Niềm vui tuổi thơ - Ảnh: Hồ Thanh Thọ
Một số tiền làm choáng ngợp mọi người, kể cả công dân của những quốc gia được xếp vào loại giàu có nhất trên Trái đất.
Đêm 20 tháng 11, lễ khai mạc World Cup 2022được tổ chức vô cùng hoành tráng, lộng lẫy trên sân Al Bayt với sự dẫn dắt chương trình của diễn viên gạo cội người Mỹ từng được giải Oscar, ông Morgan Freeman. Tuy nhiên, với tôi, một công dân của Việt Nam lại ngỡ ngàng và hết sức xúc động khi Ghanim Al Muftah (người Qatar) xuất hiện và trò chuyện với người dẫn chương trình lễ khai mạc. Câu chuyện của Morgan Freeman và Ghanim Al Muftah nói về quyền bình đẳng con người và sự kết nối giữa các châu lục trên hành tinh xanh. Một câu chuyện, một vấn đề rất đáng quan tâm của loài người trong quá khứ, hiện tại và cả trong tương lai khi sự bất công, phân hóa, chia rẽ, xung đột, chiến tranh chưa chấm dứt trên toàn cầu. Thoạt nhìn, tôi có cảm giác như người đối thoại với diễn viên gạo cội đến từ nước Mỹ cao lớn, điển trai bị lún dần vào sa mạc mênh mông. Nhưng không phải thế, theo dòng thời gian trôi đi, dù chỉ mấy chục phút thôi, tôi đã kịp nhận ra chàng trai có đôi mắt đen sáng ấy là một phần của vùng đất anh sinh sống. Anh như một sinh phần tươi trẻ, mát mẻ và nguyên vẹn mọc lên từ nhấp nhô cát nóng quê hương, đất nước Qatar. Bởi con người mắc chứng bệnh thoái hóa khiến phần thân dưới không thể phát triển được ấy đã vượt qua nghịch cảnh éo le để sống và cống hiến cho tổ quốc mình. Phép màu nào đã đến với Ghanim Al Muftah nếu không phải là niềm tin. Vâng, chính niềm tin vào sự tốt đẹp của cuộc sống, của con người đã cho anh nghị lực phi thường để vượt lên hoàn cảnh. Không thể nói khác được, câu chuyện về chàng trai là câu chuyện bất tận về niềm tin. Niềm tin và hy vọng truyền sức mạnh cho anh, biến chàng trai sa mạc thành điều kỳ diệu làm rung động hàng triệu, hàng tỷ trái tim khác. Điều ấy, ngỡ như rất phi thường nhưng có lẽ cũng không khác thường bởi như đại văn hào Victor Hugo đã từng viết Hy vọng là từ Chúa đã viết trên lông mày mỗi người. Trường hợp như đại sứ World Cup 2022 mà chúng ta vừa nói đến không phải là quá hiếm hoi, cá biệt trên thế giới này; xin được nhắc tới một con người khác, có lẽ cũng quá quen thuộc với nhân dân Việt Nam nhất là các bạn trẻ, anh Nick Vujicic với câu nói nổi tiếng: Tôi chưa bao giờ thật sự tàn tật cho đến khi tôi mất hy vọng… Mất hy vọng cũng có nghĩa là không còn niềm tin. Và điều đó cũng đồng nghĩa với chúng ta mất tất cả. Cuộc sống coi như sẽ chấm dứt khi con người không có niềm tin.
Khi vào bộ đội tôi đã được nghe câu nói này: một binh nhì có thể mơ trở thành đại tướng. Không biết có bao nhiêu binh nhì thế hệ tôi và trước tôi đã mơ như thế. Riêng tôi thì không mơ trở thành gì hết, thậm chí đến cấp sĩ quan thấp nhất thời ấy là thiếu úy tôi cũng chẳng màng tới. Chỉ mơ thế này thôi, các bạn đừng cười nhé, mơ trở thành nhà thơ quân đội như Phạm Tiến Duật, như Hữu Thỉnh… Bởi tôi bị ám ảnh không dứt những Lửa đèn; Tiểu đội xe không kính; Gửi em, cô thanh niên xung phong; Nhớ; Trường Sơn đông, Trường Sơn tây hay Sức bền của đất… Tôi cũng tin rằng rất ít chàng lính măng tơ cùng thế hệ và khác thế hệ với tôi mơ trở thành đại tướng nhưng hầu hết họ đều có niềm tin vào con đường mình đang dấn bước. Năm tôi nhập ngũ, chiến tranh chưa kết thúc. Trước đó và bấy giờ có hàng vạn thanh niên miền Bắc vượt Trường Sơn vào chiến trường đánh giặc với quyết tâm Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào như lời hiệu triệu của Bác Hồ. Muôn vàn gian khổ, hiểm nguy. Muôn vàn mất mát, hy sinh. Kể làm sao cho xiết. Chỉ huy thường nhắc nhở chúng tôi, vượt Trường Sơn chúng ta phải đi bằng đầu các đồng chí nhé; không quyết tâm như thế thì không thể đánh được giặc và giành thắng lợi đâu. Vâng, đúng thế, niềm tin chiến thắng đã truyền cho chúng tôi sức mạnh bền bỉ vượt vạn lý Trường Sơn, đá mòn mà đôi dép không mòn như lời một bài hát quen thuộc thời đó. Chúng tôi tin lắm vào con đường cách mạng chính nghĩa giải phóng miền Nam, lập lại hòa bình, thống nhất đất nước để dựng xây Tổ quốc mạnh giàu. Chúng tôi tin lắm vào ngày mai, nhân dân được hưởng hạnh phúc trong một xã hội giàu tình thương và lẽ phải. Trong cuốn nhật ký của mình, trang đầu tiên tôi đã nắn nót chép hai câu thơ của Tố Hữu: Có gì đẹp trên đời hơn thế / Người yêu người, sống để yêu nhau… Niềm tin đã tạo nên sức mạnh to lớn cho dân tộc trong các cuộc kháng chiến yêu nước và bảo vệ Tổ quốc. Từ niềm tin đó mà lòng lạc quan của chiến sĩ và nhân dân chưa bao giờ vơi hụt. Trong chiến tranh khốc liệt, người mẹ cầm súng vẫn hằng tự nhủ mình, còn giặc, còn cái lai quần cũng đánh. Thanh niên thì coi cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù. Bởi vậy, cũng xin ai đó đừng bắt bẻ vì sao thời đó Phạm Tiến Duật đã hào hứng viết câu thơ Đường ra trận mùa này đẹp lắm… Thời học trò, tôi đã từng nghe dân quê mình nhắc nhau rằng Nhà tan cửa nát cũng ừ / Quyết tâm đánh Mỹ cực chừ sướng sau… Nếu như không có niềm tin thì dân tộc làm sao đi qua được các cuộc kháng chiến bi tráng ngoài sức tưởng tượng để giành chiến thắng vĩ đại. Bao nhiêu bão giông thời cuộc, bao nhiêu thử thách không hề bé nhỏ đã được dân tộc vượt lên để có ngày được rũ bùn đứng dậy chói lòa. Vị thế dân tộc hôm nay được đổi bằng mồ hôi, xương máu của nhiều thế hệ; đừng ai, đừng bao giờ lãng quên điều thiêng liêng đó.
Sau chiến tranh, tưởng chừng mọi cái sẽ dễ dàng, suôn sẻ, dễ chịu hơn, nhưng không phải thế. Dân tộc mình phải "sấp ngửa" chống đỡ với nhiều khó khăn mới. Lại phải căng mình giữ gìn giang sơn bờ cõi, phải thấm thía tận cùng cái đói khổ, cơ cực đến mức hốc hác xanh xao của người dân thời hậu chiến cũng như phải gánh gồng biết bao hậu quả chiến tranh để lại. Khó khăn thách thức mới chồng lên thách thức khó khăn cũ, tưởng như vận nước đã lịm tắt, chế độ đứng bên bờ vực sụp đổ, thành quả cách mạng sẽ tan tành. Nhưng cũng thật kỳ diệu, niềm tin và sự sáng suốt đã giúp dân tộc vượt qua được bước ngoặt chông chênh nhất trong hành trình cách mạng. Chúng ta đổi mới và thu được những thành tựu quan trọng. Thế và lực Việt Nam, bản lĩnh Việt Nam được bạn bè bốn biển năm châu nhắc tới. Để có được một Việt Nam như hôm nay, như bây giờ không thể không có niềm tin vững chắc là dân tộc ta nhất định sẽ vượt qua được cam go để tiến về phía trước.
Làng quê bình dị thân thương - Ảnh: Trần Minh Hiếu
Dải đất hẹp nơi tôi đang sống xứng đáng được xếp vào một trong các vùng quê khắc nghiệt, cơ cực nhất ở Việt Nam. Gió nóng đổ xuống từ Trường Sơn suốt nửa năm trời. Bão lớn tràn vào từ biển Đông khi mùa mưa tới. Nắng nứt đồng, nẻ ruộng, sông có khi trơ đáy. Mưa thối đất, thối đai, núi cũng bị lở trôi. Lũ tràn qua mặt / Bão giật ngang đầu / Miền Trung, sống như không thể mất… Tôi từng viết như thế về quê hương xứ sở mình. Chiến tranh. Thiên tai. Dịch bệnh. Chà xát mảnh đất này. Con người tưởng như sẽ bị nhấn chìm trong phũ phàng của muôn vàn tai ương lớn nhỏ vẫn ngạo nghễ ngoi lên, đứng thẳng và từng bước, từng bước đi về phía trước. Cuộc sống ngày thêm tươi xanh như bài ca yêu thương bất tận. Nụ cười nở tươi trên những khoảnh khắc đời dẫu đó đây nước mắt mặn chát vẫn còn có lúc rơi. Niềm tin là phép màu tạo ra những đổi thay đáng kể cho mảnh đất này. Niềm tin không phải bây giờ mới có và nó luôn được truyền lưu qua nhiều thế hệ.
Trong bể dâu cõi người, ai giữ được niềm tin sẽ có cơ hội tồn tại và tỏa sáng!¢