C |
huyến bay thứ bảy trong ngày cất cánh lúc 9 giờ 50 phút, chở theo nhà thơ Nguyễn Duy và tôi ra biển. Theo sự “vẽ đường cho hươu chạy” các anh trong ban Giám đốc Xí nghiệp khoan - Vietsovpetro, chúng tôi trực chỉ hướng Mỏ rồng và hạ cánh xuống giàn khoan Tam Đảo. Tam Đảo là giàn khoan tự nâng di động, chuyên làm công việc thăm dò, nó sẵn sàng thả chân xuống bất cứ chỗ nào trên biển mà nó muốn, để khoan, với đầy đủ phương tiện hiện đại mà nó có. Đã nhận được thông tin ở trong bờ từ trước, mọi người tập trung ra sân bay đón anh Nguyễn Duy khá đông. Chúng tôi được phân bố ở chung một phòng hai giường tương đối rộng, ngay từ phút đầu khách và chủ đã không có khoảng cách xa lạ. Anh em quây quần lại trong phòng, chuyện như muốn vỡ, cửa mở, một anh mặc đồ hăm hở bước vào. Anh có cách làm quen rất lạ: “Chào nhà thơ Nguyễn Duy! Bài viết đầu tiên về dầu khí là của anh phải không? - Xin phép các bạn một phút: Cây cọc bê tông cắm xuống ven thềm lục địa này, mang hình con số một… Cây cọc đầu tiên, con số một l đầu tiên đang cắm xuống đây ngày 19 tháng 5 năm 1977, ngày khởi công xây dựng căn cứ dịch vụ Dầu khí Vũng Tàu… Gửi gắm một khoản tiền khổng lồ cho biển cả, vừa giông giống vừa hoàn toàn khác với việc ứng khẩu vài câu thơ hào hùng trước sóng gió… Đến đây thì hiểu rõ hơn, khai thác dầu biển không phải là làm thơ lục bát… Chưa ai kịp phản ứng gì, anh đã giơ tay làm hiệu: “Chưa hết. Còn thơ nữa. Cũng bài đầu tiên về Dầu Khí đã đăng báo: Em sẽ có thành phố dầu kỳ lạ - Suốt một vòng cung bờ bãi sình lầy – Đây núi lớn và kia Thành Tuy Hạ - Thênh Thang trời cho mây khói bay…Thưa anh đúng không ạ! Thôi, xin phép, tôi tranh thủ đi ăn trưa. Hẹn anh tối nay ”. Anh bước ra khỏi phòng đột ngột như khi anh xuất hiện. Gặp phải một bạn đọc xuất chưởng độc chiêu, tác giả trợn ngược mắt, méo xệch mồm đúng như lúc anh say thuốc lào buổi sáng. Thuộc được thơ của anh đã quý, thuộc văn xuôi mà đọc làu làu làu thế này thì sợ. Mọi người cười vang,. Một giọng Hà Nội cất lên với theo, đúng lúc: “Nói hơi bị chính xác đấy nhé!”. Thế nào là một yêu cầu mới ngoài chương trình làm việc được đề xuất, anh Nguyễn Duy nhận lời: 8 giờ tối nay đọc thơ.
Chúng tôi đang làm việc với ông trưởng giàn khoan người Nga, tên ông là Guibaidulin Phoat, tiếng loa ở trong phòng khách vang lên: Đúng 8 giờ 10 phút, đồng chí trực ca, tất cả tập trung về câu lạc bộ nghe nhà thơ Nguyễn Duy nói chuyện”. Lúc ấy là 8h đúng, anh Duy vội vàng gút cuộc pỏng vấn lại. Ông trưởng giàn khoan tế nhị chia tay trong câu chuyện chung, riêng chưa cặn nhẽ. Chúng tôi xuống câu lạc bộ đã thấy mọi người về tựu đông đủ. Tràng pháo tay cuồng nhiệt nổ giòn giữa biển gây nhiều xúc động cho cả nhà thơ và người hâm mộ. Anh Nguyễn Mạnh Hùng, chủ tịch của Công đoàn Tam Đảo, giới thiệu anh Nguyễn Duy với mọi người và khẳng định: “Đây là lần đầu tiên, có một nhà thơ tổ chức đọc thơ trên giàn khoan biển của ngành dầu khí chúng ta”. Anh Duy nói: “Tôi được biết các anh các chị ở đây có quê hương khắp ba miền đất nước, tôi xin được bắt đầu những bài thơ về Hà Nội…”. Anh vừa dẫn chuyện vừa tự đọc thơ mình. Từ: Hồ Gươm xanh màu xanh cổ tích. Con rùa vàng gửi bóng ở trên mây. Đi qua miền Trung: Một bên là Trường Sơn cây xanh, bên còn lại Trường Sơn cát trắng. Đến một vùng mênh mông sông nước: Người dưng người ở đâu về. Đi cùng ta một chuyến xuồng đây. Và đến với giàn khoan biển: Em sẽ có nhấp nhô giàn khoan biển. Cột trụ trời lưng lửng giữa khơi xa. Nắng lấp lánh vệt dầu ngũ sắc, ánh đèn giăng thêm giải Ngân hà… Thực ra năm 1982 khi anh viết bài này ở bãi sình lầy của dầu khí bây giờ, nơi đó còn hoang vắng lắm. Khép lại một vòng theo chiều dài của lãnh thổ là tiếp đến những bài thơ tình tang không địa chỉ. Kể từ loại bài này đã được các chàng trai, các cô gái chép tặng nhau từ thuở sinh viên của những năm giữa thập kỷ 70, có người bây giờ đã nên ông bà, mà lúc này tác giả đọc lên vẫn thấy mới: “Vội vàng ta nấp vào nhau. Mái đầu che lấy mái đầu thoảng hương. Cho đến những bài vừa viết, nét mực in còn tươi roi rói: Chân mây hơi bị cuối trời. Em hơi bị đẹp anh hơi bị nhàu…Tự dưng nhớ nước chưa mưa. Thật thà lắc đông đưa thật thà”.
Thoáng một cái đã qua ba tiếng đồng hồ, xem chừng mọi người chưa ai muốn ra về. Anh Nguyễn Duy đã chủ động xin phép kết thúc đêm thơ bằng hai bài, mà trong đó có những câu làm lay động tới sâu thẳm tâm hồn của những người đang trụ giữa biển khơi sóng gió này: Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa. Miệng nhai cơm búng lưỡi lừa cá xương… Mỗi năm Tết có một lần. Mời em ly rượu tay nâng ngang mày. Vợ cười chưa uống đã say. Ngọt ngào thì nổi đắng cay thì chìm…
Thời gian không cho phép nữa, hơn 11 giờ khuya, nhà thơ đã có lời tạ lỗi. Xem ra có vẻ chưa “đã”, hình như còn thiêu thiếu, hụt hụt một cái gì. Khoảng gần hai chục người cố tình nán lại và họ kéo Nguyễn Duy ngồi xuống bộ xa lông quây tròn giữa hội trường, xin anh đọc thêm mấy bài thơ theo yêu cầu của họ. Sau đó là những câu hỏi chân tình, nửa như giao lưu nửa như phỏng vấn: Theo anh, một tài năng văn học có thể trở thành nhà văn lớn được không?
- Thành nhà văn thì được, còn “lớn” thì chưa chắc. Để trở thành nhà văn lớn phải có tài năng và nhân cách lớn. Việt
Với Nguyễn Duy những chuyến đi công tác ở nước ngoài, từ Đông Âu sang Tây Âu anh thường được mời đọc thơ giữa công chúng. Ta cũng có mà Tây cũng có. Được như thế thật hiếm hoi và xúc động, đối với những nhà thơ đã chiếm được cảm tình của người đọc thơ mình. Tuy nhiên, chẳng phải riêng anh trước đó đã có người làm được và chắc chắn sẽ còn người làm được. Chuyến ấy hiếm nhưng không lạ. Cái lạ cuả Nguyễn Duy là con số Một. Tôi còn nhớ tháng 1 năm 1977, trong một chuyến đi công tác ở trại cải tạo tại Xuyên - Mộc (Lúc ấy còn thuộc tỉnh Đồng Nai), anh đã tổ chức đọc thơ giữa ngàn tù nhân thuộc đủ loại tội phạm đang cải tạo trong trại. Tất cả háo hức ngồi im phăng phắc lặng nghe. Thì ra thơ anh không chỉ “đánh thức tiềm lực”, mà còn đánh thức cả lương tâm tội phạm. Ngay sau đó, ông giám thị đã nhận xét: “chỉ một buổi nghe anh đọc thơ mà tư tưởng của họ đã hoàn lương đáng kể, không biết phải tính bằng bao nhiêu thời gian công tác của chúng tôi mới làm được vậy”.
Trên đây như đã nói, chỉ là những ví dụ điển hình chứ chưa phải tất cả những con số Một của anh. Nghe đâu, sắp tới anh tổ chức một cuộc chơi kỳ lạ: TRIỂN LÃM THƠ. Với cái duyên trời cho, cái may đời cho và cái tạng sẵn có của mình, những yếu tố ấy đã tạo nên Nhà thơ Nguyễn Duy đáo để, oái oăm như thế. Thật chẳng ai đoán nổi, trong chuyện văn chương này, Nguyễn Duy còn bày ra những trò gì mang hình con số Một nữa đây!.
P.V.Đ