S |
au Hiệp định Pari tháng 01.1973, trên mảnh đất Quảng Trị hình thành một giới tuyến mới. Các huyện Gio Linh, Cam Lộ, Hướng Hóa, Đông Hà, một phần của huyện Triệu Phong được giải phóng - Thị xã Quảng Trị, huyện Hải Lăng và một số huyện Triệu Phong tạm thời bị địch chiếm đóng.
Việc giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Trị lúc này vẫn là nhiệm vụ hàng đầu của Đảng bộ, Quân dân toàn tỉnh, bên cạnh nhiệm vụ ổn định đời sống nhân dân, phát triển sản xuất của vùng mới được giải phóng, Ban chấp hành tỉnh Đảng bộ đã có những Nghị quyết đúng đắn, sáng tạo cho cả hai nhiệm vụ mang tầm chiến lược ấy.
Tuy nhiên, phần dân, phần đất còn lại trong vùng tạm bị chiếm vẫn đặt lên trên vai Ban chấp hành tỉnh Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh nhà những vấn đề nhức nhối, bức xúc, quyết liệt. Sau hiệp định Pari, ngay trong Ban chấp hành đã có nhiều đồng chí được phân công nằm lại phía trước để trực tiếp lãnh đạo và chỉ đạo cán bộ, chiến sĩ đồng bào đấu tranh thực hiện thống nhất đất nước. Các đồng chí Nguyễn Văn Lương, Nguyễn Thư, Nguyễn Minh Kỳ suốt thời gian ấy đều là những cấp ủy chỉ đạo phía trước. Nhưng dù sao các đồng chí ấy cũng không thể quyết định tất cả các vấn đề do thực tế tình hình đặt ra ở phía trước, do đó công việc không thật trôi chảy và không kịp thời. Chính vì vậy mà Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị đã trình lên Ban bí thư cho thành lập một Đảng ủy vùng tạm bị chiếm để trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công việc chiến đấu, xây dựng lực lượng tại chỗ. Và tháng 9-1974, một Đảng ủy mới đã ra đời với tên gọi Đảng ủy TBC (tạm bị chiếm).
Để Đảng ủy TBC có định hướng, nhiệm vụ và quyền hạn rõ ràng, Ban chấp hành ủy nhiệm Thường vụ ra Nghị quyết về tình hình và nhiệm vụ phía trước.
Để có một Nghị quyết như vậy, Thường vụ yêu cầu văn phòng phải hoàn thành trong phạm vi một đêm. Đó là yêu cầu quá tải đối với một văn phòng.
Những Nghị quyết viết về chiến tranh phần nhiều là mật, bởi phải bàn những vấn đề cụ thể về tổ chức, nhân sự, thời gian, địa điểm… do vậy ngoài các đồng chí cấp ủy ra không mấy ai được dự. Cho nên hơn ai hết, chính anh Phan Chung, Tỉnh ủy viên, Chánh văn phòng phải viết.
Ba giờ chiều cấp ủy họp xong, đại bộ phận các đồng chí trở về đơn vị ngay trong đêm. Riêng hai đồng chí Nguyễn Đức Dũng phó Bí thư Tỉnh ủy được chỉ định làm Bí thư Đảng ủy TBC và đồng chí Nguyễn Thư ủy viên Thường vụ tỉnh ủy được cử làm phó Bí thư Đảng ủy ở lại để nhận Nghị quyết chính thức. Hai đồng chí yêu cầu sáng mai phải có Nghị quyết để các đồng chí xuất phát sớm.
Với tư cách là Tỉnh ủy viên Chánh văn phòng, anh Phan Chung chọn tôi phụ việc cho anh đêm đó, bởi một lẽ đơn giản là tôi vừa là cấp phó của anh vừa sắp được Thường vụ chỉ định làm Chánh văn phòng Đảng ủy TBC.
Trước khi vào việc có lẽ do tính chất tối mật của công việc nên anh hỏi tôi:
- Tôi đã đề xuất với Thường vụ, cử anh thay tôi giải quyết công việc của văn phòng phía trước, anh thấy thế nào?
- Thường vụ đã tin tôi chấp hành.
- Không đơn giản thế đâu, lâu nay chúng ta đã ấm hơi ở hậu phương, nay lại ra chiến trường có khác đấy.
- Không sao đâu anh ạ. Ít nhiều tôi cũng có đôi chút kinh nghiệm văn phòng trong chiến tranh. Hơn nữa bây giờ đi chiến dịch lại gần hậu phương, được ăn no, liên lạc dễ dàng nên thuận lợi nhiều hơn ngày trước…
Khi anh thấy tôi không có mắc mớ vấn đề gì về tư tưởng, sẵn sàng nhận nhiệm vụ mới, anh nói tiếp:
- Thế thì tôi và anh chúng ta cùng làm Nghị quyết.
Thực ra đó là anh nói cho nó có vẻ bình đẳng và cộng đồng. Nội dung cuộc họp cấp ủy tôi có biết gì đâu mà cùng làm. Anh nói thì nói vậy, nhưng anh cũng biết tôi chẳng giúp gì được nên anh một mình, một bàn, một bút với một cây đèn tọa đăng cặm cụi... cày.
Tôi đã hơn một lần viết Nghị quyết nên biết cách lo cho anh. Kiếm vài bao thuốc lá thơm, vài ấm trà, một tô cháo.
Gần ba giờ sáng bản dự thảo Nghị quyết đã được anh Phan Chung hoàn thành. Anh bước ra sân vươn vai và gọi tôi, bảo:
- Anh đi cùng tôi đến Bí thư Tỉnh ủy để xin thông qua.
Chúng tôi đến nhà Bí thư Tỉnh ủy Lê Hành trong tâm trạng đầy phấn chấn, sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng đã giành được những thắng lợi to lớn. Chiến dịch này chắc sẽ thắng to, ít ra cũng trên địa bàn Quảng Trị. Nhưng cả hai chúng tôi cũng đều có những tâm tư suy nghĩ về cuộc chiến đấu lâu dài và gian khổ quá, biết bao đồng bào, đồng chí đã hy sinh và những ai nay mai đây sẽ còn tiếp tục ngã xuống cho sự nghiệp giải phóng quê hương.
Bước vào nhà đã thấy Bí thư Lê Hành ngồi bên bàn làm việc. Đêm nay anh cũng không ngủ được, anh nghĩ về vấn đề sắp tới. Anh pha trà mời chúng tôi rồi nghe anh Phan Chung đọc từng câu bản dự thảo Nghị quyết… Sau khi đã được Bí thư ký tắt, chúng tôi trở về văn phòng để đánh máy…
Sáu giờ sáng, anh Phan Chung trao bản Nghị quyết chính thức vào tay anh Nguyễn Đức Dũng, Bí thư Đảng ủy TBC và nói:
- Báo cáo anh, đây là bản Nghị quyết rất đặc biệt: Cấp ủy họp cấp tốc, Văn phòng hoàn thành Nghị quyết hỏa tốc, chiến dịch chắc chắn sẽ là thần tốc. Chúc anh và anh em lên đường mạnh khỏe. Hẹn gặp anh ở khu thị tứ Diên Sanh…
Về sau mỗi khi chúng tôi gặp lại nhau, anh Phan Chung hay nhắc về bản Nghị quyết thần tốc ấy như một ký niệm đẹp trong đời làm văn phòng.
***
Trước Tết Ất Mão 1975, Thường vụ Tỉnh ủy có cuộc họp bất thường tại Ba Đa (căn cứ của Đảng ủy TBC) để đánh giá tình hình, bổ sung những vấn đề do thực tế phát sinh vào Nghị quyết và hạ quyết tâm cho chiến dịch. Tôi nhớ cuộc họp ấy có mời thêm một số các đồng chí là Tỉnh ủy viên có chân trong Đảng ủy TBC cùng dự như anh Nguyễn Minh Kỳ Bí thư thị ủy Quảng Hà… Cuộc họp diễn ra sôi nổi, hào hứng, khẩn trương. Vào buổi chiều khi đang còn ánh nắng, anh Phan Chung nói:
- Mời tất cả các đồng chí ra ngoài này để chụp phô ảnh kỷ niệm. Anh Chung bố trí làm hai kiểu:
Một dành cho các đồng chí Thường vụ và cấp ủy, một dành cho tất cả mọi người có mặt. Mỗi kiểu anh bấm đến hai lần và theo như anh là “để cho chắc chắn”. Sau đó tôi thấy anh còn chụp nhiều kiểu khác, khi thì vài đồng chí với nhau, khi thì một nhóm công tác. Riêng tôi, anh cũng tặng riêng cho một kiểu. Trông anh lúc ấy tôi cứ tưởng anh là phóng viên ảnh mặt trận…. Tôi hơn dài dòng chuyện này một chút bởi sau đó nó có “sự cố”.
Chụp xong phim, anh Phan Chung giao cuộn phim ấy nhờ anh Thanh Phong thông tấn xã in hộ. Do công việc khẩn trương của chiến dịch hết ngày này qua ngày khác nên chúng tôi cũng quên mất chuyện lấy ảnh. Kết thúc chiến dịch gặp lại anh Thanh Phong, anh cho biết, cuộn phim không in được “nó đen thui một màu”. Tôi nghĩ cũng có thể do chất lượng của phim, cũng có thể do anh Thanh Phong làm mất hoặc bỏ quên đâu đó Cũng còn có thể do chiếc máy bị…
Chiếc máy ảnh mà anh Phan Chung dùng hôm ấy nguyên là quà tặng của Đoàn đại biểu Cộng sản Nhật Bản sang thăm tỉnh ta vào năm 1973. Anh em phóng viên ảnh ở báo Quảng Trị giải phóng thích lắm, cứ gạ tôi tặng lại cho báo. Tôi nói, cả văn phòng Tỉnh ủy có được chiếc máy ai dám đem đi tặng. Anh em lại gạ: Thôi cho mượn cũng được lúc nào cần thì lấy lại. Tôi cả tin và cho enh em mượn dùng. Tôi e khi trả lại, anh em lắp nhầm ống kính máy này sang máy nọ… và vì vậy bây giờ kỷ niệm 20 năm ngày Quảng Trị hoàn toàn giải phóng, chúng ta không có được một tấm ảnh nào của anh em đã từng sống, công tác, chiến đấu ở Đảng ủy TBC lúc ấy. Nguyên nhân nào gây ra đã 20 năm trôi qua vẫn chưa tìm được câu trả lời chính xác.
***
Gần đây trong chương trình của Đài truyền hình Việt Nam, nhân điểm lại các sự kiện 20 năm về trước, Đại tá Cao Nhan người dẫn chuyện có nói: Để chuẩn bị cho việc giải phóng Thừa Thiên - Huế, các đồng chí Thừa Thiên đã nhờ tỉnh Quảng Trị may cho một lá cờ, lá cờ to và rộng đến mức phải may cả tháng mới xong. Về sự việc ấy tôi cũng xin có đôi điều nói lại như sau: Vào khoảng đầu tháng 3.1975, một đồng chí lãnh đạo của Thừa Thiên - Huế có thư cho Tỉnh ủy Quảng Trị nhờ may một lá cờ với chiều dài…, chiều rộng…. và cố gắng trong vài ngày cho xong. Hai đồng chí cầm thư sẽ ở lại chờ may cho xong cờ đem vào.
Nhận được thư, văn phòng Tỉnh ủy Quảng Trị đã làm hết sức mình, huy động toàn bộ số vải đỏ, vải vàng trong kho thương nghiệp, tập trung những thợ may có tay nghề để may và đã may trong vòng 10 giờ thì xong. Khi may xong, lá cờ đó không có đồng chí nào gùi nổi bởi quá nặng nên đã đóng thành một cuộn tròn đẻ hai người khiêng. Văn phòng Tỉnh ủy Quảng Trị đã đưa một chuyến xe chở cờ và hai cán bộ của Thừa Thiên từ Đông Hà vào Ba Đa. Tại Ba Đa, tôi đã cử hai đồng chí bảo vệ của Đảng ủy cùng với hai cán bộ Thừa Thiên khiêng cờ vào. Hai đồng chí bảo vệ của Quảng Trị đưa đến địa phận Thừa Thiên thì giao lại cho các đồng chí ở Phong Điền đem đi tiếp. Tôi không rõ lá cờ đó có kịp vào thành phố Huế trong ngày giải phóng không, nhưng tôi biết chắc chắn lá cờ bay trên cột cờ Ngọ Môn ngày 26.3 năm ấy lại không phải lá cờ đã may…
Đông Hà, tháng 4-1995
L.B.T