Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 26/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Như là cổ tích…

Mỗi khi có dịp đến Hướng Việt, tôi thường có thói quen dừng xe ở Km190 đoạn qua thôn Xa Đưng để nhìn bao quát xã Hướng Việt. Từ vị trí này, sẽ thấy cánh đồng lúa, nương bắp bên cạnh dãy núi Tà Rùng và phía bên kia là những nếp nhà sàn hoặc trụ sở mái ngói, mái tôn đỏ với khung cảnh yên bình khiến lòng tôi ấm áp.

Lần này, khi xe dừng lại ở Km190, tôi vẫn thấy dãy núi Tà Rùng sừng sững đó, nhưng ruộng lúa và nương bắp đã biến mất, chỉ còn nhiều ngôi nhà sàn chỏng chơ. Biết bao câu chuyện từ vùng “sáu không” đứng lên sau bão lũ khiến người trong cuộc đôi khi cứ ngỡ đó là cổ tích…

Sau mưa lũ, vườn hoa “Miền Viên Thảo” ở Hướng Hóa  khởi động vụ hoa mới, hứa hẹn một điểm du lịch hấp dẫn khi xuân đến tết về - Ảnh: Thiên Sơn

Sau mưa lũ, vườn hoa “Miền Viên Thảo” ở Hướng Hóa khởi động vụ hoa mới, hứa hẹn một điểm du lịch hấp dẫn khi xuân đến tết về - Ảnh: Thiên Sơn

1. Vào dịp cuối năm, tôi thường dành vài chuyến đi vào hai xã ở điểm cuối của đường Hồ Chí Minh (nhánh Tây tại tỉnh Quảng Trị) là Hướng Việt và Hướng Lập. Chuyến đi cuối năm nay diễn ra khi những cơn mưa tầm tã ngày này sang tháng khác trên đỉnh Đông Trường Sơn vừa chấm dứt, đường Hồ Chí Minh nhánh Tây bị sạt lở nặng nề cũng được nối lại. Lần này, khách quá giang xe cũng là một người đặc biệt - hiệu trưởng Trường mầm non Hướng Việt Lê Thị Hằng Nga.  Những năm trước, mọi người thường kể những câu chuyện vui, tíu tít tiếng cười. Thế nhưng lần này, trên chuyến xe bán tải chở hàng cứu trợ vào nơi vừa trải qua trận sạt lở khủng khiếp ở xã Hướng Việt, cứ đi đến địa điểm nào từng là nơi nguy hiểm, cô giáo Nga lại rùng mình kể lại những câu chuyện ám ảnh. Địa điểm sạt lở khiến 22 quân nhân Đoàn 337 hi sinh, nơi vùi lấp ba người dân, đoạn đường mà một cán bộ công an hi sinh khi đi tìm kiếm người mất tích… Chuyện đã qua cách đây mấy tháng nhưng khi nghe cô giáo Nga kể lại, mọi người trên xe đều thấy nhói lòng.

Cũng một câu chuyện khác, mà có lẽ ít người biết đến. Đó là bức thư viết tay cầu cứu của một cán bộ y tế gửi từ nơi bị cô lập Hướng Việt. Hôm đó là ngày 20 tháng 10. Nếu vào những năm trước, cán bộ phụ nữ ở Trung tâm Y tế huyện Hướng Hóa sẽ tổ chức tọa đàm mừng ngày Quốc tế Phụ nữ. Nhưng năm nay, mọi việc dừng lại. Nhiều người ứa nước mắt khi nhận được bức thư đề ngày 19 tháng 10 của chị Nguyễn Thái Xuân (cán bộ công tác tại Trạm Y tế Hướng Việt). Nét chữ ở tờ giấy kẻ ô ly kèm nội dung không được trau chuốt (có lẽ do viết vội), rằng: Có đoàn cán bộ Công an huyện Hướng Hóa băng rừng vào Hướng Việt để đưa thi thể của một cán bộ công an hi sinh về quê nhà, nên chị Xuân mới có cơ hội gửi bức thư này ra cho cấp trên, đề nghị được hỗ trợ. Trong thư chị kể, những ngày qua ở Hướng Việt xảy ra mưa to gió lớn khiến các đồi núi ở gần trung tâm xã nổ lớn, đổ sập đã vùi lấp gần một nửa trạm y tế. Bên cạnh đó, thôn Xa Đưng và thôn Chai cũ cũng bị vùi lấp hoàn toàn khiến người dân thiệt hại nặng nề “không thể diễn tả hết được”. Sạt lở khiến nhiều người mất tích, khi cán bộ xã đi tìm kiếm thì sạt lở tiếp tục diễn ra đã vùi lấp đoàn cán bộ khiến một chiến sỹ công an hi sinh, chủ tịch xã và phó bí thư xã bị thương rất nặng. Lương thực đã cạn kiệt, người dân quá khó khăn, trạm y tế cần được hỗ trợ thuốc men và nhân lực để khám chữa bệnh cho bà con.

Thời điểm nhận được thư, ngoài trời mưa to, gió lớn, đường vào xã Hướng Việt bị chia cắt vì sạt lở, thông tin liên lạc bị gián đoạn. Trao đổi với đoàn cán bộ Công an huyện Hướng Hóa mới băng rừng từ Hướng Việt ra, thì ai cũng lắc đầu vì quãng đường rừng quá nguy hiểm với hơn 10 giờ đi bộ. Ông Lâm Chí Đức - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Hướng Hóa tổ chức họp khẩn ở cơ quan, rồi xin ý kiến của Ủy ban huyện về việc lập đoàn đi vào xã Hướng Việt để tiếp sức cho trạm y tế và ứng cứu hai người bị thương. Sáng ngày 21 tháng 10, đoàn 23 người, trong đó có lực lượng biên phòng, ban chỉ huy quân sự huyện và y bác sĩ của Trung tâm Y tế huyện đeo ba lô đi bộ xẻ rừng, vòng qua đất Lào để vào xã Hướng Việt. May mắn nước lũ ở các con suối đã rút bớt, mưa giảm nên quãng đường trèo đèo lội suối đỡ vất vả, đến chiều tối thì đoàn vào đến xã Hướng Việt. Đến nơi, nhìn cảnh hoang tàn ở ngay trung tâm xã và trạm y tế, những thành viên trong đoàn ai cũng rưng rưng…

2. Sau trận sạt lở đất, Hướng Việt không điện, không đường, không nước sạch, không thông tin liên lạc, không trạm y tế, không trường học. “Sáu không” như vậy cứ kéo dài vì mưa vẫn nặng hạt, sạt lở vẫn cứ xảy ra, nhưng chính quyền và các lực lượng không thể đứng yên được. Ngoài việc thành lập đoàn cán bộ y tế mang theo thuốc men lội rừng vào, thì các phương án tiếp tế lương thực cho Hướng Việt đã được đưa ra. Trực thăng của Bộ Quốc phòng đã thực hiện hai chuyến bay đến thả lương thực và chở người đi cấp cứu, còn UBND huyện Hướng Hóa thì huy động các đoàn xe bán tải chở theo nhu yếu phẩm vòng ra tỉnh Quảng Bình để tiếp cận Hướng Lập và Hướng Việt. Có đường thì xe đi, không có đường thì dùng sức người vận chuyển, cứ như vậy, hàng chục tấn hàng hóa được đưa vào hai xã bị cô lập để giúp dân ổn định cuộc sống trước mắt. Gần một tháng sau, đường giao thông vào nơi bị cô lập tạm được khắc phục, các chuyến xe từ thiện chở hàng cứu trợ nối đuôi nhau vượt quãng đường khó khăn để vào với người dân. Có lương thực, người dân không lo đói kém nữa, lúc này việc khắc phục hậu quả mưa lũ được tiến hành.

Hôm cùng 100 thanh niên ở Huyện đoàn Hướng Hóa, Đoàn thanh niên Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh, Hội thầy thuốc trẻ tỉnh di chuyển hơn 100 cây số vào đến xã Hướng Việt, chị Trần Thị Thu - Bí thư Tỉnh đoàn Quảng Trị và các thành viên trong đoàn không biết bắt đầu từ đâu vì “nhìn đâu cũng thấy bùn”. Trường mầm non, trường tiểu học, trạm y tế… bùn dày hơn nửa mét, sức người không kham nổi. Cùng với sự hỗ trợ của máy móc, chính quyền địa phương và Đồn Biên phòng Hướng Lập, địa điểm đầu tiên mà đoàn tiến hành dọn bùn là ở Trường Mầm non Hướng Việt.

Cứ máy gạt bùn đi trước, đoàn viên thanh niên cầm xẻng, trang gỗ đẩy bùn theo sau. Ngày thứ nhất kết thúc mà công việc chưa đâu vào đâu. Đêm đến không có chỗ ngủ vì chưa sạch bùn, nên các đoàn viên phải di chuyển đến xã Hướng Lập ở gần đó để xin ở nhờ nhà người dân và đồn biên phòng. Đến ngày thứ hai, sau khi một khối lượng bùn lớn được cào đi, nền sân trường bằng bê tông mới lộ ra. Cứ nỗ lực như thế trong suốt gần mười ngày, bàn ghế, sân trường, khu nội trú, khu vui chơi của trẻ và những ngôi nhà sàn được tẩy đi lớp bùn đất.

Nhưng, mưa lũ không chỉ tàn phá những ngôi nhà sàn, ngôi trường mà rẫy lúa, nương ngô ở nơi này cũng bị bồi lấp. Và tài sản lớn nhất của người dân là bò, gà, dê cũng trôi theo lũ. Những món quà của các đơn vị gồm gạo, mỳ tôm, nhu yếu phẩm cũng chỉ giải quyết được khó khăn trước mắt. Vì vậy, cán bộ chiến sĩ ở Đồn Biên phòng Hướng Lập và chính quyền địa phương đã tìm kiếm sự hỗ trợ bằng cách khâu nối với các tổ chức, cá nhân để xin tài trợ giống vật nuôi. May mắn, đã có rất nhiều đoàn từ thiện ghé đến và thông qua biên phòng, họ gửi tặng cho người dân gà, ngan, lợn, bò, dê giống.

Người dân xã Hướng Việt nở nụ cười  khi được Bộ đội biên phòng Hướng Lập kết nối tặng bò, dê - Ảnh: Hưng Thơ

Người dân xã Hướng Việt nở nụ cười khi được Bộ đội biên phòng Hướng Lập kết nối tặng bò, dê - Ảnh: Hưng Thơ

Như trên chuyến xe của chúng tôi đi vào xã Hướng Việt hôm đó, có món quà là ba chiếc máy xay xát do thượng úy Phan Quang Vĩnh, Đồn Biên phòng Hướng Lập xin của một đơn vị ở Hà Nội đưa vào cho người dân ở ba bản người đồng bào thiểu số ở xa trung tâm. Cũng hôm đó, một hàng dài xe ôtô tải chở theo 58 con dê, 5 con bò, 22.500 gà và ngan, 20 con lợn giống… vào đồn biên phòng. Người dân ở hai xã đã đợi sẵn từ sáng sớm. Mỗi gia đình được nhận 30 con gà, còn ngan, lợn, bò, dê giống thì hộ khó khăn sẽ được ưu tiên. Bà Hồ Thị Thu ở thôn Xa Đưng sống đơn thân, nuôi ba người con. Sạt lở đã cuốn trôi đàn bò, bồi lấp hết ruộng vườn và ngôi nhà sàn của gia đình bà. Sau cơn lũ, bà Thu ngã quỵ vì chỉ còn mỗi hai bàn tay trắng. Nhưng bây giờ, nụ cười trở lại khi bà được các đoàn đến hỗ trợ gạo, mỳ tôm và nhiều nhu yếu phẩm khác. Đặc biệt, dịp này bà được biên phòng hỗ trợ 30 con gà, 1 con bò. Bà Thu chia sẻ: “May mắn là mẹ nhận được sự hỗ trợ nên không phải đói sau mưa lũ. Giờ lo chăn nuôi để vực lại đàn bò và đợi thời tiết tốt để làm lại ruộng lúa, rẫy sắn”.

3. Nhờ hiệu trưởng Lê Thị Hằng Nga “lỡ lời” trên chuyến xe vào Hướng Việt, tôi mới hay biết về chuyện tình “trong mưa lũ” của trung úy biên phòng Nguyễn Thành Trung và nữ giáo viên Trương Thị Mỹ Lý. Anh Trung thì phụ trách ở tổ công tác Tà Puồng thuộc Đồn Biên phòng Hướng Lập, còn cô giáo Lý thì dạy ở Trường Mầm non Hướng Việt. Chàng lính biên phòng và cô giáo viên đã quen biết nhau hơn một năm, hai người có nhắn tin qua về, thi thoảng gặp nhau nhưng chưa có gì sâu đậm.

Quê của Lý ở xã Ba Lòng, huyện Đakrông, những ngày mưa bão đường vào Ba Lòng bị ngập sâu, nên Lý phải ở lại trường. Biết Lý ở lại bám bản, nên mỗi lần đi địa bàn, Trung thường ghé hỏi thăm, có khi đem đến cho cô ít rau củ quả. Mấy ngày mưa lớn, đơn vị điều động cán bộ, chiến sĩ đi hỗ trợ những nơi bị ngập, hoặc nhà dân bị tốc mái, nên cả tuần anh không ghé thăm cô giáo được, tin nhắn cũng rất ít ỏi.

23 giờ đêm 15 tháng 10, mưa lớn, nước đổ về trung tâm xã Hướng Việt xối xả, Trường Mầm non Hướng Việt cũng bị nước tràn vào sân. Các giáo viên tái mét vì lo bởi hầu hết là giáo viên nữ, mà giữa cơn mưa như gào thét, dòng nước cuồn cuộn trôi như thế này trong đêm tối mịt thì có việc gì cũng đành phó thác cho số phận. Thế nhưng thật may mắn, trung úy Trung và đồng đội của anh đến hỗ trợ, Lý mừng một phần vì có người đến hỗ trợ, một phần vì được nhìn thấy anh sau cả tuần vắng bóng.

Hai ngày sau đó, dãy núi Ka Lóc phía sau thôn Xa Đưng phát ra nhiều tiếng nổ, rồi đất đá đổ ập về trung tâm xã Hướng Việt. Đến nửa đêm, Lý cùng ba cô giáo đang ở trong phòng của dãy nhà công vụ thì phát hiện đất bùn đang tràn đến, chèn lấy cửa. Mất điện, không có sóng điện thoại, cả đêm đó, ba cô giáo ôm nhau run lẩy bẩy. Đến sáng hôm sau cả ba người mới mở được cửa phòng rồi thoát ra ngoài. Khung cảnh lúc ấy không ai tưởng tượng được, nhìn đâu cũng thấy bùn đất, cây cối ngả rạp, nhà sàn kiên cố cũng bị xô đổ…

Lúc trung úy Trung lên đến dãy nhà công vụ, thì Lý đã đến ở nhờ nhà của một người dân ở khác thôn. Tìm không thấy cô, hỏi ai cũng không rõ, lòng Trung cứ rối bời, lo lắng. Đến khi biết Lý ở nhờ nhà người dân, anh chỉ kịp chạy đến đó, đưa ít mỳ tôm rồi trở lại với công việc. Rồi mưa lũ cũng đi qua, sóng điện thoại được nối lại, nhưng Hướng Việt vẫn bị cô lập vì đường sạt lở nghiêm trọng. Những ngày đó, anh động viên cô giáo, và hứa khi đường thông tuyến trở lại, anh sẽ xin đơn vị nghỉ ít ngày để đưa cô về nhà. Cô ngại nên không đồng ý, nhưng anh kiên quyết:  “Đường về Ba Lòng vẫn bị ngập, đi một mình nguy hiểm lắm”.

Ngày thứ 7 (21/11/2020), trung úy Trung chở cô giáo Lý bằng xe máy từ Hướng Việt về Ba Lòng. Dọc đường, những điểm sạt lở vẫn còn nham nhở, nếu không có anh, thì mình cô lái xe chắc cũng sẽ trầy trụa. Trước khi về, cô gọi điện thông báo với trong gia đình là có anh bạn về cùng. Mẹ cô cứ gặng hỏi, rồi nói rằng xúc tiến nhanh nhanh, vì cô giáo Lý năm nay 27 tuổi, còn “anh bạn” nghe đâu 31 tuổi… Hôm đó, ngoài bố mẹ, trong nhà còn có các chị gái và anh rể của Lý đến. Trung úy Trung dự định ghé chơi một buổi, rồi ngược lên lại Hướng Hóa để thăm nhà, nhưng hôm đó anh phải ở lại vì đến sáng hôm sau mới hết… say rượu. Chỉ xin đơn vị ra nhà được hai ngày, say hết một ngày rồi, nên anh chở Lý ghé thăm nhà anh một lúc rồi vào lại Hướng Việt…

Chỉ là tình cờ nghe câu chuyện tình trong mưa lũ qua lời kể của nữ hiệu trưởng Lê Thị Hằng Nga, nhưng bất ngờ, tôi lại gặp trung úy Trung và cô giáo Lý khi cả hai về huyện Cam Lộ chụp ảnh cưới vào ngày giáp tết. Dự định của hai anh chị là sẽ tổ chức tiệc cưới vào tháng 4 năm 2021. Tôi hỏi, trước khi xảy ra trận mưa lũ, hai người thế nào? Lý ngượng ngùng bảo, chỉ có chút cảm tình thôi, sau đó mới yêu nhau. Còn trung úy Trung thì cứ cười cười, không nói… Nhưng tôi cũng “hồ đồ” đoán rằng, sau này câu chuyện của gia đình nhỏ của họ sẽ chắc chắn bắt đầu rằng: Từ những ngày mưa lũ lịch sử, có một chàng trai biên phòng đã đến hỗ trợ và sẻ chia trong thời khắc nguy hiểm nhất…

 

LÂM HƯNG THƠ

Mới nhất

Chùm thơ Trần Đức Tín

24/04/2024 lúc 17:21

Nhà thơ Trần Đức Tín, bút danh Khét, sinh năm 1989, quê quán Cà Mau, hiện đang làm

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

27/04

25° - 27°

Mưa

28/04

24° - 26°

Mưa

29/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground