T |
ôi có chút việc nhà ở trong quê. Tôi dặn đạo diễn Thanh Phong trước khi rời Hà Nội: “Anh chờ ở Hà Tĩnh nhé”. Cuộc hẹn hò ấy không thành. May là chúng tôi hẹn hò đi làm phim chứ không phải hiệp đồng đánh giặc. May là chỉ trật một chuyến lên Biên phòng Cù Bai chứ không tổn thất thương vong gì. Rồi phim cũng quay, cũng dựng. Cũng thi, cũng thưởng nhưng tôi ấm ức mãi. Tôi bỏ lỡ một chuyến về thăm nơi đã ở. Kịch bản của Thanh Phong kể lại một chuyện khá đau lòng. Chuyện ở một bản Vân Kiều sát nách đồn Biên phòng Cù Bai. Chuyện xảy ra khi tôi đã rời mặt trận Quảng Trị để ra nhận công tác mới ở Hà Nội.
Đi về phía tây Quảng Trị. Hết phần đất của nước mình là đến Cù Bai. Mấy tộc Vân Kiều tụ lại thành một bản. Chỉ một việc cả bản đổi họ, tất cả lấy họ Hồ, tất cả là con cháu của Bác Hồ Chí Minh cũng đã đáng nhớ biết chừng nào. Khí phách anh hùng ấy treo trên nghìn thước núi như một chòm sao, đêm nào cũng mọc ở mé trời tây Quảng Trị. Cơ quan hoạch định biên giới quốc gia đặt ở đó một chấm biên phòng. Có một cái đồn nho nhỏ. Có một cơ số súng đạn cũng nho nhỏ. Nhưng có một mênh mông biển tình quân dân. Chỗ tiếp giáp của trong
Đất Cù Bai sớm vươn dậy đất anh hùng.
***
Đạo diễn Thanh Phong kể “Không đón được anh ở Hà Tỉnh vì đoàn làm phim chúng em rẽ vào
….?
- Vâng, ngày ấy anh Thái là đồn trưởng. Một chàng trai Bắc bộ vào trấn thủ ở vùng gió Lào cát trắng. Và anh Thái chứng kiến rồi tham dự vào câu chuyện chuyện thương tâm ở Cù Bai. Tôi đã được nghe kể. Đã đọc kịch bản của Thanh Phong nên càng háo hức lên đường.
Tôi đã ghé qua Cù Bai một đôi lần. Đã từng gặp Tư lệnh Biên phòng tướng Đinh Văn Tuy, ở đó. Đã “gia cố” giúp mấy câu thơ cho vị tướng đôn hậu. Đã đàm đạo đủ chuyện dưới bể trên trời. Tôi tin câu nói ở cửa miệng ông Tuy: “Đồn là nhà, biên giới là quê hương” là câu nói thật.
Tôi đã từng viết về Cù Bai. Biên giới miền Trung gắn bó vì tôi tham gia đánh giặc dọc miền quê ấy. Tôi giữ suốt đời một cảm giác xúc động. Sau hai mươi ngày lội ngược rừng Lào sau tết Mậu Thân. Khi khỏe thì leo rừng vượt dốc. Khi đau thì nằm trên cáng. Bom đạn Mỹ từ trên cao xăm đuổi. Cái đói hù dọa suốt đường dài. Một buổi chiều mưa, gặp cái chòi có cây tre chắn. Ai đó khẽ nhắc “Biên phòng ta đấy”. Anh em xem giấy tờ. Anh em nhìn tôi kéo tôi vào chòi lợp lá. “Ôi, nhà thơ các cậu ơi”. Anh em châm cho tôi một điếu thuốc lá Tam Đảo. Rồi rừng khép lại phút chia tay. Chỗ ấy là Cà Roòng. Tôi qua biên giới vào đất Quảng Bình rồi đi tiếp ra Hà Nội.
Tôi yên tâm với những gì tôi đã biết, đã viết về biên phòng miền Trung. Những bài thơ đã xếp vào đội ngũ văn học với bạn bè Lương Sĩ Cầm, Trần Hữu Tòng, với Đào Nguyễn Bảo, Nguyễn Xuân Thái.
Vậy mà kịch bản của Thanh Phong mở ra từng trang nhòa nước mắt.
***
Thanh Phong kể: - “Có một thời sau chiến tranh. Chưa xa lắm đâu. Thời cả nước lúng túng, co ro trong vòng rào bao cấp về kinh tế. Thực lòng chúng ta vẫn thương mến nhau như thời đánh giặc cam go. Nhưng mình cũng đói. Không có gì cho nhau nữa đành nhắm mắt giả vờ quên. Cái đồn Cù Bai vẫn đó. Cái bản Cù Bai vẫn đó mà bị chia chắn bởi sự lãng quên không thành văn”.
- Đồn biên phòng dịch ra vị trí mới. Xa bản Cù Bai là phải. Tôi góp một chút chí tiết để Thanh Phong tin là tôi đã từng đến đó.
- Vâng. Không xa bao nhiêu. Chỗ xa đáng buồn là ai cũng tốc tả đi tìm cái tự cứu mình. Thời khốn khó mà anh.
Và nhân vật chính, một nhân chứng sống vào khung phim tài liệu này là em Hồ Vai. Một cái xác thoi thóp được nhặt trên từ đất Cù Bai đói khổ. Mẹ cha em họ Hồ. Tốt bụng và chăm chỉ. Đôn hậu và trung thành. Nhưng tầm nhìn của mắt, tầm nghe của tai, tầm trí lực quá gần. Khi còn có miếng ăn thì đỡ hơn. Cù Bai mưa nắng, Cù Bai mất mùa, đã dồn tất cả vào đêm u tối. Cha mẹ Hồ Vai đã sinh đến tám lần con mà không ai chỉ bảo cho họ cách dừng. Lít nhít như đàn kiến vống. Hồ Vai là đứa sau cùng. Sữa mẹ loãng và nhạt. Khí trời độc. Mới hơn tháng tuổi đã quặt quẹo ốm đau.
Thầy mo đến.
Đó là màn kịch bi thảm mà mấy chục năm sau ngày giải phóng miền Bắc, ta đã xua đổi được. Nay vào thời điểm thắt nút của tình hình xã hội, các thầy mo lại từ hang hốc nào đó chui ra. Lần mò đến với từng hoàn cảnh bế tắc của con người.
- “Con mày là con ma rồi! Thầy mo trùm đầu bằng vải đen để ban lời phán quyết - Đem trả nó cho rừng thôi.”
Cha mẹ Hồ Vai làm theo lời thầy mo như cái xác người biết cử động . Đứa trẻ đang khóc ngằn ngặt mà là ma ư! Nhưng giữ nó lại thì lấy gì nuôi. Chồng vác cuốc. Vợ ẵm Hồ Vai còn hầm hập sốt. Họ đi như trốn. Bóng hút vào
rừng đêm.
Vào lúc lưỡi cuốc đã moi xong cái hố. Biên phòng chạy đến. Có điều gì đó thiêng liêng trong tâm thức đến đập cửa biên phòng.
Thượng tá Trần Quốc Thái kể:
- “Thầy thuốc của mỗi đồn ngày ấy là một chàng y sĩ, y tá gì đó. Có lẽ chỉ thuộc được một phác đồ chống sốt rét rừng và bài cầm máu vết thương rồi bông băng, thuốc xanh thuốc đỏ. Chúng tôi chưa dám tin là sẽ cứu chữa được em bé này. Nhưng việc đã làm được là đã ngăn chặn một việc làm hãi hùng ở những người vô vọng. Anh Thái tiếp: Có thuốc thần thuốc thánh gì đâu anh. Chúng tôi xuất gạo dự phòng chiến lược nấu cháo. Lấy nước loãng mà nuôi. Vậy mà em bé Hồ Vai tỉnh lại rồi tươi tỉnh. Chúng tôi cứu em bé Hồ Vai và tự cứu mình. Lãng quên dân là tội lỗi, là phản bội. Trong phút giây tỉnh thức, nghị quyết của chi bộ đồn Cù Bai là liều thuốc cứu vớt chúng tôi. Thật lòng chúng tôi chưa bao giờ dám quên dân nhưng khi bóng tối mê muội đã xúi giục dân đào hố chôn con thì chúng tôi giật mình. Chúng tôi không nghĩ đến nông nỗi này.
Chúng tôi mang chuyện về chỉ huy Biên phòng Quảng Trị. Cấp ủy và chính quyền tỉnh cũng bàng hoàng.
- Thế Hồ Vai đâu rồi? Ai nuôi? Phim muốn anh Thái kể ngay. Chẳng cần rộng dài chuyện báo cáo, trình bày theo hàng ngang hàng dọc.
- Đồn chúng tôi nuôi.
- Khi Hồ Vai đã lành bệnh, sao không trả về cho cha mẹ của bé.
- Không trả được. Một là dân đói, lấy gì nuôi. Hai là trong tâm thức mê
muội, không ai nhận “con ma” về nhà nữa. Hồ Vai đã là “con ma”. Đó là lời nguyền rủa độc địa của thần quyền!
***
Đồn trưởng Cù Bai xuống bản. Tìm già làng. Ngày ấy, ở đâu ngoài Hà Nội, ai đó nói một câu tuyệt vời “Hãy tự cứu mình” , “tự cứu mình trước khi trời cứu”. Anh Thái tâm sự: “Nói với dân câu ấy chắc dân không hiểu ngay”. Chúng
tôi huy động cả đồn ra tay làm miệng nói, bày cho dân cách tự cứu. Đất Cù Bai khô. Tìm những thung, những hốc có đất mùn, có lối mòn để gánh nước sông Xê Băng Hiêng vào tưới. Tập cho dân trồng lúa nước. Tập cho dân trồng thứ rau ăn ngay, thứ củ ăn ngay để nuôi lòng chờ lúa.
- Trồng lúa mà dễ à? Tôi hỏi tiếp: Giống đâu? Phân đâu?
Chí ít mình cũng đã có hai thứ: Nước và sức người. Hai thứ kia về xin dưới tỉnh.
- Xin được không?
- Người ta cho ngay bác ạ. Không phải vì không có. Chỉ vì quên nhau. Cho giống, cho phân. Cho cả một chuyến xe chở về Quảng Trị đang mùa mưa. “Mưa cũng đi”. Phải vậy. Vì lúa có thời. Không như sắn. Và con đường lên đến Cù Bai ngày ấy gian nan hơn đường thỉnh kinh của thầy trò Đường Tăng. Cả đồn Cù Bai làm lúa nước trên bình độ gần nghìn mét ở Trường Sơn. Bản Cù Bai sống lại.
- Thế Hồ Vai đâu? Tôi nghe đủ chuyện song vẫn không rời nhân vật chính của cuốn phim.
- Chị Phong sẽ kể cho bác nghe. Các đồng chí Điện ảnh Biên phòng gặp cháu rồi.
Hồ Vai lên tuổi mười ba. Mẹ của em mất sau cái đêm hãi hùng. Đêm lén đi chôn em trong rừng. Cha em đã rất già yếu. Ông có nghe phong phanh song không dám mở miệng hỏi “Con tui còn sống à?”. Người trên núi vẫn ám ảnh một điều gì đó về kiếp người và con ma. Dân dã, có người đến nhỏ to vào tai ông. Hình như ông có nói với ai đó là ông cũng “liều đi xem mặt con ma của mình sống lại.”
Chuyện đó xảy ra ở sân trường tiểu học Cù Bai. Ông ngấp nghé sau cây.
- Hắn đó tề. Ai đó chỉ cho ông cô bé Hồ Vai đang vui đùa với bạn.
Ông nhắm mắt lại. Như để giữ nguyên khuôn mặt hồn nhiên của đứa con mình vào đôi mắt. Cũng là để hai giọt nước mắt tìm được lối thoát ra rồi lăn từ từ xuống má.
Tôi hỏi như giục dạo diễn Thanh Phong “Có ghi vào hình được cảnh ấy không.” Từ Quảng Trị, Phong nói như buồn trong sóng điện thoại “Ông ấy không khóc nữa rồi. Giọt nước mắt ấy là từ mấy năm trước mà anh”.
Nước mắt Cù Bai.
Cảnh ấy không ghi được vào phim. Phim tài liệu không là phim truyện
để đóng lại. Vậy thì tôi sẽ kể. Tôi đã kể trong lời bình phim với Thanh Phong.
Và bây giờ, trong bút ký này, tôi kể lại.
Tháng lũ ở miền Trung
P.N.C.