Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 29/03/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Nữ nghị sĩ miền giới tuyến

Quốc hội khóa VI, nhiệm kỳ 1976 - 1981 mang một ý nghĩa đặc biệt khi hai miền Bắc - Nam đã quy về một mối. Trong ý nghĩa đó, kỳ bầu cử ở Quảng Trị cũng đặc biệt bởi mảnh đất này có vĩ tuyến 17 - nơi chia cắt đất nước đằng đẵng hơn hai mươi năm.

Vĩnh Linh, một huyện phía bắc của tỉnh Quảng Trị, sau hiệp định Genève nằm về bờ bắc của sông Hiền Lương thuộc miền Bắc. Tất cả các huyện còn lại của Quảng Trị nằm ở bờ Nam của dòng sông lịch sử. Dù chỉ là một huyện, nhưng do vị trí đặc biệt của mình, Vĩnh Linh ngày ấy được nâng cấp thành “đặc khu Vĩnh Linh”, một đơn vị hành chính tương đương cấp tỉnh. Vì thế, dù đất đai dân số chỉ ngang một huyện nhưng Vĩnh Linh vẫn có đoàn đại biểu Quốc hội của mình.

Cầu Hiền Lương - sông Bến Hải năm 1961- Ảnh tư liệu

Cầu Hiền Lương - sông Bến Hải năm 1961- Ảnh tư liệu

Cô gái xã đội phó trở thành nghị sĩ

Chúng tôi trở lại miền đất giới tuyến, tìm gặp những đại biểu Quốc hội đặc khu Vĩnh Linh đã chứng kiến thời khắc của cuộc bầu cử ngày thống nhất. May mắn thay vẫn còn gặp được một nữ đại biểu Quốc hội của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa và hồi ức đầy xúc cảm của bà khi là cử tri của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong kỳ bầu cử ngay sau ngày thống nhất.

Bà Nguyễn Thị Dậu, năm nay đã hơn 75 tuổi thỉnh thoảng lại ra bờ sông cuối dòng Bến Hải đứng ngó lên tượng đài bên bến đò B. Bến đò xưa luôn đánh thức trong bà những hồi ức của một cô xã đội phó xã Vĩnh Giang vào tuổi 20 của nửa thế kỷ trước. Vì những cống hiến trong những năm tháng mưa bom bão đạn ấy, cô xã đội phó xã đội Vĩnh Giang (Vĩnh Linh) Nguyễn Thị Dậu đã trở thành nữ đại biểu Quốc hội khóa IV (1971 - 1975) và khóa V (1975 - 1976).

Nhiệm kỳ Quốc hội khóa IV, bà Nguyễn Thị Dậu là một trong ba đại biểu của Vĩnh Linh (cùng với ông Trần Đồng, Bí thư Khu ủy Vĩnh Linh và ông Hồ Ray, Ủy viên Ủy ban hành chính khu vực). Giờ đây hai đại biểu Trần Đồng và Hồ Ray đã thành người thiên cổ, còn bà Dậu đã bước qua tuổi 75 nhưng ký ức về những kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa IV, khóa V và khóa VI vẫn tươi nguyên trong ký ức.

Tôi về xã Vĩnh Giang, ghé trụ sở UBND xã hỏi nhà bà Dậu, cô văn thư cười: “Bà Dậu Quốc hội” là mẹ của chị Liên, người đang làm chủ tịch xã ni đó”, rồi chỉ cho tôi ngôi nhà cách không xa trụ sở xã, nằm trong bóng rợp cây lá của miền đất bazan màu mỡ nơi cuối dòng Bến Hải.

“Hồi bầu cử đại biểu Quốc hội khóa IV tôi đang là xã đội phó, đến khóa V mới lên làm hội trưởng Hội Phụ nữ xã. Lần bầu cử đại biểu Quốc hội khóa IV, khi đó tôi mới 25  tuổi. Thời chiến, cử tri đi bầu không chỉ có người dân mà còn các đơn vị bộ đội đang hành quân qua địa bàn cũng bầu cử luôn. Thời đó đạn bom ác liệt lắm. Là xã đội phó, suốt ngày tôi bám trụ ở bến đò B, cùng anh em bộ đội đưa quân qua đánh bên bờ Nam, cứ đầu hôm đưa quân sang, nửa đêm về sáng lại đón anh em về, tải thương, tải đạn. Anh em lính quen với hình ảnh cô xã đội phó gắn bó với bến đò B là tôi nên kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa IV tôi được trúng cử chính là nhờ phiếu của anh em bộ đội. Đi bầu cử mà nghe mấy anh bộ đội cứ bảo nhau rất “phạm quy”: “Nhớ bầu cho O Dậu xã đội nghe!”. Kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa IV đó, tôi còn nhớ là vào ngày 11/4/1971, có nhiều nơi thùng phiếu phải đặt dưới hầm, đi bỏ phiếu cũng phải đeo lá ngụy trang, dọc theo giao thông hào. Trúng cử đại biểu Quốc hội khóa IV rồi, mỗi lần ra Hà Nội họp cũng gian nan lắm, nhất là cái đận năm 1972. Mỗi lần họp là tôi đi bộ lên đặc khu, từ đó xe chở theo đường 15 (đường Hồ Chí Minh bây giờ) đi hai ba ngày mới ra tới Hà Nội. Đó là đi khi bình thường, còn khi cầu đường bị máy bay ném bom phá thì có khi cả một hai tuần mới tới. Đại biểu Quốc hội thời đó cũng chưa có chế độ hay phụ cấp đãi ngộ gì, chỉ biết đi, tới đâu ăn đó, nghỉ đó, khi thì gặp binh trạm, khi thì nhà khách… Ra Hà Nội, họp xong lại quày quả về, lại đối mặt với đạn bom. Về đi tiếp xúc cử tri cũng chỉ nói chuyện… đánh giặc”.

Sau nhiệm kỳ Quốc hội khóa IV (1971 - 1975) bà Dậu cũng trúng cử tiếp đại biểu Quốc hội khóa V cùng hai đại biểu của khóa IV là ông Trần Đồng và Hồ Ray. Đây cũng là nhiệm kỳ Quốc hội đặc biệt nhất vì chỉ dài đúng… một năm! Bầu cử Quốc hội khóa V vào ngày 6/4/1975 khi cuộc Tổng tấn công và nổi dậy đang diễn ra trên toàn miền Nam và chỉ hơn ba tuần sau, ngày 30/4/1975 đất nước thống nhất.

Tình hình mới đòi hỏi Quốc hội khóa V có những quyết định mới. Cuối năm 1975, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp phiên đặc biệt để thảo luận, thông qua đề án thực hiện thống nhất nước nhà về mặt nhà nước, cử đoàn đại biểu miền Bắc tham dự Hội nghị hiệp thương với đoàn đại biểu miền Nam. Tại Hội nghị hiệp thương, các đại biểu của đoàn miền Bắc và đại biểu của đoàn miền Nam đã khẳng định “cần hoàn thành thống nhất nước nhà trên cơ sở độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đó là sự thống nhất trọn vẹn vững chắc nhất”.

Nhiệm kỳ đặc biệt và đại biểu… một năm!

Nhiệm kỳ của Quốc hội khóa V chỉ dài vỏn vẹn đúng một năm, từ 6/4/1975 đến ngày 26/4/1976, nước Việt Nam thống nhất bầu cử Quốc hội khóa VI. Đoàn đại biểu Quốc hội đặc khu Vĩnh Linh không còn, thay vào đó là bầu đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị khóa VI.

Bà Dậu, sau nhiệm kỳ đại biểu Quốc hội khóa IV và khóa V, đến khóa VI thì bà không tham gia ứng cử nữa, lý do với bà thật đơn giản: “Hồi trước thời chiến khác, bây giờ hòa bình rồi, bầu những đại biểu Quốc hội phải có trình độ, có hiểu biết về luật, về kinh tế để xây dựng đất nước”. Và từ nữ nghị sĩ có tên trên những pano, áp phích, cuộc bầu cử năm 1976 bà Dậu là một cử tri như muôn triệu cử tri hồ hởi mừng Tổ quốc từ nay về một mối!

Nhớ tới kỳ bầu cử Quốc hội khóa VI (1976 - 1981) bà Dậu không khỏi bồi hồi: “Hồi đó khí thế lắm, háo hức lắm, đất nước thống nhất rồi, thắng được đội quân mạnh nhất thế giới rồi, ai cũng nghĩ chẳng bao lâu nữa chúng ta sẽ mạnh giàu ngay”.

“Cuộc bầu cử của ngày thống nhất mần răng mà quên được - bà Dậu vẫn giữ được nét hồ hởi mỗi khi nhắc lại quá khứ - vì mấy lần bầu cử trước đó phải bầu ở dưới giao thông hào, phải phòng tránh pháo hạm, máy bay… Còn kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội vào tháng 4/1976, bà con ai cũng phấn khởi, sung sướng vì không lo máy bay bất thình lình bổ nhào, không lo pháo hạm bất ngờ câu từ biển vô. Từ mấy tuần trước đó, không khí của cuộc bầu cử đã rạo rực lắm rồi, vì chuẩn bị kỷ niệm một năm ngày thống nhất đất nước, vừa là lần đầu tiên dân hai miền Nam Bắc cùng chung lá phiếu. Với người dân Vĩnh Linh thì lại càng vui hơn vì đây là đất giới tuyến, đất bom đạn, giờ nhớ lại, thời mới giải phóng còn gieo neo khổ cực nhưng tinh thần thì quá phấn chấn.”

Năm tháng chiến tranh ở vùng đất giới tuyến giáp ranh với chồng chất bom đạn đã tôi luyện cô xã đội phó xã Vĩnh Giang trở nên cương cường và nghĩa khí. Sau khi thôi nhiệm vụ xã đội phó, bà Dậu chuyển qua làm Hội trưởng Hội Phụ nữ, tham gia Đảng ủy xã rồi trở về làm một công dân giản dị, làm ruộng, chăn bò, chăm lo con cái.

Nữ nghị sĩ miền giới tuyến năm nào nay vui vầy với vườn tược - Ảnh: L.V.T

Nữ nghị sĩ miền giới tuyến năm nào nay vui vầy với vườn tược - Ảnh: L.V.T

Thôi nhiệm vụ đại biểu Quốc hội, không tham gia công tác ở xã nữa, về nhà thấy bà cũng làm lụng như dân làng, nhiều người cứ băn khoăn hỏi: Sao làm tới đại biểu Quốc hội mà giờ về đi làm ruộng, không được cái gì hết hay sao? Bà Dậu trả lời: “Sao lại không được: con cái tôi học hành đàng hoàng, công ăn việc làm ổn định, đêm ngủ ngon không lo đạn bom, như vậy là được chớ còn đòi chi nữa?”.

Một buổi sáng bình yên với người cựu nữ nghị sĩ thời chiến Nguyễn Thị Dậu, tôi bỗng nhận ra bài học vô cùng giản dị. Theo thói quen nghề nghiệp, tôi lại hỏi han một chút về những chế độ chính sách cho “cựu đại biểu Quốc hội”, bà Dậu cười vang: “Thì ai cũng nói tôi làm nhiều việc nhưng toàn việc không lương nên làm chi có lương hưu, nhưng có phụ cấp tham gia kháng chiến, có chế độ thương binh… cộng lại cũng đủ để có tiền hàng tháng đi giỗ chạp, đám cưới, đám ma. Còn để sống thì tôi có cái vườn tiêu này đây, tôi nghĩ tự mình làm lấy mà ăn thôi chứ đừng có quá trông đợi chuyện đãi ngộ hay chính sách!”.

Rồi bà chỉ tay ra vườn tiêu quanh nhà, hồ tiêu trên đất bazan Vĩnh Linh nổi tiếng với vị nồng thơm khó đâu có được. Cuộc đời của bà Dậu cũng đặc biệt như thế, chắt chiu từ đất đai mà nồng cay, mà thơm thảo hồn nhiên giữa cuộc đời.    

LÊ VIỆT THƯỜNG

Mới nhất

Chiều không tắt nắng

27/03/2024 lúc 16:33

Truyện ngắn của THỦY VI

Hội VHNT tỉnh trao tặng sách và tác phẩm ảnh triển lãm “Trường Sa - Quảng Trị: Sắc màu biên cương”

23/03/2024 lúc 16:22

TCCVO - Chiều 22/3, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị tổ chức trao tặng sách và tác phẩm ảnh triển lãm

Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực

18/03/2024 lúc 00:07

TCCVO - Chiều 15/3, tại thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, UBND tỉnh Quảng Trị và Ủy ban chính quyền tỉnh Savannakhet (Lào) phối hợp tổ chức Hội thảo “Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực”.

Liên hoan dân vũ chủ đề: "Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng"

16/03/2024 lúc 06:02

Chào mừng kỷ niệm 114 năm ngày Quốc tế phụ nữ (08/3/1910 - 08/3/2024), 1984 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng; Hướng đến kỷ niệm những sự kiện lớn của quê hương đất nước; kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929-28/7-2024), Sáng ngày 07/3/2024, Công đoàn viên chức tỉnh tổ chức Liên hoan dân vũ trong nữ Công chức, viên chức, người lao động (CCVCLĐ) năm 2024 với chủ đề “Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng”.

Phát huy vai trò “báo chí kiến tạo, báo chí giải pháp”

15/03/2024 lúc 07:05

TCCVO - Sáng ngày 13/3/2024, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo tỉnh tổ chức hội nghị giao ban công tác báo chí tháng 1 và 2 năm 2024 và định hướng một số nhiệm vụ trọng tâm tuyên truyền trong thời gian tới. Đồng chí Hồ Đại Nam, UVBTVTU, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì hội nghị.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

30/03

25° - 27°

Mưa

31/03

24° - 26°

Mưa

01/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground