T |
ôi ngồi vào bàn và nghĩ rồi kình sẽ viết điều gì đây? Cả thời ấu thơ sống bên biển Cửa Tùng, tôi lớn lên cùng sóng và cát, mấy năm trời lang thang xứ người học chữ, lại trở về cùng sóng và cát, đơn giản vậy, nào có điều chi để nói…
Chiến tranh kết thúc khi tôi và những đứa bạn vừa bốn năm tuổi. Đó là một ngày… không hiểu vì sao tôi lại nhớ rõ được cái ngày đặc biệt đó như thế, với trí nhớ của thằng bé bốn tuổi. Đó là một ngày đẹp nắng chan hòa, tôi được ba cho theo tàu ra đảo Cồn Cỏ. Sau này tôi mới biết đó là chuyến tàu đầu tiên chở hàng tiếp tể đảo mà không phải mang theo súng và những cơ số đạn. Chuyến tàu hòa bình chở các o văn công và máy móc phim ảnh. Biển mênh mông. Trời mênh mông. Tàu cập vào Bến Nghè, các chú bộ đội ùa xuống nước đón chúng tôi, rồi các chú ấy khóc, các o văn công khóc… tôi chẳng hiểu gì cả thấy người lớn khóc nhiều quá cũng đứng khóc theo…
Hai mươi năm sau, cũng một chuyến tàu hòa bình nữa chở tôi lần thứ hai ra đảo Cồn Cỏ. Biến vẫn mênh mông, trời vẫn mênh mông, Bến Nghè hình như chẳng thay đổi gì sau bao mùa biển động. Cồn Cỏ vẫn xanh muốt cỏ cây, chỉ riêng tôi đã không còn là vị khách tí hon nữa. Thời gian đủ để biến thằng bé bốn tuổi thành một sĩ quan Quân đội; đủ để tôi suy nghĩ, chín chắn và chiêm nghiệm…
Nhớ ngày xưa bọn trẻ chúng tôi đuổi cỏ mặt trời trên bờ biển Cửa Tùng, những bông hoa cát bay cùng gió Lào cát trắng đã từng là niềm say mê bất tận của chúng tôi. Loài cỏ này thật kỳ lạ, giữa hoàng hôn nhuộm màu đỏ rực, hoang sơ kì diệu như một khung cảnh thời tiền sử. Cửa Tùng bây giờ chẳng biết loài cỏ ấy đi đâu hết mà không thấy…bỗng dưng nuối tiếc điều gì không rõ, đã mất đi. Có con bé đen nhẻm, tóc vàng hoe, chiều mô cũng đuổi cỏ mặt trời. Có bông cỏ bay dọc theo bờ cát, nó đuổi theo cỏ, bị gió Lào xô ra biển, bông cỏ chấp chới rồi mất hút giữa thăm thẳm biển khơi. Thế là con bé đứng khóc suốt buổi chiều; còn tôi, tôi còn quá bé để dỗ dành nó như dỗ dành những cô gái bây giờ. Với non nớt trẻ con tôi tự an ủi mình rằng bông cỏ ấy đã bay đến hòn đảo mờ xanh ở cuối chân trời kia…
Tôi bước lên Cồn Cỏ như trở về miền đất thân quen và yêu dấu. Những khóm phong ba xanh non, lá phong ba tưởng như bàn tay con gái rung rinh đón gió Nồm biển khơi. Những bờ cát san hô lấp lánh dưới ánh nắng vàng mùa hè. Những ghềnh đá cheo leo. Bến Nghè rợp bóng mát của những gốc bàng cổ thụ, những cây bàng đứng đó từ thời chiến tranh, da sần sùi thân còn găm những mảnh bom. Có lẻ tuổi của bàng còn lớn hơn tuổi của những người lính gìa nhất trên Đảo hôm nay. Bỗng dưng tôi sống lại cảm giác của thằng bé bốn tuổi cách đây hai mươi năm. Cái cảm giác ngây thơ của nhân loại khi đứng trước một điều gì đó vừa thiêng liêng vĩ đại, vừa gần gũi thân quen.
Bạn đọc thân mến, tôi sẽ không kể về những điều mà người khác đã kể, rằng hòn đảo của tôi chỉ rộng bốn ki-lô-mét vuông; rằng nhìn ra Cửa Tùng chếch về phía Đông Bắc sáu mươi mốt độ đảo như bờ vai thiếu nữ, rằng mỗi hòn đá, gốc cây trên đảo đều là những sự tích anh hùng; rằng địa danh trên đảo đều mang dáng dấp đất liền; những Bến Tranh, Bến Nghè, Con Hổ, Hải Phòng, Nam Hà, Triệu Hải, Hi Rôn, Đồi Si(1)… rằng “Cồn Cỏ có con cá đua”.
Tôi lần theo những chiến hào có từ thời chống Mỹ, những chiến hào được kè đá chắc chắn, từng viên đá được xếp ngay ngắn, tự nhiên như đội ngũ đã ngấm mồ hôi và máu bao thế hệ người lính đảo. Chiến hào dẫn tôi đến bên những khẩu pháo. Pháo lặng lẽ giấu mình trong công sự, nòng pháo vươn cao, thao thức, ngạo nghễ với trời xanh và biển xanh. Thế đấy, chiến tranh đã hết từ bao nhiêu năm, cỏ đã lên xanh bờ công sự, cả thế hệ tôi sinh ra, lớn lên, học hành nào biết gì về chiến tranh; nhưng ở đây, nơi cách đất liền mười bốn hải lý ai biết được chiến tranh sẽ chẳng bắt đầu từ nơi nào đó giữa mênh mông trời xanh và biển xanh kia.
Dưới chân Đồi Si, trung úy Phan Văn Thắng đang lên lớp bài học chiến thuật “Trung đội bộ binh tập kích”. Từng tổ 3 người đang tập phần vận động chiếm lĩnh trận địa. Cả Thắng và tôi, cả những chàng lính trẻ kia nào biết gì về chiến tranh, có chăng chiến tranh đã thấm vào chúng tôi từ trong sách vở, phim ảnh, trong từng giờ học ở trường sĩ quan; và giờ đây nó giấu mình trong cái lặng lẽ khẩu pháo, trong trang giáo án chiến thuật, trong tiếng mõ quay giả làm hỏa lực địch.
Tôi miên man vào rừng. Rừng Cồn Cỏ nhiều cây, cây mọc chen trên đá, mọc ngập những hố bom chi chít. Có loài cây chò chỉ nghe đâu ở rừng Quốc gia Cúc Phương mới có, không hiểu sao cũng góp mặt trong rừng Cồn Cỏ. Có lẻ từ thuở xa xưa, một cư dân Lạc Việt đã mang hạt giống vượt biển tới đây gieo xuống mảnh đất màu mỡ này như để cắm một cột mốc chủ quyền; hay chính là gió, gió đã mang chò chỉ đến? Tôi chỉ biết bây giờ chò chỉ, rễ bám chằng chịt vào khe đá thân thẳng tắp vươn cao giữa biển khơi. Bạn đọc hẳn còn nhớ anh hùng lực lượng vũ trang Thái Văn A, anh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình trong một trận chiến đấu máy bay Mỹ oanh kích ác liệt và cùng vị trí với anh, cùng sống chiến đấu với anh là cây chò chỉ- cây chò chỉ được dùng làm đài quan sát trên đồi Hải Phòng. Anh đã trở thành anh hùng, bình dị như thân cây chò chỉ đen nhẻm khói bom, xước đi nham nhở vì mảnh bom.
Đám trẻ con trên biển Cửa Tùng ngày xưa của tôi hai mươi năm qua, đứa vào đại học rồi làm cô giáo, đứa làm thợ mộc thợ nề, đứa làm ăn phương xa. Còn tôi, tôi trở về nơi mà bông cỏ Mặt Trời bay đến trong một chiều ấu thơ ấy. Con bé đen nhẻm nay đã trở thành cô giáo xinh đẹp ấy hẳn không ngờ rằng có một bông cỏ Mặt Trời đã bay đến rồi ở lại thành người lính giữ đảo. Ừ, thì đó cũng là sự tiếp nối tự nhiên của cuộc sống. Dân tộc ta là vậy, người Việt ta là vậy, suốt ngàn đời nay lớp này ngã xuống, lớp khác đứng lên, thế hệ này ra đi thì thế hệ khác lại tiếp nối. Một người nổi tiếng nào đó nói rằng lịch sử nhân loại thực chất là lịch sử các cuộc chiến tranh, cả thế hệ tôi sống trong hòa bình, đất nước đang đổi mới và phát triển, tôi và những sĩ quan khác được giáo dục đào tạo cơ bản chính quy để phục vụ chiến tranh-chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Nhưng…hằng đêm ngắm thành phố hoa đèn của tàu thuyền đánh cá rực rỡ bình yên quanh đảo lòng tôi lại cháy lên ước vọng khiêm nhường bao đời nay của con người: Giá như đừng bao giờ chiến tranh…
Có lẽ nhân loại sẽ tiếp tục nuôi ước vọng khiêm nhường đó nhiều thế kỷ nữa. Và tôi, tôi lại lẩn thẩn dọc theo chiến hào nhẩm lại một phương án tác chiến.
Bạn đọc thân mến, nếu bạn là thành viên một đoàn khách nào đó đến thăm đảo, đầu tiên khi bước lên âu tàu bê tông cốt thép, sẽ đi giữa hàng rào danh dự của sĩ quan và chiến sĩ đảo đúng như nghi thức quân đội. Bạn sẽ theo con đường cấp phối đá dăm lổn nhổn đi vòng quanh đảo, đến từng khẩu đội- Bạn đừng ngạc nhiên vì kiểu nhà kỳ lạ ở đây, bởi nhà ở đồng thời là công sự chiến đấu, cửa ra vào nối với chiến hào, cửa sổ đồng thời là lỗ châu mai, tường nhà dày có thể chống được đạn pháo tàu địch ngoài biển bắn vào. Bạn sẽ được lính đảo đón tiếp như người nhà, họ sẽ mời bạn uống nước lá sâm cau rừng, và nếu bạn là con gái sẽ được tặng bao nhiêu là vỏ ốc, san hô, vòng cườm, thế nhưng bù lại bạn cũng sẽ được mời hát- chỉ những bài hát về tình yêu không thôi… bạn sẽ hiểu đó là phần thiếu hụt nhiều nhất trong tâm hồn người lính đảo. Có những chàng lính trẻ suốt hai năm làm nghĩa vụ quân sự không hề rời đảo. Hai năm… cho dù những cánh thư đầy đặn bao nhiêu đi nữa làm sao chở nổi hơi ấm của đất liền? Chỉ tình yêu không thôi- phải chăng đó cũng là ước vọng khiêm nhường của nhân loại?
Những ngày tháng sáu năm 1997 này, bỗng dưng có gió mùa Đông Bắc, một sự bất thường của biển cả? Sóng bạc đầu cấp sáu dội vào vách đá nghe như tiếng bộc phá mở cửa đường hầm. Ở Bến Nghè thuyền đánh cá về trốn gió đậu san sát, một cảng cá- cầu tàu bê tông cốt thép rồi sẽ được xây dựng ở đây. Cồn Cỏ hôm nay đã sáng ánh điện đêm đêm, nước đã đủ dùng trong suốt mùa khô, đã có những ý tưởng, những dự án di dân ra đảo sinh cơ lập nghiệp, rồi tiêu, chè, mít- những đặc sản của đất mẹ Vĩnh Linh sẽ xanh tươi trên Cồn Cỏ… Những công trình, trạm thu mua và chế biến hải sản sẽ mọc lên; đường sá sẽ được nâng cấp rải nhựa phẳng lỳ, rồi tiếng khóc trẻ con, tiếng cười con gái sẽ vang lên, ấm áp một vùng biển Tổ quốc; một thế hệ, không, sẽ có nhiều thế hệ sinh ra mang lý lịch ghi nơi sinh: Cồn Cỏ. Một cuộc sống đầy đủ các biểu hiện của nó sẽ được thiết lập. Và tôi lại lẩn thẩn nghĩ rằng: Chiến tranh sẽ bị đẩy lùi như thế! Không biết cái ngày mà người lính cuối cùng rời đảo sẽ trở về đất liền sẽ diễn ra như thế nào. Cái ngày màu quân phục cỏ úa sẽ nhường cho màu áo hồng, áo tím thiếu nữ hẳn sẽ diễn ra trọng đại và xúc động lắm!
Bên cạnh lô cốt thủ hai tầng tôi đang chỉ huy bộ đội thi công, có đám cỏ Mặt Trời rộng lắm. Loài hoa cỏ ở Cửa Tùng ngày xưa từng chở những ước mơ tuổi thơ tôi bay xa, giờ đang ngủ yên trong gió nồm biển cả. Những chiếc gai cỏ dễ thương cắm ngập trong cát san hô. Chiều đã buông những ánh hồng tràn lên đảo. Tôi bỗng liên tưởng giữa bông cỏ Mặt Trời và cái lô cốt cố thủ kia. Cũng như cỏ, cái lo cốt cố thủ được cắm ngập trong cát san hô, chở che và nuôi dưỡng những ước vọng của người lính đảo.
Tôi ngồi vào bàn làm việc, một ngày mới ở Cồn Cỏ bắt đầu. Qua cửa sổ đồng thời là lỗ châu mai, tiếng sóng biển, tiếng gió biền ùa vào căn nhà đồng thời là công sự chiến đấu ấm áp và dễ chịu. Ngoài bãi tập, trung úy Phan Văn Thắng chỉ huy bộ đội luyện tập bài chiến thuật “Trung đội bộ binh tập kích”. Từng tổ ba chiến sĩ đang vận động vượt qua cửa mở đánh chiếm lô cốt đầu cầu. Bất giác tôi đưa mắt lên đỉnh Đồi Si- Đài tưởng niệm những người đã hy sinh vì Cồn Cỏ như thân cây chò chỉ được cách điệu, in đậm dáng vóc trang nghiêm của mình giữa trời xanh, biển xanh.
T.H
(1) Những địa danh trên đảo Cồn Cỏ