Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 27/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Quảng Trị và các tỉnh bạn Lào: Cùng nhau phát triển thịnh vượng (kỳ 1)

Đầu năm 2022, triển vọng phục hồi của thế giới và khu vực còn bấp bênh, đi kèm nhiều rủi ro, nhất là đối với các nền kinh tế vừa và nhỏ như hai nước Việt Nam và Lào. Tuy nhiên, các xu hướng dịch chuyển, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh... sẽ tạo ra nhiều cơ hội mới cho việc phục hồi kinh tế sau khi đại dịch Covid-19 lắng dịu và nhất là việc tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, cũng như hội nhập quốc tế sâu rộng của Lào và Việt Nam.

Nắm bắt nhanh nhạy tình hình thực tế, Tỉnh ủy Quảng Trị đã có cách làm hay để tăng cường thêm mối quan hệ hợp tác với các tỉnh Trung và Nam Lào qua việc thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư theo hướng mới. Qua đó góp phần nâng tầm mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào trong bối cảnh mới, phù hợp với tình hình mỗi nước nói riêng và tình hình chung của khu vực và thế giới.

Kỳ 1: Chủ động thúc đẩy hợp tác mới

Sau khi kiểm soát được dịch bệnh Covid-19, tháng 2/2022, Đoàn đại biểu cấp cao tỉnh Quảng Trị do đồng chí Lê Quang Tùng, UVTƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị làm trưởng đoàn đã có chuyến thăm và làm việc tại các tỉnh nước bạn Lào, bao gồm: Savannakhet, Salavan, Champasak và Sekong. Bên cạnh củng cố, tăng cường các lĩnh vực hợp tác truyền thống, chuyến đi này còn tháo gỡ các vướng mắc; cùng nghiên cứu, đề xuất Chính phủ hai nước về thể chế và phối hợp trong thu hút các nhà đầu tư chiến lược đến với Quảng Trị và các tỉnh bạn Lào. 

Chuyến đi đã mở ra một hướng phát triển mới cho các tỉnh được khởi xướng từ người đứng đầu Đảng bộ các tỉnh, cùng giúp nhau phát triển thịnh vượng như lời Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị Lê Quang Tùng chia sẻ: “Hiếm có mối quan hệ người dân 2 nước nào trên thế giới lại có thể tự nhiên, sâu đậm và bền bỉ như vậy. Đó là mối quan hệ nhân tâm tuyệt vời, là tài sản chung vô giá của hai Đảng, hai dân tộc, đặc biệt là trong một thế giới toàn cầu hóa như hiện nay”.

Đoàn đại biểu cấp cao tỉnh Quảng Trị thăm và làm việc với tỉnh Salavan - Ảnh: M.T.

Đoàn đại biểu cấp cao tỉnh Quảng Trị thăm và làm việc với tỉnh Salavan - Ảnh: M.T.

Một chuyến đi đặc biệt

Những năm qua, hợp tác của Quảng Trị với các tỉnh Nam và Trung Lào (chủ yếu là Savannakhet và Salavan - 2 tỉnh kết nghĩa có chung đường biên giới) trên các lĩnh vực chính trị - đối ngoại, quốc phòng - an ninh, kinh tế, văn hóa - xã hội, xây dựng Đảng ngày càng mở rộng và phát triển. Đảng bộ và chính quyền các tỉnh đã tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, ban, ngành, địa phương, doanh nghiệp và nhân dân xúc tiến hợp tác kinh tế - thương mại biên giới, đầu tư sản xuất kinh doanh, hỗ trợ lẫn nhau trong phát triển kinh tế, đào tạo cán bộ. Qua đó thực hiện tốt công tác giữ vững quốc phòng - an ninh, quản lý và bảo vệ biên giới. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng cho biết, hơn 2 năm qua do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, quan hệ hợp tác kinh tế giữa Quảng Trị và các tỉnh bạn Lào có phần bị chững lại. Các hoạt động thương mại, giao thương không triển khai được, nhất là vấn đề xuất nhập khẩu, trao đổi nông sản qua lại biên giới và hoạt động vận tải hàng hóa. Nhiều tiềm năng, dư địa phát triển, các văn kiện hợp tác giữa Quảng Trị với các tỉnh bạn Lào bị hạn chế… Vì vậy, cần có sự đánh giá lại văn kiện cam kết giữa các tỉnh với nhau trong thời gian vừa qua, đồng thời đánh giá lại mô hình bản - bản kết nghĩa, đánh giá lại tiềm năng, lợi thế, cũng như dư địa đầu cầu Hành lang Kinh tế Đông - Tây, cửa khẩu phụ, đường mòn lối mở…

Vì thế, Bí thư Tỉnh ủy, Tỉnh trưởng các tỉnh Savannakhet, Salavan, Champasak và Sekong đánh giá cao chuyến sang thăm hữu nghị lần này của Đoàn đại biểu cấp cao của tỉnh Quảng Trị. Đây là đoàn đại biểu cấp cao đầu tiên của nước ngoài cũng như các tỉnh, thành phố của Việt Nam sang thăm và làm việc chính thức tại các tỉnh sau khi hai bên tổ chức xong Đại hội Đảng các cấp. Đồng thời, chuyến công tác và làm việc này đã góp phần tăng cường và thắt chặt hơn nữa mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai nước Việt Nam - Lào nói chung, giữa tỉnh Quảng Trị với các địa phương của Lào nói riêng. Quan trọng hơn, rất nhiều nội dung mới đã được đưa ra thảo luận phù hợp với xu thế mới.

Hòa bình, hợp tác và phát triển tiếp tục là xu thế và khát vọng của các quốc gia, dân tộc trên thế giới, Quảng Trị và các tỉnh Trung, Nam Lào đang đứng trước nhiều cơ hội mới, đặc biệt là cơ hội mở ra từ làn sóng đầu tư mới của nước ngoài vào hai nước và từ các dự án giao thông chiến lược của Việt Nam và Lào kết nối các nước trong Tiểu vùng sông Mê Kông (GMS). Qua các buổi thăm và làm việc, Đoàn đại biểu cấp cao tỉnh Quảng Trị đề xuất, cùng với việc chỉ đạo thực hiện tốt thỏa thuận cấp cao đã ký kết và nội dung đánh giá giữa kỳ thỏa thuận hợp tác giai đoạn 2020 - 2022 giữa hai tỉnh, hai bên cần chỉ đạo triển khai có hiệu quả các hoạt động trong Năm đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào 2022. Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị Lê Quang Tùng đề nghị, bên cạnh củng cố, tăng cường các lĩnh vực hợp tác truyền thống, hai tỉnh cần tăng cường phối hợp trong nghiên cứu, đề xuất Chính phủ hai nước về thể chế và phối hợp trong thu hút các nhà đầu tư chiến lược.           

Mở rộng và nâng tầm hợp tác

Mặc dù tỉnh Quảng Trị với hai tỉnh Champasak và Sekong không cùng biên giới và chưa có biên bản thỏa thuận hợp tác nhưng hoạt động thương mại, vận tải trong những năm qua có bước phát triển. Tỉnh Champasak mong muốn ký kết bản thỏa thuận hợp tác với tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2022 - 2026; các chương trình, dự án hợp tác đầu tư để đem lại lợi ích cho hai tỉnh, trong đó kết nối hội nhập Hành lang Đông - Tây với các tỉnh của Thái Lan và Campuchia sẽ mở ra nhiều cơ hội phát triển. Tỉnh Sekong có lợi thế phát triển thủy điện, khai thác khoáng sản, phát triển nông nghiệp và dịch vụ, du lịch, mong muốn hợp tác với tỉnh Quảng Trị các lĩnh vực như: Tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu than đá qua Cửa khẩu Quốc tế La Lay về cảng biển Quảng Trị đi nước thứ ba; thu hút nhà đầu tư của Việt Nam nói chung và tỉnh Quảng Trị nói riêng sang đầu tư vào nông nghiệp, dịch vụ.

Trên cơ sở tiềm năng lợi thế được giới thiệu tại cuộc gặp, Bí thư Tỉnh ủy Lê Quang Tùng đánh giá cao và đồng tình với đề nghị hợp tác đầu tư, thúc đẩy ký kết biên bản thỏa thuận hợp tác, chia sẻ thông tin giữa các địa phương. Theo đó, đối với tỉnh Champasak, hai bên cần thành lập tổ nghiên cứu, chia sẻ thông tin và kênh kết nối văn phòng chính quyền hai tỉnh, chuẩn bị các nội dung để có thể ký kết hoạt động hợp tác. Đối với tỉnh Sekong, tỉnh Quảng Trị đồng tình với những đề xuất hợp tác của tỉnh và xem đây là cơ hội thúc đẩy hợp tác phát triển mạnh mẽ hơn giữa hai tỉnh thời gian tới. Đồng thời đề nghị xúc tiến để sớm ký kết biên bản thỏa thuận hợp tác giữa hai tỉnh trong thời gian tới.

Riêng đối với 2 tỉnh kết nghĩa, trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, nhân dân Quảng Trị cùng nhân dân hai tỉnh Savannakhet và Salavan đã đồng cam cộng khổ, sát cánh kề vai bên nhau; nhiều người con của quê hương Quảng Trị đã sang tham gia chiến đấu, cùng chung chiến hào với bộ đội Pathét Lào anh em, không ít người đã hy sinh hoặc bị thương, để lại một phần xương máu của mình trên chiến trường Lào. Thời kỳ hoà bình, hợp tác giữa Quảng Trị với 2 tỉnh kết nghĩa Savannakhet và Salvan diễn ra trên tất cả các lĩnh vực từ chính trị - đối ngoại đến kinh tế, văn hóa, xã hội ngày càng mở rộng và phát triển, mang lại lợi ích tốt đẹp cho Nhân dân 3 tỉnh. Trên cơ sở các nội dung văn bản đã ký kết, các tỉnh đã duy trì trao đổi giữa các đoàn đại biểu cấp cao, các đoàn chuyên môn, đoàn công tác của các cấp, các ngành, đoàn thể sang thăm hữu nghị, thăm và làm việc, tham quan học tập kinh nghiệm... Nhiều công trình, dự án hợp tác thiết thực về xây dựng cơ sở hạ tầng, trường học, bệnh viện, các cụm bản nghèo đặc biệt khó khăn… đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng trên nhiều bản làng vùng sâu, vùng xa, khó khăn của 2 tỉnh bạn Lào, góp phần quan trọng vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của người dân.

Những “nút thắt” trong phát triển

Tuy nhiên, mối quan hệ hợp tác về kinh tế hiện tại vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, dư địa phát triển. Tỉnh Salavan có tiềm năng lớn về nông nghiệp, kết nối với các tỉnh Nam Lào trên cao nguyên Boloven màu mỡ và trù phú. Nhiều nông sản hàng hóa sản xuất tại tỉnh Salavan đã và đang được xuất khẩu về Việt Nam qua Cửa khẩu Quốc tế La Lay với số lượng khá lớn như: sắn củ tươi, sắn lát khô, lúa gạo... Quảng Trị là địa phương có vị trí quan trọng nằm trên Hành lang Kinh tế Đông Tây (EWEC) từ Việt Nam qua Lào, Thái Lan, Myanmar, đặc biệt là với các tỉnh bạn Lào, Quảng Trị cũng là cung đường ngắn nhất để kết nối với biển Đông rộng lớn, giàu tài nguyên. Quảng Trị là một trong những tỉnh được Chính phủ Việt Nam định hướng xây dựng thành Trung tâm Năng lượng của khu vực miền Trung đặt tại Khu Kinh tế Đông Nam Quảng Trị và Trung tâm năng lượng tái tạo tại 2 huyện miền núi Hướng Hóa, Đakrông (Đây là 2 huyện sát biên giới với nước bạn Lào). Tuyến đường dây 500kV Quảng Trị - Lào - Thái Lan dự kiến xuất phát từ Khu Kinh tế Đông Nam Quảng Trị (Việt Nam) đi theo hướng Tây - Nam qua các tỉnh của Lào, sau đó vượt sông Mê Kông đi vào địa phận Thái Lan (tỉnh Ubon Ratchathani). Chiều dài tuyến đường dây dự kiến khoảng 315 km. Khi được triển khai, đường dây 500kV Quảng Trị - Lào - Thái Lan sẽ góp phần quan trọng trong việc truyền tải năng lượng điện giữa các nước, giúp đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế, xã hội và tăng cường hội nhập các nước trong khu vực thuộc EWEC và tiểu vùng Mê Kông mở rộng (GMS).

Sau khi Cửa khẩu La Lay được chính thức nâng cấp thành cửa khẩu quốc tế vào tháng 6/2014, Chính phủ Lào đã đầu tư nâng cấp tuyến đường 15B kết nối trung tâm tỉnh Salavan với tỉnh Quảng Trị đánh dấu sự hình thành ban đầu của một Hành lang song song với Hành lang kinh tế Đông Tây. Từ đó đến nay, quá trình giao lưu, trao đổi hàng hóa giữa Việt Nam với các tỉnh Nam Lào đã thuận lợi hơn rất nhiều. Quãng đường cả đi và về các tỉnh Nam Lào, Đông Bắc Thái Lan, Campuchia đã rút ngắn rất nhiều so với phải đi qua Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo (Quảng Trị) hoặc Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y (Kon Tum). Đồng thời, Chính phủ Lào và Thái Lan đang hợp tác xây dựng cầu Hữu Nghị số 6 qua sông Mê Kông kết nối tỉnh Salavan (Lào) với tỉnh Ubon (Thái Lan) vì vậy việc kết nối giữa Thái Lan, qua Lào, qua Cửa khẩu Quốc tế La Lay về đến cảng biển Mỹ Thủy ra biển Đông trong tương lai sẽ rất thuận lợi. Hai tỉnh Quảng Trị và Salavan có tiềm năng và lợi thế về thương mại, du lịch và thu hút đầu tư Hành lang kinh tế Quảng Trị (Việt Nam) - Salavan (Lào) - Ubon Ratchanthani (Thái Lan), kết nối giữa Thái Lan - Lào và Việt Nam qua cửa khẩu quốc tế La Lay có nhiều tiềm năng và lợi thế cần được phối hợp nghiên cứu, hợp tác để nâng cao hiệu quả đóng góp vào sự phát triển. Cần có sự hợp tác nghiên cứu, phát triển Hành lang kinh tế Quảng Trị- Salavan (Lào) - Ubon Ratchanthani (Thái Lan) trong chương trình hợp tác giữa hai Chính phủ Việt Nam - Lào.

Nếu có cơ chế, chính sách ổn định và phù hợp, giao thương giữa 2 tỉnh  Quảng Trị - Savannakhet diễn ra sôi động hơn - Ảnh: Hồ Thanh

Nếu có cơ chế, chính sách ổn định và phù hợp, giao thương giữa 2 tỉnh Quảng Trị - Savannakhet diễn ra sôi động hơn - Ảnh: Hồ Thanh

Đối với tỉnh Savannakhet, Khu Kinh tế - Thương mại đặc biệt Lao Bảo (tỉnh Quảng Trị) và Khu Thương mại biên giới Densavan (tỉnh Savannakhet) được hình thành, xây dựng và phát triển từ chủ trương của Bộ Chính trị hai nước Việt Nam và Lào. Tuy nhiên, trong thời gian qua, do một số cơ chế chính sách tại hai Khu kinh tế tiếp giáp này chưa ổn định, có nhiều thay đổi nên đã làm cho hai Khu kinh tế thiếu tính hấp dẫn, giảm dần sức cạnh tranh.

 “Tỉnh Quảng Trị mong muốn cùng với các tỉnh bạn Lào tập trung chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn để hàng hóa xuất nhập khẩu và nông sản do Nhân dân hai bên biên giới sản xuất được thông thương, cũng như giới thiệu, tạo điều kiện cho doanh nghiệp của hai nước, các nhà đầu tư đến từ các nước, tìm kiếm cơ hội hợp tác, đầu tư trong các lĩnh vực mà các tỉnh có tiềm năng, lợi thế như nông nghiệp, năng lượng tái tạo, dịch vụ logistics...” - Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị Lê Quang Tùng nhấn mạnh.

 Mời đón xem tiếp Kỳ 2: Những đề xuất mới từ thực tiễn

MINH ANH
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 335

Mới nhất

Đại hội Phân hội Văn học tỉnh Quảng Trị, nhiệm kỳ 2024-2029

54 Phút trước

Ngày 26/4/2024, Phân hội Văn học-Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị đã tiến hành Đại hội VII, nhiệm kỳ 2024-2029 nhằm tổng kết, đánh giá hoạt động nhiệm kỳ qua và xây dựng phương hướng hoạt động trong nhiệm kỳ mới.

Chùm thơ Trần Đức Tín

24/04/2024 lúc 17:21

Nhà thơ Trần Đức Tín, bút danh Khét, sinh năm 1989, quê quán Cà Mau, hiện đang làm

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

28/04

25° - 27°

Mưa

29/04

24° - 26°

Mưa

30/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground