Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 27/12/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Nơi địa đầu tấc đất quê hương

M

ặt trời nhô lên khỏi đỉnh núi, dát nắng vàng trên mọi tầng cây lá.

Nhìn dáng dấp nhỏ nhoi của bà Căn Rỉa một mình giữa tấm rẩy oằn cong tấm lưng làm cỏ lúa, tôi có liên cảm bà như người đang khom lưng nhặt ánh mặt trời rơi vương vãi khắp đỉnh núi mờ xa. Nơi chân trời cất dấu bao cuộc đời người dân tộc Pakô khắc chìm sự lam lũ vào địa tầng đất đai kim cổ.

Ánh hoàng hôn trầm lặng gom sắc mặt trời dẻo quánh như thứ nước mật ong được cất giữ lâu ngày. Tôi đã bốn tiếng đồng hồ đi bộ nhưng con đường vẫn hun hút thẳm sâu, hết vượt núi lại rơi xuống thung xa suối rừng cùng cốc.

- Phải đi hơn một vòng chiếc kim đồng hồ mới tới được cái nhà của chúng tao đấy.

Một người dân mách với chúng tôi như vậy khi biết chúng tôi muốn ngược chín tầng mây trèo lên Ro Ró. Áng chừng với thời gian, chúng tôi đặt chân vào bậc thang đầu tiên của ngôi nhà đầu tiên ở bản cũng là lúc trời chạng vạng, đem màu đêm phủ xuống núi rừng. Ánh lửa trong bếp được thức dậy tỏa chút ánh sáng vàng ợt, lập lòe thắp sáng cho mọi hoạt động của người dân mới từ trên rẫy trở về. Binh nhất Nguyễn Hùng Sơn - chiến sỹ Đồn Biên phòng Tây Sơn xoa xoa hai đầu gối, miệng thì thầm: May vào bộ đội Biên phòng mới được thưởng thức bữa đi bộ chân rời khỏi thể.

Tám rưỡi tối.

Bữa cơm của gia đình ông Quỳnh Thương được dọn ra trong một chiếc mâm nhôm chưa có vết xước nào dính vào nhưng lại bị khói bếp làm đổi màu, giúp cho tôi hiểu rất ít khi chủ nhân dùng đến. Mấy cái bát men từ thuở bộ đội Trường Sơn kỷ niệm lại được trưng dụng mỗi lần có khách đến chơi nhà. Rượu rót vào bát trong vắt, nồng cay mùi men lá rừng.

- Mày mới ở Đông Hà lên, nghe nói người dưới ấy chỉ uống toàn bia, lên đây uống rượu mày có quen không? Uống với bố nhé!

- Con là bộ đội biên phòng mà. Đi nhiều, ở nhiều với dân.

- Ừ mày nói thế tao ưng bụng.

Chưa mời khách, ông Quỳnh Thương đã bưng bát rượu uống một hớp nhỏ.

- Cự ngọi xuôi tả phong tục (Tao uống trước để làm phong tục)

- Sao lại thế?

- Tao sợ mày không tin rượu của tao. Mày sợ tao bỏ thuốc như bọn xấu cái đầu hay nói nên tao uống cho mày tin.

Chúng tôi cùng nhau cạn chén rượu đầy giữa đêm trăng treo lơ lửng với sắc trời đầy sao cho một ngày nắng lửa.

- Gạo không đủ nên phải bỏ thêm sắn, mày ăn được chứ?

Lưng hạt cơm lẻ loi dính vào khúc sắn chấm với muối ớt cay xè cả lưỡi. Âm thanh tĩnh lặng của núi rừng chợt tan biến trong tiếng hót loài chim lạ “Khó khăn khắc phục”. Sương núi tràn xuống, hơi đá tỏa ra pha trộn cái lạnh lẽo rưng rưng bám trên cơ thể con người. Lạ đấy! Khí hậu nơi đây ban ngày nóng là thế, nắng là vậy, nóng đến nỗi cứ muốn nằm mãi trong chậu nước. Ấy nhưng đêm vừa buông xuống đã bắt đầu cảm thấy lạnh, tối ngủ phải đắp chăn bông. Gia đình ông Quỳnh Thương có 13 nhân khẩu (trong đó có 11 người con). Ro Ró là quê hương của ông từ cái thuở con người chưa biết mặc quần áo chỉ lấy vỏ cây làm khố, từ cái buổi người dân Pakô không mang họ. Nối truyền kiếp đời, gia đình ông dựa vào đất rừng mênh mông của dãy Trường Sơn để bao sự vui buồn thấm sâu vào tuổi rừng tuổi núi. Ông kể: “Đứng chưa cao bằng cây súng dài, ông đã theo cha đi cùi gạo, cùi đạn cho bộ đội. Đôi chân ông trèo núi còn giỏi hơn cả con ngựa thồ. Cả bản ông ăn sắn để đi gùi gạo, ăn tro tranh để giữ muối cho bộ đội”. Lâu lắm, dài lắm người dân tộc Pakô như con gió đi hoang, cứ ngửa mặt nhìn đỉnh núi mà leo, mỏi chân chỗ nào thì làm nhà, phát rẫy chỗ đó, đất bạc màu lại kéo nhau đi chỗ khác. Cái đói, cái rét, cái khổ gắn chặt vào đời người khi còn mới tượng hình trong bào thai bụng mẹ.

Đêm núi rừng vót nhọn cả đỉnh non cao, mười ba con người lớn, bé ngủ không trọn giấc bên bếp lửa tỏa lên hơi ấm mong manh. Chưa bao giờ tôi lại có cảm giác đêm lại dài đến thế. Tiếng hạt sương rơi chẳng làm rung nổi chiếc lá nhưng lại làm chúng tôi khó ngủ. Nơi phía rừng xa vẫn vọng mãi lời nhắn gửi “Khó khăn khắc phục” của loài chim lạ.

Ngôi nhà bà Căn Rỉa nằm hơi chếch phía ngoài bản Ro Ró. Ánh mặt trời trèo từ mái nhà chui tọt đến tận chỗ nằm, soi luôn vào cả bát cơm và vội sau những buổi chân tay rã rời từ tấm rẫy xa trở về. Bà Căn Rỉa ngồi im lặng như một pho tượng gầy chỗ chiếc cầu thang nối với sàn nhà. Bà chậm chạp cất lên lời ru buồn dỗ dành đứa cháu nhỏ. Bảy mươi tuổi. Bảy mươi năm bà sống với núi rừng. Bảy mươi năm chiếc A chói đựng đầy gian khó, nạo vét đến kỳ cùng sức tuổi thanh xuân và niềm vui của bà.

- Mẹ cũng có nhiều đứa con lắm nhưng chúng bỏ đi hết rồi. Ông Quỳnh Rỉa nhớ con rồi theo luôn chúng.

Bà Căn Rỉa bắt đầu kể. Giọng bà trầm lặng, tiếng bà khàn đục ray rứt đến xót lòng. Mười lăm năm bà về ở nhà chồng, mười lăm năm sinh nở chỉ nuôi được hai đứa. Ông Quỳnh Rỉa cũng bỏ bà mà đi. Cả con, cả chồng bà rặt chết vì căn bệnh sốt rét ác tính. Thứ bệnh trầm kha mà chúng ta chỉ hạn chế chứ chưa chấm dứt được.

- Mẹ không có con, không có chồng nên mẹ phải lên rẫy.

Bà Căn Rỉa nói với tôi như thế. “Mẹ nhớ nhiều đứa con của mẹ quá nên nước mắt cứ chảy”. Bảy mươi tuổi, thân bà gầy guộc, đôi mắt khóc nhiều nỗi đau làm bà nhìn mọi cái không còn rõ. Bà mang từ nhà mình buồng chuối nặng hất ngược cả dáng đi. Chầm chậm những bước chân lập cập, vòng vo qua đèo dốc, suối khe, quắt khô cả giọt mồ hôi để rồi sau gần cả ngày đi bộ, bà bán được năm nghìn đồng mua vội gói muối về ăn cho có vị mặn. Con buôn chèn ép cả người già. Cái ác vốn không sinh ra từ con người song lại nảy nở khi xuất hiện sự đổi chác mua bán. Dằn bụng nửa bát cơm nguội độn sắn, bà khoác chiếc gùi lên rẫy. Chúng tôi rảo theo bước chân của bà. Dốc núi dựng đứng, tấm rẫy loang lỗ một đám rừng, bà cúi xuống làm cỏ lúa. Tôi nhặt cỏ giúp bà, bàn tay vừa chạm vào đất, tôi bỗng giật thót mình, cái rụt tay ấy tuy không xuất phát từ chủ ý mà chỉ do phản xạ, loại phản xạ bột phát có từ rất lâu trong bán cầu đại não. Đất nóng quá! Ánh mặt trời ném lửa xuống loài người.

Nắng!

Biểu kế tăng dần 350c; 370c; rồi 380c và xấp xỉ đỉnh 400c. Mười lăm ngày, hai mươi ngày, cả tháng nền trời vẫn khô rang. Đất uốn vòng vì sức nắng. Lũ cá, tôm và chậm như những con ốc cũng phải lết, bò tìm ra dòng suối lớn để mong có chỗ nương thân. Suối cạn trơ cả đá, trọc lóc, phơi trần thân thể mình trong cơn khát tuyệt vọng.

Nắng!

Lá rừng mềm oặt, rũ rượi cố sức quạt phành phạch mà không xua nỗi cái nóng đi xa. Lúa trên rẫy đổi màu như rơm, kìm giữ để thoi thóp sống. Cà phê rũ lá, vô hồn, bám chặt rễ vào đất tìm cho mình chút ít nước còn sót lại để quang hợp, để nhả khí ô xy theo thiên chức ngàn đời.

Nắng!

Tiếng con dê kêu oan nghiệt khi bị làm vật tế trời bên cây nêu dân bản dựng lên cầu mưa. Cây cối chờ mưa, súc vật chờ mưa, người người mong mưa, nhà nhà mong mưa. Hạn thế kia còn đâu sự sống?

Đêm!

Vầng trăng nhô lên khát vọng trong vòng quầng tròn vạnh. “Trăng quầng thì hạn, trăng tán thì mưa” dấu hiệu ấy ngày mai trời vẫn nắng. Và cũng ngày mai, bà Căn Rỉa nhọc nhằn cùng cây lúa trên nương.

Cái mới bắt đầu trong niềm tin của bà Căn Rỉa và trong cả 257 nhân khẩu của người dân Ro Ró. Lãng đãng những đám mây mênh mông một chân trời, ta bắt đầu từ đốm lửa nhỏ để nhen lên cuộc đời no ấm. Không như đồng bào H’Mông ở phía Bắc làm cái nhà trên đỉnh núi mù sương, cũng chẳng giống như người dân tộc Chăm, Khơ Me ở phía Nam làm cái nhà bên vùng cát biển, dân tộc Pakô dựng nếp nhà nơi lưng chừng núi, đủ cho người miền xuôi mỏi gối mỗi khi bước đến cầu thang nhà mình. Nhà ai dài là nhiều người, nhà ai ngắn thì ít người. Cứ thế ngôi nhà được dài ra theo tỉ lệ thuận với sự phát triển nhân khẩu quy nạp của mỗi gia đình. Con cá bơi lên giữa sườn Trường Sơn là hạnh phúc. “Người Pakô nói ít làm nhiều” già làng Võ Lam từng tuyên bố như vậy với tôi. Chúng tôi không đạp trên mây, chúng tôi chỉ biết mình đang ở độ cao hơn một nghìn mét so với mực nước biển mà bất kỳ ai đến nơi đây cũng đều phải đi bộ, Dô ta vượt dốc! Dô ta trèo đèo! Mình phải tự động viên mình như vậy. Chẳng được như dưới đồng bằng đồng bể có cái máy to có cái ống dài phun xòa dòng nước thì ta dùng sức. Đôi vai rắn chắc, cơ thể cường tráng, ta gánh nước tưới cho cây cà phê tươi tốt bởi để cây chết là ta có tội. Dốc! Mặc. Núi! Mặc. Ta trồng cây cà phê đẩy cái đói cái nghèo đi xa đó là lời của Đảng. Người Pakô ta nghe và người Pakô ta làm. Cái cuốc trong tay ta, chiếc A Chói trên lưng ta, đất rừng là của ta, rộng thế kia, nhiều thế kia, ta bắt đất phải ra mùa quả ngọt. Nắng dẫu vô vàn thì ngàn cây vẫn đủ chỗ cho nắng ngủ. Ta thức đấy nhưng ta thức vì ta, thức để cho rừng Trường Sơn quê ta trở về với màu xanh muôn thuở. Chăm chút ngàn cây non đời ta sẽ có triệu triệu trái chín người Pakô rồi sẽ không còn kĩu oặt khổ đau. Một tấc đất cũng là quê hương, ta sinh ra, ta lớn lên và lúc chết vẫn ở cùng đất quê ta. Ánh trăng rải đầy màu vàng sóng sánh như bát nước chè xanh khổng lồ ai bỏ quên nơi đầu núi. Uống say cả vầng trăng tròn đầy tôi bỗng thấy mình bé lại trước sự hùng vĩ của non sông.

 Chỉ cần một tiếng hú từ bản Ro Ró là dân nước bạn Lào đã nghe thế nhưng xuôi về cái tỉnh, cái huyện của nước mình thì xa quá. Bà Căn Rỉa đi cả buổi, cả ngày mới đến được cửa hàng tư nhân ở Tà Rụt cũng thuộc huyện Đakrông để mua đồ dùng sinh hoạt phục vụ cho gia đình.

Ông Quỳnh Thương không dừng tay làm cỏ, ông bảo “Cây cà phê lên với bản ông mới gần được 2 năm nên cả bản mới trồng được ba mươi nghìn cây. Đất nhiều, bà con muốn trồng nữa nhưng không biết tìm giống ở mô”. Sự giản dị thường xuất phát từ những điều ước mơ đơn giản như hạt gạo, lát sắn trộn vội vào nhau vượt qua mùa giáp hạt trời hạn chẳng có mưa. Đêm ấy tôi thức cùng với ông dưới sắc trăng ngàn ngạt của núi rừng. Ông Quỳnh Thương quày quả từng thùng nước tưới cho cây cà phê mỏi mơ cơn mưa của trời. Sương tràn xuống dịu êm cảnh rừng trong khoảnh khắc. Cây cà phê cuối cùng được tưới cũng là lúc tiếng gà rừng trở mình râm ran. Tôi đỡ cho ông dăm ba vòng gánh, suối thì ở dưới sâu, rẫy nơi lưng chừng núi. Dốc trải dài theo từng bậc đá gập ghềnh lối mòn nhỏ. Sức thanh niên, tôi cũng chỉ trụ được năm lần đi là gối mỏi chân rời và các cơ quan nội tạng đều tranh nhau thở.

Quê tôi ở Cam Thành – Cam Lộ cũng là vùng sơn địa, đất bazan đỏ như máu, bạt ngàn hồ tiêu, cà phê, cao su. Quê tôi cùng chịu chung số phận nắng lửa gió Lào khô rát. Em trai tôi tên là An năm nay vừa tròn mười tám tuổi sức trai trẻ cường tráng vạm vỡ. Một hôm mẹ tôi sai nó tưới vườn cà phê của gia đình. Chỉ mỗi việc cắm phích điện là máy bơm nổ và nước cứ vậy theo đường ống chảy lên, thế mà nó bảo: “Con đang xem chương trình ti vi hay quá” mẹ tôi phải giục mãi nó mới chịu đi. Nó đâu biết ở Ro Ró, nơi chốn sườn non cao ngất, ông Quỳnh Thương với cái tuổi tóc bạc gần trắng mái đầu đang phải lặn lội cả đêm gánh từng thùng nước chăm bón cho cây trái vượt qua mùa nắng hạn.

Quê tôi ngày trước mỗi khi mất mùa là người người rùng rùng kéo nhau ngược lên Ro Ró, Ba Lình, Kỳ Nơi…để xin sắn, ngô về dằn lòng đợi vụ gặt năm sau. Dạo ấy sự gắn bó cứ gọi là “Miền xuôi miền ngược cùng chung một tấm lòng”. Bây giờ tuy vẫn còn nghĩa xưa để lại nheng độ nồng ấm đã lẩn lơ ngọn núi. Cũng chẳng phải người dân quê tôi “vô ơn bạc nghĩa” song bây giờ cuộc sống đã khác xưa, nồi cơm đầy hơn, áo quần mặc ấm hơn và người dân quê tôi đã bắt đầu ngại đi bộ.” Sướng rồi. Ai cũng bảo như vậy.

Tầng đất, tầng mây nối ánh mắt người bằng chân trời đỉnh núi. Đất cũng như lòng người vốn trầm lặng và mang nhiều mơ ước. Đất hồi sinh từ bàn tay con người lam lũ chắt chiu. Binh nhất Nguyễn Hùng Sơn vẫn thường kể với tôi: “Ngày còn cắp sách đến trường anh lắng nghe lời cô giáo giảng về câu thơ “Đất nghèo nuôi những anh hùng”. Khi lên công tác tại Ro Ró anh mới cảm nhận được ý thực của lời thơ” Ro Ró đất nghèo! Người dân tộc Pakô bắt đất nghèo đơm mùa quả ngọt. Góp gom từ đất, từ lòng người, cây cà phê ra hoa kết trái. Ông Quỳnh Thương mời chúng tôi uống ly cà phê được hái từ tấm rẫy nhà ông mùa quả bói đầu tiên. Thú thật chất nước ấy không ngon bằng loại bột cà phê chế biến qua dây chuyền máy móc hiện đại nhưng đậm đà hương vị ngọt thơm qua tháng ngày đất vùng cao dồn tâm dồn lực bón chăm. Người ta bảo hạt cà phê ở đây được uống từ giọt mồ hôi của đá núi nên có mùi vị khác hơn mọi nơi như: Đắc Lắc, Gia Lai, Tây Ninh. Buổi uống cà phê hôm ấy cũng rất đặc biệt, không tiếng nhạc xập xình, chẳng một lời đàm đạo về thế sự, chúng tôi ngồi quây quần dưới ánh trăng quầng cao tít. Cà phê ngon hay dở đều chưa phải là chủ đề chính. Cả khách với chủ cứ nói mãi với nhau về cuộc sống của người dân Ro Ró nơi đầu trời cuối đất. Trăng mười sáu treo giữa sườn non mỉm cười trong màu ly cà phê đen quánh. Ông Quỳnh Thương bảo “Đất quê tôi biết cười rồi. Cây cà phê sẽ ở với bản Ro Ró mãi”. Dân bản chẳng như con gió đi hoang nữa, cái nhà dựng một chỗ cứ ở vậy để trồng cây, rẫy lúa không chặt ngã cây rừng nữa, chẳng đốt núi, chẳng đi tìm đất nơi xa, mỏi đôi chân lắm rồi”.

Đất!

Tiếng gọi từ ngàn năm muôn thuở. Ta thủy chung với đất. Đất bao dung chẳng phụ lòng người. Lật một nhát đất lên, ta lật tìm con đường đi đến với niềm hạnh phúc. Ta đi lên từ đất bằng niềm tin chất đầy ở lòng ta.

Tôi nhấp một ngụm cà phê, mùi thơm, vị mặn đọng mãi nơi đầu lưỡi. Tôi chẳng dám uống hết bởi cứ sợ trôi qua nhanh quá hương vị nhạt cà phê của núi. Dẫu chưa nhiều nhưng đã làm nên cái “Vạn sự khởi đầu nan”. Đêm nay, ông Quỳnh Thương lại ra rẫy, ông cần mẫn như con ong tìm nhụy hoa về xây mật ngọt. Mỗi vòng ông đi, tôi như liên cảm có tiếng reo của cây cà phê nảy mầm từ đất. Mặt trời đi ngủ chỉ ánh trăng còn thức với chúng tôi. Nước! Tôi nghe rõ từng đốt rễ cà phê kêu như thế. Khát! Mỗi chiếc lá xòe ra như bàn tay sấp ngửa xin ông trời giọt nước. Bóng ông Quỳnh Thương ngắn dần và lại dài ra theo thời gian thay đổi vị trí của ánh trăng. Chiến sỹ Nguyễn Hùng Sơn thốt lên nỗi khẩn cầu: “Lạy trời mưa xuống”. Ý trời vẫn im lặng. Và ông Quỳnh Thương thay mưa tưới cho gốc cà phê bám rễ xuống đất mềm. Và tôi, tôi cũng cố địu lấy một thùng nước, gắng trèo lên dốc. Trước cái hạn của thiên nhiên con người sẽ không bao giờ khuất phục. Gió vời vợi, gió heo hơi núi thấm lạnh, gió xua tan cái nóng bức ban ngày. Tiếng nước vẫn rơi đều đặn từ đôi vai của ông Quỳnh Thương. Cây cà phê đã lên tới Ro Ró rồi, đã cho quả bói mùa rồi. Khát vọng cả một đời.

Trời cứ hạn cháy. Lại thêm một con dê bị cột vào cây nêu giữa bản. Chiêng, trống ngân thấu đỉnh non. Già, trẻ, gái, trai nhảy múa quỳ lạy xin trời hạt mưa. Vật tế thần thét lên tiếng kêu oan nghiệt, ngã gục xuống vũng máu không kịp loang ra trên nền đất đang khát thèm giọt nước. Vầng trăng quầng, quầng đến nổ con mắt trông trời mưa xuống. Chết mất! Bà Căn Rỉa thều thào:

- Hay bản ta làm sai ý trời, ý núi nên bị phạt?

- Ừ, phải rồi, thần núi không muốn cho bản mình trồng cây cà phê. Nhổ thôi, nhổ hết đi thôi.

Già làng Võ Lam giơ cao hai tay lên cố hết sức thét to.

- Nhổ cây, chặt cây là cái ác. Người Pakô mình chẳng bao giờ làm cái ác cả.

Hiệu lệnh của ông mang đầy đủ sức mạnh uy lực. Mọi người dân thôi bàn tán tiếp tục bắt nhịp vào buổi lễ cầu mưa. Trung úy Võ Xuân Phong, Cán bộ đồn Biên phòng 625 - Tây Sơn bước ra giữa đám người bạc phờ vì nắng.

- Bà con ạ, cây cà phê sẽ cho ta quả đem bán lấy tiền mua gạo, mua áo quần, xây trường cho lũ trẻ con đi học. Người Vân Kiều cũng ở trên núi như người Pakô mình, họ cũng trồng cây cà phê, trồng nhiều lắm, trồng trước đây lâu lắm. Cả nước mình nữa, bà con vùng cao nơi khác cũng trồng mà. Trời làm hạn nắng thì ta tưới, trời phải thua ta thôi.

Cả vòng người lại lao xao “Tưới cà phê đi bà con ơi!”. Ông Quỳnh Thương vụt đứng dậy đi về phía nhà mình cất đôi gánh trên vai ông bước nhanh ra rẫy đợi đêm xuống để thức trắng tưới cà phê. Những người lính Biên phòng trong tổ công tác cũng ra rẫy với bà con dân bản. Cuộc vật lộn chống hạn giống như một trận chiến đấu cam go không khoan nhượng. Mà đúng thôi, cái đói cũng là giặc và cây cà phê là thứ vũ khí đa chức năng - chiến thắng giặc đói nghèo. Nằm trong số những bản xã nghèo khó nhất của toàn quốc, cả 56 hộ ở Ro Ró mới chỉ có 4 hộ nhà lợp ngói, lợp tôn. Thế thì nghèo quá đi chứ lị. Tôi đặt chân đến, sống cùng với họ mà cứ nghĩ sao mà xa thế? Rừng chẳng còn là kho vàng vô tận thì ta đãi cát tìm kiếm vàng. Vốn lam lũ chịu thương chịu khó, người Pakô đãi giọt mồ hôi của mình để tìm thứ vàng ròng vĩnh cửu xây nên cuộc đời mới. Đỉnh núi chẳng còn cảnh mờ sương. Thoảng trong màn đêm, ánh chớp lóe lên rền vang tiếng sấm “Tháng bảy nước nhảy lên bờ” kinh nghiệm đời xưa truyền lại là thế. Vậy mà nơi đây dấu hiệu hạt mưa cứ ở xa tít tắp. Vòng quầng ánh trăng lòe nhòe xộc xệch. Trời sẽ mưa chăng? Có lẽ thử lòng người như thế, ông trời đã chịu lùi bước nên từng đám mây đã mang tiếng sấm về với bản làng Ro Ró. Lời cầu nguyện của tầng tầng lòng người, tầng tầng cây lá đã làm mủi ý trời, ý núi, ý thần linh thổ địa. Đất cho cà phê bám rễ, trời cho hạt mưa để cây cà phê đâm chồi tươi lá trĩu cành quả chín. Hạt cà phê đỏ thắm như màu hồng cầu. Sự tinh chắt ứa tràn thành nước máu, tiếp vi lượng cho hạt ngọc thơm đậm đà hương vị.

Đã là những ngày của đợt nắng nóng kéo dài. Ông Quỳnh Thương cầm trên tay chiếc đài bán dẫn, với nét mặt rạng tươi nụ cười khoe với chúng tôi: “Đài mới vừa báo trời sắp mưa rồi” Hai chiến sỹ Biên phòng Xuân Phong và Hùng Sơn cất lên tiếng reo: “Thế là chúng ta đã chiến thắng!”

Chiều nhạt nhòa ánh nắng, mây thanh thản kéo nhau quy tụ giữa sườn non. Chiếc cầu vòng bắc nhịp cuối chân trời cho người dân Ro Ró đi đón cơn mưa. Và bà Căn Rỉa chắc không còn phải cúi gập lưng mình để nhặt ánh mặt trời sắc lửa. “Khó khăn khắc phục”…Tiếng hót của loài chim lạ vẫn cất lên đều đặn như lời nhắn gửi thâm tình mà vẫn đúng với sức bền bỉ dẻo dai của người Pakô nơi địa đầu tấc đất quê hương.

           N.T.P

Nguyễn Thành Phú
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 61 tháng 10/1999

Mới nhất

Quãng vắng quạnh quẽ

9 Giờ trước

Thêm áo quần đủ ấm, vợ lặng lẽ theo chồng ra chòi. Anh rắn rỏi, phong phanh, lảo đảo bước xuống chiếc xuồng. Đêm gần bờ sông trang gió, lạnh ùa tới quất từng cơn. Cái lạnh của miền Trung cứ ươn ướt, não nề.

Đồng cảm “Bốn mùa thương nhớ”

23/12/2024 lúc 17:07

Trong cuộc sống của con người thì sự ăn quan trọng vào bậc nhất. Cổ nhân có câu, dịch nghĩa ý rằng: Nước lấy dân làm trời, dân lấy ăn làm trời. Ăn không chỉ để sống, để tồn tại, để lao động, cống hiến mà còn là để khoái khẩu, để thưởng thức, suy ngẫm và trải nghiệm, đó là quan trọng như trải nghiệm ăn uống. Sự ăn không chỉ thỏa mãn đời sống vật dục tất yếu, bình thường và lành mạnh mà còn là văn hóa, hồn vía, là tâm tình, kỷ niệm, là da diết muôn vàn, đến nỗi một người Quảng Trị xa xứ như ký giả Nguyễn Linh Giang dường như cứ luôn mang mang tâm trạng hồi cố, hoài niệm theo Bốn mùa thương nhớ (tập tản văn, NXB Thanh Niên, 2024).

Ký ức chiến tranh trong truyện ngắn Văn Xương

23/12/2024 lúc 17:04

Văn Xương (tên thật Nguyễn Văn Bốn) không phải là một tác giả xuất hiện sớm và có thành tựu sáng tác nổi bật ở Việt Nam. Anh sinh năm 1959 và thuộc lớp những người cầm bút của thời kỳ đổi mới. Những truyện ngắn đầu tiên của anh được giới thiệu trên một số tạp chí, báo địa phương và trung ương khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta đã lùi xa.

Theo những bước quân hành

23/12/2024 lúc 17:00

Chủ đề người lính là một đề tài lớn, xuyên suốt trong dòng chảy văn học cách mạng Việt Nam và kéo dài đến hôm nay. Đó là một hiện thực khách quan bởi lịch sử đất nước gắn với trường kỳ kháng chiến; và khi xây dựng cuộc sống mới, thì người lính luôn là lực lượng xung kích đi đầu, đồng hành cùng nhân dân. Có thể hình dung sự vẻ vang ấy qua những tác phẩm trong tập sách Vang mãi khúc quân hành (Nhà xuất bản Thuận Hóa, 2024).

Nắng trên thành cổ; Người lính hát

23/12/2024 lúc 16:56

Nắng trên thành cổ Một rêu phong trên tường thành muôn năm cũMột nguyện cầu dài trong chấp chới tiếng chuông xaMột thanh xuân giữa ầm

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

28/12

25° - 27°

Mưa

29/12

24° - 26°

Mưa

30/12

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground