Trước đây, tôi và một người bạn nữa thường ghé bản vào mùa mưa. Ngoài con đường nối từ thị trấn vào khu vực trung tâm xã được trải thảm nhựa, còn lại những nhánh rẽ tỏa sâu vào các cụm nhà ở bản như bộ rễ của một gốc cây cổ thụ vẫn bàng bạc màu đất.
Nơi nào nhấp nhô, khúc khuỷu là đường. Nơi nào vuông vắn là nơi dựng nhà. Những ngôi nhà không theo hàng lối nào. Sự quy hoạch khả dĩ nhất nơi miền sơn cước là dựa vào độ phẳng của mặt đất và khoảng cách không quá cách xa nguồn nước. Chính sự nhấp nhô, tự do này lại khiến bản mỗi lần nhìn từ trên cao xuống đều quần cư theo thế tụ họp, đầm ấm của một vòng tròn.
Đa số nhà ở bản đều được dựng theo kiến trúc nhà sàn. Từ cửa sổ nhà này có thể đập thẳng vào tận phòng khách hay gian bếp của nhà kia. Chuồng gia súc, gia cầm được bố trí cách xa gian nhà chính một đoạn. Đôi khi lợn được thả rông. Những chiếc lồng nhỏ đan bằng tre vừa vặn làm tổ đẻ cho một mẹ gà được gán chếch nghiêng vào bên chái nhà. Chỗ phơi áo quần có khi là những bờ rào hoặc bụi cây nào đó tôi chưa biết tên đang mùa rụng lá. Cũng có khi, những dây phơi được cột phất phơ gần khu vực đặt ống nước tít tận bờ ao.
Ảnh: Phan Tân Lâm
Ghé bản, lưu lại bản nhiều lần nhưng lần nào tôi cũng thắc mắc với bạn đồng hành, tại sao ở bản tuy cao, địa hình gồ ghề như thế mà lại có ao, rất nhiều những chiếc ao mùa nào cũng ăm ắp nước, bề mặt óng ả lên màu xanh lơ. Ao nước và độ cao là một sự mâu thuẫn.
Thế rồi, tôi nhận được những lý giải hợp lý, tận tình từ những vị già làng. Vì địa hình nhấp nhô nên bất cứ gia đình nào muốn dựng một ngôi nhà cũng cần rất nhiều đất để đóng nền, tôn móng. Khi một lượng đất lớn bị lấy đi sẽ tạo thành những vùng trũng, sẵn nước trên núi chảy về róc rách, thừa mứa đêm ngày, mọi người tận dụng đưa ống dẫn vào, thế là những chiếc ao màu xanh rêu được tạo nên. Khu vực gần cầu ao lúc nào cũng ẩm ướt khiến vạt rau, mấy bụi sả và mấy cây mãng cầu gai vươn tán xanh um.
Nhớ có lần, khi đang dạo chơi quanh bản, chúng tôi bắt gặp hai người phụ nữ xúng xính những chiếc váy thổ cẩm đang hò nhau đẩy một chiếc xe máy lên con dốc dẫn vào nhà. Con dốc khá cao, lối đi hẹp, vì trời mưa liên tục mấy ngày nên lớp đất bề mặt đã quánh dẻo thành bùn. Người đứng trước nói to bằng tiếng đồng bào - tôi đoán là nhắc nhở người đứng sau hãy ráng sức đẩy mạnh lên - thế nhưng trong khi họ càng đẩy thì chiếc xe càng trượt lùi chầm chậm rồi trôi xuống mắc kẹt vào một bụi cỏ lớn. Ở tình thế tiến thoái lưỡng nan, hai người phụ nữ cứ thế đứng yên rồi cười lớn. Hai đôi má lấm tấm ửng hồng!
Sau này, khi thời gian trôi qua rất lâu, tôi vẫn không sao quên được cảm xúc và trải nghiệm mà mình có vào hôm đó. Tôi đã bật lên những tiếng cười giòn giã. Sự tươi tắn và sảng khoái dâng ngập trong tâm hồn, sự tươi tắn mà sau này theo năm tháng tôi lại càng dễ đánh mất đi. Hôm ấy, tôi cười không phải vì chứng kiến tình huống tréo ngoe của hai người thiếu phụ, tôi cười vì một nguồn năng lượng vô tư, tích cực bất ngờ ập đến khi chính những cô gái trong cuộc dù đang bất lợi đến mấy vẫn rổn rảng nói cười.
Người đồng bào vùng cao là thế, họ rất ít khi nhăn nhó, cử chỉ, ánh mắt của họ luôn vui vẻ, hồn nhiên. Những con người sống gần rừng, gần sông suối, cây cỏ nên tâm hồn cũng khoáng đạt, đơn giản, thanh lành như suối, như cỏ, như cây rừng. Ở những người già, ta còn bắt gặp sự điềm nhiên. Tôi chưa khi nào gặp một ông già, bà lão nào người đồng bào tỏ vẻ sợ sệt, muộn phiền vì một điều gì. Họ bình lặng và trầm tĩnh như mặt hồ, như đá núi, như thể họ nắm gọn mọi quy luật vận hành của sự sống trong lòng bàn tay.
Một điều tôi thích ở bản nữa là ngôn ngữ, tiếng nói của đồng bào. Ví như khi cần ru con, trai gái hẹn hò, ca hát, bày tỏ tình cảm thì giọng nói sẽ thường nghiêng về sự bình yên, buồn bã hay tha thiết. Như những giai điệu của gió, nắng, của sự thinh lặng của rừng đang rót vào tai. Ngược lại, trong những cuộc trò chuyện, giao tiếp bình thường, cũng chính những giọng nói ấy lại có chút cụt lủn, rơi tõm, như thể mưa rơi vào ngói. Như một đêm mưa nọ, tôi và bạn có dịp trú lại nhà của trưởng bản. Màn đêm bắt đầu buông, bản làng chìm dần vào bóng tối, tiếng côn trùng rỉ rả hòa lẫn vào nhau. Sau khi dùng bữa tối đậm đà và ngon miệng với những món được chế biến từ thịt gác bếp và những loại rau rừng, tôi và bạn được chị chủ nhà nhường cho một tấm chăn. Chị chỉ nói với chúng tôi đúng hai câu, mỗi câu không quá năm từ. Đại ý chị bảo góc nhà mé cửa sổ là nơi sạch sẽ và phù hợp nhất có thể khiến chúng tôi ngủ ngon. Và chị mỉm cười.
Đêm đó chúng tôi yên giấc. Thỉnh thoảng, tôi nghe mùi thơm và tiếng củi nổ lép bép từ nơi góc bếp của gian nhà.
Bây giờ, vì tính chất công việc, thỉnh thoảng tôi và người bạn cũ vẫn lên đường thong dong dạo khắp các vùng đất mới. Nơi đô thị sầm uất, miền ngoại ô hiền hòa hay những làng chài hoang sơ lộng gió, thế nhưng dù đi đâu, trong ký ức tôi vẫn day dứt về những chiều sương xám bảng lảng phủ kín núi rừng, về màu trắng tinh khôi của những triền hoa cà phê trong một ngày mặt trời dát hồng lên đồi nương. Về những nụ cười giòn tan, dung hòa hoặc lặng lẽ…
Cuộc sống, đôi khi điều khiến ta nhung nhớ và muốn quay lại với một vùng đất không phải bởi sự rộn ràng, sầm uất hay rộng mở mà bởi những nét duyên của một nhịp sống đơn thuần. Nơi trong mưa có nắng, trong yên tĩnh luôn có những nụ cười.
D.T