Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 24/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Qua sông không phải lụy đò

Những bến sông quê luôn khơi gợi trong tâm trí người ta ký ức về một thời gian khó. Phải chăng dòng sông là dòng chảy của đời người, nó bình lặng trôi cho đến một hôm con nước lướt qua một bóng cầu soi, mới hay ta và sông đã đi một chặng dài mải miết vô tư.

1. Cái đoạn sông gắn liền với tuổi thơ tôi là cuộc hợp giao giữa hai con sông lớn của tỉnh Quảng Trị: Hiếu giang và Thạch Hãn giang. Khi sông Hiếu về ngang thành phố Đông Hà thì ở bên kia sông Thạch Hãn về ngang thị xã Quảng Trị, bỗng cả hai rẽ một nhánh đi qua đồng bằng Triệu Phong quê tôi. Khúc giao nhau ấy chừng năm cây số và có đến năm bến đò ngang chuyên chở người vùng quê ngày ngày đi lên thị thành. Đấy là câu chuyện của ba mươi năm về trước, thuở chưa có những cây cầu bắc ngang như bây chừ.

Thuở ấy, tôi là một đứa trẻ con nhìn sông như nhìn một tấm vải dệt bằng nước mênh mông mà chỉ cần vượt qua nó, bên kia đã là những thứ phồn hoa đô hội. Đoạn sông Hiếu chảy qua xã Triệu Thuận có một bến đò ngang. Trên bến đò phía đông là chòi của chú Hào chèo lái. Năm giờ sáng, khi mạ con tôi vừa đến bến thì chuyến đò đầu ngày xuất phát. Không ồn ã náo nức, những người buôn xáo (buôn gạo) lần lượt vác từng bao gạo lên đò, kê trên những tấm ván thiên để nước không ngấm vào gạo. Sau đó mới xách nách cái xe đạp thồ đặt lên mạn đò, bánh trước nằm trong khoang, trục giữa kê mạn đò, bánh sau thòi ra ngoài mặt sông. Những người đi đò sẽ nắm lấy cái ghi-đông giữ xe đạp không bị rơi xuống sông.

Mạ cho tôi đi theo để phụ đẩy lên cái dốc thẳng đứng ở bờ bên kia sông. Bờ bên ấy tre pheo rậm rạp, chỉ một lối mòn từ dưới bờ sông dựng đứng lên. Một người đẩy cái xe thồ ba bao gạo không thể lên nổi, cần người giúp sức. Thế là tôi thành người đẩy xe giúp sức cho mạ lên tận dốc. Khi đến chợ Đông Hà, dưới những mái tôn xập xệ của quán hàng ăn vặt, mạ mua cho tôi một ly chè thập cẩm đựng trong cái cốc thủy tinh sọc dưa. Đấy là món đồ ngọt lịm đi cả ký ức mỗi khi tôi nhớ lại, ly chè có một cục bánh trôi nước từ bột gạo bọc trong nhụy đậu xanh. Ăn chè, cái cục bột nếp dính vào răng nuốt không đành.

Sau này tôi mới biết mỗi chuyến hàng gạo của mạ chỉ lời lãi được tầm năm ly chè như thế thôi, nhưng mạ đã dành cho tôi một ly. Chỉ một ly ấy thôi và không được đòi hỏi gì nữa. Thử tưởng tượng việc thức dậy trong nhá nhem đất trời, đi bộ hơn mười cây số, vượt một quãng sông đò ngang, để được ăn một ly chè thập cẩm, tôi không nghĩ mình kiên trì đến mức ấy. Nhưng đó là quá khứ, dằng dặc những nhớ thương và tràn đầy nỗi mong nhìn phố xá. Khi rời chợ trở về, tôi ngồi sau bóp-ba-ga xe đạp và ngắm phố xá lúc nắng đã chang chang trên đầu. Phố xá Đông Hà những năm chín mươi hầu hết đều xe đạp, thỉnh thoảng mới có những chiếc Cup 50, chạy chậm rì trên đường bụi đỏ. Nhưng cái màu bụi ấy, cùng với khói xe Honda tạo nên những vệt màu của bức tranh lụa, vừa thực vừa ảo, diễn tả được cái giao thoa của thứ cầm nắm được và thứ chỉ nhìn thấy.

Những hoàng hôn, tôi lại đạp xe đến bến đò để ngừa hàng cho mạ. Mạ đi chợ Đông Hà mua hàng về bán ở chợ quê. Mạ chở một cái xe đạp chồng cao ngất những rau củ, đạp liểng xiểng mấy cây số đường đất. Khi về tới bến đò thì mạ đã kiệt sức, tôi phải đón ở đó để san bớt hàng qua xe đạp của mình chở về. Tôi đứng bên này ngóng mạ. Chú lái đò thương tình cho tôi quá giang không lấy tiền để qua tận bên bến kia đón hàng. Xuống đò, buộc xong hàng hóa lên xe, mạ đưa tôi một đùm bánh, một khúc mía, hoặc một miếng dừa. Đấy là phần quà của người mẹ quê thường mua về cho con sau mỗi buổi chợ. Tôi nhẩn nha đạp xe thồ hàng từ bến sông về, vừa nhẩn nha nhâm nhi món quà vặt ấy. Đến nỗi sau này tôi nghĩ không có bữa ăn nào ngon hơn thế.

Năm tôi vào lớp mười, bến đò chú Hào vẫn còn hoạt động. Lúc này tôi không còn là kẻ được ân sủng từ niềm thương của mạ, mà tôi buộc phải đi đò mỗi ngày bốn lượt để lên về học tại trường chuyên. Mười cây số đạp xe, lại phải qua một chuyến đò mới tới được trường. Mà đò ngang lúc nào đủ khách mới chèo, nên tôi thường đến trường cập rập muộn giờ. Tôi buộc phải xin chuyển trường về học tại thị xã Quảng Trị, cũng cách nhà mười cây số đạp xe nhưng không phải lệ thuộc con đò ngang. Ông tôi bảo học đâu cũng là tự học, cũng học làm người tử tế, miễn sao tiện đường đi. Thế nên tôi không còn hối tiếc khi phải rời bỏ một ngôi trường từng mơ ước của bao người.

2. Cách cái bến đò xã tôi chừng hai cây số lại có ba bến đó khác. Ấy là những bến đò ở khúc sông nối từ Thạch Hãn qua Ái Tử, dành cho người miền lúa Triệu Phong đi qua thị trấn huyện lỵ. Ngày đó, tờ mờ sáng ông nội cho tôi đi chiêm bái ngôi tổ đình Sắc tứ Tịnh Quang, trong vùng quen gọi là chùa Sắc Tứ. Bến đò ấy bên này là làng Đâu Kênh, bên kia lên khỏi bậc đã là chợ Hôm, nên người ta gọi bến đò Chợ Hôm. Bến đò hiu hắt nằm giữa miền cỏ lau bời bời, từ xa nhìn tới chẳng thấy mặt nước chẳng thấy con đò vì lau lách che hết. Chỉ khi tới tận bến mới thấy ông lái đò gầy gò nhỏ xíu. Và khách đi những sáng ấy cũng chỉ có ba người, là ông mệ nội và tôi. Quãng sông ấy rất rộng, người chèo đò thì nhẩn nha như không thèm chèo. Ông tôi không vội, ra giữa sông châm thuốc hút, phả hơi lên trời như khói sóng.

Thỉnh thoảng ông nội lại cho tôi đi lên chùa Sắc Tứ bằng một bến đò khác là bến An Mô, chỉ cách bến Chợ Hôm chưa đầy một cây số. Bến này không có lau lách nhưng đôi bờ rất nhiều tre. Tre viền quanh bờ sông rậm rạp. Tre thả bóng soi xuống mặt nước thành một không gian xanh như rêu.

Gần đây, khi ký ức bật dậy, tự dưng tôi đi tìm lại cái bến đò xanh rêu ấy, và phân vân không biết đấy là bến An Mô hay bến Chợ Hôm. Tôi đưa thắc thỏm lên mạng xã hội thì một số người nói không có bến An Mô, bởi xã Triệu Long đi qua Ái Tử chỉ duy nhất một bến đò Chợ Hôm. Nhưng tôi tin vào ký ức hơn, nên tôi tự đi tìm. Lên tới làng An Mô, hỏi thăm thì người làng xác nhận từng có một bến đò ở đây. Bến đò An Mô có từ thời chúa Nguyễn Hoàng vào mở cõi và tồn tại cho đến những năm đầu 1990 khi xây cầu.

Để chắc chắn, tôi hỏi có ai còn lưu bức ảnh bến đò An Mô ngày xưa không thì mọi người lắc đầu. Hồi đó mấy ai có máy ảnh. Và nếu có thì họ dùng để chụp người, chụp sự kiện, chứ có thừa phim âm bản đâu để chụp khơi khơi một chuyến đò. Đang thất vọng thì một cô gái đạp xe qua, nghe loáng thoáng chuyện nên nói chen vào: Có đấy, hôm bữa tui thấy chú Viết có bức ảnh chụp bến đò An Mô. Tôi mừng như vừa tìm lại được một người bạn thất lạc. Hỏi nhà chú Viết thì họ nói chú đã chuyển lên sinh sống ở thị trấn Ái Tử lâu rồi, lên đó mà tìm.

Tôi lại chạy đi tìm nhà chú Viết. Thị trấn Ái Tử nhỏ thôi, và đa phần cũng gốc gác từ mấy cái làng ven sông lên nên tìm một người không quá khó. Bước vào nhà chú Viết, đập ngay vào mắt tôi là bức ảnh chuyến đò An Mô được phóng to, lồng khung kính chưng ngay phòng khách. Thật không thể tả nỗi mừng vui của tôi.

Hỏi tác giả ảnh, chú Viết bảo không rõ ai chụp, nhưng nó lưu lạc tận Sài Gòn, chú tìm thấy nên phóng ra to để kỷ niệm. Bức hình chụp từ những năm đầu 1990, bờ sông rậm rạp diệp lục, nước sông hòa lẫn bầu trời xanh của một ngày mùa hè. Nổi bật giữa dòng là con đò ngang đang đưa khách qua sông. Cái bậc thềm lên bến vẫn rõ nét, và nó chính là vị trí chân cây cầu An Mô bây giờ.

Tôi sung sướng, có lẽ đó là niềm hạnh phúc của một người vừa tìm lại trí nhớ, để khẳng định ký ức của mình không bị lung lạc. Hơn nữa, tôi đã tìm ra câu trả lời cho lời thách đố của lãnh đạo huyện Triệu Phong đặt ra. Số là lúc đó tôi giúp huyện nhà làm tập sách kỷ niệm. Đồng chí bí thư Huyện ủy đề nghị nên có những bức hình mang tính so sánh, để thể hiện sự thay đổi của quê hương trong ba mươi năm qua. Rõ ràng đấy là một bài toán hóc búa, bởi những bức hình đưa ra so sánh phải được chụp ở một vị trí cố định. Tôi liền nghĩ tới cái bến sông An Mô. Ba mươi năm trước nó chỉ là một chuyến đò ngang, rồi xây một cây cầu năm 1995, đến năm 2012 lại xây tiếp một cây cầu bên cạnh cầu cũ. Có sự phát triển nào hiện hữu và thiết thực hơn thế. Chỉ ba mươi năm mà người dân đã khỏi đi đò, lại có luôn hai cây cầu để đi qua thị trấn huyện lỵ.

*

Trên chặng sông đong đầy ký ức tôi, những cây cầu đã mọc lên. Chỗ bến sông An Mô có hai cây cầu. Chỗ bến đò Triệu Thuận thì nay đã có cầu Đại Lộc. Giờ người quê tôi đi Ái Tử, đi Đông Hà đã quá thuận lợi.

Ngay bến sông An Mô nay đã có 2 chiếc cầu bắc song song - Ảnh: H.C.D

Ngay bến sông An Mô nay đã có 2 chiếc cầu bắc song song - Ảnh: H.C.D

Và mỗi lần đi trên những cây cầu vượt sông ấy, tôi chợt nhớ đến thành ngữ: “Qua sông thì phải lụy đò”. Ấy là thành ngữ để nói về lòng biết ơn, nghĩa trước sau của người với người. Bây giờ tôi qua sông không phải lụy đò, nhưng tôi không phải là kẻ bội ân, tôi biết ơn những con người đã thương sông oặn những chở chuyên mà bắc lên những cây cầu.

 

HOÀNG CÔNG DANH
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 332

Mới nhất

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

25/04

25° - 27°

Mưa

26/04

24° - 26°

Mưa

27/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground