T |
rong dịp vui Tết, đón xuân chiến thắng 1973, đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao Động Việt Nam vào thăm Vĩnh Linh.
Trước đông đảo cán bộ, đảng viên, chiến sĩ, đồng bào khu vực Vĩnh Linh và huyện Triệu Phong (1) tập trung tại hội trường Nam Phú (Vĩnh Nam) vào chiều 30 tết Quý Sửu, đồng chí Lê Duẩn nói: “Với việc Hiệp định Pari được ký kết, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta đã giành được thắng lợi vẻ vang. Đây là thắng lợi rất to lớn của cuộc kháng chiến oanh liệt nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. Mỹ phải rút quân và cam kết chấm dứt mọi sự dính líu quân sự vào miền Nam Việt Nam. Đồng chí Khẳng định: Mỹ phải rút quân khỏi miền Nam và rút hết. Lần này Mỹ ra khỏi miền Nam thì Mỹ ra luôn họ không trở lại nữa đâu!
Khi bắt đầu đánh Mỹ, nhiều người tưởng chừng như ta không thể thắng được Mỹ có đội quân tinh nhuệ đông, được trang bị vũ khí hiện đại nhất.Vừa rồi Mỹ nói: Hai trăm năm qua, Mỹ chưa thua ai, bây giờ thua Việt Nam!
Một nước nhỏ và nghèo như ta mà đánh thắng một nước lớn, mạnh và giàu nhất thế giới như vậy là một điều hết sức lạ lùng chưa từng có. Thắng lợi đó do ai làm? Toàn thể dân tộc Việt Nam ta làm. Có đúng như thế không các đồng chí… (cả hội trường vỗ tay, cười rộ).
Cách đây mấy hôm tôi có nói chuyện với anh chị em miền Nam tập kết hiện đang ở Hà Nội, tôi nhắc lại tình hình năm 1954, sau Hiệp định Giơ ne vơ ký kết, lúc đó tôi đang ở Quảng Ngãi, nhận được chỉ thị của Trung ương Đảng, tôi được tiếp tục đi vào Nam Bộ. Từ Quảng Ngãi vào Bình Định đi bằng xe goòng, tôi thấy hai bên đường đồng bào vui mừng… còn tôi, lúc đó tôi khóc, tôi khóc từ Quảng Ngãi cho đến khi vào Bình Định. Vì tôi biết chắc rằng, sau khi Hiệp định Giơ ne vơ có hiệu lực, cán bộ, bộ đội của ta tập kết ra Bắc hết, thì ở đây rất đau khổ. Tôi biết vậy nên tôi không vui mừng được. Nhưng bây giờ so với lúc đó thì khác lắm rồi: ở miền Nam, còn tồn tại “hai chính quyền, hai quân đội” và “ba lực lương”. Điều kiện đó sẽ tạo ra những thuận lợi rất cơ bản làm thay đổi so sánh lực lượng cả về thế và lực có lợi cho cách mạng, để cách mạng miền Nam tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn trong một ngày không xa.
Nói đến đây, đồng chí dừng lại, nhìn mọi người trong hội trường, hỏi: các đồng chí ở đây có hay đọc lịch sử Việt Nam không? (cả hội trường chưa có ai trả lời) đồng chí nói tiếp: Tôi bây giờ đây, tuy đã đọc lịch sử nhiều lần nhưng tôi vẫn thường giở lịch sử Việt Nam ra đọc. Tôi đọc để biết nước Việt Nam như thế nào, cha ông ta là ai. Các đồng chí đọc sử có hiểu, có chúng mình đây này, không phải tự nhiên mà có đâu. Chúng mình đây không phải là gang thép, vì gang thép cũng chảy với bom đạn của Mỹ, mà chính vì chúng mình đây là con người, con người thực sự, con người Việt Nam với truyền thống tốt đẹp của bốn ngàn năm kiên cường, bất khuất, giác ngộ sâu sắc trách nhiệm trọng đại trước Tổ quốc, trước thời đại…
Hôm nay gặp các đồng chí, gặp các bạn là người đồng hương của tôi, tôi nói qua một chút tâm tình. Lúc nhỏ, tại sao mà tôi muốn làm cách mạng một cách say sưa như vậy. Điều đó, bây giờ tôi nhớ lại lúc 9-10 tuổi, tôi thường nghe mẹ tôi kể cảnh sống của gia đình ông ngoại tôi 3-4 ngày mới có một bát cơm nhỏ, còn thì quanh năm, suốt tháng phải ăn rau, ăn khoai. Con gái của bà dì tôi lớn 12-13 tuổi còn trần truồng… Nghèo khổ đến thế mà còn chịu sưu cao thuế nặng nữa. Căm thù giặc Tây, ông nội, ông ngoại tôi đều tham gia phong trào đánh Tây. Mẹ tôi kể, gia đình ông ngoại tôi đánh Tây đến nổi trong gia đình phải chia ra hai bên: Một bên theo công giáo, một bên không theo công giáo. Mẹ tôi bảo: có làm như vậy mới che chở được cho nhau… lúc đó, gia đình ông ngoại tôi đã phải làm như vậy.
Hôm tôi gặp các đồng chi Khu ủy Trị - Thiên ra, tôi có nói với các đồng chí đó: làm thế nào để cho mọi người ở bên kia (tức là những người lâu nay ở trong hàng ngũ địch hoặc có liên quan với địch) hiểu hết tấm lòng của chúng ta sẽ xóa hết tội lỗi cho họ, vì họ có tội lỗi là do bọn Mỹ nó đưa vào cho họ (kín đáo lắm). Bây giờ ai trở lại với ta thì coi họ không có lỗi lầm gì cả. Ta làm như vậy là hợp với lòng dân. Bởi vì ở miền Nam hiện nay, gia đình nào cũng bị chia hai, mỗi họ, mỗi làng đều bị chia hai. Lúc Bác Hồ chưa mất, tôi có xin ý kiến của Bác, tôi nói: nay mai giải phóng miền Nam xong, ta có nên ân xá toàn thể không? Bác Hồ nói: “Nên làm-làm thế nào đúng”. Như vậy, Bác Hồ đã đồng tình với ý kiến của tôi nêu ra.
Bây giờ tôi muốn làm chuyện này, vì ngay trong gia đình tôi cũng có tình trạng đó. Con trai của chị ruột tôi phải đi lính cho Mỹ, con gái của chị tôi cũng phải lấy chồng là người làm việc cho Mỹ-Ngụy. Chúng ta phải làm cho những người trước đây ở trong hàng ngũ ngụy quân ngụy quyền hiểu rõ: vừa qua anh hoặc chị chưa có công lao gì với đất nước thì từ nay trở đi anh, chị nên lập công - làm được như vậy theo tôi là Cộng Sản. Chủ nghĩ Cộng sản đâu có phải đánh nhau, xô xát, chém giết nhau, mà phải có tình thương yêu nhau. Dưới chủ nghĩa tư bản: ai khôn thì sống, ai “bống”thì chết. Còn chủ nghĩa Cộng sản thì xóa giai cấp, không còn giai cấp bóc lột. Đảng và Nhà nước ta chủ trương xóa đói giảm nghèo… Cũng xuất phát từ lẽ phải tình thương, công bằng xã hội. Nhưng muốn làm được như vậy thì tất yếu chúng ta phải có bạo lực cách mạng để chống lại bọn phản động đang tìm cách chống phá mình. Cũng như đứa con trong bụng mẹ, khi ra khỏi bụng mẹ thì mẹ phải chảy máu. Người mẹ không đổ máu thì đứa con ắt phải chết ở trong bụng mẹ. Bạo lực là bà đỡ, tôi hiểu và tôi cắt nghĩa như vậy. Ta không sợ đổ máu vì ta không muốn đứa con phải chết ở trong bụng mẹ, chứ không phải chúng ta muốn đổ máu. Tôi nói như vậy các đồng chí, các bác, các anh, các chị có hiểu rõ không? Phải hiểu cho rõ ý tôi nói nghe…
Liên hệ đến tình hình Vĩnh Linh, đồng chí Lê Duẩn nói: trước đây(thời thuộc Pháp) có thời gian tôi ở Vĩnh Linh, Do Linh, tôi thấy trẻ em dưới 10 tuổi, ông bà già trên 60 tuổi mỗi bữa ăn mỗi người mới có một bát cơm nhỏ, số người còn lại trong gia đình (ngay cả gia đình anh Công, Bí thư Tỉnh ủy) đều phải ăn sắn, ăn khoai, nên tất cả đất đai ở đây đều trồng sắn. Bây giờ thì Vĩnh Linh không nên trồng nhiều sắn mà đất này theo tôi Vĩnh Linh phải trồng cây công nghiệp. Có trồng cây công nghiệp, có phát triển mạnh công nghiệp, đất nước ta mới giàu, Vĩnh Linh mới giàu. Có giàu thì mới bảo đảm cho mọi người ăn nó, ăn ngon, mặc ấm, mặc đẹp. Và cũng không phải chỉ dừng lại ở việc ăn, việc mặc mà còn phải học hành để có trình độ học vấn cao…
Vừa rồi tôi có đọc một tài liệu của Mác, tôi tìm thấy mấy chữ, ông Mác thích hai cái là: tình thương và đấu tranh. Tôi rất đồng tình với ý kiến đó của Mác. Con người ta phải có trình độ đấu tranh với thiên nhiên, đấu tranh với xã hội để mà được sống trong tự do, độc lập, ấm no, hạnh phúc, nhưng muốn đạt đến đỉnh điểm của nó thì con người phải có tình thương nữa. Con người khác với con vật, con người vừa đấu tranh vừa có tình thương – không có tình thương thì không phải con người.
Cuối cùng, đồng chí Lê Duẩn nói: Hôm nay chúng ta nói chuyện với nhau, cùng nhau ôn lại quảng đường khó khăn gian khổ, ác liệt, hy sinh mà chúng ta vượt qua được. Trong thời gian tới cũng có nhiều khó khăn gian khổ song không phải như trước đây. Quân và dân ta đã chiến thắng. Các bác, các anh, các chị ở đây phải thấy rõ chiến thắng để nói cho con cháu mình biết mà phấn khởi, tự hào. Tất cả mọi người từ em thiếu nhi cho đến cụ già bà lão đều có công đóng góp vào chiến thắng. Chúng ta phải luôn nhắc nhau và ghi nhớ: ta là người chiến thắng nhưng không được kiêu ngạo, phải đoàn kết thương yêu nhau để cùng cả nước tiến lên giành thắng lợi to lớn hơn trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng tổ quốc Việt Nam thành một nước xã hội chủ nghĩa. Nhân dịp mừng Tết chiến thắng, mừng xuân mới, tôi chúc các bác, các anh, các chị, đồng chí, đồng bào luôn mạnh khỏe, sẵn sàng chiến đấu và phục vụ chiến đấu, xây dựng cuộc sống mới. Vĩnh Linh quyết xứng đáng với thư khen của Bác Hồ gởi trong năm 1968: “Vĩnh Linh đánh gặc giỏi, sản xuất giỏi, làm công tác phòng không nhân dân tốt, phục vụ tiền tuyến tốt.
T.S