo riết lùng sục các chiến sĩ cộng sản. Chúng biết ở Huế đang có những nhà cách mạng đầu não của Xứ ủy Trung Kỳ hoạt động, bọn mật thám ngày đêm tăng cường bắt bớ nhiều phần tử chúng nghi vấn. Trước tình hình căng thẳng như vậy, đặc biệt một số hộp thư mật của ta có dấu hiệu bị theo dõi đồng chí Lê Duẩn quyết định điều Tân ở lại Cam Lộ hoạt động để tránh tai mắt “cú vọ” của bọn mật thám Pháp đang giăng bủa ở Huế. Ông trở về với cái tên Nguyễn Mậu Dung của mình và cùng với Huyện ủy Cam Lộ phát động nhân dân đi vào những cuộc đấu tranh mới, đồng thời giữ đường dây liên lạc vững chắc với Xứ ủy Trung Kỳ.

            Khi chiến tranh thế giới lần thứ 2 bùng nổ (tháng 9/1939) theo yêu cầu của đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Tổng bí thư Đảng, đồng chí Lê Duẩn từ Quảng Trị vào Sài Gòn công tác cùng với các đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Phan Đăng Lưu, Vũ Văn Hiếu…ông Nguyễn Mậu Dung được đồng chí Lê Duẩn phân công ở lại Huế giữ vững đường dây liên lạc miền Trung. Ông tiếp tục hoạt động cùng với Huyện ủy Cam Lộ tổ chức nhiều cuộc mít tinh tố cáo tội ác của thực dân Pháp, đòi tự do dân chủ, tự do đi lại, tự do thành lập nghiệp đoàn, xóa bỏ thuế thân…do ông trực tiếp đứng ra trước quần chúng kêu gọi nhân dân hướng về cách mạng, hướng về Đảng, đánh đuổi bè lũ thực dân đế quốc. Cuối năm 1939, nhận được lệnh của đồng chí Lê Duẩn cần phải đẩy mạnh phong trào cách mạng lên một bước để chào mừng Hội nghị lần thứ 6 của ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa 1). Trong lúc ông cùng với đồng chí Hồ Xuân Lưu, Bí thư huyện ủy Cam Lộ và các đồng chí trong huyện ủy chuẩn bị ráo riết cho phong trào cách mạng thì cuối năm 1939 ông bị lộ và bị Pháp bắt đem về Lao Xá – Quảng Trị.

            Biết đây là nhân vật quan trọng không chỉ ở cách mạng Quảng Trị mà cả miền Trung, là đầu mối của Trung ương Đảng, bọn Pháp đã dùng mọi cực hình tran tấn dã man. Đích thân chủ mật thám tại Quảng Trị  Li-bec-xê khai thác, dụ dỗ không được chúng dùng ớt bột, nước xà phòng đổ vào miệng, dùng roi da, roi cá đuối đánh tới tấp từ đầu đến chân, mình mẩy ông sưng vù, mắt như muốn lồi ra ông vẫn không khai. Bị đánh cho đến liệt trong xà lim hơn một tháng, thân hình lở loét, tên Li-bec-xê liền báo cho Vi-đa-lăng chủ mật thám Huế nổi tiếng dã man tiếp tục nhảy ra tra khảo ông. Bị tra khảo chết đi sống lại nhiều lần nhưng ông vẫn một mực lắc đầu. Chúng cho người theo dõi cả từng cơn mê trong khi ngủ nhưng vẫn không khai thác được gì thêm. Trước sau ông nghĩ mình cũng bị kết án tù, vì thế kiên quyết không để lộ ra đường dây bí mật của ta tại Xứ ủy Trung Kỳ, cho dù có hy sinh tính mạng cũng không để lộ tung tích của đồng chí Lê Duẩn và nhiều đồng chí khác.

            Cuối cùng biết không thể lung lay được tấm lòng người Cộng sản kiên trung bất khuất, chúng lập tòa án kết án ông 5 năm tù giam từ Lao Xá đi Lao Bảo với hy vọng là chỉ trong vòng vài tháng vi trùng sốt rét sẽ làm cho ông suy nhược tinh thần, khi đó khai thác vẫn chưa muộn. Nhưng tại nhà tù Lao Bảo, chi bộ Đảng trong tù vẫn hoạt động mạnh, nhiều cuộc biểu tình xảy ra liên tiếp khiến chúng hoảng sợ.

            Tháng 10/1940 sau việc tên đồn trưởng đánh chết đồng chí Lê Thế Tiết, Bí thư đầu tiên Tỉnh ủy Quảng Trị, các tù nhân Lao Bảo tiến hành cuộc đấu tranh trong hơn một tuần lễ phản đối chế độ tra tấn đánh đập tàn nhẫn, phản đối tội ác của bọn cai ngục và tổ chức lễ truy điệu đồng chí Lê Thế Tiết. Chính trong cuộc đấu tranh này bài thơ “Trăng trối” của Tố Hữu ra đời, ông Dung được truyền tay đọc, coi đó như lời tuyên ngôn về lẽ sống chết của những người đi làm cách mạng để giành lại độc lập – tự do cho dân tộc. Tháng 11/1940, một cuộc tuyệt thực dài ngày với quyết tâm cao của tù nhân phản đối chế độ của nhà tù Lao Bảo. Anh em lại được truyền tay lần nữa bài thơ “Con cá chột nưa” của Tố Hữu, khẳng định ý chí cách mạng kiên cường không chịu khuất phục trước những cám dỗ đời thường của người cộng sản. Sợ phong trào ngày càng lớn mạnh trong nhà tù, bọn địch tổ chức ly gián điều chuyển các chiến sĩ cộng sản  từ nhà lao này sang nhà lao khác. Bị đày ở Lao Bảo được 2 năm, bọn chúng lại chuyển một số tù nhân chính trị vào Buôn Ma Thuật và ra Hà Tĩnh, ông bị chúng đày ra Khe Gỗ - Hà Tĩnh. Đến đâu ông cũng giữ vững khí tiết của người cộng sản, mọi cực hình tra tấn dã man không làm ông một phút yếu mềm…

            Ông dừng lại đôi chút để nhớ những gì đã qua, tay ông đè lên ngực quặn thắt. Có thể vì tuổi già sức yếu, cũng có thể vì nhớ lại những đòn roi tàn bạo của quân thù. Mắt ông vẫn ánh lên ngọn lửa của những năm tháng gian khổ mà hào hùng đi theo ngọn cờ của Đảng. Bất chợt ông đặt tay lên vai tôi ấm nóng:

            - Tôi kể câu được câu mất, nhà báo thông cảm, tôi cũng chỉ là một người cộng sản như bao người cộng sản khác nguyện suốt đời đi theo lý tưởng của Đảng, của Bác Hồ. Tôi chỉ biết cảm ơn Đảng , cảm ơn Bác Hồ đã cho tôi một lý tưởng đúng đắn sống có ích cho quê hương đất nước, cảm ơn Bác Lê Duẩn và các đồng chí cộng sản đã truyền cho tôi sức mạnh vững bước trên con đường cách mạng đến ngày vinh quang như hôm nay.

            Vâng, chính những người như ông đã làm nên sức mạnh của Đảng, để cho lớp con cháu chúng tôi hôm nay kế thừa một giang sơn hùng vĩ, nguyện cùng nhau đoàn kết xây dựng và bảo vệ tổ quốc XHCN đưa sự nghiệp CNH – HĐH do Đảng ta khởi xướng lãnh đạo đến thắng lợi hoàn toàn.

                                                                       

                                                                                   N.T.Đ

Nguyễn Tiến Đạt
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 83 tháng 08/2001

Mới nhất

Vẽ tranh Bác Hồ trên đất Thái Lan

1 Giờ trước

Giữa tháng 11 năm 2023, đoàn công tác của Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan báo chí tỉnh Quảng Trị có chuyến giao lưu, trao đổi kinh nghiệm với các cơ quan báo chí tỉnh Mukdahan, Thái Lan. Nhân chuyến công tác, chúng tôi đã đến dâng hương tại Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại bản Mạy, tỉnh Nakhon Phanom...

Đại hội Phân hội Nhiếp ảnh khóa VII, nhiệm kỳ 2024 - 2029

6 Giờ trước

TCCV Online - Chiều ngày 18/5/2024, Phân hội Nhiếp ảnh, Hội VHNT Quảng Trị đã tổ chức Đại hội khóa VII, nhiệm kỳ 2024 - 2029. Tham dự đại hội có đồng chí Nguyễn Văn Dùng - Chủ tịch Hội VHNT Quảng Trị. Dự đại hội còn có đại diện lãnh đạo các ban, ngành liên quan và đông đảo hội viên Phân hội Nhiếp ảnh…

Thương lắm gánh đậu hũ của mẹ

17/05/2024 lúc 05:07

“Ai đậu hũ không? Ai đậu hũ không?”, những tiếng rao của mẹ văng vẳng vang lên từ đầu con hẻm nhỏ.

Vẹt ngực hồng

17/05/2024 lúc 05:04

Cái rét đã đi qua lâu rồi, nắng nóng đến sớm hơn mọi năm vậy mà hôm nay bà già mới chịu mang chăn ra phơi để thơm tho cất gọn trong góc tủ.

Bận lòng cơm cháy

17/05/2024 lúc 05:01

Ba bảo nhạt miệng, ăn gì cũng chẳng thấy ngon, giá có miếng cơm cháy ở đây rồi chấm tí mắm ruốc thì hết sẩy. Bữa đi, mạ có đùm theo cho ba hũ ruốc nhưng gói không kỹ nên bị tịch thu. Hũ ruốc đó, ba đinh ninh sẽ giúp mình mặn miệng trong những ngày nếm thức ăn ở phố.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

20/05

25° - 27°

Mưa

21/05

24° - 26°

Mưa

22/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground