Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 05/02/2025 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

O Lá

Chẳng ai nghịch ngợm như O Lá của tôi cả. Gặp nhau chưa kịp chào o đã cười Khoa…khoa…khoa. Tiếng cười o vang cả xóm. Trên bốn mươi tuổi o còn xuân sắc hây hây với đôi má bầu căng, mắt cứ lấp la lấp láy, thân hình thon thả mà rắn chắc, dáng đi lại uyển chuyển… Bố tôi hậm hực mỗi lần tôi ra khỏi nhà:

- Mày là con gái mới lớn đừng có mà lẽo đẽo theo o Lá hư thân mất nết, cái con quỷ hồi xuân ấy quên cả đạo lý …

Tôi bụm miệng không dám cười cái ý nghĩa cổ lỗ của bố, cốt là để ra khỏi nhà. Bọn thiếu niên làng tôi tối nào cũng tập văn nghệ. Chẳng là đợt này làng sắp có đợt tuyển quân mới, phải đưa tiễn cho có không khí. Nhà o Lá trở thành nơi tụ họp của chúng tôi. Đêm nào o  Lá cũng nấu một nồi nước chè thật to, rang một ít đậu phộng, cười khoa… khoa… về một câu chuyện bí mật giữa vợ chồng o sau lần dượng ấy về phép. Dượng Thanh đi bộ đội mãi tận đâu xứ Bắc, ba năm mới được một lần thăm vợ, thăm con…

O đang kể cho bà Đĩu người hàng xóm cái câu chuyện theo ba tôi thì rất vô duyên. Thấy bọn tôi vào O Lá cười chảy cả nước mắt. O Lá là em họ của ba tôi vì thế dẫu sao cũng là chỗ máu thịt thân thích. Thế mà cũng như ba tôi, mẹ tôi ngày một ghét cay ghét đắng. Chẳng là ở đâu o cũng kể chuyện trong buồng kín một cách cách vô tư. Ngay cả những ngày đi làm hợp tác, thanh niên trẻ xúm lại quanh o quên cả làm việc. Mấy ông mất vợ sớm cũng há mồm ra cười sấn sổ đến. Trước đây mẹ có ý định đưa o lên làm Bí thư đoàn, đưa ngang tầm Đoàn lên với các làng trong xã. Cái ngày o sắp được đề bạt - mẹ tôi - hiển nhiên là Bí thư chi bộ báo với o cái dự định của cấp uỷ, o tôi chỉ vào bụng:

- Chết cha rồi chị ơi! Cái bụng tui hắn to mất rồi.

Mẹ tôi trợn mắt:

- Mày có chồng đâu mà chữa. Cái miệng không biết ngượng à?

O kéo áo để lộ cái bụng trắng lốp đã lùm lùm.

- Trời ơi là trời! Tao đã đổ biết bao công sức để bảo vệ mày trước tập thể, thế là mày đem tao làm cái trò cười về cái tư cách hỗ lốn của mày. Mày đem gia đình ông bà, cha mẹ mày ra mà bêu riếu…

Mẹ tôi nhắm mắt chạy vụt ra khỏi nhà. Từ đó mẹ tôi ghét o vô cùng. Nhắc đến tên o là mẹ nghiến răng kèn kẹt. Hễ tôi lân la nghe o kể chuyện lấy chồng, ngủ với chồng là mẹ tôi giật phắt về nện cho một trận nên thân, trói tôi vào cột nhà rồi ca cẩm cho đến lúc cơm chín mới buông tha. O Lá tôi mang thai đúng sáu tháng, cái bụng chạng bạng vượt mặt thì dượng Thanh từ biên giới trở về. Dượng ôm lấy o sung sướng, ba hôm sau thì tổ chức đám cưới. Ba mẹ tôi, nói đúng hơn là cả làng đều ngơ ngác. Không đi dự cũng không được. Đã trót xỉ vả o chuyện không chồng mà chửa, con gái đàn bà rững mỡ để cho trai oằn vào là làng tối kỵ. Ai có biết đâu rằng dượng Thanh nghe đâu đã lên đến cấp uý, lấy ai chứ dượng Thanh thì quá đẹp. Cỡ gái làng được dượng để ý là ngon lắm rồi. Thế nhưng đã trót lỡ mồm lỡ miệng người ta vẫn còn vớt vát chút đỉnh:

- Khéo mà ông Thanh gửi trứng cho ác cũng nên, tôi thấy thằng Lãm Bí thư xã đoàn nó hay lân la đến con Lá lắm. Cái tuổi đàn bà là “Mùi” thì khoan tin vội. Chỉ tội ông Thanh bị nó bỏ bùa lú…

Tôi cứ sợ tiếng xa tiếng gần lọt vào tai dượng Thanh thì tội cho o tôi lắm. Dượng mà bỏ thì o tôi xấu mặt xấu mày ăn ở làm sao được. Không hiểu sao tôi lại lo xa đến vậy. Tôi thương o trốn mẹ đến rỉ tai o cười khoa… khoa...

- Con quỷ này! Mày lo bò trắng răng. Đã đụng vào o mày là không ai chạy thoát. Khoa… khoa …

Tôi đỏ bừng mặt xấu hổ. Cái o này lúc nào cũng cười được. Miệng o rộng, đôi mắt hơi lé một tí trông thêm duyên đáo để, mái tóc dài đã đen lại mượt. Khuôn mặt trái xoan mịn màng, thi thoảng có họp hành, hội hè, o bôi một tí son, trông o cứ như đâu thành thị ghé về chứ  đâu phải một cô gái cày sâu cuốc bẫm. O là người đàn bà đầu tiên của làng biết dùng son phấn, nhiều người nhìn o bịt cả mũi, cả miệng hấm hứ: Cái làng tôi cực sát đất ai cũng biết. Chỉ nghe cái tên đã thấy tủi thân: Lâm Pheo! Bố tôi thông chữ Hán, người giải nghĩa rằng: Lâm là rừng, pheo là tre. Ý nghĩa tên làng rất đẹp: Rừng tre. Tôi lơ láo nhìn trời nghi ngờ đến cái vốn chữ Nho của Người, bố tôi quắc mắt:

- Mày sao lú lẫn thế! Đúng là bố làm thầy con đốt sách. Mày phải yêu quý cái tên ấy. Dẫu làng ta cực thật, có cắn cỏ cắn đất mày cũng phải nhớ lấy nơi đẻ ra mày!

Tôi nghe cái tên làng nó sao sao ấy chứ tôi có giận gì làng đâu cơ chứ. Làng Lâm Pheo cực cả huyện này ai chẳng biết. Mẹ tôi kể năm Ất Dậu cả làng đều đói. Ông họ tôi (gọi ông theo ngôi thứ cùng phái cùng chi trong họ, thực tình ông chỉ bằng tuổi bố tôi) thương người vợ gầy yếu không đủ sức nuôi năm miệng ăn liền đổ bệnh. Bước đường cùng ông liền mò vào vườn của địa chủ Thí hái trộm lá rau khoai. Lão Thí chỉ đợi đến lúc ấy vác gậy đánh thẳng vào đầu ông. Ông rống lên như một con bò bị chọc tiết ngã vật xuống luống khoai đầy máu. Trước khi chết ông nói hắt ra những lời cuối cùng: “Mẹ nó ơi phải đặt tên đứa con út là Lá Khoai để nhớ mãi mối thù này!”. Đó là cái đòn địa chủ Thí dành cho ông họ tôi mà bao năm trời lão mai phục. Chả là hồi ấy mụ tôi đẹp nhất làng, trai trẻ giàu có nghèo có đều chết mê chết mệt. Lão thí hồi ấy bám đít Tây giàu nứt đố đổ vách thuê mụ tôi làm con ở. Đêm lão lẻn vào buồng rờ mó. Mụ tôi la làng. Lão bày mặt chuột. Lão ức lắm, nén giận rung đùi cười đắc chí:

- Mày chịu làm lẽ thì tao xoá nợ đời trước cho còn không thì mày cút!

Mụ tôi lặng lẽ ôm nón ra về vùi đầu vào ngực ông tôi lúc ấy cũng là người cày thuê, khóc nức nở. Ông nghiến răng vác bao cói ra khỏi làng. Ông làm cái nghề mà cả làng tôi dù có chết đói cũng chẳng ai làm. Một năm sau ông đem tiền về ném thẳng vào mặt địa chủ Thí. Lão trợn mắt sùi bọt mép. Ông mụ tôi lấy nhau từ đó. Có năm mặt con, o Lá Khoai, sau này tôi quen gọi là o Lá là con cuối. Lúc ông chết o Lá tròn tháng tuổi. Một nách năm đứa con mụ tôi cất lưng không nổi, ai cho miếng nào nhờ miếng ấy. Có bữa đi cấy thuê, được bát cơm mụ cho vào miệng nhai ngấu nghiến lật đật đứng dậy ra vườn nhìn trước nhìn sau nhổ ra cho vào lá chuối thu thu giấu giấu để hết buổi đem về cho con. Kiến bâu, ruồi đậu còn đỡ. Có bữa chó đớp mất. Cảnh đời là thế mà o Lá tôi lớn nhanh như thổi. Năm lên mười mẹ tôi cám cảnh chỗ bà con đem o về. Bố tôi lúc đó dạy học, dạy chữ cho o. O học thông minh duy cái tính thì nghịch như con trai. Bao nhiêu công dung ngôn hạnh bố tôi dạy o đều bỏ ngoài tai. Đến đoạn nam nữ thụ thụ bất thân thì o phì cười lấy thước đập vào háng cậu con trai, ngồi bên trúng chỗ hiểm, cậu giật mình la oai oái. Bố tôi đuổi o ra khỏi lớp. Mẹ tôi nài nỉ lắm o mới được vào học lại.

Năm mười sáu tuổi o đẹp đến mức trai làng bên đêm đêm ngấp nghé mò sang. May mà trúng cái thời buổi chiến tranh ác liệt nên ai cũng sợ chết. Chỉ có bọn lính ra vào. Không hiểu vì ghét hay sao mà o ăn mặc rách rưới lại bẩn thỉu, mặt mày nhọ nhem không chịu rửa. Chẳng chiếc quần nào o không xé một mảng ở đít, ngoắt ra, ngoắt vào. Bọn lính nhìn ghớm chết. Chúng khuất mắt o lại cười khoa…khoa… Có tên sĩ quan đồn trưởng tinh mắt mua cả quần áo, đánh xe nhà binh về dụ dỗ. O tôi nhảy choi choi, lu loa vào mặt nó. Miệng tròn vo rồi cong cớn, nhổ toẹt ra cái từ ngữ mà tôi không thể viết ra đây được.

Hắn vuốt mặt không kịp. Cả nhà hết hồn vía vái lạy hắn tha tội. Hắn ngắc ngứ phân bua:

- Chắc cô ấy còn trẻ con, chưa biết gì. Các bà nên hướng dẫn em.

Hắn lên xe vụt đi. O tui chui vào buồng đắp chăn cười. Mấy chị cả hồn tận ngọn cây tỉnh lại, xúm nhau đánh cho một trận nên thân. O vẫn chứng nào tật nấy:

- Mấy chị thèm thì đi mà tìm thứ của quý đó. Của tôi chưa mốc đâu mà sợ. Có mốc tôi cũng  đem ra phơi nắng.

Khi bộ đội ta vào giải phóng. O Lá hớn hở ra phết. O xung phong vào du kích tải đạn. Mấy bận bom Mỹ rải thảm suýt trúng đầu, mảnh bom chỉ liếm mất một vạt áo. Hết bom o cười khoa…khoa. Có lần  bom rải xiết cả ngày, trận địa pháo ở Cồn Chùa bị vây trong lửa. O dẫn đầu một tốp du kích nữ lao lên trận địa gồng gánh thương binh ra nơi có hầm trú ẩn. Bình yên o cùng mẹ tôi chạy khắp làng, nhà quả chuối, quả chanh, con gà  và bao nhiêu con gà đang ấp o trút thẳng vào nón để dành cho thương binh. O còn nhận hiến máu cho một thương binh loại máu lúc ấy không ai cùng nhóm. Người ấy thoát khỏi tử thần (sau này đó chính là dượng Thanh của tôi). O còn nhận quần áo về giặt, may vá suốt đêm, cho đến phiên gác thì tòn ten khẩu súng trường vừa đi vừa hát:

Đêm trăng vằng vặc

Vác ặc đi chơi gặp đàn vịt trời…

Tiếng o ngân nga đầu ngõ. Bố tôi ngồi nghiến răng:

- Cái con mất nết. Họ nhà tôi đâu phải thế. Mẹ nó ngủ với loài quỷ mới đẻ ra nó .

Mẹ tôi thở dài:

- Con gái hơn hai mươi chưa chịu lấy chồng. Miệng mồm thì bẩn thỉu có mà làm bạn với bò đực.

- Hò ơ … trăng lên đỉnh núi Mu Rùa

Cho anh giả gạo (ơ… hơ) chịu đến mùa anh trả khoai hơ… hò...

Bố tôi bịt tai bưng mắt. Tiếng o mỗi lúc một to, mà càng lúc càng nói trắng, nói tục chứ không phải thanh như câu hò dạo đầu, lẫn với tiếng cười khoa khoa. Tôi nhìn ra cửa sổ, trăng sáng đầy trời. Hình như trận bom chiều đã biến vào xa xưa. Ánh trăng rắc đầy ngọc ngà châu báu trên cỏ sương. Cái dáng o Lá thon thả thấp thoáng bên hàng trúc. Mái tóc dài ướt đẫm sương lấp la lấp lánh, khẩu súng trường vắt chéo ngang vai trông o đẹp quá. Tôi thầm ghen cái dáng hiếm hoi ở làng cát cực nhọc này. Hình như bao nhiêu cái duyên của lũ chúng tôi thần thành đã cướp mất để tặng cho o Lá. Những hạt sương lung linh như hơi thở của o nhẹ lướt trên cây cỏ. O tôi đẹp đến nao lòng con gái của tôi…

Chuyện của o Lá kể một ngày không hết. đến lúc cả làng vào hợp tác xã xây dựng cuộc sống mới, ngày bận bịu với công việc đồng áng thế mà o cũng diện hết cỡ. Hồi mới hoà bình thanh niên nam nữ như bọn tôi xếp hàng mua cho được một mét vải chéo xanh là mừng lắm. Quanh năm cũng chỉ cái quần ấy, cũng chỉ mặc những khi có hội hè văn nghệ văn gừng, đến trường học chứ khi lao động ai dám mang thế mà o mua hết quần này đến quần nọ, xin tiêu chuẩn của người khác may đủ kiểu mang nó để gánh phân trồng rau. O nói với tôi:

- Lao động là vinh quang, ăn mặc tồi tàn làm gì cho bẩn cả của… quý. Thời này sướng rồi đâu còn cái kiếp cho người ta cưỡi nữa.

Diện quá, o đi đâu cũng bị người ta nguýt ngoáy. Có khối đàn ông nhìn o nhỏ dãi thế mà không dám đến chỉ sợ mang vạ. Đã thế o còn uốn tóc mai, mang quần ống loe, miệng đánh son cứ như văn công đâu trên tỉnh về. Đội Đoàn họp kiểm điểm lên kiểm điểm xuống o cũng chỉ một câu:

- Tui phải hưởng tự do độc lập của nước nhà. Đâu phải cái thời Cảnh Hưng: Cấm quần không đáy …

Sợ xấu mặt mẹ tôi bưng miệng o không kịp. Mẹ dằn từng tiếng:

- Đồng chí đoàn viên Lá! Đồng chí nên nhớ rằng: tự do phải có khuôn khổ. Có hai đồng thì ăn bát cháo hai đồng, đừng ăn liền ba đồng người ta trị đấy. Công lao đồng chí phục vụ kháng chiến không ít thế mà đảng viên đồng chí cũng không có, thật không biết xấu mặt.

Trong cuộc họp o nể mẹ nên im lặng. Nghe kể lại bố tôi vác rựa đến cột nhà chém một nhát: “Cái kiếp ông bà tổ tiên ăn ở phúc đức. Họ Đoàn này con đàn cháu đống, đều biết chữ Chân-Thiện-Mỹ… Có con ma dòng nào đầu thai lộn sòng thế này! Phải từ mặt nó, đừng nhìn nó là bà con mà nhục cả họ hàng”.

Bố tôi từ mặt o thật, việc họ việc làng lại thấy o với đôi guốc cao gót, tóc uốn phồng, áo hở lồng ngực căng căng, nghe nói o đi đâu xa làng hẳn một tháng nay lại xuất hiện bố tôi ngưng tay đánh xuống nhập lễ, quỳ xuống trước bàn thờ:

- Lạy ông bà tổ tiên, lạy cái thần cái thánh, lạy vong linh … Xin các ngài đừng bận tâm về sự có mặt của con Lá. Nó là quái thai mà mẹ nó quên bóp mũi từ lúc nhỏ.

O Lá như không nghe thấy gì lại lao vào bếp núc nấu xào nói chuyện về chuyến đi Sài Gòn chơi thật rôm rả. O nấu ăn thì cực kì ngon. Từ nhỏ đến lớn tôi chưa thấy o học qua lớp nấu ăn nào mà cái món nem, chả phượng trông nó điệu đàng quyến rũ làm sao… Bố tôi ăn khen lấy khen để, rung đùi, nhấp rượu nói chuyện Khổng Tử với các cụ bô lão, tôi ghé tai bố thì thào: “O Lá nấu ăn ngon bố nhỉ?” Bố tôi sững người nhổ đến toẹt giữa nhà, dằn bát đứng dậy:

- Cái con ô uế này đi làm gì ở thành phố suốt tháng nay. Về lại dám bỏ bùa lú cho ông bà nó nữa!

Ông đi một mạch. Chẳng ai can ngăn nỗi. Bà con họ hàng im lặng nhìn nhau.

O Lá buồn lắm. Hôm ấy tôi thấy o nằm khóc. Đêm sau tôi lẻn bố mẹ qua nhà o may ra được nghe o kể chuyện một chuyến xa làng, vừa thấy tôi o hỏi:

- Mày có kinh chưa hả?

Tôi không biết chui vào đâu cho kịp thì o tiếp:

- Đời con gái chỉ một lần phá trinh. Phải giữ thân giữ phận cho đúng.

May ánh đèn nhà o không sáng lắm không thì khuôn mặt tôi sẽ như thế nào nữa. Nhưng xem ra tôi cũng thấy hay hay thế nào ấy. Không hiểu sao tôi rất thương o đã gần ba mươi tuổi rồi. Gái quê như thế là mắc cạn một trăm phần trăm. Tôi tiếc cho nhan sắc của o bị trời đày, cũng do miệng mồm của o mà ra cả. Chả lẽ cái định mệnh: Hồng nhan bạc phận là thế sao?

 

***

 

Thế mà o Lá đã lấy chồng, một người chồng mà con gái như tôi cũng mơ ước. Phải nói là tôi mừng. Mừng đến nỗi tôi khóc suốt đám cưới. Những điệu hò ru con đầy lời ong tiếng ve cất lên rong đám cưới tôi cũng quên nốt. Tôi sợ đám cưới không thành, tội o lắm lắm. Cho đến lúc họ hàng về hết tôi mới tin đám cưới là có thật. Tôi ôm chầm lấy o dượng, xoa xoa vào bụng o, lắng nghe tiếng lục bục trong bụng o như tiếng trống ếch reo vang đầu ngõ đầy thích thú. Cho đến lúc o liếc mắt nguýt tôi:

- Mày phải về cho o dượng ngủ chứ! Dượng mày nhịn thèm mấy tháng rồi!

Quái quỷ, o làm tôi ngượng hết chỗ nói. Vừa đi tôi vừa giận không biết để đâu cho hết. Xong tuần trăng mật dượng tôi vác súng trở lại chiến trường tôi mới dám vác mặt qua. Thú thực không nghe o nói cũng buồn cũng thiếu. Tôi dò những bước nhẹ nhàng định úm ba la cho o một vố mất hồn. Ló mắt vào tấm cửa tranh tôi thấy o đứng trước gương ngắm nghía, rồi lại nhìn ảnh chồng, o ấp ảnh chồng vào lồng ngực. Kìa, hình như o khóc, đôi mắt dài êm ái đẫm ướt. Tôi không dám làm o hú vía nữa mà đứng lặng lẽ ngoài cửa. O dụi mắt nói vọng ra.

- Vào đi con!

Tiếng o lạc hẵn. Tôi ái ngại ngực như nghẹn thở rồi giật thót: Chả lẽ dượng tôi đã bỏ o rồi sao? Có lẽ cái bào thai trong bụng … bỗng dưng tôi bật khóc nức nở, o ôm tôi vào lòng:

- Nín đi ranh con. Xa chồng o buồn lắm. Tiễn dượng đi o không dám khóc mới về đây…

Tôi trút tảng đá khỏi lồng ngực non nớt. Tôi càng thương o hơn bao giờ hết. Ôi. Cái o quái quỷ của tôi, miệng tiếng về o chẳng bao giờ tôi hiểu nổi cả.

Năm sau tôi đỗ đại học phải xa làng, bố tôi rung đùi cười ha hả. Khi lên đường, bố dặn: Phúc đức nhà này lắm chứ. Con lấy chữ Hiếu làm đầu. Hãy noi gương dòng dõi nhà ta lên thành phố đừng có học kiểu Tây mà ô danh dòng họ. Con là đứa thứ hai trong nhà đỗ đại học. Cả làng Lâm Pheo đều biết mặt ông giáo họ Đoàn này.

Tôi gật đầu bước ra. Xa mẹ tôi không giấu nỗi nước mắt. O tôi đợi tôi ở cuối làng, dúi vào tay tôi mấy đồng bạc nhàu nát. Tôi biết o tôi hôm qua chặt củi dương, bửa ra bó lại từng gánh xuống chợ Hôm bán mới có mấy đồng này. Tôi bùi ngùi cúi mặt ra đi. O kiễng chân đứng đó, mái tóc lùa cùng gió che khuất khuôn mặt trái xoan ấm nóng, không dám ngoái đầu lại lần nữa, tôi biết o khóc … Dẫu sao tôi cũng là người bạn của o để nghe o nói, để nghe o cười mà quên đi bao nghiệt ngã đời thường…

Hàng năm, cứ tết đến là tôi về. Bố mẹ tôi không còn ngăn cấm như trước. Biết mẹ con o tết vắng dượng chắc cũng buồn tôi chạy qua o tìm việc để giúp đỡ.

- Nhà o có chi mà giúp. Bố cu Troắt đi chiến đấu nghĩ mà thương ăn sao ngon. Chỉ dăm loong nếp, mấy bộ quần áo đẹp cho thằng Troắt là được. Còn bao nhiêu gửi cho dượng. Khổ quá miếng ngon thì gửi không được. Ai lại gửi o vào phong bì bao giờ…

Bỗng nhiên o kéo tôi vào buồng. Tôi giật mình, nhà o có cả ti vi. Đúng là quê tôi đổi mới thật. Mới một năm vào thành phố trở về làng đã thấy điện sáng kéo vào tận ngõ hẻm. Cái điều mà làng Lâm Pheo của tôi chẳng bao giờ dám mơ ước.

- Thương dượng mày quá ! Không biết lính tráng dành dụm đâu được tiền mà gửi cho cả cái ti vi này. Chắc là phải nhịn đói nhịn khát để cho vợ con mở mang trí óc. Tao mừng đến lo cho dượng mày lắm. Sao dượng mày đem máy móc về làm gì, đem cái máy bằng thịt dượng mày về cho tao đỡ thèm.

- O này ! Thằng Troắt nó cười cho mẹ đấy - Tôi nguýt o.

- Cái thằng nhỏ nó khoe khắp làng, đêm nào nó cũng há hốc mồm ra xem. Tao thì chán ngấy ti vi gì mà họp hành, xe cộ nhiều thế không biết, ông nào ông nấy mặt to bự. Cái cỡ ấy mà chưa trèo lên bụng vợ đã tụt xuống xìu như lốp. Mày tưởng tao đuà à, họp hành nhiều, ngồi nhiều phình bung không làm ăn được, biết không? Mày cứ lên huyện truyền đạt cái thông tri của o mày thế nhá!

“Chà ! Cái o học đâu được cái giọng thiếu thiện chí”. Tôi trộm nghĩ. Bỗng nhiên o ôm đầu tôi thì thào.

- Mày quen biết đâu có cuộn phim “tươi mát” thuê cả đầu về cho o xem mấy ngày tết. O vừa mới bán bầy vịt sắm tết rồi vẫn còn tiền - Giọng o to hẵn lên như muốn dồn tôi vào chỗ bí chứ thật cốt cách o không thế- Cái phim truyện gì trên ti vi ấy ghét lắm, yêu đương thắm thiết như thế mà chỉ có hôn chùn chụt, xoa xoa, nắn nắn… không sướng?

Đến mức này thì quá lắm. O đã ngoài bốn mươi rồi mà cái tính vẫn không bỏ. O định thách thức cả làng Lâm Pheo tôi chắc. Biết được việc này có mà bố gửi tôi vào tù. Dượng Thanh nghe tin được thì sao? Thật là hết đường nói. Tôi nghiêm mặt:

- O im mồm im miệng cho con cháu và cu Troắt nhờ.

Không hiểu khuôn mặt tôi nghiêm đến mức nào mà o bật cười:

- Khoa… khoa… khoa… mày học cao biết rộng mà cũng thế ư? A! Mày khinh bỉ tao là loại dâm đãng hả? Nói thật vắng chồng, nhớ chồng tao coi cho sướng. Mày có chồng đâu mà biết bụng dạ người vợ nhớ chồng khoa… khoa… khoa…

Tôi vội vàng mở ti vi để xua bớt cảm giác ngượng ngùng. Tôi không tin là o có cái tính lẳng lơ, truỵ lạc ấy. Trước đây, có lần ông Lãm bí thư Đoàn tiến lên làm Chủ tịch xã thấy o ăn nói ỡm ờ tưởng dễ, ban đêm lẻn vào, o tát cho giữa mặt. O la làng để bà con chạy đến. Sau đó o viết đơn từ xã lên huyện kiện, một năm sau mới rớt chủ tịch. Nghĩ thế tôi lấy lại bình tĩnh, thử đồng loã với o một chuyến xem sao, công an có bắt, bố mẹ tôi chặt cũng xin được.

Tôi chợt nhớ o chưa cúng tất niên định vùng dậy thì bỗng nhiên:

- Thôi chết ! Ai như thằng Lâm bị công an bắt quả tang, lập biên bản. Thằng Lâm… Đúng cái mặt thằng Lâm, có vết sẹp ở đuôi mắt… Thằng Lâm…

O tôi hét  lên một tiếng rồi ngã đùng ra, tôi hớt hải vật dậy tắt vội màn hình

- Sao mà o run lẩy bẩy thế này! Trời ơi là khổ ! Đêm ba mươi chưa cúng ông bà đã đem uế tạp về nên mới bị ông bà phạt đấy!

Mặt o tôi tái mét, o đưa bàn tay lên màn hình chới với:

- Thằng Lâm … thằng …

- Lâm nào hở o?

Giọng tôi đứt quãng, o gào khóc thảo thiết, thân hình vặn vẹo như bị uốn ván. Tôi luống cuống định chạy về tìm mẹ đưa o đi cấp cứu thì o gắng hết sức lết lại bên tôi. O chắp tay vái lia lịa. Miệng o lắp bắp:

- Mày có nhớ o Thắm bạn o từ nhỏ không? Cô ấy bỏ làng vì có bầu với bố mày đấy. Cái ông bố có khuôn mặt đạo đức cao sang như thật ấy! Sợ mẹ mày, sợ làng biết bố mày đánh cô, xua đuổi cô. Cô chỉ khóc với tao rồi bỏ làng. Một thời gian tao mang tiếng đi làm đĩ là đi tìm cô ấy đấy. Cô ấy đẻ ra cái thằng Lâm này. Nó mười tuổi cô muốn đưa nó về làng này nhưng sợ cô Thắm buồn quá sinh bệnh chết. Tao muốn đem thằng Lâm về nhưng chỉ vì bố mày …

Trời ơi là trời … Nó là em mày đấy …

Tôi ngã vật xuống giường, trời đất như sập xuống đè nát lấy khuôn ngực non nớt của tôi. O Lá ôm lấy tôi, một hơi thở ấm nóng vực tôi dậy.

 

                                                                                        N.T.Đ.

NGUYỄN TIẾN ĐẠT
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 34 tháng 07/1997

Mới nhất

Thành phố Đông Hà sôi nổi giải cờ tướng, đẩy gậy và các trò chơi dân gian mừng Đảng, mừng xuân Ất Tỵ 2025

6 Giờ trước

TCCVO - Sáng 5/2/2025, thành phố Đông Hà tổ chức giải cờ tướng, đẩy gậy và các trò chơi dân gian mừng Đảng, mừng Xuân Ất Tỵ 2025. Giải đấu thu hút gần 150 vận động viên (VĐV) nam, nữ đến từ 9 phường trên địa bàn thành phố.

Chương trình nghệ thuật đặc biệt mừng Đảng, mừng Xuân Ất Tỵ 2025

9 Giờ trước

TCCVO - Tối ngày 28/01/2025 (29 tháng Chạp), tại Quảng trường Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Quảng Trị, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt mừng Đảng, mừng Xuân Ất Tỵ 2025 với chủ đề “Khát vọng vươn mình”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam cùng đông đảo người dân địa phương đến dự.

Thành lập Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Quảng Trị

04/02/2025 lúc 08:35

Sáng ngày 3/2, Tỉnh ủy Quảng Trị tổ chức hội nghị công bố quyết định thành lập Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy.

Ngày xuân về Gio Mỹ xem lễ hội cướp cù

02/02/2025 lúc 09:50

TCCVO - Ngày 1/2/2025 (mồng 4 Tết), tại làng An Mỹ, xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh (Quảng Trị) đã diễn ra lễ

Ban Chính sách với sứ mệnh kết nối thiêng liêng (Kỳ 2)

01/02/2025 lúc 11:01

Ban Chính sách, Phòng Chính Trị, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh Quảng Trị được giao nhiều nhiệm vụ quan trọng, không chỉ hỗ trợ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ mà còn thực hiện các chế độ chính sách đối với người có công với cách mạng...

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

06/02

25° - 27°

Mưa

07/02

24° - 26°

Mưa

08/02

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground