Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 04/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Ở phía đầu nguồn sông Bến Hải

B

uổi sáng, Tà Rùng thật yên tĩnh. Mây sà xuống sườn núi bảng lảng như nối dài thêm những đỉnh non cao dải Trường Sơn đợi ánh mặt trời. Bầy chim rừng mổ tranh những hạt cơm với đàn gà trước vuông sân nhỏ, mấy con chó nằm duỗi chân lim dim đôi mắt. Thanh bình quá! Tôi đứng nhìn dòng suối nhỏ, làn nước trong xanh bình thản chảy về xuôi và lắng nghe những câu chuyện truyền thuyết. Bắt đầu từ một dòng sông.

Ở phía tây dãy Trường Sơn hùng vĩ, tận biên giới Việt – Lào có một ngọn núi cao gọi là Động Mang. Duyên nợ thế nào chẳng biết, trên đỉnh núi ấy có nguồn nước nhỏ xanh trong bốn mùa chảy theo hai hướng ngược chiều nhau. Một chảy về phía Tây qua đất Lào trở thành dòng SêBăngHiêng mà ngôn ngữ dân tộc Vân Kiều gọi là “dòng nước ngược”, còn một dòng xuôi về phía Đông nhập cùng với sông Sa Lung tạo nên dòng Bến Hải. Tương truyền rằng: Ngày xưa tiên nữ nhà trời thường hay đến tắm và nô đùa. Một hôm đang tắm thì chợt thấy một đám đàn ông trần tục đứng nhìn trộm, các tiên nữ xấu hổ vội quay về trời và giao cho thần núi thi hành hình phạt đối với những người đàn ông trần gian. Bất cứ người đàn ông nào đi qua đây buộc cũng phải mang gông vào cổ để không được nhìn ngang nhìn ngửa. Ai không mang gông sẽ bị thần núi vật chết. Vì thế nên mới có tên gọi Động Mang.

Dòng Bến Hải sinh ra như thế để lịch sử chọn làm giới tuyến phân chia hai miền Nam – Bắc gắn với cuộc binh đao khói lửa suốt hai mươi năm chống Mỹ. Nơi bắt đầu dòng chảy con sông ấy, trạm kiểm soát Tà Rùng như một dấu chấm đỏ giữa núi rừng Trường Sơn. Và người vừa kể cho tôi nghe truyền thuyết dòng Bến Hải là thiếu úy Phạm Ngọc Kiên – Trạm trưởng trạm kiểm soát Tà Rùng thuộc đồn Biên phòng 605 – Cù Bai, cấp trên của đồn là Bộ chỉ huy Biên phòng Quảng Trị.

Bản Tà Rùng nằm trong địa giới hành chính xã Hướng Lập huyện vùng cao Hướng Hóa với dân số 48 hộ, 197 nhân khẩu, một trăm phần trăm số dân ấy đều là người dân tộc thiểu số Vân Kiều. Trạm đóng gần bản nên cũng gọi tên: Trạm Tà Rùng. Nhìn ngược lên phía Tây, đỉnh Cà Tam vách đá dựng đứng, nhìn sang hướng Bắc lại gặp đỉnh Ba Rai ngất ngưỡng giữa lưng trời. Phía sau lưng, đường Hồ Chí Minh đang bận rộn trong tiến độ thi công chạy đua với thời gian mùa mưa lũ. Trước mặt, dòng suối nhỏ miệt mài xuôi về biển qua Cửa Tùng. Ở trên này rất khó xác định chuẩn các hướng mặt trời theo quy luật Đông – Tây – Nam – Bắc bởi suốt ngày sương mù giăng kín nhờ. Hôm nào trời quang mây tạnh cũng phải hơn sáu giờ sáng mới nhìn thấy được mặt trời, những ngày mưa dầm thì chỉ cảnh âm u, sương núi ầng ậng nước lùa vào tận phòng ngủ. Từ trạm về đồn đi bộ mất chừng ba tiếng đồng hồ, mỗi tuần cử người về đồn giao ban một lần và đó cũng là lần duy nhất trạm có thư, có báo để đọc, đôi khi người ở ngoài Khe Sanh vào chậm thì tuần sau hoặc tuần sau nữa mới được đọc bù.

Trạm nằm trên chóp đỉnh núi Tà Rùng, được xây dựng cơ bản vào năm 1998, tiêu chuẩn cấp nhà bốn lợp tôn. Tính bình quân diện tích sử dụng thì mỗi người quản lý một phòng nhưng “chung cư” cá nhân chỉ là chiếc giường đơn của lính. Bốn chàng chiến sĩ sống cùng nhau, làm việc cùng nhau và họ giống nhau ở chỗ: Tất cả đều chưa có vợ.

- May răng Động Mang chỉ là truyền thuyết chứ thực tế mà như vậy thì lính Biên phòng bọn em đều bị mang gông suốt cả đời.

Trạm trưởng Kiêm đùa với tôi như vậy sau khi kết thúc câu chuyện về dòng sông. Kiên năm nay ba mươi hai tuổi, dáng gầy nên anh em đặt cho một biệt danh “Lão Hạc” nhưng khá điển trai. Dân thị xã Đông Hà, nước da trắng, nở nụ cười khoe chiếc răng khểnh làm duyên. Kiên bảo:

- Trạm ở trên núi cao nên lo nhất là chuyện thiếu nước vào mùa nắng hạn.

Mùa khô bắt đầu từ tháng mười năm trước đến tháng tư năm sau. Mấy tháng liền trời không rơi nổi hạt mưa, nhiều hôm mây đen vần vũ cứ ngờ sẽ ập xuống những cơn mưa kinh khủng song cuối cùng chẳng có hạt nước nào. Lạ nữa, trời nắng, mồ hôi trong người cứ rịn ra nhớp nháp nhưng chỉ cần tắt ánh mặt trời là rét thấu xương. Nắng mà vẫn phải mặc áo bông, tối ngủ đắp chăn bông, tắm muộn cũng phải đun nước ấm. Đi xuống sông gánh nước mất chừng ba mươi phút tụt dốc, lúc lên trèo ngược thêm bốn mươi lăm phút nữa, vất vả quá nên anh em tổ chức đào giếng. Đá gan gà, cuốc, xẻng đụng vào tóe lửa, cạy từng tí một chỉ cố tìm lấy nguồn nước đủ cho sinh hoạt tối thiểu. Ba tháng trời cả trạm thay nhau mới thấy nước, vậy mà khi nắng hạn lâu ngày cũng chỉ đủ cho việc nấu ăn. Cái giếng sâu gần 25 mét, nhìn xuống cứ như thể con đường đi vào cõi thế giới âm thiêng. Lấp loáng một ít nước tận đáy sâu, dây thả mãi mới nghe tiếng xô nhôm chạm vào thành đá, âm thanh phát ra cộc lốc xa thăm thẳm. Một xô nước kéo lên nghiêng cả sức người lẫn hơi thở dồn dập. Nước ở trạm Tà Rùng vào mùa khô cũng là chuyện đáng phải kể.

Ngược lại, từ tháng năm đến tháng mười thì mưa không kịp vuốt mặt. Núi rừng luôn khoác lên mình màu trắng đục của cơn mưa. Lúc này nước trở thành kẻ tội đồ thừa thải đáng ghét. Các suối lớn, suối nhỏ đục ngầu, gầm réo xối xả. Trạm im lặng gắng hứng chịu, chẳng ai bước chân ra khỏi nhà ngoại trừ đi tuần tra hoặc xuống bản để giải quyết công việc. Đường tắc, thực phẩm khan hiếm, nối tiếp các bữa ăn là điệp khúc cá khô, đồ hộp, mì tôm, nhiều khi đơn sơ hơn chỉ độc món khoai lang luộc chấm nước mắm hoặc măng rừng nấu lên, muối ớt giã nhuyễn để đảm bảo chất dinh dưỡng cho cơ thể trai tráng hoạt động.

Anh đừng viết về cái khổ của bọn em nhé.

Trạm trưởng Kiên dặn tôi như vậy. Kiên nhập ngũ đã hơn mười năm, đi khắp Cửa Việt, Cửa Tùng, cửa khẩu Lao Bảo, bây giờ Kiên dừng chân ở phía đầu nguồn Tà Rùng – Cù Bai – Hướng Lập xa xôi này.

- Đã ở những chỗ điều kiện thuận lợi, giờ công tác trên vùng đất khó khăn này Kiên có suy nghĩ nhiều không? Tôi hỏi chàng thiếu úy.

- Suy nghĩ ư? Thật khó diễn đạt, em nói ra chỉ sợ anh lại cho là nói theo mười lời thề danh dự quân nhân.

Như ri anh ạ. Kiên mở đầu lời diễn đạt: “Ở chỗ mô thì cũng có lúc vui, khi buồn, có điều hay, cái dở nhưng nơi mô điều kiện thuận lợi hơn thì vẫn thích chứ”.

- Thế tại sao Kiên vẫn đủ sức bám trụ nơi xa xôi hẻo lánh này?

- Cũ hay mới, sướng hay cực thì cũng chỉ là nơi mình ở và công tác.

Chàng thiếu úy trẻ đã bao ngày dùng khái niệm cụm từ cố gắng của người lính để bám trụ nơi biên cương. Mấy hôm ở lại với trạm, tôi cứ thấy rãnh rỗi giờ nào là các anh lại thay nhau vào rừng đốn củi. Củi chất đầy gian nhà bếp, xung quanh mái hiên nhà. Trời vẫn vàng ươm tia nắng khét.

- Làm gì mà khuân củi về nhiều thế?

Vẫn những lời giải thích từ trạm trưởng Kiên.

- Nắng khét, khi trời tưng tức như ri thì chỉ cần vài hôm nữa là mưa sẽ ập xuống không biết khi mô mới ngớt, bắt đầu mùa mưa rồi mà.

Trạm có bốn người, Kiên ở nhà trực đăng ký kiểm tra, kiểm soát, y sĩ Vinh xuống bản nắm tình hình và giúp dân những việc thường ngày, còn lại Thăng và Biên vào rừng chặt củi. Xung quanh trạm toàn rừng nhưng việc lấy củi cũng chẳng hề dễ dàng nhàn hạ gì. Ăn cơm sáng xong, binh nhất Hồ Sỹ Thăng và Hồ Văn Biên vác rựa vào rừng mà mãi gần trưa họ mới trở về trạm, trên vai mỗi người kèm theo một bó củi khô khá nặng. Họ chặt rặt toàn củi khô, có nghĩa thứ cây đã không còn đủ sức sống, già cỗi rục xuống chứ họ chẳng dám đốn cây tươi. Thăng bảo rằng: “Đi xa mệt một chút nhưng cũng phải chịu khó chứ chặt cấy tươi thì vô tình mình phá rừng nói bà con nỏ nghe”. Như những con kiến cần mẫn tha mồi, bốn chiến sỹ Biên phòng mỗi ngày chất vào kho dự trữ thứ sản vật rừng mà bất kỳ ai cũng nghĩ ở rừng thiếu chi củi đun. Chẳng phải là thiếu nhưng họ vẫn cứ phải dự trữ, tháng mưa, ngày bão sa xuống thì chẳng thể bước chân ra khỏi nhà.

Có một nhạc sĩ đã viết về cơn mưa biên giới rằng: “Rừng như xanh hơn, núi như cao thêm nét hiền như con gái, con suối hát thác tung bọt trắng”. Thi vị quá. Tôi giữ lời ca từ tuyệ đẹp ấy để đón chờ cơn mưa.

Đúng như lời tiên đoán của Kiên. Mưa bắt đầu rơi, lúc đầu thong thả chậm rãi, nhởn nhơ theo làn gió đùa vui vách núi. Càng lúc, mưa giăng kín trời, kín rừng, kín đất trắng xóa. Nền trời ầng ậng nước, thế rồi tung xuống biên giới. Ào ạt, âm ỉ, lê thê, chẳng còn khái niệm về thời gian dừng lại.

Cứ mỗi lúc mưa là Thăng lại ôm cây đàn ghi ta ngồi nhìn ra cửa sổ, ánh mắt dõi theo như đang đếm từng hạt mưa rơi trên vách núi mờ xa. Thăng quê ở Đông hà, gia đình có ba anh chị em, chỉ mỗi mình Thăng nhập ngũ. Năm nay Thăng hai mươi hai tuổi, dáng người thấp đậm, trên khóe miệng rộng luôn thường trực nụ cười, mái tóc bồng bềnh rẽ ngôi giữa ra dáng điệu dân nghệ sĩ. Giải thích về lý do nhập ngũ muộn (Thăng nhập ngũ tháng 10 năm 2002). Thăng kể: “Tốt nghiệp phổ thông trung học, em thi vào trường Đại học Nghệ thuật Huế nhưng thiếu mất 3 điểm. Em được tuyển vào đoàn nghệ thuật Tổng hợp tỉnh Quảng Trị nhưng thích làm anh lính gác biên cương nên viết đơn tình nguyện nhập ngũ vào bộ đội Biên phòng”. Hèn chi tôi nghe Thăng hát khá hay, nắm vững nhạc lý và độ luyến kỹ thuật khá chuẩn xác. Bái hát mà Thăng yêu thích có tên gọi: “Gặp nhau trên đỉnh Trường Sơn” của nhạc sĩ Hoàng Hà. Thăng hát rằng: “Ôi bao thân thương, bước chân vượt rừng ta đi. Điệp trùng đồng chí, đường dài chiến đấu ta đánh Mỹ. Cất cao tiếng ca – Trường Sơn bao la cao như quyết tâm ta diệt thù. Việt – Lào một lòng như sắt đá…”. Hễ mỗi khi có các bạn đồng nghiệp từ đất nước Triệu Voi đến trạm là Thăng lại hát bài hát ấy. Chàng thanh niên phố thị Đông Hà đã có người yêu rồi đấy. Cô bé hiện đang học trung cấp kế toán tại thành phố Đà Nẵng. Rất đều đặn, mỗi tháng cô gửi cho Thăng hai lá thư, vì thế “kho thư” của Thăng nhiều nhất trong số bạn bè cùng nhập ngũ. Thăng mỉm cười: “Tội nhất là lá thư cô ấy gửi cho em khi biết em lên đường nhập ngũ vào bộ đội Biên phòng”. Thăng hứa cho tôi xem nhưng với một điều kiện là phải tuyệt đối giữ bí mật. Tôi gật đầu đồng ý song tôi chẳng thể giữ lâu được. Mong chàng lính trẻ hãy tha lỗi cho tôi. Vâng, lá thư có đoạn như thế này:

Anh yêu của em. Việc anh nhập ngũ em không dám cản ngăn bởi em luôn tin vào sự lựa chọn của anh. Em chỉ thương anh gian khổ nơi chốn biên ải nghìn trùng xa xăm và liệu anh có đủ sức chịu đựng nổi hay không? Từ nhỏ tới giờ anh chỉ ăn học, đi hát chứ có làm việc chi nặng nhọc mô, mưa, nắng nào đến đầu đến lưng. Hãy giữ gìn sức khỏe anh nhé, em vẫn luôn nhớ anh và động viên anh trên từng bước tuần tra.

Thăng miên man suy nghĩ những gì đang hiện diện trước mắt mình. Không gian lặng xuống một lúc rồi lại bùng lên tiếng ghi ta. Giai điệu bài hát lúc khoan thai, khi dồn dập bay tít trên đỉnh non cao vờn mây, vờn gió rồi trầm xuống thung sâu chìm lắng những nỗi niềm. Thăng say sưa hát như đang nhắn gửi điều gì đó chút tâm tư người lính trẻ. Bất chợt Thăng dừng tiếng đàn.

- Chẳng biết giờ ni ở dưới xuôi có mưa không hè?

Tôi làm sao mà đoán được nhưng nếu có mưa thì cũng chẳng buồn như ở đây. Trời mưa nhiều quá đến nỗi chim rừng cũng ngừng tiếng hót để chui vào tổ ngủ sớm. Thăng nhìn xuống lối mòn dưới chân dốc bởi hôm nay có người về giao ban trở lại trạm. Tôi đã được đặt chân mình trên đường biên, chỗ có cột mốc Q12 đứng làm ranh giới chủ quyền giữa hai quốc gia. Từ trạm đến cột mốc chỉ chừng 150 mét, đối diện với trạm Tà Rùng ở phía bên kia là bản A Via và Ka Lác thuộc huyện Sê Pôn tỉnh SaVẳnNaKhệt của nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào. Trong những năm chống Mỹ cứu nước, đồn biên phòng Cù Bai đã trở thành hậu cứ của cán bộ, chiến sỹ bộ đội PaThét Lào. Từ năm 1959 đến năm 1962 nhiều đoàn công tác ngoại biên của đồn Cù Bai đã băng đèo, vượt suối, không quản nguy hiểm làm nhiệm vụ quốc tế cao cả. Chỉ tính riêng từ năm 1960 đến năm 1962 các đội công tác ngoại biên đồn Biên phòng Cù Bai (Lúc này gọi là đội công tác ”Ba mặt”) đã cùng với lực lượng PaThét Lào tham gia chiến đấu mười bốn trận, bắt 15 tên, tiêu diệt 76 tên phỉ, vận động 35 người theo phỉ ra đầu thú, bắt gọn 3 tổ chức gián điệp chỉ điểm, thu 39 khẩu súng các loại cùng điện đài và nhiều tài liệ quan trọng khác. Mở 20 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ an ninh, huấn luyện dân quân cho địa phương bạn, giúp bạn xây dựng được một trung đoàn quân địa phương có khả năng chiến đấu độc lập. Góp phần cùng các lực lượng vũ trang của bạn tạo điều kiện thuận lợi cho cách mạng Lào phát triển, khai thông hành lang biên giới từ miền Bắc Việt Nam đến các chiến trường B, C. Tôi thử cố hình dung bên nước bạn cuộc sống bây giờ ra sao? Nói là hai quốc gia, hai dân tộc nhưng mối quan hệ thân tộc lâu đời đã gắn kết nhân dân hai bên biên giới như người trong một nhà. Bên ta gọi là dân tộc thiểu số Vân Kiều, Pa Kô, còn phía bạn gọi là dân tộc thiểu số Lào Thowng. Trước đây khu vực này cũng thuộc đất Việt Nam nhưng sau năm 1978 hoạch định biên giới thì trở thành đất Lào. Phong tục tập quán, nét văn hóa dân gian chẳng có gì khác nhau, thường ngày người dân các bản Tà Rùng (Việt Nam) và bản A Via, Ka Lác (Lào) vẫn thường xuyên qua lại thăm nhau, mời nhau uống rượu, chia nhau củ sắn, bát cơm, hạt muối, thân tình như thể đất với cây tạo nên thế đứng dãy Trường Sơn hùng vĩ.

Đồng chí Bua Chon là cán bộ biên phòng ở trạm Sê Đun của nước bạn Lào. Từ Sê Đun sang Tà Rùng chừng khoảng hơn hai tiếng đồng hồ đi bộ. Bua Chon nói được cả tiếng Lào lẫn tiếng Việt Nam. Anh khoe “mình cũng có bà con ở Hướng Lập đấy”. Anh đến trạm Tà Rùng để bàn kế hoạch cho chuyến tuần tra song phương sắp tới. Bữa cơm trưa tiễn bạn thật giản đơn nhưng không phải vì thế mà kém đi phần vui vẻ, gần gũi tình đoàn kết giữa hai lực lượng của những người gác cửa ngõ Tổ quốc mình. Bua Chon mừng lắm đã nhiều lần anh đến Tà Rùng trao đổi công việc với các chiến sĩ Biên phòng Việt Nam. Bua Chon đã từng công tác ở tuyến biên giới Lào – Thái Lan. Nhưng mỗi khi qua đây anh luôn cảm thấy thân tình như thể đang ở chính đất nước Triệu Voi. Bua Chon đến bên tôi và nói bằng tiếng Lào.

- Khởn xin kin lậu, khỏ xơn uội phon mi xúc phạp khẻng heng (Xin mời anh uống rượu, xin chúc sức khỏe anh). Kiên dịch lại như vậy cho tôi hiểu. Đáp lời Bua Chon chúng tôi cùng cạn ly. Bua Chon tiếp:

- Khỏ uội phon khoam xa ma khi – Mít tá phạp (Chúc tình đoàn kết hữu nghị).

Xong việc Bua Chon chào chúng tôi ra về cũng bằng một câu tiếng Lào:

- Khỏ la pảy kòn đơ! Khỏ uội phon xúc phạp khẻng heng bắn đa xa hải… Phộp cắn mày (Chào tạm biệt đồng chí, xin chúc sức khỏe. Hẹn gặp lại.)

Dáng Bua Chon đi trong cơn mưa rừng Trường Sơn tầm tã, tôi nhìn theo anh bước xa dần mà vẫn cảm thấy hơi ấm còn đọng lại sau cái bắt tay thật chặt của người bạn đất nước hoa Chăm Pa đoàn kết.

Mùa mưa bắt đầu cũng là mùa hoa Pơ Leng nở. Loài hoa dây leo nở vàng khắp cánh rừng biên giới. Pơ Leng tên gọi na ná như ai đó phiên âm hơi lệch tên loài hoa Pơ Lang của vùng Tây Nguyên. Loài hoa giống như dây khoai lang ở dưới xuôi, lá to, dây có màu nâu đỏ, hoa mọc ra từ nách lá tạo thành từng chùm, mỗi chùm có năm hoặc bảy bông hoa nhỏ với bốn cánh màu vàng, tuyệt nhiên tôi không thấy chùm hoa nào có sáu hoặc tám cái hoa nhỏ. Con số năm và số bảy theo quan niệm của người phương Đông là là những con số đẹp, con số của sự may mắn hạnh phúc. Song truyền thuyết về loại hoa này lại là một chuyện tình đầy bi thương. Bên bếp lửa nhà Pỉ Đoàn, mùi ngô non nướng ngậy sửa, tôi nghe Pỉ Đoàn kể về loài hoa Pơ Leng.

Tên hoa cũng là tên của một người con gái dân tộc Vân Kiều. Pơ Leng đẹp lắm lại có giọng hát vang khắp chín ngọn núi, mười con suối, đôi tay Pơ Leng dệt thổ cẩm đẹp nhất vùng. Pơ Leng đã chịu cho nhà Ka Xiêng đến đến bỏ của để về làm con ma nhà người mình yêu. Vào một buổi chiều nắng đẹp, Pơ Leng ngồi bên khung cửi dệt váy cưới và nàng cất tiếng hát bài hát về tình yêu “Anh như cây cao trên ngọn núi, em là con chim bay về làm tổ, gió to cành cây không gãy, mưa nhiều con chim cũng không quên tổ…” Tiếng hát của nàng đã vọng theo vách núi đến tai tên chúa đất tàn bạo Kay Niêng. Tên chúa đất liền sai quân hầu đến bắt Pơ Leng về làm vợ lẻ. Đôi trai gái bị chia rẽ tình yêu, khóc thương nhau nước mắt chảy đầy các con suối. Pơ Leng cự tuyệt với sự gian ác của chúa đất Kay Niêng, nàng vút con dao mà Ka Xiêng tặng đâm vào ngực trái của mình. Từ trái tim nàng một dòng máu đỏ chảy ra thấm vào đất. Dòng máu nóng chảy ra đến đâu thì ở đó mọc lên loài cây thân màu nâu đỏ lá xanh biếc, từ mỗi nách lá nở ra từng chùm hoa vàng rực. Chàng Ka Xiêng đứng yên lặng cho dây hoa leo phủ  khắp cơ thể mình. Thương Pơ Leng, thương Ka Xiêng, người Vân Kiều mình gọi tên loài hoa ấy là hoa Pơ Leng.

Pỉ Đoàn ngừng kể, chất thêm củi vào bếp lửa rực than và những bắp ngô non ngậy thơm mùi sữa. Nhà Pỉ Đoàn ở gần trạm nhất, vợ chồng Pỉ Đoàn sinh nhiều a kay (con) nên chẳng khi nào hạt lúa đủ no cái bụng. Nhiều mùa mưa, mùa nắng, vợ chồng thay nhau chặt cây rừng để làm rẫy nhưng cái đói, cái nghèo cứ mãi ngủ trong nhà chứ chẳng chịu đi xa. Mấy năm trở lại đây Pỉ Đoàn và cả Pả Đoàn nữa đã cùng bà con dân bản dựng cái nhà nhỏ ở giữa bản, cưa gỗ rừng làm bàn ghế rồi đêm đêm đến học cái chữ của trạm. Pỉ Đoàn không phá cây rừng, trỉa hạt ở cái rẫy xa nữa mà cuốc đất làm ruộng cấy cây lúa nước, trồng cây cà phê, cây hồ tiêu, đưa con gà, con lợn, con bò vào ngủ trong chuồng nên hạt lúa đựng đầy mấy cái A chói bỏ trên sàn nhà. Pỉ Đoàn cất tiếng cười một nụ cười hạnh phúc mãn nguyện giảm bớt đi những nếp nhăn trên khuôn mặt chứa đựng nhiều nỗi lo toan cuộc sống.

Chúng tôi rời khỏi nhà Pỉ Đoàn khi đêm đã khuya, cơn mưa vẫn chưa dứt. Thăng đang ngồi bên ngọn đèn dầu để viết thư. Những lá thư chờ có người ra Khe Sanh gửi hộ.

Trong số bốn chiến sĩ của trạm, tôi nhận thấy Hồ Văn Biên rất ít khi tham gia nói chuyện với mọi người. Biên làm việc luôn tay nhưng vô cùng tiết kiệm lời nói. Biên có dáng người vâm váp, ngực nở căng từng múi thịt, làn da núi rừng đen ánh, tóc xoăn nên nhìn Biên tôi cứ có cảm giác về sự hoang dã chân chất.

- Biên nhà ở đâu? Nhập ngũ lâu chưa? Tôi gợi chuyện

Chàng lính trẻ người Vân Kiều (tôi biết điều này qua lời giới thiệu của Kiên hôm tôi mới đến trạm) dừng tay chẻ củi và trả lời:

- Mình ở ngoài Hướng Hiệp cách đây xa lắm. Mình nhập ngũ tháng 3 năm 2003, huấn luyện xong là lên đây ngay.

- Biên vào bộ đội ở xa có nhớ nhà nhiều không? Tôi tiếp tục câu hỏi.

- Nhớ nhiều hung thương pỉ (bố) pả (mẹ) ở nhà làm ruộng không có người giúp.

- Và nhớ cả người yêu nữa chứ? Tôi cắt ngang câu trả lời của Biên.

Nét mặt Biên chợt e thẹn, ửng đỏ. Nhưng anh vẫn trả lời:

- Có chứ nếu không đi bộ đội thì pỉ, pả mình đã đến bỏ của cho mình rồi đấy. Mình nhớ mà chẳng dám viết thư về, mình cũng đã học xong lớp mười hai nhưng viết thư không hay nên gửi về sợ nhiều người cười lắm. Người yêu mình đang học cấp ba trường nội trú tỉnh.

Chàng lính trẻ dẫu đã qua thời gian huấn luyện ba tháng nhưng vẫn giữ cách xưng hô theo thói quen phong tục của dân tộc Vân Kiều. Biên bước vào tuổi hai mươi bốn mới nhập ngũ. Cả xã chỉ mỗi mình Biên là vào bộ đội Biên phòng và được trở lại “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với bà con dân bản vùng cao. Chỉ mấy năm gần đây chuyện học hành ở vùng cao mới được người dân lưu tâm chú trọng, chứ hồi Biên đến tuổi tới trường chẳng ai thích đi học cả, chỉ muốn vào rừng đặt bẫy con thú, lên nương săn con hươu, con nai, con chồn, con nhím ra ăn lúa, ăn cỏ, ăn sắn… thế mà Biên vẫn cố gắng đi học. Ngày còn ở nhà, hôm nào bán được buồng chuối hay a chói măng, có tiền là Biên mua pin bỏ vào chiếc cátsset to đùng tối vác đến nhà “sim” nhảy múa, hát vui cùng bạn bè. Đài hết pin, băng không hát nữa là lúc từng cặp trai gái rủ nhau đi tìm khoảng trời riêng cho tình yêu của mình. Vì thế nên các trai tráng người dân tộc Pa Cô, Vân Kiều bước vào tuổi mười lăm, mười sáu đã biết đi “sim”, biết thế nào là hương vị làn da bạn gái. Biên nói thế này với tôi “Mấy đứa cùng tuổi với mình đã có vợ hết rồi, chỉ có mình là chưa thôi”. Tôi hỏi: “Thế sao Biên không giống như các bạn?”. Biên trả lời “Tại người yêu mình còn đang đi học để về làm cô giáo cho bản mà, người yêu mình thích như rứa”. Biên cũng có ước mơ riêng là được cấp trên quan tâm ưu tiên cho đi học nghiệp vụ để trở thành người cán bộ biên phòng như mấy người nhập ngũ trước Biên. Khi đóng củi đã khá nhiều, Biên dừng chẻ và ngồi nói chuyện cùng tôi. Vẫn là lời của Biên:

- Con trai, con gái Vân Kiều lúc đã yêu nhau thì ít khi bỏ nhau lắm, nếu nhà trai đã đến bỏ của thì người con gái ấy không được phép đi sim với người khác nữa. Sau buổi thầy cúng làm lễ nhập ma là thành vợ thành chồng sống với nhau cả đời, khổ cũng thế mà. Dưới xuôi, người Kinh phức tạp lắm như trong đợt huấn luyện với mình đấy, có đứa không được ở chung với pả.

Biên lắc đầu và cười, tôi chẳng hiểu được tâm trạng của Biên lúc này. Hình như việc chặt củi và chẻ củi đã trở thành kỹ năng trong Biên. Cây củi to là thế chỉ cần mấy nhát búa thẳng hàng đã bị bổ ra từng thanh đều đặn. Biên xếp củi cũng vào dạng siêu, đống củi chất lên cao nhưng rất vững, chẳng bị sập xuống. Biên làm việc không nhanh nhạy bằng mọi người nhưng cần cù và chắc chắn.

Trăng thượng tuần lóe lên một chút rồi lại chìm vào đám mây ầng ậng nước. Sau bữa cơm chiều đạm bạc chỉ rau khoai luộc chấm nước mắm, canh mướp nấu suông, cả trạm ngồi chờ đến chương trình thời sự để nổ máy phát điện xem ti vi. Thường ngày chiếc ti vi đặt ở ngoài sân để bà con dân bản đến xem cho thoáng mát, mấy hôm nay trời mưa nên được chuyển dịch vào hội trường. Dân các bản Tà Rùng, Ka Tiêng, Xa Đưng đã í ới gọi nhau đến trạm xem ti vi. Có lẽ đây là thời gian bà con tập trung đầy đủ nhất, từ già đến trẻ đều tự giác mà chẳng cần hiệu lệnh, họ đến xem ti vi còn đông hơn cả các buổi họp dân mà trưởng bản phải đến từng nhà thông báo. Chính vì thế, đôi khi có công việc gì cần kíp, cán bộ bản đã “Tranh thủ” thông báo với bà con ngay tại chỗ xem ti vi. Trạm được cấp trên trang bị một ti vi 21 in, một máy nổ loại D6 kéo mô tơ điện 1KW và bộ ăng ten parabôn thu được chương trình VTV1; VTV2; VTV3 của Đài truyền hình Trung ương nhưng thời sự Quảng Trị thì chịu. Thời gian xem ti vi mỗi ngày bắt đầu từ 19 giờ và kết thúc vào lúc 22 giờ, phim hay cũng phải thế, chứ nổ máy rán thêm chút ít thì hôm sau dầu không đủ kế hoạch đã dự kiến mà hụt dầu coi như nghỉ toàn bộ.

Ngày nắng người vào đăng ký xuất nhập biên qua trạm đã hiếm, hôm mưa lại càng vắng hơn, thậm chí suốt cả tuần, cả tháng sổ đăng ký cứ nằm im trên bàn làm việc chả ai đụng chạm tới. Những hôm như thế này, bốn chiến sĩ rủ nhau cuốc đất tăng gia cho đỡ buồn tay buồn chân. Trạm nhỏ nhưng có đủ “ba giàn, năm vườn” theo quy định của trên. Khu vực tăng gia khá rộng có nhiều loại rau mọc xen nhau. Tôi thấy rất lạ là rau tốt, gà nhiều, hàng rào làm sơ sài mà tuyệt nhiên chẳng thấy chú gà nào dám bén mảng vào phá. Kiên nhìn sự ngạc nhiên của tôi cười, chỉ vào mấy con chó đang nằm im trên nền nhà ngái ngủ “Đấy, lực lượng canh giữ vườn rau đầy hiệu quả. Mắt ngủ thế thôi chứ có con gà nào mon men đến vườn rau là bị tóm cổ liền, không bao giờ bị thiệt mạng hay trầy xước rụng lông nhưng cũng bị một phen hú vía kinh hồn”. Tôi thích thú theo lời giải thích của trạm trưởng Kiên. Đất ở đây chẳng phì nhiêu cho lắm, trên cao nên mưa xói hết chất mùn lớp mặt chỉ trơ lại lớp đất thịt cứng đanh. Tôi tham gia cùng các anh trong buổi tăng gia giữa cơn mưa phía Đông  dãy Trường Sơn ngút ngàn. Đất cuốc năm bảy lần mới đủ độ tơi xốp, phân chuồng ủ thật hoai, hạt giống ngâm kỹ theo tiêu chuẩn kỹ thuật rải đều trên mặt luống. Xong việc gieo trồng, mọi người vào rừng chặt lá chuối về đậy kín tránh mưa to làm trôi hạt giống. Sau mấy ngày đã thấy luống đất phủ xanh những mầm non bé xíu nảy ra từ hạt giống, rồi cứ thế lớn dần thành rau, thành quả phục vụ đời sống con người.

Lớn tuổi và nhập ngũ lâu nhất trạm là thiếu úy – y sĩ Nguyễn Văn Vinh, anh cũng là người duy nhất sắp cưới vợ. Đợt xin nghỉ tranh thủ vừa rồi, mọi thủ tục dạm ngõ, hỏi cheo đã được tiến hành, chỉ còn chờ qua mùa mưa ngâu là tổ chức lễ cưới. Vinh vừa tròn ba mươi tư tuổi, độ tuổi chững chạc, chín chắn để làm một người chồng, người cha, người trụ cột trong gia đình nhỏ. Vợ sắp cưới của Vinh là cô giáo cấp một trường làng, nét người không sắc sảo mặn mà, nhưng tính nết thùy mị biết thông cảm cho nhiệm vụ của Vinh. Tạng người Vinh gầy nhất trong số bốn anh em ở trạm, nụ cười ít có nét duyên nên mỗi khi Vinh cười các nếp nhăn chạy dài sau đuôi mắt, nhìn anh già hơn so với tuổi ba mươi tư. Vinh thú nhận “Mùi vị làn da con gái cũng đã thoáng qua một vài lần nhưng quyền sở hữu cho riêng mình thì chưa. Em mong từng ngày để được ký vào tờ giấy kết hôn”. Thời gian đối với Vinh lúc này trôi đi thật chậm chạp, trời âm u nặng chịch cơn mưa nên lại càng thấp thỏm hơn. Nhiệm vụ của Vinh là khám, điều trị cho dân bản, vận động bà con thực hiện nếp sống vệ sinh để dịch bệnh không xảy ra. Anh chuyên trách chương trình 135, tham mưu đề xuất lãnh đạo xã các kế hoạch, phương pháp sử dụng đồng tiền vốn 135 sao cho đạt hiệu quả cao nhất, phục vụ tốt nhất đời sống bà con dân bản. Công việc anh chẳng mấy khi rảnh rỗi.

Em là người đi bộ nhiều nhất trong trạm, hầu như 347 hộ dân toàn xã nhà nào em cũng đã đến tận nơi tâm tư, trò chuyện để vận động những thắc mắc cho bà con, vận động họ phát triển kinh tế nên nuôi con gì, trồng cây gì cho phù hợp. Đồng thời lắng nghe ý kiến, nguyện vọng, đề bạt của bà con rồi phản ánh lên cấp trên. Vinh tâm sự như vậy.

- Thế Vinh đã chuẩn bị đủ cơ sở vật chất để cưới vợ chưa? Tôi hỏi anh.

- Dạ có chi mô anh, chi phí đám cưới gia đình “viện trợ không hoàn lại” ba phần tư bọn em chỉ thêm thắt chút ít. Cưới xong về ở nhờ nhà ông bà nội, ngoại cái đã, mọi chuyện sẽ tính sau.

Suy nghĩ thêm một chút rồi Vinh nói tiếp: “Bọn em sẽ cố gắng dành dụm mua một đám đất, dựng lên một ngôi nhà nho nhỏ ở quê chứ đất thị xã, thị trấn thì nỏ mơ được mô”. Đôi mắt Vinh nhìn ra khoảng trời mưa găng kín như đợi chờ điều gì đó đến với mình thật hạnh phúc để bù lại những tháng ngày xa xôi, vất vả trên biên cương.

Đã là ngày mười bốn tháng bảy lịch ta rồi cơ đấy. Chiều nay trời bỗng dưng tạnh ráo chả kịp nhìn thấy ánh nắng nhưng đã lấp ló trên cao vừng trăng đầy đặn. Hoa Pơ Leng xòe vội những cánh vàng mỏng tanh khắp núi rừng biên giới. Phiên liên lạc với đồn qua mạng thông tin vô tuyến 2 oát vào lúc 16 giờ hôm nay, Thăng nhận điện từ Ban chỉ huy đồn “Ngày mai phải có mặt ở đồn làm các thủ tục để về tăng cường cho đội tuyên truyền văn hóa Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh tập chương trình liên hoan toàn quốc. Tôi cũng đã hết đợt công tác. Vậy là ngày mai trạm chỉ còn lại ba người.

Đêm chia tay, chúng tôi trải chiếu trên nền đất còn ẩm ướt nước mưa ngồi uống rượu và ngắm trăng sau khi thời gian xem ti vi kết thúc. Trăng đẹp quá, thơ mộng quá, chỉ một khoảng mây xanh lộ ra nhỏ thôi nhưng núi rừng biên cương vẫn lung linh huyền ảo trong ánh trăng mười bốn tháng bảy lịch ta. Thăng ôm cây đàn ghi ta và hát chia tay đồng đội “Quê hương vẫy gọi từ hai đầu vách núi Việt – Lào chung đường tiến tới, ấm lửa đoàn kết càng yêu đời… Gặp nhau trên đỉnh Trường Sơn”.

Tà Rùng. Một mắt xích vàng trong đường dây giữ gìn đất mẹ.

N.T.P 

Nguyễn Thành Phú
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 109 tháng 10/2003

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

05/05

25° - 27°

Mưa

06/05

24° - 26°

Mưa

07/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground