Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 24/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Như một cuộc thử thách lòng người

Những ngày này, mùa hè 2020, đây đó xôn xao những cây phượng trong sân trường bật gốc gây tang thương, chúng ta lại nhắc nhớ nhau về những hiểm họa rình rập, nhất là trong môi trường dễ tổn thương như trường học. Nhưng không phải hiểm họa nào cũng dễ dàng được tháo gỡ, nhất là nó lại liên quan đến vấn đề nhạy cảm lịch sử và tôn giáo. Chợt nghĩ, nếu như hai năm trước, cái tháp chuông nhà thờ Công giáo Phúc Lộc (tỉnh Quảng Trị) không được tháo xuống, thì ai chắc được chuyện gì sẽ xảy ra?

Từ hồi trống thoát tử đến tháp chuông… cảnh tử

Ông Hoàng Xuân Lãm sinh năm 1928, người làng Phúc Lộc (xã Triệu Thuận, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) từng tham gia quân đội Sài Gòn. Thời Pháp thuộc, có lần vào lúc chập tối, ông bị Việt Minh bắt trói tại làng. Một người thân của ông khi ấy đã đánh trống nhà thờ Công giáo trong làng để báo động có Việt Minh, nhờ đó ông thoát nạn. Đến năm 1969, khi đã là tướng của quân lực Việt Nam Cộng hòa, quay về làng nhớ chuyện xưa, ông Lãm đã cúng dường cho nhà thờ một tháp chuông để thay cái trống vì “nhờ tiếng trống họ Công giáo năm xưa mà tôi thoát chết”.

Tháp chuông bằng khung sắt hình trụ, chuông vuông 2m, cao tầm 10m, phía trên treo một chuông đồng nặng một tạ, có khắc lưu bút: Kính tặng họ Công giáo Phúc Lộc / Trung tướng Hoàng Xuân Lãm, Tư lệnh Quân đoàn I kiêm Vùng I Chiến thuật / Ngày 19 - 6 - 1969.

Hòa bình vãn hồi, các gia đình theo đạo Công giáo không còn sinh hoạt ở làng. Nhà thờ lúc này cũng đã bị bom đạn đánh sập, chỉ còn nền móng gạch và ngổn ngang những kèo cột gỗ cháy sém. Chính quyền trưng dụng phần đất, tận dụng nền móng gạch của nhà thờ và xây dựng lại để làm lớp học mẫu giáo cho trẻ con các thôn 1 và 2 của xã Triệu Thuận cho đến tận hôm nay.

Ngót nửa thế kỷ nằm giữa trời mưa nắng, khung sắt của tháp chuông phần vì đạn bắn xuyên, phần do khắc nghiệt thời gian đã xuống cấp, gây tâm lý bất an cho cô trò hai lớp mầm non luôn có trên dưới 50 cháu học bán trú. Nhận thấy sự nguy hiểm đó, Trường Mầm non Triệu Thuận cũng như chính quyền xã Triệu Thuận đã nhiều lần dự tính phương án duy tu hoặc tháo dỡ tháp chuông. Nhưng những phương án bảo trì đều không an toàn tuyệt đối.

Năm 2017, khi phần chân tháp chôn trong đất đá bị ôxy hóa gây nên sự mòn rỉ nghiêm trọng, cột tháp như đang bám dính cheo leo trên chân sắt mong manh. Chỉ cần một trận gió lớn, tháp chuông có thể sập xuống lớp học mầm non ngay bên cạnh. Cảm giác bất an và lời cảnh báo về chết chóc như đang đến gần nên không đợi chờ thêm nữa, tháng 3 năm 2017, Trường Mầm non đã có tờ trình đề nghị lên UBND xã Triệu Thuận phương án xử lý tháp chuông.

                                    

                                                           

 Tháp chuông nhà thờ Phúc Lộc được dựng từ năm 1969 - Ảnh: HCD

Của Ceasar đã thuộc về Ceasar!

Vấn đề xuống cấp của tháp chuông đã được đưa ra bàn thảo giữa các lãnh đạo chính quyền xã Triệu Thuận, thôn 1 và người dân làng Phúc Lộc. Tuy nhiên nhiều ý kiến quan ngại khi đụng đến “di tích” của làng, nơi gắn liền với hình ảnh tiếng chuông thôn quê, tín ngưỡng tôn giáo. Mặt khác, tháp chuông lại được trao tặng bởi một người từng tham gia quân đội miền Nam. Mọi sự can thiệp đều dễ gây nên những tổn thương, hiểu nhầm về mặt chính sách hòa giải - hòa hợp dân tộc và tự do tín ngưỡng tôn giáo.

Xác định đây là vấn đề phức tạp và nhạy cảm, tháng 3 năm 2018, UBND xã Triệu Thuận đã có văn bản xin ý kiến chỉ đạo cấp trên. Sau đó UBND huyện Triệu Phong có ý kiến chỉ đạo bằng văn bản, trong đó lưu ý “cần tạo sự đồng thuận của bà con giáo dân và linh mục quản xứ”. Ý kiến này đã mở ra mấu chốt cho hướng giải quyết, đó là phải dân vận khéo.

Ngày 15/3/2018, một cuộc họp quan trọng diễn ra ngay tại lớp học mầm non bên cạnh tháp chuông, do UBND xã chủ trì với đông đảo thành phần đại diện chính quyền đoàn thể xã Triệu Thuận và đặc biệt là đại diện làng Phúc Lộc và các họ tộc. Cuộc họp khá căng thẳng nhưng cuối cùng cũng đi đến nhất trí phải tháo dỡ tháp chuông và bàn giao cho giáo xứ Đại Lộc (xã Triệu Thuận).

Chủ tịch UBND xã Triệu Thuận Nguyễn Ngọc Tiến cho biết sự việc xử lý tháp chuông dù diễn ra đã hai năm nhưng ông vẫn nhớ như in vì đây là chuyện hệ trọng. Hồ sơ vụ việc được lưu riêng thành một bộ với rất nhiều văn bản, biên bản. Ông Tiến bày ra một bàn giấy tờ để chứng minh việc giải quyết đã tuân thủ các nguyên tắc chỉ đạo điều hành và dân chủ công khai. Nhưng bên cạnh dân chủ là cả quá trình dân vận không mệt mỏi, để đi đến những thứ có được trên giấy tờ và trên thực tiễn kết quả.

Trước phiên họp quan trọng như đã nói ở trên, khi đã xác định được hướng giải quyết là bàn giao tháp chuông cho Hội đồng giáo xứ, các đồng chí trong Đảng ủy, UBND xã luôn tận dụng mọi dịp để làm dân vận trên hai hướng.

Thứ nhất, về phía làng Phúc Lộc phải vận động cho được bà con, nhất là các cụ cao niên cho tháo dỡ tháp chuông. Lúc bấy giờ nhiều ý kiến của dân làng đề nghị nên giữ lại tháp bằng cách gia cố, vì đây là một phần hình ảnh của làng quê Phúc Lộc từ gần 50 năm nay. Những lần tiếp xúc với người làng Phúc Lộc, những phiên gặp gỡ cử tri, lãnh đạo và cán bộ xã Triệu Thuận đều tìm cách thuyết phục vì mọi phương án gia cố đều không được an toàn, lại mất không gian học tập vui chơi cho trẻ em. Hơn nữa, tính mạng con người là quan trọng hơn cả. Ký ức, biểu tượng, thậm chí cả tôn giáo chỉ tồn tại được khi có sự sống của con người.

Thứ hai, về phía linh mục và Hội đồng giáo xứ Đại Lộc (xã Triệu Thuận), trước đây cũng ái ngại việc tiếp nhận tháp chuông. Bởi dù làng Phúc Lộc nằm trong khu vực quản xứ của linh mục nhưng tháp chuông lại do một người từng tham gia quân đội miền Nam dâng tặng, gia đình người cúng tặng vẫn còn sống ở Mỹ biết có đồng thuận hay không. Những lần thăm nhà thờ, lãnh đạo xã Triệu Thuận đều tìm cách đề cập vấn đề tháp chuông với linh mục quản xứ, nêu vấn đề rằng tính mạng các trẻ em học ở đấy đang bị đe dọa bởi cái tháp chuông xuống cấp có thể sập lúc nào không biết.

Ông Tiến lật sổ ghi biên bản có chữ ký của toàn thể những người tham dự cuộc họp thống nhất tháo dỡ tháp như đã nói ở trên, rồi tiết lộ thêm rằng để có được biên bản này không phải dễ. Tại cuộc họp hôm đó, vẫn có một vị cao niên trong làng không chịu ký biên bản vì sợ liên lụy. Lãnh đạo xã phải làm công tác dân vận tư tưởng rất lâu, cam đoan việc tháo dỡ tháp chuông nếu có chuyện gì thì chính quyền xã sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm. Tới đó vị cao niên mới chịu ký biên bản để hoàn thành thủ tục tháo dỡ tháp chuông.

Cuối cùng, tháng 3/2018 tháp chuông được tháo dỡ trước sự chứng kiến của đích thân Chủ tịch UBND xã Triệu Thuận và các cán bộ liên quan; đại diện thôn và nhà trường, cùng đơn vị tiếp nhận bàn giao tháp chuông là Hội đồng giáo xứ Đại Lộc xã Triệu Thuận. Nhớ lời Bác Hồ dặn trong tác phẩm Dân Vận là trong lúc thi hành phải theo dõi, giúp đỡ, đôn đốc, khuyến khích dân, ông Tiến chia sẻ bên lề: “Hôm đó tôi theo anh em từ lúc tháo dỡ cho đến vận chuyển về tận nhà thờ xứ Đại Lộc, rồi còn mời anh em đi ăn cơm nữa”.

Như vậy là của Ceasar đã trả về cho Ceasar, nói theo một ý trong sách Thiên Chúa giáo.

Hậu “Khải huyền”

Tháp chuông sừng sững gần 50 năm đã được tháo dỡ, vì sự an toàn của con người. Câu chuyện đến đó tưởng như đã giải quyết xong. Những ẩn ức của lịch sử và thời gian đã được khai mở, tác giả của bài viết này gọi đó là “Khải huyền” (lại mượn ý của Thiên Chúa giáo).

Bất ngờ, cuối năm 2018, một người em họ của tướng Hoàng Xuân Lãm là ông Hoàng Xuân Định sau 30 năm xa quê định cư ở Hoa Kỳ (theo diện HO) bỗng trở về làng Phúc Lộc. Lúc này tháp chuông đã không còn, biết đâu sẽ gây nên những tổn thương trong ký ức và tinh thần của một người từng gắn bó với quê hương, lại là anh em với người tặng chuông. Và ai dám chắc câu chuyện tháp chuông không bị người ta nhắc lại với một thái độ khác.

Nhận thấy những “nguy cơ” này, ngay từ khi ông Hoàng Xuân Định về quê, chính quyền xã Triệu Thuận đã tạo điều kiện quan tâm về mặt thủ tục tạm trú. Đích thân Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã, hiệu trưởng Trường Mầm non đều ghé thăm ông Định. Những cuộc chuyện trò kết nối với kiều bào hồi hương cởi mở thân mật, đan xen những nội dung về chính sách hòa hợp dân tộc của Đảng và Nhà nước ta, cho biết những đổi thay tích cực trên quê nhà. Theo Chủ tịch UBND xã Triệu Thuận Nguyễn Ngọc Tiến thì trong những lần gặp gỡ ông Hoàng Xuân Định không hề nhắc đến tháp chuông, dù trước đó lãnh đạo xã đã chuẩn bị cho tình huống này để có cách phúc đáp khéo léo.

 

Chỗ tháp chuông trước đây nay đã được san nền, trồng cây xanh tạo cảnh quan và sự an toàn cho cô trò lớp mầm non

Chuyến trở về lần đó, ông Hoàng Xuân Định có ghé thăm, tặng quà lớp mầm non bên cạnh tháp chuông. Nhìn thấy khuôn viên chỗ tháp chuông hoang tàn, ông Định hứa sẽ hỗ trợ để làm sân. Sau khi trở về Mỹ, ông Định đã vận động được từ anh em bạn bè số tiền gần 40 triệu đồng gửi về để tu sửa lớp học mẫu giáo và tôn tạo nền khuôn viên chỗ tháp chuông, mở rộng sân chơi cho trẻ em và tạo cảnh quan cho xóm làng.

Cô Đoàn Thị Lý, hiệu trưởng Trường Mầm non Triệu Thuận cho biết tình cảm mà ông Định dành cho các cô giáo và học trò thật ấm áp. Nhà trường vừa san nền cát và sắp tới sẽ cho phun bê tông tạo mặt sân trước năm học mới này. Sự quan tâm của ông Hoàng Xuân Định cùng với việc kiều bào hỗ trợ xây dựng khuôn viên mầm non, chứng tỏ công tác giải quyết tháp chuông được sự đồng thuận cao từ nhiều phía.

Năm 2019, ông Hoàng Xuân Định lại về quê lần thứ hai và tu sửa khu lăng mộ Tử đạo ở làng Phúc Lộc bằng nguồn đóng góp của kiều bào ở Mỹ. Lăng Tử đạo là khu mộ chôn tập thể hơn hai trăm giáo dân đã tử nạn từ thế kỷ XIX. Đó cũng là một “di tích” duy nhất còn lại đến nay của dấu vết họ Công giáo ở làng Phúc Lộc. “Lúc đó cả tôi và đồng chí Bí thư Đảng ủy xã đã lên thăm động viên công việc tu sửa lăng Tử đạo” - Ông Nguyễn Ngọc Tiến, Chủ tịch UBND xã Triệu Thuận cho biết. Sự quan tâm đó không ngoài mục đích để ông Định và kiều bào ở Mỹ hiểu về chính sách tự do tín ngưỡng, tôn trọng các thiết chế của tôn giáo.

Câu chuyện dỡ bỏ một cái tháp chuông giữa những vấn đề nhạy cảm của lịch sử, tôn giáo; “động chạm” đến ký ức của dân; có thể làm “tổn thương” đến tâm hồn những người xa xứ... cuối cùng đã được giải quyết trọn vẹn, có hậu. Đó là cả quá trình vận dụng linh hoạt giữa nguyên tắc pháp luật, quy tắc ứng xử xã hội, và vai trò quan trọng không thể thiếu là dân vận khéo léo của người cán bộ.

*

Vĩ thanh: Khi tìm hiểu để viết phóng sự này, chúng tôi mới biết thêm rằng mảnh đất làng Phúc Lộc từ nửa thế kỷ trước đã là nơi diễn ra những cuộc dân vận đặc biệt.

Đấy là những năm 1973 - 1975, tỉnh Quảng Trị đã được giải phóng nhưng miền Nam vẫn còn chiến sự, nhiều người làng Phúc Lộc vẫn đang tham chiến cho quân đội Sài Gòn trong đó có trung tướng Hoàng Xuân Lãm. Lúc bấy giờ chính quyền huyện Triệu Phong về đặt trụ sở tại ngay làng Phúc Lộc và nhiều đoàn cán bộ của ta cùng về đây phối hợp làm công tác binh vận. Những bức thư của người làng Phúc Lộc thời điểm đó được đăng trên báo Nhân dân, phát trên sóng truyền thanh như một cách dân vận người thân đang tham gia Việt Nam Cộng hòa quay trở lại với Tổ quốc. (Trong số báo này có hồi ký Thăm Quảng Trị giải phóng của Trình Quang Phú đã ghi lại sự kiện này tại làng Phúc Lộc vào tháng 6/1973).

Ngẫm ra, nơi vùng đất mà láng giềng hàng xóm, họ hàng thân thích, thậm chí anh em ruột thịt có thể trở thành kẻ thù của nhau trên mặt trận khói súng, thì vẫn có một thứ không chia cách được là tình quê hương, tình đồng bào trong cội căn sâu thẳm của người con đất Việt. Và khi ấy, chiến tranh đi qua như một cuộc thử thách lòng người, cũng là thử thách sự khoan dung của những thế hệ hôm sau.

H.C.D

HOÀNG CÔNG DANH
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 310

Mới nhất

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

25/04

25° - 27°

Mưa

26/04

24° - 26°

Mưa

27/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground