Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 24/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Ông lão và cánh rừng bên đường Xuyên Á

B

ây giờ đã là tháng bảy ta, tháng nắng nóng nhất trong năm ở Quảng Trị. Có lẽ không một nơi nào trên dải đất miền Trung này nắng nóng lại hoành hành dữ dội như ở đây. Suốt ngày, từ sáng sớm đến chiều tối, bầu trời lúc nào cũng cao xanh vòi vọi, chói chang ánh mặt trời. Và gió Lào thì ràn rạt, ràn rạt như những trận cuồng phong. Nắng nóng vắt cạn những con suối, con khe, lấy đi những giọt nước hiếm hoi cuối cùng. Nắng nóng thiêu cháy những cây non mới trồng, gây nguy cơ hoả hoạn cho lớp lớp những cánh rừng đang lên. Con đường Chín anh hùng xưa, nay là đường xuyên Á rộng rãi, phẳng lì, trườn mình qua những quả đồi bỗng như trở nên xa ngái, vắng vẻ hơn.

Tôi đang ở Cam Lộ, một huyện chủ yếu là vùng trung du đồi núi của tỉnh Quảng Trị. Trong cái nắng nóng khủng khiếp nơi miền sơn cước này tôi chợt nhận ra ở đây đang có một thứ có thể làm giảm đi phần nào không khí oi bức, ngột ngạt. Đó là trùng trùng, điệp điệp màu xanh của cây. Cây ở Cam Lộ vừa là rừng tự nhiên, vừa là rừng trồng, trong đó rừng trồng chiếm một tỷ lệ đáng kể. Chỉ riêng ở đây, dọc hai bên đường xuyên Á, trải dài hàng chục cây số, từ thị trấn Cam Lộ lên đến giáp huyện miền núi Đakrông, nơi nào cũng bạt ngàn màu xanh. Màu xanh của cây lâm nghiệp, của cao su, hồ tiêu và cây ăn quả… như hoà quyện dệt nên tấm thảm nhung khổng lồ trang điểm cho đất đai, núi đồi Tổ quốc.

Tại cây số hai mươi trên tuyến đường lịch sử này, tôi ghé thăm một trang trại vườn rừng. Lúc còn dưới thị trấn huyện lỵ, trong câu chuyện tâm tình, nhà báo Ngọc Sĩ, Trưởng đài truyền thanh huyện có nói với tôi đây là một trong những trang trại vườn rừng lớn nhất ở Cam Lộ với diện tích lên đến hàng trăm hécta. Điều đặc biệt thú vị và gây không ít ngạc nhiên với tôi đó là chủ nhân của trang trại không phải ai khác mà là một ông lão năm nay đã ngoài bảy mươi tuổi. Ông là Đào Văn Lưu. Khác với tưởng tượng ban đầu của tôi về một ông chủ rừng già nua, khắc khổ…ông Lưu có vóc người dong dỏng cao, dáng thanh cảnh, nhưng nhanh nhẹn, tháo vát. Nghĩa là ông hãy còn trẻ, khoẻ hơn nhiều so với tuổi tác. Hình như càng lao động vất vả ông lại càng khoẻ mạnh, dẻo dai ra. Gặp tôi, biết ý định của tôi, ông vồn vả tay bắt mặt mừng, kể đủ chuyện. Và chuyện ông kể với tôi nhiều nhất là chuyện trồng rừng, làm trang trại. Khuôn mặt ông lúc nào cũng nở sẵn nụ cười, dù lúc đó ông đang tâm sự về những thăng trầm của cuộc đời ông hay đang nói về những khó khăn tưởng như không thể vượt qua của buổi đầu lên đây lập nghiệp.

Thuở trẻ, ông Lưu có những tháng ngày đầy bất hạnh. Nhưng như ông nói, chính cuộc đời “ba chìm bảy nổi” đầy bất hạnh của ông ngày ấy đã là một phần nguyên nhân thúc giục ông làm nên “sự nghiệp” sau này. Ông kể rằng, tuổi thơ ông là một chuỗi ngày dằng dặc đau khổ. Anh em ông lớn lên chưa kịp đủ lông, đủ cánh đã sớm phải cù bất cù bơ phiêu bạt mỗi người một phương. Bản thân ông, ngay từ tuổi mười một, mười hai đã phải đi làm thuê ở đợ. Rồi lại phải rong ruổi khắp các làng quê ngửa tay xin của bố thí sống qua ngày. Ăn đói, mặc rách, không học hành, sống lang thang bờ bụi…cứ thế choán hết tuổi thơ ông. Lớn lên, dưới chế độ Mỹ - nguỵ , ông bị bắt đi lính. Ông đào ngũ, rồi lại bị bắt. Chỉ đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, cuộc đời ông mới thực sự được tự do. Ông trở về quê hương, gặp lại người thân. Và không hạnh phúc nào hơn, sau mấy chục năm phiêu bạt, không tin tức, ông gặp lại người anh ruột của mình lúc này đã là trung tá quân Giải phóng. Hai anh em, hai chiến tuyến, gặp lại nhau giữa rừng cờ hoa trong ngày mừng đất nước độc lập, họ chỉ biết ôm chầm lấy nhau mừng mừng, tủi tủi. Cũng từ đây ông mới có một mái nhà riêng, một gia đình riêng, cuộc sống đã bắt đầu mỉm cười với ông. Ngày ngày ông tích cực cùng bà con thi đua sản xuất, góp sức hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng lại quê hương. Thế rồi đất nước bước vào thời kỳ làm ăn mới, cơ hội như cánh cửa mở ra cho tất cả mọi người. Chủ trương hợp ý Đảng lòng dân ấy đã thúc giục ông lao vào làm ăn. Ông muốn mình phải vươn lên làm giàu và phải giàu thực sự từ chính đôi bàn tay mình để rửa nỗi nhục xưa…Nhưng phải làm gì và bắt đầu từ đâu? Chiều chiều ông đứng nhìn về phía mấy quả đồi hoang mà lòng nhen lên biết bao niềm hy vọng. Cam Lộ quê ông ruộng ít nhưng đồi núi thì mênh mông, bạt ngàn. Thế là ông nghĩ đến việc xây dựng trang trại từ chính trên những quả đồi ấy và bắt đầu sự nghiệp từ đây.

Ngôi nhà sàn của ông bốn bề lồng lộng gió và ngoài kia là mênh mông nắng, ngút ngàn màu xanh. Ngồi ở đây tôi có thể nhìn khắp lượt trang trại của ông. Bên kia đường xuyên Á là rừng, bên này thượng nguồn sông Hiếu cũng là rừng. Những cánh rừng mỡ màng, xanh biếc làm mát dịu cả đất trời. Ông Lưu nói với tôi đó là hai trăm hécta rừng ông trồng từ dự án 327 gần mười lăm năm trước. Tất cả giờ đã toả bóng sum suê, phủ kín núi đồi. Nhớ lại ngày ấy, khi cầm trong tay bản dự án do tỉnh phê duyệt, mà đâu phải ít ỏi gì, những hai trăm hécta; rồi nhìn những quả đồi trơ trọi trong nắng; nhớ cái lúc dựng trại, bổ những nhát cuốc đầu tiên, ươm những mầm cây đầu tiên; sau đó là những ngày dài dằng dặc vất vả, lo âu chăm từng cây, tỉa từng cành sao cho cây sống đều, phát triển lớn lên…ông Lưu không khỏi giật mình. Hồi ấy bên cạnh người hiểu ông, ủng hộ kế hoạch táo bạo của ông, nhưng cũng có không ít người cho ông là liều, già cả rồi mà không biết lượng sức, cả gan vuốt râu hùm. Ngay cả vợ con ông cũng thở ngắn than dài không tin lắm vào việc ông làm. Cái dự án hai trăm hécta đất mà người ta cho là miếng mồi béo bở cũng khiến không ít người ghen ăn tức ở nói ra nói vào, thậm chí ganh tị, hằn học với ông. Nhưng mọi chuyện rồi cũng qua, mọi khó khăn rồi cũng phải quy phục trước quyết tâm và ý chí của ông. Hai trăm hécta đất đồi hoang hoá cứ mỗi ngày một tươi xanh mơn mởn như vết thương liền sẹo trên da thịt. Chỉ đến lúc ấy ông mới thở phào nhẹ nhõm như trút đi được gánh nặng.

Cam Lộ quê ông là một huyện nghèo, trong chiến tranh lại là chiến trường ác liệt. Sau giải phóng và có lẽ kéo dài cho đến những năm tám mươi, chín mươi vẫn còn nghèo. Cái nghèo, cái đói vẫn thường xuyên ngự trị, rình rập trong biết bao gia đình. Còn ở đây, chỉ mươi, mười lăm năm trước thôi, cả vùng đất này hãy còn là đồi hoang cỏ cháy, chi chít hố đạm bom. Nhìn bốn phía chẳng thấy đâu là màu xanh, chỉ bàng bạc, khô khốc một màu đất và ngằn ngặt gió Lào quạt lửa. Vẫn còn đó trơ trơ hàng rào kẽm gai, đồn bốt, hầm hào, công sự của địch. Vẫn còn đó trong ký ức những trận đánh quyết liệt giữa ta và bọn Mỹ - nguỵ. Máu đào của biết bao đồng bào đồng chí đã đổ xuống thấm đỏ mảnh đất này. Nhiều địa danh mãi mãi gắn liền với chiến công của quân dân Cam Lộ, trở thành biểu tượng anh hùng, đi vào cổ tích, huyền thoại như đường Chín, cao điểm 241, cầu Đầu Mầu, đồi Phu Lơ…Những địa danh ấy giờ đã không còn cô quạnh nữa. Cây xanh đã mọc lên, làng xóm đang hình thành. Rồi những trang trại vườn rừng, vườn đồi lần lượt ra đời. Hơi ấm của người dân Cam Lộ đã sưởi ấm đến tận từng tấc đất quê hương.

Không dừng lại ở hai trăm hécta rừng, ông Lưu còn dành hẳn vài chục hécta ưu tiên cho phát triển các loại cây có giá trị kinh tế cao hơn như cao su, cây ăn quả, cây lấy dầu… chi phí ngót nghét cả tỷ đồng cho việc xây dựng trang trại. Cuốn sổ ông trao tôi ngồn ngộn những con số về chi tiêu các khoản. Tôi xin chọn lọc chép nguyên văn ra đây vài số liệu để thấy được mức đầu tư của ông. “Ngày 12 tháng 4 năm 1997 chi 76 triệu đồng mua lưới B40 làm 1.900 mét hàng rào lớp trong, chi 24 triệu đồng mua kẽm gai làm 4.000 mét hàng rào vòng ngoàiNgày 17 tháng 6 năm 1999 chi 15 triệu đồng lắp đặt 1.800 mét ống dẫn nước từ đỉnh đồi xuống trang trại phục vụ tưới tiêu và lấy nước nuôi cáNgày 11 tháng 03 năm 2000 chi trả tiền máy san lấp ba đợt 39 triệu đồngNgày 15 tháng 3 năm 2006 xây dựng hoàn chỉnh hồ nuôi cá rộng 500 mét vuông hết 13 triệu đồngNgày 28 tháng 9 năm 2006 mua cây cao su giống: 108 triệu đồngNgày 4 tháng 7 năm 2006 trả lương tháng 6 cho nhân công hết 29 triệu đồng”…Còn hàng trăm khoản khác mà số tiền chi phí cũng lên đến hàng trăm triệu đồng. Có chi thì phải có thu, đó là lẽ đương nhiên trong làm ăn. Tuy nhiên không phải ai cũng gặp may, không phái lúc nào, việc gì cũng thuận buồm xuôi gió. Thiếu gì người đã mất cả số tiền lớn lên đến hàng trăm triệu đồng, thậm chí hàng tỷ đồng do chi phí, đầu tư thiếu tính toán, cân nhắc hoặc là do các yếu tố chủ quan, khách quan khác. Trường hợp ông Lưu thì ngược lại, ông đã thành công. Ngoài hai trăm hécta rừng, trang trại của ông còn có gần tám hecta cao su, trong đó có năm hecta đã được đưa vào kinh doanh khai thác mủ, mỗi ngày thu tới vài triệu đồng. Có được diện tích cao su lớn như vậy quả là niềm mong ước của bao người. Vườn cây ăn quả của ông rộng ba hecta với trên sáu trăm gốc nhãn đã cho thu hoạch quả ba vụ liền. Ông cho biết, nhãn của ông là giống nhãn lồng Hưng Yên được ông đặt hàng và được chuyển thẳng vào đây từ Viện cây ăn quả ở Hà Nội. Tuy đất đai thổ nhưỡng, thời tiết không được màu mỡ, mưa thuận gió hoà như ở miền Bắc nhưng nhờ được chăm bẵm kỹ càng nên mười cây như chục đều phát triển tốt, chỉ mấy năm đã sum suê cành lá, đơm hoa kết quả. Cây nhãn Hưng Yên trên đất Quảng Trị chất lượng quả chắc chắn không được như ở xứ sở của nó nhưng vẫn ngọt, thơm, cùi dày được thị trường chấp nhận. Ra thăm vườn nhãn của ông, trong nắng hè đổ lửa, vậy mà tôi thấy trăm cây trổ quả cả trăm, cành nào cành ấy chi chít những chùm quả. Giá lúc này có trận mưa thì hẳn vụ nhãn năm nay ông Lưu sẽ bội thu.

Cây dầu sở, một loại cây hương liệu dùng để sản xuất dầu ăn lần đầu tiên được ông đưa về trồng ở Cam Lộ. Ban đầu chỉ vài ba hécta sau ông tăng lên chín hécta. Tất cả giờ đang ở độ tuổi năm đến bảy năm là độ tuổi phù hợp để khai thác chế biến dầu. Ông Lưu đã thử chế biến dầu ăn từ cây dầu sở bằng phương pháp thủ công. Kết quả thành công ngoài dự kiến. Sản phẩm dầu thực vật do ông sản xuất ra chất lượng không thua kém các loại dầu sở đóng chai đang được bán trên thị trường. Và tất nhiên giá của chúng cũng cao hơn hẳn các loại dầu ăn được chế biến từ lạc hoặc vừng. Tuy nhiên, đây mới chỉ là kết quả ban đầu, bởi tất cả vẫn đang trong quá trình mày mò thử nghiệm. Ước mơ của ông trong tương lai là có hẳn một máy ép dầu. Chắc chắn lúc ấy ông phải tính đến chuyện đăng ký chất lượng, mẩu mã hàng hoá. Trang trại của ông còn có ao cá, chăn nuôi lợn gà và nhiều loại cây trồng khác như hồ tiêu, chanh tứ mùa, măng tre Bát Độ, vải thiều Lục Ngạn…Ông đã tạo việc làm cho bà con nghèo trong vùng. Bình quân mỗi ngày có từ sáu đến mười người đến làm việc cho ông. Khi vào vụ có ngày lên tới vài chục người. Ông trả công cho người làm không tính theo tháng mà tính theo ngày. Cứ mỗi công ông trả năm mươi ngàn đồng. Có tháng ông phải chi trả tiền công lên tới ba mươi triệu đồng. Trong số những người làm công cho ông, có người quê ở mãi tận Quảng Bình, Hà Tĩnh…Những người này hoặc là bộ đội, công nhân công tác ở Quảng Trị sau khi xuất ngũ, nghỉ việc; hoặc là từ quê hương ra đi làm ăn, nhọc nhằn xuôi ngược mưu sinh, nay chỗ này, mai chỗ kia rồi phiêu bạt đến đây. Trong số họ có người hoàn cảnh thật thương tâm. Ông Lưu đã đón họ về trang trại của mình, bố trí việc làm cho họ, lo cho họ từ bữa cơm đến manh quần tấm áo. Từ đấy họ trở thành người làm công cho ông. Có người “ăn dầm nằm dề”, lăn lộn với ông năm này qua năm khác, nhưng cũng có người mỗi năm chỉ thoáng qua vài lần khi mùa màng, thời vụ tới. Ai đến với ông cũng nhiệt tình, say sưa với công việc, bởi họ thương ông, quý ông, mang ơn ông thuở hàn vi, khốn khó đã tận tình giúp đỡ họ. Có người làm việc cho ông, chắt chiu được vốn liếng tách ra lập gia đình tự túc làm ăn. Ông thường nói với mấy chàng trai trẻ chưa vợ là nếu ai không muốn  về quê, thích ở lại vùng núi đồi này xây dựng gia đình, sinh sống lâu dài, ông sẽ đứng ra lo cưới vợ cho. Cưới rồi ông cho một khoảnh đất dựng nhà, có việc gì ngon hơn thì làm, còn không cả vợ lẫn chồng cứ làm việc cho ông, ông trả lương hàng tháng cho. Khi tôi hỏi ông về các khoản thu nhập, ông chỉ cười trả lời khiêm tốn rằng: Năm 2006, trừ các khoản chi phí ông chỉ thu được chín mươi triệu đồng; năm 2007 cao hơn một chút: một trăm hai mươi lăm triệu đồng. Nhưng trong năm 2008 này ông dự trù thu ba trăm triệu đồng. Bởi, theo tính toán của ông, chỉ riêng năm hecta cao su đang khai thác mủ, ông đã có chắc chắn một trăm hai chục triệu đồng, và vườn nhãn nếu đạt mười lăm tấn quả, ông cũng thu được khoảng ngần ấy tiền nữa. Còn hai trăm hecta rừng, nếu một, hai năm nữa tỉnh cho khai thác và nếu áp dụng phương thức ăn chia: chủ rừng bảy mươi phần trăm, Nhà nước ba mươi phần trăm thì hẳn ông sẽ có trong tay cả tỷ đồng.

Nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Công Tạn trong chuyến thăm Quảng Trị trước đây, khi đến Cam Lộ đã ghé thăm trang trại ông. Lúc ấy ông đang trồng cây dầu sở. Phó Thủ tướng đã động viên ông trồng thật nhiều loại cây này, vì theo Phó Thủ tướng, dầu sở là loại cây có lợi nhiều mặt, vừa là rừng chắn gió, lại vừa làm được dầu ăn. Và chỉ mới năm kia, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cũng đã đến đây. Bộ trưởng nhìn khắp lượt trang trại, bắt tay chúc mừng ông và khen: “Bác tuổi cao nhưng chí bác còn cao hơn”. Còn ông, ông chẳng nghĩ gì khác ngoài những lo toan, bộn bề của công việc. Có chăng chỉ là đôi lúc cuộc đời tủi nhục xưa kia chợt hiện về. Anh em ly tán. Những ngày đi ở, đi xin ăn. Những ngày bị bắt lính…Càng ngẫm lại sự đời ông càng say sưa làm việc. Có lẽ đối với ông, dù nay đã tuổi cao sức yếu, công việc vẫn trên hết, công việc là tất cả.

 

N.N.C

 

Nguyễn Ngọc Chiến
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 169 tháng 10/2008

Mới nhất

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

25/04

25° - 27°

Mưa

26/04

24° - 26°

Mưa

27/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground