Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 24/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Những vò nước niềm tin

Không có nước dĩ nhiên không có sự sống, điều này ai cũng biết. Nhưng ở những quốc gia có nền nông nghiệp chủ lực thì nước còn là một biểu tượng của niềm tin, của sự may mắn. Khi nói chữ “nước”, cũng có thể hiểu đấy là một vùng lãnh thổ chủ quyền - đất nước.

Tái hiện cảnh dâng bảy vò nước lên chúa Nguyễn Hoàng trong chương trình

Tái hiện cảnh dâng bảy vò nước lên chúa Nguyễn Hoàng trong chương trình

1. Tháng 10 năm Mậu Ngọ (1558), Đoan quốc công Nguyễn Hoàng đã cùng đoàn quân Nam tiến. Khi vào xứ Thuận Hóa, ngài chọn Ái Tử làm nơi dựng nghiệp buổi đầu. Bấy giờ, lưu thủ Thuận Hóa là Tống Phước Trị đã tìm đến để dâng cho Nguyễn Hoàng bản đồ cùng sổ sách trong xứ và xin được một lòng phò tá. Những bô lão trong vùng cũng mang đến bảy vò nước dâng lên Nguyễn Hoàng. Thái phó Nguyễn Ư Dĩ, cậu ruột Nguyễn Hoàng, cho rằng: Đấy là phúc trời cho đó. Việc trời tất có hình tượng. Nay chúa thượng mới đến mà dân đem “nước” dâng lên, có lẽ là điềm “được nước” đó chăng?

Những vò nước dâng tặng buổi đầu ấy đã giúp Nguyễn Hoàng vững tin xây dựng cơ đồ, mở mang bờ cõi về phương Nam. Bấy giờ nơi đây còn là vùng chướng khí, giặc giã và hải tặc cũng thường xuyên quấy phá. Chúa Nguyễn Hoàng đã trấn an thiên hạ, cho dân tự do khai phá vỡ đất hoang canh tác, giảm thuế. Nhờ thu phục lòng người, chỉ một thời gian ngắn Ái Tử đã thành nơi sum tụ, cuộc sống tốt đẹp hơn, và người dân gọi ngài là chúa Tiên. Điềm được nước của chúa Tiên thật linh nghiệm, bởi nước cũng tựa như lòng dân, có được lòng dân hợp sức thì làm gì cũng thuận lợi.

Tháng 7 năm 1572, tướng nhà Mạc là Lập Bạo dẫn 60 binh thuyền vượt biển vào gây loạn. Biết thế giặc đang mạnh, chúa Tiên cắt cử quân lính trấn giữ ở bờ sông Ái Tử. Một đêm nghe từ lòng sông có tiếng kêu “trao trao”, chúa thấy lạ liền khấn xin thần sông giúp đỡ để đánh giặc. Hôm đó nằm ngủ, chúa mộng thấy một người đàn bà mặc áo xanh, tay cầm quạt the đến nói rằng: minh công muốn trừ giặc thì nên dùng mỹ nhân kế dụ đến bãi cát, thiếp xin giúp sức. Tỉnh dậy, chúa sai nàng thị nữ sắc đẹp họ Ngô đi dụ Lập Bạo. Nhờ đó Nguyễn Hoàng đã thắng quân giặc. Nhớ ơn phò trợ, Nguyễn Hoàng đã phong thần sông làm “Trảo trảo linh thu phổ trạch tướng hựu phu nhân” và lập đền thờ. Như vậy, thêm một lần nữa, chúa Tiên đã dựa vào điềm báo của nước, có được niềm tin từ nước sông Ái Tử - một phụ lưu của sông Thạch Hãn, con sông dài gắn liền với bao lớp lang lịch sử của vùng đất Quảng Trị.

Thế kỷ XIX, sông Thạch Hãn được vua Minh Mạng cho khắc lên Thuần đỉnh, một trong chín cái đỉnh đồng (cửu đỉnh) đến nay vẫn được đặt trong sân Thế miếu, hoàng thành Huế. Đến đời vua Thiệu Trị, khi xa giá Bắc tuần, qua sông này, nhà vua có đề hai bài thơ ngự chế là Thạch Hãn giang và Quá Ái Tử giang thuật cổ, trong đó có câu: Hà thiên miếu mạo truyện hương hỏa / Phong động ba minh hộ quốc tâm (Miếu mạo sông linh còn truyền hương hỏa / Gió lay động sóng gào bảo vệ đất nước).

2. Sang thế kỷ XX, cũng chính dòng sông này là nơi đẫm bi thương của chiến tranh, được ví như nghĩa trang không mộ. Những người lính ngã xuống ấy còn rất trẻ, đến từ nhiều vùng miền cả nước, họ vĩnh viễn nằm lại Quảng Trị và hóa thân vào sông nước Thạch Hãn.

Vào ngày Tết cổ truyền Songkran, người Thái Lan thường đến chùa tắm Phật, dâng hương và cầu may mắn - Ảnh: IT

Vào ngày Tết cổ truyền Songkran, người Thái Lan thường đến chùa tắm Phật, dâng hương và cầu may mắn - Ảnh: IT

Với tâm nguyện không đưa được đồng đội đã hy sinh về với quê hương thì sẽ đưa quê hương vào cho đồng đội, từ tháng 4/2009, chương trình hành hương “Đưa quê hương vào cho đồng đội” đã được những người lính từng một thời trận mạc thuộc mặt trận Quảng Trị thực hiện và duy trì cho đến bây giờ. Trong những đoàn hành hương về thăm chiến trường xưa hôm nay, thường có những vò nước. Đấy là nước được lấy từ các vùng quê khác nhau đưa vào đây, hòa xuống dòng sông Thạch Hãn. Những vò nước chất chứa nghĩa cử nhân văn, để người nằm xuống vẫn "tin" rằng họ không bị quên lãng, vẫn có hơi ấm quê nhà.

Ở Quảng Trị có một cái miếu, tục gọi miếu Ngài, vốn khi xưa là mộ của một thầy thuốc Đông Y. Ngày nay nhiều người thường đến miếu Ngài, mang theo chai nước trong đến cúng, rồi mang nước về uống để chữa một số bệnh. Xin không bàn đến sự hiệu nghiệm, song đấy cũng là một vị thuốc từ nước, có thể là liệu thuốc tinh thần, khi con người có niềm tin và khát vọng sống thì sẽ chiến thắng bệnh tật.

Người quê tôi đến hôm nay vẫn có tục lệ, vào ngày cúng đầy tháng cho trẻ con thì múc một ít nước ở sông đem về. Nước được đổ vào thau, phía trên gác một chùm cây bốm (nhiều gai) rồi đốt. Khi đó bồng đứa trẻ đưa qua đưa lại phía trên lửa gai và nước. Có lẽ đấy là quan niệm, cũng là mong mỏi đứa bé mạnh khỏe, lớn lên kiên cường vượt qua gai góc, thủy hỏa. Thế mới biết, sinh lão bệnh tử đều có liên quan đến "tín ngưỡng" nước.

3. Dùng nước để thanh tẩy cũng là một nghi thức trong việc cúng của nhà Phật. Thường khi vào lễ, các thầy sẽ dùng một bông hoa chấm vào cốc nước trong và viết một chữ tượng hình giữa không trung hoặc rưới lên một đồ vật nào đó. Ấy gọi là sái tịnh, hay sái thủy, nhằm để mọi vật được thanh sạch. Bông hoa cũng thay cho cho nhành liễu, cốc nước tượng trưng bình nước cam lồ, hai vật trên tay tượng phật Bồ tát Quán Thế Âm. Với cách hiểu đó thì sái tịnh còn là dùng nước để đem đến những điều may mắn, cứu độ chúng sanh. Cũng tương tự như quan niệm chung về lễ hội té nước ở các quốc gia Đông Nam Á.

Ở nhiều quốc gia có thiên hướng đạo Phật, té nước là một hoạt động thường diễn ra trong mấy ngày lễ tết: tết Songkran của Thái Lan, tết Chol Chnam Thmay của người Campuchia, tết Bunpimay người Lào... Vào những dịp này, người ta dùng nước tắm tượng Phật, tắm các nhà sư để chúc phúc. Ngoài đường thì mọi người té nước vào nhau, để xua đi những điều xui rủi, ai ướt nhiều thì được nhiều may mắn.

Lễ té nước của các nước láng giềng gợi nhớ đến ngày Tết cổ truyền của người Việt Nam, với nồi nước đun để tắm tất niên. Những thứ lá quen thuộc trong vườn nhà như lá bưởi, lá chanh, lá sả, lá mùi... được bỏ vào nồi đun sôi, ngào ngạt hương. Nồi nước tắm ấy để nguội bớt, hoặc hòa vào nước lạnh để tắm.

Nhớ những năm chín mươi thế kỷ trước, khi cả xóm tôi chỉ có được một cái giếng chung. Không hiểu sao nhà ai đào giếng cũng bị phèn, chỉ có cái giếng xóm có từ xưa là nước trong veo. Thành giếng từ dưới lên được sắp đá cuội, rêu xanh và dương xỉ mọc đầy giữa các kẽ hở, thế mà nước rất "ngọt".

Chiều ba mươi, bà nội hoặc mẹ sẽ đun một nồi nước lá rồi bưng ra giếng làng cho mấy đứa con, mấy đứa cháu cùng tắm. Trời cuối năm se lạnh, nồi nước lá âm ấm và hương thơm dân dã ngào ngạt khiến trẻ con rất thích. Ấy gọi là tắm tất niên, tắm cho sạch để ngày mai được mặc áo mới đi chơi tết. Người lớn thì gánh nước về nhà tắm. Tắm tất niên là để gột rửa những điều không hay năm cũ, đón năm mới thơm tho hơn.

Chum nước nhà quê luôn đầy mỗi khi đón năm mới - Ảnh: T.Đ

Chum nước nhà quê luôn đầy mỗi khi đón năm mới - Ảnh: T.Đ

Cái giếng xóm những ngày cuối năm lúc nào cũng có người, giặt giũ chăn màn, chùi rửa đồ đạc. Chiều ba mươi thì hầu như chỉ còn những đứa trẻ, hoặc đàn ông đến giếng tắm, và gánh nước về nhà. Đi gánh nước thì phải xé một ngọn lá thả vào mặt nước trong thùng, gọi là làm phép để tránh ma vọc. Có khi tối mịt sắp giao thừa vẫn còn người đem quang mây đến gánh nước về đổ vào chum, vào vại, vào lu. Đầu năm trong nhà phải đầy nước, người quê quan niệm như vậy, ý là tiền vô như nước.

Trong xứ sở tàng ẩn những điều thiêng liêng, nước dường như cũng được phong thánh: Đất có thổ công, sông có hà bá. Và những quan niệm từ nước hầu hết đều mang tính may mắn, tốt lành, gửi gắm những niềm tin.

TÂM ĐỒNG

Mới nhất

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

25/04

25° - 27°

Mưa

26/04

24° - 26°

Mưa

27/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground