Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 08/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Những hoa cỏ ở Tamarind

Đông Hà mùa đông bé ti nằm lọt thỏm giữa những cánh đồi hư hao và im vắng. Thảng hoặc phố xá có rộn ràng lên một vài huyên náo nhỏ nhoi rồi cũng chóng vánh lặng lẽ theo những ủ dột gió mưa. Người lắm khi chỉ vì một vài xốn xang sang mùa mà lòng cũng trở nên mềm rũ. Ngày chênh chao gió. Hàng cây trốn biệt vào hàng cây. Con đường trốn biệt vào con đường. Phố trốn biệt vào phố. Còn người chẳng thể trốn biệt được vào người nên người thường trốn về dưới những bàn hoa xinh bé ở Tamarind.

Phố không nhiều bon chen và cộ xe chẳng mấy khi hối hả xuôi ngược. Dưới cội me ngỡ như già nua theo cách người ta thường nghĩ, đến đó, tôi lại thấy một hồn nhiên tươi mới lạ kì với những lá li ti xanh mướt chưa bao giờ úa vàng hoặc dẫu có tàn phai cũng chẳng khiến tôi nhìn ra một chút nào cũ kĩ. Có chăng chỉ là sự từng trải chở che đầy bao dung và hồn hậu của người thương hàng ngày vẫn chờ đón người thương. Lần đầu tôi biết đến quán cà phê Tamarind bởi cuộc hẹn sau rất nhiều năm với chú Huy. Ngày tôi gặp chú Huy trước cơi nhà xa xưa là lúc vừa học hết cấp ٣, chẳng khác tôi bây chừ là mấy và vẫn hệt bướng bỉnh kiên gan như lúc còn chân sáo chạy trên đường làng hát “Còn hai con mắt khóc người một con, còn hai con mắt một con khóc người”… Chẳng biết có phải bởi đó là miền sâu thẳm êm đềm nhất trong kí ức tuổi thơ mà mảnh vườn nhỏ nơi hiên nhà - chứng nhân của biết bao nhiêu cuộc gặp gỡ, lúc nào cũng nở đầy hoa hồng bạch và rực rỡ những mào gà, tường vi, bông trang, bông cẩn… cứ thi thoảng lại hiển hiện về trong tâm trí và đi theo vào cả thói quen chút chiu hoa cỏ của tôi mỗi ngày. Con bé tôi, tự thuở mô còn dại thơ mắt long lanh trong biếc nhìn chú bộ đội vừa rời ngũ dừng chân lại quán nước bên đường khiến người ta xúc động khóc rồi mua kẹo cho vì nhớ ánh mắt người dấu yêu (như ba tôi hay nhắc) cho đến bây chừ dẫu đã đi qua nhiều chênh vênh hoang hoải, thì vẫn mệt mê những cỏ hoa bằng cả một niềm thương mến và nhung nhớ chẳng thể nào cắt nghĩa. Có lẽ cũng vì thế mà tôi đặc biệt chú ý đến Tamarind. Tamarind lặng yên giữa thanh bình thị thành hoi hiếm, Tamarind tinh tươm phảng phất mùi vị ngày cũ tinh khôi và Tamarind mang về đây cả một khoảng trời đầy lá hoa, chẳng cần dụng công đặt bày, giản đơn mà vẫn khiến người ta thổn thức xuyến xao.

Góc quán Tamarind - Ảnh: Fb Tamarind cafe

Góc quán Tamarind - Ảnh: Fb Tamarind cafe

Có lần cuối năm đi ngang qua Cùa, thị tứ rộng lớn nơi Vua Hàm Nghi cùng các văn thân sĩ phu xưa từng trú lại, tôi ước ao được đem tất thảy bông cỏ lau trắng muốt bung nở hết mình nơi cuối trời, những khóm dã quỳ vàng vừa rực rỡ vừa da diết và cả những ngũ sắc, tỉ muội, cỏ cồn, cỏ may chốn đó về phường phố. Tôi thiết tha được ngắm nghía, được nâng niu bao nhiêu thì cũng e sợ làm vỡ tan đi vẻ trong trẻo hoang dại bấy nhiêu. Thế rồi một ngày tôi hân hoan gặp lại miền thơm tho ấy khi Quỳnh đem cả thế giới cỏ nội về Tamarind. Góc nào ở Tamarind cũng điểm xuyết hoa. Và ở đâu dưới cội me ấy cũng thấy thiết tha một tâm tình nhắn nhủ của người đến người. Lại nghĩ, chẳng hiểu sao tôi thường có thói quen nhìn ngắm, quan sát người ta qua màu áo. Quỳnh thường mặc nâu, xanh cobalt sẫm, xám khói, thi thoảng có chút thay đổi nhưng đa phần trầm im như màu của bức tường hay chiếc ghế ở đây. Thoạt nhìn đơn điệu, tẻ nhạt và già nua. Quỳnh cố thủ với những sắc màu yên ắng ấy nhưng lại chọn bật tông cho chốn đi về mỗi ngày bằng những khéo léo đổi màu hoa.

Mỗi sáng, bàn cà phê nào trong quán Quỳnh cũng có hoa tươi. Khi là bông cỏ may điểm tô thêm cúc dại, nét phăng tím, chút quỳ vàng thậm chí cả những cúc tần, ngò gai, bông cau, bông bưởi… Những hoa ấy hiện diện theo cách của Quỳnh, giản dị và kiêu hãnh, mộc mạc và lành trong. Xoan hay nói với tôi, mỗi khi lòng ngổn ngang và hoang mang, cứ về với hoa của Quỳnh sẽ tự khắc tìm lại được bình an. Có phải vì thế không mà mỗi sáng Tính cứ phải ngồi ở đây, dẫu một mình, rồi mới bắt đầu quay cuồng cho công việc của ngày mới. Con gái đã mất và chồng cũng để lại ba mẹ con Tính cút côi ra đi. Mắt Tính buồn nhưng kiên nghị. Nếu cuộc đời có đập tơi tả hơn vào tấm thân mong manh nhưng chính là cường nữ kia thì tôi vẫn thấy Tính đẹp, không một bão giông nào khiến Tính hư hao. Tôi thảng hoặc được dịp nhìn trộm nụ cười của Tính trong nắng sớm, nụ cười ấy hòa lẫn vào hoa, yên ả và dịu hiền như chẳng một lao xao nào từ phía ngoài kia có thể chạm đến được… Tôi đồ nghĩ, hồ như, đa phần những người mang tên của loài hoa đẹp đều là những tâm hồn dịu dàng nhân hậu và có năng lực rung cảm đặc biệt trước thiên nhiên, như Quỳnh. Hoa của Quỳnh không cầu kì. Dưới bàn tay cô, mỗi bình hoa đôi khi chỉ là sự sắp xếp từ bông cánh bướm, một hai chiếc lá, vài cọng rơm mà thành. Rồi chúng được Quỳnh ngay ngắn, cẩn trọng và chu chỉn đặt lên như chính một lời tâm tình thiết tha với cuộc sống. Với những chiếc bình nhỏ xinh, phận hoa cỏ tường chừng mong manh nhất lại trở thành bất tử và sống động nhất. Ở Tamarind, Quỳnh khiến cho hoa lá được sống thêm lần nữa, sống đời sống thứ hai một cách ý nghĩa, giàu cảm xúc và bền lâu…

Trên mỗi bàn cà phê ở Tamarind đều có một bình hoa tươi - Ảnh: Fb Tamarind cafe

Trên mỗi bàn cà phê ở Tamarind đều có một bình hoa tươi - Ảnh: Fb Tamarind cafe

Trong sâu thẳm những giấc trưa mơ ngủ, hay xa xôi kí ức, hay gụi gần ngày tháng khi lặng lẽ khi tất bật thì cỏ hoa và những người phụ nữ xung quanh vẫn luôn đem đến cho tôi cảm giác êm đềm tươi mát và ngọt lành lạ thường. Tôi yêu vô cùng những người đàn bà sống quanh tôi như yêu niềm thảng thốt đầu tiên của ngày bừng lớn, như yêu giọt nước mắt của chính mình mỗi lần đối diện với vỡ vụn hay biệt li, như yêu phần tận cùng thăm thẳm dịu dàng nổi loạn, như yêu ngày giông bão chưa đến, như yêu sớm bình yên rất gần. Niềm yêu ấy khiến tôi mỗi khi tình tự với cỏ hoa là một lần lại nghĩ về người đàn bà tôi thương mến trong đời, như định mệnh phải xuất hiện cho tôi vừa nương níu vừa day dứt không thể khác.

Tôi nhớ O Biền ở xóm tôi. Rất bất ngờ, có dạo tôi thấy cành hoa tre trên bàn cà phê Tamarind được Quỳnh cắm. Sau nương nhà tôi thuở thơ ấu và nhà O Biền là những bụi tre lồ ô, măng cày. Khi tôi vẫn còn bé bỏng ngạc nhiên vì O Biền lội nắng đi tìm hoa tre thì lúc ấy O đã xuân thì mơn mởn. O Biền có làn da trắng tinh và nuột nà chứ không nâu xám và khẳng khiu như mấy cành hoa. Tôi nghe nói sáu chục đến một trăm năm tre mới nở hoa một lần và khi hoa nở, cây tre cũng theo đó tàn lụi. Đó là loài cây chỉ ra hoa lúc cuối đời, nở xong là chết, nở như biết mình đã đến và sẽ ra đi, nở như những giây phút rực rỡ để giã từ thế giới, nở tưng bừng như một giai điệu tráng ca. O Biền của tôi cũng rực rỡ tưng bừng như thế. O Biền hay sang nhà tôi chơi, O mặc quần jean màu xanh hoàng yến rất mốt thời đó, trẻ trung, sôi nổi và sành điệu. Một đêm mùa đông mưa lạnh, tiếng chó sủa vang khắp xóm, tiếng chân người chạy rập rầm, rồi đèn pin, rồi hình như cả pháo sáng, rồi họ chì chiết đảng viên yêu người đã có gia đình… O Biền của tôi cùng người đàn ông O yêu say đắm bỏ quê nhà chạy trốn. Tôi nghe người lớn nói với nhau rằng O dại dột, nghe mô chừng trong cái đêm bị bắt gặp, O kiêu hãnh với tình yêu của mình, từ bỏ đảng viên, từ bỏ tương lai. Tôi không bao giờ hiểu được những lý lẽ những duy tình trên đời, tôi chỉ biết trái tim tôi thổn thức và hoài nhớ O Biền biết bao nhiêu. Một tháng sau, người đàn ông ấy trở về, còn O Biền tôi vào chùa quy y. Nếu được chọn lựa thêm một lần nào nữa, O Biền nói vẫn chọn yêu kiệt cùng. Hoa tre khác hẳn với những loài khác, rằng dẫu có lụi tàn thì vẫn trong tư thế hiên ngang thẳng đứng chứ không hề rũ xuống, bất khuất giữa trời đất mênh mông, gan góc giữa muôn giống loài thảo mộc, không hề bi ai não nùng hay quỵ lụy sinh tử biệt li. Có lẽ không phải O Biền trốn tránh, O chỉ chìm trong tiếng kinh cầu và thế giới của riêng mình. O Biền ơi, tôi không biết chừ O thành sư cô nơi mô, tôi chỉ nhớ mãi bài thơ chi đó có lần O chép “Nếu hạnh phúc không thể là vĩnh viễn / Điên cũng cần cho xứng với đam mê”…

Muôn mặt người ở Tamarind có lạ lẫm, có biết quen, đa phần không hẹn mà đến, không thuộc thân mà nhìn nhau vẫn trìu mến yêu thương. Như thương đàn bà và cỏ hoa. Thương cây bàng mùa đông trụi lá. Tôi thương hàng phượng đứng tần ngần chờ đợi, nếu có là xà cừ hay long não, tôi sẽ chạy đến bên mấy cây phượng vĩ già kia, đứng cạnh thôi nhưng hẳn cũng được ấm áp phần nào. Tôi thương con mèo hoang suốt đêm kêu meo meo chẳng chịu ngủ bởi như là chúng nhớ. Tôi thương lũ chim sẻ vì mưa khiến cho tấm áo xù lên, dường như rất buốt. Tôi thương bao nhiêu người đang hoài nhớ nhau cồn cào gan ruột. Tôi thương những mùa đông cô quạnh một mình. Và rất thương… Cà phê Tamarind bật mở tiếng hát Ngọc Anh khắc khoải: “Có nhiều khi tôi quá buồn / Tôi ước mong về ngồi dưới cội cây xưa / Em có nhắn điều gì theo lá rụng / Ký ức nào khẽ động vai tôi”… Về trốn dưới cội me ở cà phê này người ta giữ cho mình những niềm thương nỗi nhớ, những mong chờ, những ủi an, những nương náu, những khao khát, những ngóng đợi… để dẫu cho ngoài kia có hối hả, bon chen, xô bồ… thì trong này, vẫn hiền trong và bình an.

 

LÊ SI NA
Chuyên đề 11 "Trở về nương tựa tự nhiên"

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

09/05

25° - 27°

Mưa

10/05

24° - 26°

Mưa

11/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground