Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 26/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Rửa chân cho mẹ

Dù mối quan hệ của bạn với ba mẹ có không tốt đến thế nào, chỉ cần bạn rửa chân cho mẹ thì mình nghĩ nó đều cải thiện hết. Còn bạn, có bao giờ bạn đã cúi xuống rửa chân cho mẹ của mình?...

1. Khi mời tôi dự sinh nhật, chủ nhân buổi tiệc có đề nghị không cần đem theo bất cứ quà tặng gì. Có thể rủ thêm người thân quen nếu thích. Tổ chức tiệc mời sinh nhật trở thành một hình thức quen thuộc với nhiều gia đình mặc dù nó không phải là tập tục của người phương Đông. Văn hóa phương Đông nghiêng về “ngày chết” với “nghĩa tử là nghĩa tận”. Thế rồi với sự du nhập và giao thoa văn hóa, từ sự dị ứng, khó chịu, người Việt Nam đã chuyển sang thích nghi nhanh chóng với “văn hóa sinh nhật”.

Kỷ niệm sinh nhật bắt nguồn từ đạo Kitô giáo ở châu Âu. Trong văn hóa của đạo giáo này, người ta tin rằng ngày sinh nhật của một người là thời điểm mà những linh hồn, ma quỷ mang đến những điều không tốt lành. Để xua đi những điềm xấu, trong ngày sinh nhật, mọi người sẽ tặng nhau lời chúc sinh nhật, hoa hay những món quà. Ngày nay, sinh nhật không chỉ phổ biến ở châu Âu mà còn trên toàn thế giới, không phân biệt màu da, giới tính hay tuổi tác, địa vị xã hội,... Bên cạnh đó, sinh nhật không còn mang nặng ý nghĩa tôn giáo như trước mà đơn giản chỉ là một buổi tiệc đặc biệt của cá nhân.

Sinh nhật sẽ là tiệc tùng rồi tặng quà cho nhau. Với tâm lý đó, tôi chuẩn bị bộ đồ khá đẹp đến. Điều ngạc nhiên là mỗi người đi dự đều dắt trẻ em theo - là con hoặc cháu của mình. Một ít bánh, trái cây được dọn ra. Đáng chú ý vẫn là chiếc bánh sinh nhật quen thuộc nhưng dường như không trang trí gì nhiều. Tôi tò mò đọc dòng chữ ghi trên bánh. Đó không phải là lời chúc mừng hoặc mừng số tuổi của chủ nhân mà là dòng chữ: “Con xin tri ân cha mẹ”.

Ảnh: Nguồn internet

Ảnh: Nguồn internet

Trong diện tích nhỏ của phòng khách, bạn trân trọng mời ba mẹ ngồi ở hai ghế trên và bắt đầu nói: “Thưa ba mẹ, hôm nay ngày sinh của con chính là ngày mà mẹ vô cùng đau đớn, khó nhọc, thậm chí là nguy hiểm để sinh con ra. Ngày sinh của con, cũng chính là ngày “tử nạn” của mẹ. Công ơn của mẹ, của ba đối với con như trời biển mà sự ích kỷ, vô tâm làm che lấp”.

Sau đó bạn mời tất cả mọi người cùng xem một clip ngắn. Đây là clip của Thái Lan được tải trên kênh youtube kể về tình cảnh người mẹ già vất vả làm nghề ve chai nuôi con trai đi học ở quê. Người con cảm thấy không chịu nổi cuộc sống nghèo khó không có tương lai của mình, bèn dứt lòng bỏ mẹ ra đi đến thành phố tìm kế mưu sinh. Người mẹ thương nhớ cho con trai ra đi biền biệt bao năm không tin tức bèn bỏ quê lang thang lên thành phố với tấm hình rách của con để hỏi xem có ai biết con mình ở đâu không. Thân già lang thang khắp hang cùng ngõ hẻm bao nhiêu ngày tháng vậy mà chỉ nhận được câu trả lời là cái lắc đầu. Bà ngày càng rách rưới, cô độc, đói khổ, kiệt quệ, thậm chí đã phát điên và mất trí nhớ, nhưng trong tiềm thức vẫn luôn hướng về con mình, khát khao có con bên cạnh.

Tình thương con sâu nặng đến mức bà thấy con chó hoang nhỏ mà ngỡ là con trai mình. Ngày xưa, khi con trai còn nhỏ, bà đã bế nó, cho nó bú, ôm nó vào lòng, chọc nó cười như thế nào thì hôm nay bà cũng làm với con chó hoang này. Bà hạnh phúc với điều đó. Nhưng chú chó nhỏ thì mải chơi, hay chạy rông. Trong một lần tìm kiếm con chó nhỏ, bất ngờ có một người đàn ông ôm con chó đưa lại cho bà, bà mừng vui vô hạn vội bế con chó chạy đi, trong khi người đàn ông kia thì vô cùng ngỡ ngàng rơi lệ.

 Anh ta chính là đứa con trai mà bà tìm kiếm bấy lâu nay, như một định mệnh, hôm nay gặp lại người mẹ già đã bị điên loạn mất trí ôm con chó chạy đi. Ngay lúc ấy anh ta nhớ lại hình ảnh ngày xưa mẹ yêu thương nuôi nấng mình như thế nào. Dù anh có gào lên kêu mẹ mình và cầu xin mẹ tha lỗi bao nhiêu lần nhưng bà đã không còn nhớ ra anh là ai nữa... 

Anh bạn trẻ của tôi - chủ nhân của buổi tiệc sinh nhật nước mắt cũng rưng rưng quỳ xuống trước mặt ba mẹ mình và nhận lỗi: “Ngày con chào đời cũng là ngày mẹ trải qua những phút giây vượt cạn gian nan nhất, là ngày ba mẹ khắc khoải mong chờ suốt 9 tháng 10 ngày. Sau đó là những chuỗi ngày con được cha mẹ dạy dỗ, nuôi lớn bằng cả tấm lòng. Thế nhưng trong tháng ngày khôn lớn, con đã nhiều lần quên mất”. Anh đi vào trong, bưng ra một thau nước ấm, xin phép mọi người được rửa chân cho mẹ, rửa chân cho ba. Sau đó, thay vào những lời chúc mừng sinh nhật chủ nhân, chúng tôi chúc mừng sức khỏe của ba mẹ bạn và cảm ơn hai bác đã khó nhọc nuôi dạy con nên người.

2. Tôi còn nhớ cách đây hơn 5 năm, một clip được chia sẻ trên mạng đã tạo thành cơn sốt. Clip kể lại câu chuyện có thật, vô cùng cảm động về khoảnh khắc sinh tử của một bà mẹ bị ung thư giai đoạn cuối sinh con trong trạng thái hôn mê vừa được đăng tải đã khiến hàng nghìn người xem rơi lệ. Theo clip, cặp vợ chồng sau 5 năm ròng chạy chữa khắp nơi  vui mừng đón đứa con đầu lòng nhờ vào phương pháp thụ tinh nhân tạo. Khi người vợ mang thai đến tháng thứ 5, chị ngỡ ngàng phát hiện mình đang mang trong mình căn bệnh quái ác: ung thư. Bệnh đã phát triển đến giai đoạn cuối, các tế bào ung thư đã di căn.

Đứng trước tình huống sinh tử, chỉ có thể cứu được mẹ hoặc con, những bác sĩ ở một bệnh viện chuyên sản khoa đã từ chối mong muốn của gia đình là nỗ lực bảo toàn tính mạng cho em bé trong bụng mẹ. Hiểu được tính chất của bệnh ung thư quái ác, nhưng cũng tôn trọng ý chí kiên cường, mãnh liệt và quyết tâm của người mẹ ung thư, các bác sĩ đã đối mặt với những khoảnh khắc cực kỳ căng thẳng, nhưng vẫn quyết định bằng mọi giá phải cứu lấy em bé, như yêu cầu của người mẹ.

Người mẹ vĩ đại của em bé, nước mắt ngấn lệ, nở một nụ cười mãn nguyện khi lần đầu và cũng là lần cuối chị được nghe tiếng con khóc, nhìn thấy gương mặt con và ôm con vào lòng. Ở một nghĩa nào đó, ca sinh mổ đã thành công dù kỳ tích không xảy đến với người mẹ, đó là di nguyện cuối cùng của chị được thực hiện: được nhìn thấy con ra đời khỏe mạnh, bình an, được ôm con vào lòng…

Hàng trăm nghìn lượt người đã vào chia sẻ và chúc phúc nhưng đâu biết rằng, mỗi người đều có một người mẹ vĩ đại như thế. Dù bây giờ y học phát triển hơn ngày xưa rất nhiều, trong suốt quá trình 9 tháng 10 ngày đó người phụ nữ được hỗ trợ nhiều nhưng không phải vì thế mà không còn nguy hiểm. Và trong giây phút sinh tử, hầu như người mẹ nào cũng chọn con đường sống duy nhất cho con của mình. Sinh nhật đánh dấu sự có mặt của ta với thế giới, là ngày đầu tiên ta được tiếp xúc với thế giới bên ngoài cũng nên là dịp để chúng ta tưởng nhớ công ơn sinh thành, dưỡng dục của ba mẹ, đặc biệt là mẹ.

Khi tôi chia sẻ hình ảnh mình chụp từ buổi sinh nhật của bạn, những người trung niên thì xúc động và ngợi khen. Bên cạnh đó, cũng nhiều bạn trẻ cho rằng: “Ôi, thời buổi này là thời buổi nào rồi mà có cần phải lễ nghĩa thế không?”. “Rửa chân lúc nào chẳng được, sinh nhật thì vui chơi, nhận quà chứ việc gì phải làm thế?”… Có lẽ, từ lâu lắm rồi chúng ta đã quen nhận sự yêu thương, chăm sóc từ phía ba mẹ mà không hề nghĩ rằng, con cái phải có trách nhiệm thực hiện việc chăm sóc đấng sinh thành từ khi họ còn khỏe mạnh. Ngày nay có nhiều người còn trách móc không được ba mẹ tổ chức linh đình bằng chúng bạn, quà tặng ít hơn bạn hoặc vì lý do nào đó mà ba mẹ đã quên mất ngày sinh nhật của mình… Không hiếm trường hợp ngày sinh nhật của con, ba mẹ ngồi nhà chờ cửa với mâm cơm nguội lạnh vì con bận vui sinh nhật với bạn bè, với công ty và cả vì “ba mẹ đến đây không phù hợp đâu”.

Rửa chân tri ân cho mẹ trong ngày sinh nhật  nên trở thành nét văn hóa của mỗi nhà - Ảnh: MP

Rửa chân tri ân cho mẹ trong ngày sinh nhật nên trở thành nét văn hóa của mỗi nhà - Ảnh: MP

3. “Mẹ ơi xin mẹ một lần / Để con lấy nước rửa chân cho Người / Nát bằm những nét phác đời / Bao nhiêu sần sẹo ngày nuôi con khờ” (Rửa chân cho mẹ - Vũ Tuyết Nhung).

Một ngày đẹp trời tôi hẹn bạn trò chuyện để hỏi nguyên nhân bạn đã nghĩ ra việc tổ chức ngày sinh nhật ý nghĩa như thế. Bạn cười thật hiền, tâm sự: “Mình thấy hay hay nên học theo thôi. Bạn cũng biết mình là con trai một nên ngày xưa chỉ biết có học, ăn và chơi. Học xong đại học, chưa có việc làm thì bạn rủ chơi gì thì chơi nấy. Ba mẹ có buồn hay khóc cũng mặc kệ. Thế rồi, một ngày kia mình có hẹn bạn đi nhậu. Tụi mình đang chơi với nhau rất vui thì bạn ấy bảo là phải về trước 9 giờ tối để rửa chân bằng nước ấm cho mẹ. Nghĩ bạn nói dối, mình nằng nặc đòi về theo. Mình đã không tin ở mắt mình nữa khi thấy bạn ngâm chân, rồi lau chân, mang tất cho mẹ một cách âu yếm, yêu thương dù mẹ bạn vẫn còn rất trẻ chứ không hề già hay ốm yếu, bệnh tật. Bạn đã hỏi mình: Có bao giờ bạn rờ bàn chân của mẹ xem có chai sạn, có vết sẹo nào chưa? Câu nói ấy đã làm mình giật mình suy ngẫm”.

Tất nhiên, lần đầu tiên khi bạn đề nghị được rửa chân, mẹ đã lắc đầu từ chối với lý do: “Mẹ còn khỏe mạnh, tự làm được. Đâu cần con làm thế. Chỉ cần con biết nghĩ là mẹ vui rồi”. Thế nhưng khi bạn cầm lấy bàn chân mẹ, vuốt ve, nâng niu rửa từng ngón chân, mẹ đã rơi nước mắt vì hạnh phúc. Đôi khi chúng ta nghĩ rằng mình phải thành đạt có chức vị to hoặc tiền của nhiều đem về thì ba mẹ mới hạnh phúc mà đâu biết rằng hạnh phúc đến từ những điều giản đơn như thế.

Cầm bàn chân mẹ, bạn mới hiểu hơn những nhọc nhằn mẹ đã trải qua. “Mẹ tiếp đất cuộc đời bằng đôi chân trần / Bàn chân sần vết rạn/ Mạch thời gian chảy qua kẽ nứt ngón chân” (Bàn chân mẹ - Nguyễn Thị Hồng Hà). Và cũng diệu kỳ làm sao, từ hôm đó, tâm tính bạn cũng thay đổi, không còn ham chơi cùng chúng bạn, chí thú làm việc. Mỗi tối dù bận thế nào, bạn cũng rửa chân cho mẹ, sau đó là đến ba… Và bạn khẳng định rằng: “Dù mối quan hệ của bạn với ba mẹ có không tốt đến thế nào, chỉ cần bạn rửa chân cho mẹ thì mình nghĩ nó đều cải thiện hết”…

Còn bạn, có bao giờ bạn đã cúi xuống rửa chân cho mẹ của mình? 

4. ... “Mẹ ơi ơn Mẹ một đời

Con xin được rửa chân Người từ nay”.

(Rửa chân cho mẹ - Vũ Tuyết Nhung)

MINH PHƯƠNG

Mới nhất

Chùm thơ Trần Đức Tín

24/04/2024 lúc 17:21

Nhà thơ Trần Đức Tín, bút danh Khét, sinh năm 1989, quê quán Cà Mau, hiện đang làm

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

27/04

25° - 27°

Mưa

28/04

24° - 26°

Mưa

29/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground