Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 29/03/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Nụ tầm xuân ới nụ tầm xuân

Có cả những câu ca dao rất trữ tình, đằm thắm mà ai cũng yêu, cũng nhớ nhưng lại tốn biết bao giấy mực tranh cãi, chứng minh cho nhiều giả thuyết và tới giờ mọi người vẫn còn đốt đuốc đi tìm.

Tốt nghiệp khoa Hóa - ĐHSP TP Hồ Chí Minh rồi định cư ở Italia, Liên Hương, cô giáo dạy Hóa ở thành phố biển Nha Trang trở thành một người dịch văn học Ý vừa như một niềm vui vừa mang ý nghĩa góp chút tâm sức kết nối văn hóa.

Hơn 10 năm trước, khi tôi lang thang trên mạng tìm kiếm những tư liệu về Hoàng Sa trong các thư tịch cổ của những linh mục truyền giáo đến từ phương Tây, chính chị đã là người kết nối cho tôi biết đến những cuốn sách địa lý được in từ vài thế kỷ trước, nay được cất giữ trong các tu viện cổ ở Ý, để rồi những tác phẩm này là những bằng chứng hùng hồn xác quyết chủ quyền Tổ quốc.

Tình yêu xứ sở, nơi từ đó ra đi và nơi đang là quê hương thứ hai, chị như một nhịp cầu tự thân kết nối giữa Italia và Việt Nam. Và một cách để trở thành nhịp cầu ấy là trở thành người chuyển ngữ những tác phẩm giá trị của các nhà văn Italia ra tiếng Việt.

Không chỉ chọn dịch những tác phẩm của các tác gia Italia, nhiều truyện ngắn, tản bút của Liên Hương đều lấp lánh ánh sáng và màu sắc những khu vườn nước Ý mang ngụ ngôn của một tâm hồn gụi gần thiên nhiên và trìu mến cỏ cây.

(Nhà báo Lê Đức Dục)

Tạp chí Cửa Việt trân trọng giới thiệu tác phẩm của Liên Hương được viết và dịch từ nước Ý.

Có nhiều câu ca dao đọc xong, nghe xong ai cũng hiểu ngay, thuộc ngay. Có những câu ca dao càng đọc càng thấm, càng trải nhiều sương gió kinh nghiệm cuộc đời, bạc dần tóc trên đầu mới nếm rõ cái tinh túy, sự thâm sâu, nét nhân văn mà hồn dân tộc đã chắt lọc và gởi gắm vào trong đó. Ca dao phản ánh đời sống người Việt, cách ăn nết ở của người Việt và cũng là chính tâm hồn họ. Càng tìm hiểu ca dao, sưu tầm ca dao, ăn ở với ca dao càng thấy ở ca dao một kho tàng vô giá, càng yêu thương tâm hồn Việt Nam chân chất, đậm đà, tình nghĩa.

Có cả những câu ca dao rất trữ tình, đằm thắm mà ai cũng yêu, cũng nhớ nhưng lại tốn biết bao giấy mực tranh cãi, chứng minh cho nhiều giả thuyết và tới giờ mọi người vẫn còn đốt đuốc đi tìm.

“Trèo lên cây bưởi hái hoa

Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân

Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc…”

Minh họa: TRƯƠNG ĐÌNH DUNG

Minh họa: TRƯƠNG ĐÌNH DUNG

Chính nụ tầm xuân xanh xanh biếc biếc đó mà người người vẫn còn khắc khoải cho ra câu giải đáp. Chưa kể những người muốn “đem chuông đi đánh xứ người”, muốn chuyển ca dao Việt qua ngôn ngữ khác luôn thấy khó khăn khi muốn tìm cho ra một từ diễn giải “nụ tầm xuân”. Nụ tầm xuân hỡi nụ tầm xuân!

Một mối tình nở giữa xuân thì và không tới được hồi kết cục. Người con gái thầm yêu trộm nhớ bữa nọ đã qua sông. Chút lưu luyến cũng đành bởi “Sao anh không hỏi những ngày còn không - Bây giờ em đã có chồng - Như chim vào lồng như cá cắn câu…”.

Ừ, cũng vì cái màu xanh biếc ấy mà người ta đã bảo rằng chính đó nụ hoa hồng, thứ hoa hồng mọc dại.

Rồi cũng vì biếc biếc xanh xanh mà người ta dẫn hoa đậu biếc.

Tôi cũng từng lần theo nhiều trang sách, lục lọi trên mạng, những bài viết, thảo luận từ xưa tới nay, hỏi thăm người thông tuệ nơi này nơi khác. Rồi tôi đóng dấu cái cụp. Không cần thiết phải tìm cho ra một loài thực vật có thực. Biết đâu giữa mơ hồ, nghi vấn, cái trữ tình của câu ca dao càng tăng lên và sống mãi trong lòng người.

Tôi chấp nhận cách nghĩ đơn giản, nụ tầm xuân chỉ là một nụ hoa trong vườn cà, gần gũi quanh mái nhà, rất quen trong đời sống, thấy được hàng ngày. Tôi không nghĩ nụ tầm xuân được sinh ra từ chữ “hứng”. Nghĩa là hứng lên mà nói, hứng lên mà vơ vào. Trong cái bần thần bẩn thẩn của một người rút ra vườn khi nghe tin người yêu đi lấy chồng chắc chẳng liên quan gì tới chữ hứng. Người chàng yêu có thể là cô gái vườn bên, nhà cùng chung một rào giậu. Cũng có thể họ gặp nhau qua bờ rào, ở phía vườn cà. Cuộc gặp gỡ thoáng qua, vài câu đối đáp nhưng chất nặng tâm tư, của cả hai, chàng trai lẫn cô gái. Đường nhân duyên chưa se đã rẽ, nhưng tơ mành, tưởng nhớ chắc sẽ còn dài theo mãi một đời.

Leo lên cây bưởi, bước xuống vườn cà, lên lên xuống xuống chẳng biết làm gì để rồi bị trói luôn vào nụ tầm xuân ấy.

Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc như cái tuổi đời của chàng trai và cô gái, nở ra xanh biêng biếc một mối tình. Như tóc xanh và mắt biếc, tóc màu xanh sao, biếc phải thế nào trong màu mắt? Một nụ hoa còn đang xanh non, còn đang tươi mới, đang độ xuân thì. Vậy thôi, có cần thiết phải dính mắc thêm với chữ nghĩa hay không?

Nhưng có nhiều lúc trong ngày, giờ của riêng mình, bỏ sách, bỏ chữ tôi ra vườn vọc đất. Một mảnh vườn rau Việt Nam mà tôi gắng chăm để nghe máu Việt còn rần rật chảy, cũng là để thỏa cái thói ham ăn đôi phần sánh cùng mê chữ.

Mùa hè nắng nóng, mồ hôi nhễ nhại, tôi gập lưng nhặt bớt cỏ dại trong vườn. Tôi chỉ nhặt bớt thôi chứ không diệt. Có một loài thân thảo mọc dại mà chắc ai cũng biết. Bởi vì nó quá chân chất, mộc mạc, quá phổ thông, ở đâu cũng có, từ nơi đất màu mỡ, đất khô cằn, bãi cát ngoài biển, con dốc lên núi, kẽ nứt xi măng đến hàng rào dây thép… Đó là dây bìm bìm, họ hàng rất thân thuộc với dây muống, dây khoai. Trên bãi cát biển nó là loài muống biển, chẳng sợ gió, sợ nắng, bò ra tới tận mép sóng. Trong vườn nó hết bò dọc, bò ngang, lại leo đứng, đâu có không gian là nó lan tỏa, càng nắng cháy hoa nở càng nhiều, màu sắc càng rực rỡ, tươi thắm. Danh pháp khoa học của bìm bìm là Convolvulaceae, có nghĩa là quấn, cuốn lại. Hoa bìm bìm có dạng hình chuông, lá của cây có dạng hình tim. Hoa bìm bìm nở vào buổi sáng, cánh hoa nở xòe ra rất đẹp, tựa hào quang. Cái tên Morning Glory do đó mà có. Từ sáng đến chiều, hoa liên tục biến đổi màu: có trắng, có hồng, có xanh, có lam, có tím.

Hoa bìm bìm là một loài hoa rất được yêu quý ở Nhật, được biết đến với cái tên Asagao朝顔, hiểu theo từng chữ có nghĩa là “dung nhan buổi sáng”, bởi vì hơn một buổi sáng hoa không còn nữa. Với người Nhật nó dại diện cho tháng bảy, mùa hè, được sử dụng vô cùng rộng rãi trong văn học lẫn nghệ thuật tượng hình, đặc biệt là trong các bản khắc nổi như dấu hiệu của sự mỏng manh, dễ vỡ và của sắc đẹp chỉ tồn tại trong một ngày nhưng đồng thời cũng là sự kiên trì mở rộng vòng tay đón nhận một điều gì đó mạnh mẽ hơn.

Fukuda Chiyo-ni (1703-1775) là một trong số lớn các nhà thơ Haiku trong thời đại Edo. Ngay từ khi còn nhỏ bà đã được dẫn dắt vào những dòng thơ của Matsuo Basho và tới năm 17 tuổi đã trở nên nổi tiếng khắp nước Nhật bằng những câu Haiku của bà. Thơ bà diễn đạt mối quan hệ sâu lắng giữa thiên nhiên với con người, chịu ảnh hưởng của Basho và rồi phát triển theo đường lối độc lập riêng.

“Dài theo sợi gàu bên giếng

Một cành triêu nhan quấn quanh

Đành sang nhà bên xin nước.”

Chiyo đã viết về hoa Asagao tức hoa triêu nhan như thế. Một buổi sớm thức giấc, bước chân ra vườn, đi lấy nước bên bờ giếng. Nhưng trong lúc đó bà nhìn thấy rằng ngay trong đêm, một dây bìm bìm đã quấn quanh sợi dây gàu. Bất ngờ bởi sự mỏng manh của loài cây và vẻ đẹp của bông hoa, một ý nghĩ chợt đến: “Tại sao phải nắm lấy sợi dây, ngắt ngang một đời sống ngắn ngủi? Ai muốn lấy nước dùng, có thể dời sang nơi khác!”. Bài Haiku đã trở nên vô cùng nổi tiếng.

Vậy cái nụ bìm bìm có thể có nơi cái vườn cà ngày đó không, để nảy nở một mối tình lặng thầm, quấn quýt, để chút luyến lưu chờ “miếng trầu cay” đành dứt bỏ lúc sang ngang? Nụ bìm bìm có đó không, cái giây phút gặp gỡ sau chót với nhiều nuối tiếc kéo dài để thành bài ca dao sống mãi với thời gian?

“…Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc

Em đi lấy chồng anh tiếc lắm thay…”

Dù có, dù không, tôi cũng giữ riêng tôi cái nụ bìm bìm, cả cái nụ tầm xuân một thuở đi tìm, một thuở…

 Bergamo, Italy 23/5/2022

L.H

 

LIÊN HƯƠNG
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 337

Mới nhất

Chiều không tắt nắng

27/03/2024 lúc 16:33

Truyện ngắn của THỦY VI

Hội VHNT tỉnh trao tặng sách và tác phẩm ảnh triển lãm “Trường Sa - Quảng Trị: Sắc màu biên cương”

23/03/2024 lúc 16:22

TCCVO - Chiều 22/3, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị tổ chức trao tặng sách và tác phẩm ảnh triển lãm

Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực

18/03/2024 lúc 00:07

TCCVO - Chiều 15/3, tại thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, UBND tỉnh Quảng Trị và Ủy ban chính quyền tỉnh Savannakhet (Lào) phối hợp tổ chức Hội thảo “Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực”.

Liên hoan dân vũ chủ đề: "Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng"

16/03/2024 lúc 06:02

Chào mừng kỷ niệm 114 năm ngày Quốc tế phụ nữ (08/3/1910 - 08/3/2024), 1984 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng; Hướng đến kỷ niệm những sự kiện lớn của quê hương đất nước; kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929-28/7-2024), Sáng ngày 07/3/2024, Công đoàn viên chức tỉnh tổ chức Liên hoan dân vũ trong nữ Công chức, viên chức, người lao động (CCVCLĐ) năm 2024 với chủ đề “Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng”.

Phát huy vai trò “báo chí kiến tạo, báo chí giải pháp”

15/03/2024 lúc 07:05

TCCVO - Sáng ngày 13/3/2024, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo tỉnh tổ chức hội nghị giao ban công tác báo chí tháng 1 và 2 năm 2024 và định hướng một số nhiệm vụ trọng tâm tuyên truyền trong thời gian tới. Đồng chí Hồ Đại Nam, UVBTVTU, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì hội nghị.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

30/03

25° - 27°

Mưa

31/03

24° - 26°

Mưa

01/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground