Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 06/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Nơi lưu giữ ký ức cho... người khác

Tôi viết những dòng này, như một lời tri ân, đối với lãnh đạo, cán bộ viên chức và người lao động của Trung tâm Bảo trợ Xã hội Tổng hợp 1 tỉnh Quảng Trị. Một nơi mà công việc của họ rất đặc thù - phục hồi sức khỏe tâm thần cho người bị tâm thần kinh nặng và cai nghiện cho người nghiện ma túy. Và bệnh nhân, đối tượng của họ cũng rất đặc thù. Chúng tôi gọi Trung tâm Bảo trợ Xã hội Tổng hợp 1 tỉnh Quảng Trị là nơi “lưu giữ ký ức” và cũng là nơi tìm lại mùa xuân cho những thân phận người.

Nụ cười của người, nước mắt của mình

Hơn 5 năm đi vào hoạt động, trong ký ức của anh Sơn, anh Thành, anh Lượng, anh Hùng, chị Lành… những cán bộ viên chức của Trung tâm đã lưu giữ không ít ký ức của người khác. Đó là hoạt động thường ngày, tâm lí diễn ra, có khi nó là vết dấu… mà người bị tâm thần kinh không thể nhớ, hoặc không thể nhớ hết được, lúc nhớ lúc quên. Trong rất nhiều lựa chọn, họ chọn cho mình vị trí công việc, nghề công tác xã hội mang tính đặc biệt này.

Cách đường 9D trên địa phận thôn Định Xá (xã Cam Hiếu, huyện Cam Lộ) gần 2 km, Trung tâm Bảo trợ Tổng hợp 1 Quảng Trị nằm lọt thỏm trong khu rừng tràm với diện tích hơn 10 ha. Men theo con đường nhỏ, quanh co, đi qua những khoảnh rừng tràm thanh bình tới Trung tâm cũng là nơi tĩnh lặng. Anh Trần Văn Thành - Giám đốc Trung tâm bảo với chúng tôi rằng: Khi nào tranh thủ qua đây, không gian này làm cho con người ta thư thái và an nhàn, biết trân quý cuộc sống. Chúng tôi tưởng tượng về những điều hung dữ, khi người tâm thần kinh trở bệnh hoặc người nghiện ma túy lên cơn và những điều chẳng lành khác. Để khi, đối diện với không gian và con người ở đây, chúng tôi thấy rằng cảm nhận của anh Thành là đúng.

Một không gian thanh bình, người bị tâm thần kinh được bác sĩ rèn luyện thể dục, chăm sóc sức khỏe và rèn luyện lao động trị liệu. Những người cai nghiện ma túy chăm chỉ học nghề để sau khi ra khỏi Trung tâm họ có thể lao động tái hòa nhập cộng đồng. Mọi người ở đây dường như rất ít nói, giữa không gian mênh mông chúng tôi cảm thấy mình ngơ ngác. Và có khi khờ khạo ước mơ quên một vài thứ hàng ngày. Anh Hùng, viên chức y tế của trung tâm chia sẻ với chúng tôi: Không gian ở đây có lợi cho người bệnh, họ không phải bị chi phối với những hoạt động bên ngoài, tiếng ồn và những thứ khác. Dần dần trong môi trường đó, sức khỏe tâm thần của họ sẽ phục hồi, họ có thể nhớ lại, hoạt động bình thường trở lại. Trong thời gian này, tạm thời chúng tôi lưu giữ ký ức của họ, để có khi người nhà ghé thăm, chúng tôi có thể kể với họ, cũng có khi chúng tôi kể trực tiếp với họ. Ví như, hôm qua anh chị làm cái này, ở đây, làm như thế để làm gì? Ví như, lúc sáng sao trở nên giận dữ, sao buồn bã… từ đó chúng tôi biết được bệnh nhân có tiến triển hay không để hỗ trợ họ.

Có những câu chuyện kể, đã nghe thôi cũng bầm lòng. Tuy có thể thực hư trong những hoàn cảnh riêng tư mà chúng tôi không tiện kể ra, cũng khó lòng tiếp nhận đó là sự thật. Nhưng cán bộ ở Trung tâm đã từng nghe, từng tiếp nhận, thậm chí chứng kiến từng ngày. Cũng không ai quen với những khổ đau, nhưng tự nhiên nó đến với mình, phần còn lại phải tìm hiểu để rõ nguyên nhân, vì sao chị L ra nông nổi này, vì sao anh T lại rơi vào hoàn cảnh đến cái tên của mình cũng không nhớ, vì sao hôm qua anh Đ còn nói chuyện bình thường, còn đùa vui hôm nay lại kể ra vô số chuyện đau lòng đã từng xảy ra trong đời sống của anh, sau đó anh cười hỉ hả còn người chứng kiến thì khóc.

Nụ cười của người, nước mắt của mình. Đôi lúc hai cái này gặp nhau ở sự chua xót và cảm thông. Ký ức của mình, ký ức của người, buồn vui của mình và của người khác. Xét trên yếu tố này thì cán bộ, viên chức của Trung tâm Bảo trợ Tổng hợp 1 là nơi lưu giữ ký ức cho những mảnh đời. Họ sống với ký ức của nhiều cuộc đời khác nhau. Họ đi tìm lại cuộc sống bình thường nhất cho gần 100 người (cả bệnh nhân tâm thần kinh và người nghiện ma túy), họ cũng muốn tìm lại những ngày xanh trong tâm hồn người, với họ, ngày bình thường nhất là ngày đáng quý nhất.

Cán bộ, viên chức, người lao động Trung tâm Bảo trợ Xã hội Tổng hợp 1 tỉnh Quảng Trị giao lưu văn nghệ - Ảnh: TTCC

Cán bộ, viên chức, người lao động Trung tâm Bảo trợ Xã hội Tổng hợp 1 tỉnh Quảng Trị giao lưu văn nghệ - Ảnh: TTCC

Nơi mùa xuân ở lại

“Có những khi giáp Tết, lòng chúng tôi chợt xốn xang kỳ lạ, không phải cho mình mà cho những người điều trị ở Trung tâm. Họ có nhớ nhà không, nhớ người thân không, có biết bây giờ gần Tết chưa. Giả dụ không, thì Trung tâm là gia đình của họ, nếu có, ngày đoàn viên còn chờ họ phía trước. Chúng tôi mong mỏi từng ngày, về bệnh tình của họ được thuyên giảm, trở về gia đình, tái hòa nhập cộng đồng, đó chính là mong muốn của hơn 50 cán bộ, viên chức và người lao động tại Trung tâm” - Anh Nguyễn Thái Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm chia sẻ.

Những cái Tết đi qua, trong chốn tưởng như yên ắng này lại có sự xáo động đến kỳ lạ. Chị T ba năm chưa về nhà, anh D đến đây đã là năm thứ tư, chú H ở đây cũng lâu rồi. Chú H đã lớn tuổi, cũng mong chú H trở về nhà trong một ngày bình thường nhất, trong tâm thế của người bình thường.

Chúng ta thường có thói đi hoang, đi tới những miền xa, đi tới chân trời góc bể, mong muốn mãi được đi. Săn mây trời gió núi, đi cho thỏa đôi chân mình, mỏi còn không muốn nghỉ. Những người ở Trung tâm Bảo trợ họ mong được về nhà, mong bệnh nhân của họ được trở về nhà, dù ít thôi đó cũng là niềm hạnh phúc. Mà đường về nhà không xa xôi, người xa 120 km đổ lại, người gần vài chục cây số. Bởi 89 bệnh nhân tâm thần kinh có gia đình và người thân của họ ở ngay trên mảnh đất Quảng Trị này chớ có đâu xa. Chuyện về nhà trở thành nỗi khát khao, nhất là của cán bộ viên chức, người lao động của Trung tâm đối với những bệnh nhân của mình. Anh Hùng - nhân viên y tế cho chúng tôi hay: Ở đâu có tình yêu thương đều có thể làm ấm lòng, chúng tôi xem người bệnh như người thân. Nhưng ước mơ vẫn mong họ trở về với gia đình, có cuộc sống bình thường, có thể nhớ, biết mình là ai, biết những người xung quanh mình đó là điều hạnh phúc nhất với chúng tôi.

Nơi mùa xuân ở lại đó chính là lòng người, là tình người. Mỗi khi đến Tết, bệnh nhân còn ở Trung tâm (mà đa phần thế) cán bộ viên chức cũng ở lại Trung tâm, bởi thế Trung tâm là ngôi nhà thứ hai của họ, người bệnh tâm thần kinh và người cai nghiện chính là những người thân. Anh Trần Văn Thành - Giám đốc Trung tâm chia sẻ với chúng tôi rằng, mỗi năm Tết đến, trường hợp nào ổn định Trung tâm mới cho người thân bảo lãnh về nhà ăn Tết sau đó trở lại Trung tâm, nhưng số này ít, có hơn 80% bệnh nhân ăn Tết ở đây, Trung tâm là gia đình thứ hai của họ…

Trong nghẹn ngào và xúc động, anh Thành còn cho chúng tôi biết thêm: Năm 2022 có một bệnh nhân nữ tái hòa nhập cộng đồng, đó là niềm vui rất lớn đối với cán bộ, viên chức và người lao động ở Trung tâm. Mong ngày càng có nhiều hơn bệnh nhân được hồi phục sức khỏe, trở về với mái ấm gia đình, với người thân. Nhất là đối với người nghiện ma túy, đa số là người trẻ, tuổi xuân của họ còn dài, họ phải khắc phục và cống hiến đó mới thực sự là mùa xuân của chúng tôi. Mong như thế lắm…

Niềm tin trở về

Mỗi năm Trung tâm đều tổ chức một cái Tết đoàn viên, mọi người quây quần bên nhau như những người thân trong một gia đình. Trung tâm Bảo trợ Xã hội Tổng hợp 1 là một gia đình lớn. Ở đây còn rất nhiều khó khăn, khổ đau và có cả sự bất hạnh. Nhưng tình yêu cùng nghị lực sẽ giúp họ vượt qua được những khó khăn với niềm tin đưa những người bệnh, những người lầm lỗi trở về gia đình, trở về cộng đồng trở thành những con người có ích cho gia đình và xã hội.

Chúng tôi trò chuyện với những bệnh nhân tâm thần kinh và người nghiện ma túy. Thẳm sâu trong ánh mắt của họ là tình yêu, là sự thiện lương. Chúng tôi hỏi anh D, một bệnh nhân tâm thần kinh, Tết này có muốn về nhà không? Anh D lặng im hồi lâu quan sát xung quanh rồi mím môi thật chặt: Mỗi năm Tết, có bánh tét, có pháo… Chúng tôi lặng người đi. Tết có pháo, đó là cái Tết khá xa, ngày xưa khi pháo nổ đùng đoàng vào mỗi dịp Tết, đó là thời khắc đón giao thừa. Đó là cái Tết hằn lên trong trí nhớ của anh D. Từ những ngày xa xôi đó đến những cái Tết sau này là cả một quá trình. Không tham vọng đi dựng lại ký ức của một con người, hay nói cách khác là khôi phục lại trí nhớ cho anh D. Chỉ mong anh làm chủ được mình, làm chủ được hành động của mình, biết chăm sóc cho mình đó là cả ước mơ.

Tôi cũng không quên giây phút T, một người cai nghiện đến chào anh Sơn Phó giám đốc để trở về nhà. T vòng tay lễ phép chào thầy Sơn để về nhà. Nhìn ánh mắt anh Sơn dâng trào cảm xúc và đầy hy vọng, T được người thân đón về sau thời gian cai nghiện thành công. Chúng tôi mong và chúng tôi tin T sẽ tạo dựng lại cuộc sống từ thanh xuân của mình.

 

LÊ MINH HÀ
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 340

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

07/05

25° - 27°

Mưa

08/05

24° - 26°

Mưa

09/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground