Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 17/05/2025 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Những “làng đỏ” bất khuất

Bắt nguồn từ giữa đại ngàn Trường Sơn, giáp với vùng biên cảnh Việt - Lào, sông Hiếu chảy qua không biết bao nhiêu núi non, ghềnh thác trước khi thong thả trôi đi giữa những triền ruộng mỡ màu, giữa tiếng âu yếm giục trâu đi nơi đôi bờ làng quê thuần hậu, giữa những bến nước, cây đa, chợ thuyền tấp nập trước khi hòa vào biển lớn.

Cam Lộ quê tôi ruộng kề chân núi, núi kề chân sông, đất đai phần lớn tựa lưng vào núi đồi trùng điệp, ngoảnh mặt ra sông dài ngút ngát, nên từ rất lâu đời đã hình thành nên cốt cách người dân quê hương phóng khoáng như sông dài và kiên định như núi thẳm. Cách nay hơn một trăm năm, phương tiện đi lại chủ yếu của cư dân trong vùng là chiếc thuyền chèo nương theo con nước mà lên nguồn về thị. Cùng với những chuyến thuyền bán mua, mưu sinh, di dân, lập nghiệp… đất Cam Lộ hòa ái và nhân hậu đã neo lại biết bao phận người tứ xứ về đây như thể “đất lành chim đậu”, cùng với cư dân sở tại lấy mồ hôi, sức lực của mình chăm nghề cày cấy nông trang, dựng xây cuộc sống và lấy máu xương mình để giữ đất, giữ làng...

Cùng với quá trình phát triển của phong trào yêu nước và cách mạng, với sự kiện đặc biệt quan trọng là sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam 95 năm trước, “hạt giống đỏ” cũng đã theo những bậc cách mạng tiền bối đến với Cam Lộ. Sông Hiếu đã chuyên chở trĩu nặng những con người tâm huyết với sự nghiệp giải phóng dân tộc, đem lại ấm no, tự do, độc lập cho quê hương nên dọc đôi bờ sông, cho đến bây giờ vẫn ghi đậm dấu ấn và âm vang hào khí ngất trời đó.

Giữa những ngày đầu năm 2025, tôi có dịp cùng các bậc lão thành hành hương lên vùng đất Tân Tường, thắp nén hương nơi Khu di tích Nhà Tằm và có cả một buổi chiều đắm mình trong không gian tĩnh lặng, tưởng như vẫn còn nghe trong gió, trong đất, trong từng ngọn cỏ hào khí cha ông năm xưa đã khéo chọn nơi này gieo một hạt giống đỏ cách mạng từ thuở sơ khai. Một hạt giống đỏ gieo xuống đất lành đã gặt hái được nhiều mùa quả ngọt; người dân từ lầm than, nô lệ đã trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ cuộc đời; Tổ quốc được tự do, độc lập và trọn vẹn giang sơn gấm vóc cho muôn đời con cháu mai sau.

Vùng đất Tân Tường nay thuộc xã Cam Thành, huyện Cam Lộ. Từ Đông Hà, theo Quốc lộ 9 lên đến Km 18, trước khi chạm vào phần đồi dốc, một khu đất trải ra trước tầm mắt mang tên Tân Tường. Vùng đất này bằng phẳng dựa lưng vào phía đèo Cùa uy nghi, trước mặt là đồng ruộng mỡ màu, xa chút nữa là sông Hiếu lững lờ cuộn chảy. Cái thế cận sơn, cận lộ, cận thủy của Tân Tường dung dị như bao làng quê trên đất Quảng Trị nhưng lại là nơi in dấu ấn sâu đậm trong lịch sử cách mạng của quê hương Cam Lộ. Cha ông xưa đã khéo chọn nơi thượng nguồn sông Hiếu này gieo một “hạt giống đỏ” cách mạng từ thuở sơ khai. Một “hạt giống đỏ” gieo xuống mảnh đất quật khởi đã gặt hái được nhiều mùa quả ngọt. Người dân quê tôi một lòng một dạ trung trinh với Đảng, với cách mạng, với công cuộc giải phóng dân tộc dài lâu, gian khổ và cùng đất nước đi đến ngày toàn thắng.

Kết nối những dòng sử cũ cho ta biết rằng mùa xuân năm Giáp Dần - 1914, Cử nhân Lê Thế Vỹ (1858 - 1918) quê làng Tường Vân, huyện Triệu Phong, là một sĩ phu yêu nước tham gia hoạt động trong phong trào Cần Vương chống Pháp, sau nhiều lần lên quan sát vùng rừng núi Thiện Thiên (tên gọi cũ của Tân Tường) đã tỏ ra hết sức đắc ý. Đây là một vùng rừng núi liên sơn thuộc hướng tây nam huyện Cam Lộ, phía tây nối liền với rừng Khe Gió, Đầu Mầu lên Khe Mèo, Ba Tầng, Rào Quán. Phía bắc qua khỏi làng Quật Xá là đầu nguồn sông Hiếu và bên kia bờ sông là đất đai trải rộng tiếp giáp với rừng núi Gio Linh, Vĩnh Linh ra tận Quảng Bình. Giữa những cánh rừng trùng điệp, núi non hiểm trở, con đường sơn đạo từ Hương Khê, Hà Tĩnh qua Tuyên Hoá, Quảng Bình, len lỏi vào Phước Môn, Hải Cụ, Cu Đinh, Ba De đến Tân Sở (đại bản doanh của vua Hàm Nghi kháng Pháp). Từ đó vào Xoa, Rì Rì qua làng Hạ tới Ba Lòng đi thẳng vào Mưng, Mang, Bộng Mệ đến Nam Đông, Nam Hòa, Thừa Thiên Huế, hoặc theo đường sông xuôi về Trấm, Thạch Hãn, Quảng Trị.

Con đường này được Tôn Thất Thuyết cấp tốc khai mở vào mùa hè 1884, cùng lúc với việc xây dựng căn cứ Tân Sở. Sau khi quan sát họa đồ xong, được sự ủng hộ của hai người bạn thân cùng làng là Tú Hoằng và Nguyễn Văn Khiển, Lê Thế Vỹ tích cực vận động một số hộ dân làng Tường Vân phía giáp biển, vốn có tinh thần quật khởi, nhưng nghèo đói vì thiếu ruộng đất canh tác, lên Thiện Thiên khai hoang lập ấp. Ban đầu chỉ có tám hộ, sau lên mười ba hộ, rồi đến hai mươi hộ. Giai đoạn đầu đã trải qua biết bao gian nan vất vả. Với niềm tin sắt đá vào bản thân và lòng dân, với nghị lực phi thường, Lê Thế Vỹ đã dốc toàn bộ gia sản của mình chia sẻ với dân, bám trụ nơi vùng đất mới đến cùng. Những năm đầu (1913 - 1915) chung lưng đấu cật vượt khó khăn, công cuộc khai hoang lập ấp đã đi vào nền nếp, họ cùng hòa nhập với làng Tự Tân do một số lái buôn và dân phương xa đến vỡ hoang lập ra từ trước thành một làng lấy tên là Tân Tường, được triều đình Huế công nhận nhập bộ, cho phép đặt chức sắc làng. Cụ Lê Thế Vỹ được dân làng tôn là vị tiền khai khẩn từ đó.

Mặc dù bận rộn trong việc ổn định cuộc sống dân làng, cụ Lê Thế Vỹ vẫn không một phút nguôi ngoai ý đồ giúp vua Duy Tân cùng dân đánh đuổi giặc Pháp. Cụ Lê Thế Vỹ đã liên lạc với các ông Nguyễn Hữu Đồng (Khoá Bảo), Hồ Trọng Bá (Cử Bá), Lê Mậu Bảo cùng một số nhân sĩ trí thức yêu nước thành lập Hội Việt Nam Quang Phục tỉnh Quảng Trị. Hội đã vận động dân làng Tân Tường trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ, kéo kén để dân có thêm nghề phụ làm ăn, vừa che mắt địch, vừa để khuếch trương tài chính cho hội và cũng là nơi tụ họp của mọi thành viên trong hội, các nhân sĩ yêu nước mỗi khi có việc lớn cần mở rộng luận bàn. Cái tên Nhà Tằm khai sinh từ đó.

Trải qua hai giai đoạn lịch sử 1914 - 1918 đến 1928 - 1945, địa danh Nhà Tằm Tân Tường đã gắn liền với tên tuổi và cuộc đời hoạt động của các bậc tiền bối trong phong trào Cần Vương trước đây, là nơi luyện tập nghĩa quân, rèn đúc vũ khí, tích luỹ lương thực giúp vua Duy Tân khởi nghĩa ngày 3/5/1916. Cho dù chí lớn không thành, nhưng đã để lại dấu tích của một thời vang bóng và địa danh Nhà Tằm cũng đã gắn liền với tên tuổi và cuộc đời hoạt động cách mạng của các bậc cha anh trong phong trào Cộng sản sau này.

Vào những năm đầu của thế kỷ XX, Nhà Tằm Tân Tường được dùng làm nơi nuôi tằm, kéo tơ dệt lụa nhưng bên trong là tổ chức chính trị hoạt động chống Pháp. Đây là nơi quy tụ những người yêu nước ở Quảng Trị, là cơ sở quyên góp tài chính ủng hộ những trí thức xuất dương tìm đường đánh Pháp. Trong những năm 1929 - 1930, Nhà Tằm Tân Tường trở thành nơi gặp gỡ, trao đổi của các nhà cách mạng như các đồng chí: Lê Duẩn, Trần Hữu Dực, Lê Viết Lượng, Nguyễn Hữu Mão, Lê Thế Tiết... Nơi đây, Chi bộ Cộng sản đầu tiên của huyện Cam Lộ ra đời, là một trong ba chi bộ ra đời sớm nhất của tỉnh Quảng Trị, do đồng chí Lê Thế Tiết làm Bí thư. Cũng tại nơi này, các cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng thường lui tới hội họp chỉ đạo phong trào, gắn liền với bao sự kiện trọng đại của quê hương, đất nước. Tân Tường trở thành nơi tiếp đón phái viên của Xứ ủy Trung Kỳ về họp để thành lập Tỉnh ủy lâm thời Quảng Trị. Mảnh đất đèo heo hút gió giữa vùng rừng núi Thiện Thiên xưa, hào khí ngất trời, đã cùng trải qua những bước thăng trầm với những người con hào kiệt, lập nên những kỳ tích vinh quang.

Hôm nay, trên mảnh đất này, con đường xuyên Á đã đi ngang thân làng, dòng người, dòng xe tấp nập thời mở cửa, hội nhập, quang cảnh đang nhuận sắc từng ngày, cuộc sống người dân có nhiều đổi mới, nhưng dấu ấn vàng son một thời vẫn còn in đậm trong lòng Đảng, lòng dân, trong khu di tích tôn nghiêm. Nhân dịp kỷ niệm 75 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, ngày 31/1/2005, tỉnh Quảng Trị đã tổ chức khánh thành Khu di tích lịch sử cách mạng Nhà Tằm Tân Tường. Khu di tích được xây dựng mới trên diện tích 1,2 ha gồm: 1 nhà truyền thống kiến trúc 5 gian, 1 nhà lưu niệm kết hợp trưng bày (diện tích 204 m2) có cổng chính, tường rào bao quanh, sân gạch, hệ thống điện, giếng nước và cây xanh. Công trình có tổng vốn đầu tư xây dựng trong giai đoạn 1 là 718 triệu đồng từ các nguồn vốn hỗ trợ của tỉnh Quảng Trị, vốn ngân sách huyện và đóng góp của các tổ chức cơ sở đảng trong huyện Cam Lộ.

Học sinh tham quan thực tế tại di tích cách mạng Nhà Tằm Tân Tường - Ảnh: Hồ Thanh Thoan

Học sinh tham quan thực tế tại di tích cách mạng Nhà Tằm Tân Tường - Ảnh: Hồ Thanh Thoan

Bâng khuâng đứng giữa gian chính của Khu di tích Nhà Tằm, hình tượng ngọn lửa vĩnh cửu như bùng lên, thắp sáng cả một không gian linh thiêng, hoài vọng. Tấm bia đá đặt chính giữa điện thờ khắc ghi: “Ngày 20/4/1930, Chi bộ Tân Tường, một trong ba chi bộ đầu tiên của tỉnh Quảng Trị được thành lập. Tháng 5/1930, Ban Chấp hành lâm thời của Đảng bộ huyện Cam Lộ ra đời do đồng chí Lê Thế Tiết làm Bí thư. Tháng 11/1930, đại diện Xứ ủy Trung Kỳ triệu tập hội nghị tại Nhà Tằm Tân Tường để thành lập Tỉnh ủy chính thức gồm 5 đồng chí, do đồng chí Trần Hữu Dực làm Bí thư Tỉnh ủy. Hội nghị đã đề ra chủ trương: Tích cực phát triển Đảng, xây dựng các tổ chức quần chúng. Ra báo Tiến Lên làm cơ quan tuyên truyền của Đảng bộ và tờ Bạn Dân Cày, sau đổi thành Mặt Trận Đỏ, lưu hành trong các hội quần chúng...”. Phía sau khu di tích là quần thể Bia tưởng niệm công đức của Cử nhân Lê Thế Vỹ, sĩ phu yêu nước, tiền khai khẩn làng Tân Tường; xa nữa là bát ngát một màu xanh, tưởng như cả một triền dâu từ thuở khai hoang lập ấp vẫn đang hiện hữu một màu no ấm trên đất này...

Xuôi sông Hiếu về phía hạ lưu, đến bến Đuồi lối lên chợ Phiên Cam Lộ, những người mang nặng hoài cảm lịch sử sâu dày của đất này sẽ được thoả nguyện khi có dịp chạm tay vào quá khứ của ngôi chợ từng nức tiếng khắp trong Nam, ngoài Bắc này. Trong tiến trình hình thành và phát triển, chợ Phiên Cam Lộ không đơn thuần là nơi giao lưu, buôn bán mà còn là địa điểm hoạt động của các chiến sĩ cách mạng. Chi điếm “Hưng nghiệp hội xã” ở chợ Phiên Cam Lộ lập trong năm 1928 do Hoàng Thị Ái, người nữ đảng viên cộng sản đầu tiên của Quảng Trị phụ trách. Chi điếm giao dịch trực tiếp với Lê Thế Hiếu để nhận tiêu thụ các mặt hàng tạp hóa như giấy, bút, dầu thắp, thuốc lá... và bí mật hoạt động yêu nước trong tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên nhằm truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng yêu nước và cách mạng trong quần chúng nhân dân Cam Lộ.

Đối với Đảng bộ Cam Lộ, mặc dù bị địch khủng bố khốc liệt trong những năm 1930 - 1935, nhưng nhiều cơ sở đảng vẫn được khôi phục và phát triển ở chợ Phiên và những vùng lân cận, nuôi dưỡng niềm tin và khí thế cách mạng đối với nhân dân. Sau khi ra khỏi nhà tù Côn Đảo (tháng 10/1936) đồng chí Lê Duẩn về trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng ở Quảng Trị. Đồng chí đã nhiều lần họp với cán bộ chủ chốt ở địa phương và lăn lộn thực tế để nắm tình hình, xây dựng phong trào cách mạng ở chợ Phiên, An Mỹ, An Thái, Cùa... Cũng tại chợ Phiên này, năm 1945, Huyện ủy Cam Lộ đã tổ chức nhiều cuộc mít tinh, căng biểu ngữ, treo cờ Đảng, diễn thuyết tuyên truyền và phát động quần chúng đấu tranh cách mạng, giành chính quyền về tay nhân dân...

Đối diện với bến Đuồi, bên kia sông Hiếu, tọa lạc giữa một khu rừng nguyên sinh tươi tốt còn sót lại giữa vùng đất lạc màu mỡ là miếu An Mỹ, thuộc địa phận xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ. Miếu An Mỹ là di tích cách mạng tiêu biểu, là nơi che chở, hội họp và từ đây, các bậc cách mạng tiền bối đã đưa ra nhiều quyết định quan trọng chỉ đạo phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân Quảng Trị qua các thời kỳ. Theo người dân làng kể lại, ngót trăm năm trước, nơi tọa lạc miếu An Mỹ bây giờ chỉ là căn nhà nhỏ bằng tranh tre trên một gò đất nổi, có nhiều cây cổ thụ rậm rạp vây quanh. Tháng 4/1930, một số chi bộ Đảng Cộng sản ở Cam Lộ được thành lập. Các đồng chí đảng viên cộng sản đầu tiên của Cam Lộ như Hồ Chơn Nhơn, Hồ Xuân Lưu, Hồ Tần, Lê Quang Soạn, Hồ Lởm… đã chọn miếu An Mỹ làm cơ sở hoạt động bí mật của Đảng, tạo thành một đường dây liên hoàn với các cơ sở nhà đồng chí Lê Quang Soạn (thôn An Thái), hiệu thuốc Đồng Nguyên (chợ Phiên), Tân Tường, An Hưng và nhà các đồng chí Hồ Chơn Nhơn, Hồ Xuân Lưu, Nguyễn Duệ, Nguyễn Cảnh (thôn Nhật Lệ)… Năm 1934 - 1935 một số đảng viên như các đồng chí Hồ Hữu Thâm, Hồ Xuân Lưu, Hồ Tần… mở tiệm buôn Đồng Nguyên ở chợ Phiên Cam Lộ làm cơ sở hoạt động kinh - tài, liên lạc nhằm khôi phục lại Huyện ủy Cam Lộ. Thông qua cơ sở buôn Đồng Nguyên bằng đường dây buôn bán hàng hóa, dược liệu với Lào để liên lạc với các cơ sở cách mạng ở Lào về đến nhà tù Lao Bảo, Tân Tường, An Hưng, chợ Phiên, An Mỹ, An Thái và sau đó là cơ sở nhà đồng chí Nguyễn Cảnh ở thôn Nhật Lệ, Hồ Sĩ Khâm ở Nghệ An.

Di tích Miếu An Mỹ, xã Cam Tuyền- Địa điểm thành lập và làm việc  của Ban khởi nghĩa trong Cách mạng tháng Tám 1945 huyện Cam Lộ - Ảnh: Đ.T

Di tích Miếu An Mỹ, xã Cam Tuyền- Địa điểm thành lập và làm việc của Ban khởi nghĩa trong Cách mạng tháng Tám 1945 huyện Cam Lộ - Ảnh: Đ.T

Tháng 10/1936, đồng chí Lê Duẩn sau khi thoát khỏi nhà tù Côn Đảo đã về trực tiếp chỉ đạo phong trào ở quê nhà Quảng Trị. Đồng chí nhiều lần đến cơ sở nhà đồng chí Hồ Tần, Lê Quang Soạn và miếu An Mỹ để họp với các đồng chí cán bộ đảng viên chủ chốt, phổ biến các nghị quyết của Trung ương Đảng, Nghị quyết Đại hội VII Quốc tế Cộng sản. Trong Cách mạng tháng Tám năm 1945, Ủy ban khởi nghĩa huyện Cam Lộ đã chọn miếu An Mỹ, nhà đồng chí Hồ Tần, Lê Quang Soạn làm các địa điểm họp bàn kế hoạch tổ chức khởi nghĩa giành chính quyền huyện Cam Lộ và đã quyết định khởi nghĩa vào rạng sáng ngày 24/8/1945. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, trong cuộc kháng chiến chống Pháp, miếu An Mỹ trở thành nơi hoạt động của dân quân du kích và cán bộ kháng chiến.

Hiếm có nơi nào trên đất nước ta, chỉ trong chu vi một vùng đất nhỏ hẹp bên cạnh dòng sông Hiếu thơ mộng lại mở ra không gian sử thi với một chiều kích lớn lao. Những địa danh gắn với phong trào yêu nước, cách mạng, kháng chiến và công cuộc giành lại tự do, độc lập cho đất nước kéo dài hàng trăm năm gối đầu lên nhau như từng trang, từng trang trong cuốn biên niên sử hào hùng.

Từ “kinh đô kháng chiến” được xây dựng năm 1883 tại Tân Sở (vùng Cùa, Cam Lộ) gắn với tên tuổi vị vua yêu nước Hàm Nghi buổi đầu kháng Pháp đến trụ sở của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam thời chống Mỹ; từ Nhà Tằm Tân Tường, miếu An Mỹ, chợ Phiên Cam Lộ… thuở Đảng ta mới ra đời đến các địa danh Tân Lâm, Đầu Mầu, Điểm cao 241 rực rỡ chiến công trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước… tất cả đều gần kề vĩnh định bên dòng sông Hiếu, đời sông mướt xanh nhưng nguồn cội luôn thắm đỏ vì chuyên chở thêm dòng chảy của lịch sử; đúng như nhà thơ Bế Kiến Quốc đã viết: Sinh ra ở đâu mà ai cũng anh hùng / tất cả trả lời sinh bên một dòng sông...

ĐÀO TÂM THANH
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 365

Mới nhất

Đồng dao trên đồng

15/05/2025 lúc 08:52

Ai cũng có một quê nhà để thương để nhớ, để hồi cố và cả để hồi hương. Tôi luôn

Cà phê với Tăng Duy Tân

15/05/2025 lúc 09:19

Tăng Duy Tân là một hiện tượng nhạc trẻ, nổi lên trong những năm gần đây, với những

Trên những cánh đồng “không dấu chân”

15/05/2025 lúc 08:43

Trong bối cảnh ngành kinh tế chuyển mình mạnh mẽ giữa kỷ nguyên số hóa, nông nghiệp vốn được

Đổi thay ở xã An toàn khu

15/05/2025 lúc 08:48

Triệu Nguyên và Ba Lòng là hai xã miền núi xa xôi hẻo lánh của huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị.

Nông thôn mới kiểu mẫu - làng đẹp, hiện đại

15/05/2025 lúc 08:51

Phát huy thành quả của quá trình xây dựng Nông thôn mới (NTM) đạt chuẩn năm 2017, NTM nâng cao năm 2022, đến nay xã Cam Nghĩa,

Xây dựng nông thôn mới đảm bảo cân bằng giữa phát triển kinh tế và bảo tồn bản sắc văn hóa

15/05/2025 lúc 08:39

LTS: Xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và lâu dài với sự tham gia tích cực, quyết liệt của cả hệ thống chính trị. Những năm qua, tỉnh Quảng Trị đã có nhiều giải pháp đồng bộ để phong trào xây dựng nông thôn mới ngày càng đi vào chiều sâu, chất lượng, bền vững, đảm bảo sự hài lòng của người dân. Phóng viên tạp chí Cửa Việt đã có cuộc trao đổi với đồng chí Hồ Xuân Hòe - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường, Chánh Văn phòng điều phối Nông thôn mới tỉnh Quảng Trị về những nội dung liên quan.

Những đổi thay về văn hóa trong quá trình xây dựng nông thôn mới

14/05/2025 lúc 15:34

Sau gần 15 năm thực hiện xây dựng nông thôn mới với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của các tầng lớp nhân dân, diện mạo không gian của nhiều làng quê đã có những thay đổi tích cực và rõ nét. Đường làng ngõ xóm được mở rộng, bê tông hóa hoặc nhựa hóa sạch sẽ, điện đường chiếu sáng khắp thôn, hệ thống trường học, trạm y tế, nhà văn hóa được đầu tư mới hoặc nâng cấp, tạo điều kiện tốt cho giáo dục, chăm sóc sức khỏe cũng như sinh hoạt cộng đồng. Có thể nói, quá trình thực hiện nông thôn mới đã tác động sâu sắc đến văn hóa tại các làng quê.

Vấn đề con người mới trong xây dựng nông thôn mới

14/05/2025 lúc 15:24

Xây dựng nông thôn mới là một chiến lược phát triển kinh tế - xã hội lớn. Chương trình mục tiêu quốc gia này không chỉ tập trung vào cơ sở hạ tầng, kinh tế, đời sống mà còn xây dựng con người mới - chủ thể của quá trình phát triển. Có thể hiểu rằng, con người mới là những người có lối sống, suy nghĩ và hành động phù hợp với yêu cầu phát triển của xã hội hiện đại. Họ đóng vai trò then chốt trong việc thay đổi nhận thức và hành động của cộng đồng nông thôn, từ đó góp phần thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới.

Sông quê

13/05/2025 lúc 23:35

Con sông êm đềm mát mẻChảy từ lòng mẹ chảy raSông luôn dâng đời sự sống

Nhớ làng; Ru tôi

13/05/2025 lúc 23:33

Nhớ làng Tôi nhớ làng tôi hiền như ca dao mở nướccây đa rợp

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

18/05

25° - 27°

Mưa

19/05

24° - 26°

Mưa

20/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground