Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 30/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Rừng tuổi dại

T

rước cuộc cách mạng tháng Tám nhân việc lánh nạn oanh tạc của máy bay Đồng Minh (tức là Mỹ) ném xuống những mục tiêu ở thành phố Huế do quân phát xít Nhật chiếm đóng, ba tôi đưa gia đình về sống tại một vùng sơn cước thuộc tỉnh Quảng Trị. Tổ tiên tôi vốn lập nghiệp tại tỉnh Quảng Trị, nhưng tôi lại sinh trưởng ở Huế. Vậy Huế là nơi chôn rau cắt rốn của tôi, còn Quảng Trị lại là nơi, theo như ngôn ngữ người đời, là nơi “quê cha đất tổ” của tôi. Cha tôi sợ không quân Mỹ oanh tạc nhà máy điện Huế, bom lại lạc trúng vào nhà tôi nên vội vã chuyển gia đình ra Quảng Trị, sống ở một nơi “lập ấp” của em ruột ông nội tôi, dân địa phương thường gọi là xóm Mộ. Thuyền chúng tôi đỗ ngay bến trước nhà và gia đình chúng tôi lên ở đậu tại nhà ông tôi, vốn là tiên chỉ của xóm Mộ. Ngôi nhà ấy dù được cất bằng những nguyên liệu tại chỗ nhưng cũng rất đẹp, chủ yếu là tre và gỗ mít, hai thứ thổ sản của vùng Quảng Trị. Gỗ mít màu vàng óng như mật ong, vốn là thứ đặc sản quý báu dùng làm nguyên liệu xây cất. Tôi quên thế nào được mùi hương ngai ngái chua chua của căn nhà ấy tỏa ra từ chất liệu gỗ và tre còn mới dù thực ra nó được làm cũng đã lâu năm. Nhà được cất trên một khu đất rộng, hầu hết phần còn lại được dùng làm sân. Từ cổng nhà đi vào, có một cây ngọc lan mà hằng ngày, ông chủ nhà vốn là ông họ tôi, vẫn giữ tôi trèo lên lấy hoa. Ông đứng dưới gốc cây hứng các đóa hoa hái được rồi xếp vào một chiếc đĩa cổ đặt lên chiếc bàn độc ở trên nhà, dùng để tiếp khách vào ra. Cạnh cây ngọc lan còn có cây hoàng lan, hoa màu ngà giống như hoa ngọc lan, trái đỏ hạt đen giống hạt nhãn, mà tôi thường nhặt đầy chiếc mũ nhỏ xíu để bày đồ hàng chơi với các em tôi. Chim anh vũ sống ở rừng quanh vùng rất nhiều. Mùa trái chín, cây hoàng lan gọi chim anh vũ về từng đàn sà xuống như những đám lá khô rồi lại bay lên, tản mát vào các cành cây và cắm cúi nhả hạt, như khoe với những con bồ câu trong sân nhà về bộ lông sặc sỡ của chúng. Hoặc có đôi khi, vào các ngày trước ngày rằm mồng một, ông tôi lại mang các dĩa hoa lên bàn thờ, khiến cho suốt ngày, từ nhà ra đến ngõ, không khí cứ phảng phất mùi hương bí ẩn của hoa ngọc lan. Cũng phía ngoài cổng trở vào vuông sân nhỏ trước thềm, ông tôi tiếp tục trồng các loại hoa khác, nào là hải đường, hoa mộc, hoa vạn thọ, nhiều loại cúc nở về mùa thu, các loại hoa hồng mang từ Huế ra, các loại địa lan, và đáng chú ý nhất có hai cây hoa anh trảo. Loại hoa sau này thường nhả hương vào lúc sẫm tối, và các trái nở thành từng chùm mà lũ trẻ con bọn tôi rất thích, thường hái về bày hàng cúng quảy thay nải chuối trên chiếc bàn thờ tưởng tượng. Gần sát nhà có một hàng cau; hương cau tinh khiết thường len lén vào giấc ngủ, làm nhẹ tênh những giấc mơ lúc sáng sớm như những áng mây hoang đường. Dọc theo chân của hàng cau là một dung đất trồng cải. Buổi sáng nắng lên, hoa cải nở vàng rộn rã trước sân, đàn bướm trắng cứ nhởn nhơ quanh những ngọn hoa, quần tụ, bay liệng trông thật vui mắt. Dọc theo thềm nhà hoặc dưới những gốc cây bên hè, thường chen chúc những hàng hoa tường lan, mà cứ sau mỗi cơn mưa lại ríu rít những bụi hoa hồng và trắng, trông trẻ dại như những niềm vui của trẻ con nhặt được trong thiên nhiên. Còn lại là một vuông sân nhỏ, với chiều dài khoảng độ mười mét và chiều rộng khoảng độ năm mét, bằng đất nện nhẵn thín dùng để phơi lúa, và những lớp địa y mọc dày như tấm thảm xanh vào những mùa khí trời ẩm lạnh. Ven rìa vuông sân ấy mọc đầy những loại rau dại mà mẹ tôi thường hay bảo tôi nhổ vào để nấu canh, như rau sam, mã đề, trong các chậu hoa có rau me đất, rau càng cua... Những đêm hè, mẹ tôi thường mang chiếc chõng tre từ nhà dưới ra đặt ở góc sân, nơi đó gia đình tôi thường ăn bữa cơm chiều, và lũ trẻ bọn tôi thì chen nhau ngủ đêm cho tới sáng. Những ngày nắng to, ban đêm có nhiều mây trắng bay qua mặt trăng, và giữa những đám mây trắng ấy, hiện ra những khe trời tối đen thẳm, nơi đó le lói một chấm sao xa. Tôi còn nhớ cái cảm giác rợn ngợp khi nằm trên giường ngửa mặt lên nhìn chăm chú vào những “khe trời” ấy và tôi luôn luôn tự bảo rằng mình có thể rơi vào cái đáy khe kia và bị đày đọa ở đó suốt đời như một ngôi sao nhỏ. Thỉnh thoảng trên nền trời vụt qua một ánh sao băng, mẹ tôi nói đấy là dấu hiệu của một người vừa qua đời. Khi nào cũng vậy, bà bảo chúng tôi mở hạt cúc ở cổ áo để nguyện cầu cho người đã khuất, mẹ tôi bảo rằng dẫu sao đó cũng là linh hồn một người tốt. Vậy, nếu đem gom những ngôi sao băng mà tôi đã nhìn thấy từ khi tôi nằm ngủ ngoài trời thì quả là một bộ phận của nhân loại đã qua đời...

   Chúng tôi sống ở nhà ông chú họ được hơn một năm thì ba mẹ tôi đã cất xong một ngôi nhà tranh, và chúng tôi tách ra ở riêng. Gian nhà tranh của chúng tôi nằm ở hác Súc Vạn, là một dải đất bằng phẳng nổi tiếng ở trong vùng. Từ những đồi bao quanh nhìn xuống, mọi người đều nhận ra căn nhà nhỏ có mái tranh của gia đình tôi vàng chói trong nắng mai. Đấy là một vùng đồi sim vô tận, và tôi cho rằng ở đấy tôi đã được sống một thời thơ ấu tha hồ.

   Mùa xuân, đồi có màu hồng do lộc non của cây cối hợp thành. Mây trời âm u suốt ngày, không khí còn ẩm ướt và vì thế ít có trái chín. Có hai loại trái chín về mùa này, là cây móc và cây bông trang. Cây móc có từng chùm hạt đen nhánh và nhiều nước, bọn trẻ chúng tôi ăn vào tím cả miệng lưỡi. Còn bông trang thì mọc khắp nơi, thường chen lẫn với những tảng đá. Sau mỗi cơn mưa mùa xuân, bông trang cười mủm mỉm khắp sườn đồi, trông y như nụ cười của trẻ thơ. Khác với hoa móc không ăn được, lũ trẻ chúng tôi thích hái cả chùm hoa trang và ngửa mặt lên trời hút mật ngọt từ cuống hoa. Mùa xuân...hương cỏ bắt đầu dậy lên ở các sườn đồi, và những con suối, những mặt hồ bắt đầu xanh trong trở lại; người gặp người trong niềm hớn hở; những đàn cá nhỏ bơi lượn trong hồ nước trông vui vẻ và bạo dạn hơn; thiên nhiên cũng độ lượng hơn và thu giấu nỗi buồn của mình vào nơi nào không biết.

   Một buổi chiều ở đây, tôi đứng lặng im nhìn con chim chàn làng đậu chơi trên cành cây mít sau hè. Chim chàng làng cũng giống như chim bách thanh – con chim này có thể bắt chước được tiếng hót của tất cả loại chim, đến độ người ta không còn nhớ tiếng hót riêng của nó là gì. Chim chàng làng thì vẫn giữ giọng hót riêng và người ta tưởng như nó thích đánh bạn với chính giọng hót của nó. Con chàng làng này thường thích đậu một mình nơi những cành cụt, ngó mông lung ra chung quanh rồi buông một chuỗi tiếng hót, nghe trong suốt như một chuỗi ngọc gieo giữa không trung. Người ta thường bảo ít khi được nghe tiếng chàn làng hót trong lồng. Dù nuôi từ bé thì khi lớn lên lúc bắt đầu biết hót, loài chim này vẫn quyết chí tự sát vì ý thức chim lồng. Nó dùng mười móng chân bấu vào cổ để chết. Tôi thích nghe giọng hót cao quý của chim chàng làng giống như nghe tiếng nói của Người Hiền. Một buổi tinh mơ tôi ra ngoài rừng ngắm bình minh trên rặng núi xa xanh ở phía đông, nơi ấy chân trời đỏ rực như đám cỏ cháy. Một chùm tia sáng màu hồng dọi từ đỉnh núi, tỏa rộng khắp bầu trời, và trong giây lát, màu hồng chợt biến thành màu sữa trắng. Mặt đất vẫn một màu âm u, trên cái nền đen thẫm, thỉnh thoảng lộ ra một nét trắng của những con đường mòn. Bỗng nhiên, một mảng lửa hiện ra trên đầu núi, và chạy rất nhanh theo đường biên của dãy núi trên nền trời, như có một đoàn sơn nhân cầm đuốc chạy trong một cuộc thi chạy việt dã huyền bí. Khi mảng cầu lửa chạy đến ngọn núi kia ở phía chân trời thì ngày đã bắt đầu. Tôi nhớ mãi ánh bình minh ấy, với lòng chan chứa biết ơn thiên nhiên, giống như người xưa biết ơn thượng đế kể lại trong thánh kinh; thiên nhiên với vẻ đẹp hoành tráng và bí ẩn của nó.

   Một đêm tôi đang ngủ mê ở gần cửa sổ bỗng chú Châu tiến vào đập tay nhẹ lên tấm chăn đánh thức tôi dậy. Chú Châu, ở chăn bò cho ông chủ ấp, là một thần tượng của tôi vì theo tôi, bàn tay chú làm cái gì cũng được. Chú thường đi lùng bẫy vào quảng nửa đêm và chú đánh thức tôi dậy cùng đi. Thường thì chúng tôi mang về nhà, vài con thỏ rừng hoặc chim trĩ bị mắc bẫy. Cữ ấy trăng sáng, tôi theo chú đi thật xa, đến tận ruộng mạ ở hác Súc Vạn. Thỏ rừng ở vùng này rất nhiều. Chúng tôi chặt cành sim rào hết ruộng mạ lại, chỉ trừa một khoảng trống, ở mỗi khoảng, chú Châu đặt một cái bẫy vét. Nhà của tôi ở gần một cái nương hoang gọi là vương ông Chít; vườn có cỏ mượt và rất nhiều cây ngò gai cùng rau má, và một cây mít đứng trơ trọi ở bìa rừng. Thường lúc nửa đêm, chúng tôi kéo ra thềm ngồi xem lũ thỏ rừng đùa giỡn dưới ánh trăng. Chúng xếp hàng vòng tròn và đi diễu hành vòng quanh bóng của cây mít. Lát sau có lẽ chúng kéo về hang hoặc biến ra ruộng mạ mất bóng. Đêm nay tôi đi theo chú Châu, mỗi người trang bị một cái đùi chống cửa làm vật tùy thân, và đi thăm dò dãy bẫy ở ruộng mạ. Một hai ba, ồ, quá ngoài sức tưởng tượng của tôi, hình như tất cả cần tre đều bật lên. Có đến mười chú thỏ rừng treo lủng lẳng. Chú Châu phải chạy về nhà lấy thêm những chiếc lồng để nhốt. Ngày mai là ngày giỗ cố của tôi, và mẹ tôi tha hồ mà nấu món ra-gu thỏ.

   Trước khi về đây, mẹ tôi vốn là cô giáo nữ công gia chánh ở Huế; bà biết chế biến mọi thứ. Bà nấu món ra-gu rất ngon, nhưng thứ ấy đòi hỏi rượu chát mà ở đây không có. Mẹ tôi bèn thay vào bằng rượu sim phá loãng được ông chú ăn rất ca ngợi. Từ đó mẹ tôi nổi tiếng với món ra-gu bằng thịt thỏ rừng. Ôi! cuộc sống hoang dã ở đây thật là phong phú, và mang đầy tính tự cung tự cấp.

   Mùa hè là mùa trái chín của thiên nhiên. Những trái mâm xôi chín đỏ mà kẻ hái bấy lâu nay tưởng như không có ai ngoài lũ chim chào mào; trái mua chín nắng nổ bung ra, đến độ ứ cả mật ngọt trên cành cây. Đặc biệt là trái sim, mà người ở đồng quê hái mang về bán ở chợ tỉnh. Người ta thường nhặt trái chín ở gốc cây, chắc cũng gần đầy thúng, và như vậy, còn được những trái sim ngọt lịm...Lúc ở Huế tôi thường nghe hát ru:

Đói lòng ăn nửa trái sim...

Hai tay anh vin cả hai cành

Trái chín thì hái, trái xanh thì đừng

   Thú thật tôi cứ nghĩ rằng cây sim phải lớn như cây đa. Đây là lần đầu tiên tôi thấy cây sim đích thực trong tự nhiên, và tôi cũng biết rằng hái sim cũng có nghĩa là nhặt sim. Ở vùng này, có mùa gió nam thổi mạnh. Mỗi cơn gió đi qua, lá sim bị lật theo cơn gió, bày cả mặt dưới màu trắng lên, khiến cho cả cánh rừng thay màu, chốc xanh chốc trắng, lúng liếng như cái nhìn của cô thôn nữ đa tình.

   Mùa hè còn là mùa của những trái muồng chín tới. Trái muồng tỏa ra thành chùm như hoa cau. Lúc mới kết trái, quả muồng có màu xanh, trải qua cung bậc của màu đỏ rồi đến màu đen là trái chín. Người ta hái muồng bằng cách ngửa nón đặt vào dưới chùm quả rồi dùng sào rung mạnh buồng trái. Chỉ những trái chín rụng xuống nón, những trái chưa chín thì còn lại trên cây, và hôm sau người ta trở lại hái tiếp.

   Mùa trái chín còn kèm theo những loại côn trùng. Ví dụ như rầy muồng; nó ăn trái muồng chín, và thường nằm im giả vờ chết, và thế rất dễ bắt. Nó thuộc về họ cánh cứng, khá lớn, và thường tìm thấy trong những nón muồng chín. Con châu chấu sim có lớp cánh bên ngoài màu xanh lục, và lớp cánh lụa bên trong màu sen. Nó thường đậu ăn trái sim chín, và khi động đến, nó bay vù qua các cây khác cách khoảng mười mét, xập xòe trong không trung như một con chim sẻ. Người ta tìm bắt nó, đem nướng chín, nghe mùi thơm như mùi tôm nướng.

   Mùa thu, tôi không tìm thấy loại trái nào mới, ngoài những trái chín muộn của mùa trước, hay là những quả ngọt hiếm muộn của đồi sim, như trái bông trang, trái mâm xôi..., và chuyển qua những món ăn hoang dã là ăn côn trùng. Đó là nói theo kinh nghiệm của lũ trẻ chăn bò bạn tôi, chứ thật ra tôi rất sợ côn trùng, nói gì đến chuyện ăn chúng.

   Mùa đông, mưa gió đầy trời. Gió bấc thổi qua rừng núi, lạnh buốt tận tâm can. Mùa này, chỉ còn lại màu lau trắng bạt ngàn, cả gia đình tôi mặc nhiều lớp áo chống rét, và ngồi quanh bếp lửa đốt bằng gốc sim mà gia đình nào cũng trữ sẵn đầy cả đầu chái. Ngoài rừng có những người lu thu trong gió bấc, và thường cúi xuống nhìn xoi mói vào các bụi muồng như tìm kiếm vật gì. Đó là những người đi hái nấm. Nấm mối mới nhú khỏi mặt đất, chi chít dưới chân của bụi muồng trông như một đoàn quân đội mũ sắt, và người ta nạy lên bằng những que tre, tin rằng như thế, mùa sau nấm lại mọc, nấm khỏi bị “điếc”.

   Cách nương của tôi độ ba cây số, qua nhiều hác bên kia Súc Vạn là trang viên của cụ Thượng Hữu. Nghe đâu ông ta là quan thượng thư đương thời; nhà ở Huế, quê ở vùng này, ông về làm nhà lập vườn tại quê để sửa soạn vui thú điền viên. Nương ông ta rộng mênh mông, và giao cho một người quản gia làm chủ; thỉnh thoảng tôi qua bên đó để mua chè tươi, thường chỉ gặp bà quản gia ở ngoài vườn. Bà luôn luôn cầm cây dao cau trên tay, nghiêng ngó khắp nơi, hoặc để chặt những tàu lá chuối, hoặc để chặt những nhánh chè xanh làm thành bó nhỏ bán cho lái buôn. Phía ngoài, chỗ nhìn qua nhà tôi, vườn cụ Thượng có một chiếc cổng gỗ rất cũ, đến nỗi những bụi cây hổ ngươi mọc đầy cả lối đi. Tôi ngang qua đó, thường dừng lại gõ vào cửa mấy tiếng nhưng cửa vẫn khóa chặt và bỏ hoang.

   Cốc! Cốc! Cốc!

   Tôi lại gõ cửa, biết chắc rằng không có ai mở, giờ ấy bà quản gia đang bận chặt chè ngoài nương. Nhưng bỗng nhiên cánh cửa bật mở và trước mắt tôi hiện ra một thiếu nữ mặt đẹp như hoa, mặc áo cộc bằng vải phin xanh nhạt có thêu cành hoa trắng trên ngực áo. Chị tươi cười hỏi tôi:

- Chú muốn hỏi ai?

Tôi nghiêm trang trả lời, và hỏi tên tuổi chị, chị ở đâu, sao lâu nay tôi không thấy ở đây. Được biết, chị tên là Thủy, học lớp đệ lục trung học trường Đồng Khánh và là bạn của Kim Ngọc, con gái cụ Thượng, cùng học một lớp, hiện chị Ngọc đang ở nhà tại Huế. Chị mắc bệnh tim nặng, nên về đây ở cho yên tĩnh. Khi được nghe tôi tự giới thiệu là học sinh lớp nhất trường Chaigneau ở Huế, chị Thủy reo lên:

- Tưởng ở đây toàn là rừng núi, té ra lại gặp bạn cố tri!

   Từ đó, chúng tôi thành đôi bạn, và chị Thủy vẫn tìm đến chỗ tôi nằm đọc sách ở khu mộ cổ để chuyện gẫu. Cũng có khi tôi đưa chị đi lang thang, theo những con đường rừng. Phía đầu hè của nhà cụ Thượng Hữu, thông với hành lang nhà trong có một ngôi nhà xây bằng đá hoa cương để trần từng viên thô, chính là căn nhà nguyện của gia đình cụ Thượng Hữu. Có lần, tôi theo cửa cuối phòng vào xem bên trong. Bức tường dài, một bên treo những tượng chúa, gian giữa là những bệ thờ, chạm nổi hình dấu thánh, bệ đặt những tượng chúa, có cái là tượng chúa Giê-su bị đóng đinh trên thập tự, có cái là tượng Đức Mẹ Đồng Trinh...Tôi theo cửa lớn theo đứng vào cuối phòng, chị Thủy quỳ ở bàn đầu, mặt cúi xuống đất; hoặc có lúc ngẩng lên, ngước nhìn tượng chúa, dáng cầu khẩn; không để ý đến ngoại vật. Một ngọn nến trắng chảy hắt hiu trước mặt, xem ra chị có vẻ khẩn trương lạ thường. Ôi chị Thủy! Chị có điều gì đau khổ ở trong lòng, tôi không biết, cứ tưởng linh hồn chị bình lặng như mặt nước ở trong rừng. Tôi có nghe nói rằng, những linh hồn chưa phạm tội được trú ngụ nơi thiên đường. Và đó là những linh hồn trong sáng, trong sáng đến nỗi không có cái gì ở trần thế này có thể so sánh được; tôi cho rằng ngoại trừ màu trắng của hoa phù dung, mà tôi đã có lần thấy. Ừ, mà biết đâu, linh hồn chị Thủy lại là một đóa phù dung...?!

   Phía đông khu vườn của ông chủ ấp, cách xa độ hai km là một khu lăng mộ cổ. Tôi thường ra nằm đọc sách ở đó. Ông chủ ấp đã xây cất nên khu lăng mộ ấy, để làm chỗ yên nghỉ cho mẹ thân sinh của ông, bên trái là một ngôi mộ gió, chừng như là của chồng bà. Khu lăng mộ bỏ phế từ lâu, cái nền gạch khá rộng mọc dày những địa y dưới bóng những cây thông rậm rịt. Tôi thường ra nằm đọc sách ở đó, trên lớp địa y luôn luôn toát ra hơi ẩm dưới lưng tôi. Tôi đến nơi đọc sách vào khoảng tám giờ sáng mỗi ngày, nằm lười biếng bên cạnh mớ thức ăn mà tôi vừa hái theo mùa ở trong rừng ra. Không ngờ, một cuốn sách hay viết cho trẻ con, cuốn “Dế mèn phiêu lưu ký” của Tô Hoài đã rơi vào tay tôi, và đã khép lại thời thơ ấu của tôi. Nguyên ở vùng đồng bằng thuộc tỉnh Quảng Trị có làng quê của tôi. Chị tôi lấy chồng ở làng bên, để lại một rương sách mua ở thị xã, trước khi anh chị kéo nhau đi kháng chiến. Tôi thường bò lên chiếc rương ấy, lục ra hàng chục cuốn sách có tranh minh họa hấp dẫn và ôm theo lên rừng. Nên nhớ rằng tôi sắp rời khỏi một ngôi trường Pháp, do đó, tôi rất ít biết về văn chương Việt Nam. Tôi quyết tâm dùng thì giờ chạy loạn này để khắc phục lỗ hổng của kiến thức ở trong tôi; bằng cách chăm chú đọc sách. Tôi quay lại với quyển sách “Dế mèn phiêu lưu ký” đã để lại một ấn tượng rất tốt đẹp đối với tôi. Trước hết nó đem lại cho tôi một khái niệm rộng lớn và cách say mê thế giới, và con người ta sinh ra không phải là để ở yên nơi quê cha đất tổ của mình. Cuốn truyện của Tô Hoài làm thức dậy trong tôi một giấc mơ giang hồ cuồng nhiệt, và ý định bứt phá khỏi những cái nhỏ nhen, tầm thường để giành lấy một số phận yên ổn, vô sự đã thoắt trở nên xa lạ với tôi cho đến suốt cuộc đời. Xin khẳng định một cách chân thành rằng, cái cảm giác bất an trong tôi, hoặc nói đúng hơn, cái cảm giác đất rung dưới bàn chân trong tôi chính là dư vang của mấy chữ “Dế mèn phiêu lưu ký” của Tô Hoài mà tôi đã đọc lúc thơ ấu.

   Một hệ quả khác đã mọc lên trong lòng tôi, ấy là tình bạn trong cuộc đời. Thời thơ ấu, tuổi trưởng thành cho đến bây giờ, tình bạn luôn là một bùa hộ mệnh đối với tôi, và khi vấp ngã dọc đường đời, tôi lại gượng dậy và đi tiếp là bởi tôi tin rằng những bạn bè chí thân của tôi đâu đó không bao giờ nghĩ là tôi lại chịu bó gối nằm im khi vấp ngã.

   Chú Châu và bọn trẻ chăn bò khác, thỉnh thoảng vẫn đến tìm tôi tại khu lăng mộ. Bọn họ thường hái mang đến cho tôi những trái cây của khu rừng mà tôi không biết, có khi còn xách cả một xâu cá mà họ bắt được dưới suối. Riêng chú Châu còn là một tay thổ địa kỳ tài. Một hôm chú mang roi bò đến bảo tôi tìm bắt cho chú một con dế, chú sẽ đi bắt con chin Trả về nuôi chơi. Đã ba hôm nay chú thấy bóng dáng nó quanh quẩn ngoài suối. Tưởng gì chứ dế thì quá dễ, chỉ cần giở chiếc cối đá ở góc nhà là thấy nó, dĩ nhiên không phải là dế mèn, mà chỉ là một con côn trùng thuộc họ dế chỉ quanh quẩn bên con người, ở xó nhà. Tôi vừa về nhà bắt dế mang ra, thì chú Châu cũng vừa làm được chiếc bẫy cần tre, làm bằng thân cây hóp ở vườn nhà ông chủ ấp. Chú vác rựa ra suối, vừa đi vừa huýt sáo. Một lát sau chú trở về trong chiếc lồng lủng lẳng theo sau mũi rựa đã xập xòe một con chim Trả. Tôi phục tài chú quá chim trời cá nước chỉ cần nghĩ thoáng qua một khoảnh khắc là chú có thể tìm cách bắt nhốt chúng nó lại. Sự vật của trái đất đều giống y như thứ vật cất trong túi áo của chú.

   Chú Hốt, anh của chú Châu, cũng thường đến khu lăng mộ chơi với tôi. Chú học ban chuyên khoa trường Khải Định ở Huế, thường vận chiếc áo dài trắng, đội mũ cối đến nhà tôi ăn cơm vào ngày chủ nhật. Thảng hoặc, chú mặc đồ hướng đạo đi cắm trại, cũng ghé vào nhà tôi mượn vài ba dụng cụ nấu bếp. Ở khu lăng mộ, chú quen với chị Thủy, và hai người thường tranh cãi với nhau những điều gì tôi không quan tâm. Có lần tôi thấy chị Thủy cười, một tay khoanh trước ngực, một tay tựa vào chiếc má mũm mĩm của chị, đôi mắt tinh nghịch nhìn vào chú Hốt:

   - Theo em nghĩ, lịch sử nhiều khi cần nhắc những sức mạnh tổng hợp ngang với sức của một cuộc cách mạng để quét tước những ứ đọng tận đáy xã hội. Như vậy thì cách mạng cũng là một yêu cầu của lịch sử.

   Từ đó, tôi hay thấy bóng dáng của chú Hốt thấp thoáng ngoài rừng. Tôi biết rằng chú ra chỗ hồ nước để gặp chị Thủy. Chả là, nơi đầu hác Súc Vạn có một cái hồ lớn, nơi khởi nguyên của một con suối nhỏ chảy về hướng đồng bằng. Chung quanh hồ, mọc một loạt cây to cành đâm ngang khiến trông ra rừng có vẻ một công viên mùa thu. Trên những cành ngang, nhan nhản những tổ chim, nào là tổ cu gáy, tổ sáo sậu...và dưới chân những cây cao ấy, tôi thưởng thấy vài chú sáo sậu nhảy nhót tìm bắt châu chấu trong đám cỏ may rộng mênh mông. Dưới gốc cây quanh hồ có vài viên đá tảng lớn để ngồi, mà người ta thường gọi là “đá vệ quốc đoàn”. Nghe nói ngày xưa bộ đội đóng quân ở vùng này, còn để lại những viên đá. Chú Hốt thường ra ngồi ở những viên đá nọ. Từ nông trang cụ Thượng Hữu, bắt đầu những con đường mòn chạy lang thang trong rừng, để cuối cùng, đổ về đồng bằng. Dọc theo những con đường mòn này có những bầy chim núi gọi là chim “chiều hót”. Chúng thường nằm ngủ bằng cách phủ phục sát mặt đất bên đường. Nghe tiếng động của bàn chân bước qua, chúng luôn bay vụt lên và kêu réo từng hồi “Chiều hót! Chiều hót!”.

   Tuần sau gia đình chú Hốt hạ con lợn thịt trong chuồng thết bà con, để tiễn đưa chú Hốt lên đường. Chú lặng lẽ đi một mình, mặc y phục hướng đạo sinh, lưng đeo ba lô, có tôi và chị Thủy tiễn đưa chú đi. Chúng tôi tiễn chú ở đầu ngõ cuối hác Súc Vạn, tôi thì buồn rười rượi, và chị Thủy thì mắt đỏ hoe. Chú Hốt sẽ đi rất lâu. Không ai biết chú sẽ đi đâu, nhưng chúng tôi thì rõ điều ấy: chú Hốt đi gia nhập Vệ quốc đoàn. Sau chú Hốt, đến lượt chú Châu và những trai tráng khác cũng tiếp tục lên đường; và gia đình tôi cũng trở lại Huế. Xóm Mộ như quạnh vắng hẳn, không còn ai.

   Thấm thoắt cũng gần một đời người, tôi mới trở lại thăm chốn xưa. Đầu tóc bạc, mặt nám phong trần, một mảnh áo khinh cừu rũ rượi trong gió bấc, tôi trở về xóm Mộ, như một gã du tử thời cổ. Cảnh vật đã đổi khác hoàn toàn: trước mắt tôi là một hồ nước rộng mênh mông; xa thẳm ở bờ bên kia, những đồi sim vẽ những vết đen trên nền trời. Tôi hiểu rằng thật ra vào mùa này những đồi sim đang chấp chới theo cơn gió.

   Không hiểu sao mỗi lần nhớ lại chị Thủy trên con đường rừng dẫn tới khu lăng mộ tôi lại thấy chị đang trèo một cái dốc cao, con đường rừng trước mặt chị chính là con đường dốc bò lên đỉnh cuộc đời. Chị đã cô đơn xiết bao, nỗi cô đơn mà chị chịu đựng lấy một mình, thật can đảm, không chia sẻ cùng ai; cha mẹ chị đã chia tay lúc chị hẳn còn nhỏ, chị nhờ một bà cô nuôi ăn học và lớn lên. Chị đã đi quanh tuổi thanh xuân bằng bàn chân nhẹ thênh, nhẹ đến nỗi không đánh thức giấc ngủ của những con chim “chiều hót”. Sau này khi trở về Huế, tôi được biết rằng chị đã biết tin chú Hốt tử trận trên sông Mê Kông trong khi chở súng về cho bộ đội Việt Nam. Người ta nói rằng khi nghe tin ấy chị Thủy lên một cơn đau tim dữ dội, và khi được tin mẹ chị từ trần ở một làng quê, chị Thủy cũng qua đời. Khi kể lại chuyện này, tôi vẫn nhớ khuôn mặt buồn rầu của chị ở xóm Mộ, nhớ hình ảnh chị như gập đôi người trên nỗi cô đơn, hôm ấy, trong nhà nguyện bằng đá.

   Tôi loáng thoáng nhớ một câu của nhà văn Pháp A.France mà tôi đã thuộc lòng: “Cũng trời ấy, cũng đất ấy, chỉ mình cậu ta không còn nữa”. Vâng, cái cậu bé tội nghiệp nọ, mê mải chạy đuổi theo con châu chấu sim màu tím, từ ngọn đồi này sang ngọn đồi kia, cậu bé ấy bây giờ đã thuộc về một chân trời khác.

   Tôi nghe nói người ta đã gom những con suối trên rừng thành cái hồ này, để tưới cho những ruộng lúa ở đồng bằng; nước đã tràn lan lên xóm Mộ và thời thơ ấu của tôi. Bây giờ tất cả chìm sâu dưới đáy hồ kia. Đã ngủ yên dưới đáy hồ này cả thế giới muôn vàn của tuổi thơ ấu của tôi, tuổi trẻ thoáng qua của chị Thủy, mà chị thường nói rằng “giống như một vết mực tím trên trang vở học trò”.

H.P.N.T

Hoàng Phủ Ngọc Tường
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 73 tháng 10/2000

Mới nhất

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Những người đàn bà tháng Tư năm Bảy lăm

28/04/2024 lúc 16:28

Gần nửa thế kỉ nay, nhiều người viết về lứa trẻ sinh ra dịp 30 tháng 4 năm 1975,

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

01/05

25° - 27°

Mưa

02/05

24° - 26°

Mưa

03/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground