Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 02/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Nhật ký chiến trường

LTS: Thư của Cựu chiến binh Nguyễn Thiện lợi gửi cho BBT Cửa Việt ghi: ... «40 năm qua, tôi phải lận đận vật lộn với cuộc sống, lo cho gia đình và cũng là để nhìn lại chính mình. Có lẽ quảng đời đẹp nhất của tôi là những ngày cùng đồng đội chiến đấu trên mảnh đất Quảng Trị. Có gian khổ, đau thương, mất mát nhưng sâu nặng tình người. Đất và người Quảng Trị là dấu ấn không phai mờ trong tôi. Vậy mà tôi lại «bạc nghĩa», chưa một lần tìm về mảnh đất ấy...

Sau những ngày trăn trở, tôi quyết định gởi tới Tạp chí toàn bộ nội dung quyển Nhật ký chiến trường này. Đây là lời tạ tội từ đáy lòng mình với đất mẹ Quảng Trị, với những người đồng đội thân yêu đã ngã xuống. Nếu sử dụng được thì các anh các chị biên tập sử dụng. Còn không, xin các anh các chị đem đến đốt nó trước Nghĩa trang Liệt sĩ Thành Cổ, coi đây là nén tâm hương của tôi trước đồng đội, nhân dịp kỷ niệm 40 năm giải phóng Quảng Trị kính yêu?»

CV. rất xúc động khi trích đoạn thư vừa rồi của tác giả. Xin trân trọng giới thiệu đến với bạn đọc gần xa toàn bộ nội dung cuốn Nhật ký chiến trường, đăng tải ba kỳ trên Tạp chí.

 Đêm rất khuya. Khoảng hơn một giờ sáng ngày 01 - 3 - 1972, tàu từ từ rời ga Nam Định. Ra khỏi quầng sáng Thành phố, đoàn tàu rùng mình lao nhanh giữa bầu trời đêm xuân se se lạnh. Trong toa, đồng đội tôi ngủ chập chờn theo nhịp lắc lư con tàu. Ánh sáng chao nghiêng phát ra từ hai ngọn đèn bão treo ở hai đầu toa. Duy nhất chỉ có Thịnh và tôi là còn thức. Với Thịnh niềm xúc động vẫn dâng đầy khi mới chia tay mẹ, chị gái tại ga Hàng Cỏ. Với tôi, không xúc cảm sao được khi trên đường ra trận qua đất Mẹ thân yêu. Thấy tôi trầm ngâm cầm quyển sổ trên tay, Thịnh khẽ khàng: “Cậu nghe lời chị Luyến đi, hãy ghi lại những gì chân thực nhất của người lính”. Và tôi nắn nót viết:

Nhật ký người lính

Tôi phải nói rõ một điều: tôi không quen viết nhật ký. Quyển sổ nhỏ này H ghi tặng tôi ngày 06 - 9 – 1971, ngày mà những anh chàng sinh viên xếp bút nghiên trở thành người lính trẻ. Nó đã cùng chiếc mùi - xoa trắng tinh nằm im lìm dưới đáy ba lô tôi suốt từ đó đến hôm nay. Cũng phải thôi, vì giữa H và tôi vẫn dùng dằng chưa dám bước qua ngưỡng cửa của tình yêu, vẫn giữ nguyên màu trắng tinh khôi của thuở học trò.

Chúng tôi nhận lệnh đi chiến trường đột ngột, bất ngờ. Thời gian chỉ còn đủ để viết thư cho gia đình, cho bè bạn và chia tay với bà con nơi đóng quân. Bởi tôi có chút tài kẻ vẽ nên đồng chí Chính trị viên gọi lên viết khẩu hiệu bướm cho đồng đội dán lên mũ. Đến gần trưa mới xong, về đến nhà vẫn thấy Toan, Huyễn đang bò ra giường viết thư. Thịnh được ưu tiên về qua nhà ở huyện Từ Liêm - Hà Nội, đúng 21 giờ có mặt tại ga Hàng Cỏ. Buổi chiều, chúng tôi tổng quét vệ sinh, sắp xếp ba lô, chia tay bà con chòm xóm và sẵn sàng đợi lệnh.

Chị Luyến mà Thịnh nhắc, đó là chị chủ nhà nơi bọn tôi đóng quân ở xã Thượng Lan, huyện Việt Yên, tỉnh Hà Bắc. Chồng chị đang chiến đấu ở mặt trận B3. Chị là giáo viên văn cấp II vừa dạy học vừa làm ruộng để phụng dưỡng bố chồng đã ngoài bảy mươi và nuôi cậu con trai mới lên 7 tuổi. Có thể nói chị là nét đặc trưng của các cô gái miền Quan họ. Dáng óng ả mượt mà, khuôn mặt trái xoan mịn màng, hàng mi cong nhừ trăng thượng tuần. Chị đằm tính, thương cánh lính trẻ chúng tôi như em ruột. Thấy tôi cứ bần thần cầm quyển sổ lúc cho vào ba lô, lúc lại để ra ngoài, chị bảo: “Cậu Lợi nên mang theo, đó là kỷ niệm thiêng liêng. Cậu dùng để viết nhật ký, cậu ạ!”. Tôi nghe lời chị.

Thế là cuộc hành quân ra mặt trận thực sự bắt đầu, từ hơn 17h ngày 29 - 2 - 1972. “Đường ra trận mùa này đẹp lắm…” Quả đúng như vậy. Vũ trụ xuân dường như bị dồn nén lùa vào ngày này. Sáng se se lạnh, những đợt gió xuân rón rén khẽ khàng lan tỏa vào thinh không. Gần trưa đúng lúc có lệnh hai đại đội chuẩn bị lên đường, thì những giọt nắng xuân như mật ong sóng sánh trên những ngọn đồi bạch đàn, những đồi dẻ xanh mượt trải dài tít lắp. Chiều tối, khi chúng tôi ba lô gọn gàng đội mũ chỉnh tề tiến về ga Sen Hồ, thì trời lại có mưa phùn. Mưa phùn như một thứ men say, làm nên hương vị đặc biệt của mùa xuân. Mùa xuân gõ cửa đất trời. Mùa xuân gõ cửa tâm hồn người lính trẻ thanh thản và phơi phới lên đường ra trận.

Đêm. Đoàn tàu xình xịch qua cầu Long Biên, tiến vào vầng sáng rực rỡ Thủ đô. Bắt đầu nhộn nhạo trong hai toa chở đầy lính. Qua đầu vườn hoa Hàng Đậu, một loạt cánh tay thò qua các ô cửa vẫy vẫy. Thế rồi những lá thư như những cánh bướm giàu màu sắc bay ào ạt, chấp chới xuống lòng đường ngã tư Cửa Nam; khi dòng người xe đạp, đi bộ có, xích lô có, bị chặn lại cho đoàn tàu qua. Một dàn âm thanh trầm bổng vút lên từ ô cửa toa tàu: “chào Hà Nội nhé!”, “Giúp bỏ thư vào thùng nhé!” “Xinh quá! Từ biệt em yêu”… Và, đáp lại là những bàn tay vẫy vẫy, những nụ cười lấp lóa, những ánh mắt thân thương… Rất nhiều cánh thư không có con tem. Ôi! Mong sao những bức thư này sẽ đến được tay bố mẹ, bạn bè, người yêu. Chúng tôi tin, người Hà Nội hào hoa sẽ không để những trang thư viết vội trôi vào dĩ vãng.

…Ngày 12 - 3

Thời gian trôi đi nhanh thật. Đã đến năm hôm nay tôi không ghi nhật ký. Cũng phải thôi, có bao biến cố dồn dập đến với chúng tôi khi chuẩn bị lên đường. Ngày thứ nhất về đến đoàn Hồng Lam, chính ủy Phạm Bá Hòa huấn thị truyền thống sư đoàn Quân Tiên phong, trung đoàn Tu Vũ mà gần đây đập tan cuộc hành quân Lam Sơn 79 của Mỹ - ngụy, với chiến thắng lẫy lừng Bản Đôn. Rồi cuộc chia tay với Thịnh về đại đội Thông tin; với Toan, Huyễn về tiểu đoàn Bốn. Ngày thứ hai về đến tiểu đoàn Năm, tiểu đoàn trưởng Trần Minh nói: “Các cậu là lính sinh viên, ưu tiên về đại đội hỏa lực”. Thái, Tần về trung đội 12 ly 7; Ánh, Sơn về trung đội đại liên; còn tôi về trung đội cối 82 ly và được giao ngay là pháo thủ dự bị số Một. Ngày thứ ba, thứ tư tập trung cho huấn luyện.

Tôi về A1 có anh Hòa quê Hải Dương là tiểu đội trưởng, anh Pẩu quê ở Quảng Ninh là tiểu đội phó. Kíp pháo thủ số 2 có anh Cử quê Thái Bình, Duấn quê Thanh Hóa. Kíp pháo thủ số 3 có anh Cường quê Hải Phòng, Nhị quê Vĩnh Phú. Kíp pháo thủ số 1 có Bảo quê Mỹ Lộc đồng hương và tôi mới bổ sung. Hỏi ra các anh đều là lính cựu 66 - 68; còn Bảo, Duấn, Nhị cũng là lính 70 rồi.

Tôi thay Bảo đứng gác ca đêm, từ hai giờ đến bốn giờ sáng. Đêm xuân trên đất Hương Đô ngan ngát hương bưởi hương cam. Trên trời, lấp lánh ánh sao và vành trăng mỏng mảnh cong vút như cánh diều no gió, hắt xuống dương gian thứ ánh sáng huyền ảo như khói sương. Không gian tĩnh lặng, khói sương bảng lảng quyện vào cây cối thêm mềm mại mượt mà. Tôi thảng thốt nhận ra: mùa xuân là mùa hoa khói, và ngày này là ngày sinh nhật H.

H ạ! Biết tâm sự cùng H gì đây! Chắc ngày hôm nay H chuẩn bị đón nhận những lời chúc mừng của bạn bè, của gia đình và những người thân. Và tôi, tôi muốn về cùng H để tay trong tay mạnh dạn bước qua ngưỡng cửa tình yêu. Nhưng có lẽ muộn rồi H nhỉ? Cuộc đời tôi bây giờ như một con thuyền neo vào bến chiến tranh; cần để tin cần để nhớ. Niềm nhung nhớ dễ làm ướt áo người lính trận. Và nhớ nhung về người bạn gái cũng vơi đi nỗi gian nan chinh chiến miền xa. H đồng cảm với tôi, những dòng những trang nhật ký tôi viết sẽ gửi cho H. H có đồng ý không?!

…Ngày 28 - 3

Trường Sơn như một tấm lá chắn khổng lồ che chở cho đoàn quân ra trận. Khoác ba lô vác nòng pháo, đi bộ. Trời bỗng ào ào đổ cơn mưa tung bọt quây màn. Cánh rừng trước mặt mờ đi sau bức màn mưa trắng sữa. Tiếng chim rừng im bặt. Chỉ còn tiếng ào ào, ồ ồ của trời mưa xối xả làm nghiêng xòa một màu trắng mông lung.

Nhưng đoàn quân vẫn đi, mặc cho nước mưa xiên khoai quất vào mặt rát rạt. Đường trơn, dốc đứng, mồ hôi đầm đìa. Mặc!

Bỗng đùng một cái, trời bừng nắng như đổ lửa. Bầu trời trở lại xanh trong đến chóng mặt. Mặt đất như một tấm gương cực lớn vỡ vụn ra bởi những tán cây sũng nước mưa. Chỉ có các khóm cây lúp xúp ven suối còn đọng lại chút mát mẻ giữa mưa nắng đan xen. Người, ba lô, vũ khí như bốc khói. Chúng tôi chỉ biết thở gấp tiếp tục hành quân.

Ngày 30 - 3

Ở TK - 2. Đêm trong rừng Vĩnh Linh giáp vĩ tuyến 17. Trăng rất sáng chiếu hằn nét những hàng cây và tán lá rừng, vẽ hình bóng loang lổ xuống mặt đất. Đêm tý tách những hợp âm kín đáo không rõ gốc nguồn. Âm trầm có tiết tấu cu cườm gáy, dây đàn nhẹ nhẹ thánh thót của sơn ca, bay bỗng như tiếng sáo chủa chích chòe than, thi thoảng điểm tiếng “tốc, tốc” của anh thầy chùa. Xa xa hơn, hình như có tiếng anh họa mi dạo dương cầm… Một thứ âm thanh tuyệt vời chốn rừng sâu làm tôi không sao ngủ được. Và tôi bỗng thèm một làn gió đắm đuối nơi H đem lại…

Dường như muốn trêu ngươi, những đợt bom B52 làm rung động không gian đêm tịch mịch. Rất gần, rộn lên tiếng động cơ ầm ầm của đoàn xe cơ giới hạng nặng làm rung chuyển cánh rừng.

N+1 đêm nay, tiếng súng mở màn của chiến dịch X - chiến dịch giải phóng Quảng Trị - Thừa Thiên bắt đầu giòn giã.

Ngày 12 - 4

Trưa nay, khoảng hơn mười một giờ, chúng tôi hành quân về TK - 3. Như bừng tỉnh sau giấc ngủ dài, bỗng khi có đoàn quân đi qua, những loài hoa của Trường Sơn đua nhau khoe hương khoe sắc. Là sinh viên trường Nông nghiệp, đã từng học về loài cây loài hoa, những loại quả bế hai bế tư; nhưng đến với Trường Sơn tôi cứ ngu ngơ bé nhỏ trước vẻ hùng vĩ cô tịch của thiên nhiên. Tôi yêu hoa mua hoa sim có cánh màu tím thủy chung. Tôi yêu loài hoa cánh trắng tinh, nhụy tím sẫm ánh lên niềm thanh cao trinh bạch. Tôi yêu màu hoa vàng rực đẹp vẻ tín ngưỡng tôn thờ. Ở chốn phồn hoa, chắc gì có được rung cảm này, H nhỉ?

Chiều mới đến TK3. Chúng tôi đào hầm dã chiến, mắc tăng võng nghỉ đêm bên dòng suối nhỏ. Ngồi đu đưa trên cánh võng, ngắm dòng suối róc rách qua từng kẽ đá rêu phong, tôi miên man suy nghĩ. Đúng rồi, dòng suối là sự sống, là đặc ân của trời đất ban cho con người. Con suối chảy phóng khoáng giữa đại ngàn, thảng hoặc len lỏi giữa các quả đồi lúp xúp đã giúp cho chúng tôi - những người lính vượt qua gian nan vất vả trong cuộc đăng trình giải phóng đất nước. Dòng suối như tiếng đàn cất cao lời ca chiến sỹ. Cảm xúc lâng lâng, tôi thầm thì:

H có hay rừng sâu

Trái tim tôi thổn thức

Bên suối mà rạo rực

Nhớ H ở chốn xa…

Ngày 19 - 4

Tôi viết dòng này cho H trên mảnh đất bên kia Vĩ tuyến. Tiếng máy bay địch gầm rít như xé nát bầu trời, tiếng pháo kích ùng oàng phía xa xa, nhưng không thể át đi tiếng ve ngân dài trong cánh rừng như xếp lá xòe ô che chở cánh võng. Tôi bâng khuâng nhớ về ngày qua.

Vào lúc gần trưa chúng tôi hành quân qua thượng nguồn sông Bến Hải. Bên này sông là rừng xanh, những con đường mòn xuyên qua ngầu ngã dấu chân người lính. Bên kia sông là rừng cỏ gianh vàng úa, những bụi lau khóm lách và thi thoảng còn sót lại vài cây chết khô giơ cành khẳng khiu. Dòng sông nhỏ, nước trong, chảy xiết. Chúng tôi lội xuống, dưới chân lạo xạo những hòn sỏi cuội phong rêu, dòng nước như quấn lấy chân xôn xao. Không ai bảo ai, chúng tôi đều ngã mũ vục uống khát khao. Ôi! Dòng sông! Dòng sông mà bất chợt trong tôi là cảm xúc như được bơi giữa dòng nước mắt, để thấm đẫm nỗi đau chia cắt. Bài hát: Câu hò bên bến Hiền Lương; bộ phim Chung một dòng sông đã khắc sâu trong tâm khảm chúng mình, nay tôi đã gặp. Đôi bờ Bến Hải, trước đây là khoảng cách dài đến 18 năm, mà nay đôi bờ chỉ còn 18 sải chân. Tôi mong một ngày nào đó, chúng mình sẽ bước chân lên cầu Hiền Lương, để cảm nhận mỗi trụ cầu, mỗi dầm cầu, mỗi tấm gỗ đã hằn sâu nỗi đau chia cắt, và nay là niềm hân hoan vô bờ đoàn tụ sum họp. Và tôi ước gì có người em gái Quảng Trị cất lên giọng hò giữa buổi hôn hoàng này:

Hỡi người nghĩa cũ tình xưa

Qua sông Bến Hải em đưa sang đò…

Đến giờ, trong tôi vẫn xốn xang tiếng gọi của dòng sông giới tuyến - dòng sông nước mắt

Ngày 21 - 4 

Đang hành quân thì đột ngột có lệnh giải lao 15 phút để nhường đường cho người dân Quảng Trị sơ tán ra an toàn khu. Tôi tìm một tảng đá ngồi nghỉ thì chợt nhận ra dưới chân dốc nườm nượp một dòng người vai vác, vai gánh, lưng cõng đầu đội tất bật líu ríu đi di tản. Đa số là đàn bà trẻ em. Họ đi đều cúi mặt, ánh mắt đầy sợ hãi ngỡ ngàng. Tôi chú ý đến hai người đàn bà. Một người đứng tuổi, những nếp gấp khắc khổ hằn sâu trên khuôn mặt. Một người còn trẻ, mặt che kín bởi chiếc khăn rằn, nhưng vẫn lộ ra đôi mắt to đen đầy vẻ lo lắng kinh hãi. Họ là hai mẹ con. Bà mẹ luôn đi sát con gái, đầu cúi xuống, tay buông thõng, nhưng chốc chốc tôi lại thấy chiếc khăn rằn rung lên bần bật trên đôi vai gầy của bà. Tôi hiểu, bà lo cho thân phận con gái mình, lỡ chẳng may rơi vào tay “Việt cộng” Ồ! Bộ máy tuyên truyền của Mỹ - ngụy trong 18 năm qua đã làm cho họ nghĩ lệch lạc về chúng tôi - những người đang xã thân để giải phóng quê hương và đem lại hạnh phúc cho họ…

Những khu rừng rậm rạp lùi dần về phía sau, trước mặt là dãy đồi bát úp, cây cối lúp xúp. Ở đây, dấu vết bom, pháo, chất độc hóa học của địch hằn sâu vào lòng đất, trên mỗi thân cây. Hố bom hố pháo nham nhở, thân cành cây chết khô sần sùi. Nhưng mầm xanh sự sống vẫn đọng lại trên các bụi cây thân cây hoa trắng li ti, trên các khóm sim mua đang hé nụ tím sẫm.

Đêm. Ánh trăng trên đất Quảng Trị bàng bạc, lặng lẽ. Gió nam nhẹ thổi. Đoàn quân như một mũi tên kỳ diệu uốn mình lao nhanh qua những đồi gianh vẫy vẫy. Đêm, gần một giờ sáng cuộc hành quân mới tạm dừng. Đây là TK-4. Thật bất ngờ, chúng tôi làm hầm ngay dưới khóm lau khóm chít ven suối La La. Ơi!  Con suối La La! Một bài hát rất hay của nhạc sĩ Huy Thục ca ngợi tiểu đội Bùi Ngọc Đủ dũng sỹ diệt Mỹ. Nhớ rồi. H hay khe khẽ bài này mỗi khi ngồi một mình, đôi lần tôi bắt gặp…

Ngày 23 - 4

Sáng sớm, gió vi vu trong các lùm cây. Đằng đông, mặt trời đỏ ửng từ từ ló ra giữa đám bụi vàng tụ lại trên đỉnh các quả đồi ứ sương. Chúng tôi ra suối đánh răng rửa mặt, rồi vào bếp Hoàng Cầm của anh Sán nhận suất ăn sáng và cơm nắm bữa trưa. Bỗng anh Hòa gọi: “Các cậu, đến nhận thư”.

Ôi! Sung sướng nào bằng, cảm động nào bằng! Không phải mình tôi mà hầu hết cả tiểu đội đều có thư. Đến như anh Cử, anh cả của tiểu đội cũng nhận được thư của chị và con gái lớn gửi tới. Những vòm cây giao tán như những chiếc ô che chở cho chúng tôi bình tâm đọc thư nhà. Hai tay run run, tôi hồi hộp mở phong thư. Thư ba tôi báo tin: ba mẹ mạnh khỏe bình an, các em ngoan học giỏi. Ba tôi viết: “Ngày con lên đường nhập ngũ, con dấu mẹ. Ngày con lên đường vào chiến trường, con cũng dấu mẹ, chỉ nhờ H đến báo tin. Sao vậy con? Con sợ mẹ yếu mềm ảnh hưởng đến sức khỏe phải không? Mẹ không trách con mà thương nhớ con nhiều lắm…”

Ba ơi! Đọc thư ba, con hiểu ba mẹ thương nhớ con nhiều, từng ngày dõi theo bước đi và sự trưởng thành của con. Hôm nay sắp vào nơi đạn lửa ác liệt, con thật sự thấu hiểu sâu sắc những công lao khó nhọc, những lời dạy bảo của ba của mẹ. Ba là người cầm lái đứng mũi chịu sào, mẹ như con thuyền chở bao nỗi gian truân vất vả, để đời con bừng lên trên trang giấy học trò. Nhưng nay, con không thể thờ ơ nhìn đất nước vẫn còn chia cắt, nhìn anh em cùng trang lứa xung phong lên đường ra trận. Chiến tranh là khổ đau, là đau thương mất mát. Nhưng nó không thể hủy hoại niềm tin của chúng con: Tổ quốc là trên hết! Đất nước phải hòa bình thống nhất!

Mẹ ơi! Nỗi nuôi con nhọc nhằn, niềm chịu đựng âm thầm và nỗi thương nhớ khôn nguôi. Lòng mẹ bao la như biển cả. Mẹ là Huyền thoại của đời con!..

Ngày 24 - 4

Hành quân về Cam Lộ, trên mỏm đồi cao nhìn xuống, phong cảnh khá nên thơ. Dòng sông Hiếu uốn mình qua các quả đồi rồi êm đềm chảy xuôi huyện lỵ. Bên sông, những giọt nắng lung linh trên mặt sóng lăn tăn gợn, long lanh trên bãi ngô bãi lạc xanh mướt. Qua thị trấn, những mái nhà lợp tôn trắng lốp ẩn hiện dưới hàng cau, tán ổi, na xiêm. Nhưng càng đi sâu vào các ấp thì có nhiều điều đáng buồn. Nhà nào cũng rào rây thép gai, vườn tược rào dây thép gai, các ngôi mộ cùng rào dây thép gai. Ngay cả chậu cúc vàng cũng bị dây thép gai vây quanh nó. Thật bất ngờ, trong một vườn nhỏ có gốc mai già còn sót lại mấy bông hoa, mấy đọt nụ. Sắc vàng lung linh dịu dàng thanh khiết đã quyến rũ tôi trong giây lát.

Dân đã di tản hết. Chỉ có bóng dáng các nữ du kích và bộ đội địa phương làm nhiệm vụ.

Được lệnh giải lao, tôi tạt vào ngôi nhà nhỏ bên cạnh đường. Kiểu kiến trúc truyền thống miền Trung. Nhà một gian hai chái. Tôi bước vào nhà, gian giữa là bàn thờ Phật tôn nghiêm, hai bên kê hai chiếc giường gỗ. Dưới đất đồ đạc ngổn ngang, kể cả ảnh tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và các khẩu hiệu sặc mùi phản động bị xé toạc. Chẳng có gì chú ý, tôi rón rén đến bàn thờ mở chiếc màn che. Một chiếc mâm bồng bày các loại quả: nào chuối, nào cam, nao khế… Tôi đưa tay cầm lấy quả cam. Ôi! Sao nhẹ thế! Tôi bóp mạnh và chợt nhận ra: nó được làm bằng nhựa. Tôi không hiểu tại sao người dân lại dùng đồ nhựa để dâng đức Phật chốn tôn nghiêm này.

Cuộc hành quân tiếp tục dọc theo Đường 9. Các tháp canh, đồn bốt của địch đều bị phá sập. Có một cái chợ ở ven đường vắng ngắt, không một bóng người. Rẽ phải, đoàn quân tiến sâu vào những dải đồi hoang trập trùng. Chiều, gió nam từ hướng biển phả vào mát rượi. Núi non đã ngã sang màu tím sẫm. Đến quá nửa đêm chúng tôi mới đến hậu cứ.

Ngày 25 - 4

Vừa dậy, chưa kịp rửa mặt, chúng tôi lao vào đào hầm. Đất sỏi đá phổng cả tay. “Nắng Quảng Trị chưa trưa đã rát, đất Quảng Trị chưa cuốc đã phồng tay”, tôi ngân nga rồi quay sang nói đùa với Bảo: “Năm nay là năm Tý, khéo phải chũi cả năm đấy!” Bảo cười, đôi mắt nheo nheo và phô đôi hàm răng trắng lóa: “Chứ không à! Không chũi tốt thì pháo Mỹ nó xơi cái mông của cậu đấy”. Bảo và tôi đã trở thành đôi bạn chiến đấu thân thiết từ lúc nào không hay. Bảo người Mỹ Lộc, lính 70 và hơn tôi một tuổi. Dáng Bảo cao rắn rỏi, lúc nào cũng có nụ cười thường trực trên môi. Bảo giúp đỡ tôi nhiều lắm, thương cái thằng nhỏ thó dáng thư sinh, có cặp mắt nhấp nháy và gò má bừng bừng nghịch ngợm. Lúc tôi vác nòng pháo thì máy ngắm Bảo đeo. Khi tôi gánh đạn AK Bảo khoác. Có lần tôi hỏi: “Tớ thấy lúc nào cậu cũng mặc áo lót kiểu lính thủy?”. Bảo tâm sự: “Cuối năm 71 tớ về phép, được cô bạn thân tặng. Tớ luôn mặc bên mình như có hình em trong tim”. Tình yêu của họ đẹp thế đấy, H ạ!

Nơi đây là hậu cứ để đơn vị tôi đánh cứ điểm Đông Hà. Địa hình địa thế bất ngờ. Có ai ngờ rằng: tại mảnh đất khô cằn trơ trụi, dưới chân các quả đồi mờ mờ một màu xanh nhạt của hanh hao, sim mua mọc hoang dại, lại là xuất phát điểm để đập tan một cứ điểm mạnh của địch đã tồn tại mười tám năm nay.

Ngày 27 - 4

Sáng sớm, nắng vừa hoen vàng phía chân trời đằng đông, thì cũng là lúc tiếng súng đợt hai đánh vào cứ điểm Đông Hà nổ giòn giã. Tiếng pháo kích của ta không lúc nào ngớt. Anh Hòa nhận nhiệm vụ ở trên về, họp tiểu đội giao nhiệm vụ cho từng chiến sĩ. Anh nói: “Mặt trận giao cho trung đoàn ở mũi thứ yếu, đánh vào Đông Hà từ hướng tây Nam, đồng thời chốt chặn không cho địch tháo chạy ra đường Một. Đại đội ta tăng cường và yểm trợ cho bộ binh, vừa vận động vừa phải chốt chặn. Trang bị gọn nhẹ, chỉ có vũ khí, xẻng và bi đông nước. Các đồng chí về chuẩn bị”.

Bảo kiểm tra máy ngắm. Tôi kiểm tra đạn, liều chính liều phụ, lấy dây quai dép buộc đảo chiều hai băng đạn AK. Xong xuôi, chúng tôi nghỉ ngơi lấy sức chuẩn bị cho trận chiến bắt đầu.

Màn đêm dần buông xuống, không gian chợt tĩnh lặng giữa hai đợt pháo kích. Gió cửa biển thổi vào làm căn hầm mát rượi. Chúng tôi nghe như biển gần lại, đem về tiếng sóng ì oạp bình yên. Thấy tôi có vẻ bồn chồn thấp thỏm, Bảo nói: “Ai vào trận mà chẳng hồi hộp, chẳng run hả cậu? Kinh nghiệm đã mách bảo tớ: phải tỉnh táo, chỉ có tỉnh táo thì bom đạn không đến với mình”?!

Ngày 28 - 4

0 giờ 15 phút. Lệnh xuất kích. Đoàn quân ngụy trang kín mít rời hậu cứ nhằm hướng Đông Hà thẳng tiến. Bầu trời đêm như cháy trong đạn lửa, cháy trong tiếng gầm của pháo ta rót xuống đầu thù. Ở Đông Hà liên tục bùng lên những chớp lửa. Thỉnh thoảng địch chỉ bắn lên những quả pháo sáng vàng ệch. Được lệnh ém quân và đào công sự nằm. Đào xong tôi định đi lấy lá ngụy trang thì bỗng nghe tiếng anh Hòa gằn nhỏ: “nằm xuống. Có B57”. Cùng lúc vầng lửa lóe ngay bên phải. Mảnh bom chíu chíu qua người, có mảnh cắm đánh “phập” vào bụi cây sát đó. Lạnh cả người!

Lệnh vận động tiếp. Tôi xốc gánh đạn lên vai và vọt lên cùng đồng đội. Chúng tôi áp sát cứ điểm cũng là lúc tờ mờ sáng. Hơn 50 mét phía trước mặt là con đường sắt vắt qua. Lệnh của đại đội trưởng: “Giá pháo! Chuẩn bị chiến đấu”.

Anh Cường đập bàn đế, Bảo lao đuôi nòng vào hõm, anh Cử gá càng. Anh Hòa chỉ vật chuẩn là nóc nhà tám mái. Khẩu đội thao tác và lấy phần tử bắn không quá ba phút.

Duấn, Nhị và tôi chuẩn bị đạn. Tôi trực tiếp lắp liều chính, gắn hai liều phụ vào đuôi đạn. Ba mươi quả đạn đã xong nhưng chưa bật nắp bảo hiểm.

Khoảng năm giờ ba mươi phút, đồng loạt các loại pháo của ta dồn dập nã vào Đông Hà. Quầng lửa, cột lửa, cột khói cuồn cuộn cứ dựng lên liên tiếp. Nóc nhà tám mái mờ mờ trong bão lửa. Bỗng ba quả pháo sáng nở xòe trên không trung. Lệnh xung phong toàn mặt trận!

Pháo tầm xa chuyển làn, cùng lúc chúng tôi được lệnh bắn yểm trợ cho bộ binh xung phong. Tôi giật nắp bảo hiểm và chuyển cho Bảo thả đạn vào nòng. Bắn được bẩy quả thì anh Hòa hô: “Tầm 69, hướng sang phải 4 độ”. Tôi lao vào thay Bảo chỉnh hướng. “Bắn!”. Phải bình tĩnh, tôi tự nhủ rồi hai tay đỡ lấy bầu đạn thả cân vào nòng và nhẹ nhàng buông tay vuốt xuôi xuống. Cạch! Oành! Quả đạn bay vút vào không trung.

Thú thực với H lúc đầu cũng run. Bắn đến hai, ba quả tiếp theo thì tôi mới trấn tĩnh lại được. Phải tỉnh táo, tỉnh táo để thả đạn và chỉnh hướng theo khẩu lệnh của anh Hòa.

Đang bắn thì có lệnh thu pháo vận động truy kích địch. Tôi vác nòng pháo còn đang nóng bỏng trên vai, cùng đồng đội băng qua đường sắt lao về phái ngôi làng bên kia đường Một. Vận động dưới làn đạn làn pháo loạn xạ. Vận động trong làn khói mịt mù khét lẹt. Đột nhiên, một sức mạnh vô hình nào đó đẩy tôi ngã sấp mặt xuống một cái rãnh nhỏ, nòng pháo đè lên lưng. Một vầng lửa vàng chóe lóe ngay bên trên chỗ tôi vừa ngã. Thoáng một giây bàng hoàng, tai ù đặc và mắt nẩy đom đóm. Rồi tôi vùng dậy xốc nòng pháo lên vai vận động tiếp. Đang chạy thì anh Pẩu vọt đến nói qua hơi thở: “Nhị bị thương rồi”. Ngược chiều với chúng tôi có ba cáng võng thấm đẫm máu.

Băng qua đường Một vào làng, chúng tôi triển khai ngay trận địa chốt chặn. Đất cát mềm một phần lợi dụng những luống khoai dân trồng nên chỉ lúc sau đã làm xong hầm chiến đấu. Chốc chốc, từng loạt pháo hạm Mỹ và pháo giàn ở Ái Tử vút qua, hú lên như tiếng vỗ cánh của lũ chim thần chết. Đến giữa chiều mới ngớt tiếng súng. Đại đội trưởng Hiền Yên kiểm tra trận địa chốt và thông báo: “Địch đã rút chạy ra hướng Cửa Việt. Ta hoàn toàn giải phóng Đông Hà. Nhiệm vụ đại đội chốt tại đây tạo thế bàn đạp đánh Ái Tử và giải phóng thị xã Quảng Trị”.

Bữa cơm sau chiến thắng thật ngon. Anh Sán tìm kiếm thế nào mà có món canh bí ngô nấu với thịt hộp, rau tập tàng xào ruốc. Cơm nóng canh sốt. Quá tuyệt vời anh Sán ạ!

Ngày 29 - 4

Buổi sáng trong làng Trung Chỉ. Mặt trời đỏ ầng ậng đằng đông, từ từ nhô lên khỏi ngọn khói tre đầu làng. Ven con sông nhỏ, rung rinh những đám lạc, đám ngô, đám khoai lang. Nếu không phải là chiến tranh, có thể coi đây là ngôi làng đẹp, khá trù phú. Nhưng chiến tranh đã cướp đi tất cả, làng hoang vắng không một bóng người. Những nếp nhà ven đường đổ sập, một phần do bom pháo, một phần do lính ngụy đập phá cướp bóc, nên mọi thứ tan hoang.

Đến trưa, nắng gió lúc chụm lại, lúc bung ra hắt cái nóng rát rạt vào mọi vật. Từng đám mây bông lớn trôi lững thững dưới vòm trời xanh kỳ diệu. Nóng vậy nhưng chúng tôi cảnh giác luôn trực chiến trên trận địa. Bởi, tít trên cao lũ L.19 và OV - 10 vẫn vo ve quần đảo như xé rách bầu trời. Pháo hạm Mỹ vẫn hú lên dội xuống các quả đồi chân dãy Trường Sơn. Ta đã đập tan căn cứ Ái Tử và đang tiến đánh giải phóng thị xã Quảng Trị.

Đến chiều, chúng tôi rút về hậu cứ để nhận nhiệm vụ mới của Mặt trận.

(Hết kỳ I)

N.T.L 

 

Nguyễn Thiện Lợi
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 211 tháng 04/2012

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

03/05

25° - 27°

Mưa

04/05

24° - 26°

Mưa

05/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground