Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 30/03/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Phía Bắc thành phố

T

hượng tuần tháng 8 năm 2019, ở phía Nam sông Hiếu, một chuỗi các hoạt động văn hóa và nghệ thuật tiếp nối chào mừng Đông Hà kỷ niệm mười năm thành lập thành phố. Pháo hoa rực sáng trên quảng trường Trung tâm văn hóa điện ảnh, bằng góc máy flycam từ trên cao nhìn xuống, thành phố lấp lánh dáng vẻ một đô thị trẻ có sức sống. Từ một thị xã nhỏ bé, đường đất, nước giếng, đèn dầu, nhà không số, phố không tên, “thành phố Đông Hà hôm nay là đô thị năng động, là trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa - khoa học kỹ thuật của tỉnh Quảng Trị, là đầu cầu quan trọng trên Hành lang kinh tế Đông Tây”, phát biểu chúc mừng của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Nguyễn Đức Chính tại lễ kỷ niệm, nhấn mạnh vai trò đặc biệt của Đông Hà với tỉnh nhà và khu vực, yêu cầu thành phố phấn đấu đạt đô thị loại II vào năm 2020.

Những ngày lễ hội đó, phía bờ Bắc sông Hiếu, nơi sinh sống của hơn mười ngàn cư dân, thành phố trầm lắng hơn. Ở đó, ngổn ngang những dự án chỉnh trang đô thị đang được triển khai, hạ tầng khu đô thị mới đã bắt đầu hình thành. Ông Lê Phước Đạt háo hức đứng xem thợ thi công tuyến kè bờ sông, rồi chắc mẩm với người phỏng vấn rằng: “Kỳ này quy hoạch thiệt đó”. Dễ hiểu cho niềm vui ấy của ông Đạt khi hạ tầng khu này đã tồn tại trên giấy trong suốt nhiều năm trước đó. Ngồi bên bờ sông, trong câu chuyện về cuộc quy hoạch đang diễn ra ở đây, ông Đạt kể về cái thời trước những dự án, trước khi về Đông Hà và quê ông vẫn là mảnh đất thuần nông.

Một thập kỷ chờ quy hoạch

Trong trí nhớ của ông Đạt, vùng đất phía Bắc thành phố nơi ông sống ba mươi năm trước là một phần của huyện Cam Lộ. Mùa hè 1989, khi tỉnh Bình Trị Thiên được tách ra về lại địa giới cũ, Quảng Trị đã không trở lại với thị xã tỉnh lỵ bên sông Thạch Hãn, mà chuyển ra Đông Hà, chọn thị xã bên sông Hiếu làm nơi đặt trung tâm hành chính - kinh tế - văn hóa. Và một trong những công việc được chính quyền cấp thiết thực hiện ngay sau khi Đông Hà gánh vác nhiệm vụ tỉnh lỵ là điều chỉnh lại địa giới hành chính thị xã. Sau các cuộc sáp nhập, hoán đổi rồi chia tách trước đó, năm 1991, địa giới hành chính thị xã Đông Hà được quy hoạch sắp xếp lại. Thay vì giới hạn ranh giới hành chính ở hữu ngạn sông Hiếu, không gian thị xã được mở rộng thêm ở tả ngạn dòng sông. Hai xã Cam Thanh và Cam Giang của huyện Cam Lộ được sáp nhập về thị xã, thành lập hai phường Đông Thanh và Đông Giang. Kể từ đây cái vệt đất trải dọc bờ Bắc sông Hiếu chính thức thuộc về Đông Hà trong khát vọng gầy dựng thị xã tỉnh lỵ “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.

Vào ngày trở thành công dân thị xã, ông Đạt và vợ đang tất bật với mấy sào ruộng lo áo cơm sinh kế, không thấy quyết định sáp nhập ấy có gì quan trọng. “Không có gì thay đổi, mang tiếng là có hộ khẩu thị xã nhưng vẫn giữ lề thói sinh hoạt của làng quê, nhà cửa thì chắp nối, dân cư rải rác, nhịp sống chậm buồn” - ông Đạt mô tả về bối cảnh xóm nhỏ ven sông khi mới thuộc về Đông Hà.

Những năm sau đó, vợ chồng ông Đạt vẫn chăm chỉ cày cấy trên thửa ruộng sình lầy, và hầu hết cư dân bờ Bắc sinh kế gắn liền với cánh đồng mỗi năm hai vụ. Ở bên kia sông, cư dân bờ Nam giàu có lên nhanh chóng nhờ vào cái vị trí ngã ba đường và có một ngôi chợ đầu mối được mệnh danh là “cái rốn” của hàng ngoại, hàng đó theo các đoàn xe quá cảnh mượn đường Chín để tập kết về Đông Hà rồi tuồn đi khắp cả nước. Ông Đạt nhớ rằng, dân Đông Thanh khi ấy nói về sự thua thiệt với thị xã bờ Nam bằng một so sánh xót xa là tổng sản lượng lúa thu được trong một vụ mùa ở Đông Thanh thua một gian hàng thương nghiệp ở chợ Đông Hà bán hàng Thái Lan. Đối diện phường Đông Thanh, bên kia sông là địa bàn phường 3 cũng dọc theo sông Hiếu, trước đây cũng là một làng quê thuần nông. Nhờ nằm ở vị trí địa lý thuận lợi, vừa gần sông lại có con đường Chín đi qua đã thực sự mang lại cho phường 3 một vị thế mới. Từ bờ Bắc hẩm hiu nhìn sang phường 3, thấy làng mạc bên ấy đã nên phố xá, nhiều nông dân đã trở thành thị dân, không ít lần ông Đạt cảm thấy tủi thân.

Năm 2005, thị xã Đông Hà được công nhận đô thị loại 3. Một năm sau đó - ngày 22/6/2006, UBND tỉnh Quảng Trị phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung thị xã Đông Hà đến năm 2020. Đề án quy hoạch này xác định, không gian đô thị Đông Hà sẽ được phát triển mở rộng đều theo cả bốn hướng Đông - Tây - Nam - Bắc, và lấy sông Hiếu làm trục cảnh quan trung tâm để phát triển. Bản quy hoạch này nhấn mạnh đến vị thế đặc biệt của dòng sông Hiếu với Đông Hà, dòng sông xanh làm mát và tạo điểm nhấn cảnh quan độc đáo của thị xã. Về lâu dài, coi sông Hiếu là một điểm tựa để Đông Hà kiến tạo diện mạo của riêng mình, đồng thời thị xã sẽ được điều chỉnh phát triển toàn diện về cả hai bờ sông. Ông Đạt vẫn còn nhớ, khi biết thông tin phường Đông Thanh nằm trong quy hoạch, ông đã rất phấn khởi chờ ngày quê hương đổi mới.

Ba năm sau đề án quy hoạch ấy - năm 2009, Đông Hà trở thành thành phố, hơn thế nữa là thành phố đầu tiên về phía Việt Nam nằm trên Hành lang kinh tế Đông Tây. Cùng năm ấy, Vũ, con trai út ông Đạt đang học trường cấp ba phía Nam thành phố. Nối đôi bờ sông Hiếu lúc ấy chỉ có hai điểm cầu, cầu Đông Hà và cầu sắt dành cho tàu hỏa. Vũ muốn đi qua phía Nam học thì hoặc mạo hiểm leo lên cầu sắt, hoặc đạp xe tám cây số theo hình chữ U để đến trường. Đường đi học của em vẫn là con đường đất lẫn vào trong tre trúc men theo dọc bờ sông. Nắng thì bụi, còn một cơn mưa nhỏ cũng đủ để biến đoạn đường ấy thành vũng lầy. Đó là hình ảnh con đường Hoàng Diệu chạy men theo bờ Bắc sông - nơi mà theo quy hoạch sẽ là tuyến đường nằm ở vị trí trung tâm trong cấu trúc đô thị Đông Hà lấy sông Hiếu làm trục trung tâm. Ông Đạt thường xuyên nghe ngóng tình hình thực hiện quy hoạch của chính quyền, nhưng qua mỗi năm, hạ tầng được đầu tư nhỏ giọt, nhiều kỳ vọng và dự án vẫn còn nằm trên giấy.

Trong một thập kỷ sau ngày phê duyệt quy hoạch, thành phố phát triển nghiêng nhiều về phía Nam sông Hiếu và quay lưng với phía Bắc. Ở phía Nam, các trụ sở hành chính, trường học, khu công nghiệp, đường giao thông… liên tục mọc lên, không gian và tầm ảnh hưởng của Đông Hà được mở rộng hướng theo đường Hùng Vương nối dài chạm bờ sông Vĩnh Phước, hướng theo tuyến kinh tế động lực đường Chín - đường Xuyên Á, hướng theo tuyến Quốc lộ 1A vào huyện Triệu Phong. Còn ở phía Bắc, vẫn là bờ sông hoang sơ và ruộng đồng vắng vẻ.

Bước chuyển mình của hạ tầng

Tháng 9 năm 2015, tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XVI, Bí thư Thành ủy Đông Hà thời điểm đó là ông Nguyễn Đăng Quang trình bày trước Đại hội tham luận “Quy hoạch phát triển đô thị, đầu tư kết cấu hạ tầng, phấn đấu xây dựng thành phố Đông Hà đạt đô thị loại II đến năm 2020” đã thừa nhận quá trình triển khai thực hiện quy hoạch được phê duyệt trước đó gặp nhiều khó khăn và chưa phù hợp với tình hình chung phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Đồng thời xác định các nhóm giải pháp lớn, trong đó nhấn mạnh đến việc tập trung đẩy mạnh tiến độ lập đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố Đông Hà đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đáp ứng nhu cầu phát triển đô thị hiện đại và bền vững. Tiếp tục định hướng bố trí cảnh quan kiến trúc xanh, lấy trục sông Hiếu làm trung tâm, phát triển mở rộng các khu đô thị mới về phía Bắc sông Hiếu. Bản tham luận của Bí thư Thành ủy Đông Hà nêu tại Đại hội thể hiện một quyết tâm chính trị cao trong việc phát triển đô thị tỉnh lỵ theo mô hình thành phố bên sông.

Để thực hiện được quyết tâm này, ngày 09/6/2016, UBND tỉnh Quảng Trị phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng thành phố Đông Hà đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Về cơ bản, nội dung của nhiệm vụ quy hoạch này kế thừa định hướng quy hoạch chung thành phố đã phê duyệt năm 2006, nhưng có điều chỉnh, làm rõ hơn một số nội dung quy hoạch quan tâm tới nhu cầu phát triển và tình hình thực tế. Theo nhiệm vụ quy hoạch được duyệt, về lâu dài “thành phố Đông Hà hướng đến cấu trúc thành phố bên sông. Lấy sông Hiếu làm trục trung tâm để phát triển không gian thành phố, tối đa hóa, khai thác giá trị của sông Hiếu” và “ưu tiên phát triển thành phố về phía Bắc”. Nhiệm vụ quy hoạch này được kỳ vọng sẽ tạo ra sự phát triển đồng bộ, liên kết đô thị, đồng thời khai phóng tiềm năng của vùng đất phía Bắc lâu nay bị bỏ quên.

Khát vọng mở rộng hạ tầng thành phố sang phía Bắc thời điểm đó có thêm một động lực và nguồn lực quan trọng từ Dự án Phát triển đô thị tiểu vùng sông Mê Kông do Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tài trợ cho tỉnh Quảng Trị. Dự án này được xúc tiến từ cuối năm 2014 trên địa bàn hai đô thị nằm trên tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây là thành phố Đông Hà và thị trấn Lao Bảo với tổng mức đầu tư hơn 2.200 tỷ đồng. Ở thành phố Đông Hà, ADB cam kết sẽ đầu tư để xây dựng một số hạng mục công trình gồm đường Hoàng Diệu, đường Thanh Niên, đường Bà Triệu, hệ thống điện chiếu sáng, kè sông Hiếu,… cùng một số hạ tầng giao thông khác.

Cuộc đổi thay diện mạo đô thị phía Bắc bắt đầu khi chính quyền thành phố triển khai công tác giải phóng mặt bằng theo quy hoạch, thu hồi đất để làm dự án. Những tấm biển dự án được dựng trên những khu đất đã cắm cọc. Trên đó là bản vẽ phối cảnh công trình, thông tin chủ đầu tư, những con số quy hoạch. Trong khu phố, đi đâu ông Đạt cũng nghe người dân nói chuyện đất đai, đền bù. “Các hộ dân trong vùng quy hoạch háo hức lên kế hoạch cho những khoản tiền đền bù đất đai mà họ sẽ được nhận. Người định sửa sang nhà cửa, người phát triển kinh tế. Dự án thành hình, người dân đón quy hoạch với tâm thế háo hức chờ đổi thay”, ông Đạt kể lại.

Mảnh sân 400 mét vuông của gia đình ông Đạt nằm trong diện quy hoạch mở rộng đường Hoàng Diệu. Một ngày đầu hè năm 2016, đứng xem những chiếc xe ủi lừng lững tiến đến san phẳng cây cối trong vườn, ông Đạt mới tin tưởng vào quyết tâm quy hoạch của chính quyền sau nhiều năm chờ đợi. Theo như quy hoạch được vẽ ra, đường Hoàng Diệu sẽ được đầu tư nâng cấp mở rộng thành con đường nhựa mịn màng dài gần 5 cây số chạy xuyên suốt một chiều bờ Bắc sông Hiếu.

Đường Hoàng Diệu đang thi công thì cầu Sông Hiếu đã lao dầm nối đôi bờ, rút ngắn khoảng cách phường 3 và phường Đông Thanh. Bốn mươi lăm năm Quảng Trị giải phóng, đây là cây cầu dân sinh thứ hai vươn qua khúc sông chảy giữa lòng thành phố, kể từ khi công trình đầu tiên là cầu Đông Hà được bê tông cốt thép vững chãi vào năm 1993. Đường dẫn Lê Thánh Tông phía nam cầu nối ra Quốc lộ Chín, đường dẫn phía bắc chạy qua vùng đông Cam Lộ gặp đường Xuyên Á. Ngày làm lễ thông tuyến qua cầu Sông Hiếu, ông Đạt nhớ đó là ngày cờ bay phấp phới, người dân bờ Bắc phấn khởi bàn tán về viễn cảnh tươi sáng.

“Người ta kháo nhau nơi ấy sẽ là vườn hoa mini, phía kia sẽ dựng quảng trường bờ Bắc”, ông Đạt đứng trước cửa nhà, chỉ tay ra dải đất trước kia đã từng là bờ sông hoang vu cỏ mọc xanh um, nay có nhiều dự án hạ tầng đang được triển khai. Ở phía thượng nguồn sông, cách nhà ông Đạt chừng 500 mét, cây cầu mới khánh thành soãi mình qua mênh mang sóng nước. Cách cầu Sông Hiếu chừng cây số về phía hạ lưu, dự án đập ngăn mặn kết hợp cầu giao thông bộ đang được khẩn trương thi công móng cầu kết nối hai bờ. Và ở bên kia sông, bờ sông đang được kè vững chắc, con đường Bà Triệu được mở rộng trải nhựa chạy xuyên suốt một chiều bờ Nam song song với đường Hoàng Diệu bên này.

Gia đình ông Đạt và rất nhiều cư dân Đông Thanh hưởng lợi từ các công trình mới mọc. Đất dọc bờ sông hoang vắng khi xưa nay đã tính nền với giá cao khi sở hữu mặt tiền hướng ra dòng sông Hiếu xanh mát. Trên con đường bờ sông to đẹp chạy qua các khu dân cư phường Đông Thanh, nhà dân được sắp xếp lại đẹp đẽ, điện kéo dài thắp sáng cho lối phố. Giờ đây, chạy bộ, đi dạo dọc bờ sông trở thành thói quen của vợ chồng ông Đạt mỗi cuối tuần. Trong tưởng tượng của ông Đạt, chỉ vài năm thôi khi quy hoạch làm xong, bờ Bắc sẽ có một con phố đêm đêm rực rỡ ánh đèn, ở đó sẽ là dãy nhà hàng, cửa hiệu, khu vui chơi giải trí sôi động, nhiều nhà cao tầng, các công sở cơ quan cũng sẽ tập trung ở đây... Đấy là kịch bản tươi sáng được ông Đạt vẽ ra, một kịch bản chứa đựng nhiều hy vọng đổi thay.

Trong câu chuyện về quy hoạch đang diễn ra trên địa bàn, ông Hồ Châu Tuấn - Chủ tịch phường Đông Thanh cho rằng, sở dĩ một thời gian dài vùng đất phía Bắc bị tách khỏi sự phát triển chung của thành phố vì thiếu sợi dây liên kết là hạ tầng. Vì thế chủ trương phát triển thành phố về phía Bắc với đòn bẩy từ hạ tầng giao thông, những cây cầu và con đường ra đời đã khiến vùng đất bên sông dần lột bỏ được nét quê mùa. Năm năm trở lại đây cũng là khoảng thời gian Đông Thanh chuyển mình thay đổi diện mạo với các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, ông chủ tịch phường nói rồi giơ tay điểm mặt từng dự án đã hoàn thành và đang triển khai, “những công trình này là tiền đề để thành phố tự tin trong những lần chỉnh trang đô thị về sau”, ông Tuấn nói như vậy.

Tương lai đô thị Bắc sông Hiếu

Tại trung tâm thành phố, giữa các buổi họp bàn về quy hoạch có mời báo chí, các lãnh đạo thành phố vẫn khẳng định Đông Hà hướng đến cấu trúc “thành phố bên sông” trong quy hoạch phát triển không gian đô thị và ưu tiên mở rộng đô thị về hướng Bắc sông Hiếu, để thành phố phát triển cân xứng cả hai bờ.

Theo như bản báo cáo rà soát quy hoạch, đầu tư hệ thống cầu kết nối hai bờ sông Hiếu của Sở Xây dựng trình UBND tỉnh Quảng Trị, trong tương lai quãng sông Hiếu chảy qua thành phố sẽ có 6 cây cầu. Thành phố đã có cầu Đông Hà, cầu Sông Hiếu, cầu đường sắt. Hai cây cầu đang xây dựng là cầu thuộc dự án đường tránh phía Đông thành phố và cầu giao thông thuộc dự án đập ngăn mặn. Cây cầu nằm trong quy hoạch, chuẩn bị xây dựng là cầu dây văng kết nối Khu đô thị bờ Bắc với trung tâm thành phố. Những cây cầu này sẽ không chỉ nối chiều ngang địa lý sông Hiếu, mà còn được kỳ vọng sẽ tạo nên sự kết nối hài hòa, bền vững của cấu trúc thành phố bên sông.

Thành phố cũng đang quan tâm đến việc kêu gọi đầu tư để cải tạo, chỉnh trang không gian hai bờ sông Hiếu trong định hướng phát triển đô thị về phía Bắc. Trên cơ sở nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đông Hà đến năm 2035 tầm nhìn đến năm 2050 đã được UBND tỉnh phê duyệt, trong tương lai dọc sông Hiếu sẽ xây dựng hệ thống giao thông kết hợp kè sông Hiếu, cây xanh đường phố, công viên vườn hoa. Dành quỹ đất dọc hai bên bờ sông để xây dựng các công trình công cộng, thương mại dịch vụ, văn hóa, thể thao, du lịch có quy mô và kiến trúc đẹp, dự kiến việc tạo lập một khu trung tâm hành chính tập trung của tỉnh kết hợp với quảng trường đô thị phía Bắc, hướng về bờ sông. Và về lâu dài, tuyến đường ven sông Hiếu sẽ là đường dạo, tạo điểm nhấn về không gian kiến trúc cảnh quan cho đô thị và không gian thư giãn, vui chơi cho cư dân thành phố.

Cùng với việc tạo dựng cảnh quan đôi bờ sông, hạ tầng Khu đô thị Bắc Sông Hiếu với quy mô 30 hecta dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2020. Theo như quy hoạch đã duyệt, khu đô thị này được dự tính có khu thương mại dịch vụ, khu cơ quan hành chính, nhà ở, công viên cây xanh... Sở hữu một vị trí đẹp, phía trước là sông Hiếu, phía sau là Hói Sòng, khu đô thị Bắc Sông Hiếu đang được kiến tạo để trở thành một đô thị xanh, hiện đại mang đậm nét kiến trúc của đô thị ven sông nước. Hiện một số cơ quan như Sở Kế hoạch và Đầu tư, Bảo hiểm xã hội tỉnh đã tiên phong xây dựng trụ sở mới ở đây. Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Nguyễn Đức Chính trong một lần đi kiểm tra tình hình triển khai dự án đã yêu cầu tập trung nguồn lực phát triển Khu đô thị Bắc Sông Hiếu trở thành đô thị kiểu mẫu, tạo điểm nhấn đô thị cho thành phố và làm mẫu cho các dự án khu đô thị khác. Khi khu này được thực hiện thành công sẽ tạo động lực để triển khai tiếp Khu đô thị Bắc Sông Hiếu giai đoạn 2 đã được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch có quy mô 9,8 hecta ở phía Đông Quốc lộ 1A trên địa bàn hai phường Đông Thanh, Đông Giang và một phần xã Cam An của huyện Cam Lộ.

Trong định hướng mở rộng phát triển các khu đô thị mới về phía Bắc sông Hiếu còn tính đến việc kết nối với một số xã lân cận của huyện Gio Linh, Cam Lộ và các thị tứ đang phát triển là Ngã Tư Sòng, Quán Ngang. Ngoài ra, thành phố cũng đang nghiên cứu thêm phương án mở rộng đô thị về phía Đông, kết nối với Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị, nơi có cảng Cửa Việt, khu du lịch biển Cửa Việt và đô thị Cửa Việt. Từ Đông Hà thông qua con đường Xuyên Á về Cửa Việt chỉ còn khoảng 10 km, khai mở theo hướng này, thành phố ngày càng gần biển.

“Càng mở rộng, càng tạo sự kết nối và phát triển hài hòa, bền vững cho thành phố. Việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và chỉnh trang đô thị đã có những bước đột phá và chuyển biến về quy mô, tốc độ theo hướng hiện đại, tạo diện mạo khởi sắc mới cho một đô thị trẻ đang trên đà phát triển”, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Chiến Thắng thông tin như vậy trong cuộc họp báo kỷ niệm 10 năm thành lập thành phố Đông Hà.

C.N

 

 

CẨM NHUNG
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 302 tháng 11/2019

Mới nhất

Bộ từ điển bỏ lại giữa rừng sâu

8 Giờ trước

Sau hiệp định Pari, 27/1/1973, chiến tranh tạm dừng, đại đội tôi đóng quân giữa bãi cát Lệ Xuyên, huyện

Đi tìm cỏ

8 Giờ trước

Nhiều lúc ngồi thẫn thờ nhìn đàn trâu bò gặm cỏ dọc triền đê chợt giật mình: Cỏ quê

Chị ấy…

8 Giờ trước

Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Huế tổ chức một chuyến đi thực tế dài ngày tại Tổng Công

Pa Ling mùa mưa

8 Giờ trước

Tháng 11, dưới cơn mưa rừng tầm tã, chúng tôi tìm về thôn Pa Ling, xã A Vao, huyện Đakrông,

Chiều không tắt nắng

27/03/2024 lúc 16:33

Truyện ngắn của THỦY VI

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

31/03

25° - 27°

Mưa

01/04

24° - 26°

Mưa

02/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground