Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 05/02/2025 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Nơi đây một thuở đôi miền

C

on sông Bến Hải vắt ngang mình Tổ quốc đúng vào vĩ tuyến 17 thuộc huyện Vĩnh Linh- Quảng Trị. Gần hai mươi năm chiến tranh chống Mỹ, con sông này là vĩ tuyến lửa, là nỗi đau uất nghẹn của hai miền Nam Bắc, là nỗi đợi chờ của người bên nớ, bên ni…

Em ở bên ni Hiền Lương ngày trông đêm đợi

Anh ở bên tê Hiền Lương ngày đợi đêm trông

Đôi ta chung nước một dòng

Nước sông kia mát rượi sao đôi lòng nóng ran…

Cách một dòng sông mà bên Nam, bên Bắc. Cách mấy nhịp cầu mà bên địch bên ta. Bao đau thương của lịch sử đất nước hằn sâu xuống dòng sông này. Từ khi luật số 10-59 của Ngô Đình Diệm ra đời, máy chém lê đi khắp miền Nam để “Diệt Cộng” với khẩu hiệu “Giết nhầm hơn bỏ sót” thì đồng bào bờ Nam sông Bến Hải sống trong cảnh ngục tù ngột ngạt của những ấp chiến lược tập trung. Những xóm làng bờ Nam xơ xác cát trắng, buốt mắt nhìn của đồng bào bờ Bắc. Từ ấy dòng sông Bến Hải trở thành nơi thiêng liêng và nhức nhối trong mỗi trái tim người Việt Nam.

Gần gia đình mà không được gặp

Thấy quân thù mà không được bắn…

Bởi nơi đây là khu phi quân sự - giới tuyến hai miền. Cầu Hiền Lương bảy nhịp có từ thời thuộc Pháp, khi chưa có chiến tranh giặc Mỹ, người đôi bờ qua lại giao lưu, cau chợ Cầu ngược ra chợ Gio, Hồ Xá gạo Hồ Xá xuôi vào chợ Kên. Trai gái đôi bờ Vĩnh Giang, Vĩnh Sơn, Trung Giang, Trung Hải yêu thương nhau nên vợ nên chồng nhờ dòng sông, nhịp cầu đưa duyên trong ngày lễ cưới, kẻ thù dựng nên giới tuyến nhưng lòng người không có cắt chia. Nhịp cầu nối liền khúc ruột miền Trung cho kẻ vào Nam ra Bắc không lỗi câu thề, không lỡ lời hẹn ước…

Chiến tranh bom đạn Mỹ dội xuống Vĩnh Linh. Hàng trăm lượt máy bay địch vây bủa ném bom xuống Quốc kỳ của ta ở Bắc cầu Hiền Lương, hòng đánh gục ý chí của quân và dân đầu cầu miền Bắc Xã hội Chủ nghĩa. Chiếc cầu là minh chứng lịch sử về sự đê hèn, hung bạo của kẻ thù xâm lược và lũ tay sai. Cờ của ta vẫn tung bay trong khói lửa đạn bom. Cột thép gẫy có gỗ, tre thay thế. Ý chí con người dựng nên những cột cờ ngay sau mỗi lần bom đạn hủy diệt. Đồng bào Miền Nam reo mừng thấy cờ đỏ sao vàng là thấy trái tim Tổ quốc đang rực rỡ những nhịp đập vẫy gọi đồng bào vùng lên phá bỏ xiềng gông để ngày xum họp sớm đến gần.

Năm 1972, Quảng Trị giải phóng. Năm 1973, cầu Hiền Lương được xây dựng tạm để kịp nối liền mạch máu giao thông. Cầu tạm không làm trên nền cầu cũ. Năm 1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng. Tổ quốc thống nhất. Khách trong và ngoài nước đi trên những nhịp cầu mới, nhìn xuống chiếc cầu cũ bị bom đạn đánh nát còn trơ lại những trụ sắt nhoi lên mặt nước. Họ châu ống kính đều cắt cảnh, lấy chứng tích tội ác.

Sông Bến Hải, cầu Hiền Lương là nỗi niềm thao thức trong lòng đất nước. Vùng quê này bị chiến tranh thiêu hủy đến tàn tạ. Chiếc cầu, một gạch nối trên dòng sông lịch sử mà đã hai mươi năm sau chiến tranh vẫn chưa có một chiếc kiên cố thay thế. Cầu tạm đã đến lúc xuống cấp hư hỏng dần theo năm tháng. Cầu hẹp chỉ được một làn xe qua. Hai đầu cầu dồn ứ từng dãy ô tô đợi qua cầu. Nhìn thấy cảnh tượng này, mọi người đều sốt ruột.

Nhưng không! Tổ quốc như người mẹ nhân từ và có bổn phận không để cho đứa con nào bị thiệt thòi, nhất là đứa con chịu nhiều mất mát và khổ đau như Quảng Trị. Nhà nước đã có chủ trương xây lại cầu Hiền Lương với thiết kế hiện đại tiên tiến lần đầu tiên áp dụng tại Việt Nam, đó cầu kết cấu nhịp theo tiêu chuẩn công nghệ đúc đẩy hợp tác với Nga- gọi là cầu vĩnh cửu không hạn chế tốc độ. Dự án xây dựng cầu 23,5 tỷ đồng. Dòng sông Bến Hải lịch sử lại sắp đón một chiếc cầu lịch sử vươn mình nối đôi bờ khao khát  chờ mong.

Ngày 15 tháng 6 năm 1995, cầu Hiền Lương được chính thức khởi công. Lại thêm một chi tiết lịch sử cần ghi nhớ: Đội cầu số Một của công ty 473, thuộc tổng công ty xây dựng 4 miền Trung (Bộ giao thông vận tải) đảm trách xây dựng. Đội cầu số I đã xây dựng nhiều chiếc cầu trên tuyến đường miền Trung, từ Dốc Xây (Thanh Hóa) đến đèo Hải Vân (Quảng Nam- Đà Nẵng). Cầu Nặm Miên tại nước bạn lào, cầu Bến Thủy (Nghệ An), cầu Đông Hà (Quảng Trị)… đều do đội cầu số I xây dựng. Đây là một đội đã từng nối tiếng trong chiến tranh về những chiếc cầu được dựng khẩn cấp để nối liền mạch máu giao thông giữa những vùng trọng điểm bom đạn Mỹ dội xuống. Những tên cầu như Long Đại, Phò Trạch, La Khê, Chợ Thượng, Cầu Cấm… và hàng trăm chiếc cầu lớn nhỏ khác nhau trên dãy đất miền Trung do các anh thi công không tài nào nhớ hết. Đội cầu số I là niềm tự hào của ngành giao thông vận tải Việt Nam. Ở nơi nào xung yếu là các anh có mặt. Công nhân giao thông thời chiến tranh là người lính trên chiến trường. Lần này được nhận trách nhiệm xây dựng cầu Hiền Hương, đội cầu số I hiểu rằng: Đây là chiếc cầu nằm trong tình cảm yêu thương của cả nước. Tình cảm của các anh đối với chiếc cầu này là tình cảm đối với một đất anh hùng đã từng làm thế giới mến mộ. Các anh cũng hiểu thêm một điều: Cầu Hiền Lương trên dòng Bến Hải lịch sử không giống những chiếc cầu từ trước tới nay do đội của các anh xây dựng. Cầu xây dựng thành công là một dấu mốc lớn của đội. Theo thiết kế, cầu được làm ngay trên nền chiếc cầu cũ bị bom đạn đánh hỏng. Thời gian hoàn thành là hai năm bốn tháng. Việc đầu tiên phải tháo dỡ toàn bộ trụ, móng cầu cũ. Đối với các anh công việc này không mấy khó khăn vì tất cả dùng bằng máy. Khi tháo dỡ xong dấu tích cầu cũ, công việc khó khăn gian khổ đã dồn đến từng ngày. Mỗi độ chính xác phải đòi hỏi sự suy nghĩ sáng tạo. Từ xác định độ lún của đất, độ nhão của bùn để mỗi cọc trụ cắm xuống lòng sông, mỗi khối bê tông đổ mố, các anh đều phải tính toán chi tiết, vừa không lãng phí vật liệu, đảm bảo chất lượng, vừa tiết kiệm được thời gian. Đội có 50 thợ kỹ thuật từ bậc 3 đến bậc 7 (trong đó có 3 kỹ sư, 3 trung cấp) gồm thợ hàn, điện, sắt, kích kéo, móng, cọc, ca nô, xà lan. Mỗi người chuyên sâu mỗi mảng. Nhân công tạo mặt bằng hai đầu cầu, phụ cát sạn… được hợp đồng từ bên ngoài. Khúc sông trở thành một công trường sôi động. Cầu Hiền Lương dài 241 mét, rộng 10,5 mét đảm bảo hai làn ô tô qua lại một lúc, có 5 trụ và 2 mố. Trong 5 trụ thì có 3 trụ loại 24 cọc bê tông, 2 trụ loại 20 cọc. Mỗi cọc bê tông dài 14 mét, rộng 0,4 mét x 0,4 mét. Mỗi trụ cầu hoàn chỉnh phải qua ba công đoạn: đóng cọc, hạ thùng chụp, vữa dâng. Ta cứ hình dung rằng: Các cọc kết lại tạo thành hình trụ, sau đó có chụp lớn úp xuống, hút nước bên trong ra, biến lòng trụ thành một khoảng không để đổ đá hộc và vữa vào cho đông đặc lại. Mỗi trụ khoảng 230 mét khối bê tông, như những cái tháp kiên cố, phần lớn của tháp chìm sâu xuống bùn và nước để đỡ cả dầm cầu bê tông đúc liề nặng trên 2.500 tấn. Riêng ván khuôn đúc dầm cầu cũng nặng đến 250 tấn. Trời nắng cũng như mưa, ngày nóng cũng như ngày rét, công việc của người thợ cầu cứ diễn ra bình thường. Ở đấy chỉ nghe những âm thanh khô khốc, chát chúa đến ghê người. Tiếng đầm máy đóng cọc trụ vọng xa vài cây số. Thi công một trụ cầu là cả một dây chuyền công nghệ đồng bộ khép kín từ khâu đóng cọc, hạ chụp, đến khâu vữa. Khi đã cho vữa dâng thì không chậm trễ, không kể thời gian, phải dồn sức lực một mạch cho hoàn chỉnh, không được nghỉ phép giữa chừng. Sau 28 ngày, vữa trong trụ mới đông kết đúng tiêu chuẩn kỹ thuật. Dù đã qua tay không biết bao chiếc cầu lớn nhỏ khác nhau nhưng khi thi công trụ cầu này, ai nấy hồi hộp lo lắng, mong sao đầu đuôi lọt, đừng xảy ra một sự cố trục trặc. Xong mỗi trụ mọi người mới yên tâm, nhẹ nhõm, uống rượu chúc mừng nhau. Vậy đó! Công việc các anh suốt đời làm nên những khối bê tông, những tảng đá dầm nặng nề để đỡ từng chuyến ô tô trọng tải lớn qua mặt sông vách núi, còn các anh thì thầm lặng với thời gian cùng bao lo toan dấu hết vào lòng… Trong những tháng mùa đông năm 1995, trời miền Trung rất lạnh nhưng người thợ cầu Hiền Lương vẫn cần mẫn với trách nhiệm của mình. Các anh cũng giống người thợ xây nhà, chỉ làm đẹp cho đời và cho người khác, lấy niềm vui của mọi người làm niềm vui của mình. Các anh rất hiểu: Nếu cầu xây dựng xong không đảm bảo chất lượng thì người ta cứ gọi tên đội lên mà trách móc, mà trút bực bội lên chiếc cầu vô tri, vô giác. Danh dự, uy tín của đội và lòng tin của mọi người đối với các anh cũng do chiếc cầu định đoạt. Cán bộ kỹ thuật bám sát hiện trường, không thể để một sai sót nhỏ xẩy ra trên mỗi công đoạn. 3 chuyên gia người Nga theo dõi công trình, giám sát kỹ thuật chặt chẽ, nghiêm khắc mỗi mẻ vữa, mỗi mũi hàn phải đúng kỹ thuật. Cả chiếc cầu vững bền đều bắt nguồn từ mỗi chi tiết nhỏ nhặt ấy.

Những ngày đầu xuân Bính Tý (1996), tôi trở lại cầu Hiền Lương, được gặp các anh: Võ Quang Sinh, đội trưởng, chuyên viên cầu, tay nghề bậc 7/7, anh Võ Đình Trung, chủ tịch công đoàn, thợ kích kéo bậc 7/7, anh Tống Minh Ngọc, kế toán của đội… Người nào cũng có một chuỗi tuổi nghề đáng kính phục. Theo anh em công nhân kể lại thì đội cầu số I gắn liền với cuộc đời làm thợ của đội trưởng Võ Quang Sinh. Năm nay anh Sinh đã 58 tuổi nhưng dáng người đậm đà khỏe mạnh như một người dân biển thực thụ. Có lẽ cuộc đời gắn liền với những chiếc cầu trong nắng mưa và sông nước nên người con của Hà Nội này mang dáng dấp của một ngư dân chuyên nghề chài lưới khơi xa. Lý lịch đời anh rất giản đơn: 40 năm làm nghề xây dựng cầu, được Nhà nước tặng Huân chương lao động hạng hai và hạng ba. Đội cầu số I của anh được tặng Huân chương lao động hạng ba, hạng hai, hạng nhất. Còn anh Tống Minh Ngọc quê ở Hương Sơn - Hà Tĩnh thì có một sự trùng hợp ngẫu nhiên tại cầu Hiền Lương này. Năm 1973, anh ở Cục vật tư, là người trực tiếp cung ứng vật liệu xây dựng cầu Hiền Lương tạm. Giờ đây anh lại trực tiếp làm kế toán xây dựng cầu Hiền Lương lịch sử. Anh rất phấn khởi khi được đến với chiếc cầu mà anh hằng yêu thương ấp ủ. Anh đã gắn bó với ngành giao thông vận tải 30 năm. Anh Võ Đình Trung quê ở Can Lộc - Hà Tĩnh, có 24 năm tuổi nghề gắn liền với sắt thép, xi măng… Tất cả những gương mặt thợ cầu đội I gợi lên cho mọi người một tình cảm thân thuộc, đầy tin cậy. Quê của các anh đều từ Quảng Bình trở ra Hà Nội. Nắng gió khắt nghiệt của miền Trung đã thấm vào da thịt nên từ dáng dấp đến tính cách các anh cũng giống con người xứ sở này: da nâu sạm, ý chí mãnh liệt, dứt khoát.

Sau 9 tháng thi công, trải qua mấy đợt lũ liên tiếp cuối năm 1995, thế nhưng toàn đội đã dốc sức hoàn thành 2 mố, hoàn chỉnh một trụ, đóng xong cọc 4 trụ. Qua những ngày tết cổ truyền, các anh từ mọi quê hương lại hối hả trở về cầu Hiền Lương với công việc của mình. Đội trưởng Võ Quang Sinh bộc lội nỗi lòng:

- Thi công cầu này có sự đóng góp đắc lực của các đơn vị bạn như công ty cầu 75 phối hợp xây dựng phần trụ, nhà máy cơ khí công trình giao thông 4 cung ứng vật liệu, chuyên gia Nga hướng dẫn kỹ thuật… Ngân sách xây dựng cầu do ban dự án A 85 của Bộ giao thông vận tải đầu tư. Anh Hoàng Đăng Thiên là chủ đầu tư cầu này. Anh Thiên là người góp phần quan trọng cho tiến độ thi công của chúng tôi…

Đã nhiều lần đến cầu Hiền Lương nhưng tôi không gặp được anh Thiên. Anh bận mãi xoay chạy vốn về công trình. Bao quanh chiếc cầu là tình cảm, trách nhiệm của nhiều người, nhiều đơn vị…

Dòng sông êm ả trôi. Những trụ cầu vững chắc vươn lên trên mặt sóng dập dềnh. Hai đầu cầu bề bộn sắt thép. Những người thợ cầu bận rộn với công việc của mình dưới trời mưa rét. Tất cả đọng lại trong suy tưởng của tôi. Chính các anh là những nhịp cầu kết lại thành chiếc cầu vĩnh cửu nối đôi bờ Bến Hải trăm mến ngàn thương. Đất nước ta có muôn vàn chiếc cầu bắc qua sông. Mỗi chiếc cầu gắn với một địa danh lịch sử. Để giành lại trọn vẹn dòng sông này, đất nước ta phải trải qua ròng rã hai thập kỷ chiến đấu, hy sinh xương máu hàng vạn người con khắp mọi miền Tổ quốc đã ngã xuống chiến trường trên mảnh đất Quảng Trị. Dòng sông Bến Hải thấm máu của biết bao người con miền Bắc vượt giới tuyến vào miền Nam diệt giặc. Xây dựng cầu Hiền Lương là thể hiện tình cảm của cả nước đối với ý nguyện của những đồng bào, đồng chí đã hy sinh vì độc lập tự do của dân tộc. Sự hy sinh ấy xây đắp nền móng cho chiếc cầu Hiền Lương lịch sử được vươn mình trên sông nước hôm nay. Đội cầu số I đang thực hiện ước vọng thiêng liêng ấy của đất nước. Cầu Hiền Lương còn là cầu nghĩa tình Việt Nam với nước bạn Nga.

Nghĩ đến ngày cầu được khánh thành anh Võ Quang Sinh như trẻ lại, giọng sôi nổi:

- Xây dựng xong cầu Hiền Lương, nếu nghỉ hưu cũng vô cùng mãn nguyện, vì tôi cùng cả đội dám đảm nhận một thiết kế kỹ thuật tiên tiến hoàn toàn mới mẻ, nó mang tính lịch sử trong cuộc đời làm thợ của mình. Từ chiếc cầu này, đội cầu số I của tôi chắc chắn sẽ vươn xa hơn nữa…

Qua niềm vui của anh, trong suy nghĩ của tôi cứ hiện lên chiếc cầu đẹp như một đường băng và kiêu hãnh, uy nghi soi bóng xuống dòng sông Bến Hải. Từng đoàn xe xuôi ngược qua cầu gửi lời chào nhau bằng những tiếng còi dài, làm rạo rực cả một vùng sông nước mênh mang… Rồi những đêm trăng, trai gái đôi bờ hẹn hò, gặp gỡ nhau trên chiếc cầu này, cùng nhớ về huyền thoại dòng sông - nhịp cầu của Tình yêu - Ngăn cách - Đợi chờ trong tình thủy chung, son sắt suốt một thời đất nước chia đôi…

L.N.H

Lê Nguyên Hồng
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 19 tháng 04/1996

Mới nhất

Thành phố Đông Hà sôi nổi giải cờ tướng, đẩy gậy và các trò chơi dân gian mừng Đảng, mừng xuân Ất Tỵ 2025

5 Giờ trước

TCCVO - Sáng 5/2/2025, thành phố Đông Hà tổ chức giải cờ tướng, đẩy gậy và các trò chơi dân gian mừng Đảng, mừng Xuân Ất Tỵ 2025. Giải đấu thu hút gần 150 vận động viên (VĐV) nam, nữ đến từ 9 phường trên địa bàn thành phố.

Chương trình nghệ thuật đặc biệt mừng Đảng, mừng Xuân Ất Tỵ 2025

9 Giờ trước

TCCVO - Tối ngày 28/01/2025 (29 tháng Chạp), tại Quảng trường Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Quảng Trị, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt mừng Đảng, mừng Xuân Ất Tỵ 2025 với chủ đề “Khát vọng vươn mình”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam cùng đông đảo người dân địa phương đến dự.

Thành lập Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Quảng Trị

04/02/2025 lúc 08:35

Sáng ngày 3/2, Tỉnh ủy Quảng Trị tổ chức hội nghị công bố quyết định thành lập Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy.

Ngày xuân về Gio Mỹ xem lễ hội cướp cù

02/02/2025 lúc 09:50

TCCVO - Ngày 1/2/2025 (mồng 4 Tết), tại làng An Mỹ, xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh (Quảng Trị) đã diễn ra lễ

Ban Chính sách với sứ mệnh kết nối thiêng liêng (Kỳ 2)

01/02/2025 lúc 11:01

Ban Chính sách, Phòng Chính Trị, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh Quảng Trị được giao nhiều nhiệm vụ quan trọng, không chỉ hỗ trợ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ mà còn thực hiện các chế độ chính sách đối với người có công với cách mạng...

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

06/02

25° - 27°

Mưa

07/02

24° - 26°

Mưa

08/02

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground