M |
ới đây trong lễ ra mắt Quỹ bảo trợ nạn nhân chất độc màu da cam, giáo sư Nguyễn Trọng Nhân, chủ tịch Hôi Chữ thập đỏ Việt Nam cho biết: Trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam, quân đội Mỹ đã rải xuống miền Nam 5.700 tấn chất độc màu da cam có đi-ô-xin rất độc, để lại hậu quả nặng nề. Những cuộc điều tra sơ bộ cho thấy có hàng trăm nghìn người Việt Nam đã bị tác hại do nhiễm chất độc màu da cam, là nguyên nhân gây ra nhiều loại bệnh tật, trẻ em sinh ra bị dị tật, dị dạng, bại não... Những tác hại kinh khủng đó rải đều trên đất nước ta, trong đó Quảng Trị là một trong những vùng trọng điểm bị ảnh hưởng nặng nề. Một con số được công bố rất hãi hùng: Toàn tỉnh có hơn 6.800 trẻ em bị tàn tật do hậu quả di chứng của chiến tranh.
NHỮNG NỖI ĐAU THẦM LẶNG
Còn mãi trong tôi hình ảnh người mẹ nghèo lam lũ Nguyễn Thị Huyền ở Bảng Sơn, Cam Nghĩa, Cam Lộ hôm bà chống gậy đến trụ sở UBND xã xin khất món nợ vay ba triệu đồng nuôi trẻ tàn tật tại gia đình do Hiệp hội W.P. Schmitz Stigtung tài trợ trong vòng hai năm. Nước mắt lưng tròng bà kể lể: Nhà vốn vay qua Hội từ thiện tỉnh, tôi mua một đôi bò, bước đầu lãi được hai con. Mới rồi tôi cố gắng vét hết số tiền bán đủ thứ để trả một nửa số vốn vay thì bị đợt dịch bệnh trâu bò, con bê nghé bị chết. Lãi đâu chưa thấy, thâm vào vốn. Tôi nghèo khó nhưng không bội tín. Cho tôi khất nợ một thời gian, tôi sẽ chạy vạy trả đủ cho Hội, để Hội tiếp tục cho gia đình khác vay". Nghe vậy, không ai nỡ nói gì thêm bởi ai cũng biết rõ hoàn cảnh éo le của bà, Chồng bà đã chết cách đây năm năm do bệnh tật, để lại cho bà bốn đứa con. Đứa đầu nhờ trời cho lành lặn, là lao động chính của gia đình, nuôi mẹ và ba đứa em bất hạnh bị tàn tật. Bà cho biết những năm chiến tranh, bà sống trong môi trường đầy rẫy bom đạn và chất độc do quân đội Mỹ gieo rắc xuống quê hương. Ba đứa con của bà có thể là hậu quả của những năm tháng ấy, Suốt bao nhiêu năm qua, bà lặng lẽ ngày đêm ở nhà phục vụ cho các con, Cháu Lê Thị Hạnh đã mười lăm tuổi nhưng chỉ bé bằng đứa trẻ sáu, bảy tuổi. Cháu bị teo cơ phải nằm một chỗ. Cháu Lê Thị Đèo, mười ba tuổi vừa bị teo cơ vừa bị mù. Cháu Lê Văn Khanh, mười một tuổi, con út cũng bị teo cơ nằm liệt một chỗ. Cả ba cháu đều bị ngớ ngẩn, do đó bà phải làm tất cả mọi việc, từ việc bón cơm cháo đến việc vệ sinh cho các cháu. Nhà chỉ trông cậy vào cháu đầu, nhờ trời khỏe mạnh phải cáng đáng hết công việc đồng áng để nuôi mẹ và các em. Cháu tuy đã trưỏng thành nhưng chưa lập gia đình bởi chưa có cô gái nào đủ nghị lực để về làm chị dâu của ba đứa em bất hạnh... Đã nhiều lần đến thăm gia đình bà, vẫn vậy, ngôi nhà tranh vách đất lộng gió bốn mùa. Trong nhà chẳng có gì ngoài một ít lúa và sắn khô. Gia sản của bà chỉ có đôi bò chăn nuôi lấy lãi vay từ nguồn vốn của dự án "Nuôi trẻ tàn tật tại cộng đồng"...
Gia cảnh của bà Huyền chỉ là một trong hàng trăm hàng ngàn gia đình phải gánh lấy hậu quả chiến tranh ở Quảng Trị. Chỉ tính ở địa bàn Cam Lộ, toàn huyện có 936 trẻ em bị tàn tật thì riêng xã Cam Nghĩa có đến 111 cháu, Cam Chính 96 cháu. Hầu hết các gia đình có con em bị dị tật đều rất khó khăn, không có khả năng chăm sóc, chữa bệnh cho các cháu.
"Những hoàn cảnh như thế này còn rất nhiều ở vùng này, có đi hàng tuần vẫn chưa thăm hết" - Chị Trần Thị Quýt Chủ tịch Hội phụ nữ xã Cam Nghĩa nói vói tôi như thế khi đưa chúng tôi đến thăm nhà bà Lê Thị Kỷ. Bà có đứa con là Lê Thị Đạt, 12 tuổi, bị liệt hai chân phải ngồi một chỗ. Không có đồ chơi, mẹ cháu đóng cho một xe gỗ để ngồi và treo lơ lửng một chiếc bẹ chuối trước mặt để cháu chơi. Bà Kỷ cho biết khi mới sinh cháu chỉ nặng 900 gam. Thương con, bà đã bán hết đồ đạc trong nhà, những thứ có thể bán, chạy vạy khắp nơi, tốn kém bao công sức mới cứu được cháu khỏi bàn tay của tử thần. Bây giờ cháu đã nhận biết được cha mẹ, người thân trong nhà, duy chỉ có đôi chân là không động đậy được. Hiện gia đình đang tập tành cho cháu theo sự hướng dẫn của các y bác sĩ phục hồi chức năng với hy vọng tình trạng sức khỏe của cháu sẽ khá hơn.
Một hoàn cảnh đặc hiệt khác, gia đình ông Lê Văn Lộc và bà Lê Thị Mít. Nhà ông bà có cả thảy bốn đứa con thì ba đứa đã bị dị tật. Ngoài cháu đầu được 20 tuổi là lành lặn, là lao động chính giúp cha mẹ nuôi em. Cháu thứ hai là Nguyễn Văn Chuối, 14 tuổi bị bệnh tâm thần, màu da xanh xao gầy mòn. Cha mẹ cháu phải trói hai tay cháu lại bởi nếu thả ra thỉ cháu lấy tay đập vào đầu. Còn cháu thứ ba thì đã chết khi lên bốn tuổi. Cháu út là Nguyễn Văn Trường, 7 tuổi, bị teo cơ, tay chân mềm nhủn, không ngồi được, chỉ nằm trên giường mở to mắt nhìn người lạ…
Không có điều kiện đi thăm hết các gia đình có con em bị dị tật, chúng tôi chỉ đến thăm một số gia đình nữa là gia đình anh Nguyễn Văn Tân, có hai cháu thì cháu thứ hai là Nguyễn Văn Linh, 8 tuổi bị thọt chân và gia đinh anh Lê Văn Mướp có cháu đầu là Lê Văn Thắng, 9 tuổi, bị liệt nằm một chỗ từ trước đến nay. Đặc biệt hơn lả cả gia đình ông Trần Sâm ỏ Cam Tuyền có 4 đứa con là: Thuận, Hoàng, Lũy, Lăn đều bị bại liệt chân tay. Còn nhiều trường hợp khác như cháu Lê Thị Hoài Nhơn ở Cam An, 16 tuổi, hai tay chỉ mọc nhú lên hai mẩu nhỏ, ngắn, chỉ thấy năm ngón tay xòe ra hai vai. Ở chân cháu Cũng vậy, chỉ có những ngón chân bé xíu nhô ra từ một mẩu đùi. Lại có trường hợp khi sinh ra đã không có mắt, không có lưỡi gà như cháu Trần Văn Cu ở xóm Ngô Đồng, Cam Thành...
Đấy chỉ là một số điểm chúng tôi đến thăm. Còn có hàng trăm, hàng ngàn trường hợp con em bị dị tật khác ở các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong, Hải Lăng... đang là nỗi đau nhức nhối của nhiều gia đình và cũng là mối quan tâm lớn của chính quyền địa phương.
ĐI-Ô-XIN, KẺ SÁT NHÂN
Khi chúng tôi nêu thực trạng trẻ em tàn tật ở Quảng Trị, nhiều người đặt câu hỏi về nguyên nhân. Vâng, có rất nhiều nguyên nhân, trong đó có những bằng chứng do hậu quả chiến tranh đã được đề cập. Theo Chemisrtry in Australia, C & EN đưa ra con số 1/5 diện tích Việt Nam từ vĩ tuyến 17 trở vào bị nhiễm đi-ô-xin ở hàm lượng 250 ppb - partper billion (2,5 kg/km ) mà chỉ cần 1 ppb đã có nguy cơ đến sức khỏe,>100ppb có khả năng gây ung thư cao. Ở Việt Nam số người bị nhiễm đi-ô-xin có thể lên đến 3 triệu người.
Trong cuộc chiến tranh Việt Nam, quân đội Mỹ bằng chiến dịch Ranch Hand đã sử dụng chất làm rụng lá cây và chất diệt cổ (chủ yếu là các loại hóa chất 2,4, 5-7, 2,4 D) với 6,542 phi vụ rải xuống các khu rừng, trong đó Quảng Trị có đến 347 phi vụ làm hủy hoại 44% đất canh tác, 43% diện tích rừng nhiệt đới mà ước tính lượng đi-ô-xin ít nhất là 170 kg. Ảnh hưởng của nó đến con người đang trở thành vấn đề thời sự nóng hổi của các nhà khoa học trên thế giới.
Cuộc chiến tranh đã lùi xa hơn hai mươi năm rồi nhưng ở nhiều nơi trên vùng đất Quảng Trị, hậu quả của nó vẫn còn tiếp diễn. Ông Hoàng Văn Thông, phó chủ nhiệm Ủy ban BV&CSTE Quảng Trị cho biết cả tỉnh có 6.800 trẻ em bị tàn tật, nơi cao nhất là huyện Vĩnh Linh 1185 cháu, Cam Lộ 936 cháu, Triệu Phong 850 cháu…
Đặc biệt huyện Cam Lộ với số dân trên dưới 40.761 người, số trẻ em dưới 15 tuổi là 17.083 (chiếm 46,8% dân số) thì trẻ em bị dị tật bẩm sinh chiếm tỷ lệ cao: 1, 97%, tập trung các dị tật mắt: 0,29%, não: 0,25%, chi: 0,24%, liệt chi: 0,16%, u máu: 0,15%, tâm thần đần độn: 0-14%, sứt môi hở hàm 0,12%... Những địa bàn có số trẻ bị dị tật cao ở trên đều nằm trong vùng ảnh hưỏng chất độc đi-ô-xin.
Trước đây, ông Phan Danh, nguyên giám đốc sở Khoa học công nghệ và môi trường Quảng Trị khi còn sống là người rất quan tâm đến vấn đề này. Bước đầu ông đã bày tỏ quan điểm và thái độ của mình qua các bài viết nghiên cứu đăng trên các tạp chí khoa học với mối quan tâm tác hại của các chất độc do Mỹ sử dụng trong chiến tranh gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân ở Quảng Trị và nhiều vùng đất khác trên dãi đất Việt Nam. Ở một bình diện rộng hơn, những nghiên cứu thực nghiệm về các chất diệt cỏ và làm rụng lá cây (CDC & LRL) đã được tiến hành ở nhiều nước như: Đức, Anh, Nga, Hà Lan, Mỹ... với nhiều tổ chức như EPA, UNEF, FA, WHO... và nhiều trường đại học như Amsterdam (Hà Lan), Nebraska Lincoln (Mỹ)... kết quả nghiên cứu bước đầu thừa nhận tác động của chúng đến động vật gây biến dị ung thư, gây biến cố sinh sản, là nguyên nhân của dị tật bẩm sinh... Năm 1993, tại Hội thảo quốc tế về chất diệt cỏ làm rụng lá cây trong chiến tranh tác động lâu dài lên con người và thiên nhiên tổ chức ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, khu vực Quảng Trị cũng đã được đề cập đến về ảnh hưởng của chất độc hại này...
Trong khi chưa có kết luận chính thức cũng như sự giúp đỡ hữu hiệu nào từ bên ngoài, hầu hết các gia đình có con em bị dị tật đều có hoàn cảnh rất khó khăn, không có điều kiện chăm sóc, chữa bệnh cho con em. Chỉ có một trường hợp được chuyển đi điều trị nhưng kết quả chẳng mấy khả quan. Đó là trường hợp cháu Hoàng Thị Huyền, con bà Hoàng Thị Ký ở Cam Thanh, Cam Lộ, đã có lần nhập viện E - Hà Nội thuộc Bộ y tế, sau chuyển đến bệnh viện K20. Cuối cùng, bệnh cũng cầm chừng không thuyên giảm. Hồ sơ bệnh án của cháu được ghi rõ: Viêm túi lệ mủ mãn tính, dị tật bẩm sinh ở tứ chi, phát triển sinh lý chậm. Tài liệu xác minh cho biết, cha cháu trong diện đi B. Cháu bị nhiễm chất độc hóa học khi còn ở trong bụng mẹ. Lúc mới sinh ra, cháu đã bị dị tật. Thời gian nằm viện, ngày nào ở mắt cháu cùng có mủ đặc lúc xanh, lúc vàng, lúc trắng. Năm lên bốn tuổi chưa biết nói, biết đi, hiểu biết chậm. Hiện nay cháu đang sống trong nỗi đau khắc khoải, hàng ngày phải chứng kiến những nốt sần đỏ, to loang ra cả người, ngực, tay, chân nhức buốt...
SAN SẺ NỖI ĐAU
Nhằm đi đến những giải pháp giúp đỡ cho trẻ em bị dịt tật ở Quảng Trị , cách đây ba năm, ủy ban điều tra hậu quả chiến tranh của Việt Nam - UB 10 - 80 đã cử một đoàn đến Quảng Trị, trực tiếp đến vùng Cam Lộ nghiên cứu ảnh hưởng của chất độc trong chiến tranh đối với vùng này. Rồi các đoàn bác sĩ của Nhật Bản, Hàn Quốc cũng đã đến nghiên cứu hậu quả chiến tranh còn dai dẳng trên vùng đất và con người ở nơi đây. Hội từ thiện Quảng Trị thông qua tài trợ của Hiệp hội W.P.Schmitz Stistung đã triển khai dự án hỗ trợ phát triển chăn nuôi tạo thu nhập chăm sóc trẻ tàn tật tại gia đình cho hơn 50 đối tượng ở xã Cam Nghĩa từ hơn ba năm nay. Ủy ban II Hà Lan, Đoàn phẫu thuật nụ cười của bệnh viện nhi đồng 1 - Báo Tuổi trẻ thành phố Hồ Chí Minh những năm qua cũng đã giúp Quảng Trị phẫu thuật vá sứt môi, hở hàm ếch cho hàng trăm trẻ tàn tật, mang lại niềm vui sống cho các em và những gia đình không may có con em bị tật nguyền.
Đặc biệt ba năm qua, Ủy ban BV & CSTE Quảng Trị đã có những nỗ lực lớn qua mô hình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng cho trẻ khuyết tật. Gặp phó chủ nhiệm ủy ban BV & CSTE Quảng Trị vào những ngày hè nắng như đổ lửa, anh vui vẻ thông báo tin vui: Mô hình phục hồi chức năng do ủy ban triển khai được Trung ương và các ngành chức năng đánh giá cao, trở thành mô hình mẫu trong toàn quốc. Đến nay chương trình đã mở rộng ra 47 xã, trong đó 4 xã do chương trình quốc gia cấp kinh phí, 3 xã do quỹ BTTE hỗ trợ một phần kinh phí, 40 xã còn lại do kinh phí Quỹ BTTE tỉnh. Từng gắn bó và chia sẻ trong công việc, chúng tôi hiểu rõ nỗi day dứt của những người làm công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em của tỉnh nhà. Với một số lượng trẻ em quá lớn bị tàn tật do hậu quả của chiến tranh, sự thiếu hụt các dịch vụ y tế chăm sóc sức khỏe ban đầu cho trẻ em, cộng thêm vào đó là sự thiếu kiến thức của cộng đồng, gia đình trong việc chăm sóc cho trẻ tàn tật... Nhận thức về khó khăn đó, ủy ban BV & CSTE tỉnh đã quyết định lao vào cuộc chiến này để giành lại niềm vui cho bao trẻ thơ không may chịu rủi ro bất hạnh. Mục tiêu hoạt động của chương trình là phục hồi khả năng còn lại của trẻ tàn tật, giúp cho các em hòa nhập vào cộng đồng. Mặt khác làm lay chuyển nhận thức của xã hội đối với trẻ tàn tật, phát huy sức mạnh tổng hợp của các nguồn lực tham gia thực hiện chương trình. Qua ba năm phối hợp vói sở y tế và khoa phục hồi chức năng Bệnh viện tỉnh, đến naỳ đã có 286 tình nguyện viên được đào tạo, tổ chức phục hồi cho 1.028 trẻ tàn tật. Ngoài 647 cháu thuộc 40 xã mới triển khai cuối năm 1997 chưa có kết quả cụ thể, trong 381 cháu được phục hồi chức năng từ những năm 1994 -1996, đã có 126/381 trẻ tham gia chương trình tốt, đạt 33,07%. Nhiều trường hợp như cháu Hoàng Kim Vui từ chỗ không nói, không nghe được qua phục hồi chức năng đã tiếp xúc được với bạn bè, nghe và hát được. Cháu Nguyễn Ngọc Chính từ không nhận thức được, chỉ nằm một chỗ nay đã biết phản ứng vui buồn, cử động được. Hay như cháu Nguyễn Thị Hiền trước không nhìn thấy gì, không hoạt động được nay đã nhận được hình, đi lại và làm được nhũng việc đơn giản... Từng niềm, vui nho nhỏ như thế cứ nhân lên trong các em trong mỗi người làm cha, làm mẹ của những đứa con rủi ro bất hạnh.
THAY LỜI KẾT '
Khi tôi kết thúc phóng sự này thì nhận được một tin vui: Hội phụ nữ Liên Hiệp Quốc tại Viên đã tiếp nhận dự án xin tài trợ cho trung tâm phục hồi chức năng trẻ em tàn tật của tỉnh Quảng Trị. Thông qua Đại sứ Việt Nam tại Áo, Hội phụ nữ Liện Hiệp Quốc đề nghị phía Ủy ban BV & CSTE Quảng Trị cung cấp thêm bài báo viết về trẻ em tàn tật Quảng Trị của tôi đăng trên báo TUỔI TRẺ thành phố Hồ Chí Minh (số ra ngày 4-1-1996) và một số tấm ảnh chụp các trẻ em tàn tật ở vùng mà bài báo phản ánh để Hội có cơ sở cung cấp tài chính cho dự án… Vậy là nỗi đau thời hậu chiến, mà hàng ngàn gia đình ở Quảng Trị phải gánh chịu không chỉ được chia sẻ, cảm thông của cả nước mà còn vang động đến lương tri của nhân loại. Trong hy vọng và chờ đợi, tôi hiểu rằng còn nhiều việc cần phải làm bởi dù chiến tranh đã kết thúc hơn 20 năm rồi, nơi đây cuộc chiến vẫn còn đang tiếp diễn, vết thương còn le lói thịt da của bao người... Sự nỗ lực của chính quyền sở tại là điều trước hết, nhưng với một hậu quả nặng nề như thế, sự giúp đỡ của cộng đồng, các tổ chức quốc tế là rất cần thiết nhằm giúp cho con người và vùng đất nơi này vơi bớt nỗi đau để những trẻ em bất hạnh được sống những tháng năm bình yên bên mái ấm gia đình.
Đông Hà tháng 8-1998
M.T