Xây dựng Đề án “Hợp tác triển khai Hành lang kinh tế Quảng Trị (Việt Nam) - Salavan (Lào) - Ubon Ratchathani (Thái Lan)”; đề xuất Chính phủ 2 nước cho thí điểm “Xây dựng Khu Kinh tế - Thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan”; xây dựng quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội 3 tỉnh Quảng Trị, Savannakhet và Salavan đồng bộ... vừa là những đề xuất đúng đắn xuất phát từ yêu cầu thực tiễn quan hệ hợp tác kinh tế giữa Quảng Trị và các tỉnh bạn Lào; đồng thời cũng là những giải pháp mới để tạo ra sự đột phá trong phát triển, đặc biệt là nâng cao đời sống cư dân hai biên giới...
-> Kỳ 1: Chủ động thúc đẩy hợp tác mới
Kỳ 2: Những đề xuất mới từ thực tiễn
Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội giúp đánh giá đúng các yếu tố, điều kiện phát triển và thực trạng phát triển kinh tế - xã hội. Trên cơ sở đó sẽ có các nghiên cứu để đề ra các giải pháp phát triển phù hợp, đúng đắn. Tìm nhà tài trợ để thực hiện quy hoạch tổng thể giúp tỉnh bạn phát triển là một hướng đi mang tầm chiến lược mang tính ổn định và bền vững.
Xác định tầm quan trọng đặc biệt của quy hoạch đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, trong chuyến thăm hữu nghị chính thức đầu tháng 2/2022, tỉnh Quảng Trị có mời đại diện Liên danh Công ty Sakae Holding và Surbana Jurong tham gia với mong muốn sẽ hợp tác, tài trợ cho tỉnh Savannakhet trong quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, nhất là tại khu vực Khu thương mại biên giới Densavan. Đây là doanh nghiệp có uy tín của Singapore tham gia quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Trị đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (liên danh này đã thực hiện quy hoạch cho thành phố Đà Nẵng và một số tỉnh, thành của Việt Nam). Tham gia đoàn công tác có đại diện lãnh đạo Tập đoàn T&T, một tập đoàn kinh tế lớn của Việt Nam.
Đoàn đại biểu cấp cao tỉnh Quảng Trị thăm và làm việc với tỉnh Savannakhet vào đầu tháng 2/2022 (Trong ảnh: Dưới tượng đài Chủ tịch Cay Xỏn Phôm Vi Hản) - Ảnh: M.T
Cùng xây dựng quy hoạch phát triển mới
Ngay sau chuyến thăm và làm việc của đoàn lãnh đạo cấp cao tỉnh Quảng Trị đến các tỉnh bạn Lào, tỉnh Quảng Trị đã đẩy mạnh việc triển khai các cam kết, hỗ trợ các tỉnh bạn cùng phát triển. Ngày 1/4/2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị đã ban hành Quyết định số 626-QĐ/TU thành lập tổ công tác của tỉnh Quảng Trị phối hợp với 2 tỉnh Savannakhet và Salavan để nghiên cứu các cơ chế, chính sách hợp tác kinh tế - xã hội đặc thù (gọi tắt là Tổ công tác 626). Đồng chí Hà Sỹ Đồng, UVTV TU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh làm tổ trưởng, đồng chí Hồ Đại Nam, UVTV TU, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy làm tổ phó và lãnh đạo các sở, ban, ngành của Quảng Trị nghiên cứu giữa Quảng Trị và Savannakhet để đề xuất thành lập một Khu kinh tế - thương mại xuyên biên giới chung giữa Lao Bảo và Densavan và nghiên cứu hình thành cơ chế, chính sách vượt trội giữa La Lay (Việt Nam) và La Lay (Lào), để thúc đẩy phát triển thương mại biên giới. Đồng thời, các tỉnh Savannakhet, Salavan cũng thành lập 1 tổ nghiên cứu tương ứng như thế, trình Ủy ban hợp tác phân ban của Việt Nam - Lào để đề xuất lên Chính phủ, Quốc hội nghiên cứu cho 3 tỉnh của hai nước có cơ chế, chính sách vượt trội để hình thành khu thương mại xuyên biên giới trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, tầm nhìn 2040.
Cuối tháng 2/2022, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị Lê Quang Tùng đã tham gia đoàn công tác của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc làm việc tại Singapore. Tại chuyến công tác, Chủ tịch Công ty Sakae Holdings Douglas Foo đã đồng ý tài trợ để các công ty tư vấn Singapore hỗ trợ các tỉnh Savannakhet, Salavan xây dựng quy hoạch phát triển trong thời gian tới. Trước đó, tại cuộc gặp Thủ tướng Việt Nam và Thủ tướng Lào với các doanh nghiệp Việt Nam tại Hà Nội ngày 10/1/2022, Thủ tướng hai nước đã đánh giá cao đề xuất của Chủ tịch Tập đoàn T&T về việc nghiên cứu đầu tư hạ tầng và dịch vụ logistic khu vực Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo - Densavan.
Trên cơ sở đó, ngày 29/4/2022, tỉnh Quảng Trị tổ chức hội nghị tại thành phố Đông Hà để đại diện lãnh đạo tỉnh Savannakhet, Salavan, Liên danh Công ty Sakae Holdings và Surbana Jurong trao đổi, thảo luận và đề xuất kế hoạch phối hợp triển khai thực hiện. Các bên liên quan sẽ trao đổi trước một bước về kế hoạch của mỗi bên và thảo luận các nội dung cần tập trung phối hợp thực hiện trong thời gian tới. Tỉnh Quảng Trị sẽ đóng vai trò cầu nối đồng hành cùng 2 tỉnh Savannakhet, Salavan để triển khai các nội dung đã cam kết.
Phát biểu tại hội nghị, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hồ Đại Nam đề nghị hai tỉnh Savannakhet, Salavan trao đổi thêm về nội dung sẽ ký kết với đơn vị tư vấn. Đồng thời chia sẻ kinh nghiệm của tỉnh Quảng Trị trong hợp tác với Liên danh Công ty Sakae Holdings và Surbana Jurong trong xây dựng ý tưởng quy hoạch và quy hoạch thời gian qua. Đồng thời khẳng định công tác chuẩn bị các văn bản, số liệu, thông tin có liên quan, xác định yêu cầu, nhiệm vụ quy hoạch là rất quan trọng, có ý nghĩa giúp đơn vị tư vấn rút ngắn thời gian nghiên cứu.
Ủy viên dự khuyết T.Ư Đảng, Phó Tỉnh trưởng tỉnh Savannakhet Viêng Thả Vỉ Xỏn Thệp Phả Chăn và Phó Tỉnh trưởng tỉnh Salavan Phu Thông Khăm Mã Ny Vông đề xuất đơn vị tư vấn Singapore các lĩnh vực, dự án ưu tiên xúc tiến đầu tư tại địa phương, các chính sách ưu đãi của tỉnh và Nhà nước Lào; thông tin cho đơn vị tư vấn về cơ hội mới từ tuyến đường sắt Vientiane - Boten - Côn Minh đi vào vận hành và tuyến đường cao tốc Vientiane - Pakse sắp triển khai. Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Sakae Việt Nam Đỗ Anh Thuận - đại diện Liên danh Công ty Sakae Holdings và Surbana Jurong khẳng định sẽ tiếp cận, xem xét các lợi thế quốc gia để thực hiện định vị cấp cao và đưa ra các quy hoạch thực tế, phù hợp với các điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của các tỉnh Savannakhet, Salavan. Đồng thời các bên đã thảo luận, thống nhất về thời gian, cách thức phối hợp tổ chức xúc tiến đầu tư.
Thắt chặt tình hữu nghị, hợp tác giữa 3 tỉnh 3 nước: Quảng Trị (Việt Nam) - Savannakhet (Lào) và Mukdahan (Thái Lan) (trong ảnh: Hội nghị Hợp tác Thương mại, Đầu tư, Du lịch, Lao động và Truyền thông giữa 3 tỉnh tổ chức vào ngày 24/6/2022 tại TP Đông Hà, Quảng Trị) - Ảnh: M.T
Kỳ vọng tạo nên sức bật mới
Khu Kinh tế - Thương mại đặc biệt Lao Bảo được hình thành từ ngày 12/11/1998 theo Quy chế ban hành kèm theo Quyết định số 219/1998/QĐ-TTg với tên gọi ban đầu là Khu vực khuyến khích phát triển kinh tế - thương mại Lao Bảo dựa trên lợi thế của khu vực, mối quan hệ hữu nghị đặc biệt giữa hai nước, chủ trương của hai Bộ Chính trị cũng như sự quyết tâm của hai Chính phủ Việt Nam và Lào trong việc lựa chọn và thiết lập một khu vực chung, cho phép áp dụng thí điểm những chính sách đặc thù, trên cơ sở đó sẽ nhân rộng ra các khu vực khác khi có điều kiện. Sau 20 năm, Khu kinh tế đã thu hút 1.700 tỷ đồng đầu tư vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng. Bên cạnh đó, việc thu hút đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, tốc độ đô thị hóa khu vực đã được đẩy nhanh. Có thể nói chưa có một khu vực nào nằm ở miền núi của miền Trung Việt Nam lại có tốc độ phát triển đô thị nhanh đến vậy.
Tuy nhiên, cơ chế chính sách từ phía Chính phủ Việt Nam và Lào áp dụng cho địa bàn không ổn định, luôn thay đổi đã ảnh hưởng lớn đến khu vực. Chính vì vậy, phác thảo về nội hàm khu kinh tế - thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan được tỉnh Quảng Trị và tỉnh Savannakhet thảo luận rất sâu. Theo đó, sẽ đề xuất áp dụng mô hình hai nước, hai khu, có sự thống nhất về cơ chế chính sách, có sự kết nối về hạ tầng (kết nối cứng) và chính sách (kết nối mềm). Mỗi bên chịu trách nhiệm xây dựng và quản lý khu hàng hóa xuyên biên giới trên lãnh thổ của mình.
Trước mắt, đề nghị áp dụng các chính sách ưu đãi cao nhất đang áp dụng cho các khu kinh tế, khu thương mại, các địa phương,... Khu kinh tế Việt Nam và Lào, có thể đề xuất tái áp dụng một số chính sách trước đây đã áp dụng cho khu kinh tế - thương mại đặc biệt Lao Bảo, hàng hóa là nông, lâm, hải sản có xuất xứ từ Lào hoặc Việt Nam, sau khi mua bán, trao đổi tại khu kinh tế - thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan không thuộc đối tượng chịu thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng khi nhập khẩu vào Việt Nam, Lào. Doanh nghiệp mỗi nước đầu tư tại khu kinh tế - thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan được áp dụng thủ tục đầu tư và các chính sách tài chính, tín dụng như đầu tư trong nước. Cư dân biên giới và người làm việc trong khu kinh tế - thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Desavan được cấp “Thẻ thông hành biên giới” và được đi lại để làm việc.
Việc tỉnh Quảng Trị chủ động phối hợp với tỉnh Savannakhet xây dựng dự thảo, cùng kiến nghị Chính phủ 2 nước đồng ý cho hình thành Khu kinh tế Thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan hứa hẹn sẽ là “làn gió mới” trong kêu gọi các nhà đầu tư; tạo cơ hội cho cư dân hai bên biên giới tiếp tục phát huy những lợi thế để phát triển kinh tế; vun đắp thêm tinh thần đoàn kết, gắn bó giữa Nhân dân hai nước. Việc hợp tác nghiên cứu, xây dựng, phát triển Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan thành một không gian kinh tế ổn định, hấp dẫn, có tính lâu dài, làm động lực phát triển cho mối quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư Việt - Lào nói chung và tỉnh Quảng Trị - Savannakhet nói riêng. Về phía tỉnh Quảng Trị, khu kinh tế này trong tương lai không xa được kỳ vọng sẽ là “cú hích” giúp phát triển kinh tế - xã hội vùng phía Tây Quảng Trị, với trọng điểm là huyện Hướng Hoá.
Việc nâng tầm trụ cột hợp tác kinh tế với những đột phá mới, để tương xứng với tầm cao của quan hệ hữu nghị đặc biệt giữa tỉnh Quảng Trị và các tỉnh bạn Lào. Do vậy, để mở rộng không gian phát triển của cả hai bên, cần mở rộng kết nối về giao thông, năng lượng, viễn thông...; tạo điều kiện thuận lợi cho sự dịch chuyển hàng hóa, lao động, dịch vụ vận tải qua biên giới giữa người dân và doanh nghiệp hai bên; Hợp tác triển khai các dự án về năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời)...
Bên cạnh đó, sự chuyển động của kinh tế số toàn cầu đang diễn ra mạnh mẽ, cần sự hợp tác chuyển đổi sang nền kinh tế số, phát triển thương mại điện tử... Phát triển bền vững phải dựa trên phát huy nội lực, Quảng Trị và hai tỉnh Savannakhet và Salavan có rất nhiều điểm tương đồng, đó là cùng nằm trên tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây, có tiềm năng to lớn về phát triển du lịch, nông nghiệp, cần hợp tác phát triển đa dạng trên quy mô lớn nông nghiệp xanh, công nghệ cao, thực phẩm sạch… để vừa bảo đảm an ninh lương thực, giảm nghèo, vừa tăng cường xuất khẩu, phát triển tự chủ và bền vững.
-> Kỳ 1: Chủ động thúc đẩy hợp tác mới