Lâu rồi tôi lại nghe nhiều đến cái từ rau tập tàng. Ở các nhà hàng Hà Nội có nhiều chỗ có món đặc sản canh tập tàng. Ai cũng khen ngon, ai cũng thấy nửa lạ nửa quen. Người ăn chả ai nói ra nhưng trong đầu người nào cũng nghĩ về một thuở nào đó họ đã ăn ở quê cùng với bố mẹ và các em mình.
Rau tập tàng nở nhiều nhất là vào tháng ba. Tháng ba mưa phùn rồi trời nửa nắng nửa râm khiến cỏ ngoài đồng tốt vù vù. Rau tập tàng chính là thứ cỏ ấy chứ chả ai mang về vườn nhà mà trồng. Trồng ở trong vườn nhà thì gọi là rau nhưng những thứ cây dại mà ăn được cũng gọi là rau. Đó là thứ rau dại. Họ gọi là rau tập tàng. Rau là một danh từ mở mà có lẽ tôi đồ rằng càng ngày càng nhiều lên vì sự khoa học lai tạo chứ còn rau thật sẽ ngày càng ít đi. Nhưng không thể mất rau tập tàng vì mặt đất sẽ không bao giờ mất cỏ.
Vài tuổi tôi đã biết đi hái rau má, rau rệu, rau cải thông, rau tòm phóp. Lớn tí nữa đi học cấp 3 ở trọ một làng quê xa nhà tôi ra bãi soi bờ ngòi hái rau sếu, rau sam, rau chôn chén, rau muối. Mùa đông tôi hái rau đùi ếch, rau tróc ở những dộc ruộng lầy. Những bữa ăn của lũ trẻ đi học xanh lè những rau xì xoạt. Trên đường đi học về tôi hái rau dớn, rau dền gai ven suối. Có những thứ rau mọi người quen biết như rau sam, ráu tòm phóp vì gần đây những quán lẩu Hà Nội đã có rau tòm phóp. Thứ rau vị thanh mà hơi ngăm ngăm đắng dễ đưa rượu làm sao. Rau sam thì ai cũng biết. Ấy là một thứ cây thân đỏ hoa vàng thật đẹp, nó cứ mọc lan trên đất và khiêm nhường không bao giờ ngỏng lên cao. Ấy thế mà tôi từng ngắm hoa rau sam hàng giờ và cứ nghĩ thân đỏ hoa vàng chắc sam là thứ nhất. Thân đỏ tím lá dày và trơn bóng còn hoa thì nhỏ xíu mà vàng hiền lành. Bạn đã ăn rau sam chưa? Ngọt lắm, nhất là trưa nắng có bát nước luộc chung rau sam, rau dền vào nhau thì có nhẽ chả có nước sinh tố nào hơn nó.
Ảnh internet
Ở quê, ngày xưa sau trận ốm đau dân nghèo chỉ đi hái rau búp vông, rau sam, rau má nấu canh mà tẩm bổ. Khá hơn thì kho con cá với đầy nồi lá đinh lăng. Người mà bị mụn nhọt thì giã lá rau sam, rau diếp cá đắp vào. Cảm nắng thì đun nước rau má thổi nguội đi mà uống. Có một thứ rau tên là khúc. Chắc cũng chỉ người dân quê mới biết. Ở những cánh đồng ngô quê tôi nhiều rau khúc lắm. Rau khúc luộc ăn cũng được nhưng chả mấy ai ăn chỉ để giã ra làm bánh khúc. Bánh khúc thì nhiều người biết nhưng lá rau khúc thì ít người biết. Họ bảo, cần gì biết cứ ăn ngon là được. Từ lâu rồi, những đêm khuya trên đường phố Hà Nội có tiếng rao “ai khúc đê… khúc đê…” chính là thứ bánh họ giã từ lá khúc một trong các thứ rau tập tàng mà thành đặc sản.
Mẹ tôi sinh tám anh em, tôi là con cả nên tôi biết khi mẹ đẻ em bé mẹ rất thích ăn rau đắng cảy. Thứ rau tháng ba này mọc xanh mướt và rất nhiều kiến đen. Mẹ bảo tôi đi hái rau vông. Rau vông tức là búp cây vông non mọc tháng ba mơn mởn. Cả rau vông và rau đắng cảy mẹ hấp vào nồi cơm rồi chấm với muối nướng. Mẹ bảo ăn thế này cho lành và tránh hậu sản. Lớn lên rồi, mẹ mất rồi càng nghĩ càng thương mẹ. Sinh tám người con số rau tập tàng mẹ ăn có nhẽ hàng tạ. Thời ấy nhà nghèo chỉ có thế thôi mà cũng chả lấy gì tẩm bổ cho mẹ. Ấy nhưng nghĩ lại những thứ rau tập tàng ấy bây giờ trên quảng cáo họ ca ngợi rình rang. Họ ca ngợi cây thông đất, cây rau sam, cây rau má, cả cây gai đùm đũm (cây mâm xôi)… quê tôi mà chúng tôi đi chăn trâu bẻ ăn hàng ngày. Nghĩ lại rau tập tàng quê tôi sao mà quý thế. Ít nhất một thời tôi đã ăn rất nhiều thứ rau quý ấy mà không biết.
Cũng nhờ nghèo khó nên biết nhiều rau dại rau rừng nên đi bộ đội tôi cũng biết đi kiếm rau về ăn thời rừng đói. Ở Tây Nguyên tôi vặt những chùm lá cây vón vén thái nhỏ để trộn với thân cây chuối rừng cho vào tí mì chính thành món nộm tuyệt vời. Hành quân Trường Sơn tôi vặt chùm lá bứa non dắt vào ba lô để chiều trú quân nấu nồi canh chua thả nhúm ruốc là ngon mê hồn. Lúc còn đánh nhau ở chiến trường chúng tôi thái rau tàu bay muối chua trong các túi ni lông vỏ bao gạo Trung Quốc. Rau tàu bay muối chua vàng đẹp hơn dưa cải. Tết nào cũng có món dưa tàu bay ăn tết. Bao nhiêu rau rừng Tây Nguyên đã nuôi sống chúng tôi những ngày đánh giặc. Có nhiều thứ rau không biết tên mà lính Tây Nguyên cứ ăn rồi đặt tên nó thành tên của người lính hái mang về. Rau thằng Hoan, rau thằng Sỹ, rau thằng Luân… Có những thứ rau mang tên thằng đã hi sinh chúng tôi bữa nào ăn cũng khóc. Ôi thế mà nỡ gọi nó là tập tàng. Bạn học cùng lớp đại học với tôi chiến đấu ở Thành Cổ Quảng Trị trong một lần uống bia với nhau kể rằng, bờ sông Thạch Hãn rất nhiều thứ rau tập tàng mà tôi vừa kể. Tháng 8 tháng 9 năm 1972 đưa thương binh tử sĩ qua sông máu ướt cả cỏ ven bờ. Sau Hiệp định tháng 1 năm 1973 lính ta cũng hái rau tập tàng trên những bãi cỏ đã từng tập kết thương binh tử sĩ, vừa hái những búp rau vừa khóc tưởng chừng như mình đã rứt từng giọt máu bạn mình lên. Có đứa quả quyết rằng rau sam ở Thạch Hãn hoa vàng và to hơn nơi khác.
Tháng ba. Quê nhà lúa cấy mới nhú nhưng măng đắng đội đến đâu rau tập tàng mọc đến đó. Người quê đi xa có người hàng chục năm nay chả biết đến thứ rau nuôi sống mình khi xưa nghe nhắc cái tên lại cũng thấy rưng rưng.