Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 20/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Qua sông Bến Hải

Đ

ối với những người cầm súng vượt Trường Sơn vào nam đánh Mỹ thì Bến Hải không chỉ là tên gọi của dòng sông lịch sử mà là sự gợi nhắc tha thiết, cồn cào về một thời gian nan, oanh liệt của họ. Đó chính là một thời nhớ mãi như cách nói của chúng ta bây giờ. Khi ấy, các nhà văn - Đại tá Nguyễn Trí Huân, Nguyễn Bảo, Lê Thành Nghị đang còn là những thanh niên, sinh viên trẻ trung sôi nổi được gọi vào quân đội. Nguyễn Trí Huân, Nguyễn Bảo, lăn lội ở chiến trường quân khu năm, cũng nằm hầm ở hào chống giặc đi càn như quân giải phóng, cũng lui cui phát rẫy trồng mì ở cứ. Lê Đình nghị làm lính thông tin đã từng nếm mùi nắng gió bom đạn ở đường 9 Quảng Trị và những bài thơ, bút ký, truyện ngắn thời thanh xuân của các anh đã ra đời từ những miền đất ấy. Ba nhà văn tuổi đã vượt “ngủ tuần” là Tổng biên tập và phó biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội đóng ở nhà số 4 - Lý Nam Đế - Hà Nội trên suốt chặng đường 600 cây số từ thủ đô vào Quảng Trị cứ lôi ký ức chiến tranh ra kể với nhau. Thì ra, đã gần 30 năm hòa bình cuộc chiến khốc liệt và hào hùng ấy vẫn sống mãnh liệt trong thế hệ như các anh, vẫn là nỗi ám ảnh khôn nguôi đối với những người cầm bút đã lớn lên và trưởng thành cùng nhân dân thời “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Cuộc hành trình vào Quảng Trị lần này theo lời mời của nhà văn Xuân Đức, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh và nhà văn Cao Hạnh, Tổng biên tập tạp chí Cửa Việt  thực chất là sự trở lại mảnh đất bộn bề dấu tích chiến tranh magf mỗi dịa danh, từng hiện vật còn được lưu giữ lại, kể cả hàng hàng bia mộ có tên và chưa có tên của đồng đội ta làm bừng dậy nguồn cảm hứng và trách nhiệm sáng tác cho một đề tàilớn của nền văn học nước nhà: đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng.

Trước khi vào với bạn bè Quảng Trị, đoàn nhà văn của Tạp chí văn nghệ Quân đội dừng lại mấy phút với Bến Hải Hiền Lương. Mùa thu đến rồi mà đất Quảng Trị vẫn ong ong nắng. Bầu trời cao thẳm, ngăn ngắt xanh không một sợi mây. Lại bồi hồi nhớ câu thơ của Tế Hanh viết ở đầu câu giới tuyến Hiền Lương thời đất nước bị chia đôi “Trời vẫn xanh một màu xanh Quảng Trị” cái màu xanh dễ cắt nghĩa đó lắng vào con sông Bến Hải, mãi miết từ xanh trên đỉnh Trường Sơn ra tới Cửa Tùng, xa hơn, xa hơn nữa là cồn cỏ - hòn đảo lửa thời chiến tranh – hòn đảo “ thanh niên” của tương lai chỉ cách di tích lịch sử địa đạo Vịnh Mốc 28km đường biển. Rưng rưng ngắm dòng sông chạy qua trước mặt, chúng tôi lắng nghe tiếng vọng của quá khứ, lắng nghe thời trai trẻ đã xa lắc của mình mà hình như trong cuộc sống bộn bề ngổn ngang có lúc đã bị chìm khuất đâu đó. Thoảng thốt nghĩ tiếp rằng liệu đến lúc nào đó người ta có còn nhắc đến nữa không chiếc cầu sắt lát ván hai màu sơn ở nơi Vĩ tuyến 17 này. Chiếc cầu ván ấy không còn nữa và ở đọan sông này hiện có một chiếc cầu bê tông mới xây và chiếc cầu sắt làm năm 1972. Chiếc cầu sắt bắc năm 1972 đã làm tròn nhiệm vụ của nó nhưng Quảng Trị vẫn muốn giữ lại như một chứng tích lịch sử sống động và nghe trong dự án xây dựng khu bảo tàng Hiền Lương người ta định phục hồi lại chiếc cầu ván những năm 1954. Hiền Lương xứng đáng có một khu bảo tàng tầm vóc bằng ý nghĩa lịch sử vĩnh hằng của nó, để du khách đến đó gặp lại lá cờ đỏ sao vàng rộng hàng chục mét vuông đã từng phất phới tung bay bên bờ Bắc và chân dung của một người mẹ vá cờ bên ngọn đền dầu hoe sáng. Từ những hiện vật cụ thể đã thấm máu, mồ hôi và nước mắt của con người, những thế hệ sau sẽ đọc được bài học lịch sử và cảm nhận đúng đắn hơn về tính nhân văn của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước – một cuộc chiến của nhân dân, vì nhân dân - không thể nào khác. Kẻ địch muốn chúng ta lãng quên quá khứ và muốn đánh đồng người chiến thắng với kẻ thù chiến bại, trộn lẫn chính nghĩa và phi nghĩa vào với nhau và thực chất đó là cuộc chiến tranh hết sức tinh vi và hiểm độc. Quên quá khứ, hỏi ai còn tìm đến nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn ở nơi thượng nguồn sông Bến Hải như một địa chỉ đỏ làm gì nữa! Trong cõi tâm linh thăm thẳm những người lính vì Tổ quốc ngã xuống vẫn sống với chúng ta. Trong tiếng vọng của quá khứ nghe rõ tiếng nói của họ. Những tiếng nói trung thực và chính xác nhất của “một thời nhớ mãi”

                                     ***

Có một buổi chiều Thành Cổ không thể nào quên đối với các nhà văn quân đội. Màu cỏ xanh như không thể xanh hơn phải chăng là để bù lại cho sự đổ nát tan hoang, 81 ngày đêm của “mùa hè đỏ lửa” năm 1972, thị xã Quảng Trị không còn một viên gạch nguyên vẹn hay đó chính là thông điệp của người đã hy sinh gửi cho đời sau hãy giữ lấy hòa bình! “khi san ủi mặt bằng để xây dựng khu di tích Thành Cổ chúng tôi đã tìm thấy 600 hài cốt  liệt sĩ ta” tiếng thuyết minh của người hướng dẫn viên. Mỗi ngày có một đại đội chiên sĩ ta ngã xuống ở Thành Cổ Quảng Trị… Có thể, còn nhiều hài cốt liệt sĩ chưa được phát hiện và đài tưởng niệm này là ngôi mộ chung cho anh em đồng chí ta. Thắp nén hương cho người nằm dưới cỏ, chúng tôi lặng lẽ cúi đầu nguyện cho linh hồn đồng đội mình được siêu thoát. Hai cõi âm dương như được nối liền bằng màu xanh ngùn ngụt của cỏ Thành Cổ. Mỗi ngọn cỏ ẩn dấu một niềm đau và một điều cầu ước. Nỗi đau thương và khát vọng trong giờ phút này có thể làm khuất lấp niềm kiêu hãnh nhưng có hề chi, bởi ta từng biết có những giọt nước mắt nâng ta đứng dậy. Giá được than lên một tiếng và được nức nỡ cùng đồng đội đã đi xa. Nhưng nụ cười hồn hậu của các anh dưới chân Thành Cổ đổ nát trong tấm ảnh của nghệ sĩ Đoàn Công Tính mà chúng tôi đã từng xem kìm giữ tiếng khóc của chúng tôi. Trước vài ngày đoàn vào Quảng Trị, anh Đoàn Công Tính đến văn nghệ quân đội thăm tôi. Anh cho tôi xem bản thảo ảnh “khoảnh khắc” của anh. Hàng trăm bức ảnh đen trắng anh chụp được thời chống Mỹ tại nhiều vùng đất khác nhau thực sự làm cho tôi xúc động. Đặc biệt những tấm ảnh anh chụp được tại Quảng Trị: “Đánh chiến căn cứ Đầu Mầu”, bờ Nam cầu Hiền Lương 1972”. “Nụ cười chiến thắng dưới chân Thành Cổ”… Như vẫn còn khét mùi khói lửa của đạn bom và hùng hục khí thế quyết chiến, quyết thắng của quân và dân ta. Anh tâm sự: Văn nghệ sĩ bọn mình còn nợ nhân dân, còn nợ những vùng đất như Quảng Trị nhiều lắm. Hình như các tác phẩm văn học nghệ thuật của chúng ta chưa phản ánh hết cái chiều cao và cái chiều sâu cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta. Có vài tác phẩm lại khoét sâu vào sự mất mát, đau thương của một cuộc chiến một cách u ám, lạnh lùng, đầy sự ngộ nhận tối tăm và độc hại. Không thể không rạch ròi khi đánh giá về cuộc chiến tranh Việt Nam 1954 - 1975. Một cuộc chiến tranh xâm lược, phi nghĩa của đế quốc Mỹ và tay sai của chúng. Một cuộc chiến tranh cứu nước, chính nghĩa của nhân dân ta. Cần phải tiếp tục làm sáng tỏ vấn đề đó trong các tác phẩm văn học nghệ thuật có chất lượng cao.

Quảng Trị tháng 8 năm 2001 có có một cuộc gặp thân thiết giữa Tạp chí Văn nghệ Quân đội và một số nhà văn thuộc sáu tỉnh Bắc miền Trung. Trở lại miền đất máu thịt, thiêng liêng, là điểm hẹn khắc khoải, xót xa của những người cầm bút một vùng quê mà chiến tranh đã đi qua gần 30 năm, nhưng mảnh đất này ngỡ như chưa rút khỏi cuộc chiến. Như nhà văn Xuân Đức nói, để cùng nhau tâm huyết một bài văn học lớn: văn học viết về chiến tranh. Nhắc lại đôi kỷ nệm chiến trường thời trai trẻ của mình nhà văn Nguyễn Trí Huân bồi hồi thổ lộ: “Đề tài người lính đeo bám suốt cuộc đời cầm bút của tôi. Viết cái gì rồi nó cũng quay trở lại với cuộc chiến đấu đã qua. Tôi quan niệm: Viết về sự nghiệp đổi mới hôm nay cũng là để khẳng định giá trị chân chính của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước”. Với Quảng Trị, tổng biên tập Nguyễn Trí Huân nói: “đây là mảnh đất nhiều mất mát, đau thương và nhiều chiến tích. Nếu ta không tích cực viết về nó thì e rằng thành tựu văn học viết về chiến tranh chỉ dừng lại ở đó. Văn nghệ quân đội chúng tôi có nhiều nhà văn đã từng gắn bó, sống chiến đấu trên mảnh đất này, tạp chí sẽ động viên và tạo điều kiện cho các đồng chí đó đi thâm nhập và sáng tác về Quảng Trị”.

Nhà lý luận phê bình, nhà thơ, tiến sĩ Lê Thành Nghị người trở lại chiến trường xưa hoàn toàn đúng với nghĩa của nó thì xúc động giãi bày: Quảng Trị tưởng chừng xa mà lại rất gần. Trong văn học thì nó lại càng gần gũi hơn với tiểu thuyết, truyện ngắn của Nguyễn Minh Châu, Xuân Đức… thơ Phạm Ngọc Cảnh, Nguyễn Đức Mậu… kịch Đào Hồng Cẩm… trong chuyến du khảo về Quảng Trị này tôi càng thấy rõ hơn tầm quan trọng, rất quan trọng của đề tài chiến trannh của nền văn  học nước ta. Tôi lo lắng rằng đề tài chiến tranh hiện nay hình như có phần bị xao lãng. Và theo tôi, những người trong cuộc như chúng ta, trước hết phải tâm huyết với nó. Người viết hay nhất về chiến tranh có lẽ phải là người trong cuộc. Viết về chiến tranh phải làm rõ về tinh thần dân tộc, tính triết lý và cuộc chiến đấu anh hùng của nhân dân ta, phải tô đậm hơn cái bất tử của lòng yêu nước. Viết về chiến tranh không chỉ để tôn vinh quá khứ mà còn tăng sức đề kháng của con người hôm nay”…

Có sự hòa quyện trong tình cảm và trách nhiệm của những người cầm bút về đề tài chiến tranh giữa các nhà văn quân đội và những nhà văn đã từng mang áo lính hoặc đã từng trải cuộc chiến chống Mỹ qua các lời phát biểu, tâm sự của các anh Từ Nguyên Tĩnh  (TBT tạp chí Xứ Thanh), Lê Thái Sơn  (TBT tạp chí  Sông Lam ) Hoàng Thái Sơn  (TBT tạp chí Nhật Lệ) Cao Hạnh (TBT tạp chí Cửa Việt) Nguyễn Khắc Thạch (TBT tạp chí Sông Hương) Võ Quê (chủ tịch Hội VHNT Thừa Thiên Huế )… tình cảm và trách nhiệm ấy, thêm một lần nữa được nhắc lại trước hơn 10.000 nấm mộ “nằm kề nhau”  ở nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn trong đêm đốt lửa, hát và đọc thơ cho đồng đội chúng tôi nghe. Bên tượng đài Tổ quốc ghi công được tán cây bồ đề tươi xanh ôm ấp, giữa tiếng thông reo vi vút, chúng tôi vai sát vai cùng hát “đêm Trường Sơn nhớ bác” và rưng rưng đọc những bài thơ của mình. Ánh lửa nhuộm hồng đêm thượng nguồn Bến Hải, sưởi ấm những ký ức xa xăm và tôi đã đọc được nỗi xúc động trên gương mặt các anh, những người cầm bút. Từ cuộc đi này, chắc chắn sẽ có những trang viết mới về chiến tranh, về Quảng Trị với những góc nhìn mới, sâu sắc hơn, nhân bản hơn. Thêm một lần qua Bến Hải, khác với lần vượt sông đầu tiên, không còn bom đạn, đất nước đã hòa bình nhưng đây vẫn là cuộc đi về cõi chiến tranh. Về với quá khứ đau thương và anh hùng để làm nên những trang sách không bị lãng quên.

N.H.Q

Nguyễn Hữu Quý
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 84 tháng 09/2001

Mới nhất

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

21/04

25° - 27°

Mưa

22/04

24° - 26°

Mưa

23/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground