Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 11/12/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Ra đi hồn chở đầy cố xứ...

Tôi là người tha hương lập nghiệp nên nhạy cảm với những gì nói về thân phận lưu lạc, chẳng hạn như đất khách quê người, xa xứ ngái sở… Văn thơ kim cổ cũng vậy, nhiều câu thơ cứ neo vào trí nhớ, rũ mãi chẳng chịu rời như đôi câu thơ của Lý Bạch trong bài Tĩnh dạ tứ (Nghĩ trong đêm thanh tĩnh): Cử đầu vọng minh nguyệt / Đê đầu tư cố hương (Dịch nghĩa: Ngẩng đầu nhìn trăng sáng / Cúi đầu nhớ cố hương)...

Mà tha hương cũng lắm nẻo, ở xứ gió lào, cát trắng vào miền Nam lập nghiệp đã là tha hương, đi tận trời Âu cũng là tha hương. Nên chi, khi đặt chân đến Mỹ tôi bỗng muốn tìm gặp đồng hương Quảng Trị, gặp để được nghe giọng nói bân bân quê nhà, gặp để chia sẻ nghĩa tình ở nơi xa xôi nhất, cách cố hương cả nửa vòng trái đất.

Bên trong Thương xá Phước Lộc Thọ của người Việt - Ảnh: P.X.H

Bên trong Thương xá Phước Lộc Thọ của người Việt - Ảnh: P.X.H

Minh, một người bạn mới quen quê ở Lăng Cô (Thừa Thiên Huế) nằng nặc bảo tôi về nhà chơi. Nhưng hiện tại em đang sửa nhà, đang ở nhờ đứa em bạn người Quảng Trị, đồng hương anh, anh về gặp luôn, Minh nói. Vậy là tôi sắp xếp về chơi và ở lại một đêm. Hương họ tên đầy đủ là Võ Thị Hương, chủ nhà, bạn Minh, sinh năm 1979, quê ở xã Triệu Đại, huyện Triệu Phong, Quảng Trị. Nhà Hương ở một thành phố nhỏ có tên Lowrence thuộc bang Massachusetts. Dọc đường đi từ nơi tôi ở tạm tại thành phố Worcester cùng bang Massachusetts đến nhà Hương chỉ hơn 1 giờ đồng hồ chạy xe ô tô. Dọc đường, Minh gọi điện cho Hương báo tôi đến nhà chơi rồi ghé một đại lý thực phẩm tươi sống mua tôm hùm, ốc biển về chế biến.

Ngôi nhà Hương ở nằm giữa bãi đất rộng, cỏ xanh mát mắt, đường phố thoáng đãng với nhiều cây to tỏa bóng. Kiến trúc ngôi nhà giống như mọi ngôi nhà khác ở bờ Đông, phía trước là cầu thang dẫn lên ban công cách mặt đất tầm một người đứng. Nhà 2 tầng, dưới có phòng khách, bếp, trên có các phòng ngủ, toàn bộ ngôi nhà có thiết bị điều hòa chung, mát lạnh vào mùa hè, sưởi ấm vào mùa đông. Khi tôi đến Hương chưa có nhà, mãi đến 6 giờ tối cô mới trở về cùng chồng và con. Chồng của Hương tên Dũng, quê ở Sài Gòn. Vợ chồng Hương có một cháu nhỏ hơn 2 tuổi, đang đi trẻ. Bữa tối dọn ra, ngoài vợ chồng Hương còn có thêm người bạn hàng xóm nữa. Chúng tôi cùng ngồi ăn, chạm cốc và trò chuyện. Hương vui lắm, cô bảo lâu rồi mới có khách, lại là khách đồng hương. Tôi hỏi chuyện, ban đầu Hương còn dè dặt nhưng rồi dần cởi mở. Hương yêu và kết hôn với anh Dũng rồi theo chồng qua đây theo diện bảo lãnh từ năm 2017. Anh Dũng làm nghề điện ở hãng (ở Mỹ đi làm ở các công ty, dây chuyền công nghiệp gọi là làm hãng) còn Hương làm nghề nails.

Tôi hỏi Hương về cuộc sống ở đây. Hương bảo, người Việt sang đây như Hương nói chung có cuộc sống khá ổn. Cái này là do người Việt chịu khó, cần cù, khác với một số sắc dân ở châu Phi, châu Mỹ hay làm biếng, ngại khó, ngại khổ. Đàn ông Việt qua, kể cả không có chuyên môn những nghề như điện nước, sửa chữa ô tô, xây dựng công trình dân dụng… thì vẫn có thể làm những nghề tay chân đơn giản như cắt cỏ, cào tuyết vào mùa đông, thổi lá vào mùa thu. Nói làm chân tay nhưng thực sự cũng đã cơ giới hóa, cắt cỏ, cào tuyết đều dùng xe, thổi lá tức dùng máy thổi lá cây rụng vào một góc rồi hốt đưa đi nơi thu gom. Thu nhập thì sao, tôi hỏi Hương. Hương bảo, tính ra thu nhập cũng ổn, làm hãng thì không cao nhưng ổn định, tầm vài ngàn đô la một tháng. Làm nails thì khác làm hãng, chịu khó làm thêm giờ và tiệm nails đông khách thì thu nhập còn hơn cả làm hãng. Với đồng lương và thu nhập cỡ đó thì vợ chồng dư sức trang trải cuộc sống, đủ tích lũy để mua nhà và sắm sửa tiện nghi. Người Việt xa xứ hay nặng lòng với quê hương nên có đồng nào thường gởi về cho gia đình, dòng tộc, chưa nói đến việc làm từ thiện. Như vợ chồng Hương, năm 2020 trở lại đây, đận lũ lụt rồi tiếp tới dịch Covid-19, năm nào cũng gởi tiền về mua lương thực, thực phẩm hỗ trợ bà con xóm giềng ở xã Triệu Đại, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.

Bỗng dưng Hương hỏi tôi về cuộc sống quê nhà. Thì ra từ khi qua đây Hương chưa quay về lần nào. Tôi hỏi lý do, Hương bảo để làm thêm ít năm với lại chờ con lớn rồi về thăm luôn thể. Nghe tôi kể chuyện Việt Nam, chuyện Quảng Trị giờ thay đổi ra sao, Hương rất xúc động. Hương nói, ở đây cuộc sống không khó khăn nhưng nhớ quê lắm anh. Cộng đồng người Việt, trừ những nơi tập trung đông như ở Cali (bang California) hay Texas còn lại rải rác từng nhóm nhỏ ở nhiều bang khác nhau. Đồng hương cùng tỉnh lại càng ít. Chưa nói đến chuyện người Việt sang đây ai cũng lo làm ăn. Sáng đi, tối về, ăn ngủ rồi lặp lại sáng đi, tối về. Cuối tuần mới có dịp gặp nhau, ăn uống hoặc đi chơi dã ngoại. Nhưng cũng lui tới vài ba người bạn láng giềng, không như ở Việt Nam bước ra khỏi nhà là gặp người thân quen. Nhìn gương mặt Hương, tôi hiểu nỗi niềm của người xa xứ dù nơi xa xứ có cuộc sống đầy đủ, sung túc hơn quê nhà. Chia tay Hương, tôi chẳng biết nói gì ngoài lời chúc mọi điều tốt đẹp và lời hẹn khi nào Hương về Việt Nam nhớ liên lạc với tôi.

Những ngày lang thang trên đất Mỹ, tôi rất ấm lòng khi nghe các cuộc điện thoại từ anh Phạm Quyến, một người anh tôi mới quen. Mới quen nhưng tôi biết anh khá rõ qua các bài báo của đồng nghiệp. Anh Quyến năm nay 68 tuổi, quê ở Gio Linh, nơi chiến tranh hằn vào những địa danh đi vào lịch sử như Cồn Tiên, Dốc Miếu. Trong bài báo Người từ giới tuyến đăng trên báo Người Lao động, nhà báo Phạm Xuân Dũng đã kể khá chi tiết về anh Phạm Quyến. Sinh ra và tuổi thơ trôi dọc theo hàng rào điện tử McNamara nên ký ức anh còn nguyên vẹn mùi khói lửa, đạn bom. Định cư và có quốc tịch Mỹ từ năm ٢٠٠٨, anh đã có nhiều chuyến đi về Việt Nam, đã từng gặp lãnh đạo tỉnh Quảng Trị với mong ước được phép triển khai một dự án du lịch hoài niệm theo kiểu về lại chiến trường xưa dành cho các cựu binh, tìm hiểu quá khứ dành cho du khách. Dự án của anh Quyến đầy tính nhân văn, muốn mọi người ôn lại hoặc hiểu biết thêm về chiến tranh, ngỏ hầu gìn giữ bằng được nền hòa bình tươi đẹp và tăng cường sự nối kết giữa người dân, những người từng lính ở cả hai chiến tuyến và chính quyền hai nước Việt Nam và Mỹ.

Anh Quyến ở cách Washinton D.C. hơn một giờ đồng hồ lái xe ô tô. Chớm bước vào tuổi cổ lai hy nhưng anh vẫn còn tráng kiện, anh cũng vừa mới đi về Việt Nam quay trở lại. Tuổi này ở Việt Nam đa phần nghỉ hưu, an hưởng tuổi già nhưng anh Quyến thì khác. Dù con cái thành đạt, phương trưởng nhưng anh vì đam mê nên vẫn nhận làm chức danh kiểm hóa ở Tập đoàn siêu thị Walmart. Anh kể với tôi, giọng vui mừng về cơ duyên mới. Chuyện là, gần đây, khi tình cờ chạy ngang qua một xa lộ anh thấy có tấm biển rao bán đất bèn dừng lại chụp ảnh. Bẵng đi mấy hôm, nhớ ra, anh bèn gọi theo số máy ghi trên tấm biển, gặp chủ nhân rồi thương lượng để chốt mua. Theo anh, mảnh đất đó giá khá rẻ, lại ở vị trí đẹp, thuận tiện giao thông. Anh Quyến nói, vậy là anh mua để đó và sẽ triển khai một dự án như dự án đang ấp ủ ở Việt Nam. Tôi hỏi anh, mọi người nhất là cựu binh Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam nghĩ sao về dự án này? Anh bảo, ồ, họ mừng lắm, nhiều người tuổi đã cao, có người lính thường nhưng cũng có người cấp hàm tướng tá, tất thảy đều muốn dự án hình thành và hứa sẽ đóng góp vào đó những vật chứng kỷ niệm về chiến tranh. Họ bảo, nếu chúng tôi chết đi thì những kỷ vật đó vẫn còn, để nhắc nhớ mọi người về cái giá của chiến tranh, biết nỗi đau mà thế hệ chúng tôi đã đi qua.

Bắc California, nơi tập trung người Việt định cư - Ảnh: P.X.H

Bắc California, nơi tập trung người Việt định cư - Ảnh: P.X.H

Những ngày tôi gặp Hương, anh Quyến là lúc nước Mỹ cuối hạ sắp chuyển sang thu. Bầu trời ở bờ Đông nước Mỹ thời điểm này lúc nào cũng ngập tràn nắng và gió. Tâm trạng gặp đồng hương của tôi cũng vậy, ngổn ngang niềm vui xen lẫn đôi ba nỗi buồn vu vơ. Mỗi người tôi gặp có một số phận, hoàn cảnh sống khác nhau. Có người trải lòng nhưng cũng có người kín đáo. Kín đáo vì nhiều lẽ nhưng tôi nhận ra, cơm áo gạo tiền dù có đầy đủ bao nhiêu cũng không đủ để người ta ngăn được mái đầu điểm bạc, mà khi cúi xuống luôn trĩu nặng một niềm tư cố hương.

T. và H. từng là bạn của tôi thời đại học và cùng đồng hương Quảng Trị. T. quê ở Triệu Phong còn H. ở thành phố Đông Hà. Đôi vợ chồng được con bảo lãnh qua đây khoảng 5 năm. Tuổi đã bước qua tri thiên mệnh, dù có bằng đại học chính quy ở Việt Nam nhưng sang đây ngôn ngữ bất đồng, bằng cấp không phiên qua được nên cả vợ lẫn chồng đều mưu sinh bằng nghề làm nails. Nghề nào thì cũng là lao động, không ai phân biệt sang hèn. Nhưng nói là nói, làm sao đong đếm được, biết được cảm xúc, suy nghĩ của tất cả mọi người. Chắc vậy, nên T. và H. dẫu rất vui khi gặp lại tôi nhưng không nói nhiều về cuộc sống ở Mỹ. Cả hai luôn kể về những kỷ niệm ở Việt Nam, về quê nhà với những cháo bột, lòng sả, những bánh ướt Phương Lang, bún làng Sòng. Kể rồi thở ra hiu hắt kiểu như muốn nói, càng già thì nỗi nhớ quê nhà theo đó mà gia tăng. Tôi bảo, nhớ quê thì về thăm, có sao đâu. Vợ chồng bạn bảo, biết vậy, nhưng về ở một thời gian lại đi. Qua đây năm bữa, nửa tháng lại nhớ quê nhà.

Tôi cũng bắt gặp nhiều đồng hương nữa nhưng họ không muốn tôi kể lại câu chuyện bằng tên tuổi thật của họ. Vui có, buồn có. Người thành đạt, thành công làm chủ công ty, doanh nghiệp có, người đủ ăn, mưu sinh qua ngày bằng nghề phục vụ nhà hàng, đứng bán ở chợ trời cũng có. Nhưng điểm chung nhất là ai cũng muốn dành dụm tiền của gởi về quê. Gởi để chia sẻ chút tình thân ở phương trời xa với bà con, xóm giềng, nhiều người khá giả còn gởi về quê đóng góp để xây trường học, làm đường và những công tác thiện nguyện khác.

Quê nhà xa lắc, xa lơ đó / Ngoảnh lại tha hồ mây trắng bay. Những ngày trên đất Mỹ, nhìn lên bầu trời dù ở bờ Đông hay bờ Tây, thấy làn mây trắng tôi lại nhớ đến câu thơ của Nguyễn Bính trong bài Hành phương Nam. Nhà thơ chỉ mới hành phương Nam với khoảng thời gian trải mấy mùa qua én nhạn bay thôi mà đã nỗi niềm thế huống chi những người anh em của tôi hành tận bên kia bán cầu, hành có khi suốt cả đời người.

Đành nhủ lòng, mỗi người có một số phận, một lựa chọn trong đời. Điều còn lại và đáng quý hơn cả châu ngọc là tấm lòng người xa xứ, những đồng hương của tôi. Nói ra, để nhớ và chắc nhiều năm về sau, không quên được H. Đêm nào đó, trong ngôi nhà riêng ở một thành phố nhỏ của bang Ohio, H. nâng ly rượu ngang mày, nhìn vào mắt tôi mà đọc nguyên vẹn bài thơ Tiễn bạn của Trịnh Bửu Hoài: Ra đi đâu phải không về nữa / Mà khói hoàng hôn cay mắt nhau / Mà chiều như rụng theo chân bước / Và nắng đường xa bỗng bạc màu / Ra đi còn hẹn ngày trở lại / Cứ ngoái đầu trông một nẻo quê / Hợp tan là lẽ đời dâu bể / Ly hương ôm mãi mộng quay về / Ra đi nào phải tan hình bóng / Mà quặn lòng đau đêm qua sông / Đất khách muôn trùng sao nhỏ hẹp / Quê nhà một góc nhớ mênh mông... H. dừng lại một chút rồi đọc tiếp, giọng lạc đi, xao xác như chiếc lá cuối thu nơi đất khách quê người: Ra đi hồn chở đầy cố xứ / Nặng oằn quê cũ một vầng trăng / Gió lạnh xứ người mau bạc tóc / Đêm dài ai uống rượu tri âm?.

PHẠM XUÂN HÙNG
Chuyên đề 12: Tết đoàn viên

Mới nhất

Ban Chính sách với sứ mệnh kết nối thiêng liêng

28/11/2024 lúc 12:24

Ban Chính sách, Phòng Chính Trị, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh Quảng Trị được giao nhiều nhiệm vụ quan trọng, không chỉ hỗ trợ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ mà còn thực hiện các chế độ chính sách đối với người có công với cách mạng...

Bế mạc Trại sáng tác văn học nghệ thuật chủ đề “Người lính với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc và quê hương Quảng Trị”

9 Giờ trước

Chiều ngày 10/12, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Trị phối hợp Hội Văn học nghệ thuật tỉnh tổ chức bế mạc Trại sáng tác văn học nghệ thuật chủ đề “Người lính với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc và quê hương Quảng Trị” năm 2024.

Kỷ niệm 73 năm Ngày truyền thống Mỹ thuật Việt Nam và khai mạc Triển lãm hội họa Lê Hữu Quỳnh

08/12/2024 lúc 15:03

TCCVO - Sáng nay 8/12, tại thành phố Đông Hà, Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) tỉnh Quảng Trị phối hợp với Chi hội

Tạp chí Cửa Việt đoạt giải Khuyến khích Giải thưởng Toàn quốc về Thông tin đối ngoại lần thứ X

03/12/2024 lúc 23:05

TCCVO - Tối ngày 3/12/2024, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương và Ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại đã tổ chức Lễ trao Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ X.

Hơn 14.000 bức ảnh tham gia Cuộc thi ảnh nghệ thuật cấp Quốc gia "Tự hào một dải biên cương" lần thứ III

25/11/2024 lúc 23:57

TCCVO - Tối ngày 25/11/2024, tại Trung tâm Phát thanh - Truyền hình Quân đội (Đống Đa, Hà Nội) diễn ra Lễ trao giải Cuộc thi ảnh nghệ thuật cấp Quốc gia "Tự hào một dải biên cương" lần thứ III . Cuộc thi do Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Ban Đối ngoại Trung ương, Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Công an, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam và các đơn vị liên quan tổ chức.

Đại hội Chi hội Mỹ thuật Việt Nam tỉnh Quảng Trị khóa X (nhiệm kỳ 2025 – 2030)

23/11/2024 lúc 14:15

TCCVO - Sáng ngày 23 tháng 11 năm 2024, Chi hội Mỹ thuật Việt Nam tỉnh Quảng Trị đã long trọng tổ chức Đại hội Chi hội cơ sở Hội Mỹ thuật Việt Nam tỉnh Quảng Trị khóa X (nhiệm kỳ 2025 - 2030). Đây là sự kiện quan trọng nhằm đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ trong nhiệm kỳ 2019 - 2024, rút ra bài học kinh nghiệm và đề ra phương hướng, nhiệm vụ trong nhiệm kỳ mới.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

12/12

25° - 27°

Mưa

13/12

24° - 26°

Mưa

14/12

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground