Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 29/03/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Nụ cười Quảng Trị

V

âng, nếu không có chuyến đi “nịnh vợ” vào chiến trường xa của nàng thì chắc tôi đã không có dịp dừng lại ở vùng đất Quảng Trị lâu như thế, những ba ngày lận, cái rẻo đất lưng chừng giữa mà người ta chỉ đi qua, bay qua nhiều hơn là dừng lại.

Cũng phải nói thêm, sở dĩ có chuyến đi bán xuyên Việt tự hành, tức là tự lái xe lấy này là vì tôi, một gã chồng lâu nay vô tích sự về cuối đời lại có nhã ý là muốn hâm nóng lại cảm hứng văn chương của bà xã sau gần hai mươi năm bà buộc phải xa rời để chuyên tâm vào công tác chính trị quần chúng. Chắc ai cũng biết, một khi suốt ngày chỉ lo hình thành những báo cáo, tổng kết, nghị quyết, kính thưa kính gửi với một hệ thống từ ngữ chính xác, khô cứng thì cái việc trở lại với văn chuơng đòi hỏi sự phập phồng, run rẩy, lãng đãng, chớp giật là không dễ chút nào.

Vậy thì tôi mượn chuyến đi về với “một thời con gái đi qua cánh rừng” để nhằm đánh thức cảm xúc văn chương mà tôi biết vẫn còn nằm le lói đâu đó trong trái tim của bà xã, thế thôi, kể ra cũng ga lăng và kỳ công đấy chứ.

Quảng Trị, đồng khô cỏ cháy với những địa danh chỉ thoạt nghe đã thấy nao lòng: Ái Tử, Cửa Việt, Đường 9, Khe Sanh, Cồn Tiên, Dốc Miếu, Triệu Phong, Mỹ Chánh, Đông Hà, Lao Bảo… và khu Thành Cổ nằm khuất lấp bên dòng Thạch Hãn trong xanh, hiền hòa và dữ dội. Thôi, năm hết Tết đến, tôi không muốn nói lại cái ác liệt mang tầm cỡ thế giới của mảnh đất anh hùng này dẫu rằng bao lâu nay nó đã trở thành biểu tượng, thành niềm kính cẩn nghiêng mình của cả nuớc và những tấm lòng lương tri trên khắp thế giới trước ý chí, đức hy sinh, sự chịu đựng đến phi phàm của những con người trai trẻ đã biết dâng cả cuộc đời thanh xuân cho nghĩa cả.

Trong đó cái hình ảnh đẹp nhất, phi phàm nhất lại thuộc về những cô gái Quảng Trị đã có một thời, năm 72 đỏ lửa, sống và chiến đấu bên dòng sông lịch sử mà giờ đây cứ vào ngày kỷ niệm lại miên man những vòng hoa trắng trôi xuôi ra cửa biển mênh mông. Là người lính ven Sài Gòn một thuở, tôi hiểu thế nào là giá trị thẳm sâu của hình ảnh những cô gái hiện diện trong trận mạc. Trận mạc càng cuồng phong, hình ảnh các em càng dịu mềm như màu xanh, như giá đỡ, như điểm tựa nhân tình, lãng mạn cho những cánh rừng úa héo. Đến nỗi, đã có lần tự hỏi, chao ôi, nếu những năm tháng mù mịt ấy mà không có hình ảnh các cô du kích, pháo binh, cứu thương, giao liên vận những bộ bà ba, quấn khăn rằn thấp thoáng đi lại, nói cười thì cuộc chiến đấu sẽ nghèo nàn biết chừng nào.

Vâng, và vì thế, nhờ có sự nhiệt tình của Uỷ ban, của Hội cựu chiến binh tỉnh, cả một người đàn ông nhỏ con vốn đã có thời trực tiếp chiến đấu trong Thành Cổ đủ 81 ngày đêm mang cái tên chả dính dáng gì đến chiến trận cả - Thanh Bình - có khả năng đối thoại với người âm, và những ngày này chỉ lấy cái việc được phục vụ, được chuyện trò với khách thập phương tứ xứ về đồng đội của mình người còn kẻ mất làm niềm vui cuối đời, chúng tôi đã có dịp ngồi trước mặt bốn cô du kích hy hữu còn sót lại.

Cứ ngỡ, mất mát hy sinh nhiều thế, khổ đau gian nan nhiều thế, nhiều đến ngoài sức chịu đựng của con người, nhắc lại, chắc thể nào các cô, không, nói đúng hơn là các chị vì người trẻ nhất cũng đã bước qua tuổi năm mươi rồi, thể nào cũng không cầm được nước mắt. Nhưng không, lạ lùng làm sao, chỉ toàn thấy những nụ cười, những cặp mắt ánh lên và những câu nói rất duyên.

Đó là Trần Thị Diệp, nguyên xã đội phó, nay là ủy viên Ban chấp hành Hội cựu chiến binh một phường trong thị xã. Dáng người mảnh dẻ, nhanh nhẹn, nét mặt sinh động, chị là người cười nhiều nhất, tất cả những mẩu chuyện chiến đấu thông qua chị bỗng chỉ còn là những kỷ niệm thật vui.

Diệp còn kể có lần tự tay chữa trị cho một thương binh, người thương binh khỏi, lại sang sông uýnh nhau rồi mất liên lạc luôn, mãi đến sau này mới biết người ấy tên là Dương, Lê Bá Dương, làm bài thơ cứ hễ đọc lên là nghe muốn khóc và chính anh đã khởi xướng ra chuyện thả hoa trắng xuống sông mỗi năm vào ngày kỷ niệm. Rồi chị, bằng chất giọng Quảng Trị đằm nặng, giàu nữ tính đã đọc lại mấy câu thơ đúng là nghe muốn khóc thật:

Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ

Đáy sông còn đó bạn tôi nằm...

Đó là Nguyễn Thu Hồng, đẹp, tươi tắn, nguyên là giám đốc nhà khách Thành Cổ, hiện đang là bà chủ một đại lý nước giải khát trong ngôi nhà mặt tiền một con phố chính. Hồng bảo:

“Em cố làm ăn thu thập tiền nong mở một nhà nghỉ nhỏ để hàng năm có thể đón các anh đã chiến đấu ở đây còn sống vào ăn nghỉ miễn phí. Em biết các anh nghèo lắm, có người muốn mà không có điều kiện đi”. Rồi Hồng kể có lần một anh bị thương băng bó kín khắp người, ai cũng ngại, Hồng đã đứng ra nhận chăm sóc suốt nửa tháng…

Tôi hỏi, rồi cuối cùng hai người có yêu nhau không. Không anh ạ, Hồng trả lời nhanh, thương thôi, thương lắm, thương như thương anh trai mình chứ chiến tranh ầm ĩ như rứa, đầu óc có nghĩ được cái gì khác đâu. Sau này Hồng không có dịp gặp lại nguời thương binh ấy nữa, anh trở lại quê hay đã hy sinh ở một mặt trận nào khác rồi cũng nên. Tôi chêm vào: Nếu theo tập quán người Thái ở Tây Bắc, một khi cô gái đã nhìn thấy cơ thể của chàng trai hay ngược lại thì ắt họ phải nên vợ nên chồng. Vậy mà vẫn không thì cũng hơi lạ. Bất ngờ người cựu xã đội phó trả lời một câu rất sâu mà tôi chả nhận ra: “Mấy anh bảo, chiến tranh ác liệt, con gái đẹp cứ phải là của chung mọi người chứ của riêng ai thì buồn lòng lắm!”. Còn nguời yêu thật của Hồng là anh lính Hà Tây, mặt trận đưa anh ấy xuống sâu hơn nữa rồi hòa bình, chờ mãi cũng không thấy anh về, chắc anh nớ cũng… Chỉ một thoáng nhìn xuống rất nhanh rồi lại nhìn lên, chớp chớp, cười… Rồi làm ra vẻ bí mật, Hồng nói ngày ấy đã có dịp được chiến đấu bên cạnh một chiến sĩ rất trẻ, cao ráo, viết văn làm thơ đều hay mãi sau này đọc báo, xem truyền hình mới biết người ấy là một cán bộ cấp cao, may quá! Tôi hiểu hai chữ may quá đó là để ngầm chỉ sự khốc liệt mỗi ngày nơi đây phải ra đi vĩnh viễn cả trên trăm người mà thật may anh vẫn sống.

Đó là Trần Thị Hường, có lần trực tiếp quần nhau với cánh thủy quân lục chiến ác ôn chẳng may bị thương đứt động mạch vào gần chỗ hiểm, máu phụt ra có vòi cứ nhất định không cho băng, cuối cùng bộ đội phải đè ngửa ra, cắt béng ống quần ga-rô lại chứ không chắc lúc này: “Em còn đâu có được ngồi đây để trò chuyện với anh chị nhà văn từ Hà Nội vào”. Hường nói và cười ngọng nghịu. Lúc này chị đang là trạm trưởng thủy văn của thị xã.

Đó là y tá Mai, được gọi là hoa khôi của đơn vị và giờ đây nhìn em vẫn là người trẻ đẹp nhất trong mấy chị em ngồi kia, em bảo hồi ấy ngơ ngác lắm, mới có mười sáu tuổi, một lần phải nằm chung hầm với một nam chiến sĩ, sợ quá, cứ chân không chạy bắn sang hầm khác, hầm này cũng có nam, lại chân không chạy về, suốt đêm nằm co đầu gối lên đến tận ngực không dám ngủ. Rồi cô đọc mấy câu thơ tự làm: “Nhớ mãi về anh nơi chiến trường Quảng Trị/ Tám mốt ngày đêm chiến đấu kiên cường...”

Anh nào? Có phải là cái anh lính trẻ đã làm cho co cả đầu gối lên sát ngực ấy không? Tôi mỉm cười nhìn sang bà xã. Nàng không cười, im lặng. Tôi hiểu, với những cảnh đời này, những mẩu chuyện này nàng đã trải qua, đã dạn dày, đã thấu hiểu quá nhiều nên làm sao còn có thể cười được.

Và đó là Nguyễn Thị Thu, cô gái cùng bố chồng chèo đò đưa bộ đội qua sông, đưa thương binh trở về có ngày lên đến bốn, năm chuyến dưới lưới lửa dày đặc. Giờ đây Thu ngày ngày phải ra sông xúc hến mang ra chợ bán để có được mười, mười lăm ngàn nuôi hai con còn đi học và người chồng đang nằm bệnh. Hỏi những ngày ấy có sợ không, có nghĩ đến cái chết không khi mới tròn mười sáu tuổi? Lại một câu trả lời bất ngờ nữa: “Không sợ đâu, chỉ sợ phải lên tivi, lên báo thôi.”

Vâng, một thời chiến tranh một thời hòa bình, thời nào người phụ nữ cũng có nhiều lo toan, vất vả nhất. Nhưng không một lời than vãn, một chút ủ ê, nói về chuyện cũ đắm say, sôi nổi như nói về một thời đẹp đẽ nhất. Và để bây giờ, nếu cuộc sống có điều gì vất vả không trọn vẹn, mỗi lần gặp nhau lại chỉ cười. Và thi thoảng nếu có nước mắt lại là nước mắt nhớ thương đồng đội chứ không phải những giọt lệ buồn phiền cho trái ngang hiện tại.

Đó là bản lĩnh, là nhân cách, là phẩm chất và cũng là cội rễ văn hóa ẩn sâu trong trái tim lành hiền và rất đỗi kiên trung của các cô gái vùng sông Thạch Hãn. Nụ cười của các cô đã vượt lên bão giông, nếu ngày trước nụ cười ấy đã làm mềm đi bom đạn thì hôm nay lại làm dịu đi mọi ngổn ngang, nhọc nhằn trong cuộc sống.

Nụ cười Quảng Trị. Nụ cuời Việt Nam.

C.L

 

CHU LAI
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 295 tháng 04/2019

Mới nhất

Chiều không tắt nắng

27/03/2024 lúc 16:33

Truyện ngắn của THỦY VI

Hội VHNT tỉnh trao tặng sách và tác phẩm ảnh triển lãm “Trường Sa - Quảng Trị: Sắc màu biên cương”

23/03/2024 lúc 16:22

TCCVO - Chiều 22/3, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị tổ chức trao tặng sách và tác phẩm ảnh triển lãm

Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực

18/03/2024 lúc 00:07

TCCVO - Chiều 15/3, tại thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, UBND tỉnh Quảng Trị và Ủy ban chính quyền tỉnh Savannakhet (Lào) phối hợp tổ chức Hội thảo “Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực”.

Liên hoan dân vũ chủ đề: "Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng"

16/03/2024 lúc 06:02

Chào mừng kỷ niệm 114 năm ngày Quốc tế phụ nữ (08/3/1910 - 08/3/2024), 1984 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng; Hướng đến kỷ niệm những sự kiện lớn của quê hương đất nước; kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929-28/7-2024), Sáng ngày 07/3/2024, Công đoàn viên chức tỉnh tổ chức Liên hoan dân vũ trong nữ Công chức, viên chức, người lao động (CCVCLĐ) năm 2024 với chủ đề “Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng”.

Phát huy vai trò “báo chí kiến tạo, báo chí giải pháp”

15/03/2024 lúc 07:05

TCCVO - Sáng ngày 13/3/2024, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo tỉnh tổ chức hội nghị giao ban công tác báo chí tháng 1 và 2 năm 2024 và định hướng một số nhiệm vụ trọng tâm tuyên truyền trong thời gian tới. Đồng chí Hồ Đại Nam, UVBTVTU, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì hội nghị.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

30/03

25° - 27°

Mưa

31/03

24° - 26°

Mưa

01/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground