Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 27/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Nơi trú ẩn cuối cùng còng gió Cửa Tùng

L

ục xem mấy bức ảnh tư liệu cũ về Cửa Tùng - Nữ hoàng các bãi tắm, thấy lòng nhói tiếc: Ảnh của Nghệ sỹ nhiếp ảnh Sỹ Sô chụp Cửa Tùng cát trắng ơ hờ, mấy chiếc thuyền nan thong thả nằm im nghỉ, hàng thùy dương xanh ngợi, biển xanh ngăn ngắt. Ảnh của Tuấn Huy chụp cầu vồng bảy sắc mọc trên sóng biển Cửa Tùng kỳ ảo. Lục xem tranh sơn dầu của họa sĩ Lê Văn Nhường vẽ Cửa Tùng: "Chờ đợi", "Cá về", "Ký ức Cửa Tùng" - thấy nôn nao hoài niệm về một quãng thời gian quan trọng của mình đã hút xa tầm mắt. Lục xem tùy bút của nhà văn Nguyễn Tuân tả biển Cửa Tùng, từ bãi cát trắng phau, đến rặng thùy dương xanh, một ngày nước biển Cửa Tùng đổi màu đến mấy lần, rồi Cửa Tùng xưa kia là khu nghỉ dưỡng của bọn thực dân, phong kiến, rồi nỗi đau chia cắt hai bờ sông tuyến - thấy lòng mình đau đáu. Lục xem sách giáo khoa Lớp 4 của Bộ Giáo dục và đào tạo: Cửa Tùng là chiếc lược ngà chải vào mái tóc xanh của biển cả - thấy lòng bâng quơ tiếc nuối tuổi hoa niên...

Dạ, kính thưa vong hồn nhà văn Nguyễn Tuân, thưa bác Sỹ Sô, thưa họa sĩ Lê Văn Nhường và kính thưa Nhà xuất bản Giáo dục, tất cả những điều các vị đã sáng tác, đã vẽ đã ghi chép về Cửa Tùng xưa ấy, nay đã không còn... Có chăng là một bức tranh của họa sỹ Thế Hà vẽ con còng gió Cửa Tùng tặng cho ba tôi, đến bây giờ vẫn treo ở nhà...

Bây chừ, nhiều công trình, dự án đang được triển khai hay đã hoàn thành ở Cửa Tùng: nào cầu cống, bến cảng, kho bãi, kè chắn sóng..., thấy vui rồi thấy lo... Nói đến chuyện quy hoạch và xây dựng ở Cửa Tùng, bữa trước đeo kính lặn đi săn cá , lặn ốc rầm ở phía Mũi Hàu, nhìn vào bãi tắm Cửa Tùng là quần thể kiển trúc xây dựng nhà hàng, khách sạn mà với con mắt một kẻ thiếu chuyên môn như mấy tay cử nhân khoa học xã hội và nhân văn bạn bè một thuở đều nhận ra là không được chỉnh chu cho lắm, có vẻ luộm thuộm, bạ đâu làm đấy, rất chi nhà quê. Thôi, chuyện đó để sau và còn phải bàn dài dài. Bây chừ chỉ nói chuyện cát. Công trình, dự án nào cũng cần đến cát hay có liên quan, tác động đến cát. Người ta đã hút vét hàng trăm ngàn mét khối cát ở cửa sông Bến Hải - vĩ tuyến 17 lên đắp thành một cái cảng đồ sộ. Cái kè chắn sóng phía bờ Nam Cát Sơn rất có thể đã chặn dòng lưu chuyển vận động của thủy triều, nắn lại dòng nước khiến sự bồi lấp, lắng đọng bị can thiệp. Cây cầu bê tông Cửa Tùng được nổi tiếng cả nước nhờ cú nhảy dũng cảm từ cao độ 30 mét của anh học trò nghèo Ngô Văn Thơ cứu sống một em nhỏ, liệu có được các kỹ sư tính toán cẩn trọng về mức độ tác động vào dòng chảy của dòng sông bởi các trụ, mố cầu, có làm biến dạng một cửa sông đã đi vào lịch sử đấu tranh thống nhất Tổ quốc và nhất là có gián tiếp làm tăng thêm tốc độ lở xói phía bãi tắm không? Rồi cát vàng được khai thác vô hạn độ phía sau Mũi Hàu chở đi khắp tỉnh, khắp huyện để xây dựng nhà cửa, công trình trong mấy chục năm qua... Tất cả các nguyên nhân trên đã khiến thềm biển hoẳm xuống rất nhanh, biển hùng hục tiến sát vào chân người tưởng như nhìn thấy được từng ngày. Vỉa cát trắng xinh dọc bãi tắm mộng mơ dần dần sụt chảy, trôi đi đâu mất, thay vào đó là một khoảnh cát vàng bân bẩn, toen hoen. Chỉ trong mấy năm, bãi cát trắng thần tiên, lộng lẫy và yêu kiều của "Nữ hoàng các bãi tắm" hoàn toàn bị triệt diệt. Vừa bước chân xuống nước là sâu đến ngập cổ, đâu còn bờ biển thoai thoải, "ra cách mép nước đến 600 thước mực nước vẫn chỉ mới ngang ống chân" như thời cụ Nguyễn Tuân về đây thưởng lãm, hay gần hơn, khi họa sĩ Lê Văn Nhường dẫn đoàn sinh viên mỹ thuật Huế về thực tế sáng tác hồi thập niên 90...

Lục tìm trong ký ức đầy ăm ắp kỷ niệm về bãi cát thần tiên, diệu vợi. Mà cũng chưa xa mấy, hai chục năm thôi... Khi ấy, lũ trẻ xóm biển Cửa Tùng chúng tôi chân trần mà chạy mải miết, đuổi cỏ mặt trời, trèo lên cồn cát cao, cát chảy sùn sụt dưới chân, rồi băng qua một trảng cát thật rộng, cát thật nóng bỏng như muốn thiêu cháy bàn chân con trẻ. Tất cả đều là cát trắng tinh... Tất cả đều nguyên sơ, hồn nhiên, hoang dại. Biển xanh, sóng xanh, gió xanh ngờm ngợp suốt cả tuổi thơ... Lại nhớ khi bước vào tuổi nhớ nhung vương vấn, mơ ước được nắm tay nàng, bước chân trần đi mãi đi mãi trên bờ cát dài mến yêu, trăng lên rồi trăng lặn, gió thổi rồi ngưng, vẫn không nói được lời nào cho ra hồn. Thế mà một hôm, được thằng bạn nối khố làm "quân sư tình yêu", tôi nói một hơi không dám thở: "T. ơi đi bắt còng gió với Hoàn đi đã chuẩn bị sẵn bao cát rồi thịt còng gió ăn bổ lắm đó giúp phát triển trí não thế nào rồi cũng đậu tốt nghiệp có khi còn đậu luôn đại học ấy chớ...". Nàng, sau khi đã nhíu mày, đã che miệng cười khúc khích, rồi cất giọng như là... chị của người ta: "Bắt còng chớ chi. Gọi là còng thôi, bày đặt còng gió còng gió như mấy ông nhà thơ, nhạc sỹ mần chi. Còng đây bắt nhiều rồi, ừa, cũng vui đó... Bữa nớ đây đi với mấy đứa bên Cát Sơn bắt được nhiều lắm, về nướng ăn thơm lừng... Nhưng mà... Nhưng mà đi bắt còng với Hoàn... thì chưa...".

Chưa thì đi, mau... Thật tự nhiên, thế là... tự nhiên nắm tay nhau chạy hoài trên bờ cát đẫm ánh trăng ngần. Tóc nàng bay bay thơm nồng muối biển. Mệt, ngã xoài, hạt cát li ti ram ráp bám trên tóc, trên da dịu dàng. Lại như quên hết thời gian và không gian, đứng bật dậy chạy đuổi bắt còng gió mà như đuổi bắt cái bóng mình trên cát trắng... Hôm ấy, hình như bọn còng trốn đâu hết. Chỉ bắt được mỗi một con trốn trong hang sâu. Hai đứa hì hụi móc cát, đào đến tận nơi trú ẩn cuối cùng của nó. Hai con mắt còng gió ngơ ngác... Cửa Tùng về khuya mát rượi. Nàng giữ trên tay chú còng gió tội nghiệp, nói nhẹ nhàng trong hơi thở: "Hoàn biết không, T. không thể hình dung tại sao người ta lại hátngày xưa biển không có cát như bây giờ?". "Ừ nhỉ, không có cát thì còng gió sống ở đâu...". "Sống trong tim T. đây này...". Vì quá ngu dại, không biết nàng đã gửi một thông điệp trong câu nói ấy, nên: "Còng gió là một loài giáp xác, thực ra ngoài chức năng thỉnh thoảng làm thực phẩm bổ dưỡng, chẳng có ích lợi chi cả...". Nàng mỉm cười độ lượng, tỏ ra thông cảm, còn cho tiếp một cơ hội nữa: "Nhưng còng gió đã tạo cảm hứng cho các nhạc sỹ, các nhà thơ sáng tác nhiều nhạc phẩm, thi phẩm rất hay. Còng gió là biểu tượng của tâm hồn khoáng đạt trước biển cả, của tự do, của sự chia sẻ và của... tình yêu! Chẳng phải còng gió đã cho chúng mình một đêm thơ mộng và... hạnh phúc... đúng không?". Thông điệp thứ hai của nàng cũng chẳng có hiệu lực khai mở cái u mê trong đầu óc tôi, nên tiếp tục ngu dại: "Hai người một buổi tối chỉ bắt được mỗi một con, thì ai ăn ai nhịn?"... Đến nước này thì nàng bắt đầu nghi ngờ sự bình thường trong đầu óc của tôi. Nàng ra về lúc nào không hay... Và tôi cũng chẳng biết những điều nàng nói có đúng không, nhưng khi nghe kể lại, thằng bạn quân sư tình yêu của tôi há hốc mồm đau khổ vì "kịch bản" nó soạn cho tôi đã bị "bể". Nó hét vào tai tôi: Tất cả đều đúng hết, ngoại trừ mi, thằng ngốc ạ...

Thế là, vèo một cái, hai chục năm trôi qua. "Thằng ngốc" ngày ấy bây giờ chính là tôi, hè này đưa con trai năm tuổi rưỡi ở thành phố xa về thăm quê, dẫn nó dạo chơi trên bãi cát Cửa Tùng. Còn nàng, thật tự nhiên, là trở thành vợ của... thằng bạn quân sư tình yêu của tôi. Bắn không nên thì phải đền đạn. Điều "đau" hơn nữa là nàng làm chủ một nhà hàng đặc sản biển ngay chính trên bờ cát Cửa Tùng quê hương yêu mến, còn thằng "quân sư" thì ngày ngày chạy hàng cho vợ... Tôi kể cho con trai nghe chuyện hồi xưa chúng tôi đã sống, đã vui chơi và lớn lên hồn nhiên như thế nào ở chính nơi này, quá nhiều ký ức và kỷ niệm. Và trong câu chuyện của tôi, bao giờ cũng phải thêm chú thích cho nó dễ hình dung, ngày xưa, bãi cát đẹp tuyệt vời, chỉ toàn cát trắng tinh, và rộng mênh mông, chứ không phải chỉ còn một khoảnh rộng hai chục mét và chỉ toàn là cát vàng bẩn mắt như bây giờ đâu. Tôi hoa chân, múa tay, dùng hết ngôn từ hình ảnh mong làm cho nó hình dung được. Nhưng tôi biết, nó không thể nào nhận thức nổi ở ngoài tít xa kia, nơi những con sóng bạc đầu lô xô đang lăn xả vào bờ, ngày xưa lại là có thể là một cái sân bóng đá, là nơi cắm trại của lũ học trò chúng tôi. Nó cũng không thể tưởng tượng nổi nơi hai cha con ngồi đây trong cái quán đặc sản biển của "người xưa" - chi tiết này tôi giấu vì sợ nó sẽ mách lại sư tử nhà tôi - trước đây là một cồn cát cao ơi là cao, và đến mùa mưa thì hiện ra một dòng suối nhỏ từ trong bờ dốc đất đỏ chảy ra, nước trong leo lẻo, ngọt lừ...

Còn còng gió ư, con trai ạ, thôi rồi chúng đã lặn vào đại dương hết rồi, không còn nữa. Thằng bé có ý tiếc vì không được nhìn thấy con còng gió, để khi về thành phố có cái chuyện mà kể cho bạn bè nó nghe. Nó hỏi tôi, rặt những câu hỏi tại sao: Tại sao còng gió lặn vào biển, tại sao biển đang lấn sâu, ngoạm sạch bờ cát nay đã đổi sang màu vàng nhợt? Rồi nó tỏ vẻ âu lo: Thế biển có dừng lại đừng ăn thêm vào bờ được không, ba? Tôi đưa mắt sang nàng cầu cứu. Nàng xoa đầu nó, bảo: "Cháu trai ơi, ăn con mực này cho mau lớn đẹp trai như ba cháu đã này. Còn biển có ăn thêm vào bờ hay không thì đừng lo, bảo ba cháu viết một bài báo điều tra lên tiếng cảnh báo mọi người các thứ nguy cơ về môi trường, về địa chất, về xây dựng nhà hàng khách sạn, vềkhả năng và tiềm năng, về các vấn đề linh tinh khác nữa ở Cửa Tùng, là tức khắc biển sợ, biển sẽ dừng lại thôi... À mà cũng lạ đó, nhà báo nhà văn người ta lãng mạn, bay bướm, hào hoa chớ như ba cháu ngơ ngơ như bò đội nón mà làm báo viết văn là lạ lắm đó". Nói rồi, nàng khúc khích cười. Thật khâm phục cho trí tưởng tượng của trẻ con và phụ nữ. Tự dưng tôi bất chợt bâng khuâng, thì ra, thời gian và công việc kinh doanh vẫn không làm nàng mất đi những mộng mơ êm đềm một thưở. Quán vắng. Nàng nói, kể từ mùa hè năm ngoái, du khách đổ dồn về bãi tắm Cửa Việt, Mỹ Thủy hết, người ta chê Cửa Tùng không còn hấp dẫn, bãi biển giờ đây trở nên quá nguy hiểm, mới xảy ra mấy vụ chết đuối phía Đá Mụ Tạo đó, chết không tìm được xác. Giá cả lại quá đắt đỏ, bất thùng chi thình, mạnh ai nấy "chém". Mình không "chém" thì người khác cũng "chém", thế thì dại gì... Đắt hơn nơi khác từ mười đến hai chục phần trăm. Nguồn cung cấp hải sản cũng rất tạp pí lù, hàng từ khắp nơi ướp lạnh chở về, khách lạ không ai biết, còn hàng hải sản tươi sống xuất xứ Cửa Tùng vẫn có nhưng rất ít, cung không đủ cầu... Rồi lại thêm các thứ dịch vụ linh tinh, nạn chèo kéo, tranh cướp khách... Thế nên, người ta ngại, không về. Khéo sang năm T. phải đóng cửa quán thôi...". Thế, nàng lại "hiện nguyên hình" một bà chủ thông minh, sắc sảo, tính toán chi ly... Nhưng T. này, vấn đề Hoàn thực sự quan tâm là con còng gió ấy, giờ Cửa Tùng thực sự không còn một con nào hay sao? - Cả hai cha con tôi đều thảng thốt nhìn sâu vào mắt nàng. Nàng đứng dậy đi lấy thêm nước mắm nguyên chất, gia vị, buông lại một câu tràn trề hi vọng: "Hoàn cứ viết một bài báo thật hay, thật bức xúc vào, rồi, T. trả công bằng một đêm... đuổi bắt còng gió... như ngày xưa nhé...". Mấy câu cuối, nàng nói thật nhanh, kèm theo một nụ cười ý nghĩa... Nhưng không kịp rồi, thằng bé nhà tôi tai rất thính, đã nghe được rất rõ. Nó reo lên, ba ơi, viết báo đi ba, viết thật dài đi để sang năm cả nhà mình về đuổi bắt còng gió. Con sẽ ăn một lúc mười con luôn cho trí não phát triển... Chết cha rồi, nàng đã kể cho con trai tôi nghe câu chuyện bí mật của chúng tôi ngày xưa từ lúc nào thế nhỉ? Chắc là lúc tôi đã liều mình không sợ chết đuối lao xuống biển sâu hoắm ngụp lặn cho thỏa nỗi thèm khát sóng biển Cửa Tùng đã bao năm. Phà (Trời) ơi! Hỏng hết bánh kẹo rồi, nó mà về báo cáo miệng với sư tử nhà tôi thì đêm nay chỉ có nước ra biển mà nằm ngủ!

Nhưng T. này, Hoàn không sợ, hai cha con Hoàn không sợ sư tử! Bởi vì chúng tôi thèm lắm một đêm biển Cửa Tùng tràn ánh trăng ngần, bãi cát rộng thênh, cát trắng tinh khôi, có còng gió, có gió biển, có tất cả mọi thứ... như ngày xưa mà chưa xưa lắm ấy... Bởi thế, tôi viết cái bút ký văn chương này, nếu có thể được thì thay thế cho bài phóng sự điều tra về các vấn đề ở Cửa Tùng ấy, để mong được nhận tặng vật của T. là một đêm đuổi bắt còng gió "hoành tráng", tất  nhiên và chắc chắn là không phải ở Cửa Tùng rồi, mà là có thể ở Cát Sơn, Cửa Việt, Mỹ Thủy hoặc đâu đó... Và cũng thêm một lẽ nữa, là bởi vì trong bài viết có nàng, T. - "người xưa" - ai lại dùng thể loại phóng sự điều tra?... Tôi như con còng gió độc nhất mà chúng tôi đã bắt được trong cái đêm huyền ảo cách đây hai chục năm ấy, đã không còn nơi trú ẩn cuối cùng, đành phơi mặt ra giữa thanh thiên bạch nhật. Nhưng con còng gió ấy, số phận của nó cuối cùng cũng gặp được may mắn không bị nướng chín mà được phóng thích trở về với biển với cát trắng nhờ tâm hồn đa cảm của nàng. Còn tôi và con trai - thằng bé chưa bao giờ nhìn thấy còng gió, chúng tôi chẳng còn nơi nào trú ẩn cả, có chăng chỉ là trong bài bút ký này thôi. Hay là, này con trai, ta về xem con còng gió trong bức tranh của họa sĩ Thế Hà, nó cũng khá giống con còng gió của ba ngày xưa đấy?...

 

 T.H

Trần Hoài
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 167 tháng 08/2008

Mới nhất

Đại hội Phân hội Văn học tỉnh Quảng Trị, nhiệm kỳ 2024-2029

3 Giờ trước

Ngày 26/4/2024, Phân hội Văn học-Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị đã tiến hành Đại hội VII, nhiệm kỳ 2024-2029 nhằm tổng kết, đánh giá hoạt động nhiệm kỳ qua và xây dựng phương hướng hoạt động trong nhiệm kỳ mới.

Chùm thơ Trần Đức Tín

24/04/2024 lúc 17:21

Nhà thơ Trần Đức Tín, bút danh Khét, sinh năm 1989, quê quán Cà Mau, hiện đang làm

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

28/04

25° - 27°

Mưa

29/04

24° - 26°

Mưa

30/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground