Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 19/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Những ngày bên anh Hoàng Phủ

N

hà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường là người anh khả kính của anh em văn nghệ Quảng Trị. Từ những ngày làm tạp chí Cửa Việt, anh đã vun trồng cho vườn cây văn nghệ quê nhà tốt cành xanh lá.Nhiều nhà văn nhà báo đã trưởng thành từ quê hương ra đi và họ đã làm nên chuyện ở nhiều vùng đất khác ít nhiều cũng có âm hưởng về phong cách, lối tư duy khúc triết của anh. Tình cảm của anh dành cho quê hương nặng sâu trong trái tim nồng nàn của một con người đầy nhân hậu.

Cứ đọc bút ký của anh , chúng ta sẽ thấy ngồn ngộn hình ảnh, sắc màu quê hương thấm đẫm trong từng trang viết. Anh dùng cây bút xiên ngang vào tim giặc vì tội ác gây ra cho mảnh đất quê nghèo khó mà hết mực ân tình. Anh ngợi ca lòng quả cảm của những chàng trai cô gái chân chất , bình dị can trường trong lửa đạn. Anh nhớ hương sả, hương chanh trong nồi xông của mẹ Gio linh khi anh cảm gió. Anh nhớ trái dưa hồng mọng nước nằm trên trảng cát trong những ngày hè bỏng nắng. Anh nhớ và anh nhớ nhiều lắm ! Mỗi bước đi lên của anh em văn nghệ đồng hương anh đều rõi mắt trông theo và khấp khởi vui mừng. Từ ngày anh bị bạo bệnh, có thể nói không ngày nào mà anh em văn nghệ thiếu vắng bên anh. Lâu lâu nhớ quê, nhất là trong những dịp lễ hội, thế nào anh cũng thu xếp để ra thăm . Từ Huế ra Quảng Trị chỉ hơn bảy mươi cây số thôi nhưng với anh Tường quả là một vấn đề. Để đưa anh đi phải có cả một tiểu đội hộ tống mới đảm bảo cho anh an toàn . Đi lại khó khăn hơn cả leo núi, thế mà mỗi lần ra Đông Hà, ông Hoàng cứ đòi đi thăm hết nhà này đến nhà nọ cho bằng được. Mỗi lần như thế , anh em chỉ biết rứt tai, vò đầu mà không ai dám nói gì. Tính anh Tường tuy rất dễ mà lại vô cùng khó. Anh đã quyết việc gì thì dù khó đến mấy cũng làm. Nhớ lần vào thăm anh nhân ngày anh nhận giải thưởng Quốc gia, anh em văn nghệ Quảng trị xúm xít ngồi bệt xuống sàn nhà nhắm rượu, anh cũng đòi đưa anh rời xe lăn để ngồi với đồng hương. Anh bảo cho mình ngồi gần anh em Quảng Trị một lát. Thế là các vệ sĩ không chuyên cũng phải chiêù ý anh. 

Nhớ dạo anh chưa đổ bệnh, ra Quảng Trị chơi, tôi và nhà văn Cao Hạnh tháp tùng anh đi một vòng quanh thị xã, anh bảo bây giờ phải vào thắp hương lăng mộ ông bà ở Triệu Phong. Thế là hai anh em tôi phải nhờ xe đưa anh đi. Gần đến khu mộ,anh dừng lại, vào quán mua hương. Bà chủ quán nghe anh nói liền trố mắt hỏi lại, thế bác mua nhang làm gì mà nhiều đến thế, e có mà thắp cho cả làng cũng không hết. Anh ôm một bó như bó lúa, còn lại anh bảo tôi và Cao Hạnh ôm đi. Đến khu lăng, anh đốt hương thắp lên. Trời mưa bụi thoang  thoảng gió, đốt cho cháy bằng ngần ấy hương thật không hề đơn giản.Tôi và anh Cao Hạnh xúm nhau bóc hết vỏ bao đốt lên làm mồi, vất vả lắm mới đốt hết được. Hai tay nắm lấy bó hương to bằng bó đuốc, anh kính cẩn vái lạy mộ đường rồi vái lạy bốn phương trời mười phương đất  mới cắm vào lư. Anh cùng hai anh em tôi chia nhau đi cắm hương cho toàn bộ nghĩa địa không để sót một ngôi mộ nào. Tôi và Cao Hạnh cắm đầu, cắm cổ đi liệt hai chân mới thắp hết nhang cho hơn cả trăm ngôi  mộ trên nghĩa địa làng . Quay lại lăng mộ ông bà,anh chỉ tay vào hai câu đối khảm trên trụ sen trước cổng lăng được viết bằng chữ nho, anh vừa đọc vừa giảng giải. Hai câu đối anh đọc tôi không kịp ghi lại nhưng vẫn nhớ không sai một chữ nào . Đó là câu  đối do cụ thân sinh của anh là cụ Hoàng Hữu Dực viết cho cụ ông là Hoàng Hữu Quỵ Câu đối viết: 

Chạnh nhớ công cha, muôn thuở non Mai cao chót vót

Càng thương nghĩa mẹ, ngàn thu sông Hãn rộng mênh mông 

Nghe anh giảng giải , tôi và nhà văn Cao Hạnh thấm đến từng con chữ và càng bái phục trí tuệ tuyệt sắc của anh. Làm xong việc hiếu trọng, anh băng đồng lội qua bờ mương thuỷ lợi Thạch Hãn, đến gặp gỡ các bác nông phu đang cày ruộng. Hỏi chuyện thân tình các bác, anh từ tốn rút ví tiền ra biếu tặng, như là mừng tuổi ngày đầu năm mới. Quê tôi có tục mừng tuổi các cụ sống thọ thêm một năm vào những ngày đầu xuân.Trên đường ra về, gặp mấy đứa trẻ chăn trâu gần khu lăng, trong ví còn bao nhiêu tiền, anh rút ra lì xì cho bằng hết. Tính anh Tường là thế, anh hào hiệp đến mức cực đoan, nhưng với anh là niềm vui. Nhắc chuyện này, tôi càng tin chuyện anh đã từng cỡi chiếc đồng hồ Movado đắt tiền cho luôn em tiếp viên ở một nhà khách , chỉ vì anh nghe cô ta than thở hoàn cảnh nghèo túng của mình, mà có lần anh Ngô Minh đã kể.

 Về lại thị xã Đông Hà,tôi và anh Cao Hạnh mời anh đi uống bia. Ngoài việc phải chiêu đãi đại huynh của mình, anh em chúng tôi còn có nhu cầu được nghe anh nói chuyện. Tôi xin bảo đảm rằng, anh Tường có thể nói chuyện kim cổ đông tây, từ địa phủ đến thiên tào mà chuyện nào cũng hay, hay đến chảy nước mắt. Nếu anh Tường nói chuyện, ai có công ghi âm lại rồi đánh máy ra gởi cho các báo , không cần chấm phẩy, thế nào cũng được đăng cho mà xem.Còn, nếu nói đến trí nhớ của anh thì đó lại là một điều kỳ lạ. Ngay cả khi anh bị tai biến não đến giờ, tuy viết lách khó khăn, nhưng trí nhớ thì không hề suy suyển. Có lần anh đang xem ti vi chương trình " Đường lên đỉnh  Ô lym pia'', người dẫn chương trình mới đưa ra câu hỏi, thí sinh chưa kịp trả lời ,anh đã nói ngay và trúng chốc. Điều lạ, đó là câu hỏi thuộc khoa học tự nhiên mà anh đã học từ thời trung học.Chị Dạ ngạc nhiên vô cùng . Có lần anh viết một bút ký đưa đăng báo, trong bài có trích một điển tích bằng tiếng Pháp,chị Dạ sợ chồng mình nhớ nhầm bèn nói nên tra lại từ điển.Nghe vậy, anh Tường bảo khỏi tra,cứ thế gởi đi. Quả nhiên, một tuần sau bài được đăng, chính xác hoàn toàn. 

Tôi nhớ lần anh ra Quảng Trị (thời anh chưa bị trọng bệnh) gặp nhau tay bắt mặt  mừng , bia vào lời ra chân tình ấm áp.  Gần tàn cuộc bia, anh em tôi cứ ngỡ thế là anh về lại nhà nghỉ, thật tiếc quá , nhưng không ,anh bảo: Chầu này là của hai cậu, bây giờ đến lươt tớ, tớ mời hai cậu. Nhưng tớ có một yêu cầu.Tôi vội vàng đón lời anh : Yêu cầu gì anh muốn, bọn em lo. Anh bảo : Các cậu kiếm chỗ nào mượn cho mình một em, mình chỉ mượn cái bàn tay thôi để tán chuyện. Chỉ có một bàn tay con gái thôi nhé, các cậu đừng có mà suy diễn. Biết ý anh, tôi kiếm một nhà hàng kinh doanh theo hướng" thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa "cho nó hài hoà. Đó là nhà hàng khách sạn Đông Hà, nằm cạnh bến xe, nhà hàng nhà nước quản lý hẵn hoi. Chọn phòng xong, tôi kêu bia và món nhắm. Thật giản dị, món mực tươi nướng trộn múi bưỡi. Đã hơn chín giờ tối rồi, nhân viên  lục tục ra về, nhưng nghe tôi năn nỉ nên một em có máu văn nghệ tình nguyện ở lại phục vụ các bác nhà văn.Trời ạ ! Quả như là có phép mầu nhiệm, anh Tường nắm bàn tay cô gái đặt lên bàn làm như mấy thầy tướng số, thế là bắt đầu nhà  văn nói chuyện.Câu chuyện quay chung quanh cái trục là thiên chức của người đàn bà. Khi yêu thì sông cạn núi mòn, khi buồn thì thối gan thối ruột.Cô gái lắng nghe như bị thôi miên, tôi để mắt quan sát và chốc tai lên nghe. Dưới mi mắt cô gái đọng lại một giọt sương chực rơi xuống. Hình như con gái khi vui có cái đẹp khác, khi buồn lại có vẻ đẹp khác. Say chuyện, thời gian trôi đi lúc nào không hay. Mới đây thôi mà đã sắp sang giờ tý, bia vẫn còn đầy bàn, mãi nói, mãi nghe, ít khi chạm cốc. Rồi cũng phải chia tay, không gian như đậm đặc, khói thuốc lỡn vỡn rồi tan vào màn đêm u tịch, câu chuyện nhà văn kể lắng lại trong sâu hút tâm can anh em chúng tôi.

 Sáng hôm sau, bên quán cafe, tĩnh tâm qua một đêm, anh Tường tỏ ý mãn nguyện. Anh vui lắm, hẹn tôi và Cao Hạnh sẽ có ngày tái ngộ. Sau chuyến thăm quê lần ấy, anh vào lại Huế, rồi vào Đà Nẵng thì không may bị đột quỵ  Nghe tin anh bạo bệnh, anh em Quảng Trị thương lắm. Mớihay ngẫm ra muôn sự tại trời. Sau gần bốn tháng cứu chữa, nhờ sự tận tâm của các giáo sư, bác sĩ và các anh chị trong ngành y ,anh đã qua cơn nguy kịch. Sau đó ,  được sự giúp đỡ hết lòng của bè bạn trong và ngoài nước cùng với sự chăm sóc kỹ lưỡng của gia đình anh mới sống được như bây giờ .

Anh Tường, con người mà trước khi chia tay anh em Quảng Trị ra nhận chức bộ trưởng, anh Trần Hoàn còn dặn lại Nghệ sĩ nhân dân Xuân Đàm , Giám đốc Sở Văn hoá Quảng Trị rằng: Hoàng phủ là người của quốc gia và cả quốc tế nữa đó, nhớ quan tâm ông ấy, con người ấy quý lăm! quý lắm!

Anh Tường là một người sống bất cứ nơi đâu nhưng hồn vía thì để hết ởQuảng Trị quê hương,mảnh đất mà nhà thơ nôỉ tiếng Quảng Trị, Cụ Chế đã từng lạy gió: 

Ôi gió Lào ôi! Người đừng thổi nữa

Những ruộng đói mùa những đồng đói cỏ

Những đồi sim không đủ quả nuôi người

Nghèo thật,nhưng người Quảng Trị hiền lành, mến khách, trong Nam, ngoài Bắc ai đi qua cũng muốn ghé chơi.

Tôi xin kể ra đây câu chuyện để các bạn thấy gan ruột và chí khí của nhà văn yêu quý của chúng ta.

Buồn vì tờ báo anh làm gặp " sự cố " cùng với những bức xúc mà không biết tâm sự với ai , trước mặt nhiều bạn bè , anh đãlấy điếu thuốc lá đốt đỏ lên, vừa nhả khói vừa dí đầu thuốc đỏ lừ vào lòng bàn tay.  Lập tức, chỗ lòng bàn tay nơi anh dí điếu thuốc vào da bõng lên to bằng quả bồ quân mọng nước.

Trời ơi ! Thịt da ai cũng là người, tôi mới nhìn thấy đã đau buốt tim gan , thế mà anh nói tĩnh khô.

Nhớ lại, sao mà thấy thương anh, một hôm ,nhân trước ngày anh chuẩn bị các thủ tục để đi Pháp theo lời mời của một số bạn bè mà trước đó đã một lần bỏ dỡ, tôi mời anh ra quán cóc bà Hường, ngay cổng cơ quan Tỉnh uỷ ngồi uống bia. Quán nghèo , chỉ có xì quách , thứ xương bò người ta ninh lấy nước làm phở rồi bỏ ra . Hai anh em bốc bằng tay ngồi gặm để nói chuyện. Tôi biết trước đó có người sợ rằng anh Tường mà sang Pháp thì dễ chừng anh ở lại thôi. Anh hỏi tôi : Tiên ơi ! Cậu nghĩ mình đi Pháp có ở lại luôn bên ấy không ? Với anh Tường , một người mà từ thời ở rừng với nhau cho tới sau này tôi đủ niềm tin và thấu hiểu , liền trả lời anh không chút do dự: Em tin anh không bao giờ ở lại bên đó. Anh cười rồi nắm tay tôi , chợt buông ra rồi nâng cốc , hai anh em chạm ly . Tiếng ly đánh keng vào nhau như một sự xác tín cho điều mà tôi vừa nói .

Lần ấy anh đi , chừng non tháng sau anh về. Gặp lại nhau , anh kể cho tôi nghe quá nhiều chuyện ,chuyện nào cũng lý thú. Anh đã gặp nhạc sĩ Phạm Duy, gặp hoạ sĩ Lê Bá Đãng và nhiều bạn bè thời dạy trường Quốc học Huế . Từ anh Tường, các anh ấy đã hiểu biết thêm tình hình quê nhà ,chính sách của Đảng và nhà nước ta đối với kiều bào. Sau một thời gian , nhiều trí thức ,văn nghệ sĩ của ta ở nước ngoài  là bạn anh đã lần lượt về thăm , có người về định cư hẵn ở Việt Nam . 

Mới  đây thôi  ,trước khi tôi viết bài này, sợ nhầm một số chi tiết nên điện thoại gặp anh, khó nhọc lắm anh mới nói với tôi, có đoạn phải phiên dịch lại qua chị Dạ rằng : Tiên ơi ! Có lúc mình đã tự hỏi: Tất cả những gì mình đã nghĩ về quê hương Quảng Trị có thật như thế không ? " Quả đúng như thế, Quảng Trị thật đến mức trần trụi , không huê dạng, không bay bướm .Quảng Trị thấy không cần phải bịa đặt thêm một chút nào."

Anh Hoàng Phủ NgọcTường là thế đó !  Chuyện về anh còn nhiều lắm, nhớ anh, khi anh đang phải vào thành phố Hồ Chí Minh chữa bệnh, tôi viết bài này và mong chờ một ngày gần đây lại được ngồi bên anh nói chuyện,  vì anh đang thèm nghe tiếng người.

 

Cữa tùng 4-08

Đ.T

Đức Tiên
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 165 tháng 06/2008

Mới nhất

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Viếng Nghĩa Trủng Đàn đầu năm Giáp Thìn

08/04/2024 lúc 22:34

Mười năm rồi lại trăm nămĐàn Nghĩa Trủng mãi ơn Hoàng Bích KhêTử sĩ Tây Sơn

Giêng hai gieo những ngọt ngào; Ký gửi

08/04/2024 lúc 22:33

Giêng hai gieo những ngọt ngàoGiêng hai lúa đã xanh đồngGiêng hai cải đã trổ

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

20/04

25° - 27°

Mưa

21/04

24° - 26°

Mưa

22/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground