Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 20/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Ra biển "mùa bão tố"

Mùa này, theo kinh nghiệm của những ngư dân lão luyện trong nghề biển thì thường là trước và sau khi những cơn bão quét qua biển Đông cũng là lúc dòng hải lưu luân chuyển, xáo động mạnh mang theo những luồng cá, mực di cư kiếm mồi. Chính sức hấp dẫn của luồng cá, mực...nên ngư dân vùng biển đã bất chấp sóng to, gió lớn để ra khơi. Nhiều người may mắn "trúng đậm" cá, mực  thu về hàng trăm triệu đồng thì trở nên giàu có nhưng cũng không ít người bỏ mạng trong cơn cuồng nộ của đại dương bởi họ dám ra biển trong "mùa bão tố".
Cứu người giữa biển khơi
            "Trước đại dương bao la nếu không biết đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau khi có lốc tố, giông bão xảy ra trên biển thì khó mà trụ lại với nghề biển. Từ thực tế đó, Ban tự quản tàu thuyền, giúp nhau làm ăn trên biển khu phố 5, thị trấn Cửa Việt (Gio Linh) ra đời theo Quyết định số 16/QĐ - UBND ngày 5/5/2009 của UBND thị trấn Cửa Việt. Qua năm năm hoạt động, các thành viên của Ban tự quản tàu thuyền, giúp nhau làm ăn trên biển khu phố năm đang bám biển trên bốn mươi con tàu đánh bắt xa bờ có công suất từ 300 - 600 CV đã cứu giúp hàng chục ngư dân bị hoạn nạn trong lốc tố, giông bão " - Ông Bùi Đình Sành, Trưởng Ban tự quản tàu thuyền, giúp nhau làm ăn trên biển khu phố 5 đã cho tôi biết như vậy.
            Khi tôi đề cập đến việc tàu cá mang số hiệu QT 91568 do anh Bùi Đình Dũng (sinh năm 1976) làm thuyền trưởng (là thành viên của Ban tự quản tàu thuyền, giúp nhau làm ăn trên biển khu phố 5) vào chiều 8/8/2013 trong lúc đánh bắt, khai thác hải sản trên biển thì phát hiện nhiều ngư dân đang vật lộn với sóng biển do bị chìm tàu. Lập tức, anh cho tàu đến nơi ngư dân gặp nạn để ứng cứu và cứu được mười bốn ngư dân. Trước thông tin mà tôi đưa ra, ông Bùi Đình Sành gật đầu xác nhận rồi phấn khởi cho biết: "Dù bận rộn với việc chuẩn bị cho chuyến biển dài ngày, nhưng sau khi đưa các ngư dân gặp nạn vào cảng Vũng Áng (tỉnh Hà Tĩnh) an toàn, anh Bùi Đình Dũng đã điện báo tin mừng cho tôi cũng như các anh ở Đồn Biên phòng Cửa khẩu Cửa Việt. Theo nội dung thông tin mà anh Dũng báo về thì mười bốn ngư dân anh cứu được đi đánh bắt trên tàu cá mang số hiệu NA 93391TS do anh Bùi Công Chuân làm thuyền trưởng và tàu cá mang số hiệu NA 93391TS do anh Trần Văn Tiến làm thuyền trưởng đều trú tại xã Quỳnh Long (huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) đang trên đường về tránh trú cơn bão số 6 ở đảo Mắt (Nghệ An). Sau khi cơn bão số 6 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, hai tàu cá trên tiếp tục hành trình ra khơi khai thác, đánh bắt thủy sản. Trong khi đang khai thác ở tọa độ 18,40 độ kinh Bắc; 106.10 độ kinh Đông thì cả hai chiếc tàu bị gặp nạn và chìm. Sau nhiều giờ lênh đênh trên biển, số ngư dân trên hai tàu bị nạn này được tàu cá của anh Dũng đang khai thác ở tọa độ 16, 17 độ kinh Bắc; 106.33 độ kinh Đông phát hiện và tổ chức cứu nạn. Do điều kiện sóng to, gió lớn, sau nhiều giờ đồng hồ cứu hộ, mười bốn ngư dân đã được cứu lên tàu. Đồng thời, anh Dũng cũng đã chủ động liên lạc với các tàu của ngư dân thị trấn Cửa Việt đang đánh bắt trên vùng biển gần đó mở rộng tìm kiếm và tàu anh Nguyễn Văn Lợi ở khu phố 6 (thị trấn Cửa Việt) đã phát hiện và cứu thêm một ngư dân gặp nạn.Điều đáng nói là 15 ngư dân được tàu của anh Dũng và anh Lợi vớt lên, tất cả họ đã trải qua 24 giờ lênh đênh trên biển chịu cảnh mưa dập, gió vùi, đói, rét hành hạ. Nhiều người đã kiệt sức, thân thể bầm dập đầy thương tích".
            "Đó chỉ là một trong nhiều vụ cứu hộ thành công của các thành viên Ban tự quản tàu thuyền, giúp nhau làm ăn trên biển khu phố 5 thôi chú ạ. Đã chấp nhận sống bằng nghề biển thì phải biết đối diện với bão tố bất ngờ dù chẳng ai muốn. Nhưng rồi khi gặp bão tố trên biển, thuyền chìm, người nào bơi lội giỏi thì cũng chỉ cầm cự với sóng to, gió lớn khoảng 5 - 10 giờ đồng hồ là giỏi lắm rồi. Lúc ấy, không có tàu thuyền đến cứu thì chỉ còn có con đường nằm lại vĩnh viễn giữa biển khơi. Rồi một sự cố nữa mà bà con ngư dân hay gặp phải đó là tàu hỏng máy, hỏng chân vịt giữa biển, nếu không có tàu thuyền đến lai dắt vào bờ kịp thời thì thuyền viên trên tàu phải chịu cảnh đói, khát đến chết. Nên những người làm nghề biển như bọn tôi luôn tâm niệm phải cố gắng hết sức có thể để cứu người, cứu tài sản của bà con ngư dân" - ông Sành nói.
            Như để minh chứng cho lời nói của mình, ông mang danh sách những tàu thuyền được các thành viên của Ban tự quản tàu thuyền, giúp nhau làm ăn trên biển khu phố 5 cứu hộ chỉ trong vòng năm năm trở lại đây mà ông cẩn thận ghi chép lại cho tôi xem.
            Đó là vào ngày 23/10/2009, tàu vận tải của Công ty Toàn Thịnh (tỉnh Thái Bình) bị sự cố trên biển cách Cửa Việt khoảng 8 hải lý. Mặc dù sóng to, gió lớn nhưng được sự điều động của Đồn Biên phòng cửa khẩu Cửa Việt và Ban tự quản tàu thuyền, giúp nhau làm ăn trên biển khu phố 5, thuyền trưởng Bùi Đình Biền đã xung phong ra khơi cứu người, cứu tài sản. Ước tính tổng gia trị của tàu cùng hàng hóa trên tàu là khoảng 20 tỷ đồng.
            Ngày 20/1/2010, tàu của ông Võ Đoàn (thị trấn Cửa Việt) bị hỏng máy cách cửa biển Nhật Lệ (tỉnh Quảng Bình) khoảng 20 hải lý được tàu của ông Bùi Đình Biểu (thành viên Ban tự quản tàu thuyền, giúp nhau làm ăn trên biển khu phố 5) đã lai dắt thành công vào bờ.
            Ngày 15/3/2010, tàu của ông Đoàn Dũng (thị trấn Cửa Việt) bị hỏng máy cách cửa biển Nhật Lệ khoảng 20 hải lý được tàu của ông Bùi Đình Khảm (thành viên Ban tự quản tàu thuyền, giúp nhau làm ăn trên biển khu phố 5) lai dắt vào bờ an toàn.
            Ngày 18/6/2010, tàu của ông Nguyễn Đức Bằng (thị trấn Cửa Việt)  bị hỏng máy tại đảo Cồn Cỏ được tàu của ông Đoàn Công Ách (thành viên Ban tự quản tàu thuyền, giúp nhau làm ăn trên biển khu phố 5) lai dắt vào bờ.
            Ngày 29/11/2010, trong hành trình ra khơi đánh cá, khi cách cửa biển Cửa Việt khoảng 5 hải lý thì tàu ông Bùi Đình Thủy (số hiệu QT 90012) phát hiện một thuyền đánh cá bị chìm và 5 ngư dân đang đang trôi dạt giữa biển. Thuyền trưởng Bùi Đình Thủy ra lệnh cho các thuyền viên trên tàu dừng lại để ném phao, dây xuống biển cứu người. Cứu được bốn người còn một người không đủ sức bám vào phao mà các thuyền viên ném xuống và sắp chìm xuống biển, trước tình huống đó thuyền trưởng Bùi Đình Thủy lập tức ôm phao nhảy xuống biển bơi đến chỗ nạn nhân để dìu nạn nhân lên tàu. Sau khi cứu được năm ngư dân lên tàu mới biết đó là thuyền của ông Lê Tấn Lương ở thôn Phú Hội (xã Triệu An, Triệu Phong) đang đánh cá thì bị sóng đánh chìm. Thuyền trưởng Bùi Đình Thủy quyết định hủy chuyến đi biển để mang theo năm ngư dân vừa cứu được quay lại bờ. Hôm sau, thuyền trưởng Bùi Đình Thủy đã chủ động bàn với Đồn Biên phòng cửa khẩu Cửa Việt và Ban tự quản tàu thuyền, giúp nhau làm ăn trên biển khu phố 5 xin tàu của Hải đội (Bộ CH Biên phòng tỉnh) ra kéo thuyền bị nạn vào bờ.
            Ngày 25/8/2011, tàu của ông Đoạn Văn Dũng (thị trấn Cửa Việt) bị hỏng máy cách đảo Cồn Cỏ khoảng 25 hải lý được tàu ông Hồ Văn Biên (thành viên Ban tự quản tàu thuyền, giúp nhau làm ăn trên biển khu phố 5) lai dắt vào bờ...
            "Danh sách còn dài lắm và người dân vùng biển bọn tôi nói cái gì cũng phải chắc chắn mới nói. Và để chú hiểu tôi có nói chắc chắn không thì chú cứ theo tôi ra Đồn Biên phòng cửa khẩu Cửa Việt để các anh ở Đồn cho biết thêm thì chú mới hiểu bọn tôi không thích nói khoác. Mà từ lâu rồi, Đồn Biên phòng cửa khẩu Cửa Việt với Ban tự quản tàu thuyền, giúp nhau làm ăn trên biển khu phố 5 phối hợp với nhau rất "ăn ý" trong công tác cứu hộ, cứu nạn trên biển đó chú". Vừa nói, ông Sành vừa lên xe dẫn tôi xuống Đồn Biên phòng Cửa khẩu Cửa Việt.
Sau cái bắt tay thật chặt với ông Sành, Trung tá Nguyễn Xuân Hòa, Chính trị viên Đồn Biên phòng Cửa khẩu Cửa Việt cho biết, hiện tại trên địa bàn mà Đồn quản lý có 9 ban tự quản tàu thuyền, giúp nhau làm ăn trên biển và tùy vào đặc thù từng ban tự quản mà chia thành từng tổ khác nhau như các ban tự quản ở gần cửa biển thì chia thành tổ xa bờ, tổ trung bờ, tổ gần bờ còn vùng biển bãi ngang thì là các tổ gần bờ. Hiện 9 ban tự quản đang thu hút sự tham gia của của 150 chiếc tàu đánh bắt xa bờ và 350 chiếc thuyền đánh bắt gần bờ (ước khoảng 1.670 ngư dân). Nội dung hoạt động của các ban tự quản là sắp xếp, làm tốt công tác an ninh trật tự bến bãi; nắm thông tin tình hình đánh bắt, tàu bè trên biển để thông tin về cho các cơ quan chức năng; cứu hộ, cứu nạn trên biển; sẵn sàng tham gia đấu tranh chính trị trên biển khi có yêu cầu. Trong số 9 ban tự quản trên thì Ban tự quản tàu thuyền, giúp nhau làm ăn trên biển khu phố 5 có thể nói là "ngọn cờ đầu" trong công tác cứu hộ, cứu nạn trên biển. Và từ khi thành lập các ban tự quản, bà con ngư dân đã chủ động ứng cứu nhau khi có sự cố xảy ra trên biển chứ không còn tình trạng trông chờ vào các lực lượng chức năng đến cứu.
Rời Đồn Biên phòng cửa khẩu Cửa Việt, ông Sành đưa tôi xuống thăm bến neo đậu tàu thuyền của khu phố 5. Dõi ánh nhìn ra biển, nơi đang có những con tàu của các thành viên ban tự quản tàu thuyền, giúp nhau làm ăn trên biển khu phố 5 đang vẫy vùng theo từng luồng cá, ông Sành trầm tư: "Đã năm năm ban tự quản tàu thuyền, giúp nhau làm ăn trên biển khu phố 5 đi vào hoạt động và có thể thấy hiệu quả trên thực tế là quá rõ ràng. Các ban tự quản đang thực sự trở thành sức mạnh "bó đũa" của ngư dân trên biển. Trước đây, tàu thuyền nào gặp nạn trên biển hiếm lắm mới có tàu khác đến giúp lai dắt vào bờ, ví ngư dân họ nghĩ là trước sau gì thì cũng có tàu của các cơ quan chức năng ra cứu nên thờ ơ bỏ đi đánh cá để mặc tàu gặp nạn đối diện với đói khát, vô vọng giữa biển khơi. Rồi khi gặp ngư trường đánh bắt được nhiều cá, hầu hết các tàu đều giấu ngư trường nhưng đến nay tình trạng đó không còn nữa. Hiệu quả là vậy, nhưng vừa rồi tôi đi xin kinh phí để làm tài liệu tuyên truyền, làm phóng sự truyền hình về hiệu quả hoạt động Ban tự quản tàu thuyền, giúp nhau làm ăn trên biển khu phố 5 nhưng hầu như nhận được cái "lắc đầu" cùng nụ cười thông cảm từ lãnh đạo của các ngành chức năng. Riêng bản thân tôi, năm năm làm Trưởng Ban tự quản tàu thuyền, giúp nhau làm ăn trên biển khu phố 5 phải tự bỏ tiền túi ra đổ xăng để đi làm công việc mà thiên hạ vẫn thường ví von là "vác tù và hàng tổng". Nhiều khi chẳng muốn làm nữa, nhưng rồi chợt nghĩ là làm được việc gì lợi cho bà con ngư dân mình thì mình phải cố gắng làm thôi". Tôi hiểu tâm tư của ông cũng giống như những đợt sóng ngắn, dài ầm ào, lũ lượt xô vào bến bãi dưới chân ông. Ngày mai, ông lại tiếp tục công việc của mình dù có buồn đôi chút.
Sẻ chia từng luồng cá
Mấy năm trở lại đây, ngư dân vùng biển Gio Việt, thị trấn Cửa Việt (Gio Linh) bằng nhiều nguồn vốn khác nhau đã tự trang bị cho mình máy dò dọc, dò ngang để chủ động trong việc dò tìm luồng cá giữa biển khơi. Được trang bị máy dò dọc, dò ngang nhưng không có nghĩa là các ngư dân trên tàu đánh bắt xa bờ lúc nào cũng tìm đúng luồng cá mà họ luôn cần đến sự sẻ chia ngư trường cũng như từng luồng cá của ngư dân tàu bạn...
Còn nhớ, cách đây chưa lâu khi tôi về thị trấn Cửa Việt tìm gặp anh Hồ Văn Thà để tìm hiểu công dụng, hiệu quả của mô hình máy dò ngang Sonar (máy dò ngang Sonar do Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh trang bị cho tàu đánh bắt xa bờ của gia đình anh với với tổng kinh phí đầu tư 299 triệu đồng, trong đó phía Trung tâm hỗ trợ 142 triệu đồng), trong câu chuyện về nghề biển, anh Thà cho biết, dù được trang bị máy dò ngang Sonar hiện đại nhưng máy cũng chỉ dò được luồng cá xung quanh thân tàu mà thôi. Biển thì rộng bao la nhưng cá, mực đi có luồng. Vậy tìm luồng cá ở đâu? Đó là câu hỏi luôn thường trực trong đầu của các thuyền trưởng tàu đánh bắt xa bờ mỗi khi lên tàu ra khơi, chứ không phải đơn thuần cứ ra đến biển quăng lưới xuống là có cá, mực mang về. Muốn biết vị trí luồng cá thì đòi hỏi các thuyền trưởng tàu đánh bắt xa bờ phải có kinh nghiệm, có cách nhìn nhận, phán đoán dòng hải lưu, hướng gió để tìm đúng luồng. Cũng bởi khó khăn trong việc tìm luồng cá trên biển ...nên nhiều ngư dân không bao giờ chịu chia sẻ thông tin về ngư trường, về luồng cá mà họ tìm thấy. Nói vậy thôi, chứ đó là chuyện của ngư dân các tỉnh khác.  Riêng với bà con ngư dân của thị trấn Cửa Việt rất ít khi giấu nhau ngư trường, luồng cá. Cũng bởi đoàn kết, thông tin cho nhau về luồng cá trên biển nên năm 2012 vừa qua, tàu của gia đình anh thu hai tỷ đồng (chưa trừ chi phí) từ đánh bắt hải sản
Để hiểu thêm về những hoạt động đánh bắt thủy sản trên biển của ngư dân nhất là chuyện chia sẻ thông tin về ngư trường, luồng cá, tôi dành cả buổi sáng xuống Cảng cá Cửa Việt để rồi biết thêm nhiều điều từ những ngư dân trở về từ biển. Và qua những ngư dân này, tôi được biết, riêng với ngư dân của thị trấn Cửa Việt, xã Gio Việt (Gio Linh) hay xã Triệu An (Triệu Phong) thì chưa có chuyện bán luồng cá cho nhau chứ ở nhiều tỉnh khác khi ngư dân tìm thấy luồng cá, họ thông qua máy Icom được trang bị trên tàu để ngã giá với nhau. Khi hai bên đã thống nhất giá cả thì ra ám hiểu, quy ra tọa độ cho tàu mua đến đánh bắt. Cũng chính từ việc bán luồng cá trên biển nên cũng xuất hiện nhiều thuyền trưởng tàu đánh bắt xa bờ có tài nghe âm thanh lúc tròn, lúc méo trong Icom giữa đêm khuya khắt vẫn đoán ra được tọa độ mà tàu tìm đúng luồng cá, đang ngã giá để cho tàu đến đánh bắt. Để bảo mật thông tin về ngư trường, luồng cá, nhiều tàu đánh bắt xa bờ liên tục thay đổi tần số hoặc nói ngắn gọn rồi tắt máy. Rồi như tàu của các các tập đoàn đánh bắt cá ngừ (mỗi tập đoàn 3-5 tàu để ứng cứu, hỗ trợ nhau khi gặp bất trắc trên biển) ở tỉnh Phú Yên, nghe nói chỉ có các tàu trong tập đoàn mới biết được tần số của nhau. Khi một tàu tìm được luồng cá sẽ thông tin cho các tàu còn lại. Nhưng khi về đến đất liền, tất cả thuyền viên trên tàu đều phải giữ bí mật về vị trí luồng cá. Chỉ cần một thuyền viên rời khỏi tập đoàn đó, tức khắc các tàu trong tập đoàn đều phải thay đổi tần số.
Khi tôi đề cập đến câu chuyện ngư dân ra khơi đánh bắt hải sản khi tìm thấy luồng cá, thường "bảo mật" thông tin với nhau, ông Bùi Đình Sành, Trưởng Ban tự quản tàu thuyền, giúp nhau làm ăn trên biển khu phố 5 (thị trấn Cửa Việt, Gio Linh) cười rồi cho biết thêm, trước đây, không chỉ ngư dân ở xã Gio Việt, thị trấn Cửa Việt (Gio Linh) mà hầu hết ngư dân vùng biển đều giấu nhau ngư trường, luồng cá là chuyện thường ngày. Bởi khi ra khơi đánh bắt thủy hải sản việc xác định được ngư trường, tìm được luồng cá có sản lượng lớn giữa biển rộng mênh mông đâu phải chuyện dễ dàng nên họ giấu nhau cũng là điều thông cảm được. Còn bây giờ, không nói đâu xa, ngay tại khu phố 5 này từ khi thành lập Ban tự quản tàu thuyền, giúp nhau làm ăn trên biển thì chuyện giấu ngư trường, giấu luồng cá không xảy ra nữa. Tất cả các thành viên của Ban tự quản tàu thuyền, giúp nhau làm ăn trên biển khu phố 5 mỗi khi tìm thấy luồng cá là lập tức thông tin cho các thành viên còn lại đến đánh bắt. Cứ hình dung khi nói đến ngư trường thường đó là vùng đánh bắt thủy hải sản tập trung trên biển rộng hàng chục hải lý. Thông thường, tàu đánh bắt xa bờ của các thành viên trong Ban tự quản tàu thuyền, giúp nhau làm ăn trên biển khu phố 5 tùy theo các tháng trong năm để cùng nhau đến đánh bắt ở một ngư trường nhất định.
Theo ông Bùi Đình Sành thì hiện tại, có nhiều ngư trường để bà con ngư dân không chỉ tỉnh Quảng Trị mà các tỉnh, thành phố trong cả nước lựa chọn đánh bắt thủy hải sản như ở vùng biển vịnh Bắc bộ và Bắc Trung bộ có 3 ngư trường lớn gồm ngư trường khu vực xung quanh đảo Bạch Long Vĩ (thành phố Hải Phòng) với các loại cá chiếm ưu thế là cá nục sô, cá tráp; ngư trường nằm giữa vịnh Bắc bộ có các loại cá chiếm ưu thế là cá nục sô, cá phèn khoai, cá phèn hai sọc, cá lượng; ngư trường khu vực xung quanh đảo Hòn Mê (tỉnh Thanh Hóa), Hòn Mắt (tỉnh Nghệ An) với các loại cá chính như cá phèn, cá mối, cá khê, cá lượng... Ở vùng biển từ tỉnh Quảng Bình trở vào đến tỉnh Ninh Thuận có 6 ngư trường lớn gồm ngư trường quanh đảo Hòn Gió (tỉnh Quảng Bình) với các loại cá như cá lượng, cá phèn, cá mối thường, cá háo, cá bách điều; ngư trường xung quanh đảo Cồn Cỏ (tỉnh Quảng Trị) với các loại cá như cá lượng, cá phèn, cá mối thường, cá háo; ngư trường vùng biển phía đông bắc đảo Cù Lao Chàm (tỉnh Quảng Nam) có các loại cá chủ yếu là cá mối thường, cá ngân, cá phèn; ngư trường nằm ở vùng biển phía tây bắc Đà Nẵng với các loại cá chủ yếu là cá tráp, cá ngân, cá môi thường, cá lượng; ngư trường nổi 125 nằm ngoài khơi vùng biển Đà Nẵng với các loại cá như cá đỏ môi, cá hố đầu nhỏ; ngư trường ngoài khơi vùng biển Quy Nhơn (tỉnh Bình Định)...Ở vùng biển Nam Trung bộ và Nam bộ có 5 ngư trường lớn gồm ngư trường gò nổi ngoài khơi vùng biển tỉnh Ninh Thuận với loại cá chủ yếu là cá đỏ môi; ngư trường nằm phía đông vùng biển tỉnh Bình Thuận với loại cá chủ yếu là cá môi vạch, cá trác đuôi dài, cá nục sô, cá môi thường; ngư trường nằm phía nam đảo Phú Quý (tỉnh Bình Thuận) với các loại cá chủ yếu là cá môi vạch, cá trác ngắn, cá môi thường, cá hồng, cá phèn khoai; ngư trường nằm quanh khu vực đảo Côn Sơn (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) với các loại cá chủ yếu là cá nục sô, cá hồng, cá mối thường, cá chỉ vàng, cá phèn, cá lượng; ngư trường nằm ở cửa sông Hậu có các loại cá chủ yếu là cá sạo, cá nhụ, cá trích, cá khế, cá đù nanh, cá hồng đỏ...Ở vùng biển vịnh Thái Lan có hai ngư trường lớn gồm ngư trường nằm ở phía tây nam Việt Nam có các loại cá chủ yếu là cá liệt, cá chỉ vàng, cá hồng, họ cá căng, cá lượng và ngư trường nằm phía tây nam đảo Phú Quốc có các loại cá chủ yếu là cá liệt, cá chỉ vàng, cá hồng, họ cá căng và cá cơm... 
"Điểm qua những ngư trường đánh bắt thủy hải sản như vậy để thấy rằng, khi tàu của các thành viên Ban tự quản tàu thuyền, giúp nhau làm ăn trên biển khu phố 5 đến đánh bắt ở các ngư trường trên thì chí phí xăng, dầu bỏ ra trong chuyến ra khơi là rất lớn. Rồi nhiều khi ở cùng một ngư trường nhưng mỗi tàu đánh bắt cách xa nhau nhiều hải lý, nên khi tàu phát hiện được luồng cá thông báo cho tàu bạn đến cũng phải mất nửa ngày thậm chí là mất cả ngày mới đến nơi. Nhưng biết gọi nhau đến đánh bắt để bù lại chi phí và thông qua đó để gián tiếp giúp nhau "sống được" bằng  nghề biển là điều đáng quý lắm rồi. Nhờ biết sẻ chia cho nhau thông tin về ngư trường, luồng cá nên chỉ trong 3 năm (năm 2009 - 2011), 40 tàu đánh bắt xa bờ với công suất từ 350 - 600 CV của các thành viên Ban tự quản tàu thuyền, giúp nhau làm ăn trên biển khu phố 5 đã đánh bắt được 2.200 tấn cá, mực các loại và bình quân mỗi lao động trên tàu có thu nhập khoảng 40 - 50 triệu đồng/năm. Còn từ năm 2012 đến nay, tôi chưa có thời gian rảnh để thống kê nhưng tính sơ sơ cũng ước đạt khoảng 700 - 800 tấn thủy hải sản các loại. Ra biển mà không biết sẻ chia cho nhau thông tin về ngư trường, luồng cá thì tàu đánh bắt xa bờ chỉ có nước "nằm bờ". Phải biết hỗ trợ, giúp nhau làm ăn trên biển để cùng nhau làm giàu cho mình và cho quê hương" - ông Sành đã tâm sự với tôi như vậy khi tôi chia tay ông.
"Làng chài" bây giờ nhiều tỷ phú
Bây giờ các "làng chài" gắn với nghề đánh bắt thủy hải sản trên biển, trên sông như An Trung, Đại Lộc, Long Hà đã trở thành khu phố của thị trấn Cửa Việt đang bắt đầu trở nên sầm uất nằm yên bình bên con đường xuyên Á. Ai một lần đến thăm những "làng chài" này, đều không khỏi ngạc nhiên trước sự trù phú đang hiện diện ở nơi đây.  Minh chứng sinh động nhất là trên tuyến đường xuyên Á (đoạn chạy qua thị trấn Cửa Việt) cũng như nhiều con đường nhỏ uốn lượn dọc, ngang trong các "làng chài" là những ngôi nhà hai tầng, ba tầng xây theo kiểu biệt thự đã hoàn thành, kín cổng, cao tường cũng như đang thi công dở dang của bà con ngư dân.
Tranh thủ thời gian không ra biển giữa "kỳ trăng" trong tháng, anhNguyễn Xuân Thủy ở khu phố 2, (thị trấn Cửa Việt, Gio Linh) gọi tốp thợ về sửa sang lại căn nhà nằm sát bến thuyền khu phố. Dù đang khá bận rộn phụ giúp những việc lặt vặt cho tốp thợ xây nhà, anh Thủy vẫn vui vẻ tiếp chuyện tôi. Anh Thủy cho biết, trước đây, thuyền của gia đình anh có công suất nhỏ lại đánh bắt thủy hải sản bằng các ngành nghề truyền thống như câu vàng, lưới rê...ở gần bờ nên sản lượng đánh bắt được không cao. Năm 2010, từ số tiền tích cóp cũng như vay mượn được, gia đình anh đã mạnh dạn đầu tư đóng mới con tàu đánh bắt xa bờ có công suất 90 CV (mang số hiệu 92029 QT) cũng như mua sắm thêm nhiều ngư lưới cụ gồm lưới vây, pha xúc... phục vụ cho việc đánh bắt xa bờ và dài ngày trên biển. Từ ngày có tàu, ngư lưới mới, thu nhập từ nghề biển của gia đình anh cũng khá hơn trước đây rất nhiều. Như chuyến biển trước khi anh nghỉ giữa "kỳ trăng" ("kỳ trăng" là tiếng lóng mà ngư dân muốn nói đến những đêm trăng sáng trong tháng, tàu không thể đánh bắt được bằng nghề pha xúc do đèn trên tàu không hội tụ được ánh sáng để thu hút đàn cá) để sửa nhà, tàu của gia đình anh ra khơi đánh bắt thủy hải sản khoảng 16 - 17 ngày rồi về bến cũng thu được khoảng 200 - 300 triệu đồng (chưa trừ chi phí).
"Cách đây khoảng chục năm, cứ nói đến mấy tàu đánh bắt xa bờ là người ta ngao ngán bởi tiếng là tàu đánh bắt xa bờ nhưng chủ yếu là "nằm bờ". Chịu cảnh "nằm bờ" cũng do tàu là tàu dự án nên ngư lưới cụ luôn rơi vào tình trạng "cha chung không ai khóc" chứ chưa nói đến chuyện đầu tư cải hoán, mua sắm mới. Mà ngư lưới cụ cũ nát rệu rã nên sản lượng đánh bắt thủy hải sản không đủ bù chi phí xăng dầu, thực phẩm, nhân công cho mỗi chuyến ra biển đánh cá nên "nằm bờ" cũng là chuyện bình thường. Bây giờ thì khác rồi, tàu đánh bắt xa bờ là do các chủ tàu tự vay vốn ngân hàng hoặc bỏ tiền túi ra để đóng mới. Tàu đóng mới rồi thì dù chủ tàu có khó khăn đến mấy cũng phải cố mà mua sắm ngư lưới cụ hiện đại thì đánh bắt thủy hải sản hiệu quả được. Điều đáng mừng là mấy năm trở lại đây, các chủ tàu đánh bắt xa bờ ở thị trấn Cửa Việt, xã Gio Việt (Gio Linh) đã trang bị cho tàu của mình các loại ngư lưới cụ hiện đại như pha xúc, vây rút chì, rê bùng nhùng...Để chủ động cho việc dò tìm luồng cá, hầu hết các tàu đánh bắt xa bờ đã trang bị nhiều loại máy móc hiện đại như máy tầm ngư loại dò ngang, dò dọc với trị giá hàng trăm triệu đồng. Tàu thuyền, ngư lưới cụ hiện đại nên sản lượng đánh bắt thủy hải sản của các tàu đánh bắt xa bờ trên địa bàn thị trấn Cửa Việt cũng cao hơn. Nhiều tàu đánh bắt xa bờ của thị trấn có nguồn thu 100 - 200 triệu đồng (đã trừ chi phí) sau mỗi chuyến biển và thu 2 - 3 tỷ đồng /năm từ đánh bắt thủy hải sản là chuyện bình thường. Mà giờ đây, chuyện tư thương ép giá thủy hải sản bà con ngư dân đánh bắt được hầu như là không có bởi cá, mực đánh bắt được vừa về đến bến đã được các chủ lò hấp sấy cá trên của thị trấn Cửa Việt, xã Gio Việt thu mua với giá cả hợp lý. Nói không phải khoe chứ bây giờ ở thị trấn Cửa Việt nhiều chủ tàu đánh bắt xa bờ trở thành triệu phú, tỷ phú như hộ ông Bùi Đình Bảo, Bùi Đình Biền, Bùi Đình Khảm, Hồ Bé, Võ Lới, Hồ Duy Đạo, Võ Công Lập...với nguồn thu từ đánh bắt thủy hải sản hàng năm lên đến 1 - 2 tỷ đồng. Có nhiều hộ gia đình có nhiều tàu đánh bắt xa bờ như gia đình ông Bùi Đình Chính có 3 người con trai đều là chủ của 3 tàu đánh bắt xa bờ; hộ ông Bùi Đình Chình có 6 người con trai là chủ của 5 tàu đánh bắt xa bờ. " - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Cửa Việt Mai Văn Minh, phấn khởi cho biết thêm.
Cũng theo Phó Chủ tịch UBND thị trấn Cửa Việt Mai Văn Minh thì hiện thị trấn Cửa Việt có tổng số tàu, thuyền là 141 chiếc với tổng công suất 14.796 CV trong đó tàu có công suất từ 90 CV trở lên là 67 chiếc; từ 45 - 90 CV là 18 chiếc; từ 20 - 45 CV là 10 chiếc; dưới 20 CV  là 46 chiếc; tàu, thuyền làm dịch vụ hầu cần nghề cá và một số nghề khác có 9 chiếc. Với số lượng tàu, thuyền đông đảo như vậy nên trong năm 2012 sản lượng thủy hải sản đánh bắt được của thị trấn đạt 4.650 tấn thủy hải sản các loại. Trong 6 tháng đầu năm 2013, sản lượng khai thác thủy sản của thị trấn đạt 2.050 tấn thủy hải sản các loại (mốc phấn đầu trong năm 2013 là 5.000 tấn trong đó xuất khẩu 762,5 tấn và ước tính doanh thu đạt 62 tỷ đồng). Để có được kết quả trên, trong những năm qua, thị trấn Cửa Việt đã không ngừng khuyến khích bà con ngư dân đóng mới, cải hoán tàu, thuyền và mua sắm, du nhập các loại hình ngành nghề đánh bắt thủy hải sản mang lại hiệu quả kinh tế cao mà điển hình như nghề pha xúc, lưới rê cao lườn, vây rút chì, bùng nhùng thưa, bùng nhùng dày, lưới cá chim, rập ghẹ....Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2013, trên địa bàn thị trấn Cửa Việt, bà con ngư dân bằng nhiều nguồn vốn đã mạnh dạn đầu tư đóng mới 3 tàu đánh bắt xa bờ; cải hoán, nâng cấp 3 tàu đánh bắt xa bờ; mua sắm thêm ngư lưới cụ phục vụ đánh bắt hải sản với tổng trị giá trên 12 tỷ đồng. Bên cạnh đó, từ đầu năm đến nay Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh cũng đã hỗ trợ cho bà con ngư dân 1 máy tầm ngư loại dò ngang và 2 vàng rập nghẹ với tổng trị giá 484 triệu đồng.
"Bây giờ, tàu cũng ngư lưới cụ là do mình vay mượn để đầu tư mua sắm nên mỗi khi ra biển là phải cố gắng đánh bắt thật nhiều cá, mực chứ chú. Mỗi chuyến biển mà bọn tôi không kiếm được 100 - 200 triệu đồng là xem như "lỗ dầu" rồi. Mà ở thị trấn này, tàu của gia đình tôi thuộc loại tàu nhỏ, chứ mấy tàu đánh bắt xa bờ có công suất 300 - 600 CV cứ bình quân mỗi chuyến biển phải có thu nhập khoảng 300 - 400 triệu đồng. Hồi trước, cứ nói đến chuyện ngư dân đi biển rồi trở thành tỷ phú là chuyện khó tin nhưng hiện tại chuyện đó là chuyện thường tình ở thị trấn Cửa Việt. Chú không tin thì cứ nhìn mấy ngôi nhà lầu to đùng đang xây dựng cũng như đã hoàn thành đó thì biết. Tiền để xây dựng mấy ngôi nhà đó đều là thu nhập từ tàu đánh bắt xa bờ của bà con ngư dân cả đó" - anh Nguyễn Xuân Thủy tự hào nói với tôi. Tôi hiểu được niềm tự hào trong lời nói của anh Thủy. Không tự hào sao được khi những tên làng trước đây bây giờ là khu phố vốn gắn bó với đại dương bao la có thêm nhiều triệu phú, tỷ phú...và thoát ra khỏi câu cửa miệng của nhiều người đã vận vào đời ngư dân rằng "nghề biển là nghề bấp bênh, chứ mấy ai làm giàu được từ nghề biển".
 

H.T.S

HOÀNG TIẾN SĨ
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 229 tháng 10/2013

Mới nhất

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

21/04

25° - 27°

Mưa

22/04

24° - 26°

Mưa

23/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground