“ÂM VANG THỜI CHƯA XA” là bộ tiểu thuyết của nhà thơ Xuân Hoàng. Ở tập một, ông viết thành công đến kinh ngạc. Nhà thờ Xuân Hoàng dự định viết bộ tác phẩm lớn “Âm vang thời chưa xa” gồm ba tập. Tập một 47 chương, gần 500 trang bản thảo chép tay. Được khởi viết tháng 9 năm 1987 tại Huế. Hoàn thành vào giờ Ngọ tại thị xã Đồng Hới, quê hương chôn rau cắt rốn của nhà thơ.
Các nhân vật xuất hiện và phát triển trên trục thời gian kể từ ngày thơ ấu của ông và đồng thời đấy cũng là trục thời gian hơn một phần tư thế kỷ có sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước cách mạng xã hội chủ nghĩa từ những năm 1930,1945, 1954 lịch sử. Có thể gọi chính xác rằng đây là trục thời gian cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân với một Điện Biên lẫy lừng, đưa Việt
Trong từng mảnh đời, từng số phận của lớp lớp nhân vật với lớp lớp tình tiết, chi tiết chất tự truyện viết qua cảm quan của thi sĩ đã được thời gian sàng lọc, lắng đọng thành ký ức như những giá trị chân lý đã tạo nên một nguồn cảm hứng ồ ạt, dâng trào vào trái tim người đọc. Đấy là yếu tố thành công đầy tài hoa.
Các lớp nhân vật có thể chia làm ba dòng chính: Dòng nhân vật thứ nhất thuộc các gia tộc nội ngoại nhiều đời từ gốc nội Bình Định ra làm quan triều Nguyễn ở Huế, thêm dòng họ ngoại, và thân mẫu của thi sĩ lại là con gái Đồng Hải vừa đẹp người đẹp nết lại vừa có chữ nghĩa…
Dòng thứ hai, là dòng nhân vật lịch sử thời tiền cách mạng như cụ Phan Bội Châu, cụ Tôn Quang Phiệt, hoặc các nhà tiền bối cách mạng như Quách Xuân Kỳ, người bí thư đầu tiên của Đồng Hới đã hy sinh bất khuất trước pháp trường đẫm máu của thực dân Pháp. Hoặc những người thấy, những người bạn văn của nhà thơ như thầy Đặng Thai Mai, thầy Hoài Thanh, cố thí sĩ Xuân Diệu, Dương Tử Giang, Giang Màn…
Đặc biệt, dòng nhân vật thứ ba gồm cả chục, cả trăm người láng giềng, bạn ấu thơ, bạn đồng liêu, đồng môn, người bạn tri thức, chí sĩ thành thị, thấm đậm tình yêu nước thương nòi, theo thời gian trở thành đồng chí của nhà thơ, đi trọn thời cầm súng đánh giặc: Cho đến ngày giải phóng, tiếp quản Đồng Hới. Trong dòng nhân vật này có chân dung người vợ đầu đời của nhà thơ lại chính là một điệp viên tình báo thầm lặng. Chị hoạt động trong vai trò một cô hàng xén trẻ xinh ở chợ Đồng Hới. Người vợ thứ hai của ông xuất hiện ở những trang cuối của tác phẩm. Tình yêu của họ ngập ngừng, quyến luyến và vô cùng lãng mạn khi cả hai được cấp trên biệt phái từ chiến khu về hoạt động nội thị. Niềm yêu thương nảy nở nồng nàn trong niềm hy vọng xe duyên hạnh phúc lần thứ hai của nhà thơ và đây cũng chính là nguồn sức mạnh chiến dấu của hai người. Và có lẽ người bạn đời, người đồng chí thứ hai – chị đã trao gửi và gieo vào tâm hồn người yêu những rung động cội rễ cho nhà thơ đi trọn cuộc đời thơ, cuộc đời văn chương, tạo nên một nguồn mạch tác phẩm sẽ hoài thai, sẽ được thành công, sẽ được thổ lộ với người đọc ở tập hai của bộ hồi ký, gắn với cuộc kháng chiến chống Mỹ trên quê hương Quảng Bình tuyến lửa, đan xen với những ngày hòa bình độc lập và thống nhất non sông 1954-1975.
Buổi ấy nhà thơ đã từng viết, khi Đồng Hới sơ tán:
Em đi, phố nhỏ động cành dừa
Cửa biển về đêm gió khuya mát lạnh…
Những ai may mắn được Xuân Hoàng đọc cho nghe những chương hồi ký vừa viết xong đều sửng sốt trước hồn đất hồn người mà nhà thơ đã sống chung thời, đã dụng tâm huyết miết tả, dựng nên chân dung họ, thành đạt đến mức gần như đây là một thiên tiểu thuyết lịch sử hiện đại nóng bỏng và đầy ắp muôn vàn sự kiện xuyên suốt quảng đời ông sống – đi qua trong một cuộc kháng chiến chống Pháp hào hùng…
Nhóm độc giả bầu bạn tri âm của thi sĩ ngày một mở rộng, không còn giới hạn chỉ trong làng văn. Khách đến phòng văn của ông đã bắt đầu xuất hiện những vị giám đốc, những kỹ sư và có cả những đồng chí cán bộ chủ chốt của tỉnh cũng đã hơn một lần đến phòng văn và cũng đã hơn một lần được nhà thơ đãng trí “vỗ nhầm đùi” khi ông đọc xong chương hồi ký cho họ nghe với câu hỏi đầu lưỡi vô tư, mà không chờ đáp lại “hay hí”, “sướng hí”.
Cứ thế, tiếng vang của một tập hồi ký theo năm tháng, theo chương hồi, theo sức bút và cả theo cái bệnh “thảo ngọt” trớ trêu của nhà thơ mà hữu xạ tự nhiên hương. Nó làm sống lại cày lên những ngọn sóng lừng của một Đồng Hới, của sau ngày lập lại tỉnh (1/7/1989) khi đã đi qua mười lăm năm Trị Thiên ruột thịt, kể từ sau giải phóng.
Có thể, Lê Thị Mây là người độc giả đầu tiên vừa là độc giả tri kỷ của Xuân Hoàng. Đồng thời chị là người biên tập đầu tiên giới thiệu những chương hồi ký “Âm vang thời chưa xa” trên tạp chí Sông Hương khi nhà thờ chỉ mới viết vỡ vạc được mười lăm chương đầu tay. Trong 47 Chương hồi ký, cho đên nay đã có gần 10 chương được trích in trên các báo, tạp chí Trung ương và địa phương. Lê Thị Mây biên tập không chỉ đóng khung nơi trang bản thảo gửi đến Toà soạn mà chị còn tâm huyết biên tập như một người đỡ đầu tác phẩm theo nghĩa tri ân, tri kỷ với một quê hương, với một nhà thơ đàn anh danh tiếng đã có gần 30 năm gắn bó thâm giao với đại gia đình thi sĩ. Những tình tiết hồi ức những sợi tơ lòng kỹ niệm trong tổ ấm lãng mạn, đầy ngợp chất thi ca ấy đã thoáng gặp, thoáng nghe, thoáng biết, nay ứng vào hơi thở của trang hồi ký càng thêm sáng láng, quyến luyến và hấp dẫn. Chính với tình thâm giao đó, chị có những góp ý, gợi ý nho nhỏ như “điểm huyệt” giúp nhà thơ tự điều chỉnh đẩy cảm hứng hướng đạo tác phẩm vào những tầm xoáy nhân văn in dấu trong ký ức đạt tới cường độ văn mạnh hơn, ngôn ngữ văn khúc chiết hơn.
“Âm vang thời chưa xa” ra mắt bạn đọc là cả một chuỗi tháng ngày chờ đợi, lo âu và cố gắng! Nhà thơ Xuân Hoàng chờ đợi, lo âu là bởi sau khi viết xong trang cuối cùng, tâm tư ông hướng tới cách đặt vấn đề in tập sách của Chủ tịch Hội. Ban thường vụ Hội cố gắng tột bậc cũng bởi làm sao cho dự toán xin trích “tài trợ đặc biệt” để in tập sách sớm được chấp nhận thông qua, và tài chính sớm rót tiền về…
Bây giờ tập sách nặng trên tay mỗi người là trọn cả một nỗi niềm ân tình và tri kỷ của nhà thơ sẽ được thổ lộ trong từng trang, trong từng hơi thở của hồn đất, hồn người kháng chiến, khi thời đại những dấu vết của nó nhờ văn chương mà mãi mãi “âm vang” trong trái tim người đọc.
5-1994
P.T.H