Những quả cam nhỏ hơn nắm tay, quả bưởi da màu xanh chuyển sang màu vàng, quýt đường chờ Tết lâu quá nên chín trước, lớp da vàng mỏng tang, mắt ai rõ có thể thấy dưới lớp da múi nào múi nấy căng mẩy nước, cây dừa lủng lẳng quả trông rất lâu già.
“Nương” là từ người dân quê tôi chỉ vườn tược. Từ hơn mấy trăm năm, dân quê tôi gọi vườn là “nương”, giờ thế hệ sau vẫn thế. Cứ mỗi lần thiếu gì là cứ í ới gọi nhau, ra sau nương hái trái ớt, ra nương cắt nắm rau, ra nương chặt buồng chuối, nó chín vàng hết rồi… mọi thứ nằm ở nương, nó xung quanh nhà mình. Nương như cái kho tự nhiên, cần gì có nấy, thích gì ăn nấy nhưng không hẳn... ước gì có nấy. Vì có những khi trái mùa, có cây mít nhưng không hẳn có quả mít chín để ăn, mít chín vào mùa hè.
Nhưng có khi mùa đông vẫn có cây mít cho quả chín, số này rất hiếm hoi, thường không ngon lắm nhưng hiếm nên quý. Có được trái là xúm năm xúm bảy, chia cho nhà này một ít, chia cho người này một ít. Chưa ăn nhưng mùi mít chín xông khắp làng. Có những thứ trái cây có thể ăn nhưng phải chia nếu không mùi của nó tự nói lên hành động của bạn đó là mít, cam, quýt, bưởi. Một chút hương dễ mấy người hỏi, rồi ăn mít phải không, bóc cam ăn một mình… Dường như ở làng chuyện có, không, được, mất… cái gì cũng bày ra, phơi ra, xấu cũng có mà tốt cũng có. Nhưng cuối cùng đọng lại vẫn là những yêu thương, có thì san sẻ.
Nhà tôi có cả nương trước và nương sau. Đó là khu vườn chuẩn nhất của nông thôn xưa nay. Trước có khoảnh đất làm vườn, sau có khoảnh đất làm vườn, nhà ở giữa. Từ đường đi vào nhà phải qua nương trước, qua nhà rồi mới tới nương sau. Nương trước thường trồng hoa và cây cảnh nhiều hơn để trang trí cho căn nhà. Cây ăn trái được trồng ở nương trước thường là cây bưởi, cây cam… vì ngoài chức năng cho trái chúng còn tạo cảnh quan rất đẹp. Nương sau hội tụ rất nhiều thứ gia đình cần, từ cây ăn quả đến rau, ớt và một số cây dược liệu thông dụng.
Từ cái thời nghèo khó người làng thường có câu “chạy xồng xộc không bằng một góc vườn” ý nói bôn ba chi cũng không bằng hoa lợi trong vườn nên phải chăm chút khu vườn để có thu nhập cho gia đình. Ông cha ta nói thế cũng phải, nó hợp với ngữ cảnh, con người và thời thế của người dân nông thôn ngày đó. Ngoài vườn tược, người nông dân có thể làm gì? Hay nói đúng hơn ưu thế của người nông dân là vườn tược, chính người nông dân hiểu được khu vườn của họ nhất. Từ đất đai, cây trồng phù hợp đến việc chăm bón và hiệu quả kinh tế cho gia đình. Bởi thế, từ cây cau, cây trầu, buồng chuối cho đến cây đào, quả mít… đều được người làm vườn chắt chiu. Muốn có được tiền thì mang ra chợ bán, cũng có thể bán ở quanh làng được bao nhiêu mua gạo và thực phẩm, số còn lại tiết kiệm đến khi nhà có phương việc thì mang ra sử dụng, còn nữa thì mua vàng, năm phân hoặc một chỉ, tới khi con gái đi lấy chồng thường mang ra cho. Đeo chỉ vàng cho con mà nước mắt đầm đìa, có người tiếc vàng, có người thương con, cũng có người có cả hai lẽ ấy.
Khu vườn trước nhà tác giả bài viết - Ảnh: Hoàng Hải Lâm
Mùa mưa dầm dề thường kéo chân tôi từ nương trước ra tới nương sau. Hơn năm ngàn mét vuông đất ông nội tôi để lại tôi trồng vườn cây ăn trái. Nương phía trước tôi trồng hoa, cứ gần Tết người đi ngang ghé chụp ảnh cho vui cửa vui nhà. Mấy mùa trước tôi trồng hoa ở bờ sông, qua mấy trận lũ đất đi theo nước nên tôi trồng hoa ở vườn. Tôi không thích mang đào, quất hoặc những loại hoa khác về nhà trong dịp Tết. Thói quen của không ít người là có cây hoa hay thứ gì đẹp là “lôi” về nhà mình, cứ theo thứ tự quý hiếm và phù hợp để bày biện trong căn nhà chứ hiếm thấy chuyện mang niềm vui, nét đẹp tới cho cộng đồng.
Tôi thường mua hạt giống hoa, khi tam giác mạch, lúc thì hoa cánh bướm. Chỉ cần non một triệu đồng là có một vườn hoa ngập tràn trên khoảnh đất gần năm trăm mét vuông. Chưa đến năm mươi ngày từ khi gieo hạt, một vườn hoa ngập tràn lôi kéo những bước chân quen. Bởi những người quen và những người chưa quen nên tôi thường trồng hoa vào khu vườn trước. Có lần tôi không trồng hoa ở khu vườn này, người lại qua hỏi dữ lắm. Cảm giác này khiến tôi thấy mình có lỗi, nên mấy mùa gần đây tôi đều trồng hoa. Khi khu vườn rộ hoa là lúc tấp nập người qua lại ghé vào chụp ảnh. Tôi toàn thấy họ cười, rất vui và thân quen, tựa như cánh hoa kia nở. Bất giác lúc đó tôi nhận ra tôi không cười, có khi nghĩ, tôi sống nương nhờ vào niềm vui của người khác.
Khu vườn sau nước ngập mấy ngày vào mùa mưa. Vườn dừa một phen được no say sau những ngày nắng nhưng mấy trăm cây ăn quả khác lại dóng dõi chờ nắng lên, nên thời tiết gần đây khá phù hợp với kiểu vườn xen canh, mưa vài hôm rồi rút. Lũ vịt sau hồi tắm mát đứng nhìn con nước cuối cùng trôi đi, trên màu đất non để lại vết chân của chúng. Nhớ cái thời dịch Covid hoành hành, hầu hết thời gian tôi ở đây. Lúc chợ búa không một bóng người thì khu vườn là nơi gia đình tôi nương nhờ vào nó. Từ rau củ, trái cây đến thực phẩm đều có ở trong vườn. Chúng tôi đi qua mùa dịch nhờ khu vườn đầy đủ những thứ thiết yếu. Bọn trẻ quanh làng cũng ở đây, trong mùa dịch, trong mùa hè, những ngày nghỉ, có khi giờ ra chơi học sinh ở trường cũng đạp xe ghé vườn hái ổi. Mấy đứa con tôi nghe câu chuyện thời trẻ của tôi nên đi tuyên truyền với lũ bạn rằng: Ba tao nói ngày xưa ba cực dữ lắm, tới trái cây cũng không có ăn nên giờ trồng để cho con nít khỏi thiệt thòi, cứ hái mà ăn…
Làm vườn là tìm niềm vui cho chính mình và tạo ra những bài học thú vị cho các con - Ảnh: H.C.D
Một khu vườn rộn tiếng trẻ thơ qua những ngày dài, chẳng mấy chốc mình trở thành cụ già ngồi trông bọn trẻ trèo cây. Nên khi đi ra vườn, tôi thường thấy thấp thoáng hình ảnh của mẹ, của cha. Có khi ước mong tới lạ kì, cây trái mình trồng rồi chỉ ước mẹ cha hái đưa cho để mình làm đứa trẻ. Nên khi nhìn ngẩn ngơ tới khi trăng già treo trên tàu dừa, khi trời mưa cứ lẩn thẩn trong vườn đến khi ướt sũng. Có khi ước mơ mình là cái cây trong vườn, là cây con, mẹ cha là cây lớn, đứng gần nhau dù ngày nắng hay bão táp mưa giông, nương tựa vào nhau như những cái cây ở trong vườn.
Thỉnh thoảng lại hoài niệm về những khu vườn trong làng, những đứa trẻ lang thang ngày nắng mưa rồi ngày kia lớn lên kể lại. Nhờ cây trái trong những khu vườn mà lớn lên chừng đó, giờ có gia đình, có vợ con, ai nấy không thông minh sắc sảo cũng chẳng giàu có chi nhưng vẫn biết ơn những ngày nương tựa vào nương vườn để sống. Rồi còn đó những đứa trẻ ra đời, chúng sẽ lớn lên trong những khu vườn của làng, lấp ló ánh mắt sau kẽ lá, chui vào bất cứ khu vườn nào để hái quả, chỉ chực bắt gặp khuôn mặt nghiêm nghị của chủ vườn là sẽ khóc toáng lên nhưng không quên nhặt quả mang đi. Hoặc giả chủ vườn nở nụ cười thì chúng sẽ đi thẳng băng rồi lần sau quay lại ôm lủng lẳng trên cây hoa trái ở trong vườn. Tùy thái độ của chủ vườn để những đứa trẻ lớn lên và cũng tùy thái độ của mình để người lớn già đi, có lẽ thế.