Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 30/03/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Nhật ký một chuyến đi

V

ừa ra trường, đang trong khí thế hừng hực của sức trẻ muốn được cống hiến và thử sức nhưng thực tại lại không giống những gì tôi từng mơ mộng thời sinh viên. Việc làm là một vấn đề không chỉ khiến mình tôi mà cả người lớn cũng phải đau đầu. Tạm gác lại mọi chuyện, tôi dành thời gian cho những chuyến đi xa để thử trải nghiệm và tích góp cho mình chút kinh nghiệm thực tế mà biết đâu sẽ giúp ích cho công việc của tôi sau này.

Theo chân Câu lạc bộ Nhà báo Nữ Quảng Trị, tôi đã có một chuyến đi cực kỳ lý thú lên vùng cao, nơi biên cương của Tổ quốc giáp biên giới Việt – Lào.

Một giờ ba mươi phút một buổi chiều thứ bảy, dưới cái nóng gay gắt của nắng và gió Lào tháng sáu, chiếc xe ôtô của Báo Quảng Trị không ngần ngại vẫn ung dung chuyển bánh lên vùng cao Hướng Hóa. Xe lên đến địa phận của Đakrông, khung cảnh hai bên đường khiến ai ngang qua cũng phải đi chậm lại để ngắm nhìn. Có thể thiên nhiên ở đó vẫn vậy, hoang sơ mà hùng vĩ, nhưng đối với một người lần đầu đến đó như tôi lại cảm thấy mình thật nhỏ bé trước thiên nhiên rộng lớn. Dòng sông Đakrông chảy dài phía dưới suốt quãng đường đi với nhiều bãi đá đẹp khiến cho dòng nước uốn lượn đầy màu sắc. Cảnh thiên nhiên thật nhưng lại cứ ngỡ như những bức tranh mà tôi từng xem trong cuốn catalogue chọn lịch Tết. Nhìn dòng sông tuy không sâu nhưng nước chảy rất xiết, chợt một ý nghĩ thoáng qua rằng không biết đến mùa lũ bức tranh thiên nhiên này có trở nên dữ tợn như hung thần hay không?! Ý nghĩ đó khiến tôi thoáng rùng mình. Nhưng nghĩ đến những giai điệu rộn ràng của ca khúc “Sông Đakrông mùa xuân về” tôi bỗng thấy vui tươi trở lại.

Đường lên Hướng Hóa được đổ nhựa nên bác tài cứ cho xe chạy bon bon. Ngoài trời thì nắng như đổ lửa mà xe ô tô thì lại hư mất điều hòa cộng thêm nắng vẫn hắt vào liên tục nên hầu như ai cũng ướt mồ hôi. Nhưng với tôi, một người đang hừng hực sức trẻ thì điều đó lại không thành vấn đề. Lên đến Lao Bảo, xe bắt đầu ngoặt qua đường đất. Lúc này tôi mới biết đường lên biên giới không phải chỉ toàn đường bằng. Đường lên Đồn Biên Phòng Ba Tầng rất khó đi. Một phần người ta đang xây dựng nên ở phía ngoài bụi bay mù mịt. Đi vào sâu hơn đường bắt đầu dốc và đá. Có những đoạn đường hẹp tưởng chừng không qua được thế mà bác tài vẫn cho xe chạy qua nhẹ nhàng. Phải những người có kinh nghiệm đi đường núi lắm mới có thể cho xe lách qua một cách điêu luyện như thế!

Vì đoàn nhà báo đi để lấy tin viết bài nên xe không đi thẳng lên đồn Biên Phòng mà dừng lại ở nhiều nơi để tác nghiệp. Đầu tiên là đoàn đến thăm mô hình trồng trọt của ông Côn Nghĩa người dân tộc Pa kô. Ông Nghĩa là một cựu chiến binh xuất sắc. Ông đã từng tham gia kháng chiến trong chiến tranh, nay thời bình ông tích cực tham gia trồng trọt sản xuất. Mô hình ông xây dựng được công nhận là mô hình tiên tiến cho nên nhận được rất nhiều sự quan tâm của các phóng viên. Ông Nghĩa sinh năm 1940 tức là năm nay đã bảy mươi ba tuổi rồi nhưng nhìn ông tôi cứ tưởng mới ngoài sáu mươi. Dáng người quắc thước, rắn rỏi. Tuy đã lớn tuổi nhưng ông rất nhanh nhẹn. Nhìn bước đi khỏe khoắn và tay cầm rựa phát cỏ liên tục tôi thầm nghĩ chắc ông còn được hưởng phúc cùng con cháu lâu lắm.

Sau khi tham quan mô hình, ông Nghĩa mời cả đoàn về nhà ông uống nước. Nhà ông Nghĩa là một ngôi nhà sàn ở gần đó. Tuy nhỏ nhắn nhưng lại vững chãi và rất chắc chắn.  Lần đầu tiên tôi được tới nhà sàn, trong lòng không khỏi hiếu kỳ. Trèo lên trên sàn cùng mọi người để tham quan sau đó tôi xuống trước để anh phóng viên ghi hình. Ở phía dưới, mấy chị em tranh thủ chụp vài bức ảnh kỷ niệm.

Chúng tôi tiếp tục hành trình. Đến ngã ba cách trạm biên phòng hàng chục kilômét nữa, xe dừng lại để cho chị em đi tác nghiệp ở một mô hình cao su. Muốn đến mô hình cao su thì phải đi bằng xe máy. Do đó, chỉ một nửa đoàn đi, một nửa ở lại nghỉ ngơi, lấy sức. Tôi cũng ở lại trạm nghỉ chân. Thời gian ở lại trạm khoảng nửa tiếng đồng hồ. Anh quân y trực trạm hái xoài vào cắt mời mọi người. Xoài ở đây không như những loại xoài cát mà tôi thường mua ngoài chợ. Vị của nó chỉ thơm thơm chua chua vậy thôi nhưng khi ăn cùng muối sống giã với ớt tươi sẽ làm cho những người nhìn thấy không khỏi ngại ngùng phải quay đi nuốt nước bọt.

Khi mọi người trở về đầy đủ, xe ô tô lại tiếp tục lăn bánh để lên đồn biên phòng Ba Tầng 619. Lần này có mấy anh bộ đội đi xe máy phía trước dẫn đường. Năm rưỡi chiều, đoàn mới lên tới đồn.

Lên đến nơi, thấy băng rôn, khẩu hiệu và bàn ghế chuẩn bị sẵn sàng cho đêm giao lưu văn nghệ được sắp sẵn từ trước, mọi người ai cũng không khỏi bất ngờ trước sự chuẩn bị chu đáo của cả đơn vị. Việc đầu tiên khi đến nơi là mọi người được bố trí phòng “VIP” để ở như lời nói đùa anh Trung – chính trị viên! Phòng ở đây làm tôi nhớ đến ngày trước còn là sinh viên đi học quân sự cho nên lại thoáng chút cảm giác thân quen. Mỗi phòng nhỏ được kê bốn chiếc giường đơn, không có vệ sinh khép kín. Phòng có hai cửa sổ và hai cửa chính ở hai đầu. Vì là nơi ở của bộ đội nên mọi thứ đều sạch sẽ, ngăn nắp.

Mọi người rục rịch chuẩn bị tắm rửa để đi ăn cơm. Chị em nữ được ưu tiên phòng tắm ở tầng hai. Trong lúc chờ đợi, từ ban công tầng hai, tôi nhìn ra phía xa. Cùng lúc hoàng hôn bắt đầu buông xuống. Những ánh nắng vàng trải dài trên vùng đồi mênh mông phía xa nhìn rất lung linh, huyền ảo. Nắng cuối ngày không còn gay gắt như lúc chiều mà óng ánh như một dải lụa mềm. Mặt trời khuất núi khiến cho nắng bị xẻ ra thành nhiều mảnh rồi bung tỏa ở phía xa xa. Khoảnh vườn của đồn biên phòng ở ngay phía dưới được chăm sóc rất cẩn thận. Những quả bí ngô lấp ló dưới những chiếc lá xanh to bản cùng những gốc cây thanh long được trồng theo mô hình đẹp không kém gì những trang trại thảo nguyên mà tôi từng nhìn thấy trên tivi. Cộng với màu nắng vàng rực rỡ cuối ngày trông như một bức tranh tuyệt mĩ! Chỉ ít phút ngắn ngủi ngắm nhìn mà tâm hồn lãng mạn của tôi được dịp bay bổng, vút lên trời cao rồi theo chân vệt nắng còn sót lại về phía xa nơi chân trời.

Đoàn chúng tôi được thết đãi một bữa cơm thịnh soạn. Tuy gọi là cây nhà lá vườn nhưng đúng là không thiếu thứ gì. Tôi vẫn thường nghe kể về khả năng tự cung tự cấp rất đảm bảo của bộ đội bây giờ mới được tự mình thưởng thức. Ăn cơm xong mọi người rục rịch chuẩn bị cho đêm giao lưu văn nghệ.

Đêm văn nghệ tôi ấn tượng nhất là tiết mục đốt lửa trại. Khi MC Thanh Trúc – phóng viên Báo Quảng Trị và anh lính Biên phòng Đồn 619 tuyên bố chương trình giao lưu văn nghệ bắt đầu thì tất cả đèn điện đều vụt tắt. Không gian đột ngột bị bao trùm bởi bầu trời đêm không một gợn mây và hàng ngàn ngôi sao lấp lánh. Bỗng nhiên, ở đằng xa một ngọn lửa bừng sáng rồi trôi từ từ về phía tôi đang ngồi và khi khẽ chạm vào đống củi đã được tẩm sẵn cồn thì bùng lên cháy sáng. Rực rỡ cả một không gian! Hóa ra, người ta đã giăng sẵn dây từ tầng hai đến chỗ đống củi để ngọn lửa có thể truyền đi nhẹ nhàng. Đèn bật sáng, tiếng hò reo và tiếng vỗ tay hoan hô vang lên khắp nơi. Ai cũng trầm trồ thán phục trước ý tưởng táo bạo và bất ngờ của các chiến sĩ biên phòng! Tôi phải mất một lúc để hồi tưởng lại khung cảnh tuyệt vời đó và tự cảm thán trong lòng. Lúc đó, tôi chỉ tiếc là mình đã không ghi lại được khoảnh khắc ấn tượng mà không phải ai cũng được chiêm ngưỡng. Nhưng bây giờ thì tôi lại nghĩ khác. Nếu như lúc đó tôi chỉ chăm chăm để ghi hình thì chưa chắc đã có thời gian để tận mắt chứng kiến và cảm nhận để rồi thán phục các anh bộ đội đã có sự chuẩn bị công phu đến như thế! Đúng là có những khoảnh khắc chỉ cần ghi lại bằng đôi mắt của chính mình thôi là quá đủ rồi!

Chương trình giao lưu văn nghệ bắt đầu. Mở đầu là tiết mục cồng chiêng của dân bản xã A Dơi mà nhân vật già làng lại chính là ông Côn Nghĩa thủ vai. Lần đầu được trực tiếp xem biểu diễn cồng chiêng bên lửa trại tôi thực sự rất háo hức và cảm động. Đến đoạn múa “phòn” chung cùng dân bản, cả đoàn ai cũng hăng hái tham gia. Sau đó, ai cũng góp vui một tiết mục. Tôi đăng ký hát một bài tặng cho các anh bộ đội, bởi không khí ấm cúng và hân hoan mà tôi được mọi người ở đây dành tặng tôi cũng muốn đáp trả tình cảm nồng ấm đó. Tiết mục kết thúc, một anh bộ đội chạy lại tặng cho tôi một bông hoa hồng. Tôi cảm ơn và đón nhận món quà ý nghĩa của một người lính. Khi ngồi trò chuyện cùng mọi người, một anh bộ đội bảo với tôi rằng người dân ở đây người ta khát văn nghệ lắm, văn nghệ giống như món ăn tinh thần của người ta vậy. Nên được xem một chương trình thế này chắc là họ sẽ vui lắm đấy! Nghe anh tâm sự tự nhiên trong tôi lại có những suy nghĩ đan xen lẫn lộn rồi trở về thực tại với giai điệu ngọt ngào và sâu lắng mà bài hát “Thơ tình của núi” đem lại.

Hơn mười hai giờ khuya rồi mà chương trình văn nghệ vẫn chưa dứt. Tuy đã quá giờ nhưng không khí vẫn không mất đi niềm vui hội ngộ. Rồi đêm giao lưu văn nghệ cũng đến lúc phải kết thúc. Bà con dân bản ra về.  Lúc chuẩn bị đi, tôi bỏ quên bông hoa hồng trên bàn gỗ. Đang dợm bước đi thì một giọng nói ngay sau lưng khiến tôi khẽ giật mình “Hoa của Phương này, cầm theo nhé, mình lỡ cá với tụi bạn rồi”. Anh lính vừa nói vừa gãi tai ngượng ngùng. Chị Hồng Lĩnh, công tác ở Đài Triệu Phong đi bên cạnh tôi khẽ cười rồi hỏi thăm anh bao nhiêu tuổi. Anh lính chỉ nói khẽ “Em cùng tuổi với Phương” e lệ mỉm cười rồi cúi đầu đi luôn. Chị Hồng Lĩnh ngạc nhiên “Sao cậu ta biết tên em vậy?” Tôi ngẩn người “Ơ! Em cũng không biết chị ạ”. Bỗng tôi nhận ra là cậu bạn tặng hoa cho mình lúc nãy! Chợt nhớ đến mấy thằng bạn “nhất quỷ nhì ma” của tôi ở dưới xuôi mà thoáng mỉm cười, không lý giải được là ở đây, trong môi trường quân ngũ, cậu bạn đó lại rụt rè trước một cô gái như tôi.

Tôi vốn không mất ngủ vì lạ chỗ. Giường tôi nằm sát cửa sổ, hai cánh cửa mở to và ngay cạnh giường. Tôi nhìn ra bên ngoài, cả một bầu trời sao lấp lánh sà xuống bên cạnh, rộng lớn, thoáng đãng và mát mẻ. Không như ở thành phố cứ hễ mở cửa nhà mình ra là lại nhìn thấy nhà hàng xóm. Ở đây chỉ độc nhất một bầu trời đêm bao la rộng lớn, khiến tâm hồn được thư giãn để đeo đuổi những giấc mơ xa vời và cả hy vọng nhen nhóm.

Năm giờ sáng tôi thức dậy nhờ đồng hồ báo thức. Không gian xung quanh vẫn vô cùng tĩnh lặng. Tôi hơi ngạc nhiên vì tôi nghĩ trong quân ngũ các anh bộ đội phải dậy từ sớm tập thể dục ồn ào lắm chứ. Vậy mà lúc này lại hoàn toàn yên tĩnh. Nhìn ra phía cửa, bất ngờ vì bắt gặp bình minh! Chỗ tôi ngủ quả là đặc biệt, trước khi ngủ có thể ngắm sao, mở mắt ra lại nhìn thấy toàn cảnh bình minh như thế. Trời bừng lên đỏ rực. Tôi quyết định dậy dù hai mắt vẫn cay xè. Gấp chăn màn xong xuôi tôi đi ra ngoài. Nhắm mắt hít thở bầu không khí trong lành của vùng cao và vươn vai làm các động tác thể dục. “Đêm qua ngủ ngon chứ cô gái?”- Câu hỏi bất ngờ của một anh bộ đội khiến tôi giật mình quay lại. Lúc này tôi phát hiện ra rằng mình đã đoán sai. Tất cả mọi người trong đơn vị đã dậy từ rất sớm, người thì tập thể dục, người thì quét sân, người dọn vệ sinh, người thì tưới cây và cả nấu ăn nữa. Nhưng mọi người hoàn toàn rất trật tự, không ồn ào và không một tiếng động. Có lẽ người ta sợ làm chị em chúng tôi tỉnh giấc nên không làm ồn. Tôi thực sự cảm động trước những cử chỉ tuy nhỏ nhưng vô cùng ý nghĩa của những anh lính biên phòng. Tôi mỉm cười gật đầu và không quên chúc anh một ngày mới vui vẻ.

Ăn sáng và chuẩn bị xong xuôi, mọi người tập trung ở phòng truyền thống. Câu lạc bộ nhà báo nữ Quảng Trị tặng quà và chụp hình lưu niệm với các chiến sỹ biên phòng. Với tình cảm tốt đẹp mà đồn biên phòng 619 dành tặng, chúng tôi hẹn gặp lại các anh trong một ngày không xa.

Chiếc xe lại lăn bánh đưa chúng tôi quay trở về. Dù thời gian chúng tôi ở lại đây không lâu nhưng tình cảm mà dân bản và những người chiến sĩ biên phòng ở đây dành cho chúng tôi là món quà quý giá mà tôi không thể nào quên được. Chiếc xe chạy nhanh. Cảnh vật hai bên đường lùi lại tựa những thước phim quay nhanh những giờ phút ít ỏi mà chúng tôi được sống cùng dân bản và cả những người chiến sĩ nơi biên thùy. Dù cuộc sống đời thường giản dị và đôi khi thiếu thốn về vật chất nhưng đời sống tinh thần của họ luôn phong phú và tràn đầy tình thương cũng như những người lính biên phòng không bao giờ quên đi nhiệm vụ quan trọng, ngày đêm cầm chắc tay súng và vững tinh thần để bảo vệ vững chắc biên cương của Tổ quốc.

              P.B.P 

 

Phạm Bích Phương
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 226 tháng 07/2013

Mới nhất

Bộ từ điển bỏ lại giữa rừng sâu

11 Giờ trước

Sau hiệp định Pari, 27/1/1973, chiến tranh tạm dừng, đại đội tôi đóng quân giữa bãi cát Lệ Xuyên, huyện

Đi tìm cỏ

11 Giờ trước

Nhiều lúc ngồi thẫn thờ nhìn đàn trâu bò gặm cỏ dọc triền đê chợt giật mình: Cỏ quê

Chị ấy…

11 Giờ trước

Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Huế tổ chức một chuyến đi thực tế dài ngày tại Tổng Công

Pa Ling mùa mưa

11 Giờ trước

Tháng 11, dưới cơn mưa rừng tầm tã, chúng tôi tìm về thôn Pa Ling, xã A Vao, huyện Đakrông,

Chiều không tắt nắng

27/03/2024 lúc 16:33

Truyện ngắn của THỦY VI

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

31/03

25° - 27°

Mưa

01/04

24° - 26°

Mưa

02/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground