Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 23/11/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Những “bài học bên bếp lửa” của mạ dạy tôi

Khi cuộc sống khá hơn người ta mới bắt đầu những chuyện lễ nghĩa này kia, chẳng thế mà ông bà bảo “phú quý sinh lễ nghĩa”. Thế nhưng trong chừng mực nào đó, khi nghèo khó, người ta vẫn có cách để những chuyện ấy được nhắc nhớ một cách nhẹ nhàng mà thấm thía. Ví như chuyện sinh nhật, giờ thì đi nhà hàng nào hầu như cũng có một vài góc được trang trí sẵn dòng chữ “Happy Birthday” với bong bóng màu. Khách đến quán tổ chức sinh nhật, cái góc quán đó mặc nhiên thành nơi tụ tập của nhóm khách, khỏi mất công trang hoàng. Mà ngày nào chẳng có người được sinh ra nên thành ra đến quán nào cũng gặp sinh nhật. Đó là chuyện bây giờ, còn vài chục năm trước, cả nước đói vàng mắt, làm gì có nhiều quán xá để tiệc tùng, nhưng bằng cách nào đó những ông bố bà mẹ đều có cách để nhắc con mình về thời khắc đáng nhớ ấy.

Với tôi, những sinh nhật của những tháng năm tuổi thơ đói khó, gần nửa thế kỷ rồi vẫn mãi còn ấm áp trong ký ức của một người đã chạm mặt tuổi già và bàn chân đã rong ruổi qua bao dặm trường mê mải. Cho đến giờ tôi vẫn không hiểu vì sao mạ tôi lại có cách làm sinh nhật cho tôi hay ho đến thế, khi còn thơ dại chỉ mừng vui chứ chưa nghĩ ngợi gì. Càng lớn, càng đi qua nhiều sóng gió trần ai càng thấy đó không chỉ là bữa ăn sinh nhật, đó còn là bài học mà mạ tôi đã dạy cho tôi, bài học về lòng biết ơn với ruộng đồng làng xóm.

Tác giả và mẹ - Ảnh L.Đ.D

Tác giả và mẹ - Ảnh L.Đ.D

Mạ sinh ra tôi sau bảy năm lấy chồng, ba tôi là “độc đinh”, gần 70 năm trước về làm dâu nhà “độc đinh” mới hiểu gánh nặng có con nối dõi tông đường áp lực đến thế nào. Mấy năm đầu ròng rã đi chữa chạy, cầu tự mà vẫn không có con, bà nội tôi định cưới “vợ hầu” (vợ thứ) cho ba tôi bởi bà nội tôi vẫn quyết tâm có cháu đích tôn. Nhưng ba tôi, dù là độc đinh và rất kính nể mẹ mình nhưng ông vẫn cương quyết không lấy thêm vợ. Mạ tôi cũng áp lực chuyện con cái nối dõi nên đồng tình với bà nội, mong ba tôi lấy thêm bà nữa. Nhưng ông con trai mảnh khảnh thư sinh ấy đã cương quyết chống lại việc lấy thêm vợ đó. Có lẽ tấm lòng của ông đã động tới cao xanh, nên đến năm thứ bảy kể từ khi bước chân về làm dâu, ba mạ tôi đã có được thằng “cu Nậy” là tôi. Là con cầu tự, là cháu nội đích tôn, nên khỏi nói tôi đã được cưng chiều thế nào, nhất là sau khi sinh ra tôi, đứa em kế cũng mất ngay sau khi sinh. Rồi sau đó cứ cách tầm 4 năm, ba mạ tôi lại có thêm một đứa con. Đứa em gái út chào đời được sáu tháng thì ba tôi mất. Một mình mạ tôi nuôi đàn con bốn đứa và bà mẹ chồng đã ngoài 70 tuổi, còn tôi lơ ngơ mới 13 tuổi đầu. Những năm tháng cuối thập niên 70 và đầu thập niên 80 ấy, chuyện gian nan và ám ảnh đói kém giờ có kể mấy thì các thế hệ sau cũng khó mà hình dung được. Nhưng lạ kỳ thay, sau ngần ấy tháng năm, những gian khổ ngày ấy trong tôi chỉ là những nét mờ như đám mây thoáng qua vùng trời ký ức, còn những lát bánh đúc nấu bằng thứ gạo quê riêng có lại lấp lánh mãi.

Tại sao là bánh đúc?

Đây không phải là câu chuyện món ăn hay di sản ẩm thực. Nó đơn thuần là chuyện lễ nghĩa như ở đầu bài viết và hoàn toàn không phải “phú quý sinh lễ nghĩa” mà thanh bần vẫn lễ nghĩa như thường!

Hồi đó ở quê tôi, vụ lúa hè thu thường chỉ gieo các giống lúa nương, nghĩa là không cần nước tưới như lúa vụ đông xuân phải gieo mạ rồi đi cấy, chăm bẵm đủ bề. Lúa hè thu là những thửa ruộng nắng nỏ bụi mù, làm đất tơi ra và vãi hạt thóc lên đó, rồi cày từng rãnh cạn lấp chồng lên nhau, hạt lúa bị chôn sâu chứ đâu được nuôi dưỡng lên xanh rồi cắm xuống bùn nâu như chúng ta vẫn thấy. Hai giống lúa cho đất khô vụ này là lúa “Dâu” và lúa “Dọn” (tôi nghĩ đây có lẽ là từ “nhọn” bởi hạt thóc của lúa “Dọn” lép, dài, hai đầu nhọn, đọc theo phương ngữ Quảng Trị “nhọn” chính là “dọn”, giống lúa “Dâu” hạt tròn hơn. Giống lúa chịu hạn đến kinh khủng. Gieo xuống đất cằn như thế, ủ hơi đất, chờ mưa ngấm mới lách qua lớp đất phủ dày mới ngoi lên. Thông thường lúa vụ đông xuân chỉ tầm 3 tháng đến 3 tháng rưỡi thì gặt. Còn lúa hè thu thường là dài đúng 5 tháng từ khi gieo đến khi thu hoạch. Lúa nương trồng trên đất cằn, khi mới gieo thì mùa nắng hạn, gió Lào quần thảo khát khô nhưng đến mùa chuẩn bị thu hoạch thì đúng vào mùa mưa bão từ cuối tháng 9 đến đầu tháng 10 âm lịch). Hạt thóc trần thân chịu đựng y như đời người dân miền Trung những ngày tháng ấy. Và rồi những thân lúa của vụ hè thu thường cao lênh khênh, dễ đổ rạp ấy cũng đến ngày chín vàng. Thường thì mạ tôi chọn một khoảnh có lúa tốt, chín đẹp nhất và dùng “vằng” (lưỡi hái, cách gọi dụng cụ gặt lúa của dân quê tôi) gặt về một bó. Bó lúa ấy được mạ tôi tự tay tuốt riêng ra, dên sảy thật sạch và bỏ lên những tấm nia để phơi. Gặp được ngày nắng to, số lúa được gặt đầu tiên ấy sẽ được để riêng ra một nơi, sau đó mạ tôi mới thu hoạch số lúa còn lại trên những mảnh rẫy đầu thừa đuôi thẹo để gom về. Đơn vị đo lường của người dân quê tôi ngày ấy là thúng, mỗi thúng tầm 12 kg thóc. Năm nào trúng mùa được gần hai chục thúng là quá vui mừng. Còn lại, mỗi gia đình có thêm một phần hoa lợi được chia từ ruộng rẫy của hợp tác xã cho các xã viên. Dù có cả các mảnh rẫy và phần lúa hợp tác xã được chia theo công điểm nhưng “của vào nhà khó như gió vào nhà trống”, huống chi nhà tôi đông nhân khẩu nhưng chỉ mạ là lao động phụ, không có lao động chính.

Trở lại với câu chuyện bánh đúc. Khi số lúa ngoài đồng đã thu hoạch xong, khô khén đâu vào đấy, thông thường vào buổi chiều trước rằm tháng Mười mạ tôi mới đem bao lúa thu hoạch đầu tiên, được phơi phóng sạch sẽ đem ra cho vào cối giã. Giã hết số lúa, dần sàng tẩm mẳn chia ra ba phần, gạo - tấm - cám xong, phần gạo ấy được mạ tôi trịnh trọng bắc bếp để nấu một nồi bánh đúc. Suốt bao nhiêu năm, sau vụ mùa “Dâu Dọn” ấy vẫn là mớ lúa được chọn, được phơi riêng, cho ra thành phẩm riêng rồi cuối cùng là… nồi bánh đúc.

Tôi xin không kể về việc nấu bánh đúc với kỹ thuật như thế nào. Chỉ biết nồi bánh đúc được nấu với các phụ gia (để làm cứng bánh cho dễ cắt), với lá ném rắc xanh, với chút mỡ heo chấy vào cho bánh có vị béo, với đậu phụng rang giã thô cho vào bánh để thêm vị bùi, và nước lèo được làm từ ruốc biển nấu sền sệt với đậu phụng rang,… rất rất nhiều hương thơm và mùi vị được quyện lên từ nồi bánh đúc nhưng thơm nhất vẫn là cái hương của gạo. Thứ gạo chi mà trần ai khoai củ, đã đương đầu nắng hạn khi gieo xuống, lại đối đầu mưa lũ bão giông khi lúa chín trên nương, có lẽ chính vì thế nên đất trời bù lại cho gạo cái mùi thơm quê mộc đến nỗi gần nửa thế kỷ rồi nó vẫn phập phồng trong ký ức.

Nồi bánh đúc được đổ ra mâm đã được lót lên một lớp lá chuối. Rồi mẹt bánh được cắt thành từng thỏi, nhưng để nguyên trên mâm. Mạ bảo tôi bưng mâm bánh đúc ấy đặt lên bàn thờ rồi thắp nhang. Đó là mâm cúng cơm tạ ơn mùa màng, dù có những năm mùa màng thất bát nhưng dù có thất bát đến mấy vẫn ít ra cũng đủ gạo để nấu một nồi bánh đúc như thế. Nhang tàn, mâm bánh được hạ xuống bày ra chõng tre, những thỏi bánh được gắp bày lên đĩa. Với mấy anh em tôi trong những năm tháng đó, bữa bánh đúc ấy còn hơn cả một đại tiệc. Và khi ấy mạ tôi mới bắt đầu vừa ăn vừa kể chuyện sinh tôi ra trong dịp rằm tháng Mười năm nọ. Ôi, té ra tuy nghèo khó nhưng mà mạ tôi vẫn biết kết hợp - nói theo cách bây giờ là “2 trong 1”. Một nồi bánh đúc đơn sơ nấu cúng tạ ơn mùa màng xã tắc theo đạo ông bà. Cúng xong, mâm bánh ấy được cả nhà ăn như cách mà ngày nay ta gọi là “sinh nhật” đứa con đầu lòng của mạ. Những đứa em tôi mạ tôi cũng có cách mừng sinh nhật theo cách của bà, có khi là nồi chè nấu đậu đỏ với ném với đứa sinh mùa hè, có khi là bữa bánh bột lọc trần cho đứa sinh mùa đông… nhưng chỉ có tôi, nhờ sinh gần dịp rằm tháng Mười nên hưởng thêm chút lộc khác trong câu chuyện nồi bánh đúc, đó là bài học dạy cho con cái lòng biết ơn với trời đất mùa màng, biết ơn với quê nhà thương khó…

Nhiều khi tôi vẫn không hiểu từ đâu mà mạ tôi, một người nông dân mù chữ vẫn có những bài học để lại rất riêng như vậy. Như có lần lên nhà dịp tết Đoan Ngọ, thấy mạ tôi ngồi chùi mớ xoong nồi, hỏi mạ chùi làm chi, mạ tôi bảo: “Mình nấu ăn hàng ngày thì dùng xoong đã rửa sau bữa ăn, nhưng xoong nồi nấu cúng ông bà thì không như nấu cho mình ăn, phải chùi rửa thật sạch trước khi nấu”.

Anh bạn tôi ở Sài Gòn ghé lên nhà tôi thăm mạ, thấy cây khế cổ thụ góc vườn, anh xuýt xoa cây khế sao mà đẹp, quả lại ngọt, mạ tôi bảo: “Hồi mới lập vườn này mấy đứa con đều ở tuổi lên 2 đến 10, tui nói ba hắn đi kiếm ngay mấy cây ăn quả về trồng đi, ít nữa vài năm con nó lớn, nhà đã có cây trái nó sẽ không đi trèo hái cây quả nhà người ta”. “Trời đất ơi” - anh bạn tôi thốt lên với tôi - “bà già mày là triết gia chứ không phải người thường đâu nha Dục”. Ừ thì anh nói quá lên thôi, chứ tự tâm mỗi người nếu biết sống lễ độ với thiên nhiên, với cao xanh, với ông bà tiền nhân thì ai cũng sẽ sống tử tế, sẽ đúc kết được những điều mà thâm tâm tôi vẫn coi là những bài học bên bếp lửa của mạ tôi!

LÊ ĐỨC DỤC
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 361

Mới nhất

Ca sĩ Tân Nhân - còn mãi với giai điệu “Xa khơi”

19/11/2024 lúc 08:34

Có lần nhà văn Châu La Việt trở lại thăm quê nhà Quảng Trị, mấy anh em văn nghệ

Những “nữ tướng” của bản làng

19/11/2024 lúc 08:26

Thay vì kết hôn sớm, quẩn quanh với nương rẫy, một số phụ nữ Vân Kiều đã lấy việc

Đại hội Chi hội Mỹ thuật Việt Nam tỉnh Quảng Trị khóa X (nhiệm kỳ 2025 – 2030)

4 Giờ trước

TCCVO - Sáng ngày 23 tháng 11 năm 2024, Chi hội Mỹ thuật Việt Nam tỉnh Quảng Trị đã long trọng tổ chức Đại hội Chi hội cơ sở Hội Mỹ thuật Việt Nam tỉnh Quảng Trị khóa X (nhiệm kỳ 2025 - 2030). Đây là sự kiện quan trọng nhằm đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ trong nhiệm kỳ 2019 - 2024, rút ra bài học kinh nghiệm và đề ra phương hướng, nhiệm vụ trong nhiệm kỳ mới.

Cỏ may giữa mây ngàn

20/11/2024 lúc 06:29

Cảm giác như mình đã lạc vào một thế giới khác, nơi mọi thứ diễn ra chậm rãi và giản dị hơn rất nhiều.

Các dân tộc tỉnh Quảng Trị đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển

19/11/2024 lúc 16:48

Sáng nay 19/11, UBND tỉnh Quảng Trị đã long trọng tổ chức Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số lần thứ IV, năm 20024, với chủ đề “Các dân tộc tỉnh Quảng Trị đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển”.

Bản sắc vùng cao Quảng Trị trong không gian triển lãm trưng bày hiện vật và ảnh nghệ thuật

19/11/2024 lúc 10:21

Triển lãm ''Không gian văn hóa Hồ Phương và Ảnh nghệ thuật bản sắc vùng cao của tác giả Hồ Thanh Thọ, Lê Ngọc Tú'' diễn ra trong hai ngày 18 - 19/11/2024 tại khách sạn Đông Trường Sơn (thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị)

Những dấu ấn nổi bật và vững tin vào nhiệm kỳ mới

19/11/2024 lúc 08:23

LTS: Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số lần thứ IV năm 2024 là sự kiện chính trị xã hội quan trọng của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và là ngày hội lớn của đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Trị. Nhân dịp này đồng chí Hồ Thị Lệ Hà - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Trị có những chia sẻ với phóng viên (PV) Tạp chí Cửa Việt về những kết quả đạt được trong thực hiện những mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội mà Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Trị lần thứ III năm 2019 đã đề ra. Đầu đề bài phỏng vấn do tòa soạn đặt.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

24/11

25° - 27°

Mưa

25/11

24° - 26°

Mưa

26/11

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground