Tháng 11, dưới cơn mưa rừng tầm tã, chúng tôi tìm về thôn Pa Ling, xã A Vao, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị. Ở “ốc đảo” này, chúng tôi chợt nhận ra, khó khăn, vất vả càng tô thắm thêm phẩm chất cao đẹp Bộ đội Cụ Hồ của những người lính biên phòng ngày đêm canh giữ biên cương.
Cho đến tận bây giờ, Pa Ling vẫn là nơi khó khăn, xa xôi nhất của xã A Vao. Xa không chỉ tính bằng quãng đường, mà còn bởi những cách trở khi muốn đến Pa Ling. Con đường từ trung tâm xã A Vao vào Pa Ling đã thông tuyến từ tháng 5 năm 2023. Đường bê tông vắt theo triền núi và đúng như dự đoán, sau vài trận mưa lớn đầu mùa đã bị sạt lở. Dấu vết của những trận sạt lở ấy vẫn còn hằn trên vách núi và trên mặt đường khiến ai đi qua cũng ái ngại và có phần lo lắng.
Sau trận mưa lũ lịch sử tháng 10 năm 2020, suốt mấy tháng liền, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng A Vao phải gùi lương thực, thực phẩm, thuốc men. Người dân đi nhận hàng cứu trợ cũng vậy. Đoạn nào đi được xe thì đi, còn đâu cứ thế mà “lấy sức người vượt sức thiên nhiên”. Như đã mặc định, khi đi trên cung đường này, người ta không thể không nhắc đến Khe Chuông - dù đã được hạ độ cao khi làm đường nhưng vẫn như chuẩn bị bước vào “cổng trời” vì cứ đi ngược lên, chỉ thấy bầu trời thăm thẳm.
Bản làng Pa Ling - Ảnh: Nguyễn Phúc
Nghỉ chân ở Khe Chuông, Thiếu tá Nguyễn Văn Chinh, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng A Vao kể lại câu chuyện một năm trước. Chiều 25/10/2022, chiến sĩ của đơn vị bị đau dữ dội ở vùng bụng. Thời điểm đó, trời mưa suốt cả tuần, cống qua Khe Chuông (cách Đồn 14 km) đã bị trôi nên phải cân nhắc việc chuyển lên tuyến trên. Y sĩ, Thiếu tá Trần Minh Vũ sau khi thăm khám, đã chẩn đoán bệnh nhân bị đau ruột thừa cấp. Ban Chỉ huy Đồn nhanh chóng hội ý và chọn 11 đồng chí khỏe mạnh nhất, cử Chính trị viên phó Nguyễn Văn Chinh là tổ trưởng lấy võng để đưa chiến sĩ bị đau ra Trạm Kiểm soát Biên phòng A Vao. Xe cấp cứu của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh sẽ từ thành phố Đông Hà chạy lên đón.
Đêm tối, sương mù dày đặc, đường dốc đèo và nguy hiểm hơn là lúc nào cũng có nguy cơ sạt lở. Thế nhưng, tinh thần, ý chí người lính với quyết tâm cao nhất, mọi người đội mưa mà đi. Không ai nói với ai nhưng trong sâu thẳm đều hiểu rằng, cần phải tăng tốc hơn nữa, tính mạng của đồng đội phụ thuộc vào mình. Thế là mặc mưa rơi, gió thổi, bàn chân rớm máu vì giẫm đạp phải đá cũng chả ai quan tâm. Trên suốt hành trình, mọi người thay nhau khiêng võng, là hoa tiêu khi qua núi, qua khe suối chiếu sáng cho đoàn đi.
Thế rồi, mọi người thấy ánh sáng nhấp nháy của cán bộ Trạm Kiểm soát Biên phòng A Vao và bà con đội đèn, di chuyển xe máy đến Khe Chuông tiếp ứng. “Nếu bình thường 20 km từ đồn ra trung tâm xã phải đi ít nhất 5 giờ, nhưng hôm ấy, chúng tôi chỉ mất 3 giờ 10 phút. Chúng tôi đã đi bằng niềm tin, ý chí, sức mạnh có được từ sự lo lắng cho an nguy của đồng đội” - Thiếu tá Nguyễn Văn Chinh chia sẻ.
Thiếu tá Trần Minh Vũ nhớ lại: “Thực ra, đau ruột thừa biểu hiện cũng giống với viêm túi thừa đại tràng. Nếu như ở trạm quân dân y có máy siêu âm thì đã dễ dàng hơn rất nhiều. Bệnh nhân chuyển đi rồi nhưng tôi không thể nào ngủ được. Sáng sớm, tôi mặc áo mưa ra đầu dốc của bản, cố gắng “vớt” chút sóng rơi để gọi điện thoại. Đầu dây bên kia, Đại úy Nguyễn Văn Lê Triệu nói bị viêm ruột thừa. Bác sĩ bảo chỉ chậm 30 phút nữa là không cứu được. Nghe vậy, tôi ngồi bệt xuống. Tảng đá đè nặng lên ngực tôi cả đêm giờ đây được gỡ bỏ để có thể thở được bình thường”. Chúng tôi hiểu nỗi lo lắng của Thiếu tá Trần Minh Vũ, vì nếu chẩn đoán sai hoặc chậm, có thể người chiến sĩ trẻ sẽ ra đi mãi mãi.
Từ câu chuyện ấy, chúng tôi đặt câu hỏi việc khám chữa bệnh như thế nào cho “ốc đảo” Pa Ling? Hóa ra, ở đây có Trạm quân dân y Pa Ling nằm ngoài bìa rừng, độc lập với đơn vị, do Thiếu tá Trần Minh Vũ phụ trách. Hơn 700 nhân khẩu của thôn Pa Ling đều trông chờ vào trạm. Từ ốm đau thông thường đến cấp cứu cũng một tay người y sĩ biên phòng lo liệu. Mấy tháng trước, hai cháu nhỏ là Hồ Thị Sen (6 tuổi) và Hồ Thị Soang (9 tuổi) bị ngộ độc do ăn phải nấm độc. Gia đình đã tức tốc đưa hai cháu tới Trạm quân dân y Pa Ling. Thiếu tá Trần Minh Vũ đã nhanh chóng làm cho bệnh nhân nôn, tiêm trợ tim và truyền dịch. Nhờ cấp cứu kịp thời, hai cháu nhỏ thoát khỏi nguy kịch, trở về từ cõi chết.
Câu chuyện giữa ngày mưa mịt mùng chuyển sang nốt nhạc vui khi chúng tôi biết rằng, ở Trạm quân dân y Pa Ling đã có rất nhiều thiên thần nhỏ chào đời. Năm 2022 đến nay, có sáu trẻ ở Pa Ling chào đời thì Thiếu tá Trần Minh Vũ đón năm sinh linh bé bỏng trên đôi tay của mình. Trộm vía, cháu bé nào cũng khỏe mạnh, ngoan ngoãn. Có thể, đó là nội lực của đứa trẻ sinh ra giữa đại ngàn nhưng cũng một phần luôn được y sĩ Trần Minh Vũ quan tâm, hướng dẫn gia đình chăm sóc cháu nhỏ.
Điều khiến mọi người vô cùng thích thú đó là những cái tên mà cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị đã đặt cho các cháu nhỏ: Hồ Biên Cương, Hồ Thị Biên Thùy, Hồ Thị Ngoan Ngoãn, Hồ Thị Vũ Trang, Hồ Thị Hòa Bình, Hồ Thị Hạnh Phúc. Những cái tên thật đẹp, mang ý nghĩa hi vọng của những người lính biên phòng. Anh Hồ Văn Dăng, cha của cháu Hồ Thị Vũ Trang giải thích: “Vũ là tên của bác Vũ, Trang là Công an nhân dân vũ trang. Chỉ cần các chú biên phòng đặt tên thì gia đình đều thích, nhất là khi tên của cháu gắn với tên của người đã đón cháu đến với cuộc sống này”.
Chiều hôm ấy, ngồi trước hiên nhà, ngắm nhìn mưa rơi thật buồn, nhất là khi nghe tin đường ra A Vao lại bị sạt lở, điều đó có nghĩa là phải chờ thông đường thì chúng tôi mới có thể về xuôi. Chúng tôi đùa rằng: “Nắng tốt dưa, mưa tốt lính, mưa thế này thì đi phép thôi?”. Thiếu tá Trần Minh Vũ nói: “Ở đâu đó đúng, chứ ở đây thì hoàn toàn ngược lại. Mùa mưa, đồn biên phòng là chỗ dựa cho nhân dân. Bộ đội lúc nào cũng phải sẵn sàng ứng phó với thiên tai. Thôn Pa Ling có hơn 700 nhân khẩu, trong khi chỉ có tôi làm y tế. Mới hôm trước, trời mưa to, nước suối dâng nên bà Căn Khoa đi rẫy không về được. Sau một đêm ở ngoài rừng, bà gần như không còn sự sống. Tôi phải mất hơn 1 giờ cấp cứu thì bà mới hồi tỉnh. Thế nên, chúng tôi không đi phép dịp này”.
Những lời tâm sự ấy khiến chúng tôi chợt xấu hổ khi lúc chiều xuýt xoa với đồng lương của bộ đội ở biên giới. Lúc nào cũng đặt việc chung lên trước, thì chắc chắn đồng tiền không phải là tất cả. Thật trân quý biết bao tấm lòng của người lính biên phòng ở “ốc đảo” Pa Ling.
Ngoài kia, mưa vẫn cứ mưa trắng trời, mây mù che khuất đỉnh núi.