Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 27/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Những người con "đất thép" ở Trường Sa...

1. Những ngày ra với quần đảo Trường Sa, dù chon von trên đảo Đá Lớn, đảo Tốc Tan, “đảo nhỏ quá, nói một câu là hết” hay thả bộ dọc những triền cát miên man của đảo Sơn Ca, Sinh Tồn, Trường Sa Lớn...tôi đã bắt gặp những người lính Hải quân đa cảm mà rắn rỏi, kiên nghị mà thân gần như người trong một nhà. Họ, nói như nhà văn Đỗ Chu, là lớp người nghĩ ngợi lớn, lo âu lớn, yêu thương lớn, sức gánh vác lớn. Quần đảo Trường Sa của chúng ta có khoảng 130 đảo, đá, bãi cạn, bãi ngầm với diện tích vùng biển rộng 160.000-180.000 km2. Hiện trên quần đảo Trường Sa, Việt Nam là quốc gia có số đảo có quân và dân sinh sống, xây dựng hạ tầng kinh tế- xã hội nhiều nhất (21 đảo, đá với 33 điểm đóng giữ). Trong lực lượng hùng hậu của Hải quân nhân dân Việt Nam anh hùng, cùng với con em khắp mọi miền đất nước, những chàng trai “đất thép” Vĩnh Linh đã phát huy truyền thống trung dũng, kiên cường của quê hương, ngày đêm vững vàng tay súng, bảo vệ vững chắc, toàn vẹn chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc ở quần đảo Trường Sa.

Ở những người lính Hải quân nhân dân Việt Nam trấn giữ Trường Sa và thềm lục địa của Tổ quốc hôm nay luôn toát lên sự tự tin, quả cảm, tạo một niềm tin vững chắc cho nhân dân, cho đất nước trong công cuộc bảo vệ chủ quyền đầy thách thức và gian lao này. Trong chúng tôi, ai cũng tràn đầy niềm tự hào khi nhìn thấy hàng hàng chăn vuông, gối phẳng ngăn nắp trong những ngôi nhà được xây dựng trên nền đá san hô, trên bãi cạn quanh năm gối đầu lên gió chướng và sóng dữ. Những ngôi nhà choải chân trong lòng biển mặn đều mang dáng dấp của một cột mốc chủ quyền đường bệ và vững chãi, duyên dáng và kiêu hãnh, giàu cốt cách Việt, được bao bọc bằng màu xanh của cây trái bốn mùa...

... Bao giờ cũng vậy,  khi bình minh vừa thả những tia nắng đầu tiên lan trên mặt biển, chúng tôi đã được lệnh từ tàu xuống xuồng để hành quân vào đảo. Câu nói của chúng tôi khi đặt chân lên đảo bao giờ cũng bắt đầu bằng một câu hỏi:

- Có đồng hương Quảng Trị không đồng chí ơi?

Cả một bến cảng giữa bốn bề đại dương lao xao tiếng quê hương, tiếng cung thanh, cung trầm ấm áp, tưởng như đang lạc vào một hội làng, con dân ba miền hội tụ:

- Thọ Xuân, Thanh Hóa đây!

- Quỳnh Lưu, Nghệ An đây em ơi!

- Vĩnh Linh, Quảng Trị! Đồng chí nào Vĩnh Linh, Quảng Trị!

Tôi thực sự xúc động khi đặt chân lên đảo Nam Yết và được gặp Trung tá Nguyễn Thanh Phong, cụm trưởng cụm Nam Yết. Anh Phong người thấp đậm, rắn rỏi, cởi mở từ trong tiếng mời chào đến những lời tâm sự chân tình, chất giọng đặc sệt dân Vĩnh Linh, nghe rưng rưng thân thuộc và ấm áp. Suốt buổi gặp, anh vừa trò chuyện, vừa nắm tay từng người như sợ chúng tôi phút chốc rời xa. Anh Phong bộc bạch: “Nhà tôi ở ngã ba Sa Lung, ngay Quốc lộ 1, thuộc xã Vĩnh Tú, Vĩnh Linh. Năm 1985 đi bộ đội, ngoài thời gian ở đất liền tham gia huấn luyện, tạo nguồn, ròng rã bảy năm trời, tôi đã công tác và nắm cương vị chỉ huy qua các đảo Đá Lát, Đá Lớn, Đá Tây, Song Tử Đông và bây giờ là Nam Yết. Tôi rất xúc động khi được đón các anh chị đồng hương đến thăm ngay tại nơi tôi đang công tác, giữa vùng biển, đảo xa tít tắp này. Dân Quảng Trị mình có truyền thống trung dũng, kiên cường, một lòng một dạ với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân, cực mấy cũng chịu được, gian khổ nào cũng vượt qua, ngày xưa cha ông mình đã vậy, bây giờ thế hệ chúng tôi cũng vậy, các anh chị à...”.

Đảo Nam Yết  nơi anh Phong đang công tác có hình bầu dục, bề ngang nằm theo hướng đông- tây và thay đổi hình dáng theo mùa do tác động của sóng gió. Đây là một trong những đảo nổi có diện tích lớn của quần đảo Trường Sa, độ cao của đảo so với mực nước biển chừng 0,8m. Thời khắc không thể nào quên là lúc 10 giờ 30 phút ngày 27/4/1975, Hải quân nhân dân Việt Nam hoàn toàn làm chủ đảo Nam Yết trong khi ở đất liền, đại quân ta đang xốc tới đô thành Sài Gòn, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Lá cờ đỏ sao vàng quyết chiến quyết thắng đã phần phật tung bay trên mốc chủ quyền Nam Yết trong nắng gió Trường Sa. Và từ đó đến nay lớp lớp cán bộ, chiến sỹ đảo Nam Yết luôn phát huy truyền thống của Lữ đoàn Trường Sa anh hùng, sát cánh bên nhau, đồng cam cộng khổ, đoàn kết một lòng, khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Hiện nay các công trình quốc phòng và dân sinh được xây dựng khá vững chắc; xung quanh đảo được bao bọc bởi hệ thống tường chắn sóng kiên cố, có bến cập xuồng, trên đảo đã có nhà 2 tầng và nhiều nhà kiên cố khác, bảo đảm nơi ăn, ở, làm việc cho cán bộ chiến sỹ; đảo có trạm thu phát tín hiệu truyền hình từ vệ tinh, hệ thống năng lượng gió và nhiều phương tiện phục vụ đời sống tinh thần cho bộ đội. Nam Yết là một trong những đảo đẹp và xanh mát trong quần đảo Trường Sa. Hàng chục năm trước, lòng đảo, mặt đảo rặt một loại đá tảng san hô, cát vụn san hô chang chang dưới cái nắng kiệt khô của Trường Sa. Đất vón cục, nhộn nhạo như đám sỏi. Những người lính Hải quân, hết thế hệ này qua thế hệ khác công tác trên đảo đã phải đào từng hố sâu xuống tận đáy san hô, lót từng tấm tôn, phên tre xuống bốn phía rồi chia nhau đi nạo vét từng chút phân chim biển trong các kẽ đá, đánh bắt các loại cá hoang, ủ xuống đất làm phân rồi bón cho cây. Từng ngày, từng ngày một, cây vật vã lớn lên, chật vật thích nghi rồi khó nhọc đẻ nhánh, đâm chồi. Chất đất trên đảo tương đối tốt, trải qua quá trình cải tạo nên đảo có nhiều cây cối tốt như mù u, phong ba, bàng vuông. Tuy nguồn nước ngọt và thổ nhưỡng, khí hậu ở đây không thuận lợi như ở các đảo khác nhưng nhờ ý chí tự lực, tự cường, tinh thần đoàn kết khắc phục khó khăn, đảo Nam Yết đã tự túc được nhu cầu rau xanh và một phần thực phẩm, đảm bảo cho bộ đội có đủ sức khỏe để công tác tốt, chiến đấu tốt.

Khi tôi đặt chân lên đảo Sinh Tồn, một trong năm đảo được giải phóng sớm trên quần đảo Trường Sa vào ngày 28/4/1975, đảo vừa tổ chức kỷ niệm ngày truyền thống của đảo chưa lâu, một không khí phấn chấn vẫn còn đọng lại trên khuôn mặt những người lính đảo. Trưa nay, một điềm lành nữa đến với đảo là đúng lúc đón khách từ đất liền ra thăm, một cơn mưa giông ập tới, mưa lao xao cả đảo, bộ đội thỏa thích đầu trần dầm mình trong cơn mưa mát lạnh. Nơi cột mốc chủ quyền đảo Sinh Tồn, người lính tiêu binh bồng súng đứng gác không rời vị trí, khuôn mặt nhòa trong mưa, trẻ trung và rắn rỏi. Sinh Tồn là một trong những đảo không có nước ngọt. Sinh hoạt của quân và dân trên đảo chủ yếu dùng nước ngọt từ các bể chứa. Đảo nằm trên nền san hô ngập nước, cách chân đảo từ 300 đến 400 m, khi thủy triều thấp nhất, nền san hô nhô cao trên mặt nước từ 0,2 đến 0,4 m. Thổ nhưỡng chủ yếu trên đảo là cát, san hô đã được ngọt hóa theo thời gian. Trong điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt như vậy, kỳ lạ thay, đảo Sinh Tồn vẫn duy trì một thảm thực vật đặc thù và hết sức phong phú gồm cây phi lao, bàng thường, bàng vuông, nhàu, phong ba, muống biển và rau xanh. Cùng với nỗ lực không ngừng nghỉ qua nhiều thế hệ, người Việt Nam đã trồng và phát triển trên các đảo nổi của mình nhiều loài cây nước lợ, thậm chí gần đây có cả một số loài cây ăn trái, rau xanh mà trước kia vốn chỉ sinh trưởng ở đất liền. Bây giờ đến đảo Sinh Tồn hay tất cả các điểm đảo nổi của quần đảo Trường Sa, du khách sẽ bắt gặp từ những thảm cây muống biển phủ xanh bát ngát trên những triền cát đến cây bão táp, biểu tượng của sự hồi sinh trên đảo; từ cây phong ba, được mệnh danh là “chúa tể của các loài cây” đến cây bàng vuông, biểu tượng của Trường Sa, từ cây tra (nho biển), cây mù u, rau dền tía, mồng tơi cho đến bầu bí, cải mầm...Từ một quần đảo không sẵn các điều kiện tự nhiên thích hợp cho bất kỳ sự sống nào, bây giờ nhiều đảo nổi ở Trường Sa của Việt Nam đã trở thành “thiên đường” màu xanh giữa nắng gió biển Đông.

 Đi giữa đảo Sinh Tồn hôm nay, ta có cảm giác như đi giữa một vùng quê Việt Nam thuần hậu, yên hòa, đường bê tông trộn lẫn bóng cây và bóng nắng, thi thoảng, xao xuyến cả cõi lòng một tiếng chim gù thương mến và xao xác tiếng gà trưa... Trung tá Ngô Quang Chức, người con của vùng đất “đôi bờ dân ca” Tân Trại, Vĩnh Giang, Vĩnh Linh công tác tại đảo Sinh Tồn tâm sự, xa quê đã lâu, muốn có một chuyến công tác đất liền kết hợp thăm người mẹ già nhưng vì nhiệm vụ chưa sắp xếp được. Những lần về quê trước, thăm nhà, xuống biển Cửa Tùng lại nhớ tới đồng đội, nhớ tới Trường Sa, lại muốn lên đường...

Ở quần đảo Trường Sa hôm nay, ngoài hai người con “đất thép” Vĩnh Linh là Trung tá Ngô Quang Chức, quê ở thôn Tân Trại, xã Vĩnh Giang, Vĩnh Linh, công tác ở đảo Sinh Tồn;  Trung tá Nguyễn Thanh Phong, Cụm trưởng đảo Nam Yết, quê ở thôn Hạ Kè, xã Vĩnh Tú, Vĩnh Linh, công tác tại đảo Nam Yết, còn có Thượng úy Phan Trí Trà, quê ở thôn 8, xã Triệu Vân, Triệu Phong, công tác tại đảo Phan Vinh; Trung úy Hoàng Minh Tú, quê ở thôn Nam Sơn, xã Trung Giang, Gio Linh và  chiến sĩ Phan Thành Vinh, sinh năm 1994, nhập ngũ tháng 9/2012, quê ở thôn Mỹ Thủy, xã Hải An, Hải Lăng, cùng công tác ở đảo Sơn Ca. Họ là những hậu duệ của mảnh đất  Quảng Trị anh hùng đang tiếp nối truyền thống gan góc, dạn dày mang sứ mệnh vinh quang trấn biên, giữ cõi của cha ông từ hàng ngàn năm trước.

2. Mang theo lời hò hẹn, nhắn gửi từ Trường Sa thiêng liêng, vào đến đất liền, tôi hăm hở tìm về nhà anh Nguyễn Thanh Phong. Đến Hạ Kè, ngay ngã ba Sa Lung, Vĩnh Tú, Vĩnh Linh, chưa kịp buông lời hỏi thăm, tôi đã gặp một bà mẹ tóc bạc trắng, nhanh nhẹn và đôn hậu đang tất tả đi ra từ một khu vườn cạnh Quốc lộ 1A. Nhìn mẹ, tôi đoán ra ngay là mẹ anh Phong vì khuôn mặt rất đỗi thân thuộc.

Mẹ cười hiền, giọng nói chất chứa, ắp đầy sự tin yêu, tự hào khi nhắc đến đứa con mình đang làm nhiệm vụ nơi quần đảo tiền tiêu của Tổ quốc.  “Mẹ có cả thảy năm người con. Phong là con trai đầu. Năm 1967, khi Phong mới chưa đầy ba tuổi, mẹ bế Phong đi K10, ra Tân Kỳ, Nghệ An, đến năm 1975 mới vô lại quê nhà. Phong tự lập từ nhỏ, học hành thông minh, sáng dạ, sớm có tố chất “thủ lĩnh” đối với bạn bè, nên bây giờ, vào bộ đội, Phong cũng phát huy được tố chất đó. Mẹ rất vui khi Phong được giao nhiệm vụ gì cũng lo toan tròn trịa, không phụ lòng anh em...”

Giữa khu vườn xanh um hồ tiêu đang mùa thu hái ở thôn Tân Trại, xã Vĩnh Giang, Vĩnh Linh, tôi đứng lặng hồi lâu để ngắm nhìn bà mẹ già tóc pha sương đang ngồi chẻ từng quả cau xếp lên chiếc nia đặt trước hiên nhà. Nhà thanh vắng lắm. Tôi đi khẽ và chào mẹ trong lảnh lót tiếng chim chuyền cành.

- Dạ thưa, mẹ là mẹ của anh Ngô Quang Chức, bộ đội Trường Sa?

- Đúng rồi, vào nhà đi con.

Mẹ dắt tôi vào nhà, vừa nhai trầu bỏm bẻm vừa trò chuyện; “ Mẹ có bảy người con, Chức là con thứ sáu đó. Tháng 9 năm 1982, Chức đi bộ đội, đóng quân ở bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng, sau chuyển ra ở Hải Phòng, bây giờ công tác Trường Sa, gia đình vợ con lại ở Hội An, Quảng Nam. Một cảnh, ba bốn quê vậy đó nhưng đời bộ đội, ở đâu đất nước cần, mình phải có mặt, đúng không cháu. Đêm xem thời sự, thấy tình hình biển đảo, lòng mẹ ai cũng bồn chồn, nhưng tĩnh tâm lại, biết bên con mình còn có anh em, đồng đội, có cả Tổ quốc, nên cũng an lòng...”

Nhà sử học Dương Trung Quốc nói rằng: “Có ra Trường Sa mới thấy chí cả của cha ông ta từ nhiều thế kỷ trước đã vượt sóng dữ để vun vén cho giang sơn. Nay ra Trường Sa đã thấy nhiều đổi thay về cảnh vật, duy chỉ có những con người Việt Nam là vẫn giữ cốt cách gan góc của cha anh. Xưa có Trường Sơn, nay có Trường Sa để thử thách bản lĩnh Việt Nam.”

Trong đội ngũ trùng trùng điệp điệp những con người Việt Nam đang giữ gìn trọn vẹn cốt cách gan góc của cha ông nơi đảo xa Trường Sa, tôi đã đến và gặp họ, những người con của “đất thép” Vĩnh Linh!

Đ.T.T

ĐÀO TÂM THANH
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 231 tháng 12/2013

Mới nhất

Đại hội Phân hội Văn học tỉnh Quảng Trị, nhiệm kỳ 2024-2029

21 Phút trước

Ngày 26/4/2024, Phân hội Văn học-Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị đã tiến hành Đại hội VII, nhiệm kỳ 2024-2029 nhằm tổng kết, đánh giá hoạt động nhiệm kỳ qua và xây dựng phương hướng hoạt động trong nhiệm kỳ mới.

Chùm thơ Trần Đức Tín

24/04/2024 lúc 17:21

Nhà thơ Trần Đức Tín, bút danh Khét, sinh năm 1989, quê quán Cà Mau, hiện đang làm

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

28/04

25° - 27°

Mưa

29/04

24° - 26°

Mưa

30/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground