Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 24/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Những năm tháng hòa bình sau chống Pháp

C

hưa đầy ba tháng sau ngày hoà bình đầu tiên tôi lên chợ Đông Hà như thường lệ và thấy một tốp cảnh sát. Tất cả đều đội mũ lưỡi trai, áo quần ka ki sáng bóng, dày đen, đeo súng ngắn sệ hông, bao da ngắn, mũi súng thò ra ngoài. Một viên cảnh sát hình như là chỉ huy, tập trung những người đi chợ trong đó có một thằng trẻ con là tôi. Ông ta nói:

- Chúng tôi đại diện cho chính quyền cụ Ngô tiếp quản thị xã này. Từ nay đồng bào phải thực thi mệnh lệnh của chúng tôi.

Tôi tò mò hỏi lại:

- Cụ Ngô và các ông có phải là người Bác Hồ cử ra không?

Viên cảnh sát phì cười:

- Không phải. Cụ Ngô và cụ Hồ bằng nhau. Mỗi người lãnh đạo một nửa nước.

Một người đàn ông đứng sau kéo tôi lui. Người anh gầy (tạng người thường gặp thời đó) mặc một bộ bà bà đen, chân đất. Anh đứng lên đối mặt với viên cảnh sát, nói rất đanh thép.

- Anh dám nói Ngô Đình Diệm và cụ Hồ bằng nhau sao? Các anh là lũ tay sai của đế quốc Mỹ. Nếu hai năm mà các anh phá hoại hiệp định đã ký, không tuyển cử thống nhất đất nước thì chúng tôi lại phải làm một cuộc kháng chiến và sẽ đánh bại các anh như đánh bại thực dân Pháp.

Tôi thực sự lo sợ cho người đàn ông kia. Bọn cảnh sát có súng. Điều gì sẽ diễn ra nếu cảnh sát rút súng ra khỏi bao? Nhưng chúng không làm điều đó. Uy lực của Việt Minh đánh thắng thực dân Pháp, trận Điện Biên Phủ huy hoàng kết thúc đang làm chúng run sợ. Hơn nữa hàng ngàn người đàn bà của chợ Đông Hà đã vây kín bọn cảnh sát, ai cũng lăm lăm đòn gánh trong tay sẵn sàng bổ vào đầu những kẻ bán nước nếu nó manh động. Một người đàn bà hô to:

- Bác Hồ muôn năm!

- Đả đảo bè lũ bán nước!

Cả chợ Đông Hà ầm vang như sấm dậy tiếng hô muôn năm! muôn năm! Đả đảo! Đả đảo! Bất giác tôi cũng gào lên như mọi người. Trùng trùng những bàn tay nắm chặt lại giơ cao. Các đại diện đầu tiên của chính quyền Ngô Đình Diệm đến Đông Hà đã được “đón tiếp” như vậy. Tốp cảnh sát thấy bất lợi rẽ đám đông chui ra. Họ vẫn giữ được hàng một lặng lẽ đi, nhưng cái đầu hơi cúi xuống, sự thất vọng hiện rõ trên khuôn mặt của những người cảnh sát.

***

Tiếng thơm của miền Bắc xã hội chủ nghĩa dội vào. Người ta kể cho nhau nghe nhiều chuyện về chế độ cụ Hồ. Ở ngoài đó chính phủ cho dân nghèo chăn bông, áo ấm… khi tôi đủ biết chữ, đọc truyện cổ tích, một trời những chuyện lạ và mơ ước đã bùng nổ trong tôi. Song phải nói bằng những chuyện lạ đầy hấp dẫn của đời thực tôi nghe lần đầu là chuyện về Bác Hồ, về miền Bắc dân chủ mà người lớn và mẹ tôi kể lúc đó. Cha tôi mất sớm, mẹ tôi trở thành bà goá nuôi bốn đứa con thơ dại, luôn ở thế yếu trong cuộc đời. Nhiều gia đình đã tranh chấp với mẹ tôi mớ cá, mớ tôm buôn bán và bao giờ mẹ tôi cũng thua. Một lần một người đàn ông đã đá tung rổ cá của mẹ tôi xuống sông và mẹ đã khóc đau thương như một trong những người con của mẹ bị chết. Một lần khác một người đàn ông xô vào nắm tóc mẹ tôi đè xuống, người đàn bà tát tới tấp vào mặt mẹ.

Tôi hỏi mẹ: “miền Bắc có xa không? Sao mẹ không ra ngoài đó ở?”. Là một đứa trẻ con tôi chưa có khát vọng ra Bắc để được làm chủ nhân đất nước, được hưởng độc lập tự do… Trong tôi chỉ có một khát vọng là ra Bắc để không bao giờ có kẻ dám đá rổ cá của mẹ tôi xuống sông, không có kẻ nắm tóc và tát vào mặt mẹ, để mỗi khi mẹ đi chợ, tôi không phải lo lắng rằng một ai đó đang bắt nạt mẹ. Ở Đông Hà này đã có bọn cảnh sát, chắc chúng là lũ ác, lại sẽ có những tràng đạn rạt qua đầu, mẹ tôi ôm các con khóc thét, kêu trời, chúng tôi cuống cuồng sợ hãi.

Mẹ nói rằng bà đang liên lạc với nhiều người khác để cùng ra Bắc. Các con không có cha, ra ngoài đó sẽ có Bác Hồ che chở. Những ngày sau đó mẹ tôi đưa chúng tôi về quê thăm cô bác. Tôi biết đây là lần tiễn biệt, còn lâu lắm mới được trở lại. Tôi nhìn dòng Thạch Hãn và cồn cát ngã ba nơi tôi và lũ trẻ con nô đùa tắm mát, nhìn thôn xóm nghèo và bãi cát hoang nơi có ngôi mộ của ba tôi. Tôi bứt một đoạn dây muống biển- cái thứ cây bò trên cát bỏng, dây rất dai và lá dày xanh mướt- khoanh lại thành một vòng đeo cổ. Mấy ngày sau tôi chạy khắp Đông Hà. Cái chợ này mẹ tôi ngày ngày đi bán cá ruốc. Những đường phố này anh tôi bán mì dạo rao khản cả cổ. Hai đầu cầu Đông Hà vẫn còn trơ đó những lô cốt cao của Pháp với nhiều lỗ châu mai đen ngòm. Và những người đàn bà ở chợ Đông Hà thật là kỳ lạ.

Họ cứ cãi lộn nhau những chuyện bát gạo, mớ rau một cách inh ỏi và lập tức đoàn kết lại giơ nắm tay, nắm chắc đòn gánh khi đối mặt với kẻ thù.

Nhiều thuyền chài của các vạn đò An Cư, Triệu Thành, Đông Hà…quen có, lạ có đã tập hợp thành một đoàn, bí mật vượt tuyến. Bấy giờ chính quyền nguỵ chưa được thiết lập chặt chẽ, cuộc vượt tuyến đã thành công dễ dàng. Đoàn thuyền theo nhánh sông Cánh Hòn xuyên qua địa phận Long Duy Hạ hướng ra Bắc. Đến Long Duy Hạ thuộc địa phận huyện Gio Linh, lòng sông bị cạn, một cồn cát nổi chắn ngang sông, tất cả những người trong đoàn thuyền hợp sức nhau lại lần lượt kéo từng chiếc vượt cạn. Một lúc sau nhiều người dân ven bờ cũng xuống giúp đỡ. Khi chiếc thuyền cuối cùng đã được kéo qua, đồng bào trên bờ nắm tay những người dưới thuyền bịn rịn. Tôi nghe một người nói:

- “Bà con ra miền Bắc với Bác Hồ cho chúng tôi gửi lời thăm sức khoẻ của Bác và chính phủ. Vì hoàn cảnh không đi được, ở lại với chúng nó trong này nhưng chúng tôi vẫn là dân của Bác, sẵn sàng làm theo lệnh của Bác”.

Những ngày đầu tiên ra Bắc, gia đình tôi ở thôn Tùng Luật xã Vĩnh Giang, huyện Vĩnh Linh. Những điều mới mẻ liên tục ập đến. Nhìn mặt mẹ tôi đã hết lo lắng, nhìn mồm mẹ luôn nói cười, lòng tôi thực sự nở hoa. Bác Bột cùng ban cán sự thôn đến thăm mẹ con tôi. Bác nói: “ Đây là quà Bác Hồ và chính phủ cho dân nghèo”. Mẹ con tôi được: mười chiếc bát sứ, mười cái đĩa sứ, ba chiếc tô sứ to, hai chăn chiên, một bao gạo, hai cân nếp và sáu mét vải xanh. Mẹ con tôi sung sướng đến cực độ. Một đời người bòn từng cọng rau, nhặt từng hạt bắp; rét, đắp một chiếc chiếu; đói; ăn những mẫu khoai, một nồi bánh đúc mẹ nấu cũng là một bữa tiệc lớn.

Khi cán bộ về rồi, dù trời đang nắng tôi vẫn trải cả hai chiếc chăn lên nhau mà lăn, quấn cả sáu mét vải vào người. Mẹ tôi thấy con “ điên” như thế thì cười. Chị tôi thì xót ruột sợ vải bị nhàu.

Mẹ tôi được mời đi họp phụ nữ, họp dân, những việc chưa bao giờ được làm. Từ những cuộc họp đó mẹ nói lại với chúng tôi bao nhiêu là chuyện: Phải ăn chậm nhai kỹ cho đỡ đau dạ dày, phải tắm giặt thường xuyên cho đỡ chấy rận, phải ăn đũa hai đầu cho hợp vệ sinh…Mẹ nói về việc xây dựng khối đoàn kết toàn dân, xây dựng làng xã, những kế hoạch xây dựng đất nước, tình hình phe xã hội chủ nghĩa và phe đế quốc…Từ tầm nhìn hạn hẹp trong lòng thuyền, bị giới hạn giữa hai bờ sông nước, tình cảm, tư tưởng chúng tôi được hướng tới cái rộng lớn hơn, cuộc sống có ý nghĩa hơn. Một trăm năm pháp thuộc đã đi qua, lần đầu tiên những người dân cùng khổ được ngẩng cao đầu dưới bầu trời cao rộng. Đâu đâu cũng những khuôn mặt rạng ngời như hoa nở. Họ cùng đi họp với nhau vẫn túm tụm kể cho nhau nghe những lời cán bộ đã phổ biến. Người kể vẫn say mê kể mặc dầu biết người nghe đã biết. Người nghe vẫn say mê nghe dù đã được nghe nhiều lần. Nhiều vấn đề rất đơn giản của đời sống mới, chính trị, xã hội được đón nhận làm lay chuyển mọi ngóc ngách của thôn xóm. Nhiều cái “Lần đầu tiên” đã đến cùng một lúc: Lần đầu tiên người nghèo, người không có quyền thế được phát biểu chính kiến của mình. Lần đầu tiên người dân có báo, được nghe Đài Tiếng nói Việt Nam.

Người ta sung sướng được tin nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo đã phục hồi và đi vào sản xuất. Miền Bắc đã bắt đầu xây dựng một công trình thuỷ điện lớn. Người ta căm phẫn khi nghe tin miền Nam Mỹ Diệm bắt đầu “tố tụng” đặt những người cộng sản ra ngoài vòng pháp luật. Người ta được biết về một cộng đồng các nước xã hội chủ nghĩa anh em, về mặt trận của những người cộng sản trên toàn thế giới.

Đó cũng là một động lực lớn để vài năm sau khi cuộc kháng chiến chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ bùng nổ người dân Vĩnh Linh và cả miền Bắc xã hội chủ nghĩa đã chiến đấu quyết tử tới đỉnh điểm của chủ nghĩa anh hùng vì người ta không chấp nhận trở lại cuộc đời nô lệ.

Bác Bột lại đến. Lần này bác cho chúng tôi nhiều cuốn vở, hai cây bút chì, hai cây bút tre, mười viên mực. Bác nói với mẹ tôi:

- Cầm cho hai đứa nhỏ đi học. Nhà nước sẽ không thu một khoản học phí nào.

Trường cấp I Tùng Luật cùng trường cấp I Hồ Xá là những trường đầu tiên được xây dựng ở đất Vĩnh Linh. Trường Tùng Luật có tám phòng học lợp ngói, trường phân đất, quét vôi trắng. Ngày khai giảng đầu tiên chỉ có lớp một, lớp hai chưa có lớp 3, lớp 4. Đó là một ngày đầu thu 1955- Một ngày hội lớn của xã Vĩnh Giang. Học sinh nào cũng có phụ huynh đến dự khai giảng. Những bậc cha mẹ không có con đi học cũng đến vì thế người lớn đông hơn học sinh rất nhiều. Học sinh ngồi bệt trên sân trường, người cả làng đứng xung quanh lớp lớp.

Vẫn là những bà mẹ già chân đất, vẫn là những người đội nón cời, mặc áo vá nhưng con em của họ được học chữ, vẫn những khuôn mặt cháy nắng gió nhưng rạng ngời biết chừng nào.

Bất chợt tôi nhớ lại câu chuyện của hai năm trước đó. Mẹ tôi lên chợ Chùa của huyện Triệu Phong. Máy bay Pháp rải truyền đơn, nhiều tờ rơi xuống chợ. Nhiều người nhặt được nhưng không biết truyền đơn viết gì. Bỗng có một đứa trẻ, con của một tên sĩ quan Pháp và một bà đầm người Việt khoảng 6 tuổi đã nhặt và đọc vanh vách những dòng chữ trong đó. Nhiều người đàn bà trong đó có mẹ tôi đã vây quanh đứa bé, không phải để biết truyền đơn viết gì mà chỉ để chiêm ngưỡng một thằng nhỏ biết chữ. Những người đàn bà mù chữ đã xem thằng bé đó là huyền thoại. Bây giờ, chỉ qua một năm học này thôi, tôi và lũ trẻ nhỏ cùng lứa cũng sẽ trở thành những huyền thoại của mẹ.

Những năm tháng đầu hoà bình nhân dân rất hay đi cổ động, biểu tình. Nhiều cuộc cổ động đơn giản chỉ là được hô khẩu hiệu, được hét lên để giải toả niềm vui, niềm hạnh phúc được giải phóng, được độc lập tự do, để thể hiện lòng yêu Đảng, Bác, yêu chế độ.

Xế chiều thường có một người đi gõ mỏ. Cốc! Cốc! Một người khác cầm loa sắt tây (được làm từ một chiếc thùng gánh nước hỏng) đi rao: “ Alô! Alô! đồng bào ăn cơm sớm tối nay đi biểu tình”. Tối đến người ta lũ lượt kéo nhau ra tập trung ở hai gốc phượng đình làng Tùng Luật. Đoàn càng đi càng dài, càng đông. Họ đi rồng rắn loanh quanh từ Tùng Luật A đến Tùng Luật B, vòng ra bờ sông, bờ đê, lượn theo từng ngõ xóm. Có nhiều đợt năm, bảy đêm liên tiếp đều có biểu tình, cổ động. Chúng tôi nhìn lên xã trên, nhìn xuống Vĩnh Quang cũng thấy những đoàn người ở đấy đi rồng rắn chấp chới ánh đèn, ánh đuốc cầm tay hướng về phía nam để bên kia bờ thấy rõ khí thế của miền Bắc. Tiếng thét đá đảo Mỹ Diệm vang động cả dòng sông. Những cuộc biểu tình phản đối vụ đầu độc phú lợi, chống luật 10/59, chống lập ấp chiến lược…càng dữ dội hơn. Đoàn người nghèo gào thét như muốn xé xác kẻ thù, lòng căm hờn bốc lên ngùn ngụt.

Để đối phó với những cuộc biểu tình như vậy, ở bờ Nam cảnh sát và chính quyền nguỵ cũng tổ chức một số cuộc biểu tình, cũng đèn đuốc cầm tay, cũng đi dọc bờ sông hướng về bờ Bắc nhưng lèo tèo chỉ vài trăm người. Hình như nhận ra sự yếu thế và tẻ nhạt của những cuộc biểu tình đó, họ chỉ tổ chức được vài lần rồi dẹp bỏ.

Ra Bắc mẹ tôi không làm nghề buôn cá mắm. Bà cùng hai chị đầu của tôi (nay đã lớn) chèo thuyền lên Bến Quan chặt củi bó thành bó, khi đầy thuyền lại chèo về bán ở chợ Bạn, Cát Sơn bên bờ Nam Bến Hải.

Bác Bột nói với mẹ tôi:

- Thím kết hợp làm nhiệm vụ Cách mạng. Mỹ Diệm có âm mưu khóa tuyến, cắt hẳn sự đi lại của hai bờ Nam Bắc, ta phải duy trì sự đi lại chống chủ trương khoá tuyến của chúng.

Những người đàn bà bờ Bắc chèo thuyền con qua bờ Nam ngồi vây quanh đồn cảnh sát đòi được vào chợ bạn mua bán. Họ kiên trì ngồi như vậy từ sáng đến tan chợ mới về. Sáng hôm sau lại qua; lại vây quanh đồn cảnh sát đòi đi chợ. Cuộc đấu tranh bền bỉ đó khiến đầu óc bọn cảnh sát căng thẳng, chúng doạ đánh, doạ bắt nhưng mỗi đồn cảnh sát bờ Nam đều đối diện với một đồn công an bờ Bắc nên chúng không dám.

Một số viên cảnh sát nói với mẹ tôi:

- Bà không được qua đây bán củi.

Mẹ tôi cãi lại:

- Các ông thấy đấy, chồng tôi chết, tôi goá bụa phải nuôi bốn con nhỏ, bán mấy gánh củi kiếm bát gạo, mớ rau mà các ông cấm thì quá thất đức.

Mấy viên cảnh sát lúng túng:

- Chúng tôi chỉ thi hành công vụ. Đó là chủ trương của Chính phủ.

Mẹ tôi được thể nổi tam bành, xắn tay áo, xắn cao ống quần như sắp sửa đánh nhau. Bà la toáng lên:

- Chính phủ gì mà kỳ cục thế. Ở bờ Bắc cụ Hồ và chính phủ chủ trương đi lại thông thương, thống nhất nước nhà. Cụ Ngô và chính phủ các ông lại đòi khoá tuyến, chia đôi đất nước làm trái nguyện vọng của dân. Thế mới biết chính phủ nào tốt, chính phủ nào xấu.

Những người dân bờ Nam đến mua củi cũng góp thêm lời. Bọn cảnh sát điên tiết rút súng ra doạ. Mẹ tôi vốn “dị ứng” với súng đạn nhưng cũng chửi thêm vài câu nữa mới quay thuyền về.

Được Bác Bột và nhiều người khác động viên, bày cho cách đấu tranh, hôm sau mẹ và hàng trăm người đàn bà khác lại qua, lại đấu tranh với cảnh sát. Một viên cảnh sát đến mẹ tôi nói nhỏ:

- Thím cứ làm tới đi, chúng chẳng dám bắt, dám bắn đâu. Nhiều người trong chúng tôi bị bắt đi lính, mặc áo cảnh sát nhưng lòng không theo chúng nó, lũ chúng gọi chúng tôi là “ bọn ăn cơm quốc gia, thờ ma cộng sản”.

Hai vợ chồng là dân đánh cá biển đến mua củi của mẹ tôi thấy vắng khách hỏi:

- Thím ra ngoài đó có được gặp Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp không?

Mẹ tôi nói:

- Chưa được gặp Bác và Đại tướng nhưng có thấy trên phim Bác và Đại tướng vẫn khoẻ.

Họ nói:

- Chúng tôi mong đến ngày thống nhất được Bác về thăm.

Lời thăm hỏi thiêng liêng ấylàm tôi nhớ mãi. Vì thế đến ngày 3/9/1969 được tin Bác mất, trong nỗi đau xót lớn lao, tôi còn thấy đau xót cho ước vọng của hàng triệu người miền Nam mong được gặp Bác sẽ không thực hiện được nữa.

Sau hiệp định Giơ ne vơ những tháng cuối năm 1954 còn đi lại tương đối tự do. Đầu 1955 giằng co nhau về việc thông thương và khoá tuyến. Giữa năm  đó giới tuyến bị chính quyền Mỹ Diệm bịt kín.

Âm thanh - tuyên truyền và văn hoá văn nghệ cũng là hai cuộc chiến không tiếng súng nhưng không kém phần quyết liệt giữa hai bờ Nam Bắc.

Từ những chiếc loa đơn treo trên cây dọc giới tuyến, chủ yếu cho đồng bào 7 xã ven bờ Bắc nghe, được thay thế bằng những trụ lớn treo tới 40 loa hướng về bờ Nam. Cái tổ hợp âm thanh ấy gây nên một sự cộng hưởng khiến nhiều người dân các xã giới tuyến bờ Nam vào đến tận Dốc Miếu, Cồn Tiên đều nghe được Đài Tiếng nói Việt Nam. Ở bờ Nam, họ thay những chiếc loa nhỏ thành những chiếc loa có đuôi dài, cong cong cũng nói rất to. Những đêm lặng trời nằm ở Hồ Xá vẫn nghe rõ tiếng của mấy chiếc loa đó.

Năm 1964 tên Trần Phú Phương đến làm việc ở đài truyền thanh giới tuyến của chính quyền Mỹ Diệm. Hắn viết nhiều bài nói xấu miền Bắc và tự đọc trên đài với giọng điệu khá hung hăng, chiều chiều hắn uống rượu say, phanh áo, ra bờ sông réo miền Bắc mà chửi. Hắn đã chọc vào lòng căm thù của nhân dân hai bờ Nam Bắc.

Một buổi sáng ngủ dậy tôi thấy bờ Nam thuộc quận Trung ương rất nhiều cảnh sát và dân xúm quanh xác tên phản động đó. Lực lượng bí mật của hai bờ Nam Bắc phối hợp đã giết chết hắn. Từ đó, đài truyền thanh giới tuyến của chúng không còn phát những lời hung hăng nữa.

Những ngày tết, lễ lớn: quốc khánh 2.9, quốc tế lao động 1.5… rất nhiều đoàn văn hoá văn nghệ của miền Bắc về giới tuyến phục vụ: Đoàn văn công chuông vàng, văn công Tổng cục Chính trị, đoàn ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam, đoàn xiếc Trung ương… Có nhiều dịp trên mảnh đất Vĩnh Linh chưa đầy một huyện, hàng chục đoàn nghệ thuật như thế cùng hoạt động, chưa kể nhiều đội chiếu bóng lưu động, nhiều hoạt động văn hoá văn nghệ quần chúng. Sân khấu biểu diễn dựng sát bờ sông, đồng bào bờ Nam cũng có thể xem được. Bọn học sinh chúng tôi được tập đồng diễn thể dục, múa vòng, múa gậy và cũng tham gia biểu diễn sát giới tuyến cho đồng bào bờ Nam xem.

Có những thời điểm để chống lại văn hoá miền Bắc, Sài Gòn cũng tổ chức biểu diễn văn nghệ dọc bờ Nam nhưng các ca sĩ của họ lèo tèo dăm người, toàn hát nhạc vàng, chàng và nàng, yêu đương, thất tình, than thân trách phận nên không mấy người nghe. Thậm chí có nhiều nhóm người quay lưng lại sân khấu miền Nam để xem bờ Bắc biểu diễn. Không đo được nền văn hoá đồ sộ của miền Bắc, từ tết 1957 trở đi họ không đưa các đoàn văn nghệ ra đối đầu nữa. Các buổi biểu diễn của miền Bắc đã hoàn toàn giành được khán giả của hai bờ giới tuyến.

Thời kỳ tạm ổn của giới tuyến đi qua khá nhanh. Ngô Đình Diệm công khai hô hào Bắc Tiến. Người và xe của chúng hối hả xây dựng những con đường quân sự từ căn cứ Dốc Miếu chạy toả ra các hướng, chạy dọc bờ sông Hiền Lương.

Các sĩ quan quân đội về họp với dân nói rằng:

- Chúng ta sẵn sàng đón đánh nếu Mỹ Diệm đổ quân ra miền Bắc. Chúng ta sẽ phủi chúng xuống dòng sông Bến Hải.

Nhiều người dân Vĩnh Linh không những không sợ còn muốn Mỹ Diệm đưa quân ra miền Bắc để được trực tiếp tiêu diệt bộ binh chúng đỡ gánh nặng cho đồng bào miền Nam.

Dòng sông Hiền Lương như một dây đàn lớn càng ngày càng căng thẳng.

Dân vệ, bảo an xuất hiện ngày càng nhiều. Chúng đi dọc bờ sông dùng súng quân dụng bắn cá khiêu khích miền Bắc bất chấp nhiều lần miền Bắc gửi công hàm phản đối.

Các cuộc vây ráp liên tục xảy ra. Đêm đêm tiếng xúp lê thổi toe toe, ánh đèn pin lấp loáng, chó sủa râm ran và những tràng đạn ngắn găm vào bóng tối.

Một đêm hè tháng 6.1959 tôi đang ngồi chơi trên thuyền bỗng có tiếng ngọp ngọp ở dưới nước và một cái đầu lúc lắc. Tôi tưởng ma hét lên làm mọi người chạy cả ra.  Dưới nước là một người gần như đuối sức, người ta vớt anh lên. Anh nói:

- Tôi là cán bộ ở lại bị địch bắt đã bỏ chạy được và vượt sông qua đây. Anh em mình trong đó tổn thất nhiều lắm.

Bả vai anh bị một viên đạn xé rách, đỏ lòm.

Sau đó vài ngày ở bờ sông Cát Sơn có hai người bị bắn chết, đầu gối lên bờ, chân dập dềnh dưới nước. Bọn cảnh sát nói rằng: “Đây là cán bộ Cộng Sản nằm vùng bị truy sát”. Chúng không cho chôn nhưng đêm đó những bàn tay bí mật đã đưa xác hai anh đi mất.

Nhiều người dân của các xã giới tuyến nóng ruột không ngủ được ra bờ sông nhìn về phía Nam chết lặng. Trong các cuộc họp dân nhiều người đã công khai đòi Đảng và Chính phủ phải có hành động mạnh để cứu đồng bào miền Nam.

Cán bộ nói rằng: Đảng và Bác đã có sách lược nhưng phải kiên nhẫn chờ thời cơ.

Khát vọng lớn của dân Vĩnh Lĩnh được giải toả: Tìm chiến thắng của quân dân miền Nam liên tục dội về: Đồng bào Bến Tre đồng khởi. Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời…Vĩnh Linh rợp cờ hoa và những cuộc mít tinh lớn chào mừng chiến thắng. Nhiều cán bộ tập kết ở với chúng tôi đột ngột biến mất. Những người khác giải thích với dân rằng: “Họ đi nhận nhiệm vụ mới”. Ai cũng hiểu rằng họ đã trở lại miền Nam chiến đấu. Cả bề nổi lẫn bề chìm quân và dân Vĩnh Linh đã thực sự vào trận để cứu miền Nam.

Tất cả các xã của Vĩnh Linh đều thành lập các trung đội, đại đội dân quân tự vệ vũ trang. Các trận địa cao xạ ở Trạng Cù và phía ngoài dốc Sáu Độ đã được xây dựng. Những khẩu pháo mặt đất nòng lớn được bố trí rải rác trong rừng trâm bầu, rừng dầu sở ở Vĩnh Tú, Vĩnh Hoà. Pháo vượt sông Hồ Xá kéo tên đồi 74 lùi vào các hầm ngầm.

Một trưa tháng 5.1961 hai chiếc máy bay cánh quạt vè vè bay thẳng vào Hồ Xá. Khi nó bay đến không phận giữa cánh đồng Gia Lâm cao xạ của ta bắn chặn, nhiều đụn khỏi trắng nổ ra trước đầu máy bay buộc chúng phải quay lại. Từ đó về sau ngày càng nhiều hơn những vụ xâm phạm như thế. Ngày 14.7.1962 một chiếc máy bay trinh sát bay tầm thấp vượt qua giới tuyến. Súng máy và súng bộ binh của dân quân các xã giới tuyến đã bắn quyết liệt. Chiếc máy bay trúng đạn, xịt một luồng khói đằng đuôi, quay mũi về phía Nam, mỗi lúc một chúi xuống và mất hút sau kia Dốc Miếu. Ngày 21.9.1963 một chiếc máy bay không có cánh quạt mũi nhọn và dài, bay rất nhanh. Người ta nói đó là máy bay phản lực F8 loại máy bay hiện đại nhất Mỹ dùng trong chiến tranh Triều Tiên. Nó lượn rất nhiều vòng ra Bắc nhưng tránh tầm đạn cao xạ của Hồ Xá và ở tầm cao máy bộ binh không với tới. Tôi hiểu rằng Mỹ có nhiều loại máy bay kỳ lạ hơn thế mà ta chưa biết và cuộc chiến tới đây của chúng ta sẽ rất quyết liệt.

Một trăm năm đô hộ của giặc Tây, cực nhục ê chề đã quá lắm. Toàn thể nhân dân Vĩnh Linh và miền Bắc xã hội chủ nghĩa có một ý chí gang thép quyết không trở lại cuộc đời nô lệ “Chúng chí thành thành” - lời Trần Hưng Đạo khi đánh giặc Nguyên Mông - quyết bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa.

Nghe theo lời Bác “Không có gì quý hơn Độc lập Tự do” cả Vĩnh Linh như một khẩu pháo lớn, đạn đã lên nòng.

 

L.V.T

             Hà Nội 1973.

Quảng Trị 2008

 

Lê Văn Thê
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 163 tháng 04/2008

Mới nhất

Chùm thơ Trần Đức Tín

4 Giờ trước

Nhà thơ Trần Đức Tín, bút danh Khét, sinh năm 1989, quê quán Cà Mau, hiện đang làm

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

25/04

25° - 27°

Mưa

26/04

24° - 26°

Mưa

27/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground