Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 05/02/2025 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Những quan niệm nghệ thuật sâu sắc của Chế Lan Viên

Con đường thơ của Chế Lan Viên kéo dài 54 năm và đã khép lại nhưng không có nghĩa là kết thúc. Nó vẫn tiếp tục toả phát, đồng hành cùng thi ca dân tộc. Trong từng giai đoạn, Chế Lan Viên luôn năng động trong tư duy, luôn nghĩ về nghề, nghĩ về thơ để tìm cho mình một quan niệm, một tuyên ngôn riêng. Những quan niệm nghệ thuật của ông thể hiện rõ kiểu “tư duy triết học biện chứng” có phủ định, kế thừa và sáng tạo mới cho phù hợp với tinh thần thời đại và quy luật nội tại của thi ca.

Sự phức tạp trong tư duy và quan niệm về thơ của Chế Lan Viên chính là một nghịch lý hợp lý, chứng tỏ ông là một thi sĩ có tài, chưa bao giờ tự bằng lòng, thoả mãn với những gì đã có. Ông luôn tìm tòi, thể nghiệm để khẳng định cái mới thực sự có ý nghĩa đối với nền thơ Việt hiện đại cả lý luận và thực tiễn.

           ĐIỀU TÀN: MỘT NIỀM KINH DỊ, MỘT QUAN NIỆM THƠ

Trong phong trào thơ mới 1932-1945, Chế Lan Viên là thi sĩ trẻ, xuất hiện muộn nhưng họ mang về hào quang lạ mà Hoài Thanh phải ngỡ ngàng thốt lên: “Quyển Điêu tàn đã đột ngột xuất hiện ra giữa làng thơ Việt Nam như một niềm kinh dị”. Niềm kinh dị này khởi nguồn từ một quan niệm, một hoàn cảnh riêng tạo nên sự lạ lùng mà sau này ông và Hàn Mặc Tử lấy làm tuyên ngôn và cương lĩnh nghệ thuật cho “Trường thơ Loạn” do mình sáng lập. Chế Lan Viên viết: “Hàn Mặc Tử nói: Làm thơ tức là điên. Tôi thêm: Làm thơ tức là làm sự phi thường. Thi sĩ không phải là người. Nó là người mơ, người say, người điên. Nó là tiên, là ma, là quỹ, là tinh, là yêu. Nó thoát hiện tại. Nó xối trộn dĩ vãng. Nó ôm trùm tương lai. Người ta khong hiểu được nó vì nó nói những cái vô nghĩa, tuy rằng những cái vô nghĩa hợp lý…”

Cơ sở xã hội và cơ sở tư tưởng của Chế Lan Viên thời này đã rõ. Hoàn cảnh đất nước bị nô lệ. Ông sống trên đất cũ của vương quốc Chiêm Thành. Lúng túng trong tư tưởng và hành động buộc ông phải đến với tôn giáo. Lúc đầu là Phật, sau là Thiên chúa. Màu sắc siêu hình, hư vô của Điêu tàn chính là xuất phát từ cơ sở này. Về phương diện thi ca mà nói, Chế Lan Viên đã đi tìm và sáng tạo nên nét dị thường, khác với không khí tình yêu, mơ mộng của các thi sĩ cùng thời. Hình ảnh trong Điêu tàn là cả một thế giới rùng rợn: đầu lâu, sọ dừa, hồn ma, quỹ dữ… Qua các hình ảnh ấy, ông trải lòng và cảm xúc của mình trước niềm đau đã trở thành tro bụi của nước non Hời.

Tạo hoá hỡi ! Trả tôi về Chiêm quốc

Hãy đem tôi xa lánh cõi trần gian

Muôn cảnh đời chỉ làm tôi chán mắt

Muôn vui tươi nhắc mãi vẻ điêu tàn

Nỗi đau của nước non Chiêm cũng là nỗi đau của nuớc non mình. “Điêu tàn có riêng gì cho nước non Chiêm Thành yêu mến của tôi đâu? Kìa, kìa, nó đang đục sọ dừa anh. Tiếng xương rạn vỡ dội thấu đáy hồn tôi”. Nỗi chán đời tuyệt vọng hơi quá đáng biểu hiện bằng những hình ảnh kinh hãi nhưng đó cũng là một thái độ phản ứng với sự nhàm tẻ của thực tại. Người thơ trẻ tuổi Chế Lan Viên biết bấu víu vào đâu? Chính mảnh đất siêu hình kia là nơi thuận lợi nhất để tác giả gửi gắm tâm sự, bằng cách làm sống lại quá khứ nước Chàm qua hư cấu, tưởng tượng kỳ lạ “để nếm lại cả một thời xưa cũ – Cả một dòng năm tháng đã trôi qua”. Đó là cách để giải thoát. Giải thoát mà vẫn đau đáu về cuộc đời. Đó là trạng thái lưỡng phân của Chế Lan Viên. Và may thay, nó biến thành nghệ thuật, thành một quan niệm mỹ học. Điều cần lưu ý ở Điêu tàn để làm tiền đề cho việc nghiên cứu thơ Chế Lan Viên ở các giai đoạn sau, đó là việc thiết lập mối quan hệ có tính sinh tử của nghệ thuật. Mối quan hệ giữa chủ thể sáng tạo và khách thể thẩm mỹ. Hai câu hỏi: “Ta là ai? Ta vì ai? Sau này của ông chính là xuất phát từ tiền đề này. Cho nên Điêu tàn tuy rùng rợn, siêu hình nhưng thật ra là biện chứng. Nói quá khứ cũng là cách để khẳng định hiện tại và mơ ước đến tương lai.

Vậy quan điểm nghệ thuật của Chế Lan Viên trong Điêu tàn, đặt trong mối quan hệ chủ thể - khách thể là gì? Đó là một chủ thể quái đản, cực đoan, thần bí và một khách thể tưởng tượng, hư cấu, siêu hình. Không xem đây là một quan niệm nghệ thuật, chúng ta sẽ không thể lý giải được sự chuyển biến quan niệm của Chế Lan Viên ở các giai đoạn sau. Hoài Thanh từng ca ngợi Điêu tàn là “một niềm kinh dị” thì rõ ràng nó đã là tác phẩm quý giá. “Giữa đồng bằng văn học Việt Nam nửa thế kỷ 20, nó đứng sừng sững như một cái tháp chàm, chắc chắn, lẻ loi và bí mật”.

Khi cuộc sống thay đổi, quan niệm thơ của Chế Lan Viên cũng thay đổi theo. Và dưới ánh sáng văn nghệ mới của Đảng, những quan niệm về thơ của ông có dịp khẳng định tính độc đáo, mới mẻ của mình.

TỪ VÀNG SAO HƯ VÔ ĐẾN SAO VÀNG CÁCH MẠNG

Từ 1945 đến 1975 là thời kỳ sôi động nhất của lịch sử dân tộc Việt Nam. Những biến đổi lớn lao về nhiều mặt diễn ra trong hoàn cảnh chiến tranh khốc liệt. Thơ ca cũng có những biến đổi, định hướng triệt để chưa từng có trong lịch sử văn học. Chế Lan Viên là một trong những thi sĩ tiên phong trong lĩnh vực này với hững quan niệm thơ mới mẻ, độc đáo. Ngoài những đặc điểm thuộc tínhchung của văn học thời này, ta vẫn thấy được quan niệm nghệ thuật, lý tưởng thẩm mỹ, hệ thống thi pháp riêng của từng tác giả. Chế Lan Viên thể hiện hành trình tìm kiếm này một cách quằn quại, day dứt nhất sau nhiều lúng túng buổi đầu. Gửi các anh là tập thơ bản lề còn nhiều hạn chế nhưng có ý nghĩa về mặt nhận đường trong văn chương của chính ông.

Đến Ánh sáng và phù sa (1966), Chế Lan Viên thực sự có bước chuyển biến bất ngờ với mối quan niệm mới, đánh dấu sự cách tân quan trọng không chỉ riêng ông mà còn cho cả nền thơ Việt hiện đại. Sau này, trong các tập thơ Hoa ngày thường, Chim báo bão (1967), Những bài thơ đánh giặc (1972), Đối thoại mới (1973), cả các tập được in sau 1975 nhưng chủ yếu sáng tác trước 1975 như Hoa trước lăng Người (1976), Ngày vĩ đại (1975), Hái theo mùa (1977) đều thống nhất một cảm hứng, một quan niệm đã có từ Ánh sáng và phù sa.Thơ phải gắn với cuộc sống, Nhân dân, với lý tưởng cách mạng và Đảng. Đó là sự chuyển biến dứt khoát, mãnh liệt của ông để chuyển từ siêu hình, bế tắc sang thơ ca hiện đại, cách mạng. Hai câu hỏi như một tuyên ngôn nghệ thuật.

Ta là ai? Như ngọn gió siêu hình

Câu hỏi hư vô thổi nghìn nến tắt

Ta vì ai? Sẽ xoay chiều ngọn bấc

Bàn tay người thắp lại trịêu chồi xuân

Đó chính là quá trình vật vã, day dứt để tìm cách thể hiện mới cho thơ của một nghệ sĩ “từ thung lũng đau thương ra cánh đồng vui”, “từ chân trời một người đến chân trời tất cả”. Đây cũng là quá trình chung của nhiều nghệ sĩ khác nhưng ở Chế lan viên bức bách, quyết liệt hơn cả. Bài “Nghĩ về thơ” chính là triển khai cụ thể quan niệm trên bằng thơ một cách tập trung. Đến “Nghoảnh lại mười lăm năm”, “Nghĩ về nghề, nghĩ về thơ, nghĩ …” thì những quan niệm trên đã sáng rõ. Nhân cách công dân- Nghệ sĩ của Chế lan Viên cũng hình thành, đủ sức định hướng nghệ thuật cho hành trình dài về sau”Ánh sáng soi rọi tôi và phù sa bồi đắp tôi. Ánh sáng tinh thần và phù sa vật chất của lý tưởng tôi” trở thành cảm hứng chủ đạo của Chế Lan viên trong giai đoạn này. Mối quan hệ chủ thể - khách thể, vì vậy càng triệt để, hiệu quả hơn.

Con gặp lại Nhân dân như nai về suối cũ

Cỏ đón giêng hai, chim én gặp mùa

Như đứa trẻ thơ đói lòng gặp sữa

Chiếc nôi ngừng bỗng gặp cánh tay đưa”

“Nội dung mang tính quan niệm, mang tính hình thức” cũng được Chế Lan Viên đề ra từ rất sớm “Hình thức cũng là vũ khí - Sắc đẹp của câu thơ cũng đấu tranh cho chân lý”. Thơ phải bao chứa tất cả hiện thực lớn lao của cuộc sống cách mạng, của lịch sử. Đây là một quan niệm phù hợp với nền thơ cách mạng.

Thơ cần có ích

Hãy bắt đầu từ nơi ấy mà đi

“Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng”, “Những bài thơ đánh giặc”, “Thời sự hè 72 - Bình luận”, “Văn xuôi về một vùng thơ”, “Thơ bình phương, đời lập phương”… đã tiến xa thêm một bước thể hiện sự thống nhất giữa nội dung và hình thức, dù có lúc “Cái tinh tuý cỏ hoa tạm thời chưa nghĩ đến”. Quan niệm về hình thức được Chế Lan Viên đề ra nghiêm ngặt, coi đây là một phẩm chất quan trọng trong việc chuyển tải nội dung. Và hình thức, theo ông, cũng không phải nhất thành bất biến mà vô cùng phong phú “Nội dung bể phải đâu muôn đời vẫn thế -Thay hình thức của thuyền đi sẽ hiểu bể thêm mà”.

Những lá thơm hái lúc về già

Hái những lá có hương tư tưởng

Khi cây đã hoá trầm trong ruột

Lá đủ rồi, phải đợi gì hoa

Sự thống nhất hình thức – nội dung này lại được đạt trong mối quan hệ có tính cấp thiết nữa. Đó là: Kết hợp nhuần nhuyễn giữa tính dân tộc và quốc tế; giữa truyền thống và cách tân với những phẩm chất đích thực “ta nối liền ta trong bề dọc thời gian – Câu thơ thế kỷ 20 liền hơi với hồn cha ông trong truyện Kiều, Chinh phụ”.

Đó là những quan niệm nghệ thuật quán xuyến của Chế lan Viên trong suốt thời gian dài, kể cả sau 1975.

NHỮNG LÁ THƠM HÁI LÚC VỀ GIÀ

Căn cứ ở quan niệm thơ và thực tiễn sáng tác, từ 1975 đến cuối đời, có thể coi là chặng hành trình thứ ba của cuộc đời nghệ thuật Chế Lan Viên. Đặc biệt với Di cảo thơ (3 tập), Chế Lan Viên đã làm cho chúng ta kinh ngạc, khâm phục không chỉ ở số lượng tác phẩm mà còn là những quan niệm nghệ thuật mới, thoạt nhìn tưởng như trái ngược với trước đó.

Sự đa dạng trong bút pháp, đề tài, chủ đề được ông hướng về nhều lối rẽ khác nhau là điều dễ thấy của thơ ông giai đoạn này. Thế sự - đời tư – đạo đức được tăng cường. Chất trí tuệ càng cô đúc và có những khái quát nghệ thuật bất ngờ. Tập “hoa trên đá” (1984) tuy còn giữ giọng điệu cũ ở nhiều bài nhưng nhìn chung, nhu cầu ca hát về mình, những riêng tư gắn với việc triết luận về cuộc sống đã thành nội dung chủ đạo, phù hợp với sở trường của ông. Đến “Ta gửi cho mình” (1986) và “Di cảo thơ”(3 tập 1992, 1993, 1996), Chế Lan Viên nghiêng hẵn về nội dung Đời tư- Thế sự - đạo đức. “Cái tinh tuý cỏ hoa” giờ đây được tăng cường như một nhu cầu bù đắp. Mối quan hệ giữa chủ thể-khách thể đã có sự vận động. Chế Lan Viên luôn triết lý, tổng kết về những vấn đề có liên quan đến con người cá nhân, những quy luật vĩnh hằng của cuộc sống…

Bỏ những tấm lòng đã yên đã cũ

Mở những hồn thơ, chưa thấy, chưa trông

Từ giọng cao của giai đoạn trước, ông chuyển sang giọng trầm và bắt nhịp một cách tinh tế. Bài Đề tài, Trong hồn … nói lên những quan niệm mới. Sống chết; Lao động sáng tạo; Thời gian sống đời người, Thời gian vĩnh hằng… được tác giả chiêm nghiệm đến cạn kiệt và thể hiện bằng thơ trong trạng thái bệnh tật, già yếu nên có pha chút xa xót, tủi buồn. Nỗi xa xót, tủi buồn, luyến tiếc của một người sắp xa trần thế để về xứ không màu. Đó cũng là thái độ, lòng khao khát yêu đời, mong thơ ca mình luôn có ích.

Chế Lan Viên da diết đi tìm Cái đẹp bằng cách soi vào chính mình, tìm ra các mặt phân hoá, đối lập, tạo ra những phủ định của phủ định. Thơ ông mang nỗi đau triết học. Và bên sau nỗi đau ấy, cái mới hiện hình

Anh là tháp Bay - on bốn mặt

Giấu đi ba còn lại đó là anh

Chỉ mặt đó mà nghìn trò cười khóc

Làm đau ba mặt kia trong cõi ẩn hình

Ở giai đoạn cuối đời, Chế Lan viên cũng có những thay đổi về hình thức. Ông nghĩ nhiều về một phương thức biểu hiện mới cho thơ. Ông tiết kiệm hơn, chuộng ngắn mà tinh.

Nhân loại đi xa chớ có vẽ bày

Từ ngữ kềnh càng văn chương vô lối

Cả đời anh, anh thu nhỏ lại

Chỉ còn cái lõi

Cho nhân loại mang cùng, nhân loại cầm tay

Chính “cái lõi’ ấy mà suốt đời Chế Lan Viên cần mẫn đi tìm và thấy mình có lỗi với thi ca. “Thơ thế kỷ 21 mà – làm sao có thể hồn nhiên - Sau hai nghìn năm tìm tòi, phá phách”. Ông nhìn cuộc đời vẫn bằng tấm lòng nhân hậu và thiết tha mong nền thi ca dân tộc tiến lên bằng nhiều phong cách lạ

Khi anh gần chạng vạng

Thì có người bình minh

Đừng lấy hoàng hôn anh ngăn cản

Ban mai của họ sinh thành

 

***

 

Dĩ nhiên, quan niệm thi ca của Chế Lan Viên có mặt này, mặt khác, thoạt nhìn tưởng mâu thuẫn nhau. Và thực tế có nhiều cách hiểu, đánh giá khác nhau về những bài thơ cuối đời của Chế Lan viên. Thực ra, vấn đề không đến nỗi phức tạp như thế. Sự phong phú, khó nhận biết ở thơ ông chính là những mâu thuẫn, những nghịch lý hợp lý biện chứng của một tư duy triết học, được thể hiện bằng ngôn ngữ thơ đa dạng, bằng hình ảnh và các phương thức tu từ đặc sắc nên tạo ra nhiều nghĩa, nhiều lớp liên tưởng trong người đọc. Điều này làm cho quá trình đánh giá về thơ cũng như về quan niệm thơ của Chế Lan Viên trở nên cấp thiết và có ý nghĩa về lý luận thực tiễn sáng tạo.

                                                                                    Đông Hà,16.8.1997

                                                                                            H.T.H.

 

Hồ Thế Hà
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 36 tháng 09/1997

Mới nhất

Thành phố Đông Hà sôi nổi giải cờ tướng, đẩy gậy và các trò chơi dân gian mừng Đảng, mừng xuân Ất Tỵ 2025

8 Giờ trước

TCCVO - Sáng 5/2/2025, thành phố Đông Hà tổ chức giải cờ tướng, đẩy gậy và các trò chơi dân gian mừng Đảng, mừng Xuân Ất Tỵ 2025. Giải đấu thu hút gần 150 vận động viên (VĐV) nam, nữ đến từ 9 phường trên địa bàn thành phố.

Chương trình nghệ thuật đặc biệt mừng Đảng, mừng Xuân Ất Tỵ 2025

11 Giờ trước

TCCVO - Tối ngày 28/01/2025 (29 tháng Chạp), tại Quảng trường Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Quảng Trị, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt mừng Đảng, mừng Xuân Ất Tỵ 2025 với chủ đề “Khát vọng vươn mình”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam cùng đông đảo người dân địa phương đến dự.

Thành lập Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Quảng Trị

04/02/2025 lúc 08:35

Sáng ngày 3/2, Tỉnh ủy Quảng Trị tổ chức hội nghị công bố quyết định thành lập Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy.

Ngày xuân về Gio Mỹ xem lễ hội cướp cù

02/02/2025 lúc 09:50

TCCVO - Ngày 1/2/2025 (mồng 4 Tết), tại làng An Mỹ, xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh (Quảng Trị) đã diễn ra lễ

Ban Chính sách với sứ mệnh kết nối thiêng liêng (Kỳ 2)

01/02/2025 lúc 11:01

Ban Chính sách, Phòng Chính Trị, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh Quảng Trị được giao nhiều nhiệm vụ quan trọng, không chỉ hỗ trợ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ mà còn thực hiện các chế độ chính sách đối với người có công với cách mạng...

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

06/02

25° - 27°

Mưa

07/02

24° - 26°

Mưa

08/02

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground